Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Điểm tin giáo dục

DAYVAHOC Điểm tin giáo dục. Báo Lao động với hai bài bài "Đại phẩu giáo dục đại học" và "Giáo dục đi về đâu ?" . Báo Thanh niên thu hút sự quan tâm của dư luận với bài "Mổ xẻ giáo dục đại học". Báo Dân trí giới thiệu "Bí quyết học giỏi tiếng Anh". Tuổi trẻ chủ nhật trao đổi thông tin "Ước mơ về một thư viện online khổng lồ". GS Ngô Quang Hưng (chuyên gia máy tính, Việt kiều Mỹ) viết: "Bản thân tôi tin tưởng tuyệt đối rằng tri thức của nhân loại cần được đến với càng nhiều người càng tốt, giá càng rẻ càng tốt, miễn phí là lý tưởng. Tri thức được khám phá khác với các công trình sáng tạo mà chủ nhân hoàn toàn có quyền giữ bản quyền và thu lợi nhuận. Không ai có quyền mua bán phương trình sóng Maxwell, nhưng có thể bán thuốc chữa AIDS mới nhất.Trông người lại nghĩ đến ta. Liệu có quá viển vông không khi mơ ước rằng một ngày nào đó các sách giáo khoa của chúng ta được để trong một trang web nào đó cho học trò tải xuống miễn phí, để người nghèo nhất cũng có thể nhờ ai đó tải xuống và in ra (và trả ít phí cho việc này), copy lại cho nhiều học sinh khác cùng dùng? Bộ Giáo dục - đào tạo và Nhà nước ta đã tốn bao nhiêu tiền của cho việc soạn thảo sách giáo khoa, còn với cách làm này tiền sẽ được dùng để trả cho người viết sách, trả tiền thuê và bảo trì máy chủ. Bằng cách này, chúng ta có thể loại bỏ được một rào cản (chỉ mang mục tiêu kiếm lợi) giữa tri thức và công chúng, và tiến nhanh đến phổ cập tri thức, vì đây là chiến lược sống còn của Việt Nam."


“ĐẠI PHẨU” GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Lao Động số 129 Ngày 08/06/2010

(LĐ) - Các đại biểu Quốc hội thể hiện sự quan tâm đặc biệt khi thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Giáo dục luôn là nỗi ưu tư chung của cả xã hội.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc quản lý thành lập trường đại học quá lỏng lẻo, trường nhiều nhưng thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên mỏng không đáp ứng yêu cầu. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) than: “Sao một đất nước học trò nổi tiếng thông minh, cần cù; một đất nước mà gia đình nào cũng sẵn lòng nhịn ăn cho con đi học; một đất nước nghèo mà dám đầu tư cho giáo dục 20% GDP mà vẫn chưa có trường đại học lọt vào top 200 thế giới?”.

Thứ bậc 200 trên thế giới chưa thể là hiện thực một khi không có sự thay đổi từ triết lý giáo dục. Đào tạo đại học với những thứ đã lỗi thời, nặng tuyên truyền, thiếu khoa học thì không thể đuổi kịp thiên hạ. Không ai dám đứng ra đề nghị vứt bỏ đi những thứ đã lỗi thời đó để thay vào những cái mới, có ích cho sự phát triển nhận thức và trí tuệ của con người hơn.

Trường đại học mọc lên như nấm, chất lượng đào tạo kém, nhưng không ai chịu trách nhiệm, không cá nhân nào bị kỷ luật. Những người đứng ra thẩm định để cho mở trường đại học đều có tên tuổi rõ ràng, nhưng khi đụng đến sai phạm thì đổ cho một tập thể vô hình. Tập thể đó không có tên, không có chữ ký nên không phải chịu trách nhiệm.

Xã hội có sự chọn lựa khôn ngoan theo tiêu chí chất lượng sản phẩm, trong giáo dục cũng vậy. Sản phẩm giáo dục đại học của VN chất lượng quá thấp thì người dân phải tìm nơi khác.

Đó là câu trả lời tại sao ngày càng nhiều người tìm cách cho con đi du học. Những người có trách nhiệm về đào tạo đại học suy nghĩ gì khi người dân của mình không có niềm tin về giáo dục đại học trong nước, có thấy tiếc cho đồng tiền dành dụm của dân mình lại mang đi làm giàu cho các nước? Nghĩ rồi lại thấy ngậm ngùi, họ lấy được tiền của dân mình vì họ dạy dỗ con người hay hơn và giỏi hơn mình.

Chất lượng đào tạo đại học thấp là một vấn đề lớn của VN. Đó là một thực tế không thể né tránh, phải đối diện với sự thật đó, tìm ra nguyên nhân của sự yếu kém và đưa ra biện pháp khắc phục. Đó là cách duy nhất để cải thiện bộ mặt đại học VN.

Lê Chân Nhân

GÍAO DỤC ĐI VỀ ĐÂU ?

Lao Động số 130 Ngày 09/06/2010

(LĐ) - Diễn đàn Quốc hội mấy ngày nay mổ xẻ về các vấn đề giáo dục (GD). Sự thẳng thắn, đánh giá đúng thực trạng là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi đối diện với sự thật, những người thực sự quan tâm đến GD, lại không khỏi ưu tư, lo lắng.

Lần đầu tiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập đến trách nhiệm của những người đứng đầu ngành GD một cách có hệ thống: “Nếu để tình hình như hôm nay, mặt được hoặc chưa được thì các Bộ trưởng Bộ GDĐT từ năm 1975 đến giờ chắc cùng được chia sẻ và chịu trách nhiệm”.

Nói vậy quả không sai. Lãnh đạo là sự tiếp nối và kế thừa, thì trách nhiệm cũng phải được kế thừa, tiếp nối. Từ năm 1975 đến giờ, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những hệ lụy hôm nay của ngành GD, mà cụ thể là GD đại học?

Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước là GS Tạ Quang Bửu. Cho đến bây giờ, nhiều thế hệ GS, tiến sĩ đã trưởng thành vẫn nhắc đến thầy Bửu và mái trường xã hội chủ nghĩa với một lòng kính yêu, trân trọng, một môi trường GD nghèo khó nhưng trong lành, thực sự quan tâm đến chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, thời GS Bửu quy mô GD còn nhỏ và chưa ai bàn đến vấn đề cải cách GD. Thời Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ cũng vậy, cải cách GD khi đó mới chỉ ở bậc phổ thông. Năm 1990, Bộ GD và Bộ Đại học sáp nhập, GS Trần Hồng Quân làm Bộ trưởng. Đây là thời kỳ có nhiều biến động xã hội lớn. Kinh tế chuyển từ bao cấp sang thị trường…, ngân sách cho GDĐT bị thu hẹp, nhu cầu đào tạo lớn tạo áp lực lên nhà trường…

Bộ trưởng Quân khi đó đã đặt vấn đề cải cách GD với “4 tiền đề (đào tạo không nhất thiết theo chỉ tiêu nhà nước; không chỉ đào tạo cho các cơ quan nhà nước và cơ sở quốc doanh; sinh viên được đào tạo không nhất thiết phải được phân công công việc, mà phải tự tìm việc và tự tạo việc làm cho mình, cho người khác; kinh phí đào tạo không nhất thiết từ ngân sách nhà nước) và 3 mục tiêu (xây dựng đội ngũ giáo viên; xây dựng cơ sở vật chất; đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy).

Những định hướng ấy, cho đến thời điểm này vẫn đúng. Nhưng đáng tiếc là trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Quân cũng chưa làm được nhiều điều mà ông kỳ vọng. Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển tiếp nối năm 1998 với nhiều dự định và hoài bão. Còn nhớ khi đó, Báo Tuổi Trẻ dẫn lời của Bộ trưởng Hiển: “Tôi phải trả giá…”, và rồi ngành GD bắt tay vào việc “sửa sai”…

Tuy nhiên, nhiều năm sau, thực tiễn cho thấy những gì Bộ GDĐT nói và làm lại không mang lại điều gì tốt đẹp hơn. Cải cách GD vốn đã mất phương hướng lại càng trở nên luẩn quẩn. Đến năm 2003, nhiều ý kiến mạnh mẽ tuyên bố: Cải cách GD, phải làm lại từ đầu! Vậy là sau một hồi, cải cách GD lại quay về chỗ cũ!

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tiếp quản ngành GD với một tinh thần nhiệt tình, hăng hái, mong muốn đổi mới. Tuy nhiên, không ít chuyên gia GD nhận định rằng, Bộ trưởng Nhân chưa có được một đội ngũ chuyên gia tốt và chưa được chuẩn bị một cách có hệ thống, vì thế, những lựa chọn ưu tiên cho GD lại chưa thoả đáng.

Ví dụ như chủ trương “2 không” (nói không với tiêu cực, nói không với bệnh thành tích trong GD) và dồn sức xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế. Cho đến bây giờ, “2 không” vẫn còn đó và đẳng cấp quốc tế thì chưa có trường nào có hy vọng đạt được, dù trong tương lai không gần…

Đã mấy chục năm tiến hành cải cách GD, tiền bạc tốn nhiều trăm tỉ đồng, nhưng đến nay nhìn nhận lại, những gì chúng ta làm được cho cuộc cách mạng này xem ra lại chưa đâu vào đâu cả. Để đến hôm nay, diễn đàn Quốc hội nóng với nhiều nhận định đau lòng: “Đại học lộn xộn, không ai chịu trách nhiệm”, “đáng lo ngại!”…rồi chỗ này đổ lỗi cho chỗ kia.

Giáo dục - chứ không phải công nghiệp hoá - hiện đại hoá sẽ quyết định số phận nước ta trong thế kỷ 21- điều ấy là chắc chắn. Nhưng cứ với đà này, GD Việt Nam sẽ đi về đâu?

BÍ QUYẾT HỌC GIỎI TIẾNG ANH

(Dân trí) - Ông Carl Owen, giám đốc Trung tâm du học ISC-UKEAS tại Việt Nam, chia sẻ với độc giả báo Dân Trí những hạn chế của sinh viên Việt Nam khi học tiếng Anh và cách khắc phục những hạn chế đó cũng như một vài bí quyết để học giỏi tiếng Anh.

Theo kinh nghiệm của ông, hiện tại việc học tiếng Anh của người Việt Nam còn tồn tại những hạn chế gì?

Theo tôi, về mặt nâng cao trình độ tiếng Anh, ngoài vấn đề về phát âm mà ai cũng biết, trở ngại lớn nhất của người Việt Nam là việc chưa sử dụng ngôn ngữ này một cách tự nhiên như người bản ngữ mà không bị ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt). Rất nhiều sinh viên Việt Nam có vốn từ vựng rất phong phú và thậm chí nắm vững ngữ pháp hơn cả giáo viên bản ngữ, nhưng nhiều người vẫn sử dụng tiếng Anh không đúng, ngay cả ngữ pháp cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng Việt.

Học sinh Việt Nam dành rất nhiều tiết học ở trường để học về từ vựng và ngữ pháp, học một cách rất “tập trung”. Nhưng tại sao các em vẫn không sử dụng thành thạo tiếng Anh? Đó là bởi vì các em chỉ học trên sách vở. Có nghĩa là các em không dành đủ thời gian để thực hành các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết một cách thực tế như các học sinh trên khắp thế giới học ngoại ngữ. Các em cần học theo kiểu “thoáng” hơn một chút. Chẳng hạn như sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày như là gửi email cho một người bạn, thảo luận để giải quyết 1 vấn đề nào đó, nghe dự báo thời tiết hoặc tin tức trên tivi, hoặc đơn giản chỉ là đọc thực đơn tại nhà hàng.

Ông Carl Owen là một giáo viên tiếng Anh có chuyên môn cao. Ông đã dạy tiếng Anh gần 20 năm tại Anh, Nhật Bản, Đài Loan và Úc. Ông cũng đã có 8 năm làm giám khảo các kỳ thi IELTS. 3 năm trở lại đây, ông làm việc tại ISC-UKEAS (thành viên của Tập đoàn Ngôn ngữ & Kỹ năng AAC), chi nhánh Đài Loan và Việt Nam, với mong muốn giúp đỡ các sinh viên nâng cao trình độ tiếng Anh, tìm được trường du học tốt nhất và chương trình học phù hợp nhất. Ông đã sống ở châu Á được 17 năm và tại Việt Nam được 2 năm.

Theo ông, người học cần làm những gì để khắc phục những hạn chế đó?

Các em cần phải học cách sử dụng tiếng Anh. Có thể thấy một số hướng dẫn viên du lịch người Việt nói tiếng Anh rất tốt mà họ chưa bao giờ dành nhiều thời gian để thực sự học ngữ pháp và từ vựng, nhưng họ đã có rất nhiều thời gian sử dụng tiếng Anh. Tôi nói tiếng Trung Quốc phổ thông rất giỏi nhưng tôi chỉ dành khoảng 100 giờ để học nó một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, tôi đã sống ở Đài Loan 14 năm nên đó là khoảng thời gian tôi thực hành nó.

Các em cần phải thực hành các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết nhiều hơn nữa. Nếu các em muốn bơi giỏi thì đừng dừng lại ở việc chỉ học về kỹ thuật bơi, cách thở hay tập luyện ở phòng thể dục để tăng cường cơ bắp. Các em cũng cần phải nhảy xuống bể bơi và bơi hàng ngày, làm được như vậy, mọi thứ đều trở nên tự nhiên, về sau không cần suy nghĩ đến các động tác mà chúng ta vẫn bơi được một cách dễ dàng. Hàng tuần, các em cần dành một thời lượng nhất định cho việc thực hành tiếng Anh của mình, dành một khoảng thời gian nào đó trong ngày để luyện tập và tự nhủ: “Tôi sẽ nghe/nói/đọc hoặc viết với bạn khoảng 30 phút”.

Chẳng hạn như các em có thể luyện tập thường xuyên bằng cách đọc một cuốn tiểu thuyết hoặc một tờ báo nhưng khi gặp những từ không biết thì không được tra từ điển. Các em cứ đọc và cố gắng đoán nghĩa của chúng. Việc này là một kỹ năng học rất cơ bản và quan trọng. Ví dụ, khi tôi nói: “Anh wen tên cua Em”. Không người Việt nào hiểu được tôi nói gì vì tôi đã phát âm sai từ “quên”! Nhưng nếu họ có kỹ năng đoán từ thì họ có thể dễ dàng hiểu tôi muốn nói gì: Từ nào có thể thay thế vào đó? “Yêu” chăng? “Anh yêu tên của em” thật khác xa trong ngữ cảnh. “Ăn” thì sao? “Anh ăn tên của em” nghe thật kỳ quặc. Cứ như vậy, người nghe cần phải có kỹ năng đoán nghĩa của từ trong 1 ngữ cảnh cụ thể để nâng cao khả năng giao tiếp của mình. Đây là kỹ năng đọc và nghe quan trọng mà nhiều người Việt đã bỏ qua. Tuy nhiên nếu thực hành thường xuyên chúng ta có thể tự cải thiện năng này hoặc học và phát triển chúng với sự giúp đỡ của thầy cô giáo.

Các tổ chức giáo dục và giáo viên tiếng Anh có thể làm gì để giúp học viên vượt qua những hạn chế đó?

Học tiếng Anh tại các trung tâm ngôn ngữ uy tín như AAC có thể giúp các em phát triển tất cả các kỹ năng cần thiết. Tại đây có một hệ thống dạy học, từ việc trang bị cho các em các kỹ năng đến các tài liệu tham khảo và các trang thiết bị truyền thông đa phương tiện hiện đại để giúp các em đạt được mục tiêu của mình. Chỉ có kiến thức về ngữ pháp và từ vựng thôi chưa đủ, các em cần phải thực hành những gì mình đã học. Các em phải thực hành sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên thật nhiều trong lớp học chứ không chỉ như cách học thụ động từ trước tới nay. Các em đừng ngại việc mắc lỗi. Quan trọng là học từ những lỗi đó vì ngôn ngữ được dùng để trao đổi ý nghĩ, thông tin khi chúng ta đọc, nghe, viết hoặc nói. Các giáo viên ở đây sẽ giúp các em làm được điều này.

Ngoài những lớp học tiếng Anh thông thường, những trung tâm này còn có các câu lạc bộ hay các hoạt động ngoại khóa cho các em để thực hành tiếng Anh, như câu lạc bộ tiếng Anh, Câu lạc bộ Tranh luận… Chúng thực sự bổ ích cho các em.

Người học nên đặt mục tiêu học tiếng Anh như thế nào?

Lão Tử có nói: “Đường ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Tôi cho rằng, nếu các em có cách học đúng như tôi đã nêu thì không cần đề ra mục tiêu quá xa vời, mà chỉ cần duy trì việc thực hành thường xuyên và đều đặn các kỹ năng khác nhau, đặc biệt là kỹ năng đọc. Các em sẽ đạt được mục tiêu của mình sớm hơn mong đợi.

Ngoài việc học ở các trường lớp, người học có thể làm gì để nâng cao trình độ tiếng Anh?

Sau đây là 1 vài ví dụ về các cách luyện tập: Các em hãy cố gắng nghe đài trên Internet hoặc nghe nhạc hoặc xem CNN mỗi sáng khi các em ăn sáng hoặc đọc sách mỗi ngày khi ở trên xe buýt hoặc khoảng 30 phút trước khi đi ngủ. Các em có thể tìm những người bạn trên mạng và viết email hàng ngày cho nhau sau bữa tối, hoặc có thể dễ dàng thành lập 1 câu lạc bộ nói tiếng Anh với bạn bè hoặc bạn cùng lớp.

Ông hiện đang phụ trách ISC-UKEAS ở Việt Nam và đang giúp sinh viên nâng cao trình độ tiếng Anh trước khi đi du học. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này?

Như tôi đã nói, các em cần phải có kế hoạch luyện tập hàng ngày các kỹ năng, chủ yếu là nên dành nhiều thời gian luyện tập sau giờ học. Đối với các học sinh chuẩn bị đi du học, các em cần phải đạt được 1 trình độ tiếng Anh nhất định, điều này không dễ dàng và cần phải có thời gian, vì các em sống ở môi trường không nói tiếng Anh. Vì vậy, để đạt được điểm IELTS and TOEFL mà các trường yêu cầu, các em phải có đủ khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo cần thiết như tôi đã nói.

Đối với các bài kiểm tra về kỹ năng đọc, để nâng cao chúng, tôi thấy rằng đọc các tin tức trên báo, tạp chí là cách tốt nhất để nâng cao vốn từ vựng, ngữ pháp theo chủ đề, và chúng sẽ giúp các em hiểu hơn cách sử dụng tiếng Anh khi nói và viết. Đây thường là các kỹ năng khó nhất đối với không chỉ sinh viên Việt Nam, mà còn với sinh viên quốc tế khác.

Một điều nữa là, các em đừng đợi cho đến khi các em thấy mình đủ khả năng thì mới đi thi IELTS hay TOEFL. Để đăng ký học ở các trường nước ngoài, các em cần có điểm thi IELTS hay TOEFL sớm do vậy các em cần phải biết mình yếu ở kỹ năng nào rồi tập trung luyện tập kỹ năng đó để đạt điểm cao hơn trong kỳ thi lần sau.

“Hiện tại, AAC đang tổ chức chương trình học bổng Anh ngữ Tương Lai Vàng với tổng trị giá lên tới 500 triệu đồng. Quý vị phụ huynh và các bạn học viên quan tâm có thể tham khảo website www.aac-edu.com.vn”

ƯỚC MƠ VỀ MỘT THƯ VIỆN ONLINE KHỔNG LỒ

TTCN - Thành lập một nguồn tài nguyên phong phú cho nền học thuật nước nhà, từ cấp vỡ lòng đến chuyên sâu. Từ đó, làm cho Internet hữu ích hơn là một cỗ máy game và chat.

Dưới đây là một ước mơ của GS Ngô Quang Hưng (khoa Khoa học máy tính, Đại học bang New York ở Buffalo - Mỹ). Những gợi ý của ông vừa cho phép giải quyết bài toán in và phát hành sách giáo khoa trong chiều hướng giảm chi phí nhà nước và người sử dụng...

1. Từ một ước mơ

Ngày 25 -10 - 2003, GS Donald Knuth gửi một lá thư đến ban biên tập tạp chí chuyên ngành thuật toán (Journal of Algorithms). Trong thư, ông phân tích giá cả xuất bản các tạp chí chuyên ngành trong ngành lý thuyết khoa học máy tính.

Phân tích cho thấy một số nhà xuất bản (NXB) chuyên nghiệp đã lợi dụng các nghiên cứu khoa học, vốn là miễn phí và tự nguyện, để kiếm lợi quá đáng (trước đây các NXB phải biên tập khá nhiều để có thể đăng một số báo; ngày nay phần mềm miễn phí TeX của chính giáo sư Knuth tạo điều kiện cho các tác giả tự soạn thảo lấy bài báo của mình với chất lượng cao; NXB chỉ là người trung gian, thu bài (đã biên tập, in ấn và phát hành).

Chưa hết, các biên tập viên và chuyên gia phê bình chuyên ngành thường làm việc tự nguyện và miễn phí, hoặc nhận một số tiền tượng trưng. Trong khi đó các thư viện phải trả giá rất đắt để nhận các tạp chí chuyên ngành này. Lá thư này đã làm cả ban biên tập của Journal of Algorithms từ chức và tự thành lập một tờ báo mới online.

Một trường hợp tương tự cũng đã xảy ra với tờ Machine Learning Journal vài năm trước, và toàn bộ ban biên tập của tạp chí này cũng đã thoái vị và thành lập báo online miễn phí về chuyên ngành máy móc (Journal of Machine Learning Research). Báo online về lý thuyết tổ hợp (Online Journal of Combinatorics) đã bắt đầu hành trình này khoảng năm 1995 và đã rất thành công. Giá trị khoa học và danh tiếng của một báo chuyên ngành online hoàn toàn nằm ở danh tiếng của ban biên tập, cho nên các báo online này, dù mới mẻ song đều là đỉnh cao trong ngành.

Báo online trong thời đại chúng ta là giải pháp truyền tải thông tin hữu lý, nhất là đối với các nghiên cứu khoa học. Bất kỳ nhà khoa học chân chính nào cũng muốn công trình, ý tưởng của mình đến với người đọc nhanh chóng nhất, tiện lợi nhất và ít tốn kém nhất (trong trường hợp này là miễn phí). Các nhà khoa học máy tính đều để các bài báo của mình ở homepage (trang chủ) của họ.

Thống kê ở tạp chí Nature cho thấy các bài báo online được đọc và tham chiếu (referred/cited) đến nhiều hơn các bài khác. Chỉ cần một máy chủ đơn giản và ít công bảo trì, phần cơ học của một tờ báo chuyên ngành đã được đảm bảo. Các công việc còn lại là biên tập và phê bình, chọn bài thì các nhà khoa học đằng nào cũng đang làm.

Bản thân tôi tin tưởng tuyệt đối rằng tri thức của nhân loại cần được đến với càng nhiều người càng tốt, giá càng rẻ càng tốt, miễn phí là lý tưởng. Tri thức được khám phá khác với các công trình sáng tạo mà chủ nhân hoàn toàn có quyền giữ bản quyền và thu lợi nhuận. Không ai có quyền mua bán phương trình sóng Maxwell, nhưng có thể bán thuốc chữa AIDS mới nhất.

Trông người lại nghĩ đến ta. Liệu có quá viển vông không khi mơ ước rằng một ngày nào đó các sách giáo khoa của chúng ta được để trong một trang web nào đó cho học trò tải xuống miễn phí, để người nghèo nhất cũng có thể nhờ ai đó tải xuống và in ra (và trả ít phí cho việc này), copy lại cho nhiều học sinh khác cùng dùng?

Bộ Giáo dục - đào tạo và Nhà nước ta đã tốn bao nhiêu tiền của cho việc soạn thảo sách giáo khoa, còn với cách làm này tiền sẽ được dùng để trả cho người viết sách, trả tiền thuê và bảo trì máy chủ. Bằng cách này, chúng ta có thể loại bỏ được một rào cản (chỉ mang mục tiêu kiếm lợi) giữa tri thức và công chúng, và tiến nhanh đến phổ cập tri thức, vì đây là chiến lược sống còn của VN.

2. Đến các vấn đề thực tế

Bạn có thể hỏi:

* Trong tình trạng Internet chưa được phổ cập, người không có Internet thì làm thế nào?

Thử nghĩ vài giải pháp “đơn giản”:

- Ta vẫn có thể in một số ấn bản nhất định để phục vụ các nơi chưa có Internet. Ý tưởng này giống như các báo vừa có bản in vừa có bản online.

- Ở những chỗ có Internet nhưng chưa phổ biến, có thể lập các dịch vụ in ấn và copy địa phương. Việc phân phối này giống như phân phối/đóng gói phần mềm miễn phí. Chẳng phải ta đang có quốc sách phát triển mã nguồn mở hay sao?

- Kế hoạch này hoàn toàn có thể tiến hành song song với việc phổ cập Internet, cho đến khi Internet đến mọi nơi thì cũng đã có nhiều sách online rồi.

* Thế các tác giả sách sẽ sống thế nào?

Dĩ nhiên tác giả phải được trả công xứng đáng.

- Với nhiều triệu truy cập trên các trang sách online này, tiền quảng cáo là một nguồn lợi không nhỏ.

- Giống như phần mềm mã nguồn mở, các tác giả cũng có thể có tiền từ đóng góp của phụ huynh, các công ty và Nhà nước.

* Khi nội dung sách được “mở” cho mọi người phê bình, làm thế nào quản lý được sự hỗn độn này?

- Một hệ điều hành phức tạp như GNU/Linux mà còn có thể mở cho công chúng đọc nguồn, chê bai, sửa chữa, thì không có lý do gì một quyển sách không quản lý được.

Cái lợi của sách giáo khoa miễn phí thì vô cùng:

- Dần dần tiết kiệm công lao động và tiền bạc chuyên chở, phân phối, giảm thiểu quan liêu, tham nhũng liên quan đến xuất bản.

- Các tác giả sẽ có trách nhiệm hơn khi người tiếp nhận chủ động đánh giá công trình của họ.

- Sách có thể được viết nháp, cho mọi người phê bình trước khi cho vào chương trình. Vài triệu đôi mắt sẽ tốt hơn một hội đồng vài chục người, dù là chuyên gia đi nữa. Các lỗi thô thiển sẽ khó mà thoát khỏi quá trình này. Đây chính là cách mà các giáo sư ở nước ngoài vẫn làm khi viết sách: thông thường họ giao bản nháp cho bạn bè, đồng nghiệp dùng để dạy qua vài năm và có biết bao sinh viên góp ý, sửa chữa trước khi in.

- Các tài liệu, bài tập, hình ảnh, liên kết, thông tin có liên quan đến nội dung sách có thể để online. Cả học sinh, sinh viên, lẫn thầy cô đều truy cập được. Tác giả có thể làm rõ điểm này, người dùng thắc mắc điểm kia. Học trò và phụ huynh có thể kiểm tra nếu thầy cô giáo dạy sai. Thầy cô giáo có thể dùng các thông tin liên quan làm cho phòng học sinh động hơn. Ta có thể chia sẻ kinh nghiệm học tập và giảng dạy chủ đề đó.

- Sách có thể được cập nhật thường xuyên hơn, ví dụ như thêm/sửa một chương cho phù hợp với tình hình hiện tại. Nếu dùng sách offline thì phải chờ rất lâu mới có thể phân phối đến người dùng.

- Đây cũng là cách tốt để thanh thiếu niên và cả phụ huynh có động cơ dùng Internet theo hướng tích cực thay vì chỉ vào chat room tán gẫu. Người chưa có Internet thì có động cơ để kết nối Internet, để mua máy tính mới, thúc đẩy thị trường công nghệ cao.

- Với từng cá nhân thì một máy tính, một máy in qua mười mấy năm học sẽ rẻ hơn đi mua cả trăm quyển sách giáo khoa.

3. Hướng về tương lai

Một viễn cảnh lớn hơn là khi các bài giảng, sách vở ở tất cả các bậc học ở VN cũng đều miễn phí. Ta sẽ có một thư viện online khổng lồ. Kiến thức sẽ đến với bất kỳ ai sau một cái click chuột. Học sinh nghèo nhất cũng có khả năng liên lạc với bậc thầy nổi tiếng nhất. Một môi trường học tập, tham khảo mà ai cũng có cơ hội tham gia, bổ túc cho nhau, học hỏi lẫn nhau. Chẳng phải đấy là mục đích tối hậu của phổ cập giáo dục? Trên thế giới ít nhất đã có bốn dự án có chung chí hướng này.

Dự án thứ nhất là của NXB kỹ thuật máy tính số một thế giới: NXB O’Reilly với “dự án sách mở”  (Openbook Project).

Các quyển sách ở đây được đăng ký với vài loại license khác nhau, như GNU Free Documentation License, Open Publication License, GNU General Public License, và bản thân O’Reilly cũng có rất nhiều sách theo Creative Commons Founders’ Copyright.

Dự án thứ hai là từ điển bách khoa toàn thư miễn phí Wikipedia. Với khoảng 300.000 đề mục, Wikipedia là từ điển bách khoa toàn thư lớn nhất thế giới (bộ bách khoa toàn thư của Britanica có khoảng 85.000 đề mục - số liệu tháng 7-2004). Chất lượng của Wikipedia rất cao và tôi dùng nó thường xuyên. Mô hình nhiều người cùng đóng góp theo chuyên ngành (distributed contribution) của Wikipedia là mô hình đáng học tập cho việc phổ cập kiến thức.

Dự án thứ ba là dự án Knowledge của Trung tâm giáo dục khoa học Homi Bhabha của Ân Độ do GS Nagarjuna chủ xướng. Tinh thần của dự án này cũng là kiến thức miễn phí.

Dự án cuối cùng là dự án Open Courseware của Viện Công nghệ Massachusetts. Ở đây rất nhiều bài giảng của các giáo sư hàng đầu thế giới được để mở cho mọi người cùng truy cập.

Người truyền cảm hứng cho ước mơ của tôi là tiến sĩ Richard M. Stallman (thường được gọi là RMS), cha đẻ của phong trào phần mềm miễn phí của thế giới. Không chỉ là bậc thầy về kỹ thuật máy tính, RMS mơ ước làm cho cả thế giới có thể dùng, sửa đổi, phân phối, thậm chí buôn bán các phần mềm miễn phí.

Theo nhiều nghĩa, triết lý này của ông tương đồng với ý tưởng rằng tri thức của nhân loại phải đến với chúng ta nhanh chóng và không tốn kém. Việc các nước chậm phát triển mua phần mềm của các tập đoàn lớn, đối với RMS, là một dạng thuộc địa hóa hiện đại. Người ta sẽ bị ràng buộc một cách rất khó chịu vào các phần mềm đắt tiền này, mà lại không biết trong chúng thật sự viết gì (ví dụ có thể có phần gián điệp cài đặt vào).

RMS cũng đứng đầu phong trào chống software patents, một trong những loại patent vô lý nhất trên đời. Hai mươi năm trước, RMS bắt đầu hiện thực mơ ước của mình bằng dự án GNU. Đến nay thì phong trào phần mềm miễn phí vững vàng đứng trước các tập đoàn phần mềm nhiều trăm tỉ USD.

GS Ngô Quang Hưng

1 nhận xét:

foodcrops nói...

Mời tham gia diễn đàn Dạy và học tại http://fieldcrops.ning.com