Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010

Để phát triển sản xuất trái cây bền vững cần có góc nhìn từ người nông dân


DAYVAHOC. GS.TS. Nguyễn Văn Luật  "Xuất phát điểm từ phía người nông dân để nghiên cứu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ trái cây là một trong những hướng thực hiện Nghị quyết về Tam Nông của Đảng ta một cách thiết thực. Việc nghiên cứu giống và kỹ thuật sản xuất Cây Ăn Quả đã được các tổ chức nghiên cứu làm khá tốt. Tuy nhiên, cần đầu tư vào những đế tài theo hướng xuất phát từ đời sống người nông dân như trên để có sự phát triển bền vững. Cần có những chính sách, những cách tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thế nào để người nông dân chủ yếu lo sản xuất ra những trái cây chất lượng cao, giá thành giảm như các nước phát triển hơn ta như Thái Lan, Malaysia.. Chế biến, tiêu thụ do các công ty và nhà máy lo."

Mấy năm gần đây diện tích sản xuất trái cây tăng nhanh. So với năm 2000 có diện tích sản xuất trái cây là 0,54 triệu ha, những năm sau đều tăng, và đến năm 2008 tăng lên 0,775 triệu ha. Theo thống kê năm 2009, 10 loài cây ăn quả có diện tích chiếm 73,9% so với tổng diện tích, trong đó chuối đạt 113.900 ha; cam quýt 94.200 ha, nhãn 93.500 ha, xoài 87.900 ha, vải 82.700 ha, bưởi 45.200 ha, dứa 39.300 ha, chôm chôm 23.100 ha, và nho 1.200 ha. Chúng ta đang tiến gần hơn tới mục tiêu 1 triệu ha cây ăn quả.

Cũng như vậy đối với giá trị xuất khẩu trái cây. Nằm trong bối cảnh chung: trong khi nhiều ngành nhập siêu trong mấy năm khủng hoảng kinh tế vừa qua, thì nông sản Việt Nam đã xuất siêu với nhiều mặt hàng, trong đó có trái cây. Năm 2003 giá trị xuất khẩu trái cây là 116 triệu USD, thì năm 2009 vừa qua ta đã đạt 344 triệu, đã xuất siêu trên trăm triệu USD. Đạt được những kết quả tốt như trên là do công đầu của nhà vườn, nhà khoa học, doanh nghiệp và các địa phương, nhiều vị đã được tôn vinh “nhận cúp vàng” trong khuôn khổ Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang vừa qua (19-24/4/2010)



Đã có những suy tính đến giá trị xuất khẩu trái cây mỗi năm đạt nửa tỷ USD. Muốn vậy, ngành sản xuất trái cây hàng hóa, bao gồm cả chế biến và tiếp thị, cần có những hướng nỗ lực mới sao cho đạt được tầm chiến lược ông cha ta truyền lại từ bao đời: “Thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền”. Điều thứ nhất và thứ ba đã vượt xa điều thứ hai!. Điều thứ nhì (canh viên) càng quan trọng khi biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gây khó khăn cho “canh điền”, cho việc đảm bảo an ninh lương thực..


Bởi vì, so với tiềm năng, và so với sự đóng góp vào GDP hiện là còn nhỏ như những số liệu đã được nhiều báo đăng tải và bình luận. Từ vài ba thập kỷ trước đây, chúng ta đã thấy, và đã quan tâm đến phát triển kinh tế vườn. Nhiều giải pháp phát triển đã được kiên trì thực thi lập đi lập lại, như: quy hoạch, quy vùng, sản xuất chuyên canh loại trái cây hàng hóa nào đó, xây dựng hàng chục nhà máy chế biến trái cây.. Những nỗ lực trên đã có kết quả thể hiện những bước tiến bộ khá rõ như trình bầy trên. Tuy nhiên, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh mạnh và bền vững. GS.TS Trần Thế Tục đã phát biểu trong một hội thảo về trái cây vào tháng 8/ 2009 ở Viện Cây Ăn  Quả Miền Nam là việc quy hoạch còn theo ý chỉ đạo, chưa sát thực tế và chưa theo yêu cầu của người làm vườn. Cũng như vậy với việc xây hàng loạt nhà máy chế biến trái cây chưa gắn với vùng nguyên liệu nên lãng phí nhiều. Chắc chắn là người nông dân đâu có muốn “trồng- chặt, chặt trồng”. Nhiều người còn cho rằng nông dân không tiếp cận thồng tin, còn sản xuất theo phong trào. Điều này có mặt đúng, nhưng cũng có mặt chưa đúng, vì có biết bao nhiêu các viện nghiên cứu về dự báo, mà nông dân đâu có được thụ hưởng, mà dự báo có khi lại “chệch” xa với thực tế.


Được biết, có vị lãnh đạo ở tỉnh Tiền Giang, một tỉnh có diện tích và sản lượng trái cây đứng đầu so với các địa phương khác, đã có ý kiến đúng là chúng ta chỉ nói đến chuyên canh một vài loại trái cây, khi không bán được như đã xẩy ra nhiều lần, thì có lo được cuộc sống cho nông dân đâu. Cho nên, vấn đề đa canh cần đặt ra một cách thích đáng. Ông Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, hiện làm Chủ tịch Hội Làm Vườn Việt Nam, là một trong những người được nhận Cúp vàng trái cây, luôn kiên trì đóng góp vào việc phát triển VAC, hay vườn đa canh. VAC đã trở thành một trong những “thương hiệu” của Việt Nam đối với nhiều nước đang phát triển. Hai vị khả kính trên, cũng như nhiều nhà khoa học trong lãnh vực phát triển sản xuất trái cây hàng hóa, đã có góc nhìn từ phía người nông dân đối với những giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh trái cây bền vững.


Nếu nhìn từ phía người nông dân, thì đâu có việc xây dựng nhiều nhà máy chế biến trái cây gây lãng phí do không đủ nguyên liệu, mà dành một tỷ lệ vốn thỏa đáng xây dựng hạ tầng cơ sở vùng nguyên liệu, đầu tư nâng cao tay nghể cho người sản xuất trái cây, đầu tư vật tư kỹ thuật, nhất là cho các đơn vị nghiên cứu và địa phương cải thiện cây giống trái cây, là những việc làm có tác dụng thiết thực, bền vững.


Nếu xuất phát từ phía những người nông dân, chúng ta sẽ quan tâm hơn đến sự đóng góp quyết định của nông dân về giống bản địa, về kết hợp sản xuất cây ăn quả, chăn nuôi, thả cá và sản xuất lúa. Những hợp phần sản xuất đa canh sẽ hỗ trợ lẫn nhau hình thành nên mô hình và trở thành những vùng nông nghiệp kinh tế sinh thái VAC, VACR, VACB (biogaze).. kết hợp với du lịch, có tác dụng cải thiện đời sống cho người nông dân. Nếu vậy chúng ta sẽ quan tâm hơn đến việc kế thừa kết quả nghiên cứu khác như với dự án “An ninh lương thực gia đình” (HFS) mà Hội Làm vườn Việt Nam đã thực thi tốt; với đề tài thu thập, đánh giá nguồn gene hay trên 1000 mẫu giống của trên 50 loài cây ăn quả bản địa  mà Trung tâm Tài nguyên Di truyền Nông nghiệp (thuộc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam -VASS) đang quản lý theo cách vừa kết hợp với nơi sinh trưởng phát triển (in- situ) tại 6 đơn vị mạng lưới ở cả nước, và ngoài nới đó (ex- situ), bao gồm ở phòng thí nghiệm, trong kho lạnh, trong ống nghiệm, trong vườn của cơ sở nghiên cứu.


Thuộc loại mô hình VAC trên, có mô hình do anh hùng lao động Hai Hữu ở Long An đã được phát huy ở thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Viện Lúa ĐBSCL đã nghiên cứu tổng kết và được báo cáo ở nhiều hội thảo quốc tế và quốc gia, đã là cơ sở để JIRCAS Nhật Bản vào Việt Nam, đã đầu tư nhiều triệu USD để hợp tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu Việt Nam  liên quan từ ngay sau khi cấm vận được gỡ bỏ, cho đến nay. Viện Lúa ĐBSCL đã kết hợp với việc kiến thiết đồng ruộng đã xây dựng 10 mô hình loại trên; đã tiếp thu từ PGS.TSKH Trần Thượng Tuấn một tập đoàn CAQ 35 loài; đã mang hàng ngàn cây giống xoài Bưởi chịu phèn chịu hạn do PGS.TS Phạm Văn Dư (lúc đó là KS) lấy mẫu từ Tiền Giang trồng ở chùa Lao Vên (xã Viên Bình, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), và trồng ở vườn nhà nông dân Khmer.. Những mô hình trên đến nay vẫn còn tồn tại ở mức độ khác nhau, tất nhiên do đáp ứng được phần nào nhu cầu của người trồng.


Xuất phát điểm từ phía người nông dân để nghiên cứu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ trái cây là một trong những hướng thực hiện Nghị quyết về TAM NÔNG của Đảng ta một cách thiết thực. Việc nghiên cứu giống và kỹ thuật sản xuất CAQ được các tổ chức nghiên cứu làm khá tốt. Tuy nhiên, cần đầu tư vào những đế tài theo hướng xuất phát từ đời sống người nông dân như trên để có sự phát triển bền vững. Cần có những chính sách, những cách tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thế nào để người nông dân chủ yếu lo sản xuất ra những trái cây chất lượng cao, giá thành giảm như các nước phát triển hơn ta như Thái Lan, Malaysia.. Chế biến, tiêu thụ do các công ty và nhà máy lo.


GS.TS. Nguyễn Văn Luật, 27/04/2010

Không có nhận xét nào: