- Hoàng Kim
- Nhà sách HOÀNG GIA
- Ngọc phương Nam
- Chào ngày mới
- Thung dung
- Dạy và học
- Dạy và học BLTV
- Dạy và học ĐHNL
- Cây Lương thực
- Food Crops News
- Food Crops.vn
- Food Crops
- Green Super Rice
- Cassava Viet
- Cassava News
- Gardening Tips
- Học mỗi ngày
- Danh nhân Việt
- Tin Nông nghiệp Việt Nam
- Tình yêu cuộc sống
- Kim on Twitter
- KFB
Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2008
Yên Tử nơi “vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả”
Anh Phương
DAYVAHOC. Nguyễn Trãi cũng từng viết rằng: Trên non Yên Tử chòm cao nhất/ Trời mới canh năm đã sáng tinh/ Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả/ Nói cười người ở giữa trời xanh/ Muôn hàng giáo ngọc che gài cửa/ Bao dải lụa châu đá rủ mành/ Dấu cũ Nhân Tông còn vẫn đấy. Cũng từ đỉnh cao ấy, nhìn về phía Tây Yên Tử, qua phủ Lạng Thương chính là Xa Lý, Nội Bàng, những cửa ải quan trọng trấn giữ phía Bắc? Nhà nghiên cứu Nguyễn Lang trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận cho rằng Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo nhập thế, liên hệ mật thiết tới chính trị. (Trúc Lâm Thiền viện trên Yên Tử. Ảnh: TUẤN MINH)
Cuối thu, người hành hương đã vãn, giữa thăm thẳm cao xanh, sân chùa Hoa Yên vắng lặng, trầm mặc như đã trầm mặc từ hơn 700 năm trước. Như còn thấp thoáng đâu đây bóng cà sa của Đức Đầu đà Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, vị tổ khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử
700 năm đã qua, kể từ ngày Đức Đầu đà Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, song nhân sinh quan đậm đà sắc thái Việt Nam vẫn được ứng dụng: “Sống đời vui đạo cứ tùy duyên” - cái tinh thần “tùy duyên nhi bất biến”, hay “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trải qua mấy chục năm hưng thịnh rồi không thấy ai nói tới đệ tứ tổ Trúc Lâm... Song giờ đây, giữa lưng chừng núi, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà Đức Điều ngự Giác hoàng từng thuyết giảng chúng sinh. Đây là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam. Mỗi khi thấy bóng áo cà sa, các phật tử thành kính cúi chào và được đáp lại bằng những giọng nói của những vùng miền khác nhau.
VÌ SAO YÊN TỬ?
Truyền thuyết kể rằng, hồi còn nhỏ tuổi, Trúc Lâm đã có ý không muốn làm vua và muốn nhường địa vị đông cung thái tử cho em. Sau khi đại thắng quân Nguyên, xã tắc yên bình, vua Trần Nhân Tông quyết chí tu hành. Ngài chọn ngọn núi có tượng An Kỳ Sinh để quy y đầu Phật. Một hôm, tiết trời trong sáng, ngài ngự tọa trên đỉnh núi nhìn về phía phủ Kinh Môn, thấy một ngọn núi lấp lánh có mây ngũ sắc bao phủ, bèn hỏi đệ tử đó là núi nào? Đệ tử thưa: Đó là núi Yên Phụ, thờ Đức An Sinh Vương Trần Liễu. Trần Nhân Tông giật mình, liền quỳ vái năm vái về phía núi Yên Phụ và nói: “Đức An Sinh là bậc tông tổ, còn ta là hạng cháu con. Ngài đặt tên núi ngài ngự là Yên Phụ. Vậy núi này chỉ nên đặt là Yên Tử cho phải đạo”.
Trước khi nhà vua xuất gia tại chùa Hoa Yên năm 1299, Yên Tử đã là đất Phật của thiền phái Yên Tử, mà ngài chính là truyền thừa chính thức đời thứ sáu của thiền phái Yên Tử và thành tổ Trúc Lâm Yên Tử, tổ sư thứ năm là thiền sư Huệ Tuệ. Ngoài ra, nơi đây còn có thiền sư tu theo các dòng phái khác nhau. Du khách, người hành hương có thể nhận thấy điều này ngay trước khi đặt chân lên chùa Hoa Yên, cách vài bậc đá ở một khu vườn bên phải có đặt một bảo tháp bằng đá của vị thiền sư theo dòng Lâm Tế. Từ chùa Hoa Yên lên chùa Bảo Sái, còn một cụm tháp khác cũng thuộc Lâm Tế.
Vẫn biết sự tích là thế, nhưng vì sao Trần Nhân Tông lại chọn Yên Tử mà không phải là nơi núi non hùng vĩ nào khác, hơn nhiều so với Yên Tử? Tại sao không phải là Hương Tích; Nam Thiên đệ nhất động; tại sao không phải là Hoa Lư, cố đô xưa, một trung tâm Phật giáo lớn, một nơi sơn thủy hữu tình...? Ngoài lý do Yên Tử là thánh địa Phật giáo Việt Nam, có lẽ Đức Trúc Lâm Đầu đà còn chọn núi Yên Tử vì đấy là nơi cao xanh nhưng gần với với thế tục. Đứng ở độ cao 1.068 m trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng, nơi chôn vùi vĩnh viễn tham vọng biến Đại Việt thành một châu quận của Nguyên Mông. Nguyễn Trãi cũng từng viết rằng:
Trên non Yên Tử chòm cao nhất/ Trời mới canh năm đã sáng tinh/ Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả/ Nói cười người ở giữa trời xanh/ Muôn hàng giáo ngọc che gài cửa/ Bao dải lụa châu đá rủ mành/ Dấu cũ Nhân Tông còn vẫn đấy.
Cũng từ đỉnh cao ấy, nhìn về phía Tây Yên Tử, qua phủ Lạng Thương chính là Xa Lý, Nội Bàng, những cửa ải quan trọng trấn giữ phía Bắc? Nhà nghiên cứu Nguyễn Lang trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận cho rằng Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo nhập thế, liên hệ mật thiết tới chính trị.
CON ĐƯỜNG DI SẢN
Vẫn cứ đinh ninh rằng đất Phật Yên Tử ngày nay vốn chỉ là một không gian ước lệ, Yên Tử xưa có khi rộng lớn hơn nhiều. Trong khi các nhà nghiên cứu Phật giáo, nhà khảo cổ còn tranh cãi về am Ngọa Vân - nơi Đức Điều ngự Giác hoàng nhập niết bàn – nằm ở giữa am Dược, am Hoa trên đỉnh Yên Tử (thị xã Uông Bí, Quảng Ninh) ở thôn Tây Sơn (xã Bình Khê, huyện Đông Triều, Quảng Ninh), hay mãi phía sườn tây Yên Tử mạn bên dãy Yên Sinh thuộc tỉnh Bắc Giang thì rõ ràng không gian Yên Tử xưa rất rộng.
Chỉ tính trong không gian Yên Tử ngày nay, trên chặng đường hành hương dài tới 20 km từ chân núi lên đỉnh cao 1.068 m, quần thể di tích Yên Tử có tới 11 ngôi chùa. Bên cạnh đó còn rất nhiều am, tháp trải từ chân dốc Đỏ ở Bí Thượng đến đỉnh chùa Đồng. Từ chân lên đỉnh núi trước đây phải đi bộ mất hơn 6 giờ, vượt qua hàng ngàn bậc đá xếp, dài hơn 6 km thì người hành hương mới đến được đỉnh núi. Giờ hành trình lên Yên Tử ngày nay không vất vả như xưa nữa vì hệ thống cáp treo 1 lên gần Hoa Yên đã hoàn thành năm 2002. Hệ thống cáp treo 2 lên cổng trời đã được đưa vào sử dụng vào mùa lễ hội 2008.
Dù ai quyết chí tu hành/Có về Yên Tử mới đành lòng tu. Có lẽ vì thấm nhuần câu ca ấy mà số đông người đi cáp treo lại là giới trẻ và những người đi vãn cảnh. Phần lớn những người hành hương, trong đó có những bà cụ ngoài tám mươi vẫn chọn cách đi bộ, len lỏi theo lối mòn vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông. Thấy tôi thở không ra hơi, một nữ phật tử quê Ninh Bình bảo, cứ đi, “ngài” phù hộ không thấy mệt chút nào hết...
Đường vào Yên Tử là con đường di sản văn hóa, phải qua cửa Ngăn (ngăn bụi trần) có ngôi miếu thờ nữ thần và chùa Suối Tắm, nơi Trúc Lâm trước khi nhập thiền đã tắm ở đây. Qua Suối Tắm, đến chùa Cầm Thực, nơi vua Trần Nhân Tông dốc chí tu hành, nhịn ăn chỉ uống nước cầm hơi. Đi tiếp, qua dốc Mụ Chị, Mụ Em, đến Linh Động Tự, còn gọi là chùa Lân. Nơi đây có 25 ngọn tháp bằng gạch đá, đẹp nhất là tháp Tịnh Quang, nơi giữ xá lị sư Tuệ Đăng.
KHU THÁP CỔ YÊN TỬ
Từ suối Giải Oan - tương truyền các cung tần mỹ nữ sau khi khuyên vua Trần Nhân Tông hoàn tục không được đã tuẫn tiết ở suối này – vượt qua dốc Dây Diều, Vá Quỳ đến gò đất rộng và bằng phẳng. Hiện ra trước mắt 8 ngôi tháp, trong đó 3 tháp đá cao 3 tầng, ngọn cổ nhất có niên đại 1.758. Đi thêm 100 m, đến khu Tháp Tổ, rộng khoảng 3.000 m2, có 97 ngọn tháp mộ với nhiều kích thước, kiểu dáng, kết cấu, ẩn hiện dưới hàng cổ tùng 700 tuổi trầm mặc.
Từ khu Tháp Tổ đi lên theo đường đá lát, đến Vân Yên Tự - chùa Mây Khói - ở độ cao 543 m so với mặt biển. Sau này vua Lê Thánh Tông đổi thành Hoa Yên Tự. Chùa có nhiều hoa cúc, vạn thọ rực rỡ, nhìn xa như ánh hào quang, lại có cây đại trên 700 tuổi. Tượng Điều ngự Giác hoàng đặt ở hậu cung, bên phải có suối Ngự Dội (suối Vua Tắm). Tiếp đó, đến am Ngọa Vân và chùa Một Mái. Từ chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiên ở cao độ 700 m, đường dốc khó đi, nơi đầu gối quá tai, người hành hương đến chợ Trời, cổng Trời. Cổng Trời là nơi có đường luồn qua vách đá. Qua cổng Trời, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng đá tự nhiên được tạo bởi bàn tay của con người có tên An Kỳ Sinh, cao 2,2 m.
Qua hàng trăm phiến đá khổng lồ xếp nghiêng, ngôi chùa Đồng - Thiên Phúc Tự nằm trên đỉnh cao nhất của dãy Yên Tử. Trong chùa có thờ tượng Thích Ca và tượng thờ tam tổ: Trúc Lâm, Pháp Loa và Huệ Quang.
Cổ tùng trên đất Phật
Có có không không/ Lập tông lập chỉ/ Đập ngói, xoi rùa/ Leo núi, lội sông.../ Có có không không/ ...Tuyết trên nón lá/ Hoa trên hài nhung/ Ôm cây đợi thỏ... Nhẩm trong tâm trí mấy câu kệ dễ thuộc nhất của 8 bài kệ “có không”, của Trúc Lâm, tôi không đến Yên Tử theo con đường dễ nhất, từ Hà Nội, vượt 120 km theo Quốc lộ 18 thênh thang đến Yên Tử. Chọn con đường khó hơn, từ Hà Nội, qua Bắc Giang đến thị trấn An Châu (huyện Sơn Động, Bắc Giang). Từ đó, bỏ đường nhựa, căn cứ theo bản đồ địa hình, lần theo lối mòn cũ từ thời chiến tranh giờ cỏ mọc ngang người để đến đèo Hạ My, vào Yên Tử từ phía Tây. Đây cũng là con đường dân “phượt” Hà Nội thích đi và trải nghiệm.
Tinh mơ sáng, núi Vảy Rồng (hay Bảo Đài sơn), tay ngai phía Tây dãy Yên Tử hiện ra trước mắt, một điểm đến đầu tiên không theo thông lệ. Nơi đây có một Ngọa Vân am khác (thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, Đông Triều, Quảng Ninh) mà một số nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ cho rằng mới chính là nơi Đức Trúc Lâm Đầu đà nhập niết bàn. Những truyền thuyết dân gian ở đây kể rằng khi Đức Trần Nhân Tông lên Ngọa Vân am, ngài thường đi theo đường từ Đền Sinh, qua khu Trại Lốc, dọc theo suối phủ Am Trà rẽ phải rồi qua Thông Đàn và tới Ngọa Vân am. Hàng chục cây thông khổng lồ giống như những cây mọc trên dãy cổ tùng Yên Tử, đường kính từ 0,8 m đến 1 m sừng sững giữa trời. Mỗi khi nổi gió, cả dãy thông ngân lên vi vút như có dàn nhạc vậy, phải chăng vì thế mà núi có tên Thông Đàn.
Vẫn đinh ninh về loài thông ấy, địa danh ấy, tôi đã chọn cách leo bộ lên Yên Tử để được thả bộ dưới hàng cổ tùng hàng trăm năm tuổi. Yên Tử đặc biệt nhiều trúc và tùng. Phải chăng đó là một biểu hiện của sự thanh tao, của cốt cách người quân tử? Có một điều lạ nữa, ở Yên Tử, mọi am, tháp đều được dựng giữa hai gốc cổ tùng đều nhau tăm tắp. Có một cách lý giải rằng theo quan niệm của người phương Đông, tùng vốn là cây thiêng có khả năng hút linh khí của trời đất, việc tọa thiền dưới gốc tùng sẽ làm tăng công năng tu tập của mỗi thiền sư?
Báo Người Lao Động
http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/phong-su/245424.asp
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét