Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: "Nếu viết hãy viết điều mới nhất..."



Nhà văn hoá Hữu Ngọc.

(LĐ) - Đã bước vào tuổi 90, nhà văn hoá Hữu Ngọc vẫn có một hành trình sống như nhiều năm trước. Sáng sớm, ông vẫn đi bộ hơn 10 cây số đến căn phòng nhỏ làm việc của Quỹ văn hoá Thụy Điển nằm tại Nhà xuất bản Thế giới trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Tôi đang tổng kết cuộc đời"- nhà văn hoá Hữu Ngọc mở đầu câu chuyện và nói thêm với tôi: "Nếu viết hãy viết điều mới nhất, thời sự nhất". Ông đưa ra hai cuốn sách dày dặn, sang trọng đều do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành. Đó là cuốn "Wandering through Vietnamese Culture (tạm dịch: Lang thang với văn hoá VN) - đã đoạt giải vàng của Hội Xuất bản VN năm ngoái dày 1.100 trang.

Cuốn sách tập hợp những bài báo ông viết cho tờ Vietnam News số chủ nhật suốt 13 năm nay, đã in lần thứ 5, được một số trường Đại Học Mỹ dùng làm tài liệu tham khảo. Cuốn thứ hai tập hợp những bài báo tiếng Pháp "À la découverte de la culture Vietnamienne" đã đăng trên báo Le Courrier dày 1.200 trang.

Cuốn thứ ba sẽ là những bài báo tiếng Việt dày khoảng trên 1.000 trang sẽ ra mắt nay mai.

Hữu Ngọc thích được gọi nhất là nhà xuất nhập khẩu văn hoá, là nhịp cầu văn hoá giữa văn hoá VN với thế giới và ngược lại.

Điều gì mà ông hay phải diễn giải nhất cho người nước ngoài, hay nói cách khác là ông xuất khẩu nhiều nhất những giá trị văn hoá Việt nào?

- Đó là sự khác nhau văn hoá VN và văn hoá Trung Quốc. Tôi đã phải dẫn giải nhiều minh chứng để nói rằng Việt Nam có chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng vẫn mang bản sắc riêng của Việt Nam. Từ lịch sử cái tên Việt Nam là đất nước của người Việt, đến văn hoá sông Hồng biểu trưng là trống đồng Đông Sơn khác với văn hoá Trung Quốc là văn hoá sông Hoàng Hà, biểu trưng là cái vạc đồng. Nghiên cứu văn hoá Việt Nam là nghiên cứu quá trình tiếp biến văn hoá.

Ông nghĩ gì về sự mai một nhiều giá trị thuộc về bản sắc văn hoá Việt và bản thân ông đã làm gì để ngăn chặn quá trình đó?

- Tôi quan niệm bản sắc văn hoá dân tộc là cái động, không phải cái tĩnh. Một nền văn hoá chỉ giữ nguyên những giá trị cũ là nền văn hoá đóng - văn hoá chết. Một cái cây lá cũ rụng đi lá non thay thế cũng như con người luôn thay đổi để thích hợp với tự nhiên. Một thời răng đen và búi tóc là đỉnh cao thẩm mỹ thì sau phải bỏ. Ngay áo dài mà nhiều người coi là giá trị văn hoá dân tộc thì chính xuất phát từ sự bắt chước thời trang Paris (Pháp) khi năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương dạy vẽ hình thể về vẻ đẹp cơ thể con người và các bà, các cô đã đổi từ áo tứ thân sang áo dài...

Còn nhập khẩu văn hoá, ông nhập từ đâu và giá trị nào là chủ yếu?

- Nước Pháp không phải là một nước lớn, nhưng văn hoá Pháp rất đẹp. Nước ta không may bị Pháp đô hộ nhiều năm, nhưng vì thế lại có sự tiếp biến văn hoá Pháp - Việt. Đặc điểm văn hoá VN vừa chống, vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá các nước để vẫn giữ bản sắc riêng. Chúng ta tiếp thu chữ quốc ngữ để học, rồi truyền bá quốc ngữ để vận động cách mạng. Trước đây văn hoá Khổng học chi phối nước ta, đề cao giá trị nhân văn, nhưng lại coi thường kinh tế. Nhờ sự tiếp biến văn hoá Pháp - Việt mà ta học đầu óc khoa học, suy nghĩ khoa học của phương Tây...

Ông nghĩ những giá trị văn hoá nào hiện đã không còn là "giá trị" trong xã hội thông tin ngày nay?

- Tất cả mọi thứ hãy để phát triển theo chiều hướng tự nhiên. Như nước Nhật họ vẫn giữ kịch Nô nguyên gốc và có làm kịch Nô thử nghiệm. Người thưởng thức sẽ quyết định nên giữ gì, loại bỏ "giá trị" gì.

Là Chủ tịch Quỹ văn hoá Thụy Điển - VN, ông nghĩ quỹ đã hoạt động hiệu quả chưa? Số tiền đầu tư có đến 100% tận tay người cần thiết và nó sử dụng đúng mục đích không?

- Quỹ văn hoá Thụy Điển - VN gần như là quỹ phi chính phủ và đóng góp vào việc hình thành xã hội dân sự ở VN bằng hai cách: Trực tiếp (theo phương hướng đa dạng văn hoá, nhân quyền, sáng tác cá nhân) và gián tiếp (bảo tồn truyền thống để xây dựng hiện đại). Chúng tôi khuyến khích sáng tạo của thanh niên, phụ nữ chú ý vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là sáng tạo văn hoá mới. Quỹ trực tiếp đến cơ sở và giao tiền tận tay, cử người giám sát nên tiền được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

15 năm qua, quỹ đã tài trợ cho khoảng 2.000 dự án. Theo ông, những dự án văn hoá nào là hiệu quả nhất?

- Quỹ đã tài trợ cho 10 làng múa rối nước ở Đồng bằng sông Hồng với mức 2.000USD/làng và phải tài trợ đến 3 lần thì mới duy trì được sự tồn tại của nghề múa rối nước ở các làng đó... Hay việc quỹ đã phục hồi cho một đội kèn đồng ở một làng đạo thuộc xã Ninh Hoà ở Ninh Bình; tài trợ cho 60 nhóm thanh niên đờn ca tài tử ở Nam Bộ. Quỹ đã lập 50 thư viện nâng cao dân trí ở các huyện để người dân hiểu biết và làm quen với dân chủ nhiều hơn, với nhiều loại sách quý giới thiệu tinh hoa văn hoá Mỹ, Pháp, VN. Hiện quỹ đang thực hiện dự án bảo tồn sắc phong ở 500 huyện-xã-làng, phát máy ảnh cho người dân chụp lại các sắc phong, đưa về lưu trữ ở kho Hán Nôm Thư viện Quốc gia...

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Việt Văn

Lao Động số 160 Ngày 13/07/2007

Không có nhận xét nào: