Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Đọc và suy ngẫm bảy phút sự thật




DẠY VÀ HỌC. Ngày 1-11-2010, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã dành 7 phút phát biểu, gây chấn động trong phòng họp Quốc hội. Quechoa blog gọi là 7 phút sự thật để so sánh với cuốn sách ”Ba phút sự thật” của nhà văn Phùng Quán. Thông điệp về thảm họa Titanic – Vinashin đã rõ ràng. Nếu làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước đất nước. Trong bối cảnh lòng tin của nhân dân đang bị sa sút nghiêm trọng thì hậu Vinashin được xử lý thế nào ? (ảnh: Đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết phát biểu. Nguồn: Hiệu Minh blog)


Nguyên văn bài phát biểu của Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tại Quốc hội.

Thưa Quý Vị chủ toạ,
Thưa Quý Vị đại biểu và khách mời,
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2010 này, nước ta đã đạt và vượt 16/21 chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.
Cũng như đông đảo người dân, tôi rất hân hoan trước tin vui này và hết sức trân trọng những kết quả đã đạt được.
Tuy nhiên, tôi cũng vô cùng lo lắng trước những khuyết điểm nghiêm trọng trong điều hành nền kinh tế mà báo cáo của Chính phủ phân tích chưa sâu, chưa đủ cụ thể và nghiêm khắc.
Trong thời gian có hạn, tôi chỉ tập trung nói về vụ Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) sụp đổ. Vâng, thực sự là nó đã sụp đổ, mặc dù chúng ta có thể dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn theo truyền thống tu từ của mình. Tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1000 tỷ đồng / năm phải làm quần quật, không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi. Đối với đồng bào nhiều nơi, nhất là nông thôn, miền núi thì trả món nợ khổng lồ này có nghĩa là chậm làm đường, làm cầu, xây trường học, bệnh viện,… – những nhu cầu rất thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào.
Sai phạm trong chỉ đạo, điều hành thì đã rõ. Nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là: “Ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?”.
Báo cáo của Chính phủ cho biết “Chính phủ có trách nhiệm” và “đã nghiêm túc kiểm điểm”. Nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu, trong trường hợp này, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm.
Vụ việc này nhắc tôi nhớ đến vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm. Vì nuông chiều, luôn áp dụng những “siêu cơ chế” cho công ty của Lã Thị Kim Oanh, dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và hai vị Thứ trưởng phải ra trước vành móng ngựa.
Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận định “có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản nhà nước”. Nhưng ai bao che, bao che thế nào, vì nguyên nhân gì, nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm thế nào thì Ủy ban Tư pháp chưa có điều kiện kết luận. Thế mà Quốc hội không làm rõ được điều này thì không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân.
Vì vậy, căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan.
Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Uỷ ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra.
Thưa Quý Vị chủ toạ,
Thưa Quý Vị đại biểu và khách mời,
Nói những điều trên, tôi cảm thấy rất đau xót và khó khăn. Nhưng chúng ta có xử lý nghiêm vụ việc này thì mới thể hiện được sự công minh của pháp luật, hạn chế được những dự án làm ăn phá của, bốc trời, đưa hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vào quỹ đạo lành mạnh, đảm bảo cho kinh tế phát triển bền vững và lấy lại được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.
Thưa Quý Vị,
Hôm nay, tôi đọc một văn bản đã chuẩn bị sẵn là để ngay sau buổi họp này trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như một kiến nghị chính thức của đại biểu.
Trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương xem xét và cho biểu quyết về kiến nghị của tôi.
Xin cảm ơn.


“Mong nhận được câu trả lời sáng tỏ từ Thủ tướng về Vinashin”
(Dân trí) - “Chưa có câu trả lời thỏa đáng về Vinashin, người dân mới phân vân, còn khi đã thẳng thắn đánh giá thực trạng Vinashin, thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm thì người dân sẽ tin hơn.” - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm trước phiên chất vấn tại QH.
Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết các câu hỏi ông chất vấn Thủ tướng liên quan đến Vinashin, bô xít và đường sắt cao tốc
Sau những phát biểu có phần “gay gắt” của ông cũng như của nhiều đại biểu xung quanh các vấn đề của tập đoàn Vinashin, lần lượt các Bộ trưởng Giao thông vận tải, Tài chính và Tổng Thanh Chính phủ đã có những giải trình liên quan đến tập đoàn này. Ông đã cảm thấy hài lòng về các giải trình đó chưa?

Các Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ đã giải trình nhưng chưa được chi tiết lắm, có lẽ do thời gian các vị phát biểu tại Quốc hội không nhiều. Theo tôi, lẽ ra những chi tiết về công nợ của tập đoàn này phải được thể hiện trong báo cáo gửi Quốc hội. Đọc báo cáo của Chính phủ, tôi không được biết quá trình vay nợ, cơ cấu nợ của Vinashin và trách nhiệm cụ thể của các thành viên Chính phủ như thế nào,…


Tuy nhiên, qua giải trình của các Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ, tôi càng củng cố thêm nhận thức là các bộ chỉ có quyền quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành, quyền tham mưu, góp ý vì theo Nghị định của Chính phủ về tập đoàn, tổng công ty nhà nước, người trực tiếp quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là Thủ tướng và chỉ Thủ tướng mới có quyền.

Các Bộ trưởng cho rằng, do đã phân cấp cho các tập đoàn nên các bộ không thể can thiệp được vào hoạt động của tập đoàn và như thế, xem ra trách nhiệm của các bộ không lớn?

Các bộ không can thiệp vào công việc kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty là đúng, nhưng họ hoàn toàn có quyền thanh tra, kiểm tra và thấy sai phạm phải báo cáo để xử lý kịp thời. Đó mới là quản lý nhà nước. Nếu không thì quản lý cái gì?

Các Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ đã giải trình, nhưng ông vẫn tiếp tục có câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Ông chờ đợi gì ở trả lời của Thủ tướng?

Tôi đã gửi câu hỏi đến Thủ tướng và tôi rất mong nhận được câu trả lời sáng tỏ về thực trạng nợ nần của Vinashin, nguyên nhân của tình trạng ấy và trách nhiệm của Thủ tướng cũng như các thành viên khác của Chính phủ.
GS. TS Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh: Việt Hưng)
Tôi cho rằng, câu trả lời càng thể hiện thái độ cầu thị, nghiêm túc, người dân càng cảm thấy tin tưởng hơn vào Chính phủ. Chưa có câu trả lời thỏa đáng về Vinashin, người dân mới phân vân, còn khi đã thẳng thắn đánh giá thực trạng Vinashin, thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm thì người dân sẽ tin hơn.

Như thường lệ, ông sẽ tiếp tục chất vấn trực tiếp Thủ tướng tại hội trường?

Hiện nay tôi chưa nhận được trả lời bằng văn bản của Thủ tướng, còn việc có tiếp tục chất vấn hay không phụ thuộc vào trình bày của Thủ tướng. Nếu tôi thấy mọi giải trình đều thuyết phục, đều thỏa đáng, chắc tôi không cần chất vấn nữa.


Nhưng nếu thấy chỗ nào chưa thuyết phục cũng cần phải hỏi vì hỏi như vậy là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng tạo điều kiện để Thủ tướng giải đáp cho nhân dân vì phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp và người dân rất quan tâm, đặc biệt là phần trả lời của Thủ tướng.

Bên hành lang kỳ họp, ông đã bày tỏ quan điểm về vấn đề khai thác bô xít tại Tây Nguyên. Vậy ông có gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng về vấn đề này?


Trong ba câu hỏi tôi gửi Thủ tướng có câu hỏi về bô xít: Trước dư luận và trước kiến nghị của trên 2.000 trí thức, lao động, quân nhân, trong đó có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định như thế nào về vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên?


Câu hỏi nữa tôi hỏi Thủ tướng là: Vì sao Chính phủ vẫn quyết tâm theo đuổi dự án đường sắt cao tốc trong khi tại kỳ họp vừa rồi Quốc hội đã không thông qua dự án này và cũng không hề có nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và triển khai bất cứ một đoạn đường sắt cao tốc nào?
Tôi cho đó là những câu hỏi mà người dân muốn được giải đáp. Nếu có lý do thật sự thuyết phục, tôi nghĩ người dân sẽ đồng tình; còn nếu quả thật vẫn phân vân, tôi nghĩ nên dừng.


Liên quan đến thảo luận của đại biểu Quốc hội ở nghị trường, có một vài người phân vân là một số đại biểu không có chuyên môn về các vấn đề kinh tế có nên phát biểu ý kiến về những vấn đề đó không và những ý kiến đó liệu có đáng tin cậy, có gây băn khoăn cho cử tri hay không?

Tôi rất thông cảm với thắc mắc này vì các vị nêu thắc mắc đó không sát với hoạt động ở Quốc hội. Ở nước nào cũng vậy, mỗi đại biểu Quốc hội thường chỉ có một chuyên môn nhất định. Nhưng khi đã tham gia Quốc hội, thay mặt dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì đại biểu không thể bằng lòng với vốn hiểu biết sẵn có của mình mà phải đọc, phải học và phải hỏi để nắm được tất cả những vấn đề mình sẽ ấn nút biểu quyết. Nếu đại biểu không tìm hiểu, thấy người khác ấn nút, mình cũng ấn nút là không hoàn thành trách nhiệm với cử tri.
Còn ý kiến đại biểu có thuyết phục hay không, đã có ban soạn thảo luật, các đại biểu khác, các cơ quan chuyên môn, cử tri và báo giới đánh giá.


Cách đây vài phiên họp, chất vấn “ngoài chuyên môn” của ông về vụ PCI hối lộ các quan chức Việt Nam rất được dư luận quan tâm và mới đây, vụ án nhận hối lộ từ PCI đã được đưa ra xét xử. Ông có hài lòng về những việc các cơ quan chức năng đã thực thi trong vụ án này?

Sau khi tôi chất vấn về vụ PCI, Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét vụ việc. Cơ quan điều tra đã làm việc với phía Nhật Bản, thu thập chứng cứ và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát truy tố và đến nay vụ án đã được xét xử sơ thẩm.


Tất cả những điều đó thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc của Chính phủ cũng như Thủ tướng và người dân rất hoan nghênh.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường (thực hiện)



Lý lịch trích ngang của ông Nguyễn Minh Thuyết
Nguồn: http://ussh.edu.vn/gs-ts-nguyen-minh-thuyet/1905 

GS.TS NGUYỄN MINH THUYẾT

I. SƠ LƯỢC Lí LỊCH

  • Năm sinh: 1948
  • Nơi sinh: Thái Nguyên
  • Học vị: Tiến sĩ
  • Chức danh: Giáo sư, Giảng viên cao cấp
  • Đơn vị công tác: Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
  • Thời gian công tác tại trường: từ 1990 đến 2003

II. CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC

Các bài báo khoa học:
  1. Góp thêm ý kiến về việc cải tiến chữ Tày – Nùng (viết chung). Tạp chí Ngôn ngữ, số 2-1971.
  2. Mấy gợi ý về việc phân tích lỗi và sửa lỗi ngữ pháp cho học sinh. Tạp chí Ngôn ngữ, số 3-1974.
  3. Câu không chủ ngữ với tân ngữ đứng đầu. Tạp chí Ngôn ngữ, số 1-1981.
  4. Về một kiểu câu có chủ ngữ đứng sau vị ngữ. Ngôn ngữ, số 3-1983.
  5. Mấy ý kiến về chủ ngữ trong tiếng Việt. Những vấn đề ngữ văn trong nhà trường. Bắc Thái: Đại học Sư phạm Việt Bắc, 1983.
  6. Những nhân tố song ngữ ảnh hưởng đến năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh dân tộc ít người. Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, số 8-1984.
  7. Nghĩ về một cách gọi tắt. Tổ quốc, số 11-1985.
  8. Vài nhận xét về các tổ hợp có + N và những câu chứa chúng. Tạp chí Ngôn ngữ, số 1-1986.
  9. Thảo luận về vấn đề xác định hư từ trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 1-1986.
  10. Vai trò của các từ bị, được trong câu bị động tiếng Việt. Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông, Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, 1986.
  11. Vài nhận xét về đại từ xưng hô. Tiếng Việt, số 1-1988.
  12. Cách xác định thành phần câu tiếng Việt. Tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á, Nxb Khoa học Xã hội, 1988.
  13. Về dạy tiếng Việt ở trường phổ thông. Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, số 12-1988.
  14. Câu chuyện xưng hô. Báo Văn hoá Nghệ thuật, số 13 – 1988.
  15. Động, tính từ và cụm chủ – vị làm chủ ngữ. Tạp chí Ngôn ngữ, số 3-1989.
  16. Ngôn ngữ học hướng vào nhà trường. Ngôn ngữ, số 4-1989.
  17. Vưdelenie chlenov predlojenia vo vietnamskom jazưke (Phân định thành phần câu trong tiếng Việt). – Novoe v izuchenii vietnamskogo jazưka i drugikh jazưkov Jugo-Vostochnoj Azii (Cái mới trong nghiên cứu tiếng Việt và các ngôn ngữ khác ở Đông Nam Á). – Moskva: Nauka, 1991.
  18. Về khái niệm nòng cốt câu (viết chung). Ngôn ngữ, số 4-1991.
  19. On the problem of speech skill development teaching vietnamese at schools (Về vấn đề dạy phát triển kĩ năng lời nói tiếng Việt trong nhà trường). - Language education: interaction and development (Giáo dục ngôn ngữ: hợp tác và phát triển). – Ho Chi Minh City, 1991.
  20. Mấy vấn đề quan điểm trong bộ sách Tiếng Việt cấp I. Nghiên cứu Giáo dục, số 10-1992.
  21. Câu có ý nghĩa bị động trong tiếng Lào. Thông báo khoa học của các trường đại học, Chuyên đề ngôn ngữ – văn học, số 4-1992.
  22. Từ buồn cười đến nghiêm túc. Ngôn ngữ và Đời sống, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, 1992.
  23. Thử giải đáp hai vấn đề cơ bản về thành phần câu. Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, 1994.
  24. Các tiền phó từ chỉ thời – thể trong tiếng Việt. Tạp chí Ngôn ngữ, số 2/1995.
  25. Mấy nhận xét về từ xưng hô trong tiếng Việt và tiếng Hàn Quốc (viết chung). Tương đồng văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc, Văn hoá Thông tin, 1996.
  26. Kiến thức và kĩ năng trong chương trình tiếng Việt tiểu học. Sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiểu học hiện hành và chương trình Tiếng Việt bậc tiểu học sau năm 2000, Nxb Giáo dục, 1997.
  27. Vấn đề quan hệ giữa Tập làm văn và Tiếng Việt ở trường trung học cơ sở. Về sách giáo khoa Tiếng Việt, Tập làm văn trung học cơ sở. Nxb Giáo dục, 1997.
  28. Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (viết chung). Khoa học xã hội và nhân văn với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000.
  29. Enquête préliminaire sur l’usage des ressources humaines formées par l’Université de Hanoi de 1956 à 1998 / Khảo sát nguốn nhân lực do Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đào tạo từ năm 1956 đến 1998. Relation entre les secteurs public et privé dans leconomie de marché. Rôle de la formation / Quan hệ giữa khu vực nhà nước với khu vực tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Vai trò của đào tạo (viết chung). Toulouse: L’Université de Toulouse 1, 2000.
  30. Mấy quan điểm cơ bản trong việc biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt (thử nghiệm) bậc tiểu học và trung học cơ sở. Các vấn đề sách giáo dục, Nxb Giáo dục, 2001.
  31. Quan điểm biên soạn và cấu trúc của sách Tiếng Việt 2. Tạp chí Giáo dục, Chuyên đề quý II, 2003
  32. Dạy Chính tả trong sách Tiếng Việt 2. Tạp chí Giáo dục, số 73 – Số chuyên đề quý IV, 2003.
Các giáo trình, chuyên khảo, sách tham khảo:
  1. Dẫn luận ngôn ngữ học (viết chung). Nxb Giáo dục, 1994; in lần thứ 11, 2006.
  2. Parlons vietnamien [Hãy nói tiếng Việt]. Québec: Université Laval, 1995.
  3. Cours intensif de vietnamien [Tiếng Việt cấp tốc], Nxb Giáo dục, 1995.
  4. Tiếng Việt thực hành [A] (viết chung). Nxb Giáo dục, 1997.
  5. Tiếng Việt thực hành [B] (viết chung). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1996.
  6. Thành phần câu tiếng Việt (viết chung). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998; in lần thứ 2 có bổ sung, sửa chữa: Nxb Giáo dục, 2006.
  7. Quan hệ giữa khu vực nhà nước với khu vực tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Vai trò của đào tạo. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam (Viết chung – Sách song ngữ). Toulouse: Université de Toulouse 1, 2000.
  8. Sổ tay tiếng Việt cấp I (viết chung). Nxb Giáo dục, 1990.
  9. Làm văn 12 (viết chung). Nxb Giáo dục, 1992.
  10. Làm văn 12 (sách giáo viên) (viết chung). Nxb Giáo dục, 1992.
  11. Tiếng Việt và học tính (sách xoá mù chữ cho vùng dân tộc ít người), tập III (viết chung). Nxb Giáo dục, 1993.
  12. Sổ tay ngữ pháp tiếng Việt tiểu học (viết chung). Nxb Giáo dục, 2000.
  13. Tiếng Việt 2 (hai tập) (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2003.
  14. Tiếng Việt 2 (sách giáo viên) (hai tập) (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2003.
  15. Tiếng Việt 3 (hai tập) (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2004.
  16. Tiếng Việt 3 (sách giáo viên) (hai tập) (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2004.
  17. Tiếng Việt 4 (hai tập) (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2005.
  18. Tiếng Việt 4. (sách giáo viên) (hai tập) (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2005.
  19. Tiếng Việt 5 (hai tập) (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2006.
  20. Tiếng Việt 5. (sách giáo viên) (hai tập) (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2006.
  21. Hỏi đáp về dạy học Tiếng Việt 2 (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2003.
  22. Hỏi đáp về dạy học Tiếng Việt 3 (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2004.
  23. Hỏi đáp về dạy học Tiếng Việt 4 (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2005.
  24. Ngữ văn 6 (đồng chủ biên). Hai tập. Nxb Giáo dục, 2002.
  25. Ngữ văn 6. (sách giáo viên) (đồng chủ biên). Hai tập. Nxb Giáo dục, 2002.
  26. Ngữ văn 6. (sách bài tập) (đồng chủ biên). Hai tập. Nxb Giáo dục, 2002.
  27. Ngữ văn 7 (đồng chủ biên). Hai tập. Nxb Giáo dục, 2003.
  28. Ngữ văn 7. (sách giáo viên). (đồng chủ biên). Hai tập. Nxb Giáo dục, 2003.
  29. Ngữ văn 7. (sách bài tập) (đồng chủ biên). Hai tập. Nxb Giáo dục, 2003.
  30. Ngữ văn 8 (đồng chủ biên). Hai tập. Nxb Giáo dục, 2004.
  31. Ngữ văn 8 (sách giáo viên). (đồng chủ biên). Hai tập. Nxb Giáo dục, 2004.
  32. Ngữ văn 8. (sách bài tập). (đồng chủ biên). Hai tập. Nxb Giáo dục, 2004.
  33. Ngữ văn 9 (hai tập) (đồng chủ biên). Nxb Giáo dục, 2005.
  34. Ngữ văn 9. (sách giáo viên) (đồng chủ biên). Hai tập. Nxb Giáo dục, 2005.
  35. Ngữ văn 9. (sách bài tập) (đồng chủ biên). Hai tập. Nxb Giáo dục, 2005.
Đọc thêm:

BẢY PHÚT SỰ THẬT

Nguyễn Quang Lập

Bác Phùng Quán có bài báo “Ba phút sự thật”, đó là một trong những bài báo hay nhất của bác Quán, tui học theo bác lấy cái đầu đề gọi là “Bảy phút sự thật” nhưng chỉ viết blog chơi vui thôi chứ viết báo chắc nỏ có báo mô đăng.

Đó là bảy phút đăng đàn của bác Nguyễn Minh Thuyết trước Quốc hội về vụ Vinashin. Thực ra bác Thuyết đã có nhiều phút sự thật mỗi khi bác cất tiếng trước Quốc hội rồi. Ấn tượng nhất đối với tui là 7 phút phát biểu của bác về Bauxite Tây Nguyên tại Quốc hội. Nó hay đến nỗi tui coi đó là mẫu mực của sự phản biện. Tui phải mở băng cạy cục chép lại nguyên xi rồi đưa lên blog cho bà con coi. Tui nhớ cách đây một năm, trong hơn 2000 chữ kí kiến nghị đình chỉ Bauxite Tây Nguyên không có chữ kí của bà Nguyễn Thị Bình và hàng chục tướng lĩnh như bây giờ. Tại Quốc hội quanh đi quẩn lại cũng chỉ ba bác: Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Lân Dũng còn lại đều im hơi lặng tiếng. Đến nỗi bác Nguyễn Lân Dũng phải kêu lên:” Tôi cảm thấy lẻ loi”. Nhưng bây giờ khác rồi, tiếng nói của bác Thuyết không còn lẻ loi nữa. Các đại biểu Lê Văn Cuông, Phạm Thị Loan, Huỳnh Ngọc Đáng, Lê Thị Nga… mỗi người một ý đã giúp cho lời có cánh của bác Thuyết được cất cánh. Tui ngồi xem ti vi mà sướng rêm, vỗ đùi đánh đét, nói a, mình sai rồi, các cụ nghị nhà ta đa phần không phải nghị gật. Vì miếng cơm manh áo mà đành làm nghị ngậm thôi chứ không phải nghị gật. Số phiếu áp đảo đình chỉ dự án tàu cao tốc đã chứng minh điều đó.

Khi nghe đến đoạn bác Thuyết nói: “Vì vậy, căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Uỷ ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra.” thì tui rùng mình nổi cả da gà. Từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ tui chưa nghe ai nói như rứa ở bất kì nơi mô, ngoại trừ trong các cuộc rượu, chứ đừng nói giữa Quốc hội có truyền hình trực tiếp. Tui cũng không dám viết blog như rứa, sợ lắm, sợ viết xong thì các đồng chí tin tặc hỏi thăm liền. Dù thế nào tui cũng chỉ là hạng văn nô, trước sau cũng cố chứng tỏ mình là văn nô không hơn không kém. Rứa mà nhiều văn nô khác, cũng là chỗ bạn bè, kêu tui ngu, điên, hâm khi làm blog.

  Vì rứa tui vô cùng cảm phục bác Thuyết. Có người nói bảy phút đăng đàn của bác Thuyết như là một cuộc cách mạng nghị trường Việt, tui không dám nói như rứa. Tui nghĩ có thể đó chỉ là một que diêm thắp sáng nghị trường Việt mà thôi nhưng là que diêm cần thiết. Nói như ngạn ngữ phương tây : “Thà thắp lên một que diêm còn hơn nguyền rủa bóng tối."

Nguồn Quechoa




Tranh luận
Blog HM chưa bao giờ đăng bài của bác Nguyễn Quang Lập trong khi bác ấy đăng rất nhiều bài của HM.
Lần này là ngoại lệ vì bài phản biện lại Phong cách anh Chí hay quá và dân choa khóa còm nên để mời bác Lập sang đây tự  còm cho mình :) .
Thanks bác Lập.

Sự hả hê có phương pháp

Tác giả: Nguyễn Quang Lập. Blog Quê Choa
Đọc xong bài Phong cách “Chí Phèo” và văn hoá phản biện trên Vietnamnet tui đã viết bài Phong cách ” Hoà Thân” và văn hoá của cái ác nhưng rồi tui xoá đi. Nói rứa căng quá, anh em lại gây xích mích, mất hoà khí, không hay. Đành viết mấy lời như ri.
Tui không biết Phạm Hoài Huấn là đàn ông hay đàn bà, lớn nhỏ ra răng, xin cứ gọi đại bằng bác cho có lễ độ vậy.
 Bác Huấn góp ý không phải không có lý, có nhiều điểm đương nhiên lẽ đời cần phải như rứa. Tuy nhiên có quá nhiều điểm đáng bàn với bác xung quanh bài báo bác vừa tung ra rất kịp thời. Ví dụ bài học của Đẽo cày giữa đường mà bác bảo:”Làm việc gì cũng vậy, mình phải có chính kiến của mình và kiên trì với một con đường đã chọn” thì có thể viết một bài dài để nói lại điều này.
Trước hết nói ngay cho bác hiểu, bài học đẽo cày giữa đường không phải là bài học “kiên trì với một con đường đã chọn” mà là bài học biết lắng nghe, nhưng trước hết nó là bài học hiểu biết. Anh đẽo cày mà không biết cái cày là gì, phải đẽo như thế nào, thấy người ta đẽo cày mình cũng đẽo thì tất yếu ai nói gì cũng phải làm theo. Một khi đã không hiểu biết, ai nói gì cũng làm theo, cái cày tất yếu sẽ thành ” một khúc gỗ nhỏ”.
Nhưng nếu không hiểu biết, cứ liều mạng ””kiên trì với một con đường đã chọn” cũng tất yếu sẽ biến cái cày thành ” một khúc gỗ nhỏ” thôi bác. Cho nên làm gì cũng phải hiểu biết cái việc mình đang làm, một khi hiểu biết rồi thì tự khắc sẽ biết góp ý nào là đúng, góp ý nào là sai, góp ý nào là chân thành, góp ý nào là đểu cáng.
 Muốn tranh luận với bác nhiều chuyện lắm, ví như bác hiểu về ông Chí Phèo cũng trật, trật ở cái lý do vì sao Chí Phèo thành Chí Phèo ấy. Nhưng thôi, tui muốn nói chuyện khác kia, ấy là cái cách góp ý của bác.
Ở đời không có việc gì mà không có lý do của nó, những người hay gặp hoạn nạn thường vẫn có một cái lỗi nào đó. Tìm kiếm nguyên nhân giúp cho người ta tránh được hoạn nạn là cần thiết nhưng phải đúng lúc đúng chỗ, nếu không chẳng những người ta không nghe mà còn nghi ngờ cả mục đích góp ý của mình nữa. Ví như thấy hàng xóm cháy nhà, mình đã không cứu được thì thôi, lại còn chạy đến nói bác chủ quan lắm, bất cẩn lắm, cháy nhà là phải. Như thế có đáng không?
Thấy một đứa con nít bị người lớn đánh, không cần hỏi cũng biết đứa con nít có hỗn láo thế nào mới bị người ta đánh. Thay vì phải ra tay giải thoát cho đứa bé rồi mới góp ý cho đứa bé lần sau không được như thế như kia, thì mình lại nhảy đến, nói thằng hỗn, có câm mồm đi không, con nít mà hỗn láo thế à. Như thế có đáng không? Cũng vậy, thấy một người sắp chết trôi, mình đã không dám nhảy xuống cứu lại còn đứng trên bờ nói chõ xuống, nói mày đã không có văn hoá bơi, nhảy xuống nước làm gì, ngu thế. Như thế có đáng không?
 Ngày xưa tui ở một nơi, hễ trong xóm có ai mất gà thì thể nào cũng có năm bảy người chạy đến, nói sao giờ này bác không cho gà vào chuồng, sao bác cho gà chạy rong thế kia, gà nhảy sang vườn nhà kia mất là phải rồi, nhà kia tham lắm đấy. Người mất gà càng điên lên càng chửi tợn. Vì cái họ cần lúc này là tìm được con gà chứ không phải ngồi nghe góp ý về sự nuôi gà. Những người góp ý cũng thừa biết vậy nhưng cứ góp ý, vì khi đó họ đâu có góp ý, đó là sự hả hê có phương pháp của họ mà thôi. Ai còn lạ gì, thưa bác.
PHONG CÁCH ” CHÍ PHÈO” VÀ VĂN HOÁ PHẢN BIỆN
PHẠM HOÀI HUẤN
Nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc, chúng ta có quá nhiều “chuyên gia” trong nhiều lĩnh vực. Kết quả là, người ta cứ nghĩ chỉ cần nói ngược lại những điều nhà nước nói, những quyết sách lớn có nghĩa là phản biện, có nghĩa là “sành sỏi”. Một loạt chủ nhân các blog đã gặp quá nhiều rắc rối về mặt pháp luật vì lí do này.
Đẽo cày giữa đường
Cùng một sự kiện, một hiện tượng đôi khi có thể có các góc nhìn khác nhau. Chuyện một anh nông dân ra giữa đường ngồi đẽo cày. Nhiều người qua lại. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc làm của anh. Anh đẽo được một lúc thì một người đi qua chê: “Bác đẽo thế không phải rồi, bác đẽo to quá”, anh nông dân nghe thấy có lý bèn làm theo.
Anh làm được một lúc lại có một người đi qua bảo “Bác đẽo thế này không cày được đâu,cái đầu cày bác làm to quá….” Anh nông dân nghe có lý hơn, lại chỉnh sửa theo lời khuyên. Đẽo được một lúc lại một người đi qua nói”Bác đẽo thế không ổn rồi,cái cày bác làm dài quá không thuận tay”, anh nông dân nghe lại có lý hơn, lại chỉnh sửa theo. Và cuối cùng hết ngày hôm đấy anh nông dân chỉ còn một khúc gỗ nhỏ, anh không còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa, cây gỗ quý đã thành một đống củi vụn. Anh buồn lắm nhưng cuối cùng anh đã hiểu “Làm việc gì cũng vậy, mình phải có chính kiến của mình và kiên trì với một con đường đã chọn”
Tư duy phản biện
Tác giả không có ý làm méo mó đi ý nghĩa của từ phản biện. Do vậy xin bạn hiểu từ phản biện theo đúng nguyên nghĩa của nó.
Phản biện là một việc làm cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh xây dựng đất nước thời hội nhập tư duy phản biện càng trở nên quan trọng trước những thông tin đa chiều và trước những sự kiện mà đôi khi cái giá phải trả cho các quyết định sai lầm là không thể tưởng tượng được.
Việc phản biện được nhìn nhận từ hai phía: Từ phía người tiếp nhận ý kiến phản biện và người phản biện. Người tiếp nhận ý kiến phản biện phải có được cái nhìn rộng mở, bao dung. Có phải vì thế mà Mác đã từng nói “cái mới là hợp qui luật nhưng cũng là cái xuất hiện sau, yếu thế…..”. Phải chấp nhận cái mới nếu cái mới này đúng.
Trong trường hợp người tiếp nhận ý kiến phản biện là người tôn thờ tư duy “nhất thắng, nhì hòa, không chịu thua” thì phản biện chỉ là là những tô điểm cho một nền dân chủ hình thức.
Mặt khác nếu người tiếp nhận phản biện không có được một sự vững vàng về mặt lập trường cùng với một nền tảng kiến thức tốt trong lĩnh vực mà người này đang đảm nhận, e rằng tình trạng phân vân theo tư duy “đẽo cày giữa đường” không phải là không có khả năng xảy ra.
Đôi khi người ta chỉ nhìn nhận phản biện ở góc độ của người tiếp nhận ý kiến phản biện mà quên mất đi nguồn gốc của phản biện đến từ đâu. Trên thực tế, người ta có thể thấy những lời than trách đại loại như: phi dân chủ, dân chủ hình thức, không thể hiện được ý chí của người dân….khi ý kiến phản biện không được đoái hoài.
Trở lại với câu chuyện đẽo cày giữa đường. Người ta thấy, nếu anh nông dân kia có một kiến thức nhất định về việc đẽo cày và những “quân sư” cũng là người giỏi về việc này. Chúng ta có quyền kì vọng và hoàn toàn có cơ sở để kì vọng sẽ có một cái cày hoàn mỹ. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu những người “quân sư” hoàn toàn không biết gì về việc đẽo cày? Hoặc cũng có thể những người này mang trong mình một toan tính đầy nhẫn tâm “phá cho bõ ghét”?
Tự do ngôn luận và hư danh thế giới ảo
Một trong những quyền được thừa nhận rộng rãi và hầu như không có nhiều tranh cãi trong một xã hội dân chủ là quyền tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận là việc một người được tự do bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai mà không bị (hoặc lo sợ) những chế tài bất lợi từ phía nhà nước.
Tuy vậy, cũng cần phải làm rõ, quyền tự do này có những giới hạn nào không? Chữ tự do có thể được hình dung một cách dí dỏm qua câu chuyện vui như sau:
Ông A có một con gà trống. Luật pháp thừa nhận ông là chủ sở hữu của con gà, ông có toàn quyền, nói cách khác là tự do trong các hành xử với con gà. Muốn nuôi cho vui, nuôi làm gà đá thậm chí là…. làm thịt con gà. Quyền này được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Nhưng vấn đề rắc rối là cứ 3h sáng con gà lại quay đầu sang nhà hàng xóm gáy làm cho hàng xóm không ngủ được.
Nếu bạn là người hàng xóm, bạn sẽ hành xử như thế nào? Lúc đó bạn có còn vui với con gà thuộc quyền sở hữu của ông A hay không? Do đó, quyền tự do, trong trường hợp chúng ta đang bàn là tự do ngôn luận, được nhìn nhận trong tương quan với quyền lợi của người khác.
Việc thực hiện quyền này thế nào là tùy bạn. Nhưng nếu việc hành xử này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác thì giới hạn quyền tự do của bạn được dựng lên.
Đôi khi, có thể thấy có nhiều quyết sách lớn không đạt được sự đồng thuận (tất cả mọi người) từ người dân. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi trong bối cảnh tồn tại nhiều nhóm lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập nhau thì việc đưa ra một giải pháp nhằm làm hài lòng tất cả các nhóm lợi ích hầu như là một điều không thể.
Điều này không chỉ là bình thường ở Việt nam mà là điều rất đỗi bình thường ở bất kì quốc gia nào khác trên thế giới. Trong trường hợp ý kiến phản biện không được chấp thuận, chắc hẳn tâm lí không hài lòng âu cũng là chuyện bình thường nếu xét trong bối cảnh qui luật tâm lí.
Nhưng đâu đó vẫn tồn tại ý tưởng rằng việc phản biện không hề có tác dụng tích cực. Từ đó, dẫn đến cách hành xử theo phong cách “Chí Phèo” trong hoạt động phản biện.
Dạo một vòng qua các diễn đàn, những trang cá nhân những lời “phản bác” càng đao to búa lớn càng nhận được sự ủng hộ nhiệt lệ của cộng đồng cư dân mạng. Chính “hào quang” từ những comment (bình luận) kia đã làm cho tác giả những “phản bác” lâng lâng bay bổng mà quên mất mình đang dần bước ra khỏi ranh giới của quyền tự do ngôn luận mất rồi.
Kết quả là những người này bị tuýt còi. Càng có thêm “tư liệu” cho những người theo trường phái “phản bác” đại loại như “nói không đúng đối tượng nên bị xử lí…”
Nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc, chúng ta có quá nhiều “chuyên gia” trong nhiều lĩnh vực. Kết quả là, người ta cứ nghĩ chỉ cần nói ngược lại những điều nhà nước nói, những quyết sách lớn có nghĩa là phản biện, có nghĩa là “sành sỏi”. Một loạt chủ nhân các blog đã gặp quá nhiều rắc rối về mặt pháp luật vì lí do này. Hào quang của thế giới ảo mới ghê gớm làm sao.
Nhìn nhận lại
Hoạt động phản biện nói riêng và tự do ngôn luận nói chung là một quyền năng được ghi nhận trong một xã hội dân chủ. Để hoạt động phản biện có hiệu quả, trước hết giới cầm quyền phải chấp nhận việc phản biện.
Nhưng mặt khác, để hoạt động phản biện thực sự là một hoạt động có ý nghĩa, bản thân người phản biện phải là người am hiểu về vấn đề đang phản biện. Trong trường hợp những lời phản bác (í quên phản biện chứ!) chỉ là một trò chơi chơi nổi nhằm tạo hư danh trên cộng đồng mạng thì vấn đề đã khác đi rồi.

Bài trên VNN

Không có nhận xét nào: