DẠY VÀ HỌC. Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS) vừa trang trọng kỹ niệm 85 năm thành lập (1925-2010) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng. Diễn văn chào mừng của giáo sư tiến sỹ Bùi Chí Bửu đã điểm lại chặng đường vẻ vang, thành tựu đáng tự hào của Viện với nhiều trăn trở và tri ân xúc động: "Trong nông nghiệp, khoa học cây trồng và vật nuôi tuy đạt nhiều thành tựu rực rỡ, nhưng nông dân chắc chắn sẽ đối diện gay gắt với quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa toàn cầu, sự cạnh tranh không cân sức giữa các nước giàu và nghèo trong chính sách trợ giá nông sản bất hợp lý của nước giàu. Nếu chúng ta không có những hợp tác thực sự, những giải pháp khoa học công nghệ sẽ trở nên vô nghĩa với các giải pháp đơn độc, không mang tính tổng thể, đa ngành. Chưa lúc nào, Viện đặt nhiệm vụ đào tạo nguồn lực cấp bách như hiện nay" "Đại văn hào TAGORE của Ấn Độ đã từng nói rằng: Chúng ta biết ơn ngọn đèn cho chúng ta ánh sáng. Chúng ta cũng phải biết ơn giá chân đèn đã âm thầm đứng trong bóng tối để mang ngọn đèn tỏa sáng khắp nơi nơi. Thành quả mà chúng tôi đạt được hôm nay trước hết thuộc hàng triệu người đã hi sinh âm thầm làm giá chân đèn đứng trong bóng tối như vậy, để có một ít các nhà khoa học tên tuổi tỏa sáng. Đó là những nông dân cần mẫn, tiếp thu nhanh kỹ thuật, sáng tạo trên ruộng đồng. Đó là những cán bộ khoa học lăn lộn trong sản xuất, cùng với nông dân, cán bộ khuyến nông, cùng các doanh nghiệp năng động tạo nhiều đột phá mới để nông sản Việt Nam thực sự trở thành hàng hóa..."
LỄ KỶ NIỆM 85 NĂM THÀNH LẬP VIỆN KHOA HỌC KTNN MIỀN NAM
Ngày 10 tháng 01 năm 2011 vừa qua, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã tổ chức một cách trang trọng sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong con đường nghiên cứu phát triển của mình. Ra đời từ năm 1925, Viện đã nhiều lần đổi tên: Từ Viện Nghiên cứu Nông lâm nghiệp Đông Dương (IRAFI), Viện Khảo cứu Nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Đông Nam Bộ, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, cho đến nay là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS).
Chúng tôi đặc biệt cám ơn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - PGS.TS. Bùi Bá Bổng, đã thay mặt Nhà nước ghi nhận những đóng góp của Viện trong việc phát triển nền nông nghiệp phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Chúng tôi vô cùng cám ơn các tổ chức, cá nhân đã quan tâm gửi lẵng hoa, quà và tới dự lễ chia vui với Viện:
- Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ NN&PTNT – PGS.TS. Nguyễn Tấn Hinh
- Trưởng phòng Thi đua Khen thưởng, Bộ NN&PTNT – Nguyễn Công Tư
- Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam – GS.TS. Nguyễn Văn Bộ
- Lãnh đạo Đảng ủy, Văn phòng, công đoàn, Đoàn Thanh niên khối cơ sở Văn phòng Bộ NN&PTNT phía Nam
- Lãnh đạo các Cục Trồng trọt, Bảo vệ Thực vật, Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia
- Lãnh đạo Hội KHKT Bảo Vệ Thực Vật Việt Nam, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TPHCM
- Lãnh đạo các Sở Khoa học Công nghệ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An
- Lãnh đạo các Viện, Trường, các đơn vị đã và đang hợp tác chặt chẽ với Viện
- Lãnh đạo các Viện bạn trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
- Lãnh đạo các công ty nông nghiệp – Bạn đồng hành của Viện
- Phóng viên các báo, đài trung ương và địa phương.
- Các cá nhân có quan hệ mật thiết với Viện.
Xin chúc sức khỏe các anh chị, chúc một sự hợp tác lâu bền và thành công.VIỆN KHKTNN MIỀN NAM ĐÓN NHẬN HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG NHẤT
Diễn văn chào mừng 85 năm thành lập Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam (1925-2010)
Bùi Chí Bửu
Kính thưa: Các vị khách quí, các đại biểu,
Các bạn đồng nghiệp
Kính thưa: Các vị khách quí, các đại biểu,
Các bạn đồng nghiệp
Cách đây 85 năm, Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Đông Dương đã được thành lập trên khu đất này, vào thời điểm nông nghiệp nước nhà chịu ảnh hưởng nặng nề của xã hội thực dân phong kiến. Viện đã không ngừng phát triển, cùng đồng hành với nông dân Việt Nam, người mà lịch sử Việt Nam phải tri ân sâu đậm. Chính họ là lực lựơng đông đảo đã theo Đảng làm cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân thành công; đồng thời đã đóng góp xuất sắc trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, với nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, tạo nên những đột phá liên tục làm tiền đề cho công nghiệp và dịch vụ phát triển như ngày nay.
Sau bao lần thay tên, Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Miền Nam vô cùng tự hào với những tên tuổi các nhà khoa học lớn của Việt Nam đã công tác tại đây, làm gương sáng cho hậu thế. Đó là: Lương Định Của, Vũ Công Hậu, R. Dumont, Dương Hồng Hiên, Lâm Văn Vãng, Thái Công Tụng, Nguyễn Văn Mừng, Hoàng Thị Mỹ, Võ Đình Long, Châu Văn Hạnh, Trần Thế Thông, Bùi Văn Ngạc, Trương Công Tín, Mai Văn Quyền, Phạm Văn Biên, Công Doãn Sắt, Lê Thanh Hải, Lê Xuân Cương và còn nhiều người nữa, đã làm việc và đào tạo đội ngũ kế thừa, tạo nên uy tín khoa học đối với sản xuất nông nghiệp ở miền Nam – nơi có nhiều nông sản hàng hóa, và trở thành vùng sản xuất nông nghiệp năng động bậc nhất của Việt Nam.
Lịch sử của Viện gắn liền với lịch sử phát triển nông nghiệp của đất nước trong thời chiến cũng như trong thời bình. Sự kiện 2 triệu người chết đói năm 1945 luôn nhắc người Việt Nam rằng, không có độc lập dân tộc, không có khoa học công nghệ, sẽ không có ổn định lương thực cho dù ruộng đất phì nhiêu của Đồng bằng Sông Cửu Long có tiềm năng vô cùng to lớn.
Lịch sử của Viện cũng là lịch sử của quan hệ hợp tác mật thiết với các tổ chức nông dân, với lãnh đạo địa phương, với các Viện nghiên cứu trực thuộc VAAS và các Trường, Viện khác, với các tổ chức quốc tế; bởi vì khoa học nông nghiệp không thể đứng riêng một mình. Khoa học nông nghiệp phải xem xét cẩn thận các yếu tố kinh tế, môi trường, chính trị; trong đó có thị trường, năng lượng sinh học, thương mại hóa toàn cầu. Đặc biệt,nông nghiệp phải nhấn mạnh đến chất lượng nông sản và an toàn lương thực, thực phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Trên cở sở quan hệ hợp tác như vậy, nông nghiệp nước nhà đã tạo ra những bước đột phá ngoạn mục kể từ khi Đảng khẳng định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; đặc biệt là sự năng động của sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở phía Nam. Chặng đường dài của nông nghiệp Việt Nam đã được đánh dấu: từ Chỉ thị 100, Nghị Quyết 10 đến Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo vào năm 1989; đến năm 2010 Việt Nam thực sự là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng tốp đầu của thế giới với tổng giá trị xuất khẩu nông sản trên 19 tỷ USD. Giai đoạn 1960-1974: sản lượng lúa gạo cả nước chỉ đạt 9-11 triệu tấn, và 2010 đạt 40 triệu tấn, một bước nhảy khổng lồ (tăng gấp 4 lần, trong điều kiện diện tích canh tác xu hướng giảm). Ba yếu tố cơ bản mang đến thành công ấy là: (1) chính sách; (2) đầu tư thủy lợi; (3) khoa học công nghệ, đặc biệt là giống cải tiến.
Các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam có thể tự hào vì chính công trình khoa học của mình đã tạo ra những đóng góp đáng kể cho những đột phá lịch sử ấy. Ví dụ: năm 1986-2000, diện tích trồng lúa tăng 34%, năng suất lúa chỉ tăng 102 kg/ha/năm; năm 2000-2008, diện tích lúa giảm 252 nghìn ha, năng suất lúa vẫn tăng 123 kg /ha/năm. Hiện nay, năng suất lúa đạt 5,32 tấn / ha /năm 2010, trong điều kiện ảnh hưởng bất lợi của ElNina, bộc phát rầy nâu và dịch bệnh. Ngần ấy tạo được một kỷ lục mới: xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo. Điều này chứng minh rằng khoa học đã có tác động thực sự, mang lại hiệu quả lớn lao trong sản xuất.
Hôm nay, cán bộ khoa học của Viện có quyền tự hào về Huân Chương Độc lập Hạng Nhất do Nhà Nước trao tặng. Chúng tôi không nghĩ rằng đây là phần thưởng của riêng mình. Đây chính là đóng góp chung của nhiều nhà khoa học trong ngành nông nghiệp, với biết bao công trình hợp tác quý báu của các đồng nghiệp. Chúng tôi trân trọng sự hợp tác ấy. Thành tích này thuộc về nhiều thế hệ các nhà khoa học nối tiếp nhau xây dựng và phát triển Viện, có người đã không còn nữa.
Trong nông nghiệp, khoa học cây trồng và vật nuôi tuy đạt nhiều thành tựu rực rỡ, nhưng nông dân chắc chắn sẽ đối diện gay gắt với quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa toàn cầu, sự cạnh tranh không cân sức giữa các nước giàu và nghèo trong chính sách trợ giá nông sản bất hợp lý của nước giàu.
Nếu chúng ta không có những hợp tác thực sự, những giải pháp khoa học công nghệ sẽ trở nên vô nghĩa với các giải pháp đơn độc, không mang tính tổng thể, đa ngành.
Chưa lúc nào, Viện đặt nhiệm vụ đào tạo nguồn lực cấp bách như hiện nay. Hàng loạt chuyên gia đầu ngành sẽ nghỉ hưu trong một vài năm tới. Nguyên tắc tuyển dụng cán bộ khô cứng và chế độ trả lương bất hợp lý sẽ không phù hợp với tình hình mới.
Đại văn hào TAGORE của Ấn Độ đã từng nói rằng: Chúng ta biết ơn ngọn đèn cho chúng ta ánh sáng. Chúng ta cũng phải biết ơn giá chân đèn đã âm thầm đứng trong bóng tối để mang ngọn đèn tỏa sáng khắp nơi nơi. Thành quả mà chúng tôi đạt được hôm nay trước hết thuộc hàng triệu người đã hi sinh âm thầm làm giá chân đèn đứng trong bóng tối như vậy, để có một ít các nhà khoa học tên tuổi tỏa sáng. Đó là những nông dân cần mẫn, tiếp thu nhanh kỹ thuật, sáng tạo trên ruộng đồng. Đó là những cán bộ khoa học lăn lộn trong sản xuất, cùng với nông dân, cán bộ khuyến nông, cùng các doanh nghiệp năng động tạo nhiều đột phá mới để nông sản VN thực sự trở thành hàng hóa, tiếp cận được những thị trường xuất khẩu nổi tiếng “khó tính”. Nhân dịp này, chúng tôi xin phép được tri ân những người Thầy, nhưng cán bộ lão thành vẫn tiếp tục giúp đỡ thế hệ trẻ cho đến ngày cuối của cuộc đời - như cố GS Vũ Công Hậu.
Đội ngũ cán bộ khoa học thực sự đã được đào tạo qua thực tiễn sinh động của nông nghiệp Việt Nam, trong chặng đường đổi mới của đất nước. Hôm nay, Huân Chương Độc Lập Hạng Nhất mà Nhà Nước trao tặng sẽ tiếp sức và động viên chúng tôi tiếp tục nâng cao đẳng cấp của một Viện khoa học trong khu vực và thế giới – “Viện đa ngành, chuyên môn sâu”. Chúng tôi xin cám ơn sự quan tâm giúp đỡ của Lãnh Đạo Bộ, sự động viên của nhiều cán bộ lão thành, sự hợp tác của tất cả các bạn đồng nghiệp và đặc biệt của bà con nông dân.
Kính chúc sức khỏe quí vị.
Nguồn Website của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam http://www.iasvn.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét