Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Thông dịch là chìa khóa mở cửa nhìn ra thế giới

DẠY VÀ HỌC. Việc thông hiểu ngôn ngữ và lịch sử văn hóa giữa các dân tộc có giá trị thật to lớn mà thông dịch là chìa khóa mở cửa nhìn ra thế giới. Lịch sử Việt Nam đã có nhiều bài học quý. Nguyễn Trãi với Quân trung từ mệnh tập “mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao, viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời”, bằng mưu phạt tâm công đã làm khuất phục kẻ địch mạnh. Giáp Hải rất giỏi về văn học và ngoại giao, nhiều lần đi sứ phương Bắc, ông được người Minh kính phục gọi là Giáp Trạng Nguyên. “Bài thơ vịnh bèo” của ông đối đáp với Mao Bá Ôn có giá trị lui được mấy chục vạn quân không dàm vào cướp nước ta. Nguyễn Du với “Bắc Hành tạp lục” có bút lực không hề thua kém thời thịnh Đường. Điều áy đã cho thấy ông cha ta coi trong thông hiểu ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa đến dường nào. Trong thời đại hiện nay vai trò của thông dịch càng rất cần được chú trọng và đầu tư xây dựng đội ngũ dịch thuật đúng mức . Văn Bảy có ba bài viết đáng chú ý Văn học Việt Nam hiện nay ít giao lưu; Phiên dịch nên là quốc sách? Vùng trũng thiếu người san lấp, đăng trên mục Văn hóa toàn cảnh của trang Thể thao &Văn hóa.


Giai thoại "Bài thơ vịnh bèo"

Năm Đinh Dậu, nhà Minh mư¬ợn cớ phò Lê diệt Mạc hòng thôn tính nư¬ớc ta, sai đô đốc Cừu Loan và tư¬ớng Mao Bá Ôn đem quân hùng hổ tiến vào cửa ải Pha Luỹ. Chúng gửi chiến thư¬ cho triều đình Mạc, bảo phải đầu hàng thì mới tránh khỏi hoạ. Kèm theo th¬ư là một bài thơ Bèo thách hoạ, d¬ưới ký tên Mao Bá Ôn.

Tuỳ điền trục thuỷ mạc ¬ương châm
Đáo xứ khan lai thực bất thâm
Không hữu căn miêu không hữu diệp
Cảm sinh chi tiết, cảm sinh tâm
Đồ chi tụ sứ ninh chi tán
Đản thức phù thời ná thứ¬c trầm
Đại để trung thiên phong khí ác
Tảo quy hồ hải tiện nan tầm.

(Mọc theo ruộng n¬ước hóp như¬ kim
Trôi dạt lênh đênh chẳng đứng im
Nào có gốc sâu, nào có lá
Dám sinh cành nhánh, dám sinh tim
Tụ rồi đã chắc không tan tác
Nổi đó nào hay chẳng đắm chìm
Đến lúc trời cao bùng gió dữ
Quét về hồ bể hẳn khôn tìm)

Mao Bá Ôn viết Vịnh bèo hàm ý khoa trương thanh thế ví nư¬ớc Nam sức yếu lực nhỏ, không thể địch lại Thiên triều nh¬ư cánh bèo mong manh trôi dạt trên mặt n¬ước lênh đênh, chỉ một cơn gió là tan.Vua Mạc Đăng Dung giao cho Giáp Hải lên tiếp sứ tận biên ải. Trạng nguyên Giáp Hải đã hoạ đáp:

Cẩm lâm mật mật bất dung châm
Đái diệp liên căn khởi kế thâm
Thường dữ bạch vân tranh thuỷ diện
Khẳng giao hồng nhật truỵ ba tâm
Thiên trùng lãng đả thành nan phá
Vạn trận phong xuy vĩnh bất trầm
Đa thiểu ngư¬ long tàng giá lý
Thái công vô kế hạ câu tầm.

(Ken dầy vải gấm khó luồn kim
Rễ lá liền nhau, động vẫn im
Tranh với bóng mây che mặt n¬ước
Chẳng cho tia nắng rọi xuyên tim
Sóng dồi muôn lớp thư¬ờng không vỡ
Gió táp ngàn cơn cũng chẳng chìm
Nào cá nào rồng trong ấy ẩn
Cần câu Lã Vọng biết đâu tìm).

Mao Bá Ôn và Cừu Loan đọc bài thơ họa thấy lời lẽ sâu sắc và mạnh mẽ, thế lực nước Nam chưa dễ khuất phục nên đã lặng lẽ lui binh.

(Sưu tầm)



Văn học Việt Nam hiện nay ít giao lưu?



Nếu không có giao lưu với Trung Quốc thì Việt Nam khó mà có thơ Đường luật; không giao lưu với Chăm thì khó có quan họ Bắc Ninh và cả thơ lục bát. Và nếu không có giao lưu với Pháp, thì gần như không thể có Thơ Mới – “một thời đại trong thi ca” Việt Nam. Nhưng xem ra, ở thời đại mà hai chữ “giao lưu” đã trở nên vô cùng thông dụng như hiện nay, con đường giao lưu với thế giới của văn học Việt Nam lại đang “tuột dốc” so với thời “các cụ”. Đây là một vấn đề lớn cần nhìn lại thật cẩn trọng và nghiêm túc, nhất là trước thềm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII sẽ diễn ra tại Hà Nội vào trung tuần tháng Tám tới đây

(Tổ chức chuyên đề: VĂN BẢY)

(TT&VH Cuối tuần) - Với nhiều nền văn hóa và văn chương lớn, dịch thuật (một công cụ bắt buộc của giao lưu) đã làm nên lịch sử và trở thành chính lịch sử ngữ văn của nước đó. Nếu chỉ nhìn văn học thời có chữ viết, thì văn học Việt Nam hiện nay ít giao lưu nhất, so với chính lịch sử của mình.



Giao lưu... một nửa

Giới nghiên cứu văn học chữ Hán đang bất ngờ và xôn xao về bộ sách dày 25 cuốn, có tên Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (tạm dịch: Toàn tập văn chương Hán văn Việt Nam của sứ giả khi sang Yên Kinh) do Viện Nghiên cứu văn sử ĐH Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc) và Viện Nghiên cứu Hán-Nôm Việt Nam phối hợp thực hiện, vừa xuất bản tại Trung Quốc vào tháng 5/2010. Bộ sách giá bán 15 ngàn nhân dân tệ (khoảng 40 triệu đồng) là cuộc thu gom và giới thiệu toàn bộ văn, thơ, ký chữ Hán của những sứ giả Việt Nam đã đi sứ đến Trung Quốc từ đời nhà Trần đến nhà Nguyễn, như là cách nhìn lại một thời kỳ dài của văn học chữ Hán Việt Nam trong cuộc giao lưu Đông Á. ĐH Phúc Đán cũng cho biết họ đang tiến hành làm các “Yên hành” (du hành về Yên Kinh, tức Bắc Kinh) của sứ giả Nhật Bản và Triều Tiên.Muốn đọc bộ sách này, độc giả chữ Hán ngày nay (cả ở Trung Quốc và các nước có truyền thống chữ Hán) tất nhiên phải cần đến những chú thích, chú giải thì mới có thể hiểu được ý người xưa. Nhưng rõ ràng, điều này là một chứng cứ quan trọng cho thấy suốt một thời gian dài, cả ngàn năm thời Bắc thuộc, văn học Việt đã có thể giao lưu trực tiếp, mà con đường đi sứ là một chứng tích khó phai mờ. Xưa nay giới nghiên cứu ngữ văn hay nói vui rằng thời Bắc thuộc văn học Việt Nam giao lưu một nửa. Một nửa vì “nghe nói” dù cách biệt, nhưng “đọc viết” lại được chú trọng. Chữ Hán không chỉ là công cụ để học làm quan, mà còn trở thành phương tiện gần như chủ đạo để diễn đạt tình lý (văn học) và là chứng nhân của thời đại (ghi chép lịch sử). Cái thứ chữ Hán trong Kinh thi hay tứ thư, ngũ kinh thời bấy giờ, mỗi nước ở Đông Á có cách đọc khác nhau, nhưng đọc viết thì có thể giống nhau và hiểu nhau được. Tương tự như vậy, với Đại Việt sử ký toàn thư, văn chính luận chữ Hán của Nguyễn Trãi, thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Cao Bá Quát… nếu muốn, các nhà nghiên cứu, các đồng nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… đều có thể tiếp cận được, mà chưa phải thông qua bản dịch.

Giao lưu ba phần tư

Theo vài con số thống kê, thời Pháp thuộc tại Việt Nam có đến hơn 90% dân số mù chữ, phần còn lại, số đông học tiếng Pháp, số ít vẫn theo con đường chữ Hán. Tuy chữ quốc ngữ (Latinh hóa tiếng Việt) không được dạy rộng rãi trong nhà trường, nhưng giai đoạn này vẫn được xem là sự nở rộ của văn học chữ quốc ngữ. Vì nhiều lý do, khó nói hết trong một bài viết ngắn, nhưng hẳn nhiên có một nguyên lý thuộc về giao lưu văn hóa, ngôn ngữ và văn học. Chính sự giao lưu đã thúc đẩy sự hoàn thiện và thăng hoa của chữ quốc ngữ, mà đỉnh điểm là Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ Mới. Thời Pháp thuộc, vấn đề phát triển Việt ngữ và văn học Việt ngữ trong một môi trường giao lưu gần như triệt để đã được rất nhiều báo, tạp chí thời bấy giờ đề cập. Nhiều bài viết có tính cách xiển dương Việt ngữ của Phan Khôi cũng đã nói khá sâu sát về chuyện này. Phan Khôi vốn xuất thân Nho học, nhưng vì tiếp xúc, giao lưu với văn hóa Pháp; với tinh thần đổi mới của nhà văn Lỗ Tấn; người đầu tiên dịch Kinh thánh ra tiếng Việt; nên dần thay đổi bản thân và mở ra phong trào Thơ Mới.Trở lại cái ý chỉ có 10% dân số biết chữ (đầu thế kỷ 20 Việt Nam có khoảng 25 triệu người), và đương nhiên, cũng chỉ một phần nhỏ trong 10% ấy là có làm việc liên quan tới ngữ văn và báo chí. Những nhà làm việc chữ nghĩa thời này đa số xuất thân từ trường Tây, hoặc có giao lưu sâu sát với ngữ văn Pháp, nên được/bị xem là thế hệ giao lưu ba phần tư. Nghĩa là, đa số đều có thể nghe nói đọc viết, nhưng ít viết tiếng Pháp; cộng với một bộ phận chỉ có thể đọc viết; bình quân mà thành ra ba phần tư.Trong bốn chức năng của ngôn ngữ, phần “đọc” của các nhà thơ nhà văn Việt Nam thời Pháp thuộc là nổi trội nhất. Vì đọc nhiều, dịch nhiều, nhất là văn học lãng mạn Pháp, nên văn học Việt Nam thời đó tỏ rõ sự ảnh hưởng. Mà ảnh hưởng cũng là một biểu hiện rõ nét của giao lưu; để từ đó, sẽ có những tác giả tìm ra lối đi cho riêng mình. Một ít các tác giả thời bấy giờ có sáng tác bằng tiếng Pháp, dù không nhiều người thành công và có thể bị quy ghép là “tay sai”, nhưng rõ ràng, xét về mặt giao lưu, đây là những trường hợp rất cần được nghiên cứu nghiêm túc, dài hơi hơn một bài báo.

Ngoại ngữ xa lạ với giới cầm bút?

Một trong những khẩu hiệu đã trở thành tư tưởng của thời giao lưu ngày nay (toàn cầu hóa) là “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”. Mà muốn suy nghĩ toàn cầu thì đương nhiên phải cần đến tới các phương tiện, các công cụ trợ giúp như ngôn ngữ, internet, sách vở. Không cần nhìn vào Hội Nhà văn, cũng dễ dàng để thấy giới cầm bút Việt Nam hiện nay còn khá xa lạ với ngoại ngữ. Có người nói phải đến 95% giới cầm bút là không thể nghe nói đọc viết một bài thơ khác với ngôn ngữ của chính mình. Tôi không muốn tin con số nghe có vẻ bi đát và đáng báo động này, nhưng cũng không biết làm sao để chứng minh ngược lại.Tình trạng này cũng xảy đến với văn học hải ngoại, nơi có sự phân cực về giao lưu rõ nét hơn. Những tác giả khi rời Việt Nam đã biết ngoại ngữ vốn không nhiều, phần đông trong số họ đã trở nên mệt mỏi nên không muốn nỗ lực nhiều cho việc giao lưu. Thế hệ một rưỡi, hoặc thứ hai, thì ít hoặc không còn liên quan tới tiếng Việt, nên nhịp cầu giao lưu cũng không thể mở lối. Còn phần đông những cây bút không hoặc yếu về ngoại ngữ, khi sang nước ngoài định cư, về mặt văn học, họ chỉ muốn co cụm trong cộng đồng nhỏ của mình. Cũng có quan điểm cho rằng dịch thuật phải là nơi tạo nhịp cầu để giao lưu, vì không thể ép tất cả hay phần đông giới cầm bút phải biết ngoại ngữ. Thế giới vốn rộng và có nhiều nền văn học lớn, chẳng lẽ phải biết hết các ngôn ngữ đó. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, chỉ cần hỏi qua các nhà xuất bản, các công ty làm sách thì đủ biết số sách văn học, nhất là lịch sử, nghiên cứu văn học và thơ, được dịch ra tiếng Việt là khá ít. Đó là chưa nói không phải dịch giả nào cũng có thể nắm bắt được và đúng các trào lưu mới của văn học; nếu chỉ dịch theo kiểu “cứ tiểu thuyết bán chạy là dịch” thì khó bề nói tới chuyện thông hiểu và giao lưu thực sự Cho nên, giữa cái thời mà ai cũng có thể ra trang mạng riêng, thế giới thành một cái làng, tưởng giao lưu là dễ, nhưng với giới văn học thì gần như ngược lại. Chậm chạp, lệch lạc, hoặc đa phần là khép kín là những mô tả dễ thấy. Đa số các trang mạng văn học chỉ làm “nhiệm vụ” in tác phẩm tiếng Việt, mà ít khi nghĩ đến chuyện theo đuổi một trào lưu văn học của thế giới, hay dịch một cách có hệ thống các tác giả, các trào lưu mới của Việt Nam, ra tiếng Anh chẳng hạn. Trong các cuộc giao lưu trực tiếp, những đại diện văn học của quốc tế thường hỏi Việt Nam có tạp chí, trang web nào dành cho việc giao lưu không? Câu trả lời thường là chưa có; hoặc đang xây dựng – mà thường cũng là xây dựng theo kiểu đối phó – hết tài trợ, hết dự án, rồi thôi.

Nhìn vào các trường quốc tế, các trung tâm ngoại ngữ mọc lên khắp nơi thì đủ biết ngoại ngữ đang giữ vai trò như thế nào trong xã hội Việt Nam. Thế nhưng, hình như ngoại ngữ vẫn còn khá xa lạ với giới cầm bút hiện nay?! Những cây bút sinh trong giai đoạn từ 5X tới hết 8X ở Việt Nam, chẳng có mấy người thông thạo đủ mức để đứng ra làm nhịp cầu dịch thuật, hay sáng tác bằng một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình. Thành ra, dù quốc tế có muốn giao lưu với Việt Nam, thì trong một khí quyển khép kín như vậy, họ cũng không biết bắt đầu từ đâu.

Vì thế, nếu so với thời Bắc thuộc và Pháp thuộc (dù giao lưu bị động) thì mối tương quan của văn học Việt Nam thời nay với quốc tế, cùng lắm là dừng lại ở mức đọc người ta, chứ yếu kém ở chiều ngược lại.

Phiên dịch nên là quốc sách?

1. Trong suốt một ngàn năm trí thức Việt Nam không nghĩ tới việc dịch kinh điển của Trung Quốc vì ai đi học cũng học chữ Nho. Việc dịch ra chữ Nôm không cần thiết lắm vì muốn học chữ Nôm cũng phải biết chữ Nho. Cho tới thế kỉ 19 ở Á Đông chữ Nho vẫn là văn tự đại đồng của những quốc gia gọi nhau là đồng văn (dùng chung một văn tự để truyền đạt). Cho nên Nguyễn Du ngoài Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh bằng chữ Nôm, thì làm mấy trăm bài thơ chữ Nho, hầu như không làm thơ Nôm. Cũng vậy, Cao Bá Quát làm chỉ có 7 bài hát nói chữ Nôm nhưng làm hơn ngàn bài thơ chữ Nho. Thơ quốc ngữ, quốc âm lúc đó đều viết bằng chữ Nôm cho người đọc trong nước. Còn thơ chữ Nho là tham gia vào mạng trí thức quốc tế lúc bấy giờ và họ nghĩ mãi đến về sau. Việt Nam từ năm 1910 đã bị Pháp bãi bỏ khoa cử chữ Nho và vì thế tầng lớp gọi là trí thức bị cắt với nguồn mạch của vùng khối chữ vuông (chữ Nho) là Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc (cũng như với Đài Loan, Hong Kong, Singapore). Đây là một sự xâm lăng của thực dân về văn hóa, không phải sự tự chọn, tự nguyện của người Việt. Thế hệ nhà Nho như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà, Phan Bội Châu, Phan Khôi là lớp cuối cùng của truyền thống ngàn năm đó và họ đã ghi lại trong thơ văn, tác phẩm tâm trạng của tầng lớp trí thức dân tộc đầu thế kỉ 20. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không trải qua sự đoạn tuyệt như Việt Nam. Và vì vậy trí thức Việt Nam từ 1919 đã bị “bật gốc” với di sản của tổ tiên. Sự hoang mang về bản sắc và căn cước của chúng ta ngày nay có một nguồn gốc, một nguyên nhân rất cụ thể như vậy. Chúng ta mất lối về với di sản, với nguồn cội – khác với trí thức ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chúng ta lại không tiếp cận, thu nhập được tinh hoa thế giới vì hàng rào ngôn ngữ văn tự. Mà dịch thuật thì yếu kém, làm sao nói đến chuyện giao lưu.

2. Người Việt được xem là thông minh và hiếu học, nhưng ngày nay học sinh Việt Nam quá thua thiệt so với thế giới. Nhất là sự thua thiệt về văn hiến, tức là về các thiết chế văn hóa, mà cụ thể nhất là gia tài của chúng ta – kho sách chữ Việt để học sinh có thể học tập tham khảo – trong đó thiếu sót nhất là những sách công cụ tiểu học và những sách kinh điển đại học. Cho dù sách công cụ tiểu học trong vòng thế kỉ vừa qua chúng ta đã làm khá tốt, kể từ 1895 khi Huỳnh Tịnh Của xuất bản cuốn Đại Nam Quấc âm tự vị và từ 1942 khi Hoàng Xuân Hãn xuất bản cuốn Danh từ khoa học. Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, giữa hai văn minh Ấn Độ và Trung Quốc Gần 2.000 năm nay tiếp nhận từ Ấn Độ ở Việt Nam gần như chỉ có đạo Phật và cũng chỉ có một phần nhỏ của đạo Phật Đại thừa/ Bắc tông. Chúng ta thua hầu hết các nước Đông Nam Á là mãi tới năm 2000 chúng ta mới dịch được Đại tạng kinh tiếng Pali của Phật giáo Nguyên thủy/Nam tông và hiện mới bắt đầu xúc tiến việc dịch Đại tạng kinh Đại thừa Trung Quốc, và hầu như chưa động gì đến Đại tạng kinh Tây Tạng. Văn hiến kinh điển của các trung tâm văn minh khác, chúng ta chưa phiên dịch được một phần trăm, phần ngàn. Hiện nay, chúng ta chưa có một tầng lớp trí thức đúng nghĩa. Vì thế những mảng sách dịch của chúng ta manh mún, chạy theo thời thượng, hoặc ngẫu hứng, tùy tiện. Vừa ít về số lượng, kém về phẩm chất, và nhất là lệch lạc về sự tuyển chọn và phân bố. Có những thời đại, khu vực, và ngôn ngữ quan trọng của thế giới như Hi Lạp cổ đại, châu Âu thời Phục hưng, Trung Âu đương đại, ngôn ngữ Tây Ban Nha… gần như là những khoảng trắng đối với tiếng Việt vì sự dịch thuật quá mỏng.Thời Nho học lấy chữ Nho làm phương tiện truyền đạt, thời Tây học lấy chữ Pháp làm chuyển ngữ nên việc dịch thuật không đặt ra với những tác phẩm nền tảng mà chỉ dành cho những cuốn sách phổ thông, đại chúng, hay giải trí - chủ yếu là tiểu thuyết bình dân. Từ 1945 lấy tiếng Việt làm cơ sở giáo dục trong nhà trường từ mẫu giáo đến đại học là định hướng đúng. Tuy nhiên, với thực trạng là cần tiếp thu văn hóa thế giới chúng ta chưa đặt ra và giải quyết tốt vấn đề học ngôn ngữ văn tự quốc tế cũng như việc dịch thuật quy mô những kinh điển của loài người.Bài học của các quốc gia trên thế giới là phải chọn một hoặc vài ngôn ngữ quốc tế từ lớp 1 để học sinh có thể tiếp cận tinh hoa của cả loài người và giao tiếp với toàn cầu ngay sau khoảng 5 đến 10 năm ở nhà trường. Đồng thời phải tổ chức, hỗ trợ để trong một thời gian ngắn nhất (một thế hệ 30 năm) có thể giải quyết căn bản khoảng 500 đến 1.000 tác phẩm quy điển tối thiểu của nhân loại mà một công dân của thế giới không thể không tiếp cận, ít ra qua tiếng mẹ đẻ của mình. Một sinh viên Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc bây giờ ở trong tình trạng có thể tiếp cận với di sản toàn cầu qua tiếng mẹ đẻ. Bao giờ một sinh viên Việt Nam mới khỏi thua thiệt ngay từ trước khi khởi hành?

3. Kinh nghiệm của thực dân, đế quốc không phải chỉ có mặt tiêu cực, mà còn có mặt tích cực nữa. Ấn Độ có hàng chục ngôn ngữ nên sau khi được Anh trả độc lập năm 1947, họ vẫn giữ tiếng Anh làm chuyển ngữ ở nhà trường để học sinh sinh viên có thể lợi dụng ngay cái ngôn ngữ phổ cập này mà có khối lượng thông tin và công cụ hàng đầu thế giới. Philippines cũng vậy. Các nước nhỏ ở châu Âu và các nước cựu thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin đều không mắc vào chủ nghĩa ái quốc cực đoan đến mức bài trừ tiếng nước ngoài mà trở về trạng thái cô lập của bộ lạc, tiểu quốc khiến cho không biết đến bao giờ mới có thể đua chen trên toàn cầu hay ngày càng tụt hậu.Lịch sử giao lưu thế giới, đặc biệt là giai đoạn tích cực nhất từ 500 năm nay, đặt nền tảng trên sự dịch thuật, từ kinh sách đến tài liệu khoa học kĩ thuật. Một trí thức ngày nay không thể không biết ngoại ngữ để tiếp cận với thông tin toàn cầu. Người ta đã tính rằng cứ 10 năm thì khối lượng thông tin tri thức thế giới tăng gấp đôi. Một người dù có học vị cao nhất ở đại học cũng trở thành lạc hậu nếu vài ba năm không tiếp thu thông tin mới của thế giới trong địa hạt chuyên môn của mình. Đại học Oxford với trên 700 năm tuổi và là một trong vài trường uy tín nhất thế giới chỉ có khoảng 25.000 sinh viên, nhưng là tinh hoa của toàn cầu. Ở đây người ta không mở phân khoa Văn học So sánh (Comparative Literature) mà gọi là Dịch thuật học (Translation Studies).Minh Trị Thiên Hoàng ở Nhật Bản thành công với cuộc Duy tân 1867–1895, vì đã gửi sinh viên đi khắp thế giới với chủ đích là để học hỏi và dịch thuật tầm tri thức mũi nhọn của châu Âu. Và trong hai thập niên 1960–1980 Hàn Quốc đã động viên toàn bộ sinh viên du học và trí thức để dịch thuật hàng ngàn tác phẩm kinh điển cho học sinh và nhân dân trong nước có thể theo kịp với thế giới.Đã đến lúc chúng ta phải biết hổ thẹn

Vùng trũng thiếu người san lấp

(TT&VH Cuối tuần) - Các nhân vật phát biểu trong bài này tuy xuất phát từ điểm nhìn cá nhân, nhưng vì những kinh nghiệm giao lưu thực tế mà họ tích lũy được, đã vẽ nên được một phần diện mạo của giao lưu văn học ở Việt Nam.

Nhà thơ Inrasara: Còn nghi ngại...

Mở cửa, văn chương Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho giao lưu. Giao lưu đúng nghĩa là đến với nhau trong tinh thần mở, bình đẳng và không kiêng dè. Tiếng Việt với nhau, ta vẫn chưa giao lưu. Các tạp chí văn chương quan trọng của người Việt ở nước ngoài vẫn chưa được phát hành chính thức ở trong nước. Các tác phẩm của các tác giả lớn cũng vậy. Chúng ta vẫn còn nghi ngại cái gì đó, thậm chí, còn phân biệt đối xử. Việt Nam là đất nước đa dân tộc, văn chương của các dân tộc thiểu số, cả cổ điển lẫn đương đại, gần như bị coi là ngoại biên. Chúng ta vẫn chưa có sự giao lưu thích đáng như đòi hỏi phải thế. Tạp chí Văn hóa dân tộc của Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam ra mỗi tháng một kì, gồm nhiều bộ môn khác nhau, chứ không dành riêng cho văn học. Mà hầu hết được viết bằng tiếng Việt. Tạp chí Văn nghệ dân tộc và miền núi (sau đó đổi tên là Văn nghệ dân tộc) là phụ trương của báo Văn nghệ, đã chết 3 năm qua, hết cơ may sống lại. Thì lấy đâu cơ hội giao lưu để có thể gọi là hiểu biết lẫn nhau.Nhìn rộng ra Đông Nam Á, dù trên bình diện kinh tế và chính trị chúng ta đã mở, riêng văn học của khối này vẫn cứ đóng. Trong buổi giao lưu với Hội Nhà văn và sinh viên văn chương Thái Lan nhân dịp nhận Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2005, tôi nói: Trong 9 anh chị em được coi là đại biểu xuất sắc nhất của văn chương đất nước mình năm nay, có ai biết đến nhau? – Không ai cả! Không biết tên tuổi hay sáng tác của nhau, thì làm gì có chuyện đọc nhau. Văn học các nước Đông Nam Á tự xem thường mình và xem thường lẫn nhau. Chúng ta có thể đọc các tác giả Tây Âu hay Hoa Kỳ, biết nhiều về văn học Nga hay văn học Nhật Bản, thậm chí Hàn Quốc, nhưng văn học các nước trong khu vực thì không! Văn học Đông Nam Á vẫn còn là vùng trũng của thế giới. Mãi đến hôm nay chúng ta vẫn chưa nỗ lực san lấp vùng trũng đó

.Nhà thơ Mai Văn Phấn: Như “người mù sờ voi”

Dù đã ít nhiều giao lưu với văn học thế giới trong mấy thập niên gần đây (tạm lấy mốc từ sau 1975), thực trạng văn học nước nhà, đặc biệt trên lãnh vực thi ca vẫn trì trệ và lạc hậu so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…, chứ chưa dám so sánh với các “cường quốc thi ca” như Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc… Sau hiện tượng Thơ Mới đến nay, chúng ta vẫn chưa có hệ thống lý luận cập nhật, hoàn chỉnh về các hiện tượng văn học trong nước cũng như các khuynh hướng bên ngoài, để nhìn nhận, đánh giá và định hướng cho thơ Việt đương đại. Khuynh hướng thi ca cũ kỹ, cách đây gần một thế kỷ, hiện vẫn thống trị trên văn đàn, định hình quan niệm thẩm mỹ cho bạn đọc, làm khuôn mẫu cho sách giáo khoa từ bậc tiểu học đến đại học và cao hơn nữa… Có thực trạng này là do yếu kém về giao lưu, dịch thuật. Do không có đủ nhận thức lý luận kịp thời, nên đa số bạn đọc Việt Nam hiện nay không phân biệt được “chân - giả” trước những hiện tượng đổi mới. Họ chỉ đưa ra những khái niệm mơ hồ, áp đặt cho tất cả những tác phẩm khác với lối mòn thẩm mỹ của họ, như: tắc tị, rối rắm, phản cảm, đánh đố, làm dáng, xa lạ, dẫm phải “phân Tây”. Internet bùng nổ ở Việt Nam đã mang lại nhiều sắc màu hơn trong giao lưu quốc tế, cả giao lưu văn học. Nhưng các nhà thơ và bạn đọc nước ta vẫn tiếp xúc với thi ca thế giới như những “người mù sờ voi”. Internet cũng như các phương tiện truyền thông giúp chúng ta ra được biển lớn, nhưng nếu không có hệ thống lý luận, chẳng khác gì người không biết bơi bị ném xuống nước. Tôi mong chờ các cơ quan chuyên trách, Viện Văn học… sớm có kế hoạch chiến lược về vấn đề này. Chúng ta nên tổ chức các hội thảo chuyên đề cho từng khuynh hướng, đăng lại các chủ thuyết, nhận định, tuyên ngôn hay tiêu chí, quan trọng hơn là các tác phẩm tiêu biểu cho từng trường phái. Điều đó tạo cho các nhà thơ và bạn đọc tầm nhìn phổ quát mang tính định hướng về thi ca thế giới, tạo cơ hội để phát huy và làm phong phú thêm giá trị của văn học Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Thiếu một chiến lược...

Nền văn học chúng ta chưa phải là một nền văn học lớn nhưng lẽ ra nó phải được thế giới biết đến nhiều hơn so với thực tế. Nguyên nhân chính dẫn đến việc văn học Việt Nam xuất hiện một cách rời rạc và không có hệ thống trên thế giới là do chúng ta không có một chiến lược cho việc nà. Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài mà Hội Nhà văn tổ chức đầu năm 2010 nhìn một cách kĩ lưỡng và công bằng mới chỉ là khởi xướng. Bởi thực tế, Hội Nhà văn hay bất cứ tổ chức nào của Nhà nước chưa bao giờ thực thi công việc đó như một chiến lược văn hóa. Hầu hết những tác phẩm văn học có tiếng vang của văn học Việt Nam trên thế giới từ sau 1975 đến nay là do các cá nhân dịch và giới thiệu, mà phần chủ động hầu hết do cá nhân nhà văn và dịch giả nước ngoài chủ động. Tôi nhớ cách đây khoảng mươi năm gì đó, Hội Nhà văn ra mắt tạp chí The Vietnamese Literature bằng tiếng Anh. Tôi đã rất hào hứng tìm đọc số 1 tạp chí đó và thất vọng ê chề. Có quá nhiều trang dịch tiếng Anh sai một cách nghiêm trọng và vô cùng ngớ ngẩn. Điều đó cho thấy những người làm tạp chí này và những người quản lý nó rất kém cỏi và vô trách nhiệm. Việc giới thiệu văn học như kiểu làm tạp chí này vô cùng phản tác dụng.

Dịch giả Cao Việt Dũng: Cần môi trường cởi mở

Nếu xét dịch thuật văn học theo các tiêu chí mức độ đa dạng, chất lượng, sự tham gia tích cực của giới trẻ thì tôi cho rằng chưa bao giờ dịch thuật văn học tại Việt Nam “được mùa” như hiện nay. Sự đa dạng tăng lên đáng kể với rất nhiều Sydney Sheldon và Agatha Christie, một không khí dịch thuật mềm mại hơn chứ không còn căng cứng với toàn là Liên Xô và “các nhà văn có cảm tình với chúng ta”, nhưng chất lượng dịch thì vô cùng đáng bàn với vô số bản dịch không chính xác và bị cắt xén tùy ý, chất lượng in ấn thì nhìn chung là rất tồi tệ. Cho đến gần đây tôi tin là tình hình đã được cải thiện rất nhiều; việc tham gia Công ước Berne cũng là một yếu tố quan trọng.Tôi không nói được nhiều về tình hình dịch thuật văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài vì lĩnh vực này không nằm trong mối quan tâm của tôi, nhưng tôi cho rằng nhà xuất bản và các cá nhân dịch giả là hai thành tố quyết định sự phát triển của dịch thuật và giao lưu văn hóa. Điều tốt nhất mà các thiết chế có thể làm là hỗ trợ, tạo ra một môi trường cởi mở.

Nhà văn Đặng Thân: Chưa đúng diện mạo

Vấn đề dịch và phổ biến văn học Việt Nam ra tiếng Anh chưa phản ánh được diện mạo của văn học hiện nay. Thứ nhất là do đội ngũ dịch thuật. Phần lớn các bản dịch văn học ra tiếng Anh đã có đều kém. Nguyễn Huy Thiệp đã phải kêu giời vì ông được người Ý trao giải thưởng chỉ là nhờ bản dịch hai truyện ngắn do một dịch giả Úc thực hiện, còn lại các bản dịch khác đều vứt đi cả. Các dịch giả ngoại khó mà truyền tải hết được mọi ý của một tác phẩm văn học Việt là chuyện tất nhiên. Các dịch giả nội thì gặp nhiều khó khăn cả về trình độ lẫn điều kiện. Tôi thấy những người dịch tiếng Anh giỏi thực sự ở trong nước đều chưa tham gia vào dịch văn học. Lý do cực đơn giản: những người giỏi thì họ có quá nhiều việc nên không còn thời gian tham gia vào một hoạt động với những đồng “nhuận dịch” rẻ bèo như hiện nay, cộng với cách làm ăn tùy tiện, lật lọng của giới làm sách. Tôi thấy cái Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới vừa rồi rất là phù phiếm và tốn kém. Bỏ ra cả đống tiền để lôi kéo các dịch giả ngoại là điên rồ. Họ không thể nào hiểu hết tiếng Việt và văn hóa, đời sống Việt để dịch cho tốt được. Cách tốt nhất là dùng số tiền đó chi cho các dịch giả nội tài giỏi, đào tạo và nâng cao trình độ các dịch giả văn học, tổ chức các hội thảo dịch thuật… Muốn có các bản dịch tốt chỉ có thể dựa vào sự tinh thông của các dịch giả trong nước.Thứ hai là hầu hết các tác phẩm được dịch đều không gây được sự chú ý đối với độc giả ngoại. Văn chương Việt đương đại rất phong phú nhưng lại đang nằm ngoài sự chú ý của các giới chức sắc. Tôi được biết có một số nước quan tâm đến văn học Việt Nam, thế nhưng khi các dịch giả của họ đến tìm hiểu các tác giả Việt Nam thông qua Hội Nhà văn giới thiệu thì họ đều lắc đầu chán ngán. Không tạo điều kiện cho các tác phẩm văn học thực sự được ra đời thì lấy cái gì để mà dịch ra cho thiên hạ đọc?

Nguyễn Tiến Văn

Tất cả văn minh của loài người đều nhờ cậy vào chữ viết mà lưu truyền. Cho nên học nói là trách nhiệm của mẹ cha, còn học chữ để đọc được kinh sách là trách nhiệm của nhà trường qua thầy cô. Người xưa phân biệt bậc tiểu học là học chữ nghĩa và bậc đại học là học đạo lí. Xét như thế thì mọi tự điển, từ điển, bách khoa thư, sách giáo khoa, tuyển tập, ngữ pháp, tập làm văn… là thuộc tiểu học. Chỉ kinh điển, thánh thư, triết học, khoa học, mĩ học, văn học mới là thuộc đại học. Nhà xuất bản từ thư và sách giáo khoa lớn nhất của Nhật Bản vì vậy mới lấy tên chính xác là Tiểu học quán (Shogakkukan). Giáo dục ở Việt Nam không huấn luyện cho học sinh và cả thầy cô sử dụng từ điển, bắt đầu từ ngay cấp cơ sở làm quen với việc tra cứu độc lập để tự học tiếng mẹ đẻ, là một thiếu sót lớn. Học sinh Việt Nam thường chỉ biết đến những tự điển và từ điển song ngữ khi bắt đầu học tiếng nước ngoài và cũng thường ngừng lại không tham khảo được những từ điển định nghĩa bằng bản ngữ (từ điển tiếng Anh định nghĩa bằng tiếng Anh; tiếng Pháp bằng tiếng Pháp…). Ngay từ khi bước khởi đầu như thế không tạo cho học sinh cách hiểu sâu xa bằng chính tinh thần của ngôn ngữ muốn học mà chỉ biết đại khái qua tiếng Việt gần tương đương và thường không chuẩn xác. Đó là một trong những nguyên nhân khiến học sinh sau 7 năm ở trung học tuyệt đại đa số vẫn không có được kĩ năng sử dụng thông thạo về tất cả các mặt: nói, nghe, đọc và viết.

Văn Bảy (thực hiện)

Không có nhận xét nào: