Thứ Tư, 3 tháng 6, 2009

Nguyên Ngọc- Nhà văn chiến sĩ


DAYVAHOC. Nguyên Ngọc là nhà văn Việt Nam đương đại yêu quý nhất của tôi (HK). "Trong văn học cách mạng Việt Nam, Nguyên Ngọc là nhà văn luôn có mặt ở tiền tuyến. Ông thuộc số những người cầm súng trước khi cầm bút, trãi nghiệm qua hai cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của dân tộc, Những năm ở chiến trường, trước hết anh là một cán bộ chính trị. ...Anh phải dành nhiều thời gian cho việc xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng người viết, trực tiếp giảng bài cho học viên ở các lớp bồi dưỡng mở tại nhiều địa phương khác nhau. Với cương vị người cán bộ chính trị, người ta lại thấy anh có mặt góp ý kiến cho các đội quân chính trị sắp kéo vào đấu tranh trong thành phố ở đơn vị này, lại hăng hái tham gia thảo luận phương án tác chiến của một đơn vị khác. Khi về hậu cứ, cũng như mọi cán bộ khác, anh lo phát rẫy tăng gia tự túc, gùi gạo, đào hầm, làm nhà, biên tập bài vở và giải quyết hàng loạt công việc sự vụ của người thường trực cơ quan văn nghệ. Thời gian dành cho sáng tác văn học của anh, vì thế bao giờ cũng chỉ là những mảnh vụn ít ỏi gom nhặt giữa những nhiệm vụ khẩn thiết khác...Hết sức coi trọng tác dụng của văn học và vị trí xã hội của nhà văn, anh không muốn và không thể chấp nhận quan niệm nhà văn chỉ đi vào cuộc sống để thu lượm tài liệu, quan sát thực tế cho tác phẩm của mình. Cao hơn trang sách, mục đích của mọi trang sách vẫn là thắng lợi trong cuộc sống, và anh có ý thức tự mình trực tiếp tham gia vào mọi diễn biến của cách mạng, tự mình thể nghiệm những vấn đề mình sẽ viết. "Nhà văn Nguyên Ngọc" (ảnh Internet)

Ở đó, từ một thiếu sinh quân cho tới khi làm người phụ trách văn nghệ cả một Quân khu, anh không chỉ - nói theo cách của chính nhà văn - sử dụng vũ khí của tiếng nói mà còn sử dụng thành thạo tiếng nói của vũ khí để đánh kẻ thù. Cách sống, cách viết cùng những thành tựu văn học mà anh cũng như các nhà văn quân đội đạt được từ vị trí chiến đấu của mình làm cho các nhà văn mặc áo lính này có một vẻ riêng trong văn học hiện đại Việt Nam.

Nguyên Ngọc tên thật là Nguyễn Văn Báu sinh ngày 5 tháng 9 năm 1932 tại Đà Nẵng, trong gia đình một viên chức bưu điện. Di chuyển theo nơi làm việc của cha, anh về Hội An học tiểu học, rồi một mình ra học trường trung học Khải Định (tức Quốc học) ở Huế. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 về Hội An học ít lâu, theo tiếng gọi cứu nước, anh xin nhập ngũ. Cậu thiếu sinh quân nhỏ người lại bé tuổi được gửi đi học tiếp. Nhưng đến đến 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, thì không thể ngồi yên học tập được nữa, cùng một số bạn bè, trong đó có người sau này là nhà văn Lê Khâm tức Phan Tứ, anh bỏ năm thứ hai trường chuyên khoa đang học dở, trở về đơn vị xin đi chiến đấu. Đối với những thanh niên học sinh lớp tuổi mười tám, hai mươi dạo ấy, hình ảnh anh bộ đội với nước da mai mái, bộ quần áo Xita sợi thô, chiếc ba lô gấp sau lưng và khẩu súng trong tay có sức hấp dẫn của một mẫu người lý tưởng vừa trần thế vừa thần thoại. Sau một khoá đào tạo ngắn hạn, anh được phân về đơn vị với chức tiểu đội phó, cấp thấp nhất trong biên chế quân đội. Cho đến bấy giờ, ở Đắc Lắc thuộc nam phần Tây Nguyên, hình thức hoạt động chính của bộ đội vẫn là vũ trang tuyên truyền. Khi xuống cơ sở, mỗi người được cấp một số gạo nhất định, đó là số lương thực ăn trong thời gian đi tìm cơ sở để đặt chân - nghĩa là có người cho ở cho ăn. Từ đó tiến tới giáo dục, giác ngộ họ về tư tưởng, tiến tới tổ chức các hình thức đánh giặc. Cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia sinh hoạt với đồng bào dân tộc, học nói tiếng của họ, anh học sinh thành phố vô cùng kinh ngạc trước những biểu hiện của tinh thần thượng võ, lòng yêu nước, ý chí bất khuất cùng tài trí của những người dân Tây Nguyên. Vốn văn hoá nghệ thuật của họ thể hiện tập trung trong các khan- trường ca- nghe được trong những đêm hội hè đã gây cho anh một ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ. 1951 anh được điều về làm phóng viên tờ Vệ quốc quân khu 5. Đó là thời cơ cho anh có dịp đi nhiều, biết rộng về Tây Nguyên. Nhưng mãi đến năm 1953 khi đi chuẩn bị chiến trường để phối hợp tác chiến với chiến trường chính ở Bắc Bộ, anh mới có dịp ra vùng bắc Tây Nguyên. Vừa lành vết thương trong một trận đánh, anh lại cùng đồng đội vượt đường 19 tìm bàn đạp cho bộ đội vào giải phóng thị xã Plây Cu. Làng Xitơ nơi anh tới là một căn cứ du kích nổi tiếng. Chính người chiến sĩ- người chỉ huy đội du kích dân tộc Ba Na hàng tháng liền đã dẫn đoàn cán bộ đi trinh sát chuẩn bị chiến trường. Sau này, trong Đại hội chiến sĩ thi đua Khu Năm, Nguyên Ngọc được phân công giúp người chiến sĩ thi đua đó chuẩn bị bản báo cáo thành tích và dịch từ tiếng Ba Na ra tiếng Kinh trước Đại hội.

Đó là lý do khi tập kết ra miền Bắc sau hiệp định Giơnevơ, vào khoảng cuối năm 1955, được triệu tập về dự trại viết truyện anh hùng, Nguyên Ngọc đã chọn viết về người chiến sĩ du kích Tây Nguyên anh đã thân quen vừa được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi. Người anh hùng đó là Đinh Núp. Trong vòng ba tháng, với một sức làm việc trẻ trung và say mê, anh đã viết đi viết lại đến bốn lần. Hoàn thành vào cuối 1955, lúc đầu dưới tên Đất nước đứng lên anh chỉ đề một cách chung chung: Truyện anh hùng Núp… Viết xong tập sách, cùng anh em trong trại, anh đi tham gia cải cách ruộng đất ở Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). Khi đọc bản thảo không có ý định dự thi này, Ban giám khảo Giải thưởng văn học 1953-1954 mặc dầu vào giai đoạn chung khảo, nhất trí tặng cho tác phẩm này giải nhất về tiểu thuyết.

Quả là cuốn truyện đầu tay của Nguyên Ngọc- anh bộ đội mới 23 tuổi ấy- xứng đáng với giải thưởng như thế. Loại truyện anh hùng chiến sĩ thi đua đã được các văn nghệ sĩ hăng hái tham gia viết từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng cho đến bây giờ, với những tác phẩm đã có, nó vẫn chỉ được xem là một thể loại báo chí, nặng về tóm tắt tiểu sử, thống kê thành tích một cách không đến nỗi quá khô khan. Với Đất nước đứng lên, lần đầu tiên loại truyện anh hùng, truyện người thật việc thật được công nhận như một sáng tác văn học thực sự. Tiểu thuyết của văn học kháng chiến cũng đã có khá sớm nhưng đến Đất nước đứng lên mới có một tác phẩm hoàn chỉnh, khá toàn bích về sức khái quát, năng lực biểu hiện hiện thực cuộc chiến tranh nhân dân và xây dựng được những nhân vật có chiều sâu tâm lý, sinh động, chân thực và hấp dẫn. Huy động được vốn sống phong phú thu lượm từ những năm chiến đấu, với một bút pháp giản dị mà sớm điêu luyện, trong phạm vi hơn 200 trang sách, Nguyên Ngọc đã dựng lại sinh động, súc tích quá trình giác ngộ và trưởng thành của những người dân Tây Nguyên, cuộc sống và chiến đấu độc đáo đầy sáng tạo của một buôn làng trên núi cao. Qua câu chuyện về một người anh hùng thuộc một dân tộc ít người ở Tây Nguyên, cuốn tiểu thuyết đã cắt nghĩa được khá đầy đủ câu hỏi: Bằng con đường nào dân tộc Việt Nam đất không rộng, người không đông, có một nền kinh tế quá nghèo nàn lạc hậu lại dám đánh và biết cách đánh thắng một kẻ thù được trang bị hiện đại, có một nền kinh tế phát triển nhiều lần hơn là đế quốc Pháp? Vai trò của lý tưởng, đi đôi với công tác tổ chức của Đảng, huy động được tài trí của quần chúng là những nhân tố quyết định thắng lợi. Vì thế Đất nước đứng lên trong một chừng mực nào đó cũng có thể được coi là một trong những bản anh hùng ca về chiến tranh nhân dân Việt Nam. Được dịch ra nhiều thứ tiếng, có mặt trên nhiều châu lục, những năm qua, Đất nước đứng lên không chỉ là người giới thiệu cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam mà còn giúp củng cố lòng tin của nhân dân thế giới vào thắng lợi tất yếu của nhân dân Việt Nam và nó còn mang tới cho những ai cùng cảnh ngộ Việt Nam niềm tin vào bản thân, vào thắng lợi cuối cùng của họ.

Những năm sau khi viết Đất nước đứng lên, làm Biên tập viên ở tạp chí Văn nghệ quân đội, anh đã có dịp đi nhiều nơi trên miền Bắc đang nô nức trong không khí lao động hoà bình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong nhiều sáng tác anh viết thời kỳ này, tập truyện ngắn Rẻo cao cho đến nay vẫn được coi là một tập truyện ngắn hay viết về đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc.

Nhưng miền Nam, một nửa nước thân yêu đang trong vòng kìm kẹp của quân thù. Từ nơi đó ngày ngày bay ra biết bao tin tức đau lòng. Anh đã chịu đựng những năm tháng nặng nề đó. Và dấu vết của nó còn để lại trong vài sáng tác chân thành xúc động song có chiều bi phẫn: Mạch nước ngầm. Rồi miền Nam sau những năm dài chịu đựng và tích tụ căm hờn đã vùng lên Đồng khởi. Tình thế mới đòi hỏi sự chi viện của miền Bắc. Gần như chỉ chờ có thời cơ đó, cùng với Nguyễn Ngọc Tấn tức Nguyễn Thi, năm 1962 Nguyên Ngọc lại khoác ba lô vượt Trường Sơn về lại với mảnh đất yêu thương cũ. Sẽ như một nhân vật trong Đất Quảng anh viết gần mười năm sau: anh bước vào cuộc chiến đấu giản dị, dứt khoát và ngay từ đầu rất thành thực.

Miền Nam sau Đồng khởi tình hình đang phát triển thuận lợi. Đến 1964 nông thôn nhiều vùng gần như đã được giải phóng hoàn toàn. Ngụy quyền đang bên bờ vực của sự sụp đổ. Không ngồi yên nhìn thất bại của lũ tay sai, đế quốc Mỹ đã leo thang chiến tranh.

Một buổi chiều vào đầu năm 1965, Nguyên Ngọc vừa đi từ Đèo Nhông- Bình Định trở về. Anh ngỡ ngàng khi qua Chu Lai, một làng quê bình thường đang được xây dựng gấp thành căn cứ quân sự. Hàng trăm trực thăng bay kín một vùng trời đổ xuống Chu Lai, điều gì đang xảy ra? Trở về căn cứ, anh được biết: Mỹ đã đổ quân ồ ạt vào miền Nam. Cuộc chiến tranh cục bộ đã bắt đầu như thế.

Ngay từ giờ phút đó, Đảng ta đã hạ quyết tâm đánh Mỹ, và bằng mọi hình thức tìm ra cách đánh Mỹ tốt nhất. Cũng từ đây, toàn bộ sáng tác của Nguyên Ngọc- từ nay ký tên là Nguyễn Trung Thành- sẽ tập trung vào đề tài mũi nhọn và khó biểu hiện nhất: đề tài đánh Mỹ, sẽ có chung một chủ đề chính và chỉ đào sâu chủ đề đó mà thôi, mẩu tin và bài báo, tùy bút và bút ký, truyện ngắn và tiểu thuyết đều tập trung tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn lao, bức xúc, nóng hổi: Bằng cách nào đây, bằng con đường nào đây, đánh ngã kẻ thù tàn bạo, đánh đổ con thú Mỹ để giữ quyền sống cho dân tộc, cho ta và cho bạn bè năm châu?

Đang phụ trách tờ báo của Quân khu, và tờ Tạp chí văn nghệ của lực lượng văn nghệ giải phóng, anh xin tham gia vào đoàn cán bộ đi chuẩn bị cho một đơn vị đánh Mỹ trận đầu, để tìm ra cách đánh Mỹ và cũng để khẳng định Mỹ có thể đánh được, thắng được, dù chúng có được trang bị vũ khí tối tân hiện đại hơn ta nhiều lần. Đó chính là trận Núi Thành. Ở đó, một đại đội Quân giải phóng đã diệt gọn một đại đội Mỹ bằng lối đánh gần. Tuy vào trận, những tên Mỹ chết vì lê không nhiều nhưng chính trận đầu này đã đẻ ra hình tượng người Dũng sĩ diệt Mỹ với lưỡi lê đầu súng, sẽ thành nỗi khiếp đảm của quân đội Mỹ ở miền Nam. Góp phần tạo dựng nên hình ảnh khái quát đó có những bài báo của Nguyễn Trung Thành.

Những ngày chuẩn bị cho trận đánh, công tác chính trị đang cần một lời kêu gọi, một lời động viên, ban ngày bận công tác, trong hai đêm anh viết xong bài báo động viên, đó là bài tuỳ bút Đường chúng ta đi, lần đầu tiên giới thiệu với bạn đọc bút danh Nguyễn Trung Thành. Với giọng chính luận trữ tình đằm thắm, thiết tha, với những suy tư bay bổng nhưng chín chắn và điềm tĩnh, qua lời người chiến sĩ trước đêm vào trận, anh nhìn lại con đường phát triển của cách mạng miền Nam: Mười năm sống mái với quân thù, chúng ta mở lấy một lối đi. Lòng đầy tin tưởng, sáng suốt và quyết tâm, sẵn sàng đón nhận mọi sự hy sinh, anh chiến sĩ thanh thản chờ giờ nổ súng để xông lên, bởi vì anh đã biết rõ tính mệnh riêng của anh dù thế nào mặc lòng, thì thắng lợi cuối cùng của cách mạng miền Nam là điều chắc chắn. Không chỉ các chiến sĩ dự trận đánh Núi Thành năm ấy mà nhiều lớp thanh niên trên hai miền đất nước đọc bài tuỳ bút ấy, hay học nó trong chương trình văn học ở nhà trường, đã mang nguyên vẹn tâm tư và tình cảm nồng cháy thiết tha ấy ra mặt trận.

Trong trạng thái tình cảm thiêng liêng nghĩ về giá trị những ngày đang sống: Là ngày hôm nay, là giờ phút bây giờ nhưng lại cô đọng, lại chất chứa, lại tràn đầy có khi hàng ngàn năm quá khứ và biết mấy tương lai ấy, anh viết khá nhanh truyện ngắn về một làng Tây Nguyên Đồng khởi, đó là truyện Rừng Xà nu. Qua câu chuyện một người du kích về thăm làng, có bàn tay mà mỗi ngón đều bị cụt một đốt, câu chuyện cũ được kể lại để chúng ta hiểu về lý do của ngày Đồng khởi. Đồng khởi chính là sự bùng nổ của những hờn câm chất chứa từ lâu bởi những tội ác vô cùng man rợ của kẻ thù, và bởi: Chúng nó đã cầm súng, chúng mình phải cầm giáo. Câu chuyện bi tráng ấy đã xảy ra ở một làng có giống cây đặc sắc là Xà nu. Mọc thành rừng dáng hùng vĩ, kiên nghị và hiên ngang trên núi cao chỉ có nó với mây trời. Rừng Xà nu uỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng. Cũng như con người ở đây, nó chịu đựng bom đạn với một sức sống phi thường: Nó sinh sôi nảy nở. Cạnh một cây ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời, như thế hệ trẻ nối tiếp cha anh đứng vào đội ngũ đánh giặc. Được viết với một bút pháp chặt chẽ, chất tượng trưng quyện chặt với đời thực, cô đúc lại từ một khối vốn sống phong phú nhiều mặt làm cho truyện ngắn đạt đến mức súc tích. Có những người anh quen biết tưởng đã đi qua trong cuộc đời, chìm sâu trong ký ức, bỗng hiện lại sinh động lung linh và đi vào tác phẩm hồn nhiên giản dị. Chất thơ bi tráng, sức khái quát hàm súc làm cho Rừng Xà nu giữ một vị trí đặc biệt trong sáng tác của anh. Truyện ngắn này đã được tặng giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội văn nghệ Giải phóng.

Những năm ở chiến trường, trước hết anh là một cán bộ chính trị. Mặc dầu như chính anh nhận xét: Ở đây văn nghệ ra đời trong đấu tranh và tồn tại như một vũ khí, văn nghệ có lúc thiết yếu như cuộc sống, dù vậy, hoặc chính vì vậy mà thì giờ dành riêng cho sáng tác là hầu như không có. Ngoài việc chăm lo thường xuyên cho việc ra tờ báo của Quân khu mà trong đó anh sẵn sàng viết từ bài xã luận đến một mẩu tin- và tờ tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng, với cương vị lãnh đạo văn nghệ của Quân khu, anh phải dành nhiều thời gian cho việc xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng người viết, trực tiếp giảng bài cho học viên ở các lớp bồi dưỡng mở tại nhiều địa phương khác nhau. Với cương vị người cán bộ chính trị, người ta lại thấy anh có mặt góp ý kiến cho các đội quân chính trị sắp kéo vào đấu tranh trong thành phố ở đơn vị này, lại hăng hái tham gia thảo luận phương án tác chiến của một đơn vị khác. Khi về hậu cứ, cũng như mọi cán bộ khác, anh lo phát rẫy tăng gia tự túc, gùi gạo, đào hầm, làm nhà, biên tập bài vở và giải quyết hàng loạt công việc sự vụ của người thường trực cơ quan văn nghệ. Thời gian dành cho sáng tác văn học của anh, vì thế bao giờ cũng chỉ là những mảnh vụn ít ỏi gom nhặt giữa những nhiệm vụ khẩn thiết khác. Có thể nói chính anh đã chủ động chọn cách sống như thế. Hết sức coi trọng tác dụng của văn học và vị trí xã hội của nhà văn, anh không muốn và không thể chấp nhận quan niệm nhà văn chỉ đi vào cuộc sống để thu lượm tài liệu, quan sát thực tế cho tác phẩm của mình. Cao hơn trang sách, mục đích của mọi trang sách vẫn là thắng lợi trong cuộc sống, và anh có ý thức tự mình trực tiếp tham gia vào mọi diễn biến của cách mạng, tự mình thể nghiệm những vấn đề mình sẽ viết.

Năm 1970, khi cách mạng miền Nam bước sang một giai đoạn cực kỳ quyết liệt là đương đầu với chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, Nguyên Ngọc tìm về sống ở vùng tranh chấp ác liệt: Vành đai ngoại vi Đà Nẵng. Được phân công tham gia vào Huyện uỷ Điện Bàn, anh trực tiếp theo dõi phong trào ở ba xã vùng ven Đà Nẵng. Trong những dịp như thế, anh thể nghiệm và kiểm tra lại những trang viết của mình. Cũng từ đó anh hình thành những dự định, những ý đồ sáng tác. Với anh, mỗi tác phẩm là một công trình nhận thức, một phát hiện về những vấn đề cốt tử của cách mạng, vừa biểu hiện chân thực cuộc sống, nó phải giúp vào quá trình phát triển đó. Nhiều sáng tác của anh có sức hấp dẫn của một hiện thực đang phát triển, của một xu thế mà thực tế đang chờ câu trả lời. Một số tác phẩm của anh viết ở giai đoạn này phải bỏ dở cũng vì thế. Tiểu thuyết Thép mãi mãi dừng lại phần đã in Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc bởi vì vấn đề ý chí con người có thể đánh bại vũ khí hiện đại đã được chính cuộc sống giải quyết. Năm 1968, anh viết tập bút ký dài Đất lửa nhưng rồi lại nửa chừng bỏ dở. Thực tế phong phú và phức tạp của giai đoạn Việt Nam hoá chiến tranh không thể gói trọn được tập bút ký. Tiểu thuyết, chỉ có tiểu thuyết với sức bao quát và khái quát cao của nó mới có hy vọng ghi giữ được hiện thực lớn lao ấy. Mặc khác, với sự nhạy cảm nghề nghiệp, anh cảm thấy rõ, đã đến lúc nền văn học giải phóng phải có những sáng tác có thể đánh dấu sự trưởng thành của mình. Gần như cùng lúc với hàng loạt nhà văn quân đội, giữa những ngày chiến sự đang xảy ra căng thẳng ở ngay khu vực đóng cơ quan, anh hăng hái bắt tay vào viết tiểu thuyết Đất Quảng. Bọn sư dù 101 của Mỹ đang đánh lên hậu cứ, viết xong từng chương lại phải di chuyển chỗ ở, nhưng anh viết rất nhanh. Tập một được hoàn thành vào nửa đầu năm 1969.

Góp phần thể hiện và phát hiện về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, tiếp tục những Đất nước đứng lên, Rừng Xà nu, Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, Đất lửa, trong cuốn tiểu thuyết này, Nguyên Ngọc lại hào hứng và say sưa tìm về những biểu hiện mới của lòng yêu quê hương, lòng trung thành, sự kiên định vững vàng và sáng suốt về chính trị cũng như tình cảm của những người cách mạng. Bọn ác ôn, những tên xâm lược được thể hiện khá sâu sắc, có sự phân tích tâm lý khá kỹ lưỡng, bởi vì bản chất của kẻ thù là một đối tượng quan trọng của nhận thức, nếu muốn đánh thắng chúng. Những nhân vật mang đầy đủ phẩm chất anh hùng, là chiến sĩ cách mạng hay quần chúng cách mạng có tính chất truyền thống- một cụ già, một phụ nữ, một em bé và những người du kích- được dựng nên với một sức biểu hiện mới mẻ. Những hoàn cảnh hùng tráng bi thương họ phải trải qua, bức tranh xã hội rộng lớn, cùng những thời điểm lịch sử quan trọng mà cuốn tiểu thuyết phản ánh với một lối hành văn trong sáng, một cấu trúc nghiêm ngặt xen những đoạn trữ tình ngoại đề theo lối anh hùng ca, mang lại cho cuốn tiểu thuyết cái dáng dấp của một tác phẩm sử thi.

Nhưng hơn mười năm sau khi xuất hiện, cuốn tiểu thuyết vẫn dừng ở tập 1. Có lý do thuộc về quan niệm sáng tác cũng như cách thể hiện cuộc sống của nhà văn: Anh không quen để cuộc sống vượt quá xa tác phẩm của mình. Mà bản thân thực tiễn giai đoạn Việt Nam hoá chiến tranh đòi hỏi một sự thể hiện và lý giải phức tạp, tinh tế hơn. Cắt nghĩa làm sao đây khi nguyên mẫu các nhân vật chính diện quay ra phản bội, chiêu hàng, thoái hoá? Mặc khác về hoàn cảnh khách quan, sau khi hoàn thành tập 1, tác giả lại phải lao vào tham gia nhiều hoạt động quan trọng khác: 1972, đi làm nhiệm vụ chính trị mặt trận này xong, lại tham gia chiến dịch khác với cương vị tham mưu trưởng. Hai công việc khác nhau đó và có vẻ rất xa với cương vị một nhà văn đều nằm trong khả năng thực tế của một người đã ba mươi năm mặc áo lính và với thói quen sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được cách mạng phân công.

Có một điều ngỡ như nghịch lý, những ai theo dõi bước đường sáng tác của Nguyên Ngọc đều nhận thấy một đặc điểm là nhà văn mà mỗi sáng tác đều được viết với một ý định chính trị rất cụ thể, mỗi tác phẩm đều muốn làm một vũ khí chiến đấu này lại là nhà văn rất chú trọng đến hình thức. Anh quan niệm: Sáng tạo ra hình thức là thuộc bản chất của nhà văn. Một sáng tạo mới chưa thể ra đời nếu đi liền với nó chưa có một cách thức biểu hiện mới. Một lý do của nhiều sáng tác phải bỏ dở, đó là lúc anh cảm thấy mình đang bị quen tay, đang tự lặp lại mình, đang đi vào một lối mòn, dù lối mòn đó là lối của riêng mình anh đi. Có thể sáng tác sau không hay hơn cái trước, bởi vì không phải nhà văn nào cũng có cái may mắn lớn là biểu đồ giá trị các tác phẩm theo một đường đi lên mãi mãi- nhưng sáng tác sau phải khác những gì đã viết trước đó. Nhìn lại toàn bộ sáng tác của mình, anh nhận thấy: Chưa có một tác phẩm nào của anh được viết ra với ý định làm văn học. Hầu như lúc nào anh cũng phải viết vội để phục vụ một nhiệm vụ cụ thể nào đó.

Nhưng công bằng mà nói, người tự đánh giá mình nghiêm khắc đó đã cho ra mắt bạn đọc nhiều sáng tác giàu tính văn học hơn một vài người chỉ nhăm nhăm nghĩ đến sáng tác những tác phẩm văn học.

Sau một thời gian bận mắc nhiều vào công tác tổ chức, không khí hào hứng sáng tạo mở ra sau các đại hội lớn của các ngành văn học nghệ thuật đang tạo nên một cao trào sáng tác mới. Trong cuộc ra trận lớn lao tới những miền đất đang đầy biến động hôm nay, cùng với các nhà văn khác, bạn đọc chờ đón những sáng tác mới của anh.

(Văn nghệ Quân đội Số 5- 1984)
Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc

Không có nhận xét nào: