Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2009

Việt Nam: Giáo dục đại học và Kỹ năng cho tăng trưởng


GS. Võ Tòng Xuân

Từ nhiều năm nay, Ngân hàng thế giới (NHTG) đã đầu tư cho giáo dục Việt nam qua nhiều dự án lên đến hàng trăm triệu đôla. Nhưng tình trạng giáo dục của Việt nam vẫn còn nhiều bất cập khiến cho xã hội tiếp tục phê phán. Vừa qua một số chuyên gia giáo dục của Phòng Phát triển con người Khu vực Đông Nam Á và Thái bình dương thuộc Ngân Hàng Quốc Tế đã cùng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Việt nam điều tra nghiên cứu sâu rộng tình trạng giáo dục đại học của Việt nam để tìm hiểu những mặt mạnh và mặt yếu so với những tiêu chuẩn quốc tế, từ đó có thể đề xuất những hướng cần chỉnh sửa. Báo cáo “Việt Nam: Giáo dục đại học và Kỹ năng cho tăng trưởng” đã được xuất bản vào tháng 12-2007.


Báo cáo đã nghiên cứu toàn bộ hệ thống đào tạo nhân lực bậc đại học của Việt nam, từ phía cung cấp –cách tiếp cận giáo dục, chất lượng đào tạo, cơ chế quản lý và cơ chế tài chính- đến phía sử dụng các nguồn nhân lực do hệ thống giáo dục đã đào tạo ra. Các tác giả đã đánh giá khá chính xác hiện trạng và cả chiến lược giáo dục Việt nam đến năm 2020, so sánh những gì Việt nam đang làm với những gì mà các nước láng giềng Đông Á đang làm một cách tiến bộ hơn để trên cơ sở đó Báo cáo đưa ra những kiến nghị thực tế, hy vọng sẽ đưa nhanh những cải tiến giáo dục Việt nam theo kịp thế giới. Mặc dù các tác giả đã nhìn thẳng vào các mặt khó khăn của giáo dục đại học Việt nam, nhưng vẫn còn một số mặt “chìm” nhưng rất quan trọng chưa được đề cập đến, cho nên những kiến nghị của Báo cáo sẽ khó được thực hiện nếu chưa khắc phục được những mặt chìm này.

Trong Phần I, Báo cáo đã đánh giá hiện trạng giáo dục Việt nam không chỉ ở bậc đại học mà còn đi từ bậc phổ thông, là bậc học cơ bản nhất tạo nguồn cho các đại học và trường dạy nghề sau này. Nhưng khối trường dạy nghề thì ít được đề cập đến. Tôi rất nhất trí với nhiều nhận định trong báo cáo, trừ một số điểm sau:

Viễn cảnh chuyển dịch lao động đã được nghiên cứu và giả thiết theo 3 tình huống tăng trưởng, và cơ cấu lao động không chỉ chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, nhưng tỉ lệ chuyển sang khu vực dịch vụ (nhất là xây dựng) ngày càng đông hơn. Dự kiến lao động nông nghiệp sẽ giảm nhưng cũng nên nói thêm ở đây là sắp đến, Luật đất đai của Việt nam phải được sửa đổi nhiều điều, trong đó vấn đề “hạn điền” 3 ha/hộ phải được bỏ đi, hoặc tăng lên ít nhất 50 ha, vì nếu hạn điền nhỏ quá, tức là nhà nước vẫn còn muốn giữ phần lớn nông dân bám lại đồng ruộng.

Nhu cầu nhân lực có đào tạo, ngoài những khoản đã được Báo cáo nêu ra, nên chú ý là Việt nam sẽ cần một lực lượng đông đảo chuyên viên tiếp nhận và triển khai các chương trình ODA để tránh tình trạng sử dụng ODA kém hiệu quả như hiện nay.

Ở nông thôn, không phải chỉ vì không có trường học khang trang và thầy cô giỏi, hoặc vì gia đình quá nghèo, mà người dân bỏ học nhiều, khiến cho nhà nước hàng năm phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để xoá mù cho những người còn mù và bị tái mù, và phổ cập tiểu học và THCS. Một lý do rất cơ bản mà qua tiếp xúc với đông đảo nông dân chúng tôi khám phá ra rằng họ trông vào tấm gương những người tuy học thức chưa đến đâu, nhưng vẫn có chức có quyền, vẫn được coi trọng. Báo cáo (tuy đã có đề xuất ở phần kết luận) nên nêu thực trạng là về phía “cầu” (những cơ quan sử dụng lao động) hiện nay chưa tuân thủ qui trình tuyển dụng hợp lý, họ còn đặt quá thấp tiêu chuẩn bằng cấp/chứng chỉ chuyên môn đào tạo, mà đặt nặng các tiêu chuẩn quen thân, lý lịch, chính trị, tuổi tác… nên nhiều nhân tài không được sử dụng. Đây là một sự lãng phí của một xã hội luôn nói câu “nhân tài là nguyên khí của quốc gia.”

Tự chủ tài chính (theo QĐ 10): thực chất không cho các trường tự chủ bao nhiêu đâu! Muốn chi tiêu cho cái gì, bao nhiêu… đều phải theo đúng qui định tài chính, Hiệu trưởng không sáng kiến tự quyết định được. Thậm chí trả tiền làm thừa giờ (overtime) Hiệu trưởng cũng không quyết định mức thù lao công bằng.

Đảm bảo chất lượng đào tạo trước tiên phải xuất phát từ con người: từ người lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng) đến các giáo viên không thể để tự nhà trường lo được vì Bộ GD ĐT phải có chủ trương đào tạo giảng viên đại học, chấm dứt tình trạng giảng viên các trường lớn “chạy sô” mời giảng cho các trường mới mở. Có lẽ đây là khâu yếu nhất, vì kiểm định chất lượng chỉ có thể đạt mục đích khi trường có đội ngũ giảng viên được đào tạo đầy đủ mà thôi. Tình trạng cho mở trường nhiều nơi nhưng danh sách giảng viên phần lớn là vay mượn của các trường khác ngày càng trở nên một nguy cơ thách thức đến chất lượng đào tạo.

Một sự mất cân đối nữa về chất lượng đội ngũ giảng viên của các trường đại học Việt nam là thực trạng các Giáo sư, Phó giáo sư chỉ tập trung ở các trường lớn tại Hà nội, và TP Hồ Chí Minh, thậm chí tập trung vào các Viện/Trung tâm nghiên cứu của các Bộ ngành. Rất thương hại cho các trường ở vùng sâu, xa, và các trường mới được cho thành lập không dễ gì có được GS/PGS về cộng tác.

Về chương trình đào tạo và phương pháp sư phạm: đúng ra, chương trình khung do Bộ GDĐT ban hành đều để cho các trường linh động khoảng 20% số môn học tuỳ địa phương. Nhưng trong thực tế các trường không muốn đi quá xa những gì Bộ chì đạo, nhất là các chương trình đào tạo sư phạm. Thực tế số đơn vị học trình của một chương trình khung của Bộ được bố trí khoảng 210 đến 240 cho cả 4 năm, trong khi ở các nước chung quanh, và ở Mỹ chỉ bố trí khoảng 120 đơn vị tín chỉ. Vì vậy số giờ lên lớp của sinh viên đại học Việt nam chiếm phần lớn thời gian của sinh viên, không cho phép họ thực tập tay nghề thoả đáng. Với khối lượng giờ dạy và học như thế, nếu áp dụng phương pháp lấy người học làm trung tâm thì sẽ không đủ thì giờ cho tất cả các nội dung.

Một điểm yếu về chương trình đào tạo nữa là bộ chuẩn kiến thức các môn học ở mỗi bậc học (standards of knowledge) ít được phổ biến rộng rãi cho tất cả các thầy cô, nhất là ở bậc phổ thông, mà trái lại Bộ đẩy mạnh phổ biến sách giáo khoa do Bộ xuất bản mà thôi. Đây không chỉ là một cách làm độc quyền, mà tai hại hơn nữa là nó triệt tiêu các sáng kiến của các thầy cô, không dám làm gì khác hơn quyển sách giáo khoa.

Báo cáo phê phán rất đúng tình trạng yếu kém trong nghiên cứu khoa học của phần lớn các đại học Việt nam. Điểm cần phân tích ở đây không những chỉ Nhà nước không quan niệm là đại học phải làm nghiên cứu (nên nhà nước mới lập ra các Viện/Trung tâm nghiên cứu nằm ngoài hệ thống đại học) vì thế ít chịu đầu tư cho đại học, tôi xin thêm: là đội ngũ GS/PGS, giảng viên lãnh đạo khoa học hiện nay phần lớn là sản phẩm của giáo dục Liên Xô cũ nên phương pháp tiếp cận khoa học theo chuẩn quốc tế còn bị hạn chế, cho nên từ cách làm nghiên cứu đến cách viết bài báo cáo cũng không gần với chuẩn quốc tế, nhất là cách sử dụng xác suất thống kê để phân tích dữ liệu. Ngay cả cơ quan chuẩn nhất về khoa học công nghệ của Việt nam là Bộ KHCN, mẫu đăng ký đề tài KHCN cũng không theo chuẩn quốc tế. Vì thế khi các GS/PGS và giảng viên làm NCKH hoặc hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu thường mắc phải kiểu làm không chuẩn này nên bài báo cáo khó vượt qua được phản biện quốc tế. Do đó ít có bài báo được tạp chí khoa học quốc tế đăng.

Phương pháp không đạt chuẩn là thế, nhưng qui trình đào tạo cao học và NCS lại rất nhiêu khê, chất lượng kém, vì các qui định của Bộ GD ĐT. Khi nghiệm thu đề tài luận văn tốt nghiệp, mỗi nghiên cứu sinh phải tốn kém lắm mới mời được toàn bộ các thành viên của hội đồng nghiệm thu ngồi lại duyệt.

Về vấn đề NCKH tách rời trường đại học và các Viện/Trung tâm nghiên cứu của các Bộ ngành, có một nghịch lý muôn đời: trường đại học cần nghiên cứu kiến thức mới để bổ sung giáo trình và đào tạo sinh viên bằng những kiến thức mới và phù hợp địa phương…thì cơ chế nhà nước lại không ưu tiên cho kinh phí đầu tư máy móc, trang thiết bị, và đi học hoặc tu nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, Viện/Trung tâm không có (hoặc có vài) sinh viên và không bắt buộc phải lên lớp, thì lại được Nhà nước (Bộ ngành) đầu tư thiết bị hiện đại, đi tham quan, du học, kéo viện trợ ODA về để có kinh phí lớn cho NCKH.


Tôi rất nhất trí với nhận định của các tác giả là hệ thống đại học Việt nam hiện nay chưa đạt đến trình độ là nơi ươm mầm của những sáng tạo công nghệ, vì một lý do rất dễ hiểu là kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cũng như cơ chế cung cấp tài chính cho nghiên cứu khoa học còn rất nhiêu khê. Hệ thống đào tạo của Việt nam hiện nay, từ chương trình đào tạo quá nặng nề (quá nhiều môn học lý thuyết, nhiều môn học không quan trọng cho ngành chuyên môn, gấp đôi thời gian lên lớp so với sinh viên các nước khác), đến cách dạy chủ yếu vẫn là đọc-chép (vì dạy theo kiểu mới như “lấy người học làm trung tâm” sẽ bị cháy giáo án), cho nên không phát huy tính sáng tạo, suy nghĩ độc lập của người học. Trong khi đó, nhất là đối với những sinh viên xuất sắc, nhu cầu học cấp bách những kỹ năng cao cấp ngày càng tăng, nhưng bị hệ thống giáo dục kìm hãm, không phát huy được. Mọi sinh viên phải chờ nhau cùng đi lên chậm chậm, người muốn đi nhanh không có cách gì để đi trước được. Trong khi đó, hệ thống ở các nước chung quanh Việt nam đều đã chuyển. Một thí dụ thực tế chứng minh rất rõ ràng nhận xét trên: Cháu Trần Thanh Tâm, một nữ học sinh xuất sắc của tỉnh An giang, đã được học bổng Chánh phủ Singapore cho sang Singapo học lớp 10-12 theo hệ thống giáo dục quốc tế, đã đạt điểm A và A+ đối với tất cả các môn học. Tốt nghiệp trung học Singapo giỏi như vậy, cháu xin được học bổng của Đại học Cornell (Mỹ); sang đấy cháu học chỉ trong 3 năm (thay vì 4 năm) đã xong chương trình BS về Toán học chuyên về “Operations analysis” tốt nghiệp hạng Summa cum laude, giải thưởng xuất sắc nhất toàn trường Mỹ. Đồng thời cháu được trường Cornell cho học bổng để tiếp tục chương trình MS Toán học; và chỉ trong 18 tháng sau cháu đã lấy xong bằng Master. Trong khi đang học Master, cháu Tâm nộp đơn xin việc làm, thì được 4 công ty dịch vụ tài chính Mỹ nhận. Cuối cùng cháu Tâm chọn làm với Công ty Oliver Wyman Group (Financial Services) chi nhánh tại Singapo, lương khởi điểm 85.000 USD/năm, chưa kể tiền thưởng. Chắc chắn nếu cháu Tâm học THPT ở Việt nam, rồi ráng thi tuyển sinh vào một đại học nào đó, nếu đậu vào học thì cũng phải chờ 8 học kỳ trong 4 năm mới ra trường, rồi phải chờ một thời gian sau mới nộp đơn xin học cao học, tốn ít nhất 3 năm (mặc dù chính thức chỉ qui định 2 năm) với tất cả các môn học chánh trị Mác Lênin, đọc một số sách chuyên ngành toán, rồi làm luận văn tốt nghiệp, chờ ra bảo vệ trước Hội đồng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định. Khi bảo vệ thành công, ra trường rồi không biết cháu Tâm sẽ được công ty nào mướn? Chắc chắn sẽ không có công ty Việt nam nào biết đến cái ngành “Operations analysis” mà mướn người, ngay cả các công ty bảo hiểm của Việt nam cũng chưa chắc cần chuyên viên ngành ấy.


Hệ thống đào tạo sau trung học của Việt nam cũng chưa tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người có thể học, mặc dù các văn bản của Đảng và Nhà nước đều kêu gọi mọi người dân “học suốt đời.” Báo cáo cho rằng, trong hệ thống giáo dục hiện tại những thanh niên nghèo sẽ khó có thể với tới những cơ hội học tập. Nhưng tôi xin thêm rằng, ngay những thanh niên khá và giàu cũng khó với tới. Ngày nay nhiều gia đình giàu có cho con cái đi nước ngoài tìm cái học dễ có cơ hội hơn ở lại trong nước phải qua kiểu tuyển sinh giới hạn của Việt nam.

Báo cáo đã nghiên cứu “Đề án Đổi mới giáo dục đại học cho giai đoạn 2006-2020” của Chính phủ và đã nhận xét rất đúng là: các mục tiêu và chỉ tiêu đã đề ra nhưng không nêu rõ biện pháp thích hợp nào để thực hiện cho nhanh chóng đạt kết quả chắc chắn. Vì vậy các tác giả cũng đã đề xuất một số thiếu sót mà văn bản “Chiến lược” cần làm rõ để có thể đề ra biện pháp. Một số cái thiếu của “Chiến lược” là: tầm nhìn đến 2020, những kết quả (đầu ra) dự kiến sẽ đạt được và những hậu quả sẽ xảy ra. Trên cơ sở “tầm nhìn, đầu ra, hậu quả” đó, chúng ta mới xác định được môi trường nào sẽ khuyến khích mọi người tham gia thực hiện tầm nhìn đó, và những trở ngại nào cần vượt qua. Từ những lập luận đó các tác giả đã phác hoạ một log-frame cho giáo dục Việt nam rất thích hợp: về lâu dài hệ thống giáo dục phải là một động cơ thúc đẩy những hoạt động R&D trong toàn dân, phải là nơi cung cấp những nhân tài cao cấp, và phải là nơi cung cấp cơ hội cho sinh viên xuất sắc Việt nam. Thực hiện tầm nhìn ấy, các trường đại học Việt nam phải cung cấp cho mọi người dân nhiều loại hình đào tạo, nhiều ngành nghề đào tạo, nhiều phương pháp dạy và học, là nơi được cả nhà nước và tư nhân đầu tư, nơi có nhiều liên kết với các trường quốc tế, và nơi có những hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và nhiều doanh nghiệp. Muốn có những đầu ra như thế, các tác giả đã đến kết luận mà chúng tôi trong giới đại học đã từng kêu gào: phải có cơ chế tự chủ về quản trị điều hành bộ máy và thu nhận sinh viên, và sử dụng tài chính cho các trường.

Trong Phần 2, Báo cáo đã trình bày các kết quả rất tin cậy về điều tra lao động có đào tạo. Đây là tài liệu hữu ích cho các loại trường của Việt nam tham khảo.

Báo cáo đã sử dụng kỹ thuật tính toán tỉ lệ hoàn vốn trong đào tạo rất có ý nghĩa. Kết quả điều tra về tỉ lệ hoàn vốn lao động được đào tạo từ ngành nông nghiệp so với các ngành khác được các tác giả ghi nhận là tăng rất chậm, có lẽ do các đối tượng điều tra là nông dân và các cơ sở sản xuất nông nghiệp. Thực ra các sinh viên tốt nghiệp ngành nông nghiệp thường đi làm trong các tổ chức nhà nước và các doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp.

Dĩ nhiên các kết quả điều tra này cần được đặt lên yêu cầu của các loại doanh nghiệp, và cần dự đoán nhu cầu trong 5-10-15 năm tới như thế nào đối với công nghiệp, xây dựng, các loại dịch vụ, và nông nghiệp. Cần thiết Bộ Lao động nên hàng năm thông báo nhu cầu các loại lao động ngành nghề để các trường lo tổ chức chương trình đào tạo và nhân dân biết chọn ngành học.

Trong phần đề cấp vấn đề “khoảng cách kỹ năng” đúng là hiện nay các nhà doanh nghiệp hoặc công ty nước ngoài vào đầu tư ở Việt nam thường khó tìm được người làm. Sinh viên tốt nghiệp đại học Việt nam có thể hay về lý thuyết ngành chuyên môn, và nói chính trị cũng hay, nhưng rất kém về thực hành, và càng kém về khả năng ngoại ngữ. Trong khi đó những người tốt nghiệp ngoại ngữ thì không biết gì về ngành kỹ thuật chuyên môn. Như trên đã nói, đây là cái yếu của giáo dục đại học Việt nam cần được nhanh chóng khắc phục, và cần được nhấn mạnh trong báo cáo này.

Trong Phần 3, Báo cáo xoáy mạnh vào cơ chế quản trị điều hành và giải pháp tài chính cho các trường đại học. Như đã nói ở trên, vấn đề đào tạo mới hoặc đào tạo lại lực lượng giảng viên cho các trường đại học là ưu tiên hàng đầu trong hoàn cảnh Việt nam hiện nay, trước khi nói đến việc kiểm định chất lượng. Bộ GD ĐT cần tạo điều kiện cho các trường, bằng chủ trương và chỉ đạo cho các trường “đàn anh” đào tạo bậc MS hoặc PhD cho các trường mới thành lập.

Chủ trương kiểm định chất lượng của Bộ đã được quán triệt, nhưng, như trên đã nêu, các trường mới thành lập sẽ khó có trường nào đạt chất lượng.

Vấn đề tự chủ quản trị và tài chính như NĐ 10/2002 thực tế nhà trường không tự chủ được bao nhiêu, mà phải qua phê duyệt của tài chính cấp trên. Tôi rất nhất trí với những nhận xét trong Báo cáo về các vấn đề quản lý nhân sự tại các trường đại học. Thực chất, Hiệu trưởng không có quyền cho ai nghỉ việc khi người đó thuộc biên chế nhà nước, và càng không có quyền gì thu nhận hoặc đề bạt cán bộ đầu ngành của trường. Đó là quyền của cấp trên cao hơn. Tương tự như vậy đối các việc khác, thí dụ như thay đổi chương trình đào tạo, đưa vào chương trình mới… mọi thứ phải được thông qua cấp trên.

Một đặc điểm của các trường đại học Việt nam mà tất cả các trường nước ngoài không có: đó là sự hiện diện của Đảng và các đoàn thể trong mọi hoạt động. Nhân viên của các đại học, từ hiệu trưởng đến người nhân công quét dọn đều không thể tập trung thời gian cho chuyên môn của mình, mà phải dành thì giờ tham gia các buổi hội họp đảng và đoàn thể, học các nghị quyết của trung ương, của Bộ, của địa phương, v.v. Sinh viên cũng phải dành thời gian để học như thế. Do đó chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật này để thấy mình phải cực lực gấp nhiều lần đồng nghiệp của mình ở các nước khác. Một thua kém về chuyên môn của mình cũng có thể là do quỹ thời gian của chúng ta phải phân chia ra quá nhiều việc khác nhau nên khó tập trung điêu luyện, thực hành chuyên môn.

Báo cáo cho rằng Việt nam nên xây dựng hệ thống giáo dục có nhiều loại hình đào tạo, có nhiều loại trường công và tư. Ý nghĩ sẽ có nhiều trường danh tiếng nước ngoài như RMIT vào đầu tư xây dựng tại Việt nam là điều sẽ khó xảy ra vì

Các trường danh tiếng đều làm mọi cách để thu hút sinh viên ngoại quốc sang chính quốc của họ. Do đó tôi nghĩ nếu có thì sẽ do các Việt kiều tâm huyết về đầu tư.

Những nhận xét khác của Báo cáo tôi rất đồng tình là: chủ trương cho qui chế dễ dãi hơn để tư nhân cảm thấy khuyến khích lập trường tư; chủ trương thay đổi phương pháp thu nhận sinh viên vào học (xét tuyển từ 2009); những phê phán về sự quản lý quá chặt chẽ của nhà nước đối với các hoạt động của trường; và thiếu một cơ chế để cho các trường cạnh tranh thu hút sinh viên về với mình để từ đó nhà nước phân bổ kinh phí, thay vì theo kiểu giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong lãnh vực quản lý tài chính, tôi có một số nhận xét như sau:

Không phải các trường không được kiểm toán độc lập, mà thực tế là hàng năm đều có kiểm toán nhà nước đến trường kiểm toán.

Nhà nước đã có cơ chế khuyến khích tư nhân bỏ tiền đầu tư cho giáo dục để thể hiện chính sách xã hội hoá giáo dục. Luật Thuế thu nhập cá nhân của Việt nam vừa được ban hành có Điều 20 khuyến khích các mạnh thường quân, mọi tầng lớp dân chúng bỏ tiền ra làm việc từ thiện, và số tiền đó được trừ trước thuế. Trong quá trình kinh tế thị trường mọi thành phần kinh tế đều được Nhà nước đối xử bình đẳng, những công ty tài giỏi sẽ giàu nhanh và những công ty kém cỏi sẽ bị đào thải; người có tài sẽ giàu lên cần đóng góp vào các việc xã hội công, và người ít tài hoặc lười biếng dốt nát phải chịu nghèo khó, cần được giúp đỡ.

Báo cáo cần nhấn mạnh thêm trong phần nói về sự tranh thủ viện trợ của các trường đại học là một trong các nguồn tài chính xây dựng trường: đúng là hướng rất quan trọng. Nhưng vấn đề cần thiết nhất ở đây là khả năng ngoại giao của Ban Giám hiệu và khả năng chuyên môn của các giảng viên cộng tác khoa học với cơ quan bạn.

Về việc cho sinh viên vay tiền để học, từ lâu các ngân hàng địa phương vẫn cho sinh viên vay, nhưng điều kiện tín chấp khó khăn. Bắt đầu năm học 2007-08 Chánh phủ có nghị định mới, tạo điều kiện dễ dãi hơn cho sinh viên vay. Nhưng vấn đề khó là các ngân hàng địa phương phải cần thêm vốn của Nhà nước đưa xuống.

Về những nhiệm vụ mới của khu vực công, tôi rất nhất trí với đề nghị trong Báo cáo:

Nhà nước cho thêm quyền tự chủ cho các trường để các trường tạo ra nhiều sự chọn lựa trong học tập cho người dân trong vùng để họ thích và ham học, và có cơ hội NCKH.

Nhà nước chỉ cần xác lập những định hướng chung, quản lý chất lượng đào tạo của các trường, mà không nên mất thời giờ kềm cặp từng nội dung chi tiết.

Bộ Lao động cần thông tin chính xác về các nhu cầu hàng năm tới về các loại lao động, chất lượng tiêu chuẩn… để các trường biết mà thiết kế các chương trình đào tạo, và người dân biết mà chọn ngành nghề học.

Đào tạo đến nơi đến chốn và đầu tư thích đáng cho các chương trình R&D (nghiên cứu và phát triển) tiến tới hình thành các vùng trọng điểm về đào tạo và nghiên cứu.

Nhà nước cần tài trợ cho các thành phần dân số không đủ tiền đi học.

Trong Phần kết luận, Báo cáo của NHTG đề xuất một lịch trình cải tổ lại giáo dục Việt nam trong giai đoạn quá độ này, trong đó các tác giả gợi ý cho Chiến lược 2020 thực hiện trong 3 thời kỳ, mà 2 thời kỳ đầu là tiếp tục xây nền móng cho sự thi đua của các trường để tự nó sẽ hình thành những trung tâm chất lượng cao, đến giai đoạn 3 tiếp tục cải cách cơ chế quản lý và tài chính cho tất cả các trường với đầu tư đầy đủ cho các trường chất lượng cao từ đó nhân rộng ra cho các trường khác tiến lên đẳng cấp quốc tế. Các tác giả cũng đưa ra một chọn lựa thứ hai: đó là xây dựng ngay 1-2 trường đại học đẳng cấp quốc tế để làm kiểu mẫu cho các trường khác nhân rộng ra sau này. Tôi nghĩ là chúng ta không nên chọn phương án chót này, vì nó sẽ làm chậm tiến trình cải tiến toàn hệ thống đại học của ta.

Kết luận

Nhóm nghiên cứu đã dày công điều tra, sưu tầm các tư liệu trong và ngoài nước để phân tích, tổng hợp, hình thành tập tài liệu rất tin cậy. Nếu được bổ sung thêm một số chi tiết như trình bày trên đây, Báo cáo sẽ là một tư liệu rất có giá trị thực tiễn Việt nam cần được tham khảo, điều chỉnh và sớm đưa vào áp dụng.

Nguồn: Diễn đàn DẠY VÀ HỌC

Một số bài cùng chủ đề Võ Tòng Xuân
trên diễn đàn Trường Đại học Cần Thơ
:
30 năm đi lên cùng đất nước, Báo Thanh Niên, 17/04/2005
Đánh giặc rầy nâu, Báo Thanh Niên, 18/04/2005
Sau lương thực là giáo dục Báo Thanh Niên, 19/04/2005

Không có nhận xét nào: