Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2009

Nhớ Sóc Trăng



DAYVAHOC. Hoàng Kim. Đi miền Tây, tôi mang theo cuốn “Bằng đôi chân trần” của nhà văn Nguyên Ngọc để đọc. Những trang văn của ông về “Du lịch bền vững”“Đến miền Tây với một tấm lòng”,“Bằng đôi chân trần”,“Không gian của Nguyễn Ngọc Tư” đã ám ảnh và gợi cho tôi nhiều điều. Hành trình xuôi phương Nam, qua Cần Thơ, chúng tôi đến Sóc Trăng, một tỉnh của vùng Tây Nam Bộ. Đây là nơi giao thoa của những cộng đồng văn hóa Khơ me, Việt, Hoa. Một nhà dân tộc học có nói: "Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc là những điểm nhấn văn hóa khi nghiên cứu người Việt, đất Việt và văn hóa Việt". Thật may mắn cho tôi là đã có gần trọn tuần ở cái nôi văn hóa ấy để khi về luôn ... nhớ Sóc Trăng (ảnh chùa Dơi Sóc Trăng, hình internet).

VÀI NÉT VỀ ĐẤT ĐAI, SÔNG NƯỚC VÀ CON NGƯỜI SÓC TRĂNG
Tỉnh Sóc Trăng, theo trang thông tin điện tử của Ủy ban Nhân dân Tỉnh , là vùng tiềm năng kinh tế xuất khẩu gạo, hàng thủy sản và nông sản thực phẩm chế biến của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Diện tích đất tự nhiên của tỉnh có 3.310,03 km2 gồm 8 huyện và 1 thành phố với 105 xã, phường, thị trấn với thành phố Sóc Trăng là trung tâm hành chính cách thành phố Cần Thơ 62 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 231 km.

Đất đai Sóc Trăng chủ yếu là đất phù sa bồi có độ màu mỡ cao được hình thành qua nhiều năm lấn biển, thích hợp cho việc phát triển cây lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, đậu nành, bắp, các loại rau màu như hành, tỏi và các loại cây ăn trái như bưởi, xoài, sầu riêng. Hiện đất sử dụng cho nông nghiệp chiếm 84,03%, đất lâm nghiệp 4,40%, đất chuyên dùng và các loại đất khác 11,57%. Trong tổng số 278.154 ha đất nông nghiệp có 160.910 ha sử dụng cho canh tác lúa, 18.319 ha dùng trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày, 40.911 ha dùng trồng cây lâu năm và cây ăn trái.

Địa hình phần lớn là đất bằng, xen kẽ những vùng trũng với các giồng cát với cao trình phổ biến ở mức 0,5-1,0 m so với mặt biển, nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Những giồng cát hình cánh cung đồng phương với bờ biển từ Sóc Trăng đến Vĩnh Châu. Vùng trũng phía nam tỉnh với độ cao 0-0,5 m, thường bị ngập úng dài ngày trong mùa lũ. Sử dụng đất ở Sóc Trăng khá đa dạng trong phát triển nông, ngư nghiệp và hiện tại đã hình thành nhiều khu du lịch sinh thái phong phú.

Khí hậu tỉnh Sóc Trăng được chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 27oC, độ ẩm trung bình là 83%.

Tài nguyên sông biển của Sóc Trăng có 72 km bờ biển với ba cửa sông lớn Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh hình thành lưu vực rộng lớn thuận lợi cho giao thông, nuôi trồng thủy hải sản, làm muối. Hệ thống kinh rạch của tỉnh chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều ngày lên xuống 2 lần, mực triều dao động trung bình từ 0,4 m đến 1 m. Thủy triều vùng biển không những gắn liền với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cư dân địa phương, mà còn mang lại nhiều điều kỳ thú cho du khách khi đến tham quan, du lịch và tìm hiểu hệ sinh thái rừng tự nhiên.


(Tôm là nguồn lợi thủy sản của vùng Tây Nam Bộ- ảnh internet)

Tài nguyên rừng có diện tích 12.172 ha với các loại cây tràm, bần, giá, vẹt, dừa nước phân bố chủ yếu ở 2 huyện Vĩnh Châu và Long Phú. Rừng Sóc Trăng thuộc hệ rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ở khu vực đất nhiễm phèn. Sóc Trăng còn có dải cù lao thuộc huyện Kế Sách và Long Phú chạy dài ra tận cửa biển với nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành như cồn Mỹ Phước, cù lao Dung.

Dân số toàn tỉnh, theo thống kê năm 2007, có 1.302.562 người, trong đó thành thị chiếm 18,44%, nông thôn 81,56%.. Ở Sóc Trăng, ngoài người Kinh chiếm tỷ lệ khoảng 65,2% dân số còn có nhiều dân tộc khác cùng chung sống, trong đó người Khmer chiếm 28,9%, người Hoa chiếm 5,9%. Thêm vào đó còn có người Nùng, Thái, Chăm... nên đời sống và sinh hoạt văn hóa của người dân Sóc Trăng rất đa dạng và phong phú. Mật độ dân số trung bình hiện nay của tỉnh là 394 người/ km2, thấp hơn mức trung bình ở Đồng bằng sông Cửu Long (434 người/ km2). Dân số phân bổ không đều, tập trung đông ở vùng ven sông Hậu và các giồng đất cao.

Con người Sóc Trăng nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung là “một trong những xứ đất và người kỳ thú nhất ở nước ta” theo cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc: “Tôi yêu và mê miền Tây như vậy, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ và viết về miền đất và người ở đấy, trừ đôi bút ký nhỏ và rụt rè, bởi tôi biết tôi sẽ không bao giờ có thể nắm bắt được cho thật đúng cái hơi thở nồng đậm có một không hai, không bao giờ nói được cho thấu về đất đai, sông nước và con người ở đây, từ hình dáng tâm tình, suy nghĩ, tính cách ... cho đến ngôn ngữ giàu có đến kỳ lạ của họ”

Đến Sóc Trăng là đến với vùng đất đa văn hóa, sông trăng, đạo Phật, đền chùa, thú ẩm thực và những điều sâu sắc cốt lõi văn hóa nằm sâu trong dân gian... Chợt dưng tôi nhớ đến đất nước Lào và bài thơ tôi làm năm ngoái khi tham dự Hội nghị Nghiên cứu Sắn Quốc tế lần thứ Tám tổ chức tại Viên Chăn, ngày 20 - 24 / 10/ 2008

THÁP VÀNG, HOA TRẮNG, NẮNG MEKONG

Tháp vàng, hoa trắng, nắng Mekong
Ấn tượng Viên Chăn thật lạ lùng
Nơi đâu hối hả, đây trầm lắng
Một vùng đất Phật ở ven sông.

Nhớ thuở Nguyễn công gây nghiệp lớn
Ai Lao thường mở lối đi về
Trung Hưng thành tựu nhờ chung sức
Núi thẳm, lòng dân đã chở che

Dân Việt ngàn năm xuôi lấn biển
Tựa lưng vào núi hướng về Nam
Thoáng chốc nghìn năm nhìn trở lại
Tháp vàng, hoa trắng, nắng Mekong

"That Luang", "Champa", "golden light in Mekong River" là những ấn tượng khó quên về đất nước Lào. That Luang (tháp vàng) là biểu tượng quốc gia. Cham pa (hoa trắng) là sắc hoa sứ thanh khiết mà người Lào rất mến chuộng. Nắng vàng rực rỡ trên sông Mekong tạo nên vẻ đẹp kỳ ảo của Viên Chăn. Uống bia Lào, ăn mực và nhâm nhi cà phê Việt, ngắm nắng chiều dát vàng trên sông xanh mà bờ sông bên kia là Thái Lan, để lắng nghe nhịp sống chậm rãi và yên bình.

Đến Sóc Trăng vẻ đẹp kỳ ảo miền Tây thật giống đất nước Lào: Thiên nhiên còn hoang sơ với nhịp sống chậm rãi và yên bình. Sông trăng lộng lộng xuôi về biển lúc bình minh hừng sáng. Nét đẹp dung dị phúc hậu của cô gái miền Tây. Các đặc sản ẩm thực tuyệt diệu vùng sông nước. Những ngôi chùa cổ và nét đẹp văn hóa tinh tế của đất phương Nam. Những vùng đất thuở sơ khai và tên người có công với Nước. Bước chân trần lấn biển. Hành trình mở cõi đất phương Nam. Sự giao thoa của những nền văn hóa lớn. Mỗi dòng trên đây là cả một cuốn sách rộng mở cần nghiên cứu, tìm tòi, khám phá như sông trăng lồng lộng xuôi về biển rộng lúc hừng đông

(còn nữa)

Không có nhận xét nào: