DẠY VÀ HỌC Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài "85 năm Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam : Thách thức vẫn còn phía trước" của nhà báo Quang Ngọc. Tiếp nối những trăn trở và tri ân trong diễn văn của giáo sư Bùi Chí Bửu, bài báo nhấn mạnh: "Năm năm gần đây, Viện đã tiến hành được một số nghiên cứu cơ bản và hiện đại như bảo tồn quỹ gen, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại kỹ thuật PCR, Maker, chuyển nạp gen làm tiền đề cho sự phát triển của Viện trong tương lai nhưng hãy còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu và với thế giới. Thực tế đó buộc Viện phải đưa công tác đào tạo thành “Viện sách” hàng đầu. Lịch sử Viện 85 năm qua, chưa bao giờ công tác đào tạo được chú trọng như hiện nay, chỉ tính riêng cán bộ khoa học của Viện được đào tạo trong 5 năm qua lên tới 26 người ...và hiện đang đào tạo 23 tiến sĩ, 39 thạc sĩ ở trong nước và nhiều nước khác trên thế giới bằng nhiều nguồn vốn khác nhau ...Hy vọng 5-10 năm sau Viện sẽ có đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, chuyên sâu có đời sống vật chất và tinh thần phong phú để vô tư nhiệt tình cống hiến đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, sánh vai với bạn bè đồng nghiệp quốc tế, xứng đáng là một Viện có bề dày lịch sử và cống hiến nhất."
85 năm Viện KHKTNN miền Nam:
Thách thức vẫn còn phía trước
Quang Ngọc
Đôi dòng lịch sử
Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20, cuộc khai thác thuộc địa của Pháp đã thu lợi lớn, Nam Bộ đã là nơi sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn nhứt xứ Đông Dương. Năm 1929, Nam Bộ đã có 2,4 triệu ha đất lúa, 20.000 ha vườn cây ăn trái, miền Đông Nam Bộ có 150.000 ha trồng lúa, 85.000 ha cao su, 7.500 ha mía và nhiều cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu, bông vải.
So với năm 1873 (năm thành Hà Nội thất thủ, mốc đánh dấu tư bản Pháp bắt đầu đầu tư vào Nam Bộ) diện tích đất nông nghiệp Nam Bộ đã tăng lên 8 lần, dân số 4.500.000 người, tăng 3 lần. Tuy năng suất lúa ở thời kỳ đó chỉ 600 – 800 kg/ha nhưng trong các năm 1875 - 1884, ĐBSCL đã xuất khẩu gạo bình quân 360.000 T/năm, đến các năm từ 1925 – 1929 đã xuất khẩu bình quân 1,45 triệu T/năm. Trong quãng 55 năm liên tục đã có khoảng 45 triệu T gạo được xuất khẩu.
Chỉ riêng tiền thu thuế xuất khẩu gạo được 61 triệu đồng Đông Dương, so với 54 triệu tổng chi phí đào kinh mương trong quãng thời gian đó. Tuy nhiên người Pháp thấy rằng chi phí khai hoang ngày càng đắt, giai đoạn 1880 – 1890, chỉ cần đào 12 m3 đã có 1 ha nhưng đến giai đoạn 1925 đã tăng lên 161 m3, buộc phải nghĩ đến đầu tư chiều sâu, đi vào thâm canh thay cho quảng canh và đấy là lý do để người Pháp thành lập Viện khảo cứu Nông Lâm Đông Dương vào ngày 02/04/1925; năm 1956 viện này đổi thành Nha Khảo cứu và sưu tầm Nông Lâm Súc; năm 1968 đổi thành Viện khảo cứu Nông nghiệp; năm 1975, chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam tiếp quản lấy tên là Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam sau đổi tên thành Viện Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Đông Nam Bộ đến năm 1981 hợp nhất với Cơ sở 2 Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp VN đổi thành Viện Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, năm 1990 đổi thành Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, năm 1998 đổi thành Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam cho đến nay.
Người Pháp trước và người Mỹ sau đều nhìn nhận địa hình Việt Nam có nhiều chia cắt, thời tiết khác biệt, có nhiều vùng sinh thái, tiểu sinh thái khác nhau nên ngoài việc thiết lập văn phòng, phòng thí nghiệm chính ở Sài Gòn, viện còn tổ chức một mạng lưới trung tâm và điểm thực nghiệm suốt từ vĩ tuyến 17 trở vào: Trung tâm Long Định – Tiền Giang chuyên về lúa; Trung tâm Hưng Lộc – Đồng Nai chuyên về hoa màu; Trung tâm Eakmat – Đaklăk chuyên hoa màu, cao su; Trung tâm Nha Hố - Bình Thuận chuyên hoa màu, chăn nuôi, nho; Trung tâm Bảo Lộc – Lâm Đồng chuyên về chè, cà phê; Trung tâm Đà Lạt chuyên về rau, hoa; Trại Quảng Ngãi chuyên mía; Trại Tuy Hòa chuyên mía; Trại Thừa Thiên chuyên lúa, hoa màu; Trại Bình Đức – An Giang chuyên lúa, hoa màu. Sau giải phóng, do khó khăn về tài chánh, do tầm nhìn nên một số cơ sở đã bị thu hẹp hoặc trả lại cho địa phương.
Những thành tựu nổi bật
Mặc dù được thành lập sớm, quy mô và bài bản nhưng kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của Viện nghiên cứu Nông nghiệp chuyên ngành này từ 1925 – 1975 không nhiều, bởi từ 1929, kinh tế tư bản bước vào khủng hoảng và sau đó là chiến tranh liên miên. Một số kết quả chính trong nghiên cứu khoa học và kỹ thuật trong 50 năm ấy có thể liệt kê: Lập bản đồ thổ nhưỡng cho khoảng 100.000 ha; xây dựng các tiêu chuẩn về đất; phương pháp làm bột giấy từ rơm, cỏ tranh, lục bình; chế tạo vật liệu nhẹ cho xây dựng từ rơm và trấu; biến chế trà bằng máy; bảo quản trái cây; xử lý nước phèn; nhập nội khảo nghiệm một số giống mía, bắp, bò, heo; xây dựng quy trình trồng nho, nấm rơm.
Với vai trò lịch sử từng là viện quốc gia, được thành lập sớm nhất trên toàn Đông Dương, công việc đầu tiên và hữu ích nhất của viện sau 30/4/1975 là mở cửa thư viện, đón tiếp, giới thiệu, cung cấp thông tin, dữ liệu, tài liệu khoa học, nhất là các tài liệu của các nước tư bản mà các đồng nghiệp phía Bắc chưa có dịp tiếp cận, trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp cho mọi yêu cầu nghiên cứu của đồng nghiệp của 2 miền Nam Bắc, từ đó góp nên góc nhìn tổng quát, toàn diện của hiện trạng về Nông nghiệp của cả nước lúc bấy giờ. Giai đoạn này một số nghiên cứu ứng dụng và triển khai cũng được xúc tiến như khảo nghiệm một số giống lúa nhập nội từ IRRI, tiếp tục xây dựng bản đồ đất. Tuy nhiên công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật chỉ thật sự bắt đầu từ sau năm 1981, khi chức Viện trưởng được giao cho GS.TS Trần Thế Thông (1981 – 1994) và sau đó là GS.TS Phạm Văn Biên (1994 – 2006) và GS.TS Bùi Chí Bửu (2006 đến nay).
Bằng uy tín cá nhân và tên tuổi của một viện khoa học lâu đời, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam là cơ quan đầu tiên thoát khỏi sư bao vây, cấm vận của Mỹ sau giải phóng bằng nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức khoa học quốc tế và nước ngoài. Thống kê đến năm 2005 cho thấy đã có 16 tổ chức khoa học quốc tế, 16 tổ chức chính phủ, trường đại học, 3 tổ chức phi chính phủ và rất nhiều doanh nghiệp có quan hệ hợp tác khoa học với Viện. Sự hợp tác quốc tế nhộn nhịp cộng với các đề tài khoa học cấp bách phục vụ ngay cho sản xuất, sự hào hứng của cả dân tộc với khát vọng vươn lên đã tạo nên không khí lao động khoa học sôi nổi, dấn thân của các cán bội khoa học của viện. Ngày ấy TP Hồ Chí Minh còn nhiều diện tích lúa mùa, rất nhiều nông dân ở Củ Chi, Hóc Môn, Long An, Tiền Giang còn nhớ mãi “các thầy nông nghiệp trẻ” cặm cụi trên những chiếc xe đạp lỉnh kỉnh những can chứa mẫu nước phèn, mà có lúc bị bắt vì ngỡ là xăng, những chuyến đi “3 cùng” với nông dân trong các chiến dịch phòng trừ rầy nâu, điều tra chăn nuôi …
Đây cũng là giai đoạn Viện có nhiều tiến bộ kỹ thuật được công nhận phục vụ kịp thời cho sản xuất. Có thể liệt kê một số thành tựu nổi bật như tuyển chọn được 2 giống lúa IR 50404 jasmine 85, lai tạo được giống VND 95-20, đây là 3 giống lúa thuộc hàng “mega” của ĐBSCL; Thu thập, tuyển chọn, lai tạo các giống lúa cạn mà hiện nay vẫn đang được đồng bào Tây Nguyên ưa chuộng. Tương tự, các giống sắn KM 94, KM 98-5. KM 140 đã làm thay đổi diện mạo của cây sắn Việt Nam; Giống ngô lai đơn V 98-1 của Viện cũng nhanh chóng được sản xuất chấp nhận; Các giống điều ghép là nhân tố hồi sinh cho ngành điều; Kỹ thuật canh tác trên đất phèn đã góp phần không nhỏ vào công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười; Phương pháp ghép cà chua không những hạn chế bệnh rễ mà còn thúc đẩy công nghệ làm giống cây con ở Đà Lạt; Kỹ thuật tiêm chủng vi khuẩn trong rễ cây lúa.Giống gà thả vườn BT 2, tủ ấp trứng bằng đèn dầu, các giống lợn ngoại Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain thuần chủng VN, công nghệ đánh giá di truyền đã làm nên thương hiệu cho viện nói chung và Bình Thắng nói riêng; Hàng năm Viện cung cấp hàng ngàn lợn cái và đực giống hậu bị, hàng trăm ngàn gà giống và nhiều TBKT trong chăn nuôi cho 35 tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt công trình tập thể nghiên cứu về heo nạc cao sản do GS.TS Trần Thế Thông và PGS.TS Lê Thanh Hải chủ trì đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, cùng một số giải thưởng nhà nước cho các công trình nghiên cứu khác như Nghiên cứu dinh dưỡng và thức ăn gia súc, Chọn lọc, nâng cao năng suất chất lượng một số giống gà và tạo con lai để phát triển chăn nuôi nông hộ và Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Giai đoạn từ 2006-2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận 40 giống cây trồng, vật nuôi, 9 tiến bộ kỹ thuật (TBKT).
Sự cống hiến của Viện KHKTNN Miền Nam đã được nhân dân và nhà nước ghi công bằng huân chương huân chương Độc lập hạng ba, hạng nhì (2005) và hạng nhất năm nay và rất nhiều bằng khen, cờ thi đua của Thủ tướng, của Bộ NN-PTNT và các địa phương. Tháng 11 vừa qua, GS.TS Bùi Chí Bửu, viện trưởng vinh dự là nhà khoa học ngành nông nghiệp đầu tiên được nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
Điểm khác biệt nhất của viện giai đoạn sau 30/4/1975 so với giai đoạn trước 1975 là trước đây người hưởng lợi là giới điền chủ, còn hiện nay nông dân là người được hưởng lợi trực tiếp từ các thành quả nghiên cứu của viện. Năm 1993, hệ thống khuyến nông mới được hình thành nhưng công tác khuyến nông và chuyển giao TBKT đã được viện tiến hành nhiều năm trước đó mà nòng cốt ban đầu là mạng lưới cộng tác viên nông dân sản xuất giỏi ở khắp các tỉnh thành trên địa bàn. Nhờ làm tốt công tác khuyến nông mà những TBKT nhanh chóng được nông dân áp dụng, góp phần tạo nên sự tăng tốc thần kỳ của sản xuất nông nghiệp thời kỳ đó.
Thách thức vẫn còn phía trước
Thống kê giai đoạn 2006 – 2010 cho thấy bình quân mỗi năm Viện thực hiện 100 đề tài, dự án với kinh phí hoạt động khoa học công nghệ của Viện tăng dần qua các năm, từ 18,3 tỷ/2006 lên 35,0 tỷ đ/2010 này. Kinh phí này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, mà trước hết tăng từ đặt hàng nghiên cứu của nhà nước do có sự chuyển biến trong đầu tư Nông nghiệp theo chính sách tam nông và đối phó với việc biến đổi khí hậu và các nguy cơ khác như thiếu nước, thay đổi chế độ thủy văn của sông Mekong cũng như sự đe dọa ngày càng lớn của các dịch bệnh hại, chênh lệch năng suất và hiệu quả giữa các hộ sản xuất vẫn còn cao. Thực tế sản xuất và phát triển đòi hỏi các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp đứng đầu là Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) mà Viện KHKTNN Miền Nam là đơn vị thành viên phải tiến hành đồng thời cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai
Tuy nhiên, cũng như tất cả các cơ sở nghiên cứu khoa học nông nghiệp trên toàn quốc, Viện KHKTNN Miền Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng về nhân lực, lớp người được đào tạo cơ bản từ các nguồn trước 1975 đã nghỉ hưu, lớp người được đào tạo và trưởng thành trong thập niên 1980 đã “qua bên kia dốc cuộc đời”, thêm vào đó do nhà nước không cải tiến được phương pháp quản lý khoa học nên hiện tượng “chảy máu chất xám” xảy ra phổ biến, trong lúc đội ngũ bổ sung từ sinh viên giỏi các trường đại học lại rất thưa thớt. Năm năm gần đây, Viện đã tiến hành được một số nghiên cứu cơ bản và hiện đại như bảo tồn quỹ gen, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại kỹ thuật PCR, Maker, chuyển nạp gen làm tiền đề cho sự phát triển của viện trong tương lai nhưng hãy còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu và với thế giới. Thực tế đó buộc Viện phải đưa công tác đào tạo thành “Viện sách” hàng đầu.
Lịch sử Viện 85 năm qua, chưa bao giờ công tác đào tạo được chú trọng như hiện nay, chỉ tính riêng cán bộ khoa học của viện được đào tạo trong 5 năm qua lên tới 26 người (04 tiến sĩ và 26 thạc sĩ) và hiện đang đào tạo 23 tiến sĩ, 39 thạc sĩ ở trong nước và nhiều nước khác trên thế giới bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, từ các hiệp định nhà nước, từ trong các chương trình đề tài hợp tác quốc tế và từ quan hệ và uy tín của lãnh đạo Viện. Hy vọng 5-10 năm sau viện sẽ có đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, chuyên sâu có đời sống vật chất và tinh thần phong phú để vô tư nhiệt tình cống hiến đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, sánh vai với bạn bè đồng nghiệp quốc tế, xứng đáng là một viện có bề dày lịch sử và cống hiến nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét