- Hoàng Kim
- Nhà sách HOÀNG GIA
- Ngọc phương Nam
- Chào ngày mới
- Thung dung
- Dạy và học
- Dạy và học BLTV
- Dạy và học ĐHNL
- Cây Lương thực
- Food Crops News
- Food Crops.vn
- Food Crops
- Green Super Rice
- Cassava Viet
- Cassava News
- Gardening Tips
- Học mỗi ngày
- Danh nhân Việt
- Tin Nông nghiệp Việt Nam
- Tình yêu cuộc sống
- Kim on Twitter
- KFB
Thứ Tư, 12 tháng 11, 2008
Thư từ Mỹ
OBAMA
Trần Hữu Dũng
Tháng 11, 2008
Bạn quý mến,
Thế là thượng nghị sĩ Barack Obama, 47 tuổi, cha là người Kenya, mẹ là người Mỹ da trắng, đã đắc cử tổng thống Mỹ. Tin tức về cuộc bầu cử lịch sử này hẳn đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông nơi bạn ở, tôi sẽ không đi vào chi tiết, chỉ xin ghi lại vài ấn tượng cá nhân.
Theo tôi, chiến thắng của Obama có bốn lý do chính. Một là, sau tám năm dưới quyền Bush, đa số dân Mỹ đã quá chán ngán chính phủ này (vào những ngày trước bầu cử, không đến 30% dân Mỹ là vừa lòng với Bush), phần vì chiến tranh Iraq nhưng phần lớn hơn là vì sự bất tài, bất lực, và hầu như vô tâm của Bush trong cách đối phó với nhiều vấn đề của Mỹ (đặc biệt là việc cứu trợ nạn nhân bão lụt Katrina hai năm trước). Hai là, sự hấp dẫn của cá nhân Barack Obama, cộng với tài tổ chức (và gây quỹ!) tranh cử tuyệt vời của ông ta. Ba là, nhược điểm của McCain: ông này không có vẻ nắm vững tình hình, bốc đồng, thường thay đổi ý kiến, chọn bà Palin là một người hoàn toàn thiếu khả năng, và – vào những tuần chót – dùng những đòn tranh cử mà hầu hết các phương tiện truyền thông đều cho là cực kỳ “dơ bẩn”. Bốn là, khủng hoảng tài chính đột nhiên “trở nặng” vào giữa tháng 9 khiến dân Mỹ lao đao, cực kỳ lo lắng cho tương lai của chính gia đình họ, và (qua ba lần tranh luận trên TV) ai cũng thấy là Obama điềm tĩnh, có “phong thái lãnh đạo”, nắm vững tình hình và có giải pháp cụ thể hơn McCain.
Trong bối cảnh đó, Barack Obama đã đắc cử với hơn 52% số phiếu. Khác với năm 2000 và 2004, lần này cuộc bầu cử diễn ra khá suôn sẻ. Kết quả quá rõ ràng nên đảng Cộng Hòa cũng không thể dèm pha là nó thiếu chính đáng. Tuy nhiên, trái với ấn tượng của nhiều người ngoài nước Mỹ, cuộc bầu cử này không phải là “dễ ăn” cho phe Obama. Ngoài hai bang Ohio và Pennsylvania mà Obama thắng cao hơn dự đoán, ở vài bang quan trọng khác (như Indiana, Virginia, North Carolina) thì McCain dẫn trước vào lúc đầu, mãi về khuya thì Obama mới vượt qua (phần lớn là nhờ phiếu từ các thành phố đông dân và khu vực có đại học). Thật vậy, cho đến 11 giờ đêm ngày thứ ba (giờ miền Đông nước Mỹ) thì những người ủng hộ Obama vẫn còn hồi hộp, nhiều lúc “đứng tim”. Vài kết quả đáng nhớ: chiến thắng của Obama ở bang Indiana là khá ngọt ngào vì từ 1936 đến nay bang này chỉ bỏ cho đảng Dân Chủ một lần vào năm 1964. Virginia và North Carolina cũng làm đảng Dân Chủ rất vui vì hai bang này thường được xem là rất “đỏ”, lại ở miền Nam, đảng Cộng Hòa thường luôn luôn thắng. (Theo lối nói của báo chí Mỹ, các bang “đỏ” là Cộng Hòa, “xanh” là Dân Chủ.)
Ở Thượng viện, đảng Dân chủ, tuy đã là đa số, vẫn hi vọng đạt được 60 trong tổng số 100 ghế của viện này. Đó là con số tối thiểu cần thiết để, nếu cần, chấm dứt bàn cãi ở Thượng viện, tránh trường hợp phe thiểu số làm “kỳ đà cản mũi”, phát biểu bất tận, ngăn cản biểu quyết một đạo luật mà họ biết họ sẽ thua. Đến hôm nay thì đảng Dân Chủ chỉ chắn chắn được 57 ghế. Ba ghế nữa (ở Alaska, Georgia, và Minnesota) thì vẫn chưa ngã ngũ. Ở Hạ viện thì đảng Dân Chủ thêm được 20 ghế, tăng ưu thế đa số của đảng này, nhưng không đến 35-40 như họ đã hi vọng.
●
Đúng rằng đây là một cuộc bầu cử lịch sử: lần đầu tiên một người da màu được bầu làm tổng thống nước Mỹ. Theo tôi, nó phản ảnh không ít sự thay đổi về dân số của xã hội Mỹ trong khoảng vài chục năm nay (chẳng hạn như dân gốc “thiểu số” ngày càng đông, những người có giáo dục đại học, trẻ, tương đối phóng khoáng, đến sinh sống ở các bang trước đây có truyền thống bảo thủ, v.v). Nhìn từ một góc cạnh nào đó, Barack Obama là tổng thống đầu tiên của nước-Mỹ-thế-kỷ-21. Hai người tiền nhiệm thì, cốt cách Clinton là tiếp tục nước Mỹ của những năm 1960-70 với những xung đột văn hóa và dư âm của chiến tranh Việt Nam, còn Bush thì là cái “đỉnh” của một nước Mỹ vừa kiêu căng (sau khi toàn thắng “chiến tranh lạnh” và chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất) vừa khiếp sợ (sau sự cố 11/9). Cũng nên để ý rằng Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên “thực sự” không bị cái “bóng” Việt Nam đè nặng: cả Clinton lẫn Bush đều bị rắc rối, và phần nào mặc cảm, vì đã “tránh né” chiến trận trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. (Clinton thì được hoãn dịch, còn Bush thì chạy chọt xin vào Cảnh Vệ Quốc Gia của bang Texas để khỏi sang Việt Nam.)
Tuy nhiên, Barack Obama không phải là một người da đen hoàn toàn trong truyền thống “da đen Mỹ” (hậu duệ của nô lệ và nắn đúc bởi phong trào tranh đấu dân quyền). Thật vậy, hầu như ông không bao giờ nói đến sự ứng cử của ông như một bước tiến trong hành trình lịch sử của người Mỹ da màu. Thái độ của ông là giải hoà, đoàn kết, không phải đấu tranh, đối đầu. Có lẽ chính vì thế mà ông được nhiều người da trắng ủng hộ (mặc dù, nói chung, đa số dân da trắng bao giờ cũng ủng hộ đảng Cộng Hòa hơn là đảng Dân Chủ).
●
Có hai vấn đề hiện làm dư luận Mỹ bàn tán: Chính sách của ông Obama sẽ ra sao? Tương lai của đảng Cộng Hòa sẽ như thế nào?
Về mặt đối ngoại, ai cũng biết “dấu ấn” của Obama là việc ông chống chiến tranh Iraq ngay từ đầu, trước cả khi ông được bầu làm thượng nghị sĩ. Chính vì điều này mà ông đã được sự ủng hộ nồng nhiệt của phe tiến bộ Mỹ (và giúp ông thắng bà Clinton trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ). Thú vị hơn nữa là Obama đã sống hơn bốn năm ở Indonesia và “hiểu” -- theo nghĩa trải nghiệm trong tiềm thức -- xã hội Đông Nam Á, các nước Á Phi nói chung, một cách mà ít người Mỹ (đừng nói chi đến một nhà lãnh đạo Mỹ) hiểu được. Trong hồi ký của ông, Obama nhắc lại những ngày thơ ấu theo mẹ đi chợ ở Indonesia và cảm thông cái tinh thần “cộng đồng” của xã hội ấy. Cũng nên nhớ là, lúc sinh thời, mẹ ông là một nhà nhân chủng học và có nhiều kinh nghiệm (tốt lẫn xấu) về các hoạt động viện trợ của Mỹ ở Indonesia... Hãy hi vọng rằng chính sách của Obama đối với các nước Á Phi phản ảnh sự “hiểu biết” sâu sắc này. (Chưa gì mà báo chí Trung Đông, Ấn Độ, và Pakistan đã trầm trồ khen ngợi là ông phát âm rất đúng các nhân danh, địa danh của họ, y như người địa phương!)
Vậy thì có thể nghĩ rằng trong những năm tới, khi mà nước Mỹ có thể yếu đi về quân sự lẫn kinh tế thì, ngược lại, “quyền lực mềm” của họ sẽ hồi phục và mạnh thêm. “Quyền lực mềm” này có hai mặt: một mặt là đường lối ngoại giao cụ thể của Mỹ (dùng thuyết phục, đa phương, hơn là quân sự, đơn phương) nhưng mặt khác nó cũng phát xuất từ hình ảnh nước Mỹ -- một hình ảnh tốt đẹp hơn – trong con mắt của thế giới. Đó là hình ảnh nước Mỹ như một ngọn hải đăng của dân chủ, của một nơi mà “cái gì cũng có thể”.
●
Về đảng Cộng Hòa thì hiện nay họ như rắn không đầu, mệt mỏi, cạn kiệt ý tưởng. Cần nhắc lại: kết quả bầu cử này không chỉ là sự đắc cử của Barack Obama nhưng còn là sự bác bỏ thẳng thừng của dân Mỹ đối với chính sách của Bush. Chắc còn lâu lắm (nếu có khi nào) mới sẽ nghe lại tiếng nói của phe tân bảo thủ Mỹ. Ảnh hưởng của những người đạo giáo bảo thủ (evangelical) cũng yếu đi, ít ra trong khi nước Mỹ phải đối mặt với những khó khăn kinh tế trầm trọng như hiện nay. Trừ một vài nhà báo cực đoan (tụ tập chung quanh tờ Weekly Standard của William Kristol và tờ National Review của Rich Lowry) còn thì đa số trí thức đầu đàn của họ đều bỏ phiếu cho Barack Obama. Và ngay trong hàng ngũ bảo thủ thì ngoại trừ vài người có mộng “buôn vua” (như William Kristol) là còn bám theo Sarah Palin (xúi bà tranh cử năm 2012), còn thì đa số đều xem bà như một ... trò hề lố bịch cần nhanh chóng hạ màn (nhiều người đã chống McCain chính vì, theo họ, sự chọn lựa một người thiếu khả năng và kiến thức như Palin chứng tỏ tính nông nổi – đem cả tương lai nước Mỹ đặt vào canh bạc – và kém sáng suốt của chính McCain). Oái oăm là, sau bầu cử, những người tiết lộ “trình độ học thức” của Palin (dường như bà ta không biết châu Phi là một lục địa!) cũng như sự hoang phí của bà (tiêu hơn 150.000 đô la của đảng Cộng Hòa để mua áo quần cho bà và gia đình -- trong đó có xà lỏn lụa cho chồng!) thì lại chính là những phụ tá của McCain!
Đối với những người theo dõi Mỹ lâu ngày, điều chắc chắn mà chính phủ Obama sẽ đem lại là “bình thường hóa” nước Mỹ, nhất là đem quốc gia này trở lại với “thế giới”, sau cơn “ác mộng” tám năm qua. Barack Obama có làm được gì khác hay không thì tương lai sẽ trả lời. Dù những khó khăn kinh tế có vẻ ngày càng trầm trọng, ít nhất là trong tương lai gần, hầu như mọi người Mỹ đều tự hào hơn về bản chất của xã hội và quốc gia họ, trút bỏ cái u ám nặng nề của tám năm qua.
Hẹn bạn thư sau,
Trần Hữu Dũng
(ký Tiểu Hằng Ngôn)
http://www.viet-studies.info/THDung/THDung_ThuTuMy__Nov08.htm
Dayton
11 tháng 11, 2008
T.B.: Đọc lại thư mới thấy là tôi quên nói về chính sách đối nội của Obama! Nhưng thư đã dài, xin hẹn một dịp khác!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét