Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Nguyễn Du và những câu thơ tài hoa


DẠY VÀ HỌC. Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Tuổi thơ đọc Kiều, tôi thích nhất hai câu: "Cỏ non xanh rợn chân trời./Cành lê trắng điểm một vài bông hoa". Lớn lên, lời thơ ám ảnh là mối tình của Thuý Kiều và Từ Hải "Trai anh hùng, gái thuyền quyên. Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng". Sau này khi qua trãi nghiệm, tôi tâm đắc nhất  với hai câu kết: "Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Thơ Nguyễn Du lung linh, huyền ảo (1), đã có biết bao lời bình suốt từ xưa đến nay. Gần đây, thêm những lời bình rất hay của Nguyễn Thế Quang (Nguyễn Du, Tiểu thuyết lịch sử, Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, Công ty TNHH Sách Phương Nam phát hành năm 2010, 416 trang) để càng thông tỏ hơn sự hiền tài của nhà văn hoá lớn. Bài viết dưới đây của nhà giáo Nguyễn Đình Chú " Nhà văn Đặng Thai Mai chọn câu Kiều hay nhất" càng làm sáng thêm Nguyễn Du và những câu thơ tài hoa.

Hoàng Kim

xem tiếp....

NHÀ VĂN ĐẶNG THAI MAI
 CHỌN CÂU “KIỀU” HAY NHẤT

Nguyễn Đình Chú


Hè 1958, vì là trợ lý của giáo sư Đặng Thai Mai tại Khoa Văn chung của hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được giao nhiệm vụ tháp tùng “ông cụ” đi nghỉ mát ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Trong thời gian sống cạnh Thầy, qua những chuyện đàm đạo tôi học được nhiều điều bổ ích, quý báu. Hôm đó, trong không khí thầy trò thân mật như cha con, tôi hỏi thầy:
-         Dạ! theo thầy, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, câu thơ nào hay nhất? Ông cụ nhếch mép cười – vẫn cái cười hóm nhẹ, đôn hậu, thâm thúy rất Đặng Thai Mai – trả lời ngay:
-         Câu ấy, chứ còn câu nào.
-         Dạ câu nào ạ?
-         Câu Nguyễn Du tả cơ thể Thúy Kiều:
                                                              Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên

Tôi hỏi: Dạ! đây là thầy nói với em giữa bãi biển Sầm Sơn lộng gió ban chiều, chứ về giảng đường đại học, thầy có nói như vậy không ạ, với mọi người sinh viên? Thầy tôi đã nghiêm mặt lại, nói với một giọng cương quyết có pha chút gay gắt: sao lại không? Tôi hơi sợ và không dám thả giọng bông lơn gì thêm. Câu chuyện đó xảy ra cách đây 34 năm. Và sau đó, trong quan hệ thầy trò đã bao phen gần gũi, cho đến ngày thầy qua đời, tôi cũng không bao giờ trở lại trò chuyện với thầy về hai câu thơ Kiều hay nhất này nữa. Nhưng trong lòng thì vẫn vương vấn, vẫn nhiều lần suy nghĩ về cách chọn của người thầy, nhà văn, vị học giả- mà trí thức Việt Nam, dù theo chính kiến nào cũng kính nể này.
Hẳn là từ lâu, đến với Truyện Kiều, người Việt Nam vẫn có thú chơi, thi nhau chọn và giải thích câu Kiều nào hay nhất (chứ không phải hay duy nhất). Và dĩ nhiên là đã có nhiều cách chọn. Không ít người đã chọn 2 câu:
Dưới câu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Hai câu thơ này hay là ở giá trị tâm lý đi đôi với giá trị tạo cảnh và tạo hình là để tạo tình. Nguyễn Du viết hai câu thơ này là nhằm gói lại cái chuyện Kim Kiều vừa gặp nhau buổi đầu đã chớm nở một mối tình trong sáng tuyệt trần. Có điều, đây đang là “tình trong”, chưa phải “tình ngoài”: “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” đó mà nói ra là Kim Kiều đã yêu nhau thì quả là tồ, chẳng tế nhị gì. Nguyễn Du thiên tài – mà ở ông, trước hết là có một khả năng vào bậc thánh trong việc nhận thức và phản ánh tâm lý con người trong sáng tạo nghệ thuật, sẽ không bao giờ, dù là một lần, sa vào sự thô thiển đó. Ông đã gói chuyện lại bằng hai câu thơ tả cảnh mà riêng hình thức tả cảnh này đã là một sự thích ứng không thể nào hơn với trạng thái “tình trong” kia. Nguyễn Du đã lấy cái kín, để nói cái kín, nhưng đâu phải kín bưng, kín mít để không ai hiểu ra chuyện gì trong đó nữa? Với Nguyễn Du, trong trường hợp này, kín mà vẫn hở. Thế mới thành chuyện. Trong hai câu thơ tả cảnh này, cái độ “trong veo” của giòng “nước chảy” dưới cầu kia là gì? Những cành liễu bên cầu có lá dài, mềm như tơ rủ xuống, bóng liễu ban chiều ngả dài hòa quyện với giòng nước “trong veo” xuôi chảy, chập chờn “thướt tha” và không đứt kia là gì? Từ đâu ra ? Nếu không phải là từ cái “tình trong như đã mặt ngoài còn e” trong sáng tuyệt trần đó.
Nói hai câu Kiều này là hay nhất, rất đúng. Nhưng không ít người còn chọn hai câu  này:
Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Hai câu thơ thật là đơn giản. Tưởng như ai cũng làm được.Ấy nhưng hoàn toàn không. Phụ nữ, đàn bà Việt Nam khổ, tự đời nảo đời nào, nhưng văn chương Việt Nam trước Nguyễn Du đã nói gi được nỗi “đau đớn” đó? – Có. Văn học dân gian đã nói nhiều, nhưng thiếu độ khái quát. Riêng văn học viết, văn học bác học thì đến trước thời  Nguyễn Du một ít và cùng thời Nguyễn Du mới cất tiếng được, nhưng cũng chưa ai nói đến độ là quy luật là “lời chung” , là cái “phận” đàn bà “đau đớn thay” này. Mà Nguyễn Du đâu chỉ nói về cái “bạc mệnh” của cái phận đàn bà Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Mộng Liên Đường chẳng đã nhận xét rất đúng: Nguyễn Du có con mắt trông thấu sáu cõi, có tấm lòng nghĩ tới muôn đời” đó sao. Trên trái đất này, ở đâu và lúc nào, với quá khứ đã đành, còn với hiện tại và tương lai, chả lẽ tiếng kêu xé lòng của Nguyễn Du trong hai câu thơ này đã thôi không cần thiết? Nói hai câu Kiều này là hay nhất, cũng rất đúng.
Nhưng hãy trở lại với hai câu Kiều mà học giả Đặng Thai Mai đã chọn. Phải nói ngay, đây là một hình tượng khỏa thân không có trong Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm tài nhân – Trung Quốc và là độc nhất vô nhị trong lịch sử văn chương Trung đại Việt Nam. Đến hôm nay, dù văn chương Việt Nam đã bắt đầu không né tránh cái thứ của “cấm” ấy nữa nhưng tôi vẫn có thể tin chắc mà nói rằng: chưa một ái xứng đáng là học trò của Nguyễn Du trong chuyện này. Con người trong đó bao gồm hai giống đực và cái, là một thực thể tự nhiên trước khi là một thực thể xã hội và vẫn là thực thể tự nhiên trong khi đã trở thành thực thể xã hội. Trong muôn vàn thực thể tự nhiên, con người là thực thể đẹp nhất, vô song. Đó là chân lý tuyệt đối. Nhưng nhân loại không phải ở đâu lúc nào cũng dễ phát hiện được chân lý đó, kể cả hôm nay. Không tính đến tín ngưỡng thờ Linga, thờ sinh thực khí có mặt từ thời cổ tại một số nước, thì có thể nói là phương Tây đặc biệt là thời đại Phục hưng, đã đi trước nhân loại trong việc phát hiện, nhận thức chân lý này. Chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng ở phương Tây, từ chỗ thoát ra khỏi tư tưởng thần quyền của thời trung cổ cho rằng chúa sáng tạo ra muôn loài (trong đó có loài người) đã đi đến ý tưởng cao đẹp: Con người trước hết là con người tự nhiên, con người chưa cần mặc quần áo-là trung tâm của vũ trụ. Một hệ thống quan điểm triết học mang tính nhân văn cao đẹp đã được hình thành, phát triển từ ý tưởng cốt lõi đó. Một thời đại văn minh huy hoàng thông qua vai trò sáng tạo của nhiều thiên tài “khổng lồ”của thời đại Phục hưng trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học, nghệ thuật…là sản phẩm thực tiễn của nền triết học nhân văn vĩ đại đó. Nói riêng , trong nghệ thuật (đặc biệt là điêu khắc, hội họa), nghệ thuật khỏa thân phát triển và đã để lại nhiều thành tựu kiệt xuất có giá trị vĩnh hằng đối với nhân loại, cũng là nhờ có sự phát hiện chân lý trên về con người tự nhiên. Cũng cần nói thêm, ở đây không chỉ có sự cao cả, sự thăng hoa, mà còn có sự đê hèn, thú vật. Tất nhiên, đã là đê hèn, thú vật thì chẳng còn gì là nghệ thuật mặc dù vẫn có từ nghệ thuật kiêu dâm, đáng phỉ nhổ.
Ở Việt Nam ta, trong suốt thời trung đại, với hoàn cảnh chế độ phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, với sự chi phối nặng nề của đạo Nho, kể cả đạo Phật, con người tự nhiên (cũng như con người cá thể: L’ individu), theo quan niệm nhân văn cao đẹp như trên, có thể nói là chưa được phát hiện. Ít ra, trong phạm vi văn học là như vậy. Dù đã có một truyện cổ tích Chử Đồng Tử trong đó có cuộc gặp gỡ kỳ thú của hai con người tự nhiên, một đực một cái, Chử Đồng Tử và Tiên Dung mà thực ra chưa được hình tượng hóa. Dù đã có một bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày” của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương, thật là táo bạo nhưng vẫn dừng lại ở mức độ hớ hênh, vô ý, vừa đủ khêu gợi sự thèm thuồng của các bậc “quân tử” đạo đức giả mà thôi. Tất cả, có lẽ chỉ có thế. Cho nên mới nói Nguyễn Du là người tạo ra bức tranh khỏa thân phụ nữ độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học thời trung đại ở Việt Nam. Nhưng điều quan trọng đáng nói hơn là Nguyễn Du đã vẽ lên hình tượng khỏa thân đó với tất cả sự trong sáng tuyệt vời mà quan niệm nhân văn cao cả, đòi hỏi. Nhìn vào thủ pháp văn chương của Nguyễn Du sẽ thấy rõ điều đó.  Nếu với hai câu “Dưới cầu nước chảy trong veo; Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”, Nguyễn Du đã dùng thủ pháp kín nhưng hở , thì ở hai câu thơ vẽ tranh khỏa thân nàng Kiều này ông làm ngược lại, hở nhưng kín. Ông nói “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà; Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”, nghĩa là cơ thể nàng đẹp tuyệt trần, đẹp đến mê người như thế nhưng nào nó là cái gì cụ thể đố ai biết. Nguyễn Du nói “rõ ràng” mà chẳng rõ ràng gì. Hai chữ “rõ ràng” của Nguyễn Du cứ như là một sự đánh lừa người đọc, nhưng là sự đánh lừa hóm hỉnh, dễ thương, mà xét cho cùng chính là chuyện ông tự giữ cho mình mà cũng là giữ cho người đọc, ở sự trong sáng của tâm hồn. Khi đến với bức tượng khỏa thân này, người đọc cứ tha hồ mà tưởng tượng, tự hình dung, tự chiêm ngưỡng. Thế là đủ. Không nên khác nữa. Và đến đây thì có thể nói thêm thế này được chăng? Tung ra một bức tượng khỏa thân của Thúy Kiều như trên vừa nói, quả là Nguyễn Du như ném một trái bom nguyên tử vào thành trì ý thức hệ phong kiến vốn là kiên cố trong lịch sử Việt Nam thời trung đại (mà đâu chỉ Việt Nam). Nếu đúng vậy thì cách chọn hai câu Kiều của sư phụ tôi: nhà văn-học giả Đặng Thai Mai, không chỉ là đúng mà còn là cao siêu. Xin được nhắc lại: đây là chuyện đã xảy ra vào mùa hè 1958, cách đây 34 năm mà mọi người biết, bấy giờ trên sách báo Mác xít, trong các giảng đường đại học tại Hà Nội, cũng như ngoài xã hội, người ta quan niệm như thế nào về cái thứ “của cấm” này. Tôi chỉ tiếc là hôm nay sư phụ (thầy cũng như cha) của tôi đã không còn nữa ở thế giới này để lại chỉ bảo, chấm bài viết này cho tôi như thuở nào, vẫn chấm bài, vẫn chỉ bảo lúc tôi là học trò, là trợ lý của thầy. Tôi xin bù lại sự mất mát đó bằng cách nhờ bạn đọc xét, thẩm định cho vậy./.

Cuối thu 1992 
Nguồn: viet-studies 1-3- 2011

xem  (1)








Không có nhận xét nào: