Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam

DẠY VÀ HỌC. Tại sao Việt Nam đến nay chưa có thương hiệu riêng cho gạo xuất khẩu mặc dù đã tham gia xuất khẩu gạo nhiều thập niên? Làm sao xây dựng một thương hiệu cho lúa gạo VN theo tiêu chuẩn quốc tế? Từ Cali (Mỹ), Tiến sỹ Trần Văn Đạt , nguyên chánh chuyên gia FAO, Rom đã gửi về bài viết :" Vài ý kiến về xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam"



Vài ý kiến về
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO LÚA GẠO VIỆT NAM

TS. Trần Văn Đạt
Nguyên Chánh Chuyên Gia FAO, Rome

Tại sao Việt Nam đến nay chưa có thương hiệu riêng cho gạo xuất khẩu mặc dù đã tham gia xuất khẩu gạo nhiều thập niên?

Từ thế kỷ 19 hoặc hơn, Việt Nam (VN) đã xuất khẩu gạo rất sớm đến các nước láng giềng như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhựt Bổn, Philippines, Indonesia, Malaysia...; nhưng hầu hết là loại gạo có chất lượng thấp. Trong thời thực dân Pháp, gạo thơm cũng được xuất khẩu từ Miền Bắc qua Hồng Kông, sau đó vào Trung Quốc rồi tái xuất khẩu qua Nhựt Bổn với số lượng đáng kể (Dumont, 1995), nhưng không có được thương hiệu nổi tiếng trong vùng Đông Á này, vì thiếu chủ trương xây dựng thương hiệu của nhà nước bấy giờ!

Vào đầu thế kỷ 20, gạo xuất khẩu VN cũng có thương hiệu khá nổi tiếng một thời; đó là gạo Cà Đung Gò Công. Các thương gia Pháp rất thích giống lúa này vì hạt gạo tròn lớn gần giống với loại gạo Japonica được giới tiêu thụ ưa chuộng đến nay. Họ mua lúa Cà Đung đem xay chà ở Tây Ban Nha, rồi pha trộn với gạo tốt của xứ nầy để đem vào bán ở Pháp với số lượng khá lớn, khoảng 100.000 tấn mỗi năm (Service des affaires économiques, 1916). Sau vài thập niên, Việt Nam không còn xuất khẩu loại lúa này qua Châu Âu nữa, do chất lượng không đạt chuẩn quốc tế: lẫn lộn nhiều giống lúa khác, có nhiều hạt cỏ, chất lạ, gạo vàng và tồn trữ kém. Thương hiệu lúa Cà Đung không tồn tại lâu dài! (Trần Văn Đạt, 2005).

Từ bài học nêu trên, xây dựng thương hiệu cho một loại nông phẩm đã là khó, và làm sao để giữ thương hiệu đó lâu dài lại càng khó hơn, như Basmati của Pakistan và Ấn Độ hiện diện từ thập niên 1930 đến nay. Để có một thương hiệu cho lúa gạo xuất khẩu, Việt Nam cần phải có một chương trình phổ biến và nội lực thật sự, nghĩa là gạo Việt phải là đặc sản, chất lượng phải đạt chuẩn mực yêu cầu, năng suất tương đối cao, môi trường sản xuất bền vững và được đông đảo giới tiêu thụ ưa thích. Ngoài ra, thương hiệu cần được tích cực bảo vệ và phổ biến liên tục.

Tuy nhiên, đến nay gạo xuất khẩu VN chỉ biết đến là loại gạo trắng bình thường, nên chưa có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường thế giới. Trong khi đó, Thái Lan có gạo nổi tiếng khắp nơi như Khaw Dawk Mali, Hom Mali, Jasmine 85; Ấn Độ và Pakistan có gạo Basmati; Âu Châu (Ý) có gạo Arborio, Thaibonet (M101 của Mỹ); Úc Châu có Amaroo... Hơn 3 thập niên qua, Việt Nam đã phóng thích nhiều giống lúa cải thiện, nhưng chưa có giống nào lai tạo trong nước được trồng đại trà như các giống nhập nội từ Viện Lúa quốc tế IRRI, Philippines (IR 64, IR 50404, CR 203), Thái Lan (Hương lài, Khao Dawk Mali), Đài Loan (VD 10, VD 20), Trung Quốc (Khang Dân, Q5).

Vài nguồn thông tin cho rằng giá gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế luôn thấp hơn gạo Thái Lan từ 50 đến 100 Mỹ kim mỗi tấn cho cùng một chủng loại do thiếu thương hiệu nổi tiếng. Điều này chỉ đúng một phần, ngoài ra còn do chất lượng kém (trong quá trình trồng trọt, thu mua và biến chế gạo cho thị trường), giá thành cao, cộng thêm điều kiện tiếp thị, quản lý xuất khẩu của các doanh nghiệp nhà nước.

Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai kế hoạch 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, nhưng vẫn còn bị giới hạn, chủ yếu do giá mua lúa chất lượng cao chưa phân biệt với chất lượng thấp, và thiếu các giống lúa chất lượng tốt năng suất cao mà nông dân và thị trường đòi hỏi. Hơn nữa, các thương lái có khuynh hướng mua lúa không phân biệt nhiều giữa lúa có chất lượng cao và thấp. Trong thời gian qua, Việt Nam trồng lúa nhằm xuất khẩu gạo với đặc biệt quan tâm đến số lượng hơn là chất lượng, trong khi quên đi thị trường nội địa đòi hỏi chất lượng cao. Cho nên, gạo tốt của Thái Lan, Cambodge có cơ hội xâm nhập dễ dàng ở các tỉnh biên giới và đô thị lớn trong nước.

Tóm lại, Việt Nam đến nay chưa có thương hiệu nổi tiếng lâu dài do các lý do sau đây:

(1) Chưa có chương trình và nổ lực thực sự hữu hiệu để xây dựng và phổ biến thương hiệu cho lúa gạo VN, và thiếu điều hợp cho mục tiêu này,

(2) Chưa có nội lực hay chưa có giống lúa chất lượng bản xứ được trồng đại trà, và môi trường sản xuất bền vững,

(3) Thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, thương lái, nông dân và khảo cứu,

(4) Thiếu tên thương hiệu hấp dẫn để quảng bá trong và ngoài nước.

Làm sao xây dựng một thương hiệu cho lúa gạo VN theo tiêu chuẩn quốc tế?

Bảy bước để tiến đến thành công xây dựng thương hiệu lúa gạo VN:

Bước 1: Trước hết cần thiết lập Chương trình Quốc gia Xây dựng Thương hiệu cho Lúa gạo VN, nhằm tăng thêm giá trị gạo Việt trên thị trường quốc tế và quốc nội, đồng thời khuyến khích tăng gia sản xuất lúa gạo chất lượng cao trong nước.

Hiện nay đã có vài hoạt động xây dựng thương hiệu như thương hiệu Một bụi đỏ Hồng Dân (gạo vàng sẫm có ánh hơi đỏ) ở Bạc Liêu, thương hiệu gạo thơm ST ở Sóc Trăng, thương hiệu Agrimex-Kitoku (hợp tác với Nhựt)..., nhưng còn riêng rẽ, thiếu chiến lược phối hợp và hỗ trợ đắc lực của nhà nước trong kế hoạch hóa công tác xây dựng thương hiệu lúa gạo cho VN. Cần nhớ rằng giới tiêu thụ trong nước cũng như thế giới đều ưa chuộng loại gạo có thương hiệu dù giá cao hơn.

Bước 2: Chọn tên thương hiệu hấp dẫn cho gạo xuất khẩu VN để tránh xuất khẩu gạo trắng không có tên thương hiệu như hiện nay. Thương hiệu có thể do từ tên một giống lúa nổi tiếng được nhiều người ưa thích, như Basmati 370, Khaw Dawk Mali, Jasmine 85; hoặc dùng một tên tổng quát cho nhiều loại gạo xuất khẩu, như gạo Basmati, gạo Jasmine. Khi gặp gạo Jasmine người ta nhận ra đó là gạo Thái Lan. Gạo Basmati là của Pakistan hay Ấn Độ.

Việt Nam trước hết có thể chọn những tên như Perfume rice, Aroma, Fragrance, Scent, Nàng hương, Lúa thơm… cho các loại gạo thơm, loại thượng hạng (0% tấm) với hình dáng, kích thước, mẫu mã ưa thích, có tính cách bản địa; và phải có chiến lược tiếp thị tốt để phổ biến thương hiệu rộng rãi trong và ngoài nước.

Bước 3: Phải nổ lực nhiều hơn nữa trong công tác khảo cứu: thu thập, tuyển chọn và lai tạo các giống lúa chất lượng tốt cho xuất khẩu. Mặc dù có nhiều giống lúa thơm được tiêu thụ trong nước, nhưng chỉ có một vài giống đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mà thôi. Đây là công tác đầu tiên và quan trọng của một Chương trình Xây dựng Thương hiệu. VN đã phóng thích nhiều giống lúa cải tiến, nhưng chưa có giống lúa nào nổi bật được trồng đại trà, ngoại trừ một số giống lúa có nguồn gốc nước ngoài.

Đối tượng lúa xuất khẩu để nghiên cứu cần bao gồm (i) các loại lúa thơm bản xứ, (ii) loại lúa thượng hạng (ăn ngon, với hạt có kích thước, hình dáng, độ dẽo và ít mùi thơm thích hợp giới tiêu thụ), (iii) loại lúa hữu cơ (không dùng chất nông hóa), (iv) loại lúa gạo tốt và an toàn cho sức khoẻ (có hàm lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khoẻ), và (v) loại lúa gạo GAP.

Để tạo một ấn tượng tốt về thương hiệu cho gạo Việt lâu dài, giống lúa phải hội đủ tối thiểu 4 tiêu chuẩn:

1) Giống lúa kháng một số sâu bệnh chủ yếu, được nông dân canh tác rộng rãi để xuất khẩu,

2) Chất lượng được giới tiêu thụ chấp nhận ở nhiều thị trường nội địa và thế giới,

3) Loại gạo chỉ sản xuất ở VN hay đặc sản bản địa, và

4) Môi trường trồng lúa bền vững.

Bước 4: Hướng dẫn nông dân sản xuất lúa xuất khẩu với hợp tác tích cực của cấp Tỉnh. Những người trồng lúa trong những vùng được khoanh cho xuất khẩu cần được hướng dẫn sản xuất lúa giống thuần mỗi năm và quản lý sản xuất từ gieo hạt đến thu hoạch, tồn trữ cho đúng tiêu chuẩn gạo xuất khẩu. Họ cần được giúp tín dụng nông thôn để trang trải chi phí sản xuất. Các nhà xuất khẩu cần hợp tác trực tiếp với nông dân để sản xuất gạo có chất lượng cao, đồng thời xây dựng thương hiệu và bành trướng thị trường xuất khẩu.

Bước 5: Cần tổ chức lực lượng thương lái, giới xay chà, biến chế để đảm bảo chất lượng cao cho lúa gạo thu mua và chế biến. Khâu này rất quan trọng vì hạt gạo phải trải qua nhiều tầng bậc: Lúa được thương lái nhỏ đến mua tại nhà, tại ruộng, rồi chuyển đến hàng xáo và các nhà máy xay xát, sau đó đến các doanh nghiệp biến chế, cung ứng rồi cuối cùng tới các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu! Khâu này sẽ làm tăng thêm hoặc hạ thấp chất lượng hạt gạo, tùy theo lương tâm và lợi tức của giới trách nhiệm. Một số luật lệ cần được thiết lập quản lý các công đoạn này để tránh sự pha trộn làm ăn kém lương thiện hiện đang hoành hành, làm cho giới tiêu thụ không biết gạo chất lượng thật sự có chất lượng hay không. Họ cần được tổ chức, hướng dẫn và theo dõi.

Đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu tổ chức kết nối các đội ngũ thương lái- giới xay chà, biến chế này với hoạt động xuất khẩu của mình. Sự độc lập của thương lái hiện nay gây thiệt thòi quyền lợi cho nông dân. Đây là khâu ảnh hưởng nhiều nhứt đến chất lượng và giá cả ngoài thị trường. Chẳng hạn, gạo Nàng thơm Chợ Đào có nhiều giá từ cao xuống thấp, tùy theo thương gia pha trộn với ít hay nhiều gạo thường! Do đó, cần phải có những cố gắng nâng giá gạo thơm cho đúng giá trị thật sự để khuyến khích giới sản xuất trong nước và đạt mục tiêu xuất khẩu.

Bước 6: Các doanh nghiệp xuất khẩu không những bảo đảm chất lượng cao và giá cả hợp lý giữa doanh nghiệp và nông dân, không để người sản xuất bị ép giá như từ trước đến nay; mà còn phụ trách phổ biến tích cực thương hiệu gạo và tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ thế giới cho gạo thương hiệu, nhứt là tại các nước Âu Mỹ và khối Á Rập, nơi đòi hỏi gạo chất lượng cao cấp. VN cần phải đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường, đóng gói bao bì và dịch vụ thương mại, trong lãnh vực này Thái Lan chứng tỏ tay nghề rất cao, VN cần bắt chước. Hiện nay các doanh nghiệp lớn chỉ “ngồi không hưởng lợi” và kém khả năng linh hoạt kinh doanh quốc tế. Các doanh nghiệp cần tổ chức các hệ thông thu mua lúa gạo hữu hiệu, từ ruộng nông dân đến nơi xuất khẩu để tránh bớt giới trung gian, thương lái làm ăn độc lập gây thiệt hại quyền lợi nông dân và tổn thương uy tín của thương hiệu gạo VN.

Bước 7: Cần có sự điều hợp hữu hiệu của nhà nước cho 4 thành phần tham gia chương trình xây dựng thương hiệu: nhà khảo cứu lúa gạo, nông dân trồng lúa, thương lái-giới xay chà-biến chế và doanh nghiệp xuất khẩu trong khung Chương trình Quốc gia Xây dựng Thương hiệu cho Lúa gạo VN.

Tóm lại, công tác xây dựng thương hiệu cho một loại nông sản đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực của nhiều giới, với sự liên kết hữu hiệu giữa 4 thành phần trách nhiệm liên hệ, dưới sự điều hợp của nhà nước (Hiệp hội Lương thực VN). Nếu không bắt đầu từ bây giờ sẽ không bao giờ có được kết quả mong muốn. Một khi đã có Chương trình Xây dựng Thương hiệu rồi, nếu một trong 4 thành viên hợp tác trên không hoàn thành trách nhiệm sẽ kéo dài thêm công tác xây dựng thương hiệu. Do đó, vài trò điều hợp, hướng dẫn và hỗ trợ của nhà nước, Hiệp hội Lương thực VN là tối cần thiết để thành công.

Trần Văn Đạt, Ph. D.
Tài Liệu Tham Khảo
1) Dumond, R. 1995. La culture du riz dans le delta de Tonkin. Printing House in Bangkok, Thailand, pp 592.
2) Service des affaires économique, 1916. Bulletin économique de l’Indochine, No. 117, Jan-Fev. 1916, imprimerie d’Extrême-orient, Hanoi-Haiphong.
3) Trần Văn Đạt. 2005. Tiến Trình Phát Triên Sản Xuất Lúa Gạo Tại Việt Nam: từ thời nguyên thủy đến hiện đại. NXB Nông Nghiệp, Sài Gòn, pp 316.
4) www.toquoc.gov.vn/ Gạo Việt cần một cái tên (5/2/2010).
5) VietNamNet/VOV: Building a trademark for Mekong Delta Rice. Viet Nam Business News (30-11-2009) (http://vietnambusiness.asia/building-a-trademark-for-mekong-delta-rice/).

(Sử dụng bài viết do tác giả gửi)

Mời các bạn tham gia diễn đàn CÂY LƯƠNG THỰC tại  http://foodcrops.ning.com/
Đọc bài   FOOD CROPS, LÚA GẠO, CASSAVAVIET, CROPSFORBIOFUEL

Không có nhận xét nào: