- Hoàng Kim
- Nhà sách HOÀNG GIA
- Ngọc phương Nam
- Chào ngày mới
- Thung dung
- Dạy và học
- Dạy và học BLTV
- Dạy và học ĐHNL
- Cây Lương thực
- Food Crops News
- Food Crops.vn
- Food Crops
- Green Super Rice
- Cassava Viet
- Cassava News
- Gardening Tips
- Học mỗi ngày
- Danh nhân Việt
- Tin Nông nghiệp Việt Nam
- Tình yêu cuộc sống
- Kim on Twitter
- KFB
Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011
Nguyễn Quang Lập trong mắt ai
DẠY VÀ HỌC. Ngô Minh vừa có bài viết về cuốn sách mới "Bạn văn" rất hot gần đây của Nguyễn Quang Lập. Tôi chưa kịp đọc nhưng hình dung một chiếu rượu vui vẻ ngót trăm bạn văn ở một tác phầm mới 456 trang. Bạn văn viết theo lối khẩu văn, Ngô Minh nhận xét. Viết về khẩu văn của Nguyễn Quang Lập, nhà văn Bảo Ninh cho rằng:” Anh viết dường như rất dễ, nhưng sự dễ ấy trái ngược hoàn toàn với dễ dãi. Đố anh dễ dãi nào viết được như thế. Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi“. Trần Đăng Khoa khen tác phẩm "Ký ức vụn" phát hành trước đó: Ký ức vụn mà không hề vụn. Những câu chuyện khơi khơi, tưởng như nói tào lao cho vui, mà thâm trầm, sâu sắc ra trò. Chuyện thế mà không phải thế. Đây là chỗ hơn người của bọ Lập. Tài. Lập có khả năng điểm huyệt, nhất là khi viết về các bạn văn, bởi thế, anh chỉ phảy vài nét mà hiện được người, hiện được cảnh, với giọng văn rất riêng. Đọc nguyên bản trên Blog còn thú vị hơn nhiều, bởi cái khẩu khí đặc biệt của Lập. Những ngôn ngữ vỉa hè, bặm trợn, thậm chí rất tục mà đọc lại không thấy tục. Đây là biệt tài của Lập. Không phải ai cũng làm được và không dễ học được. Tốt nhất các em không nên bắt chước bọ Lập, khi mình chưa đủ vốn văn hóa và sự từng trải, bắt chước dùng của độc, chữ độc rất dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập chính gốc Ba Đồn (Quảng Bình)đã dấn thân, lăn lóc ờ cửa Việt (Quảng Trị) mang Đời Cát ra phố cổ Linh Đàm Hà Nội và nay thì treo biển Quê choa lên phố mới chung cư thành phồ Hồ Chí Minh. Đọc Nguyễn Quang Lập, tôi thích trao đổi trên của Trần Đăng Khoa và lời bình "Đọc truyện" của Đoàn Minh Phương: "Trong một thế giới có đủ bình tâm, người viết nhỏ hơn người đọc, người đọc nhỏ hơn quyển truyện họ đang đọc, và quyển truyện nhỏ hơn sự đọc. Người viết và người đọc rồi chết, truyện rồi quên. Sự đọc ở lại và làm nên một phần mênh mông trong định nghĩa của việc làm người." Tôi muốn bình thêm: Chỉ có phúc hậu, nhân văn và tình thương yêu ở lại.
BẠN VĂN - VIẾT THEO LỐI KHẨU VĂN
Ngô Minh
Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành tập chân dung văn nghệ sĩ viết theo lối văn chương độc đáo của nhà văn Nguyễn Quang Lập có tựa là Bạn văn. Cuốn sách dày 456 trang gồm 74 mục mà Nguyễn Quang Lập viết trong hai ba năm nay. Sách phác thảo gần 100 chân dung văn nghệ sĩ quen biết của nhà văn , có người đã mất, có người đang sống và viết trên khắp cả nước. Đây là những bài đã được in trên báo Tuần San Thanh niên, chuyên mục Giai thoại . Sau đó in trên blog Quê choa của Bọ Lập trong chuyên mục Bạn văn. Blog Quê choa của Nguyễn Quang Lập là một trong ít blog nóng nhất trên thế giới mạng hiện nay. Chỉ mới 3 năm, từ 2009 đến nay, riêng trong mạng wordpress, đã có gần 12 triệu lượt người truy cập của 160 quốc gia trên thế giới. Một trong entries của BlogQuêchoa lôi cuốn công chúng mạng nhất là chân dung văn nghệ sĩ, tức bạn văn. Lối văn chương này Nguyễn Quang Lập gọi là “khẩu văn”, tức là văn nói, một phong cách sáng tạo mới của Lập, rất phù hợp với cuộc sống nghe nhìn nhiều hơn đọc hiện nay. Đây là cuốn sách thứ hai Lập đến với bạn đọc theo lối văn này. Cuốn trước là Ký ức vụn rất được độc giả chào đón.
Trong Bạn văn có chân dung người nổi tiếng và người không mấy nổi tiếng , nhưng tất cả đều được vẽ bởi những nét phác thảo hóm hỉnh, sâu sắc mà đậm chất dân gian nên rất nổi bật. Có cả những câu chửi thề, nói tục. Lập viết tục nhưng không tục, vì đó là “một thứ mắm muối dư vị rất riêng, được Bọ Lập gia giảm có liều lượng vừa đủ làm cho câu chuyện mặn mòi , làm đậm đà cho nhân vật được nói đến “ ( Lời thưa đầu sách của Phạm Xuân Nguyên). Ví như tính cách mẹ Đốp rất quyết liệt của nữ nghệ sĩ xinh đẹp, chị MYZ trong bài Người đẹp: ”…Một đạo diễn từ Hà Nội vào làm vở, thấy chị thì thích lắm , làm bộ quan trọng , gọi chị ra riêng, nói anh muốn giao vở này cho em, có thích không , chị nói em thích lắm. Ông này nói tối nay đi ăn tối với anh nhé, chị cười nói ăn tối xong rồi sao nữa anh, ông này cười cười, nói em còn hỏi anh câu đó. Chị nói thôi, để em tụt quần cho anh chơi ngay bây giờ, ăn uống làm gì cho mất thời giờ. Nói xong thì tụt quần liền. Ông đạo diễn vội vàng quay mặt, bỏ đi liền. Từ đó không dám ho he gì nữa.”
Văn nghệ sĩ là những người lắm tài, nhiều tật, Nguyễn Quang Lập không hề né tránh cái “tật” đó mà viết về nó vừa ngộ nghĩnh, vừa sắc bén, cười ra nước mắt. Mỗi chân dung chỉ ba bốn trang sách khổ 13 x 20 cm, mà người nào ra người nấy, không lẫn và rất dễ đọc, vì ngắn. Trong Bạn văn có rất nhiều cái tên cứ nhắc đến là muốn mở sách đọc ngay như Trần Dần, Xuân Diệu, Nguyễn Minh Châu, Hữu Thỉnh, Xuân Sách, Phan Tứ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Phùng Quán, Thạch Quỳ, Hoàng Ngọc Hiến , Trần Vàng Sao, Đỗ Trung Quân. Hồng Ánh, Trọng Đài, Trần Đăng Khoa v.v..
Mỗi người một nét nhấn, rất ngắn, rất hài hước, mà đọc là nhớ như khảm vào tâm trí. Nhà văn Nguyễn Minh Châu luôn thu mình lại , khi đi hội thảo thì :”Vào cuộc người ta nói đông nói tây, anh cứ ngồi khóm róm, nơm nớp sợ người ta gọi đến tên mình, y chang cậu học trò không thuộc bài. Anh nói ông ạ, trên đời này tôi hãi nhất là người ta bắt tôi đi nói chuyện…”. Còn nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ xinh đẹp, hay thương người và cả tin, khi đi sáng tác ở Nha Trang, có ông nhà văn đeo lấy tán. Dạ không chịu. Thế là “ ông này giả đò đi thẳng ra biển, nói Dạ không yêu anh thì anh chết đây, rồi cứ thế lội ào ào. Chị hoảng quá, hai tay vẫy vẫy như khoát nước, cuống quýt hét ầm lên , nói yêu yêu vô đi vô đi, yêu yêu vô đi vô đi . Viết về tài đọc sách của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Bọ Lập viết :” nó đọc nhanh kinh hoàng…Đọc đâu nhớ đấy, nhớ rất kỹ, rất chi tiết thế mới phục. Cùng một cuốn sách, mình nhằn mất cả tuần, nó chỉ xơi vài giờ là xong, thế mà động đến chi tiết nào mình đều phải hỏi nó”. Còn nhà văn Nguyễn Khắc Phê thì “ Đi đâu có khát nước cháy cổ anh cũng cố chạy về nhà uống nước chứ chẳng chịu mất cho quán nước một xu, còn bảo vào quán uống chén trà thì anh cười lắc đầu , nói trà ở nhà mình cũng có, vô đó mần chi…”.v.v..
Nguyễn Quang Lập quan sát rất sắc sảo, chỉ một nốt ruồi dưới cằm của ông Tường ( nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) cũng biểu hiện khác nhau tùy theo tình cảm của nhà văn. “Đêm đó tại Đại học Sư phạm Huế, hàng ngàn sinh viên kín đặc hội trường lớn đón anh Sơn ( Trịnh Công Sơn). Hiếm khi nào thấy anh Tường xúc động, hồi hộp đến thế, cái nốt ruồi to dưới cằm anh giật giật liên hồi”. Mọi người ngưỡng mộ đến thế, nhưng đến khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên sân khấu chỉ nói vài câu và hát đúng một bài Em là hoa hồng nhỏ, rồi xuống, làm Hoàng Phủ lại không vừa lòng, “ mắt anh Tường thoáng buồn, cái nốt ruồi đứng im phăng phắc” ( Chuyện nhỏ hai người bạn)
Viết chân dung hài hước, ngắn thế, nhưng mỗi người Nguyễn Quang Lập cũng lẩy ra được những dấu lặng của cuộc đời rất xúc động . Giữa thời khăn khó cơm áo, nhà thơ Thạch Quỳ, ông đồ gàn xứ Nghệ thì :”…Hồi này xứ Nghệ có phong trào nuôi hươu sao, một con hươu cái đến mấy chục triệu. Anh khoác vai chị ( chị Nhã, vợ Thạch Quỳ) hôn đánh chụt , nói em có biết anh mơ gì không , anh mơ sáng mai ngủ dậy , bên anh không phải là em mà là một con hươu sao… Chị không cười, nước mắt rân rấn. Anh cười khấc khấc khấc, chẳng phải cười, nghe như anh cố khạc ra mấy cục đắng ngắt.”.
Viết về “khẩu văn” của Nguyễn Quang Lập, nhà văn Bảo Ninh cho rằng :” Anh viết dường như rất dễ, nhưng sự dễ ấy trái ngược hoàn toàn với dễ dãi. Đố anh dễ dãi nào viết được như thế….Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi “. Bảo Ninh nói chí lý. Nhưng tôi lại muốn nghĩ thêm. Bọ Lập viết dễ ,viết nhanh vì đã phát kiến ra được lối văn “khẩu ngữ” gần gũi với đông đảo người đọc. Chỉ có lối văn này mới tạo ra được phong cách hàihttp://www.blogger.com/img/blank.gif hước, buồn cười mà cuốn hút người đọc.
Nguồn Ngô Minh viết về Nguyễn Quang Lập
KÝ ỨC VỤN MÀ KHÔNG VỤN
Trần Đăng Khoa
- Nhà thơ ơi! Em là một sinh viên Trường Đại học Kinh tế, nhưng lại rất ham đọc sách văn chương từ nhỏ. Hè này, em muốn chọn một số sách để đọc. Nhưng giữa một rừng sách, biết chọn cuốn nào đây? Bạn em mách có cuốn “Ký ức vụn” của nhà văn Nguyễn Quang Lập đang rất “hot”. Nhà thơ có thể giới thiệu đôi lời về cuốn sách này được không? “Ký ức vụn” có đúng là một cuốn sách hay không?. Có nên chọn sách theo dư luận không? Lê Thu Hiền - bimtocdethuong89@yahoo.com
Nguyễn Quang Lập là nhà văn nổi tiếng từ những năm Tám mươi của…thế kỷ trước với hàng loạt truyện ngắn và tiểu thuyết. Anh còn viết kịch và làm phim. Ở thể loại nào, anh cũng rất “đắt khách”. Phim “Đời cát” do anh viết kịch bản, Thanh Vân đạo diễn, từng đoạt giải cao trong Liên hoan phim quốc tế, đã đưa điện ảnh Việt Nam thoát khỏi vũng ao tù
“Ký ức vụn” là cuốn sách mới nhất của anh. Đấy là một tác phẩm hoàn toàn ngẫu hứng. Hình như trước đó, Nguyễn Quang Lập không định viết cuốn sách này. Ấy là tôi đoán thế thôi. Thoạt đầu, chắc chỉ là một trò chơi. Bọ Lập dựng một cái “quán ảo” mà người đời vẫn quen gọi là Blog để tán gẫu với bạn đọc. Anh không ngờ mọi người đến rất đông. Ngày nào “quán” cũng chật ních người tứ xứ. Họ mê chủ quán như điếu đổ. Mà mê là phải. Vì ông chủ rất vui tính, lại có tài kể chuyện. Mỗi ngày một chuyện, mà toàn những chuyện xảy ra từ cái thời tám hoánh. Đã thế, lại có vẻ như là rất vặt vãnh. Nhớ đâu kể đấy. Chính ông chủ cũng đã gọi chúng là những “ký ức vụn”. Đây không phải trò õng ẹo, giả vờ khiêm tốn mà khối anh kịch sĩ đã làm. Làm rất vụng, mà lại cứ tưởng người đời họ tin. Bọ Lập rất chân thành. Bọ nói thực đấy. Đúng là chuyện vụn thật. Nhưng mà lạ. Những sự việc vặt vãnh, những câu chuyện phất phơ chẳng đâu vào đâu, qua giọng kể của Lập lại hấp dẫn, ấn tượng. Có chuyện thành nỗi ám ảnh. Ký ức vụn mà không hề vụn. Những câu chuyện khơi khơi, tưởng như nói tào lao cho vui, mà thâm trầm, sâu sắc ra trò. Chuyện thế mà không phải thế. Đây là chỗ hơn người của bọ Lập. Bạn đọc tung hô rầm trời. Thế là thành một cuốn sách. Mà lại rất độc đáo. Vì nó chẳng giống bất kỳ một cuốn sách nào trước đó. Khi hình thành cuốn sách rồi, bọ Lập mới bắt đầu sắp xếp, bày biện, như thể ta trưng bày một mâm cỗ. Cuốn sách có mấy mảng chính: “Những người bạn khó quên”, “Vui buồn một thuở”, “Người từng gặp”, “Thương nhớ mười ba” và “Bạn văn”.
Những năm gần đây, trên thị trường sách đang dần hình thành một thể loại văn chương. Đó là văn chương Blog. Nếu xét trên bình diện này, “Ký ức vụn” là cuốn sách đặc sắc nhất. Vì văn Blog nên rất ngắn gọn. Có truyện dài nhất cũng chỉ vài ba trang. Ngắn có khi mấy trăm chữ. Vậy mà vẫn thành truyện. Có cái như một truyện ngắn. Dẫn dắt có duyên và kết thúc bất ngờ. Không lường trước được. Tài. Lập có khả năng điểm huyệt, nhất là khi viết về các bạn văn, bởi thế, anh chỉ phảy vài nét mà hiện được người, hiện được cảnh, với giọng văn rất riêng. Đọc nguyên bản trên Blog còn thú vị hơn nhiều, bởi cái khẩu khí đặc biệt của Lập. Những ngôn ngữ vỉa hè, bặm trợn, thậm chí rất tục mà đọc lại không thấy tục. Đây là biệt tài của Lập. Không phải ai cũng làm được và không dễ học được. Tốt nhất các em không nên bắt chước bọ Lập, khi mình chưa đủ vốn văn hóa và sự từng trải, bắt chước dùng của độc, chữ độc rất dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”.
Nhiều chuyện bọ Lập kể trong “Ký ức vun” là chuyện thật. Những “nhân vật” cũng có thật. Có người là bạn bè thân quen một thuở của Lập. Có người nổi tiếng mà nói tên thì ai cũng biết. Có những người bình dị ta vẫn gặp hàng ngày. Rồi cả những vị khai quốc công thần. Tất cả đều bình đẳng dưới ngòi bút của Lập. Hóm hỉnh. Hài hước. Nhiều khi đọc không nhịn được cười. Nhưng đằng sau tiếng cười, ta có thể ứa nước mắt. Từ thằng bé sứt môi, ông cụ Hoi, anh cu Hó, con bé ăn ruồi, đến Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp. Tất cả đều rất đẹp. Đằng sau những tình tiết tưởng như thật thà, bâng quơ, là những thân phận, những kiếp người trong cõi đời dâu bể.
Ký ức vụn là cuốn sách hay. Lại dễ đọc. Và đã đọc rồi thì rất khó quên.
(Nguồn: Văn học và Tuổi trẻ)
CHÀO BỌ LẬP HÀ NỘI
Nguyễn Ngọc Tiến
Người ta bảo nghề văn bạc lắm, mớ chữ nghĩa mình đổ mồ hôi sôi nước mắt cố công đục đẽo tóm lại cũng rơi vào quên lãng, tiền bạc chẳng thu được bao nhiêu từ mớ chữ nghĩa kia. Nhưng mình lại nghĩ khác, nghề văn chẳng bạc chút nào. Dọc đường đời người ta chỉ tìm ba thứ, đó là danh, tiền và tình. Danh tự đến với nhà văn, không cần phải tìm kiếm. Có thể nhà văn không kiếm được tiền nhưng tình là thứ nhà văn luôn luôn có, miễn sao họ là người cầm bút trung thực. Từ tiền dẫn đến tình, tình đó phần nhiều là tình bạc. Từ tình dẫn đến tiền, tiền đó là tiền tri âm, chỉ có tôn cao mình lên không bao giờ làm hoen ố phẩm hạnh của mình. Thế thì sao lại bảo nghề văn là nghề bạc?
Hôm rồi chở cả nhà Bọ Lập ra sân bay vô Sài Gòn chuyển vùng. Lúc bàu đoàn thê tử lốc nhốc kéo đồ đạc đi vào thấy Bọ vẫn đứng ở sảnh nhìn ra. Quần sooc, áo bà ba cộc, đầu trọc, tay chống gậy, rõ nhất là cặp mắt có ánh nhìn rất lạ.
Như là lưu luyến, như là xa xót, như là tiếc nuối, lại như là trút đi một cái thở phào thoát được một việc không thể không làm. Bỗng dùng dằng chẳng đành, bước khỏi xe quay lại. Hình như Bọ cũng đợi thì phải, thấy vung cả tay gậy lẫn tay không gậy. Xiết chặt. Chỉ dám ôm nhanh Bọ một cái, chúc một câu rồi đi luôn. Quay nhìn thấy Bọ vào ga thập thà thập thễnh kiểu đi mà đám trẻ con khu nhà Linh Đàm hay đùa cợt: “Bác đi thế này bao giờ mới đến được Văn Điển hả bác?” chợt cay cay gan ruột. Nước mắt trào ra. Muốn viết một cái gì đó về Nguyễn Quang Lập Hà Nội. Chỉ là Lập Hà Nội thôi nhé.
Lập thành người Hà Nội lúc chưa đến bốn mươi gần hai chục năm trước. Tôi dạo đó mới viết được một vài tập truyện nhìn ông bọ quê Quảng Bình này như nhìn người hành tinh khác. Khủng lắm. Này nhé, đẹp giai đã đành, đi đâu cũng kè kè viện sĩ kiêm vệ sĩ Phạm Xuân Nguyên và vài em vừa có danh vừa trẻ đẹp kề vai áp má. Tức muốn nổ mắt. Thêm nữa là cái hành trang có đến cuối đời tôi nằm mơ cũng không có nổi. Văn xuôi tiểu thuyết, truyện ngắn vài bốn cuốn nhưng tinh thứ ra tấm ra món chỉ riêng tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” đã gây nhức dư luận. Đấy là chưa kể vô số vở kịch sân khấu đèn đỏ rực mỗi đêm. Chức tước bét nhất cũng đã từng là phó tổng tờ Cửa Việt. Chao ôi là oai. Vị thế như vậy Lập trở thành một trong nhóm người sáng lập ra tờ Văn Nghệ Trẻ và nhanh chóng bán nhà ở Quảng Trị ra tậu một ngôi nhà ở phố Lò Sũ gần sát Bờ Hồ trung tâm để dắt díu vợ con gia nhập đội ngũ công dân Thủ Đô. Cú mua nhà này là quả đắng đầu tiên Lập xơi được ở Hà Nội. Là ông bạn của một ông bạn nhà thơ ẵm luôn đến một phần ba số tiền mang từ quê ra bằng chiêu môi giới giúp nhưng bí mật cài hoa hồng. Đắng nhưng Lập vẫn cười he he. Phố cổ nhé, phố cổ nhé. Tất nhiên là phố cổ. Lò Sũ cơ mà. Thôi cứ coi như đấy là cái giá dù không rẻ để trở thành người Hà Nội.
Tôi vốn mạnh mẽ trước đám đông nhưng ngồi với người Hà Nội mới này bao giờ cũng bị mất điện. Chả cứ tôi khối ông viết văn trước Lập, danh to hơn Lập, phố cổ hơn Lập nhưng cũng im re vì lối ăn nói sóng gió kiểu miền Trung và tư thế thủ lĩnh của người thành đạt lúc còn quá trẻ nên thừa tự tin. Ngôi nhà phố cổ ( thực thì chỉ có chừng hai chục mét vuông kể cả gác xép trong ngõ vừa hẹp vừa tối) trở thành tụ điểm ăn nhậu của đám nhà văn đánh hơi thấy cùng ngưu cùng mã tìm đến. Tôi trở thành biên kịch hôm nay cũng là nhờ đánh đu ở ngôi nhà phố cổ ấy. Lúc nhậu say Lập hay chỉ dẫn cách viết kịch bản thế này, dựng lít thế kia loạn xì ngậu. Hứng lên Lập rủ thành lập nhóm viết chung quy tụ được nhiều nhà văn nổi tiếng cỡ Nguyễn Quang Thiều… Kịch bản Chuyện làng Nhô của tôi cũng được Lập gợi ý viết từ chính nơi này. Nghĩ lại giờ giật mình, dạo đó ai cũng nghèo sao nhậu dữ đến vậy. Như thể đích cuộc đời chỉ là ăn nhậu. Nhà Lập lúc nào cũng khách khứa ồn ã. Khách thì toàn văn nhân nhưng ăn nói văng mạng, tục tĩu chuyện trên giời dưới bể, nông sâu thầm kín cứ rượu vào lời ra chả kiêng dè giữ kẽ khiến cho chuyện gì thiên hạ cũng tỏ. Vô khối tai bay vạ gió đã xảy đến từ những cuộc nhậu thế này. Khỏi kể.
Đang phất với danh phố cổ thì đánh đùng một cái Lập bán nhà. Bán rất nhanh như người ta bán cái xe máy vơ váo được bao nhiêu dồn vào mua căn hộ trăm mét ở Linh Đàm. Cú mua nhà này kéo theo hệ lụy nợ nần đằng đẵng. Tính Lập thế quyết cái gì là làm ngay bất chấp mọi nhẽ. Đang làm báo Văn nghệ thích sang nhà xuất bản Kim Đồng, chỉ sau một tăng nhậu với giám đốc Nguyễn Thắng Vu là quyết luôn. Còn nhiều thứ khác nữa như chính ngay cái chuyện khai tử công dân Hà thành để thành người Sè Goong chính hiệu bây giờ cũng vậy. Nhoằng một cái nhanh như điện là quyết chẳng cần bàn với bất cứ ai. Trừ vợ.
Khi phim Đời Cát nổi danh thì Lập dính cú ngã xe máy định mệnh khi đi cùng đạo diễn Thanh Vân. Đây có lẽ là cái giá chát nhất của Lập khi trở thành công dân Hà Nội. Chẳng đâm vào ai, chỉ vì phanh gấp tránh một người đi bộ khiến xe đổ. Vân không sao nhưng Lập thì bị quật xuống đường khá mạnh. Đưa cấp cứu ở Việt Đức trong khi vị đạo diễn chạy ngược chạy xuôi lo thủ tục nhập viện thì Lập giãy dụa thế nào lại bị giáng tiếp phát ngã đập đầu từ băng ca xuống nền gạch. Tôi ngờ rằng cú ngã này mới là thủ phạm chính gây di họa liệt nửa người bây giờ cho tác giả Đời cát. Danh tiếng của Lập kéo nhiều người vào bệnh viện thăm anh. Thôi thì từ giám đốc bệnh viện hắt lên đến Bộ trưởng, phó Thủ tướng, từ đảng viên thường đến Trung ương ủy viên, thậm chí là thành viên Bộ chính trị, nhiều không kể xiết. Vô số tao nhân mặc khách, nam thanh nữ tú toàn người có danh có phận nườm nượp vô thăm. Đến mức đám canh giữ hầu hạ bệnh nhân được Lập phong là bạn gốc chúng tôi phát chán. Cứ phiên tôi trực ai là đàn bà, con gái vào thăm tôi đều vờ vẫn giả bộ công việc chăm sóc để cố tình lật tấm drap đắp phần dưới để phô ra bộ tam sự của Lập. Chả mấy khi cho phái đẹp công khai chiêm ngưỡng của quý danh sĩ Hà Nội. Khekhe…Có chuyện thế này, một cô là diễn viên nổi tiếng chắc là nhìn thấy hấp dẫn quá mới đỏ mặt hỏi nhỏ tôi, anh Tiến à, hôn mê sao cái kia của anh Lập lại…khí thế hùng dũng thế. Tôi trợn mắt nói ngọng là vì nó được ồng en. Là sao? Là lồng gen dẫn tiểu chứ sao. Cả cái ống nhựa ngoằng ngoẵng nhét làm lõi cu làm gì mà chả to chả cứng, chả hùng dũng khí thế. Người khỏe được vậy cũng đã vô địch thiên hạ. Cười ré. Tôi đồ chừng cô này chắc là mê Lập lắm mới bạo gan hỏi thế.
Sau tai nạn Lập chung chiêng mất một dạo. Buồn. Lập kể có lần đã cố sức lết được đến sân thượng nhà Linh Đàm tính gieo mình tự tử cho xong kiếp. Tôi tin điều đó. Chẳng biết người khác thế nào chứ tôi luôn nghĩ đến cái chết kiểu này và đã định sẵn cho mình một thời điểm hợp lý. Lập chuẩn bị nhảy thì nghĩ đến ba đứa con lại thôi. Ứa nước mắt lết xuống nghiến răng nhủ thầm phải sống, cố phải sống để nuôi dạy con cái thành người. Đoạn này thì tôi vốn là một người đầy ý chí vượt khó cũng phải khâm phục mà tôn Lập làm thày. Lập tập gõ máy tính một tay, viết như điên như dại. Dựng cả công ty viết kịch bản để rèn nghề, dạy nghề và mục đích chính là kiếm tiền. Kiếm tiền chữa bệnh, kiếm tiền trả nợ nhà. Trả xong, một ngày đẹp giời bộp một cái lại bán nhà mua tiếp cái khác rộng hơn dù vẫn phải vay nợ. Và bây giờ lại bán để mua nhà phương khác. Kinh khủng. Mình lành lặn cũng chỉ dám 3 lần đập nhà xây trên nền cũ, đằng này…Nể.
Mấy năm gần đây tự nhiên Lập nảy ra cái thú chơi blog. Quê Choa lừng danh đưa Lập thành hàng hót nhất nhì thế giới blog mạng xứ Việt. Công nhận viết hay. Khốn nạn cái thân thằng tôi cũng a dua học đòi bờ lốc bờ leo ăn theo. Hôm rồi Lập chào mừng con số mười triệu lượt khách thì tôi cũng ngần ấy thời gian câu được có bảy chục ngàn. Nhờ blog mà Lập có tên mới. Giờ thì ai cũng gọi Lập là Bọ hoặc Bọ Lập hoặc Quê Choa. Thay tên mình được thiên hạ thừa nhận là điều không phải ai cũng làm được. Tài.
Bọ Lập tài hoa, hóm hỉnh đại tài về món trào lộng. Viết về Bọ tui cũng định theo lối hài hài hước hước để phác vài nét về người bạn mà tôi yêu mến kính trọng nhưng không hiểu sao nó cứ trầm trầm ngả theo hướng bi. Mệt!
Một lần Bọ bảo, Tiến mày tiểu đường hỏng mẹ nó chim rồi còn cứ hay bốc tướng là sao. Tôi hất hàm hỏi lại vậy Bọ chân cẳng thế kia cái đó thế nào? Vênh mặt hất đầu đầy hãnh diện và cả tự tin: Tốt. Tốt thế nào? Là vẫn chơi tốt nhưng phải nằm ngửa để vợ nó mần. Cố nén cười, nằm thế mất mẹ nó hứng. Biết thế, thử rồi, nhưng người lăn cu chiêng xuống đệm, không được. Cười. Nhưng tự nhiên thấy xệch cả miệng.
Năm trước, đột ngột Bọ tuyên bố xanh rờn sẽ bỏ Hà Nội vào Sài Gòn sống. Tôi đã biết tính nên không hề bất ngờ. Bán nhà ngoài này rồi mua nhà trong đó, vẫn chung cư. Có nợ không? Có, nhưng ít thôi. Chẳng biết là mừng hay buồn cho Bọ.
Vậy là kết thúc một đời công dân Thủ Đô. Làm người Hà Nội gần hai chục năm Bọ chưa làm được nhiều việc như mong muốn. Vài kịch bản điện ảnh, sân khấu, viết và tổ chức mấy trăm tập kịch bản truyền hình, một cuốn sách khẩu văn sao ra từ blog….quá ít ỏi so với sự nghiệp lừng lẫy thuở chưa về Hà Nội. Làm người Hà Nội gần hai chục năm Bọ bê được cái nhà từ Quảng Trị ra Hà Nội và bây giờ chuyển nó vào Sài Gòn. Làm người Hà Nội gần hai chục năm từ một gã đẹp trai mạnh mẽ cua gái như chớp (lạy giời mụ Hồng vợ Bọ đừng đọc đoạn này) giờ thành người tập tễnh chống gậy,ngủ ngửa. Đừng oán trách Hà Nội. Hà Nội chí ít không bạc khi đãi đằng Nguyễn Quang Lập cái tên Bọ lừng danh.http://www.blogger.com/img/blank.gif
Và có những thằng bạn giặc yêu thương.
Chào Bọ Lập Hà Nội. Wel come to Sài Gòn./.http://www.blogger.com/img/blankhttp://www.blogger.com/img/blank.gif.gif
2/7/2011
P.N.T
Nguồn: Blog Phạm Ngọc Tiến
Đọc thêm: Viết về tôi
Blog Quê choa
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét