Thứ Ba, 20 tháng 1, 2009

Nông nghiệp là giá đỡ, là động lực cho sự phát triển chung của toàn nền kinh tế


DAYVAHOC. TS. Đặng Kim Sơn. Các ngành sản xuất của ta luôn nhập siêu, chỉ riêng ngành nông nghiệp luôn xuất siêu, dù rất khó khăn. Đồng thời, chính nông nghiệp đã nhiều lần cứu kinh tế, giúp ổn định chính trị. Nông nghiệp là giá đỡ, là động lực cho sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Bài học nhãn tiền về các nền kinh tế chuyển sang công nghiệp hóa thành công đã đầu tư cho nông thôn và nông nghiệp mạnh, trao quyền cho nông dân. Đặc biệt, không thể chấp nhận phương án hi sinh nông nghiệp lúc đầu để phát triển các ngành khác, vì sự hi sinh lúc đầu đó mang lại những hậu quả nặng nề, không thể cứu vãn được về sau. Cần phải gắn kết nông thôn và đô thị, nông nghiệp với thị trường; Đổi mới chính sách đất đai, mở rộng giới hạn thời gian và không gian; Phát triển tiếp thị; Phát triển khoa học kĩ thuật; Thực hiện dạy nghề, tổ chức lao đông hiệu quả, chuyên môn hóa, chính thức hóa lao động. (Ảnh: Theo site của Nguyễn Nam Sơn)

PHẢI NHÌN NHẬN NÔNG THÔN LÀ VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ

TS. Đặng Kim Sơn

Tại đại hội XVI năm 2002, Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu lý luận "hai xu hướng"."Trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, nông nghiệp hỗ trợ công nghiệp, tích lũy cho công nghiệp là xu hướng có tính phổ biến. Sau khi công nghiệp hóa đạt trình độ nhất định, công nghiệp trở lại nuôi sống nông nghiệp, thành thị hỗ trợ nông thôn, thực hiện phát triển nhịp nhàng giữa công nghiệp và nông nghiệp, thành thị và nông thôn, cũng là xu hướng có tính phổ biến." Cũng trong năm đó, Bí thư đảng ủy xã Lý Xương Bình viết thư lên Thủ tướng Chu Dung Cơ: "Nông thôn thật nghèo, nông dân thật khổ, nông nghiệp đang gặp nguy hiểm".

Đến năm 2004, Trung Quốc bắt đầu đặt lại vấn đề: câu chuyện đi theo 2 bước có ổn không? Từ đó, vấn đề nền kinh tế hài hòa được đưa lên. Câu trả lời rõ ràng ở hầu hết các nước đang công nghiệp hóa: đẩy công nghiệp và đô thị đi trước, chênh lệch thu nhập, đẩy đô thị̣ phình ra, cả vấn đề đô thị và nông thôn đều rất khó giải quyết.

Nông dân nghèo bị lôi kéo vào các cuộc chiến về tôn giáo, sắc tộc. Chính sách công nghiệp - nông nghiệp chênh lệch, tạo ra giai đoạn đầu phat triên nhanh, sau đó đến mức 3 - 4 ngàn USD thì chững lại, nảy sinh bất ổn chính trị. Đây là một quy luật không thể tránh khỏi, dẫn đến khủng hoảng kinh tế ở châu Mỹ La tinh, Đông Nam Á, Nam Á... bạo lực, sắc tộc, phá hại môi trường, bất ổn chính trị.

Điều đó cho thấy, câu chuyện về nông nghiệp và nông thôn không chỉ là vấn đề kinh tê, nó đã là vấn đề chính trị̣

Vòng luẩn quẩn nông thôn - thành thị

Ở Việt Nam, hịện nay có ba kiểu nhận thức chính về nông nghiệp: (1) Nông nghiệp là lĩnh vực lạc hậu, muốn kinh tế phát triển phải tăng công nghiệp, sau này thị trường sẽ giải quyết mọi vấn đề cho nông nghiệp, nông thôn. (2) Nông nghiệp là mầm mống bất ổn, tranh chấp ruộng đất, dân tộc ít người, nhà nước phải thắt chặt quản lý nông dân, nông thôn và tài nguyên (3) Nông nghiệp nông dân là thiệt thòi, cần phải trợ cấp nhân đạo hơn là cần đưa nông nghiêp phát triển chủ động.

Quan điểm thứ 1 đã bộc lộ rõ sai lầm khi nhiều lần liên tiếp nông nghiệp cứu cả nền kinh tế, làm chỗ dựa cho công nghiệp và dịch vụ phát triển.

Quan điểm thứ 2 đổ lên chính quyền địa phương trách nhiệm quá nặng nề, dẫn đến quá tải - tăng biên chế- phình to bộ máy hành chính.

Quan điểm thứ 3 tạo nên những phản ứng tiêu cực trong nông dân, làm nên cái gọi là "Bệnh Sóc Sơn" (một vùng nghèo thuộc Hà Nội). Khi đó, những người ở vùng nghèo, quen được trợ cấp lớn, dân chỉ ngồi đợi dự án, có tiền thì tiêu phí. Thậm chi, có nghịch cảnh gia đình có tivi, xe máy đầy đủ nhưng... không có giường, vì không có tổ chức nào... cho giường.

Chi tiêu công cho nông nghiệp ở Việt Nam thấp thê thảm. Năm 2006, thu nhập trung bình 506 ngàn/người/tháng, mức tích lũy 5 triệu /hộ gia đình/năm.

Năng suất lao động thấp, dù tốc độ tăng trưởng cao gần nhất thế giới - tức chỉ huy động sức người, đất đai, chứ không phải dựa vào khoa học công nghệ.

Người nông dân cùng lúc đối mặt với nguy cơ mất đất, mất nước, vật tư phân bón tăng theo giá dầu thế giới, chính sách đất đai bất cập, nông lâm trường kém hiệu quả (hơn 4 triệu ha, trong khi toàn dân chỉ có hơn 9 triệu ha), đầu tư thấp, giá đầu vào tăng liên tục.

Nông dân khó khăn dẫn đến di cư tự phát, tham gia vào thị trường lao động không hoàn thiện, việc làm chính thức bất công, việc không chính thức rủi ro. Các thành phố lớn nơi có đông người đổ về lại xảy ra tắc nghẽn giao thông, lụt lội - đầu tư công lại đổ vào để giải quyết - kéo đến đầu tư chênh lệch giữa hai khu vực thành thị và nông thôn.

Trong khi đó, ở nhiều vùng nông thôn, đất đai bỏ hoang hóa. Ở lại chỉ là cộng đồng nông thôn yếu ớt - gánh nặng cho chính quyền địa phương - tăng biên chế - phình to bộ máy hành chính.

Ở vùng nông thôn thiếu điện, thiếu nước, giao thông kém, không thể lôi kéo doanh nghiệp về đầu tư.

Vòng luẩn quẩn này khiến cho vấn đề nông thôn trở nên rối ren hơn bao giờ hết, và xảy ra ở khắp nơi như Ấn Độ, Nam Mỹ, Philippines, Thái Lan...

Số phận của nông nghiệp có phải là "đáng chết"?

Câu hỏi đặt ra là, vậy nền nông nghiệp nước ta có sức mạnh thật sự không? Số phận của nó có phải là "đáng chết" không? Liệu rằng nó có phải như cách kết luận của ba loại quan điểm nói trên hay không? Câu trả lời nằm trong thực tế.

Suốt 22 năm sau đổi mới, nền kinh tế nước ta đã ba lần gần rơi vào khủng hoảng. Lần thứ nhất vào cuối năm 1988, chính sách khoán 10 đã khiến cho nông nghiệp đứng thẳng dậy, phát triển như vũ bão, làm chỗ dựa cho cả công nghiệp, dịch vụ vượt qua khó khăn.

Lần thứ 2 là cuối những năm 1990, khu vực Đông Nam Á khủng hoảng, cả công nghiệp và dịch vụ đều suy thoái, nhưng nông nghiệp nước ta vẫn tăng trưởng rất tốt, những người bị dội lại từ công nghiệp lại về với nông nghiệp để kiếm sống.

Lần thứ 3 là năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu, cả công nghiệp và dịch vụ lại suy giảm mạnh, nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng cứu nền kinh tế.

Giả sử, nếu năm 2008, nông nghiệp mất mùa, thì dẫu chúng ta có thực hiện nhóm 8 giải pháp của Chính phủ tốt đến bao nhiêu, chỉ số giá cả cũng không thể giảm như thế được. Đó là công lớn của ngành nông nghiệp. Lần này, nông dân đã cứu cho đất nước một lần nữa, nhưng bản thân nông dân thì "bị thương nặng".

Nếu cứ thế này, trong những cuộc khủng hoảng tới, lấy gì đỡ đòn cho nông dân?

Dễ thấy là hầu hết các chỉ tiêu xếp hạng của chúng ta đều là ở mức thấp nhất thế giới, nhưng ta lại thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất thế giới. Bởi vì nền nông nghiệp phát triển, kinh tếnông thôn ổn định đã cung cấp đủ lương thực thực phẩm toàn dân tạo giá nhân công rẽ, công tác xóa đói giảm nghèo tốt, tài nguyên môi trường thuận lợi dễ dàng và quản lý lõng lẻo (lấy đất đi, đổ ô nhiễm về).

Các ngành sản xuất của ta luôn nhập siêu, chỉ riêng ngành nông nghiệp luôn xuất siêu, dù rất khó khăn. Đồng thời, chính nông nghiệp đã nhiều lần cứu kinh tế, giứp ổn định chính tri. Nông nghiệp là giá đỡ, là động lực cho sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.

Bài học nhãn tiền về các nền kinh tế chuyển sang công nghiệp hóa thành công đã đầu tư cho nông thôn và nông nghiệp mạnh, trao quyền cho nông dân. Đặc biệt, không thể chấp nhận phương án hi sinh nông nghiệp lúc đầu để phát triển các ngành khác, vì sự hi sinh lúc đầu đó mang lại những hậu quả nặng nề, không thể cứu vãn được về sau.

Cần phải gắn kết nông thôn và đô thị, nông nghiệp với thị trường; Đổi mới chính sách đất đai, mở rộng giới hạn thời gian và không gian; Phát triển tiếp thị; Phát triển khoa học kĩ thuật; Thực hiện dạy nghề, tổ chức lao đông hiệu quả, chuyên môn hóa, chính thức hóa lao động.

Đặng Kim Sơn
(Trình bày tại hội thảo Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam -
Vai trò, vấn đề, giải pháp, Viện IDS ngày 09/01/2009)

Linh Thủy ghi
TUANVIETNAM

Không có nhận xét nào: