Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Đêm pháo hoa


DẠY VÀ HỌC. Đêm pháo hoa, một bài viết sâu sắc của anh
Phan Chí Thắng . Ảnh Chinhphu.vn "Tôi thấy pháo hoa rất đẹp. Pháo hoa càng đẹp hơn khi tôi hiểu rằng có nó là nhờ những người như anh Khâm, những thế hệ con dân Việt Nam vô danh thầm lặng chịu mọi mất mát thiệt thòi."

Thật lạ là trong lúc cùng hàng vạn người ở Hà Nội ngẩng đầu xem pháo hoa rực rỡ tối ngày 10 tháng 10 vừa qua, bỗng dưng tôi lại nhớ đến anh Khâm.

Anh mất đã 14 năm. Lúc đó tôi làm giám đốc doanh nghiệp, anh là cán bộ cấp phòng trong công ty. Do anh lớn tuổi hơn nên tôi thường gọi anh là anh và xưng em như từ trước vẫn thế. Anh thì gọi tôi theo chức vụ và xưng “tôi” một cách cẩn thận.

Anh bất ngờ phát bệnh ung thư gan. Mắc bệnh ung thư gan là đi nhanh lắm. Tôi đến thăm anh, định an ủi động viên anh thì anh lại an ủi động viên tôi. Anh bất ngờ chuyển qua xưng hô mày tao với tôi. Anh bảo mày đang khó khăn vất vả chèo chống công ty, lo cho mấy trăm miệng ăn. Mày nên làm thế này, thế này. Không nên làm thế kia, thế nọ. Anh cầm tay tôi, mắt rưng rưng: “Tao tiếc là không còn sống được bao lâu nữa để giúp mày một tay”

Sau cuộc nói chuyện đó khoảng một tuần thì anh mất. Mười mấy năm rồi, dòng đời trôi hỗn độn, tôi hầu như không nghĩ gì về anh. Vậy mà sao anh lại bất ngờ hiện về trong ngàn sắc đêm pháo hoa.

So với nhiều triệu năm tiến hoá, đời người âu chỉ là chớp mắt. Nó như quả pháo nổ bung mình ra, tạo trong chốc lát cảnh tượng đẹp đẽ rồi lụi tàn ngay sau đó?

Nhưng đâu phải người nào cũng được đóng vai quả pháo hoa.
Anh Khâm là con cả trong một gia đình có thể nói là nổi tiếng về học vấn và uy tín. Tốt nghiệp phổ thông, anh được chọn đi học nước ngoài nhưng vì là con cả nên anh từ chối, chỉ xin học Bách Khoa Hà Nội để có điều kiện chăm sóc cha mẹ và các em, nhường việc học ở nước ngoài cho người em trai. Ra trường, anh xin vào quân đội, “xí” chỉ tiêu mỗi gia đình phải có người nhập ngũ để em trai yên tâm học tập.

Những năm chiến tranh gian khổ, bị ảnh hưởng của sóng ra đa, sức khoẻ anh không tốt. Anh gầy và hay cáu bẳn. Trong công việc anh cần cù và sáng tạo nhưng ít được lòng cấp trên vì hay nói ngang, tuy là nói đúng.
Em trai anh học xong đại học, học tiếp đến tiến sĩ mới về nước. Y cao lớn béo tốt. Y giỏi giang. Y có uy tín.

Y lấy được vợ đẹp người đẹp nết.

Y không bao giờ dám hỗn với ông anh. Nhưng trong thâm tâm y coi thường ông anh quê mùa và thiếu văn hoá. Ai lại quanh năm chỉ đóng mỗi bộ quân phục bạc màu, đến là cái áo cho phẳng cũng không biết cách. Chân thì đi chữ bát. Ăn xong cứ lấy cái tăm gảy đàn răng. Cũng là con ông cháu cha, học giỏi mà đi bộ đội không đeo quá một vạch hai sao, chuyển ngành ra mấy chục năm mà chỉ mò mẫm được cái chức phó phòng.

Anh Khâm buồn nhưng không nói ra. Anh thường nói thế hệ bọn tao chỉ làm nhiệm vụ lót đường cho các thế hệ sau bước lên mà đi. Anh chẳng được ra nước ngoài bao giờ. Em trai anh thì đi liên tục. Em anh giàu. Giàu thì phú quý. Anh nghèo. Nghèo thì hèn.
Em anh chưa bao giờ kiếm cớ cho anh trai mình được lấy một xu.

Hôm đám tang anh Khâm,tôi là trưởng ban tang lễ. Chúng tôi cố gắng tổ chức sao cho long trọng nhất trong khả năng có thể. Em trai anh Khâm, bây giờ đóng vai trưởng nam thế chỗ anh Khâm, thay mặt gia đình đến bắt tay tôi cảm ơn cơ quan.

Tôi nói với y:

- Trong bài điếu văn tôi đã không nói anh Khâm là một tấm gương hy sinh tận tụy vì gia đình, bạn bè và cơ quan. Không cần thiết phải nói một điều hiển nhiên phải không anh?

Ông tiến sĩ cao lớn nắm chặt tay tôi:

- Đúng anh ạ. Trong tôi, trong anh, trong chúng ta có một phần rất lớn anh Khâm. Cảm ơn anh đã cho tôi cơ hội nói ra điều đó.

Người ta tiếp tục xem pháo hoa. Những tiếng thốt lên: “Đẹp quá! Đẹp quá!” Những đôi tình nhân hân hoan. Những cụ già nông dân cười hớn hở. Bọn trẻ con hò reo phấn khích.

Tôi thấy pháo hoa rất đẹp. Pháo hoa càng đẹp hơn khi tôi hiểu rằng có nó là nhờ những người như anh Khâm, những thế hệ con dân Việt Nam vô danh thầm lặng chịu mọi mất mát thiệt thòi.

Nguồn: Blog Phan Chí Thắng
http://pcthang.vnweblogs.com/post/2432/261971

Không có nhận xét nào: