Thứ Hai, 2 tháng 2, 2009

Một cách nhìn khác về chấn hưng giáo dục


GS. Nguyễn Lân Dũng

Trước đây tôi không đồng ý về khái niệm Chấn hưng giáo dục. Tôi quan niệm chúng ta có một nền giáo dục rất đáng tự hào với sự phát triển rất nhanh chóng về số lượng học sinh, sinh viên (năm học này có tới ¼ dân số đang cắp sách đến trường), với một đội ngũ giáo viên đông đảo và phần lớn yêu nghề, yêu trẻ, chúng ta lại có chủ trương coi Giáo dục và Khoa học là quốc sách hàng đầu, chúng ta cũng đã dành một tỷ lệ ngân sách rất cao cho giáo dục… Vậy giáo dục có sụp đổ đâu mà phải chấn hưng?. Nhưng hôm nay tôi lại thấy ý kiến cần chấn hưng giáo dục là hết sức cấp thiết. Tôi nói ra điều này chắc rất nhiều người giận dữ và phản đối. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang đi chưa đúng hướng về giáo dục. Tôi nghĩ rất nhiều về điều này sau hai đợt công tác gần đây tại một nước rất giàu (Vương quốc Bỉ ) và một nước rất nghèo (Nepal). Và tôi cũng rất day dứt khi thấy gần 4 vạn học sinh thi trượt tú tài và rất nhiều bài thi vào Đại học (sau khi đã loại khá nhiều học sinh kém qua kỳ thi tú tài) vẫn còn có điểm 0 hay điểm 1, điểm 2.


Vậy thì tại sao? Chúng ta là một nước nghèo nhưng lại muốn tất cả đều được học suôn sẻ lên mọi cấp bậc của ngành giáo dục. Số trường Cao đẳng và Đại học đang tăng nhanh như cấp số nhân (!) Có cần như vậy không? Nếu không thì nên như thế nào?

Ngay nước rất giàu như nước Bỉ thì rõ ràng dân chúng thiếu gì tiền - thu nhập bình quân đầu người (GDP/PPP) ở Bỉ là khoảng 33 000 USD (2006)- nhưng đâu có phải ai cũng vào Đại học, ai cũng muốn có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ ? Số đông vẫn là công nhân kỹ thuật cao hoặc nhân viên có nghiệp vụ thành thạo, họ có thu nhập nhiều khi cao hơn kỹ sư, bác sĩ. Nhưng đã có học vị cao thì phải đáng là nhà khoa học thực sự. Tôi đã đi thăm các phòng thí nghiệm ở Đại học Liège và rất bất ngờ khi thấy đó là nơi các giáo sư thực hiện các phát minh có ý nghĩa rất thực tiễn. Lấy bằng phát minh xong liền mở công ty và lập ngay một phân xưởng . Vì là sản xuất sản phẩm công nghệ cao nên chỉ cần một phân xưởng rất nhỏ, với vài công nhân nhưng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra các nước phát triển khác. Tôi đến thăm một phân xưởng của giáo sư Thonart, người đang chủ trì việc hợp tác khoa học với Viện của chúng tôi. Ông mua bột thiamin (vitamin B1) của Trung Quốc với giá rất rẻ, nhưng vì ông phát hiện thấy nếu dập viên (như ta) thì hiệu quả rất thấp. Cần bọc lại trong một vỏ cao phân tử thành những viên rất nhỏ (kích thước chỉ vài chục micromet) để cung cấp cho các hãng dược phẩm danh tiếng trên thế giới sản xuất tiếp thành các viên nang vitamin B1 có giá trị cao. Giáo sư phải tìm ra chất cao phân tử đó, phải tìm ra cách bao thành những viên nhỏ xíu đó và phải chứng minh hiệu quả cao hơn rõ rệt của phát minh này. Một phân xưởng nhỏ xíu với hai công nhân nhưng với thiết bị hiện đại trong một phòng vô trùng nhỏ xíu (!). Chính phủ chỉ đầu tư cho một số trường Đại học công , nhưng phần lớn các trường Đại học danh tiếng lại là các trường Đại học tư thục. Các công ty và phân xưởng của giáo sư chỉ đi vay tiền của Ngân hàng chứ đâu có nhận tiền đầu tư của Chính phủ.

Chúng ta có không ít giáo sư, phó giáo sư nhưng hầu hết họ đâu có đủ năng lực và đủ điều kiện để nghiên cứu gì cho đáng giá ? Ngay những vấn đề nóng hổi như an toàn thực phẩm, như dịch gia súc, gia cầm, như bệnh đạo ôn, bệnh vang lùn và lùn xoắn lá của lúa… chúng ta đâu đã có nghiên cứu gì cho đến nơi đến chốn? Hai Đại học Quốc gia chưa được đầu tư đủ tầm đã lại có ý định thành lập thêm những Đại học chất lượng cao hơn nữa (!). Biết bao phòng thí nghiệm trùng lắp nhiệm vụ hoặc không rõ mục tiêu mà vẫn tiếp tục tồn tại bằng kinh phí vốn rất ít ỏi của Nhà nước. Thày không giỏi, không có năng lực hoặc không có điều kiện để giải quyết các vấn đề cụ thể của đất nước thì làm sao đào tạo ra được những thế hệ sinh viên đáng để các ngành kinh tế vồ vập đón nhận? Thật đáng buồn khi các tỉnh, các huyên, các xã rất thiếu bác sĩ thì lại không ít bác sĩ đã chấp nhận bỏ hết chuyên môn để được làm trình dược viên chỉ vì có lưong cao và được ở lại các thành phố lớn (!). Không ít kỹ sư chấp nhận những công việc giản đơn và trái ngành nghề để rồi tiếp tục kiếm sống bằng tay trái là chính. Trong khi đó các khu công nghiệp , các đặc khu kinh tế lại đang rất cần các công nhân kỹ thuật có tay nghề cao thì họ lại phải tốn công, tốn của để đào tạo lấy. Lương của các công nhân này có thể cao gấp hàng chục lần cán bộ Nhà nước. Sao chúng ta coi thường các trường đào tạo công nhân chất lượng cao. Nhiều trường Trung cấp chuyên nghiệp hiện đang thiếu học sinh để tuyển (!) Vì ham lợi nhuận không ít trường Đại học đã nhận kiêm luôn cả việc đào tạo Trung cấp, thậm chí đào tạo cả Công nhân kỹ thuật. Đâu có thể đơn giản như vậy được? Công nhân kỹ thuật mà học lý thuyết suông thì làm sao nâng cao được tay nghề?

Vậy thì khâu đầu tiên cần chấn hưng là Thày phải ra Thày ở mọi cấp, mọi trường. Thật sự khôi hài khi vẫn còn có những giáo sư không hề sử dụng kho tàng kiến thức trên Internet, không có giáo trình đủ cập nhật kiến thức hiện đại và không hề có công trình khoa học nào có giá trị. Giải quyết bằng cách nào đây? Nhiều ý kiến đề nghị mời chuyên gia nước ngoài, cử nhiều giảng viên đi tu nghiệp nước ngoài, nâng lương cho thày giáo ít ra bằng 50% ở nước ngoài, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm… Tôi đâu có coi thường các kiến nghị đó nhưng hãy nhìn vào ngân sách Nhà nước và tỷ lệ đã dành cho Giáo dục và Khoa học. Lấy đâu ra tiền để thực hiện và chả nhẽ cứ đi vay mãi để lại gánh nặng trả nợ cho con cháu sau này hay sao?

Tôi cảm thấy tỉnh ngộ ra một chút khi có dịp công tác ngắn hạn tại Nepal- một trong 49 nước nghèo nhất thế giới. Họ không có tài nguyên gì đáng kể ngoài tiềm năng du lịch ; vì có đỉnh Everest cao 8848m và 8 đỉnh núi khác trong số 14 đỉnh núi cao trên 8000m trên thế giới , có nhiều Vườn quốc gia được bảo vệ nghiêm ngăt, có nhiều đền chùa nổi tiếng và có cả nơi sinh của Đức Phật…

Nepal nghèo hơn nước ta rất nhiều, Một nước có hình dáng một dải lụa nằm giữa hai nước đông dân nhất thế giới, diện tích 147 181km2, nhưng chỉ có 16,07% đất đai là có thể canh tác. Với trên 28,9 triệu dân , 11,11 triệu lao động, nhưng có tới 76% là lao động nông nghiệp (6%- công nghiệp và 18%- dịch vụ). Tăng trưởng GDP năm 2006 chỉ là 1,9%. Trong GDP thì nông nghiệp chiếm đến 38% (công nghiệp- 20%, dịch vụ- 42%). Nepal hầu như có rất ít thứ để xuất khẩu (thảm, quần áo, đồ da, một ít lương thực và hàng thủ công mỹ nghệ). Năm 2006 trong khi chỉ xuất khẩu được 822 triệu USD (f.o.b) thì phải nhập khẩu tới 2 tỷ USD (f.o.b), Hiện nay xe máy ngừng hoạt động vì không có xăng để bán, chỉ còn có xe ca, xe buýt chạy bằng dầu diesel trên đường .

Trong hoàn cảnh một nước nghèo như vậy nhưng điều hoàn toàn bất ngờ với tôi lại là chất lượng giáo dục rất tốt. Tôi ở nhờ nhà một giáo viên 56 tuổi. Ông có một cậu con trai đang học năm thứ hai Đại học, Cả hai bố con nói tiếng Anh hết sức thành thạo. Hóa ra một số không ít trường ở Nepal học tiếng Anh từ… trường Mầm non và Mẫu giáo (!), lên cấp I (5 năm) đều có giờ dạy tiếng Anh ở mọi trường hoc, một số trường chỉ dạy bằng tiếng Anh. Lên cấp II (5 năm) một số trường dạy bằng tiếng Nepal nhưng có 1 tiết (45 phút) tiếng Anh mỗi ngày, ngược lại một số trường dạy bằng tiếng Anh và chỉ có 1 tiết tiếng Nepal mỗi tuần. Lên cấp III (chỉ có 2 năm-lớp 11 và lớp 12) cũng tương tự như vậy- mỗi tuần 1 tiết tiếng Anh cho một số trường và 1 tiết tiếng Nepal cho một số trường khác.

Tôi mua hai cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 11 và lớp 12 và thực sự cảm thấy xấu hổ (vì tôi là một trong những thành viên kiểm định sách giáo khoa Sinh học ở nước ta). Sách in dày và rất đẹp, bìa cứng. Cuốn Sinh học lớp 11 dày 627 trang khổ 24 x 16 bằng tiếng Anh (!) với nội dung như sau : Khái niệm về sự sống, Sinh học tế bào, Các phân tử của sự sống, Nguồn gốc và tiến hoa của sự sống, Phân loại học, Giới Khởi sinh, Giới Nguyên sinh, Giới Thực vật, Hình thái học thực vật hiển hoa, Một số đại diện của cây một lá mầm và hai lá mầm, Giới Nấm, Giới Động vật, Động vật có xương sống, Virút, Sinh thái học và Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên. Cuốn Sinh học lớp 12 cũng bằng tiếng Anh dày 696 trang khổ 22 x 14 với nội dung: Giải phẫu học thực vật, Mô động vật, Mối liên hệ với nước, Sự thoát hơi nước của thực vật, Quang hợp, Hô hấp, Các chất điều hòa sinh trưởng thực vật, Sự chuyển động ở thực vật, Di truyền và biến dị, Vật liệu di truyền (DNA và RNA) Mã di truyền và Vốn gene, Sự biểu hiện di truyền và điều hòa, Các định luật Mendel về di truyền, đặc điểm và bản chất Sự liên kết và trao đổi chéo, Liên kết giới tính và di truyền, Đột biến và Đa bội thể, Sinh sản và phát triển của thực vật hạt kín, Sự hình thành giao tử ở thực vật, Sự thụ phấn , thụ tinh và phát triển của phôi, Sự phát triển của Ếch, Dinh dưỡng, Hệ thống tiêu hóa, Hệ thống hô hấp, Hệ thống tuần hoàn, Hệ thống bài tiết Điều hòa áp suất thẩm thấu, và tính nội cân bằng, Hệ thống thần kinh, Hệ thống nội tiết, Các giác quan, Hệ thống sinh sản, Sự tăng dân số và các vấn đề liên quan, Bệnh tật ở người: Xác suất xã hội về bệnh tật, Các bện xã hội, Bệnh không liên nhiễm: Ung thư, Đại cương về Công nghệ sinh học, Nuôi cấy tế bào thực vật, Khái niệm về kỹ thuật chọn giống và những dòng kháng bệnh của cây trồng, Phân xanh, Chất kháng sinh và Vắcxin, Cấy ghép mô và cơ quan , Sự chọc ối và Em bé ống nghiệm, Kỹ thuật Di truyền, Kỹ thuật lên men.

Sở dĩ tôi cần trích dẫn dài dòng như vậy là để dễ so sánh với hai cuốn sách giáo khoa lớp 11 và 12 của ta vừa mỏng tèo và vừa rất đơn giản (đến mức khó ra đề thi trùng với các năm trước). Chính vì vậy tôi dứt khoát phản đối ý kiến cho rằng chương trình và sách giáo khoa của ta hiện nay đã có thể ổn định trong 15 năm tới(!)

Tôi càng không thể hiểu được việc làm sao mà học sinh cấp III của một nước nghèo như vậy lại có thể tiếp thu bằng tiếng Anh một khối lượng kiến thức vừa phong phú vừa hiện đại đến mức như vây, Ai cần tôi sẵn sàng cho mượn để tham khảo.

Tôi hỏi thế các lớp học bằng tiếng Nepal thì học loại sách nào? Câu trả lời là vì cùng một Chương trình do Hội đồng giáo dục trường cấp III (Higher Secondary Education Board ) của Bộ Giáo dục và Thể thao (!) quy định nên chỉ khác nhau bằng ngôn ngữ mà thôi, Nội dung cũng tương tự như vậy (!) Tôi lai hỏi tiếp các tác giả và Nhà xuất bản do Bộ lựa chọn à? Câu trả lời là Bộ chỉ quản lý chương trình mà thôi. Việc viết và in sách là chuyện của từng nhóm tác giả và của các nhà xuất bản tư nhân thực hiện. Có thể có nhiều cuốn khác nhau, cuốn nào hợp với chương trình và hay thì người ta mới mua. Có lần tranh luận trong nước tôi đã ví sách giáo khoa như thuốc đánh răng. Phải đủ tiêu chuẩn thì Bộ Y tế mới cho lưu hành, nhưng mua loại nào là tùy từng người, đâu có ai sợ loạn thuốc đánh răng (!). Đành rằng đó là một sự so sánh khập khiễng nhưng độc quyền in sách giáo khoa thì có lẽ chỉ có nước ta mà thôi. Tôi lại hỏi tiếp: Chương trình này có phải là chỉ riêng của Nepal ? Câu trả lời là Chương trình này dựa trên chương trình đang dạy ở Hoa Kỳ (!) Hèn gì mà mỗi năm có đến 10 000 học sinh Nepal tốt ghiệp cấp III đi du học tiếp tại các nước phát triển và số đông được nhận học bổng do học giỏi. Nếu kể thêm cả khoảng 10 000 người Nepal đi xuất khẩu lao động thì mỗi năm có đến 20 000 người Nepal đi ra nước ngoài học tập và làm việc, Nhìn vào danh sách các tác giả và cộng sự của sách Sinh vật lớp 11 tôi thấy toàn là các tiến sĩ, thạc sĩ ngứời Nepal nhưng đáng chú ý là trong số đó có nhiều người đang làm việc ở Hoa Kỳ. Cách cộng tác như vậy thật đáng để chúng ta học tập. Cuốn sách lớp 11 được tái bản nhiều lần , suốt từ năm 2001 đến nay , nhưng cuốn sách lớp 12 vì có quá nhiều nội dung cập nhật nên mới chỉ xuất bản lần đầu vào năm 2007. Vậy thì Hội đồng giáo dục Quốc gia chắc cũng không thể cố định mãi một chương trình đối với các ngành khoa học đang phát triển như Sinh học, Tin học…

Một nguyên nhân quan trọng nữa giúp nâng cao chất lượng giáo dục ở Nepal là việc thực hiện phân thành ba ban khác nhau ở lớp 11 và lớp 12. Đó là Ban Khoa học, Ban Quản trị-Kinh doanh và Ban Xã hội –Nhân văn. Riêng ban Khoa học lại có hai phân ban: Vật lý và Sinh học. Hai phân ban này học chung các môn Toán học, Hóa học, Tiếng Anh, Máy tính , nhưng phân ban Sinh học thì không học Vật lý và ngược lại phân ban Vật lý không học Sinh học. Nhờ có phân ban ngay từ cấp III nên học sinh đã có định hướng khá rõ cho việc học tiếp Cao đẳng, Đại học hay các ngành Trung cấp , Dạy nghề có liên quan sau khi tốt nghiệp phổ thông. Kiến thức chung đến hết lớp 10 coi như đã có đủ để vào đời. Ta cũng phân ra ba ban nhưng không thành công vì chênh lệch chỉ có 10% thì chả có nghĩa lý gì, hơn nữa lại dự kiến kết hợp kỳ thi phổ thông với thi Cao đẳng, Đại học thì còn phân ban làm gì nữa. Kết quả là cái gì cũng học nhưng chả cái gì biết ngang tầm học sinh phân ban ngay với một nước rất nghèo như Nepal (!). Nguyên tắc không được lấy học sinh để làm vật thí nghiệm đã không được quán triệt ở nước ta trong nhiều năm qua và gây nên một tâm trạng bất ổn cho toàn xã hội. Tại sao ta đã cử bao nhiêu đoàn đi khảo sát nước ngoài vậy mà cứ lúng túng hoài trong việc xây dựng một Chương trình giáo dục phổ thông hoàn chỉnh có thể áp dụng lâu dài . Thể nào cũng phải sửa Luật Giáo dục về chuyện chỉ cho phép có duy nhất một bộ sách giáo khoa, và cả chuyện mang tên vô lý (TH phổ thông lại cao hơn TH cơ sở). Nếu tổ chức trưng cầu dân ý tôi tin chắc tuyệt đại đa số dân chúng sẽ muốn giữ lại tên Cấp I, Cấp II và Cấp III. Vừa qua tôi đề nghị đổi tên Bộ Giáo dục và Đào tạo thành Bộ Giáo dục như tất cả các nước khác nhưng không được Quốc hội nhất trí chỉ vì sợ tốn kém. Chí ít thì cũng xin Thủ tướng quyết định cho đổi tên khi giao dịch quốc tế , bởi vì chúng tôi rất khó trả lời các bạn nước ngoài là tại sao Việt Nam lại tách Giáo dục ra khỏi Đào tạo?

Đáng ngạc nhiên hơn nữa là trong hiệu sách tôi còn thấy hai cuốn sách giáo khoa khác về Công nghệ sinh học dành cho lớp 11 và lớp 12 (!). Tôi không mua vì ở nước ta học sinh không được học môn này và tôi sợ hành lý quá tải vì đã mua rất nhiều sách ở bậc Đại học về Công nghệ sinh học và Vi sinh vật học rất hiện đại của các nhà xuất bản ở Nepal và ở Ấn Độ với giá rẻ bất ngờ. Các giáo sư Nepal đâu có dùng hoàn toàn sách của nước ngoài. Họ đủ sức viết ra các tác phẩm bằng tiếng Anh có giá trị và phù hợp với hoàn cảnh nước mình.

Một câu hỏi không thể không đặt ra là học hành khó như vậy tại một nước rất nghèo như Nepal thì đông đảo học sinh làm sao theo kịp. Câu trả lời thật đơn giản. Giáo dục hình nón cụt chứ không phải hình ống (!). Ở Nepal thực hiện giáo dục phổ cập chỉ đến bậc tiểu học mà thôi. Lên đến cấp II chỉ có khoảng 40% qua được kỳ thi tốt nghiệp, lên đến cấp III chỉ có khoảng 60% tốt nghiệp . Sau khi tốt ngfhiệp cấp III cũng chỉ có khoảng 40% có thể đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng. Không hề có chuyện ngồi nhầm lớp như nhiều năm qua ở nước ta. Ở Nepal chỉ có 5 trường Đại học nhưng lại có rất nhiều trường Cao đẳng. Số tốt nghiệp Cao đẳng và Đại học loại khá thường tìm cơ hội đi học tiếp Thạc sĩ và Tiến sĩ tại nước ngoài. Tại Nepal chỉ có khoảng 15-20% thí sinh trúng tuyển học Thạc sĩ trong nước còn Tiến sĩ thì chỉ có khoảng 1% mà thôi (!). Rõ ràng đâu có cần thật nhiều người học Đại học, còn sau Đại học thì cố găng đào tạo ở các nước phát triển càng nhiều càng tốt. Ngoài một phần học bổng, một phần tài trợ của gia đình rất nhiều lưu học sinh Nepal đã tìm cách vừa lao động vừa học tập tại nước ngoài. Muốn được như vậy thì tiếng Anh phải chuẩn bị từ rất sớm ở bậc phổ thông và chương trình học phải đủ sức để hội nhập quốc tế.

Tôi rất có cảm tình khi thấy tất cả học sinh ở Nepal đều mặc đồng phục rất đẹp và cả nam lẫn nữ ngay từ bậc tiểu học đều…thắt cra-vát (!).Thái độ rất hồn nhiên, vui vẻ nhưng nghiêm túc, không thấy em nào đùa nghịch, trêu ghẹo nhau trên đường phố Họ cố gắng học theo khả năng kinh tế của từng gia đình. Nếu phải rẽ ngang thì cũng phải học đến nơi đến chốn một nghề nhất định.

Một chuyện rất vui là vào một buổi tối cả nhóm bạn bè quốc tế rủ nhau đi ăn tại một cửa hàng khá lịch sự. Một thanh niên phục vụ với phong cách rất thành thạo, nhưng khi có một bạn hỏi: Cậu có biết Việt Nam ở đâu không ?. Anh ta trả lời thản nhiên: Có lẽ ở…Châu Phi (!) . Công việc của họ đâu cần hiểu biết quá nhiều các thứ khác. Nên biết rằng trong khi chất lượng học tập của các trường đều rất tốt thì ở Nepal vẫn mới chỉ có 48,6 % dân chúng từ 15 uổi trở lên biết đọc, biết viết. Giáo dục hình nón cụt ở một nước nghèo đành phải như vậy.

Chúng ta hơn hẵn Nepal về chuyện này với tỷ lệ gần như toàn dân biết đọc, biết viết. Vậy tại sao ta không thể thay đổi Chương trình và sách giáo khoa cho không thua kém các nước phát triển. Tại sao ta không mạnh dạn bỏ bớt đi các nội dung học có thể coi là vô bổ (nhớ thuộc lòng bao nhiêu số liệu, bao nhiêu chi tiết không đáng nhớ và có thể tìm dễ dàng qua Internet khi cần thiết) . Tại sao ta không chấn chỉnh lại việc học ngoại ngữ liên thông từ cấp I lên Đại học (cấp nào cũng lại học gần như từ đầu)? Tại sao ta không tận dụng tối đa các trí thức Việt kiều tham gia giảng dạy hay ít ra là tham gia biên soạn sách giáo khoa, Tại sao ta không phân ban ở hai năm cuối cấp phổ thông để chấm dứt cảnh phải học thêm, dạy thêm tràn lan?…

Rất nhiều nhà khoa học, nhà ngoại giao Nepal giỏi giang tầm cỡ quốc tế đang hoạt động ở nước ngoài nhưng chưa thể về nước làm việc được, vì hoàn cảnh của họ khác hẳn hoàn cảnh của nước ta. Nước Nepal đang có tới 62 đảng phái, chính trị chưa ổn định, kinh tế chậm phát triển, thiếu điều kiện nghiên cứu hiện đại, lương trí thức rất thấp… Hoàn cảnh của chúng ta không đến nỗi như vậy. Viện nghiên cứu của chúng tôi tuy mới chỉ được đầu tư rất ít nhưng đã đủ sức lôi cuốn nhiều tiến sĩ tốt nghiệp từ các nước phát triển về làm việc. Tiền lương tuy thấp nhưng có thể tự trang trải bằng chính thành quả nghiên cứu của mình, Vấn đề là Chính phủ cần lựa chọn cho đúng mỗi lĩnh vực một vài cơ sở nghiên cứu chuyên sâu và sau khi đầu tư đủ tầm sẽ trao cho họ trách nhiệm giải quyết bằng được các vấn đề thật sự bức xúc cho hiện nay và cả cho tương lai. Về nghiên cứu ứng dụng tôi cho rằng chỉ nên cho vay không lãi, nếu không hoàn thành nhiệm vụ phải xuất toán 100% , ngược lại nếu hoàn thành thì còn được thưởng thêm tương xứng với thành quả thu được. Bộ trưởng Bộ Tài chính nói với tôi rất tán thành đề xuất này và sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ để có thể sớm triển khai. Tôi tin rằng không ít nhà khoa học sẽ có cống hiến đáng kể mà không cần tranh giành nhau qua các cuộc đấu thầu với những đề tài rất ít ý nghĩa mà không biết do ai đã nghĩ ra (!). Đại học phải gắn liền với các Viện nghiên cứu. Ai cũng biết điều này, vì hầu hết các nước đều như vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì mà sự chuyển dịch ở nước ta sao quá chậm chễ như thế?

Là một thày giáo đã học qua ba trường Sư phạm (Sơ cấp, Trung cấp và Đại học), lại đã dạy ở Đại học nửa thế kỷ, tôi không thể không mạnh dạn nêu lên những chính kiến của mình , mặc dầu biết rằng không dễ gì được nhiều người đồng tình. Mong sao có những cuộc tranh luận rộng rãi và thực sự dân chủ để có thể mau chóng thay đổi được tốt hơn tình trạng giáo dục ở nước ta.

GS. Nguyễn Lân Dũng
(Báo Khoa học Thời đại)

Không có nhận xét nào: