Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Gót chân Asin của Trung Quốc

DAYVAHOC. TuanVietnam.net ngày 26 tháng 2 năm 2010 đăng bài "Gót chân Asin của Trung Quốc" của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy. Sau 30 năm tiến hành cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã thu được những thành tựu rất to lớn không ai có thể phủ nhận nhưng cũng còn nhiều vấn đề. Ăn vào tài nguyên của con cháu; Trả giá môi trường; Chênh lệch giàu nghèo thành thị nông thôn; Quan quyền tiền quyền; Tham nhũng hủ bại; Tâm lý chống đối; Sức ép quốc tế. Tác giả bài viết nhấn mạnh: "Biết nghiêm túc học tập những kinh nghiệm chưa thành công của người đi trước, chúng ta sẽ bớt phải trả giá (có khi là rất lớn và lâu dài.) Nhưng nếu không thấy hoặc cố tình không thấy "vết xe của người đi trước", thì cái giá phải trả không chỉ là của một số cá nhân mà sẽ là những người lao động chân chính, là đông đảo nhân dân, là cả dân tộc và những thế hệ tiếp theo".

Trong cuộc phát triển có thể nói là nhanh như vũ bão chưa từng có ấy, Trung Quốc hiện đang đứng trước nhiều vấn đề, nhiều tồn tại lớn, không thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà  nếu xử lý không tốt, hoặc khi khí hậu, tình hình quốc tế có những diễn biến đột xuất, có thể phát sinh những chuyện khó lường. Những tồn tại, những vấn đề, những số liệu, những nhận định dưới đây đều lấy từ những tài liệu công khai của Trung Quốc hoặc của những tờ báo, hãng thông tấn nước ngoài có uy tín, nhằm giúp người đọc hiểu thêm "mặt trái" của Trung Quốc, một mặt mà trong thời gian qua vì nhiều lý do chúng ta đã không chú ý, hoặc không muốn, hay ngần ngại không đề cập tới. Người viết hoàn toàn không có ý định hạ thấp hoặc nói xấu đối với người bạn lớn phương Bắc của chúng ta, người - mặc dù vẫn tự xưng là nước đang phát triển - nhưng thực ra đã là siêu cường thứ hai trên thế giới rồi. Tuy vậy, cần thấy rằng dù đã là siêu cường thứ hai, nhưng không phải là  người khổng lồ đó không có gót chân Asin. Người viết còn muốn nói thêm rằng, do cùng từ nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (hay kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa), Trung Quốc lại tiến hành cải cách trước, nên một số việc làm chưa tốt hay tồn tại của họ, nếu biết nghiêm túc, khôn ngoan... rút kinh nghiệm thì có thể là những bài học có ích.


Báo cáo chính trị tại ĐH 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc (15/10/2007) đã chỉ rõ các tồn tại cơ bản của Trung Quốc trong 30 năm cải cách, mở cửa, bao gồm: Trả giá quá lớn đối với tài nguyên, môi trường trong tăng trưởng kinh tế; Phát triển không cân đối giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, giữa kinh tế và xã hội;(nông thôn phát triển tụt hậu); Phát triển ổn định nông nghiệp và duy trì tăng thu nhập cho nông dân ngày càng khó khăn hơn; Việc làm, bảo đảm xã  hội, giáo dục y tế, nhà ở, tư pháp, trị an xã hội v.v.. tồn tại khá nhiều vấn đề; Xa xỉ, lãng phí, tiêu cực tham nhũng vẫn khá nghiêm trọng; Xu thế mở rộng khoảng cách phân phối thu nhập (nhất là giữa thành thị  và nông thôn) về cơ bản vẫn chưa xoay chuyển được. Dân số nghèo ở thành thị và nông thôn, ngưòi thu nhập thấp vẫn còn một sô lượng tương đối lớn....Còn có thể nhặt thêm một số tồn tại nữa trong báo cáo trên, nhưng có lẽ như vậy cũng đã tương đối đủ.

Trước hết phải nói rằng, những nhận xét đánh giá trên của TW Đảng Cộng sản Trung Quốc là tương đối chính xác, đúng mức và có phần "dũng cảm", vì họ đã dùng đến những từ như "trả giá quá lớn...", "phát triển tụt hậu", "khá nghiêm trọng", "cơ bản vẫn chưa xoay chuyển được","sức ép vẫn tồn tại lâu dài" v.v.. Nhưng nếu đi sâu vào vấn đề, sẽ thấy những nhận định đánh giá đó còn chưa cụ thể, chưa đủ độ sâu, chưa nói hết được những nguy cơ tiềm ẩn.

Dưới đây là những vấn đề cụ thể:

Ăn vào tài nguyên của con cháu

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp, mỗi năm Trung Quốc cần một lượng nguyên vật liệu khổng lồ. Dù có dự trữ nhưng một số năng lượng, nguyên vật liệu thiết yếu đã có dấu hiệu cạn kiệt.
Từ năm 1993, Trung Quốc đã từ nước xuất khẩu dầu mỏ trở thành nuớc nhập khẩu dầu mỏ với số lượng ngày càng lớn. Năm 2004 nhập khẩu 120 triệu tấn, năm 2005 nhập khẩu 136 triệu tấn (trên tổng lượng tiêu thụ là 317 triệu tấn), năm 2006 nhập khẩu 145,18 triệu tấn, năm 2007 nhập gần 200 triệu tấn (trong khi dự kiến trước đó là đến năm 2010 mới phải nhập 160 triệu tấn). Lượng nhập khẩu dầu đã nhiều hơn lượng sản xuất trong nước và tốn một lượng ngoại tệ là 96,2 tỷ USD. Lượng tiêu dùng dầu mỏ của Trung Quốc đã đứng thứ hai trên thế giới (sau Mỹ, và đã vượt Nhật).

Khi một nước mỗi năm phải nhập khẩu trên 100 triệu tấn dầu là có nguy cơ về an ninh quốc gia, nếu thế giới hoặc khu vực nhập khẩu chính có sự kiện đột biến.

Hơn nữa, cần chú ý là 50% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông, 25% từ châu Phi, 15% từ Đông Nam Á. 80% lượng dầu nhập khẩu đều phải qua eo biển Malacca (dễ bị người ta "phong toả" khi có chuyện) trong khi của Mỹ lượng dầu nhập khẩu có tới 3/4 là từ Canada, Mexico, Venezuela... (với Mỹ là an toàn trong vận chuyển hơn nhiều).

Ngoài ra 90% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc phải vận chuyển bằng tầu chở dầu nước ngoài, và một tồn tại lớn là đến nay Trung Quốc hầu như chưa có kho chứa dầu dự trữ.

Cũng phải nói thêm, ở những nước tiên tiến như Nhật Bản, khi kinh tế tăng trưởng 100 điểm thì tiêu hao dầu mỏ mới tăng 10 điểm, trong khi của Trung Quốc là kinh tế tăng 100 điểm thì tiêu hao dầu mỏ phải tăng tới 80 điểm! Qua đó có thể thấy trong tương lai gần, lượng nhập dầu mỏ của Trung Quốc còn tăng hơn nữa.

Đứng trước mấy vấn đề: tìm cho được và bảo đảm nguồn cung cấp dầu mỏ cũng như bảo đảm đường vận chuyển, Trung Quốc đã chạy vạy khắp nơi tìm nguồn (Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh..) ra sức đầu tư bằng mọi cách, nhiều khi bấp chấp áp lực chính trị (vấn đề Dafur ở Sudan, quan hệ với chính quyền quân sự Myanmar v.v..)

Trung Quốc cũng thiếu nhiều loại kim loại mầu. Qua việc thương nhân Trung Quốc săn lùng mua than, quặng kim loại các loại, một  số nguyên, vật liệu.. cũng như hăng hái tìm cách đầu tư vào lĩnh vực này ở nước ta càng thấy rõ thêm vấn đề.

Có người Trung Quốc đã cảm khái thốt lên: "chúng ta đã và đang ăn vào tài nguyên của đời con, đời cháu."

Để giải quyết tình trạng khan hiếm, cạn kiệt năng lượng và tài nguyên, gần đây Trung Quốc đã tích cực điều chỉnh cơ cấu năng lượng, giảm bớt tỷ lệ than trong toàn bộ cơ cấu năng lượng, từ khoảng 65%-69% hiện nay xuống khoảng 54% vào năm 2020, điện hạt nhân từ 1% lên 9,1% .  

Trung Quốc đẩy mạnh chiến lựoc ngoại giao năng lượng nhằm đảm bảo nguồn cung cấp dầu khí, từ mấy nước Trung Á, Nga trong thời gian tới.


Trả giá môi trường


Để có hiệu quả nhanh, tốn ít đầu tư, để chiều lòng khách đầu tư nước ngoài và vì nhiều nguyên khác nữa như sự thiếu hiểu biết, sự liều mạng, bất chấp v.v.. sau 30 năm cải cách mở cửa, tình trạng ô nhiễm của Trung Quốc đã đến độ cực kỳ nguy hiểm.


Không phải tự nhiên báo cáo chính trị ĐH 17 phải đề xuất xây dựng "văn minh sinh thái" và trong 5 "siêu bộ" được thành lập tháng 3 năm 2008 có "Bộ Môi trường".


Số liệu chung nhất là  70% nước sông, hồ... và 90% nguồn nước ngầm của Trung Quốc đã bị ô nhiễm với mức độ khác nhau.


Nguồn nước ô nhiễm đã làm cho hơn 10% cây công nghiệp của Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng và các vật ô nhiễm khác. Ở một số nơi muối làm ra cũng bị ô nhiễm


Mỗi năm có khoảng 30 tỷ tấn nước ô nhiễm chưa trải qua xử lý đã thải ra sông, hồ. Ngoài ra còn có 24 tỷ tấn phế thải công nghiệp.


Bột Hải (được coi như nội hải của Trung Quốc) vì phải chứa các nguồn nước ô nhiễm và phế thải công nghiệp nên đang đứng trước nguy cơ sẽ là "biển chết" và nếu là "biển chết" thì phải mất 200 năm mới cứu được.


Thái Hồ (hồ nước ngọt lớn của Trung Quốc) đã bị ô nhiễm tới mức phải bỏ ra 15 tỷ USD trị lý trong 10 năm mới có thể trở lại như xưa (trong đó có việc phải đóng cửa hàng ngàn xí nghiệp nhỏ chưa giải quyết được vấn đề ô nhiễm như 772 xí nghiệp hoá chất, 125 nhà máy chế tạo accu, 76 nhà máy giấy v.v..) Việc Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải đứng ra chủ trì một cuộc họp chuyên giải quyết vấn đề ô nhiễm ở đây cho thấy tình trạng nghiêm trọng của vấn đề).


70% năng lượng của Trung Quốc là than (mỗi năm dùng tới trên 3000 triệu tấn) cộng thêm khói bụi của hàng vạn nhà máy (chưa qua xử lý), của hàng trăm triệu chiếc ôtô, xe có động cơ... đã làm cho Trung Quốc trở thành nước có lượng khí thải CO2 lớn nhất thế giới, gây hiệu ứng nhà kính rất cao.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, mỗi năm Trung Quốc có khoảng 750.000 người chết vì ô nhiễm (chủ yếu là do ô nhiễm không khí) còn số người sau đó hàng mươi, hai mươi năm mới chết vì bị ung thư thì chưa tính được.


60% dân số thành phố Trung Quốc chịu mức ô nhiễm không khí cao hơn 5 lần tiêu chuẩn của WHO.


Cái giá phải trả cho ô nhiễm rất cao (năm 2003 cái giá phải trả cho ô nhiễm sức khoẻ vào khoảng 6% GDP).

Số rác thải của Trung Quốc hàng năm của Trung Quốc đã gia tăng với tốc độ trên 10%/năm cao hơn số trung bình cao nhất thế giới 1,5%. Tổng lượng rác thải trong các thành phố của Trung Quốc hàng năm đã gần tới 150 triệu tấn.

Trung Quốc được coi là đất nước bị rác rưởi bao vây nghiêm trọng nhất thế giới. Trong hơn 600 đô thị lớn nhỏ của Trung Quốc thì 2/3 thành phố lớn bị rác rưỏi bao vây,1/4 thành phố không có bãi rác hợp lệ. Chỉ có 50% số rác thành phố là được xử lý (nguồn Đại kỷ nguyên ngày 19/7/2009)


Phải chăng, những thuyết minh cụ thể trên đã nói lên tương đối đầy đủ và sâu sắc thêm ý nghĩa của câu "phải trả giá quá lớn"?


Những tầng lớp bị bỏ bên lề


Trung Quốc tiến hành cải cách ở  nông thôn trước bằng việc thực hiện khoán sản lượng tới hộ. Do được làm chủ ruộng đất và tự vạch kế hoạch làm ăn... tính tích cực sản xuất của người nông dân nâng cao rõ rệt. Chỉ trong thời gian ngắn, đời sống đa số nông dân đã được cải thiện rõ rệt.

Nhưng từ năm 1984 khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng cải cách ra thành phố thì hầu như trong suốt 14 năm sau đó (đến năm 1998) "người ta" đã quên nông dân" - chữ dùng của một nhà nghiên cứu của Trung Quốc. Phải qua nhiều cuộc đấu tranh của nông dân (do mất ruộng đất, không kiếm đựoc việc làm...), của các nhà nghiên cứu, của một số người lãnh đạo Trung Quốc có tâm huyết v.v..Mãi đến đầu thế kỷ 21, vấn đề nông dân mới được coi trọng và mấy năm gần đây đã và đang có những chính sách cụ thể nhằm giải quyết vấn đề "tam nông" (nông nghịêp, nông thôn, nông dân).

Để nói rõ thêm một tồn tại lớn nữa, người viết muốn nêu thêm một vấn đề: nông dân vào thành phố làm thuê. Trung Quốc hiện nay có từ 120 triệu đến 200 triệu nông dân vào thành phố làm thuê. Đây là một vấn đề rất lớn.

Nông dân, nông nghiệp Trung Quốc là nơi đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp công nghiệp hoá của Trung Quốc trong giai đoạn đầu, những khoản nợ Liên Xô trong thời kỳ đầu xây dựng nước (hơn 150 công trình) và những công trình công nghiệp nặng nhập khẩu thời kỳ giữa những năm 70 với một số nước tư bản (nhà máy gang thép Bảo Sơn, Khu công nghiệp hoá chất Đông Bắc v.v..) đều được trả chủ yếu bằng nông sản, nhưng người nông dân hầu như không đựoc hưởng lợi từ đó mà còn bị thiệt thòi do chênh lệch giá cánh kéo (giá nông sản phẩm một thời gian dài  thấp hơn giá thị trường nhiều lần...)

Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc:  tiêu chuẩn nghèo tuyệt đối của một nông dân là thu nhập dưói 785 NDT/năm, thì năm 2007 còn có 14,79 triệu người (giảm 6,69 triệu người so với năm trước); còn nếu  theo tiêu chuẩn thu nhập thấp 786-1067NDT/năm thì có 28,41 triệu người. Tuy nhiên báo cáo của Ngân hàng châu Á mùa hè năm 2007 cho biết  có 300 triệu ngưòi Trung Quốc (chủ yếu là nông dân) có thu nhập dưới 1 USD/ngày.

Thu nhập của nông dân nói chung thấp đến nỗi người ta đã tính ra một học sinh nông dân học xong bốn năm đại học thì người cha phải nhịn ăn nhịn mặc 20 năm mới đủ tiền trả học phí. Đã có câu nói "học phí bức tử gia trưởng làm chết học sinh".

Một nông dân vào thành phố làm thuê có vợ bị bệnh nặng chữa chạy không khỏi, đã phải ký một hợp đồng với bệnh viện cam kết trả nợ trong 3 đời - 106 năm (mỗi năm 5000NDT)!

Vì nghèo nên con em nông dân bỏ học ngày càng nhiều, nhiều em phải lâm vào cảnh mà báo chí Trung Quốc gọi là "nô công" (công nhân nô lệ) như một số trẻ em làm tại lò gạch tại một địa phương thuộc tỉnh Sơn Tây (mà báo chí Việt Nam đã đưa một phần). Số sinh viên đại học là con em nông dân cũng ngày một giảm.

Trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, số lượng nông dân Trung Quốc bị mất ruộng đất ngày một nhiều, tiền được đền bù lại quá thấp (
theo tờ Nam phương đô thị báo của Quảng Đông thì một năm chính quyền các cấp đã "bán đất" được 900 tỷ NDT) nên sức chống đối trong nông dân ngày một cao, mỗi năm một tăng (từ bảy, tám vạn cuộc biểu tình đến trăm ngàn cuộc).

Đã có học giả Trung Quốc đề cập tới phải làm "cuộc cách mạng ruộng đất lần thứ ba" (lần thứ nhất là cải cái ruộng đất hồi mới giải phóng, lần thứ hai là khoán sản lượng tới hộ) nhằm trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân.v.v. Ngay trong thu nhập của nông dân cũng có sự chênh lệch giầu nghèo khá rõ, năm 2005, thu nhập của một nông dân thuộc thôn Hoa Tây tỉnh Giang Tô (thôn được coi là thu nhập cao nhất nước) là 18.820NDT, còn thu nhập của thôn Nam Nê Loan, tỉnh Thiểm Tây (được coi là thấp nhất nước) là 1526 NDT.

Có người đã chia thu nhập của nông dân Trung Quốc làm 3 loại: 5000NDT/người/năm là thuộc thế giới thứ nhất; từ 3000-5000NDT là thuộc thế giới thứ hai; 3000NDT là thuộc thế giới thứ ba.

Điều trớ trêu là ngay trong một điều luật của Trung Quốc đã chính thức thừa nhận sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị như đã qui định số tiền bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông theo mức sống của dân thành phố và nông dân. Theo điều luật này một nông dân bị chết vì tai nạn giao thông sẽ được đền bù ít hơn một cư dân thành phố bị chết vì tai nạn giao thông tới 12000NDT vào năm 2005 và vào năm 2006 đã là 15000 NDT vì mức sống của người dân thành thị mỗi năm một tăng cao hơn.

Một bài báo "chống đối" đề xuất 6 biện pháp để từ từ làm Trung Quốc sụp đổ đã nêu biện pháp thứ ba là  "làm cho nông nghiệp Trung Quốc sụp đổ" viết: Nông dân, nông nghiệp, nông thôn là ba cái chân của xã hội Trung Quốc. Nó đỡ ngôi lầu lớn xã hội Trung Quốc. Hãy để cho nông dân vẫn cứ 21 năm chẳng thu được gì, hãy để cho con em họ dần dần không đi học nổi, không vào đại học nổi, từ từ làm cho mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn ngày càng gay gắt, khi thời cơ chín muồi ba chân sụp đổ, Trung Hoa tất loạn, có thể nhân loạn mà  giành lấy.

Nên nhớ rằng khoảng 70% dân số Trung Quốc sống ở nông thôn, giải quyết vấn đề ăn no, mặc ấm, chữa bệnh, học hành cho mấy trăm triệu nông dân đang còn trong cảnh thiếu đói không phải là việc dễ, nói một câu là xong.

Tình trạng vùng miền cũng tương tự. Không nói cũng rõ, tại Trung Quốc, vùng ven biển (miền đông) phát triển nhất, vùng giữa (miền trung) phát triển chậm hơn và miền tây phát triển chậm nhất. GDP bình quân của vùng giầu nhất miền đông gấp gần 10 lần vùng nghèo nhất miền tây và hơn vùng miền trung 4 lần.

Chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Nếu như bảy, tám năm trước đây một người Trung Quốc có 100 triệu NDT (7,3NDT=1USD) đã được coi là người giàu nhất nước thì năm 2007 nếu có số tiền trên sợ rằng ngay đến xếp thứ 2000 cũng không nổi.

Có nguồn tin cho biết người giàu nhất Trung Quốc năm 2006 có 27 tỷ NDT, nhưng năm 2007 ai có số tiền như vậy chỉ đứng thứ 16 trong số những người giàu nhất nước, bởi vì người giàu nhất năm này đã có 130 tỷ NDT (gần 20 tỷ USD).

Có người nói Trung Quốc có 300.000 người có thể mua máy bay riêng, hoặc có 230.000 người có từ 1 triệu USD trở lên.

Một nguồn tin cho biết có tới trên chín phần mười người giàu Trung Quốc là con em cán bộ cấp cao trong đó có 29 người có tài sàn tổng cộng là hơn 2000 tỷ NDT.

Người ta có sự phân loại không thành văn các tầng lớp trong xã hội Trung Quốc sau gần 30 năm cải cách: quan chức lãnh đạo, công vụ viên, thương nhân, xí nghiệp gia, tầng lớp tri thức. Đáng thương nhất vẫn là tầng lớp nông dân, xếp hạng cuối cùng, còn giai cấp công nhân thì xếp thứ tám, chỉ đứng trên nông dân.

Tình trạng gíá cả gia tăng mạnh và lạm phát có xu hướng phi mã, càng làm cho đời sống những người thu nhập thấp thêm khó khăn.

Có ngườì bình luận xã hội Trung Quốc là "chính trị Triều Tiên hoá; kinh tế Mỹ latinh hoá; giá cả Âu, Mỹ hoá, tiền lương châu Phi hoá" hoặc" số lần và số người chết vì tai nạn hầm mỏ nhất thế giới, số trẻ em thất học và bỏ học lớn nhất thế giới, số quan chức chính quyền lợi dụng của công ăn chơi nhất thế giới" (Bức thư thứ 2 của Uông Triệu Vận).

Quan quyền, tiền quyền

Xã hội Trung Quốc hiện nay ngoài các giai cấp đã có,đã xuất hiện những tầng lớp mới như: nhóm người có thế mạnh (gồm những người nắm quyền lực trong tay, người giàu..) - nhóm người dễ bị tổn thương (nguời nghèo, người già không nơi nương tựa, người thất nghiệp...)

Trong nhóm người có thế mạnh ngoài "Thái tử đảng" cần chú ý tới sự xuất hiện của "tầng lớp mới" - nhóm người giàu bột phát trong nền kinh tế thị trường, xuất hiện trong xã hội Trung Quốc từ năm 2000, nhưng mãi đến năm 2002, mới được chính thức đề cập tới trong báo cáo chính trị tại ĐH 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ có nguyện vọng mãnh liệt tham dự vào công việc chính trị và trong tương lai sẽ có ngày càng nhiều những người trong tầng lớp mới có quyền phát ngôn về công việc của quốc gia (trong hội nghị Chính Hiệp họp tháng 3 năm 2008 xuất hiện họ tên của hơn 100 ông/bà chủ xí nghiệp tư doanh và người làm nghề tự do và một đại biểu ĐH17 là tỷ phú)
Ở Trung Quốc hiện nay "quan quyền", "quyền tiền giao dịch" đã là một số danh từ được sử dụng phổ biến. Tầng lớp "quan quyền" là những người thu được lợi ích lớn nhất trong toàn bộ cải cách mở cửa (cần hiểu là "quan quyền" không chỉ là người trực tiếp nắm quyền mà còn bao gồm cả vợ con, họ hàng thân thích cho đến bạn bè của họ,. "Quan quyền" không chỉ gồm quan chức cấp cao mà còn bao gồm các quan chức lớn nhỏ các cấp và con em, họ hàng, bạn bè của họ)
Một bài viết về 30 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc đã tổng kết: "Quyền lực là công cụ và thủ đoạn có hiệu quả nhất để làm giàu nhanh chóng."Dù còn chưa công khai nói ra, nhưng ai cũng biết "Thái tử đảng" (gồm con em cán bộ cấp cao) là tập đoàn lợi ích có thế lực lớn nhất Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra còn có các tập đoàn kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật lớn.. có dây mơ rễ má với các quan chức đảng, chính, quân... và với các tập đoàn kinh tế nước ngoài đang ra sức vơ vét tài sản đất nước, bóc lột sức lao động của công nhân, tước đoạt ruộng đất của nông dân v.v.. Đã có cả tầng lớp xã hội đen đang ngấm ngầm hoạt động.

Xin đưa ra một số số liệu để cụ hoá tình hình bất công trong  thu nhập của tầng lớp có chức có quyền với những người dân bình thường:

Thu nhập bình quân đầu người của người dân Thâm Quyến là 32.650 NDT, nhưng của cán bộ cấp Vụ, Cục là từ 7 triệu đến 10 triệu NDT, của cán bộ cấp tỉnh là từ 8,5 triệu đến 12 triệu NDT. Điều này có nghĩa là tài sản trung bình của một cán bộ cấp Vụ, Cục ở Thâm Quyến gấp khoảng thu nhập trung bình trong 250 năm của một người dân, còn của cán bộ cấp tỉnh là 300 năm.
Vấn đề tham nhũng, hủ bại

Từ những số liệu về chênh lệch thu nhập giữa người dân và cán bộ các cấp có thể hình dung được nạn tham nhũng hối lộ ở Trung Quốc đã đến mức như thế nào.

Trong bức thư gửi sau khi thôi giữ chức Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật của đảng, Ngô Quan Chính đã thừa nhận việc kiểm kê tài sản của cán bộ khi làm thí điểm ở Thượng Hải, Quảng Đông đều không dám công khai vì bọn họ rất giàu, nếu công bố sẽ bị quần chúng truy kích v.v..

Ngoài ra theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 2003-2006 mỗi năm các cơ quan đảng chính dùng tiền công chi cho việc ăn chơi, giải trí dao động từ 300tỷ NDT-350tỷ NDT, mỗi năm thay mới và tăng thêm khoảng 500.000-650000 ôtô du lịch, tốn khoảng 200 tỷ NDT; tại một số sân Golf chi phí công chiếm tới 75%-90% v.v..

Trung Quốc coi hủ bại là nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của đảng và chế độ, đã tích cực đề ra nhiều biện pháp nghiêm khắc để ngăn chặn.

Trong 5 năm qua (2003-2007) đã xử lý 35 cán bộ cấp tỉnh, bộ (trong đó UV Bộ Chính trị Trần Lương Vũ) và 930 cán bộ cấp vụ, cục về tội này (trước đó đã từng cho cha con UV Bộ Chính trị Trần Hy Đồng vào tù và xử bắn Phó Chủ tịch UBTV Quốc hội Thành Khắc Kiệt vì các tội danh tương tự) nhưng xem ra tình hình vẫn không sáng sủa hơn mà có xu thế mỗi ngày một tăng (những năm 80 chỉ có 2 cán bộ cấp tỉnh, bộ, những năm 90 con số này là 15 và từ 2000-2007 là hơn 70 người bị xử lý)

Tâm lý chống đối

Tâm lý bất mãn, bức xúc, chống đối trước những nghịch cảnh, trước những bất công của xã hội hoặc sự quản lý kém hiệu lực của chính quyền, sự tham nhũng của những người nắm quyền đã bắt đầu công khai bộc lộ và có xu thế ngày càng mạnh lên.

Ngoài sự đấu tranh phe phái không bao giờ hết trong đảng ra, trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xuất hiện tầng lớp đảng viên chống lại đường lối cơ bản của đảng, đòi đẩy mạnh cải cách chính trị, đòi xây dựng cái gọi là "chủ nghĩa xã hội dân chủ" như mấy nước Bắc Âu... Trào lưu này bắt nguồn từ Hồ Diệu Bang và đặc biệt là Triệu Tử Dương, những người lãnh đạo cao nhất, công khai khởi xướng, không những không lụi tàn sau khi bị đàn áp mà  còn có xu thế phát triển.

Trong nhân dân, tình hình cũng tương tự. Ngoài những biểu tình, chống đối vì nguyên nhân kinh tế ra, những phản kháng chính trị (thư công khai, lên trên kêu oan, tố cáo v.v..) đã bắt đầu có những hoạt động có tính tổ chức (tuy lực lượng chống đối này còn nhỏ yếu, nhưng là hiện tượng mới xuất hiện)

Ngày 24 tháng 7 năm 2009, mấy vạn công nhân viên Công ty Gang thép Thông Hoá thuộc Tập đoàn Gang thép Thông Hoá Cát Lâm, doanh nghiệp quốc hữu do tỉnh quản lý do bất mãn trước việc doanh nghiệp tổ chức lại đã tụ tập khiếu nại, không chỉ làm cho nhà máy gang thép lớn có sản lượng 7 triệu tấn/năm này một dạo phải ngừng sản xuất mà còn bắt Trần Quốc Quân, ông chủ được Tập đoàn dân doanh Kiến Long tỉnh Hà Bắc do tăng cổ phần đầu tư mà đến nhà máy định nắm đại quyền, làm con tin, rồi đánh chết tại chỗ. Đây không phải là sự kiện có tính quần chúng bình thường. Ngày 25, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo được sự ủy nhiệm của Bộ Chính trị TW Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải tới tỉnh Cát Lâm thân tự chỉ đạo xử lý việc này.

Tâm lý chống đối còn ở những người chạy ra nước ngoài.

Những lực lượng chống đối này hiện nay chưa có sự móc nối với nhau rõ rệt, nhưng khi tình thế có sự thay đổi đột biến, họ rất có thể dễ dàng kết hợp trong ngoài nước, trong đảng và ngoài đảng trở thành lực lượng không thể xem thường.
Sức ép quốc tế

Nhìn chung thế giới khâm phục, kinh ngạc trước những thành tựu mà nhân dân Trung Quốc đã đạt được, nhưng đi kèm theo đó là nỗi lo ngại sự "lớn mạnh" của Trung Quốc.

Luận điểm "mối đe doạ Trung Quốc" không phải vô cớ được tung ra. Dù Trung Quốc đã từng sửa khẩu hiệu chiến lược của mình từ "Trung Quốc trỗi dậy" thành "Trung Quốc trỗi dậy hoà bình", "phát triển hòa bình", v.v.. nhưng phần đông các nước láng giềng và trong khu vực đều giữ thái độ cảnh giác, thận trọng trong cư xử với Trung Quốc.

Có người Trung Quốc đã cay đắng và cả hằn học nữa thốt lên: "dưới cái mũ lớn "thuyết Trung Quốc đe dọa" còn có nhiều thuyết "đe dọa nhỏ" nữa, nào là mối đe dọa của tỷ suất thấp của đồng NDT, mối đe doạ của an toàn thực phẩm Trung Quốc, mối đe doạ của việc môi trường Trung quốc xấu đi, mối đe doạ do nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng nhanh, mối đe dọa do Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng v.v.

Trung Quốc vừa có chút khí thế trỗi dậy đã bị các cường quốc thế giới kéo nhau lại "tấn công".

Trong kỳ họp Quốc hội tháng 3/2008, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc nói: "Áp lực bên ngoài mà nền kinh tế nước ta phải đối mặt rõ ràng lớn hơn các năm trước."

Xin nói thêm: quan hệ Trung - Mỹ đã qua thời kỳ trăng mật. Quan hệ Trung - Nhật đã qua giai đoạn đầu tốt đẹp. Quan hệ Trung - Nga là quan hệ của hai đối thủ đã từng biết nhau khá rõ. Trung Quốc không có được đồng minh và láng giềng tốt theo đúng nghĩa.

Mặc dù Trung Quốc đã sửa tên gọi chiến lược phát triển của mình từ "Trung Quốc trỗi dậy" thành "trỗi dậy hòa bình" rồi xóa bỏ chữ "trỗi dậy" để chỉ còn là "phát triển hòa bình". Mặc dù Trung Quốc đề ra phương châm với các nước xung quanh là "Láng giềng là hàng đầu", và "làm bạn với láng giềng, hòa thuận với láng giềng, làm yên lòng láng giềng, giầu có cùng láng giềng". Mặc dù Trung Quốc mấy năm gần đây đã tuyên bố "chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác, cùng hưởng lợi" trong quan hệ với các nước ở Biển Đông, nhưng người ta vẫn không hoàn toàn yên tâm, vừa quan hệ vừa cảnh giác. Bởi vì ai dám đoan chắc năm, ba năm tới (hay lâu hơn chút nữa), Trung Quốc sẽ làm gì? Ở đâu? Với ai? Mức độ thế nào? Qui mô đến đâu?...

----

Viết về một số tồn tại lớn của Trung Quốc, không hề nhằm mục đích "bới lông tìm vết", hay "nói xấu" người bạn lớn phương Bắc của chúng ta, mà chỉ muốn qua đó giới thiệu với những người có trách nhiệm của đất nước (cả đương nghiệm và người sẽ thay thế) ở Trung ương cũng như địa phương, tại các ngành cũng như các vùng, dù quyền cao chức trọng hay chỉ là những "thơ lại" thời đại mới, hy vọng họ nghiêm chỉnh rút ra được từ tình hình thực tế của Trung Quốc, những bài học bổ ích cho những suy tính, những quyết sách lớn nhỏ....

Biết nghiêm túc học tập những kinh nghiệm chưa thành công của người đi trước, chúng ta sẽ bớt phải trả giá (có khi là rất lớn và lâu dài.)

Nhưng nếu không thấy hoặc cố tình không thấy "vết xe của người đi trước", thì cái giá phải trả không chỉ là của một số cá nhân mà sẽ là những người lao động chân chính, là đông đảo nhân dân, là cả dân tộc và những thế hệ tiếp theo.

----

Tài liệu tham khảo chính:

- Báo cáo chính trị tại Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc (bản tiếng Trung lấy trên mạng của Tân Hoa xã)

- Báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc tại kỳ họp Quốc hội tháng 3 năm 2008 (bản tiếng Trung lấy trên mạng của Tân Hoa xã)

- Thư công khai của Uông Triệu Vận, thường vụ Chính Hiệp tỉnh An huy Trung Quốc gửi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo (bức thứ nhất và thứ hai)

- Một số bài báo của Trung Quốc đăng trên mạng từ ĐH 17 tới tháng 3 năm 2008,

- Một số bài viết chưa công bố của tác giả về vấn đề có liên quan.

Không có nhận xét nào: