Thứ Tư, 14 tháng 1, 2009

Thương nhớ nhà văn Nguyễn Khải


Triệu Xuân
DAYVAHOC. Nhà văn Nguyên Ngọc viết thay lời tựa “Thương nhớ Nguyễn Khải” với những dòng cảm mến: “Nguyễn Khải có một số phận rất Việt Nam. Anh có một tuổi thơ buồn, éo le và cả tủi nhục nữa – cũng như cái “tuổi thơ” của nhân dân mình vậy, rất có thể đắm chìm mãi mãi nếu tự trong anh – lại cũng như tự trong nhân dân mình vậy – không có một sức tự vươn lên kỳ lạ, im lặng, nhẫn nhục, mà kiên trì, kiên định, dũng cảm một cách thực sự là dũng cảm bởi không hề ồn ào, để thành người, một con người đàng hoàng trong cuộc đời, thành đạt trong sự nghiệp và ở đỉnh cao… Cũng từ chính chìm nổi của cuộc đời mình mà Nguyễn Khải hiểu và có quan niệm rất sâu, rất nghiêm về nghề và nghiệp cầm bút. Nghề cầm bút, với anh, trước hết và sau cùng nữa, là nghề làm người. Nghiêm trang và khó nhọc như nghề làm người…Nguyễn Khải không mất, nhà văn rất thời sự ấy lại cũng là nhà văn của tương lai”.Triệu Xuân - tác giả của bài viết sâu sắc Thương nhớ nhà văn Nguyễn Khải dưới đây - thì nhận xét: "Nguyễn Khải là một trong những người tiên phong viết tiểu thuyết về cuộc sống dân sự đầy vật lộn cam go sau chiến tranh. Tôi nghĩ chính anh, nhà văn Nguyễn Khải đã khai sinh dòng tiểu thuyết viết về những chuyện thường ngày, bám sát các sự kiện nóng hổi, đầy chất trí tuệ, chính luận của văn học Việt Nam."


Sáng 15-1-2008, tôi được tin nhà văn Nguyễn Khải đang trong khoảnh khắc cuối cùng của đời mình. 19 giờ, anh trút hơi thở cuối cùng. Ít phút sau, nhà văn Lê Văn Thảo đang họp ở Hà Nội, phone cho tôi, nói: Triệu Xuân thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh túc trực tại Lễ Nhập quan và sẵn sàng mọi việc trong Lễ tang. Sáng sớm 16-1-2008, tôi có mặt tại bệnh viện 115, (quận 10, Tp Hồ Chí Minh), hỏi thăm mãi mới tìm được Nhà Vĩnh biệt. Bệnh viện trong quá trình xây dựng, nhà xác chưa có, đang dùng tạm một căn phòng còn sót lại của dãy nhà cấp bốn chưa san ủi nốt. Anh Khải nằm trong căn phòng rộng hơn hai mét, dài gần ba mét. Tôi đến, Nguyễn Khoa, con trai trưởng anh Khải ra đón. Thấy tôi đưa mắt tìm nơi anh Khải đang nằm, Quang, con trai của chị ruột vợ anh Khải nói: “Chú TX có… kiêng cữ gì không?”. Không! Chú đến chào vĩnh biệt người anh của mình, cháu đưa chú vào, không ngại gì! Cánh cửa bằng sắt hoen rỉ mở ra, anh Khải mặc bộ complet xanh đen, thắt cravat, nằm trên cái không rõ là giường hay phản gỗ, cao chừng một mét. Phòng tối quá, tôi bảo Quang mở điện lên! Nhìn thi thể anh, tôi không cầm được nước mắt. Quang nói: “Khi mổ, nội tạng chú cháu hư hết rồi”! Căn phòng lạnh lẽo quá. Một nhà văn lớn của cách mạng, suốt đời tha thiết với nhân dân, với đất nước mà bây giờ nằm đó, cô đơn, lạnh lẽo…! Bất giác tôi nhớ đến câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa! Tôi bảo Quang: Cháu nói gia đình khẩn trương thắp đèn nhang hoa quả, một đĩa muối, gạo, một ly nước cho anh Khải. Rồi, tôi nắm lấy bàn tay phải lạnh cứng của anh, mắt tôi nhìn vào đôi mắt đã khép lại vĩnh viễn, vốn là cặp mắt to, sáng đuôi mắt dài, nhân hậu nhưng vô cùng sắc xảo, nhạy cảm và nói to: Anh Nguyễn Khải! Em là Triệu Xuân đến chào vĩnh biệt anh đây. Cầu cho linh hồn anh thanh thản nơi chín suối, mau siêu thoát! Anh sống khôn thác thiêng phù hộ độ trì cho gia đình anh, bạn bè thân thiết của anh được khỏe mạnh và luôn luôn may mắn! Tôi vái anh, rồi bước ra ngoài. Lúc đó là 7 giờ sáng. Còn hơn một giờ nữa mới đến giờ làm lễ nhập quan.

Có mười bốn người: ba người con anh Khải: Khoa, Thúy, Hoàn cùng hai con dâu, một con rể với mấy cháu nội, ngoại; năm người đứng tuổi là họ hàng ruột thịt và tôi, ngồi nhìn nhau, lặng lẽ. Tôi chỉ hỏi Khoa một câu về trình tự lễ nhập quan rồi hỏi thêm: Mẹ cháu đâu? “Dạ, mẹ cháu bị bệnh nặng và rất dễ xúc động, không thể ra đây được chú ạ”! Tôi se sắt lòng! Cả cuộc đời người vợ ấy thương chồng, thương con, hy sinh cho chồng cho con, nay anh ra đi trước, để lại chị bệnh tật đến nỗi không thể đến đây vĩnh biệt chồng… Tám giờ ba mươi phút, Nhà sư đến đọc kinh. Tám giờ năm mươi phút, Nhà đòn khâm liệm anh Khải, rồi đúng chín giờ, Lễ nhập quan cử hành. Người ta đổ mấy bao trà lót đáy quan tài rồi đặt thi hài nhà văn lên trên. Nắp áo quan có chừa một mảng bằng mêca trong suốt để gương mặt anh tiếp tục quan sát cuộc đời này thêm hai ngày hai đêm nữa. Có tiếng khóc của Thúy con gái anh, cùng những tiếng nấc nghẹn ngào như cố nuốt lệ vào trong của những người khác. Tôi nhận một nén nhang đã thắp sẵn từ tay Khoa, lặng lẽ vái anh và khấn thầm trước linh cữu. Chín giờ mười lăm phút, tôi cùng mọi người khênh quan tài ra xe tang. Tôi chạy xe gắn máy theo xe chở linh cữu về Nhà Tang lễ thành phố ở 25 Lê Quý Đôn, quận 3. Mười giờ, xe đến nhà Tang lễ. Anh nằm ở đó hai ngày 16 & 17. Sáu giờ sáng ngày 18-1-2008, Lễ truy điệu diễn ra trọng thể, linh cữu anh được đưa về an táng tại nghĩa trang thành phố ở Thủ Đức. Phải mất gần hết buổi sáng ngày 16-1 với rất nhiều cú điện thoại, giao dịch với nhiều cấp, nhiều người… Ban Lễ tang mới có phép để anh an nghỉ tại Thủ Đức, vì nơi đây hết đất, nghĩa trang đã dời lên Củ Chi rồi! Thế là hết! Bao nhiêu buồn vui sướng khổ, bao nhiêu vinh quang và cay đắng, bao nhiêu dằn vặt và hối tiếc, bao nhiêu tiếng cười và nỗi đau… từ nay tiêu tan trở về với cát bụi, thế là hết! Anh Khải không còn sống trong cõi nhân gian bé tý này nữa! Tất cả đã khép lại, như đôi mắt thông minh nhạy cảm của anh, vĩnh viễn! Thế nhưng, tôi tin có một thứ không bao giờ mất đi, nó còn mãi với thời gian, với lòng người yêu văn chương ở đất nước này, đó là hàng chục tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch của Nguyễn Khải.

Với văn tài của Nguyễn Khải, người ta nói nhiều đến Gặp gỡ cuối năm, Thượng đế thì cười… Riêng tôi, tôi cũng thích những tác phẩm ấy, nhưng cái tôi thích nhất lại là những tác phẩm anh Khải viết trực tiếp về đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Phật, nghĩa là đề tài tôn giáo, cụ thể là hai cuốn: Xung đột (1959-1961), và Điều tra về một cái chết (1985). Tôi đọc Xung đột từ khi mười hai tuổi, và, tôi bị tác phẩm ấy hớp hồn!

Năm 1963, trong hàng chục cuốn truyện bố mua về cho tôi đầu kỳ nghỉ hè có hai tập Xung đột của Nguyễn Khải do NXB Văn học ấn hành. Tập 1 ra trước tập 2 đúng hai năm, sách mỏng, chỉ có 152 trang 13 x 19; Tập 2 ra năm 1961, 212 trang). Tôi say sưa đọc liền một mạch từ sáng sớm đến khuya hết 364 trang sách. Tác phẩm viết về những người theo đạo Thiên Chúa. Phần lớn họ là những con người lương thiện, hiền hậu, chăm làm, giàu lòng nhân ái, giàu đức tin và… rất dễ bị các thế lực hắc ám lung lạc! Có lẽ chính vì Xung đột viết về nhà thờ mà ấn tượng tác phẩm này để lại trong cái đầu non nớt của một cậu học trò mới mười hai tuổi rất mạnh mẽ, sâu sắc. Trong cái làng Hỗ công giáo toàn tòng ấy, sao mà có những kẻ ác như thế! Họ ác thế mà tại sao những người dân lương thiện trong đó có không ít cán bộ như chị Nhàn, phó Chủ tịch xã cũng có lúc bị mê hoặc, nghe theo?

Quê tôi là xã An Đức, huyện Ninh Giang, Hải Dương, có ba làng và một trại. Ba làng rặt người bên lương. Trại -làng mới lập ven sông của làng Mũa nên gọi là Trại Mũa, cách làng tôi gần cây số- lại toàn những gia đình bên giáo… Gia đình tôi bên lương. Từ bé tý, không hiểu sao tôi rất tò mò, thích nhìn ngắm tháp chuông, giáo đường, thích nghe tiếng chuông nhà thờ Trại Mũa, thích chơi với trẻ con ở đó. Giáo đường Trại Mũa không lớn, xây ở phía trong đê, ven sông Lê - một nhánh của sông Luộc, đổ vào sông Thái Bình - cho nên từ xa đã hiện ra uy nghi đầy sức lôi cuốn. Lớn lên một chút, mỗi lần theo mẹ qua đò sông Lê để sang chợ Bùi, tôi cứ dán mắt vào nóc nhà thờ Bùi Hòa - một công trình kiến trúc rất đẹp ở bên sông, lớn hơn nhà thờ Trại Mũa rất nhiều- mà ngắm nghía, mà tưởng tượng. Tôi nhìn những người ra vào nhà thờ hành lễ hàng ngày ăn mặc rất đẹp như đi trẩy hội mùa xuân, như nhìn vào một thế giới khác, đầy hấp dẫn! Dân quê tôi nghèo, quanh năm lam lũ, ít khi mặc quần áo đẹp như dân bên giáo. Tôi từng xem rất nhiều lễ cưới ở nhà thờ, thuộc làu bài kinh do cha cố đọc với rất nhiều câu hay ý đẹp, là khát vọng của con người. Tôi thường tha thẩn ở các nhà thờ, chạy nhẩy chán thì múc nước mưa ở bể nước mà uống căng phình bụng mới thôi. Sau này, trong những năm Hoa Kỳ ném bom miền Bắc, tôi còn được bố, chú và cô cho đi thăm nhiều nhà thờ: Lớn nhất vùng là nhà thờ Sặt đẹp mê hồn ở thị trấn Kẻ Sặt, kế đến là nhà thờ Ba Đông thuộc huyện Gia Lộc, và tất nhiên có nhà thờ lớn ở trung tâm thị xã Hải Dương. Khi bom Mỹ san phẳng ga xe lửa Hải Dương thì bom rơi trúng nhà thờ lớn, sụp đổ tan tành. Tôi nhìn cảnh tượng tan hoang và bật khóc! Sau này, khi đã in dấu chân khắp Bắc Trung Nam, cũng như trong các chuyến đi công tác ở nước ngoài, tới đâu có nhà thờ là tôi ghé thăm, chụp thật nhiều ảnh. Tôi có một bộ sưu tập cá nhân ảnh của các nhà thờ ở châu Úc, châu Mỹ, châu Âu.. Có lẽ vì khoái nhà thờ nên khi đọc Xung đột, tôi mê say vì tác giả đã miêu tả tường tận về cuộc sống và số phận của những người bên giáo. Tôi đọc say sưa, chỗ nào không hiểu thì hỏi bố, hỏi bác tôi. Hồi ấy mà đã hơn một lần tôi tự nói thầm: sau này lớn lên, nhất quyết mình sẽ viết tiểu thuyết như ông Khải! Khi vào đại học, tôi đọc lại Xung đột cùng tất cả tác phẩm khác của Nguyễn Khải, và cảm nhận được nhiều điều mà thời kỳ mười hai mười ba tuổi mình chưa nghĩ được. Văn chương Nguyễn Khải sắc xảo, giàu chất chính luận kiểu Lỗ Tấn; khi cần thì chỉ vài dòng khắc họa tính cách nhân vật, vài dòng miêu tả bối cảnh sự kiện cũng đủ lột tả sự quyết liệt như chính mối xung đột trong làng Hỗ những năm sau cải cách ruộng đất, bước vào thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp. Đó là giai đoạn nhiều niềm vui mới và không ít bi kịch. “Mọi trật tự cũ bị tháo tung ra, và một trật tự mới đang được tổ chức lại. Những thói quen cũ bị sụp đổ, và những thói quen mới đang hình thành. Phá hủy và dựng xây, chấm dứt và mở đầu...”. Có người bảo tiểu thuyết anh Khải nặng về ký sự, thậm chí họ còn cho là đầy chất báo chí. Tôi không nghĩ vậy. Chất chính luận sắc nhọn, tiết tấu nhanh là lối viết hiện đại của các tiểu thuyết gia đương thời trên thế giới. Mà dù cho là tân văn đi nữa thì ở nước mình, dễ dầu gì có nhiều người viết được như Nguyễn Khải. Nếu tôi nhớ không lầm thì đến năm 1957, Xung đột là tiểu thuyết duy nhất, đầu tiên, viết về đời sống dân sự ở miền Bắc sau chiến tranh, được in từng kỳ trên báo suốt hơn một năm. Năm 1959 tập I in thành sách. Mãi đến năm 1962, Vỡ Bờ tập I của nhà văn Nguyễn Đình Thi mới xuất bản, lại cũng viết về kháng chiến (tập II Vỡ bờ ra năm 1970). Nhấn mạnh điều này để thấy Nguyễn Khải là một trong những người tiên phong viết tiểu thuyết về cuộc sống dân sự đầy vật lộn cam go sau chiến tranh. Tôi nghĩ chính anh, nhà văn Nguyễn Khải đã khai sinh dòng tiểu thuyết viết về những chuyện thường ngày, bám sát các sự kiện nóng hổi, đầy chất trí tuệ, chính luận của văn học Việt Nam.

Mãi đến năm 1983, lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Khải tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc! Từ đó, tôi thường có dịp gần gũi anh. Khi nghe tôi nói về tuổi thơ đam mê chiêm ngưỡng nhà thờ, nói về lần đầu đọc Xung đột, Nguyễn Khải cười rất tươi và từ đấy anh thường chia sẻ với tôi nhiều tri thức anh có được về nhà thờ, về các tôn giáo. Sau chuyến đi Hoa Kỳ về, tôi khoe anh những tấm ảnh chụp nhà thờ của chín tiểu bang ở Mỹ. Anh Khải bảo: “Ông nên xuất bản thành sách bộ sưu tập ảnh nhà thờ, đẹp và quý lắm; cũng như ảnh cây xanh thành phố của ông mà tôi rất thích!”. Hồi đó tôi làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, xe cộ để đi công tác rất dồi dào. Tháng nào tôi cũng đi về các tỉnh bốn năm chuyến, từ 15 đến 20 ngày. Chính nhờ làm Đài mà tôi đã lăn lộn được hết các tỉnh miền Nam, thuộc làu tính cách, tập tục, con người, văn hóa ẩm thực các địa phương kể cả hải đảo. Mỗi lần đi xa, tôi thường rủ những bạn đồng nghiệp mà mình quý mến. Một trong những người đó là anh Khải. Giữa năm 1983, tôi mời anh Khải cùng đi huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nơi có vô số nhà thờ… Hồi đó, chị Liên, Bí thư huyện ủy, sau được bầu vào Trung ương, lên làm việc ở tỉnh, rất quý tôi. Nửa năm sau, anh Khải cho xuất bản tiểu thuyết Thời gian của người. Năm 1984, tôi mời anh Khải đi lên Công ty cao su Tây Ninh. Giám đốc công ty là ông Huỳnh Lân, Tỉnh ủy viên tỉnh Tây Ninh, người đã coi tôi như con của gia đình. Ông Huỳnh Lân đích thân đưa anh Khải và tôi lên thăm Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Sau, anh Khải còn đi Tây Ninh một hai lần nữa, và được địa phương nhiệt tình giúp đỡ. Gần một năm sau anh xuất bản tiểu thuyết Điều tra về một cái chết. Anh cho tôi đọc tác phẩm ngay từ khi còn là bản thảo. Với quá trình hình thành hai tác phẩm vừa kể, tôi quan sát cách làm việc, thu thập tư liệu của anh Khải và tôi bị anh thuyết phục về sự lịch lãm khi tiếp xúc với mọi người, lúc nào anh cũng khiêm nhường và điềm đạm, không bao giờ anh lên mặt, đòi hỏi, tỏ vẻ ta đây, ngay cả khi anh được địa phương quý yêu và chiều chuộng. Quan trọng hơn, tôi phục anh về phương pháp tư duy cũng như sự khéo léo khi lồng tư tưởng mà mình tâm đắc vào trong tiểu thuyết. Điều tra về một cái chết ra đời khi mà đối trọng của phe Tư bản, tức Liên Xô, không còn nữa. Có một số ý kiến, nhất là của những người theo Cao Đài kịch liệt phản đối tác phẩm. Rồi tác phẩm rơi vào im lặng, không thấy ai lên tiếng về chủ đích sáng tác của tác giả. Đã hai lần tôi hỏi thẳng anh về điều này, anh chỉ nhìn tôi, cái nhìn rất sâu sắc, hóm hỉnh, và anh chỉ cười! Tôi biết anh Khải không chỉ viết về đạo Cao Đài, đó chỉ là cái cớ, mà anh chú tâm viết về cái cách xây dựng đức tin và sự sụp đổ của một đức tin. Xưa nay, người đọc chưa hiểu hết thông điệp chính yếu của tác giả thể hiện trong tác phẩm cũng là sự thường! Điều tra về một cái chết theo tôi, là một tác phẩm có tầm tư tưởng lớn!

Những nhân vật trong các tiểu thuyết: Xung đột, Mùa lạc, Một chặng đường, Hãy đi xa hơn nữa, Người trở về, Chủ tịch huyện, Chiến sỹ, Cha và con và…, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, Điều tra về một cái chết, Vòng sóng đến vô cùng, Một cõi nhân gian bé tí, Thượng đế thì cười, cũng như trong rất nhiều truyện ngắn Nguyễn Khải, in đậm dấu ấn của tác giả, một người thông minh, nhạy cảm, vô cùng sắc xảo và lịch lãm. Anh có đôi mắt rất đặc biệt. Khi quan sát thực tế cuộc sống để làm nên da thịt, hơi thở cho cốt truyện đã hình thành trước đó thì đôi mắt Nguyễn Khải vô cùng nhanh nhạy, nhìn như thấu gan ruột người ta, thấu bản chất của vấn đề. Tôi nhìn vào đôi mắt ấy, khi anh trò chuyện với đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn anh, lại thấy lấp lánh sự chân tình, bao dung và luôn luôn khuyến khích, động viên. Khi gặp các đồng nghiệp trẻ, nếu đã đọc họ, anh thường khen họ, và thường là khen quá lời! (Giá như anh đừng khen quá lời thì hay hơn cho người được khen, bởi không ít người được anh khen lại… ảo tưởng). Tôi cũng được anh đọc những thứ mình vừa xuất bản, và anh thường khen bằng những lời mà tôi nghe phải đỏ mặt vì ngượng, dù rất thích. Cũng đôi mắt ấy, khi anh nhìn những đồng nghiệp cùng trang lứa mà hay tỏ vẻ ta đây, tôi thấy rõ sự thương hại và lóe lên cả sự kiêu ngạo. Anh Khải ghét những ai giả dối và hợm hĩnh về tài năng. Anh bảo: Nhà văn chỉ nên nói bằng tác phẩm, qua tác phẩm, ngoài ra, chả cần phải nói gì! Ấy là câu anh nói tại hành lang Hội trường Ba Đình. Hôm ấy, anh Khải, anh Xuân Sách, tôi, Ngô Vĩnh Bình và vài người nữa đang trò chuyện trong giờ giải lao ở Đại hội V, Hội Nhà văn. Có một nhà văn gần bẩy mươi tuổi nói oang oang: “Tôi đang viết sắp xong tiểu thuyết này, tôi đang viết dở tiểu thuyết kia…”. Anh Khải nói nhỏ với chúng tôi: “Mười lăm năm qua còn khỏe mà ông ấy không viết được cuốn nào, nay thất thập, đi đái còn ướt giày thì viết lách gì nữa!”. Và anh nói tiếp như tôi đã dẫn ở trên: Nhà văn chỉ nên nói bằng tác phẩm… Anh ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, đi hội nghị, anh thường ngồi hàng ghế chót.

Kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Khải, giữa năm 1983 tại phòng làm việc của anh Hà Mậu Nhai, Giám đốc NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Hôm ấy, tôi rón rén đến nhận nhuận bút tác phẩm đầu tay: Những người mở đất. Khi viết xong tác phẩm này, tôi đã tự xóa bỏ hai chữ tiểu thuyết và thay vào chữ Truyện. Có lẽ tôi cũng học theo cách Nguyễn Khải. Phần lớn tiểu thuyết của mình, trong lần in đầu tiên Nguyễn Khải chỉ đề là Truyện! Còn một điểm nữa: Nguyễn Khải viết rất ngắn, chỉ từ 150 trang đến 250 trang là cùng. Tôi nói là rón rén đến NXB là nói thật lòng. Bởi vì tôi không hề quen biết ai, không hề được ai nâng đỡ… Đây là tác phẩm đầu tay, viết xong năm 1979 mà đến đầu năm 1983 mới được in (hồi đó việc xuất bản rất khó chứ không như bây giờ!). Hôm đó, nhận nhuận bút xong, đang tính ra về thì tôi nghe ai đó gọi tên. Thì ra anh Hà Mậu Nhai cho gọi tôi lên phòng anh. Một người đàn ông cao lớn, gương mặt nhang nhác một linh mục Thiên Chúa giáo, đang đứng giữa phòng. Tôi bước vào, anh Nhai vui vẻ bắt tay và quay qua nhìn người cao lớn, giới thiệu: Đây là Triệu Xuân, tác giả Những người mở đất mà ông Khải khen đó! Ô! Hóa ra đây là Nguyễn Khải! Người đàn ông tóc hớt cao, đôi mắt sắc, má hóp (hồi đó ai cũng gầy nhẳng) nhưng nụ cười rất hiền phô hàm răng vổ này chính là tác giả Xung đột, tôi đã đọc từ năm mười hai tuổi! Câu đầu tiên, anh Khải nói với tôi: “Sao ông không đề là tiểu thuyết? Mình đọc một mạch, ông viết khéo lắm, tiết tấu nhanh như phim! Cái đoạn ông viết về phẩm chất đảng viên là… bạo lắm, nhà xuất bản ông Nhai cũng to gan lắm!”. Tôi đỏ mặt, ấp úng, chưa biết trả lời thế nào. Một nhà văn lớp trước mà tôi ngưỡng mộ lại đọc mình, đọc rồi lại còn khen mình, lại bảo mình nên đề tác phẩm là tiểu thuyết! Phút bối rối qua mau, tôi bình tâm lại và trò chuyện lưu loát với hai người anh. Mới gặp lần đầu nhưng anh Khải khiến tôi ngỡ như anh là người nhà, thân thiết! Nửa tiếng sau, thấy anh Nhai có khách, chúng tôi chia tay chủ nhà, ra về. Tôi mời anh Khải đi uống bia để ghi nhớ ngày gặp anh. Anh cám ơn, thân mật từ chối và nói thêm: “Nhuận bút được mấy đồng mà bia bọt gì. Mang về nhà cho cô ấy nuôi con!”. Anh Khải dắt chiếc xe đạp sườn ngang cao lêu đêu và đạp băng băng trên đường Lý Chính Thắng.

Tháng 10-1979, nhà văn Nguyễn Khải chuyển cả gia đình vào sống tại quận Tư thành phố Hồ chí Minh, giữa lúc anh đang nổi như cồn ngoài Hà Nội. Đó là thời gian báo chí nói nhiều về anh sau khi sách anh liên tục ra lò: tập bút ký Tháng ba ở Tây Nguyên, tập kịch Cách mạng, tiểu thuyết Cha và con và… Những năm này đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, chiến tranh biên giới, bị cấm vận, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Câu ca Đầu đường đại tá bơm xe… xuất hiện vào thời này. Đại tá Nguyễn Khải không phải đi bơm xe nhưng sống rất chật vật. Anh viết văn bằng tay, thường bò trên phản mà viết. Cuối năm 1983, gặp anh ở cuộc họp cộng tác viên báo Sài Gòn Giải phóng, anh nói nhỏ với tôi: “TX biết không, đêm qua mình thức viết đến hai giờ, đói quá, mờ mắt, phải buông bút đi nằm. Giá mà có được một lát thịt bò bít tết và mẩu bánh mì lúc đó thì mình đã viết xong cái mạch cảm hứng đang trào đến! Tiếc quá!”. Thương thay cho kiếp nhà văn! Chính tôi cũng nhiều lần như vậy. Vậy mà anh Khải vẫn viết đều đều, sách ra đều đều, cái nào cũng ngăn ngắn, dễ đọc, bán chạy. Anh sống giản dị, lúc nào ra ngoài cũng quần tây, thường là quần bộ đội, áo sơ mi trắng ngắn tay, dép rọ có quai hậu. Rất ít khi thấy anh mang giày, và mặc áo sơ mi tay dài, thắt cravat. Anh không nghiện ngập cà phê, thuốc lá, rượu bia, gái gú lại càng không! Uống một chai bia là anh ngừng, sợ say. Thỉnh thoảng anh nể bạn, nhận một điếu thuốc lá, trông anh cầm thuốc hút y hệt khi cầm đũa! Tôi biết anh Khải quý mến và thân tình với nhiều đồng nghiệp trong đó có nhiều người trẻ. Ai cũng bảo anh xứng đáng là người anh: chân thành, bao dung, biết vui mừng cho niềm vui của người khác. Những năm cuối đời, do bệnh tật, do khoảng cách (có thời gian anh về ở quận 12), anh ít gặp gỡ mọi người. Thế nhưng mỗi lần điện thoại với anh, anh em nói hoài không muốn dứt! Tháng Mười 2006, tôi mời anh đến dự Lễ ra mắt Quỹ Phát triển Tài năng Văn học của báo Sài Gòn Giải phóng- do tôi khởi xướng- anh vui lắm. Anh khen tôi hết lời, nhưng vì bệnh nên anh không đến dự được. Đầu Xuân 2007, tôi mời anh đến dự cuộc gặp mặt của Nhóm Văn chương Hồn Việt. Anh trả lời: TX ơi, mình rất phục ông và anh chị em trong Nhóm Văn chương Hồn Việt về tiêu chí giúp nhau sáng tác, cùng nhau làm việc nghĩa. Giá như mình mới ngoài năm chục tuổi, khỏe mạnh, thì mình xin tình nguyện theo Nhóm Hồn Việt!

Mới đó mà đã hai mươi lăm năm, kể từ lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Nguyễn Khải! Một phần tư thế kỷ đã trôi qua! Mới đó mà đã đến giỗ Một trăm ngày anh Khải. Đôi mắt anh Khải đã vĩnh viễn khép lại rồi. Đám tang anh tôi chứng kiến từ đầu chí cuối, có hơn hai trăm sáu chục đoàn và cá nhân đến viếng. Tuy không đông về số lượng như một vài đám tang khác, nhưng điều đáng ghi nhận ở đây là: Những người đến viếng rất ít người vì ngoại giao, vì nghi lễ, mà hầu hết là vì thương nhớ anh, qúy trọng anh, đau buồn khi anh qua đời. Anh Khải đã sống và sáng tác hết mình, với cả tấm lòng thành luôn hướng về nhân dân, về dân tộc và đất nước. Những tác phẩm của anh để lại là tài sản quý giá của nền văn học, văn hóa Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng Ba năm 2008

TRIệU XUÂN

Không có nhận xét nào: