Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

Sóc Trăng nơi sông về tới biển



DẠY VÀ HỌC. Dòng sông quê hương, dòng sông tuổi thơ, dòng sông tình yêu suốt đời thao thiết chảy. Sóc Trăng là nơi sông về tới biển. Tiếng Khmer, Sóc Trăng gọi là Srok Kh'leang nghĩa là cõi báu (Srok là cõi, Kh'leang là kho báu). Srok Kh'leang là cõi Phật, là chốn Bồng Lai. Nghĩa khác của Sóc Trăng là Sông Trăng. Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng có tên là Nguyệt Giang (Sông Trăng). Đối diện với mặt trời nóng ấm là sông trăng hiền hòa, lồng lộng đi về biển lớn (Sông Mekong ngã Năm, Sóc Trăng).

Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, một tỉnh nghèo ven biển miền Trung. Ký ức tuổi thơ gắn với sông Giang (Linh Giang) huyền thoại. Cha mẹ làm nghề nông nhưng cha cũng làm thêm nghề chèo đò. Ông đã từng cứu người chết đuối và được đền ơn bằng lời khuyên đổi tên tuổi thơ cho tôi từ Hoàng Minh Kim thành Hoàng Kim mà tôi sẽ kể vào một dịp khác.



(Sông Gianh, nguồn Son lối vào động Phong Nha, Quảng Bình)

Nhà tôi ở ngã ba sông của rào Nan và nguồn Son. Đường sông lối nguồn Son vào động Phong Nha khá gần. Thuở nhỏ đi hái củi tôi vẫn thường qua lại hang động. Sau này động Phong Nha đã trở thành danh thắng nổi tiếng thế giới gắn với sông Gianh, đèo Ngang của tuổi thơ và biển Quảng Bình.

Biển

Anh yêu biển tự khi nào chẳng rõ
Bởi lớn lên đã có biển quanh rồi
Gió biển thổi nồng nàn hương biển gọi
Để xa rồi thương nhớ chẳng hề nguôi

Nơi quê mẹ mặt trời lên từ biển
Mỗi sớm mai gió biển nhẹ lay màn
Ráng biển đỏ hồng lên như chuỗi ngọc
Nghiêng bóng dừa soi biếc những dòng sông

Qua đất lạ ngóng xa vời Tổ Quốc
Lại dịu hiền gặp biển ở kề bên
Khi mỗi tối điện bừng bờ biển sáng
Bỗng nhớ nhà những lúc mặt trăng lên

Theo ngọn sóng trông mù xa tít tắp
Nơi mặt trời sà xuống biển mênh mông
Ở nơi đó là bến bờ Tổ Quốc
Sóng yêu thương vỗ mãi đến vô cùng …

Lớn lên, tôi ra học Đại Học Nông nghiệp 2 ở Đồn Lương, Việt Yên, Hà Bắc và nhập ngũ năm 1971 cùng đợt với Nguyễn Văn Thạc. Ngày lên đường có sự thầm yêu thương của người bạn gái cùng lớp mà mãi sau này trong sổ tay chiến sĩ tôi còn trân trọng giữ gìn hai bài thơ thuở đó:

Tình em

Em trao duyên cho anh
Anh nén lòng
Dành
Đợi

Em lấy chồng rồi
Anh nợ mãi
Tình em

Qua sông Thương gửi về bến nhớ

Ta lại hành quân qua sông Thương
Một đêm vào trận tuyến
Nghe Tổ Quốc gọi lên đường!
Mà lòng ta xao xuyến
Và hồn ta căng gió reo vui
Như dòng sông Thương chảy mãi về xuôi
Hôm nay ta ra đi
Súng thép trên vai nóng bỏng

Không qua nhịp cầu ngày xưa soi bóng
Phà đưa ta sang sông
Rạo rực trời khuya, thao thức trong lòng
Rầm rập dòng sông sóng nhạc
Như tình thân yêu muôn vàn của Bác
Tiễn đàn con ra đi

Tầu cập bến rầm rì tiếng máy
Tiếng động cơ sục dưới khoang tàu
Hay sôi ở trong lòng đất cháy
Hay giữa tim ta thúc giục lên đường
Chào bờ Bắc thân yêu hẹn ngày trở lại!

Ôi những con thuyền đèn trôi suốt canh khuya
Có khua nhẹ mái chèo qua bến cũ
Nhắn cho ai ngày đêm không ngủ
Rằng ta đi chưa kịp báo tin vui

Đêm nay bên dòng nước nghiêng trôi
Sông vẫn thức canh trời Tổ Quốc
Rạo rực lòng ta bồi hồi tiếng hát
Đổ về bến lạ xa xôi
Với biển reo ca rộng mở chân trời

Dòng sông tuổi xuân thao thiết chảy. Năm 1972, tại Tây Nguyên tôi có kỷ niệm không thể quên về những ngày đói gạo, ăn rau rừng và câu cá ven sông Srêpok gần Buôn Đôn. Nhớ buổi câu cho bữa cơm người bạn sốt rừng ốm nặng thèm ăn cá.Đây là bài thơ khóc bạn.

Câu cá bên dòng Srêpok

Bạn chèo thuyền trên sông Vôn ga
Có biết nơi này mình câu cá?
Srêpok giữa mùa mưa lũ
Sốt rừng, muỗi vắt, đói cơm

Suốt dọc đường hành quân
Máy bay,
pháo bầy,
thám báo,
mưa bom
Chốt binh trạm giữa rừng
Người bạn thân
Lả người
Vì cơn rét đậm
Thèm một chút cá tươi
Mình câu cá
Cho bữa cơm cuối cùng của người thân
mà nước mắt
đời người
rơi, rơi...
mặn đắng

Bạn ơi
Con cá nhỏ trên dòng Srêpok
Nay đã theo dòng thác lũ cuốn đi rồi
Đất nước nghìn năm
Trọn một lời thề
Sống chết thủy chung
với dân tộc mình
Muôn suối nhỏ
Đều đi về biển lớn.

Sau ngày đất nước thống nhất đến năm 1977, tôi về lại mái trường thân yêu học tiếp Đại học Nông nghiệp. Tốt nghiệp ra trường, trên một phần tư thế kỹ liên tục gắn bó với những nghiên cứu chọn giống và thâm canh cây trồng ở Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và trên ruộng nông dân tại Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Trung, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên...Tôi đã đi qua hầu hết các tỉnh thành trong cả nước và hầu hết các châu lục trên thế giới, được ngắm nhìn nhiều dòng sông ở nhiều vùng văn hóa khác nhau.


(Chùa Đất Sét, Sóc Trăng)

Tới nơi đây, về Sóc Trăng, mảnh đất Tổ Quốc thiêng liêng nơi gần cực Nam đất nước, được đón bình minh nơi cửa biển, lòng tôi trào dâng niềm xúc động bồi hồi. Dòng sông quê hương, dòng sông tuổi thơ, dòng sông tình yêu suốt đời thao thiết chảy. Tôi đã ra đi từ dòng sông quê hương miền Trung, tới phương Bắc, về phương Nam và nay chọn đất phương Nam làm quê hương thứ hai. ‘‘Dân Việt nghìn năm xuôi lấn biển/Tựa lưng vào núi hướng về Nam/ Thoáng chốc nghìn năm nhìn trở lại/ Tháp vàng, hoa trắng, nắng Mekong”. Cửu Long là sông lớn nhất của đất phương Nam. Sóc Trăng là nơi sông về tới biển. Sóc Trăng là Srok Kh'leang là cõi báu, là đất Phật, chốn Bồng Lai. Sóc Trăng có sông trăng hiền hòa, lồng lộng đi ra biển lớn. Tôi thích đọc những chấm phá về người và đất phương Nam có trong các trang văn của Nguyên Ngọc, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Nguyễn Một .... và bất giác nhớ đến bài thơ:

Điểm hẹn

Anh như chim ưng quay về tổ ấm
Vẫn khát bầu trời ước vọng bay lên
Ơi Bồng Lai cồn cào nỗi nhớ
Anh về bên này lại nhớ bên em.

Chủ Nhật 14.9.2009

(Còn nữa: Bài 3 Sóc Trăng những tên đất tên người )

Không có nhận xét nào: