- Hoàng Kim
- Nhà sách HOÀNG GIA
- Ngọc phương Nam
- Chào ngày mới
- Thung dung
- Dạy và học
- Dạy và học BLTV
- Dạy và học ĐHNL
- Cây Lương thực
- Food Crops News
- Food Crops.vn
- Food Crops
- Green Super Rice
- Cassava Viet
- Cassava News
- Gardening Tips
- Học mỗi ngày
- Danh nhân Việt
- Tin Nông nghiệp Việt Nam
- Tình yêu cuộc sống
- Kim on Twitter
- KFB
Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009
Luận về chữ Học
Học cách làm sạch cơ thể khi tắm rửa gọi là HỌC KỲ.
Học những điều vô ích, phí thời gian tiền của gọi là HỌC PHÍ.
Học những điều bậy bạ vô bổ, không đúng chỗ gọi là HỌC BẠ.
Học cách trò chuyện trong giao tiếp gọi là HỌC TRÒ.
Học cách gia giảm như nếm thức ăn, thức uống gọi là HỌC VỊ.
Học cách dậy đúng giờ, chống ngủ gà ngủ gật gọi là HỌC THỨC.
Học cách phân biệt đúng sai, tránh mua nhầm đồ giả gọi là HỌC GIẢ.
Người già noi gương tốt học tập cho con cháu gọi là HỌC CỤ.
Bảy điều cần (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng, liêm) mà không học gọi là THẤT HỌC.
Học đang vô, đang tuổi học mà không chịu học, gọi là VÔ HỌC.
Học dài dài "dạy không biết chán, học không biết mỏi" gọi là TRƯỜNG HỌC.
Học cách bài bác cái dở, cái xấu gọi là BÁC HỌC.
(Sưu tầm từ Blog Zikzak - có cải biên)
Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009
Cần phân định rõ thế nào là đề tài khoa học
DẠY VÀ HỌC. Báo Tia Sáng đăng bài của GS. Hoàng Tụy: "Cần phân định rõ thế nào là đề tài khoa học", trong đó có đoạn "Muốn nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học thì một điều không thể không làm là cần chấm dứt tình trạng lấy một phần không nhỏ kinh phí nghiên cứu khoa học để bù đắp thêm cho tiền lương. Nhưng muốn làm được điều đó thì trước hết lương phải thỏa đáng, phải căn cứ vào trình độ, kinh nghiệm của nhà khoa học, và như vậy phải đánh giá đúng trình độ nhà khoa học ấy."
Tôi cho rằng, việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là cần phân định rõ thế nào là nghiên cứu khoa học và thế nào là nghiên cứu nghiệp vụ của bản thân từng cơ quan. Ví như, cái bàn và cái ghế đều quan trọng, chúng ta đều cần cả. Nhưng đáng lẽ cái gọi là cái bàn thì chúng ta lại gọi là cái ghế, rồi chúng ta lại than phiền không có chỗ mà viết dù có đủ sách vở, bút giấy. Tình trạng của chúng ta cũng giống như vậy.
Tôi đã tham gia nhiều hội nghị về các đề tài khoa học cấp Nhà nước của một số ngành. Theo tôi, những cái gọi là đề tài khoa học ấy thực ra thuộc về chức trách, nhiệm vụ của họ. Chẳng hạn, làm giáo dục thế nào cho tốt thì đấy là công việc mà cơ quan lãnh đạo giáo dục cần phải nghiên cứu. Nhưng rồi, việc đó của họ lại thành một đề tài khoa học cấp Nhà nước, được cấp kinh phí, theo tôi dự đoán là khoảng gấp mười, gấp trăm các đề tài nghiên cứu khoa học tự nhiên. Nhiều cơ quan khác cũng có tình trạng đó. Họ đã được Nhà nước cấp cho bao nhiêu phương tiện để làm nhiệm vụ của mình, nhưng rồi họ lại “biến” nhiệm vụ đó thành không biết bao nhiêu đề tài nghiên cứu (vì chúng ta quản lý không minh bạch nên khó mà biết được số lượng thế nào). Chẳng hạn như việc nghiên cứu, giảng dạy và viết sách giáo khoa là việc hết sức quan trọng cho giáo dục. Việc đó cần được Bộ Giáo dục khuyến khích và có kinh phí khuyến khích. Nhưng việc đó là thuộc Bộ Giáo dục. Về phương diện khoa học, không thể coi sách giáo khoa là một công trình khoa học được. Trừ khi trong sách giáo khoa đó có nhiều điểm mới về khoa học thực sự có thể coi là công trình khoa học.
Tôi rất thấy làm lạ khi có nhà báo đưa cho tôi một tập các đề tài khoa học của thành phố Hà Nội, trong đó, nhiều đề tài đọc đầu đề lên đã thấy không đâu trên thế giới này coi là đề tài khoa học. Đấy là ở cấp thành phố. Ở cấp Bộ, tôi chắc cũng có nhiều trường hợp như thế. Tôi dự tính đến 70-80% kinh phí khoa học là để cấp cho các “đề tài” kiểu đó. Còn lại khoảng 20-30% cấp cho đề tài khoa học công nghệ. Bản thân tôi rất coi trọng tất cả các công trình nghiên cứu nghiêm túc ở tất cả các ngành. Tôi không gộp những cái đó vào đây, nhưng quả thật có nhiều công trình không có một giá trị gì cả. Đã vậy lại nhận kinh phí gấp trăm gấp ngàn lần các đề tài khác.
Liên quan đến vấn đề này là việc đánh giá và xem xét hiệu quả các công trình khoa học. Hiện nay xã hội chúng ta có nhiều cách đánh giá khoa học mà tôi cho là quá ấu trĩ. Có người nói, bao nhiêu công trình nghiên cứu khoa học công bố báo này, báo kia trên quốc tế nhưng có tác dụng gì trong nước đâu, cũng chẳng làm ra cơm áo gì. Đó là những quan niệm hết sức sai lầm. Tất cả các nước trên thế giới, đến 90% các công trình nghiên cứu cũng không ra cơm ra áo ngay được. Khoa học là cả một hệ thống. Sở dĩ bây giờ có nhiều thành tựu khoa học kỳ diệu, như là về sinh học, giải mã bản đồ gene người, phóng vệ tinh, thám hiểm cái này cái nọ, máy tính…, đó không phải chỉ do công lao của những người làm trong lĩnh vực ấy. Có một nhà toán học suốt đời không quan tâm và cũng chẳng hiểu gì về máy tính. Ông chỉ chuyên nghiên cứu về lý thuyết đồ thị Graph. Nhưng khi ông mất đi, chính các nhà công nghệ thông tin đã nói rằng, ông là một trong những người đã giúp ích nhiều nhất cho sự phát triển của công nghệ thông tin.
Vì vậy, cần có sự phân biệt giữa Khoa học cơ bản và Khoa học ứng dụng. Trong toán học cũng đã từng có sự phân biệt đó, nhưng rồi người ta nhận thấy: không có cách nào phân chia rạch ròi toán ứng dụng và toán lý thuyết. Chỉ có hai loại: toán tốt và toán tồi. Tôi cho rằng điều đó đúng với khoa học nói chung. Tại sao lại đòi hỏi những nghiên cứu khoa học phải tiến hành làm ra ngô ra khoai ra lúa ra gạo ngay. Nếu như thế thì không chỉ có ta không làm được mà trên thế giới không có nước nào làm được điều đó. Đó là đòi hỏi những cái không thể, vì như vậy là tách từng cái một ra khỏi hệ thống. Tuy không trực tiếp làm ra lúa ra gạo, nhưng trên thế giới này, nếu không có 90% những công trình không có tác dụng ấy thì cũng không thể có 10% các công trình ứng dụng kia.
Gần đây, tôi thấy có những bước tiến lớn đáng vui mừng trong quản lý nghiên cứu cơ bản của Bộ KH&CN, dù rằng, chúng ta cần phải cải tiến nhiều nữa, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu triển khai. Thay vì nói chuyện chiến lược, hãy nói chuyện soạn thảo và thực hiện nghiêm túc các chính sách cụ thể.
Ngoài ra, còn có một vấn đề lớn về môi trường và điều kiện làm việc của nhà khoa học. Đây là vấn đề không phải chỉ riêng của Bộ KH&CN mà là của cả xã hội, mà theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là do chính sách tiền lương và tham nhũng gây nên. Như trong ngành giáo dục, tính ra số tiền Nhà nước và các địa phương đầu tư cho giáo dục cũng như nhân danh đầu tư cho giáo dục, nếu quản lý tốt và không có tham nhũng thì có thể nói là thừa để đảm bảo mức sống hợp lý cho giáo viên cũng như cán bộ giảng dạy ở đại học, để cho họ có thể sống bằng đồng lương và tập trung làm công việc của họ thay vì phải làm tay trái, thậm chí phải làm nhiều việc phi đạo đức (nhiều người làm như vậy mà bản thân họ cũng rất đau lòng).
Muốn nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học thì một điều không thể không làm là cần chấm dứt tình trạng lấy một phần không nhỏ kinh phí nghiên cứu khoa học để bù đắp thêm cho tiền lương. Nhưng muốn làm được điều đó thì trước hết lương phải thỏa đáng, phải căn cứ vào trình độ, kinh nghiệm của nhà khoa học, và như vậy phải đánh giá đúng trình độ nhà khoa học ấy. Ở tất cả các nước văn minh mà tôi đã có dịp đến, tôi đều thấy các giáo sư, các nhà khoa học sống trên mức trung bình. Họ không phải làm những việc khác ngoài nghiên cứu. Còn kinh phí khoa học của họ phần lớn để đi trao đổi, nhận nghiên cứu sinh, làm thêm thí nghiệm… chứ không phải để bổ sung vào tiền lương.
Chính sách tiền lương hiện nay của chúng ta là một nguyên nhân chủ yếu đẻ ra nhiều hiện tượng tiêu cực. Và một hậu quả khác là, vì cơ chế đó cho nên nhiều nghiên cứu không phải là khoa học cũng xưng là khoa học và nhận kinh phí. Đặc biệt là những đề tài động đến những chuyện to tát như đường lối của Nhà nước, chính trị, xã hội… rất dễ được cấp tiền “nghiên cứu”.
---------------
Lược ghi phát biểu tham luận tại Hội thảo: Định hướng và Giải pháp phát triển KH&CN Việt Nam 2010 – 2020
(Nguồn: Tia Sáng http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=100&CategoryID=36&News=2853)
Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009
Phải là những người làm khoa học thực sự
GS Chu Hảo
DẠY VÀ HỌC. Báo Sinh viên Việt Nam. Lê Ngọc Sơn đã phỏng vấn GS, Chu Hảo nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN). Sau khi về hưu, ông là một nghiên cứu viên độc lập. GS Chu Hảo khá am tường về thực trạng của việc nghiên cứu KHCN hiện nay, và đường đi của những đồng tiền dành cho lĩnh vực này...GS. Chu Hảo nói: "Theo tôi, việc tổ chức nghiên cứu khoa học cho sinh viên ở các trường đại học đang có nhiều bất cập. Bất cập thứ nhất là thầy giáo không đủ thì giờ, và nguy hại hơn nữa là không có nhu cầu nhiều lắm cho việc nghiên cứu khoa học. Chuẩn mực nghiên cứu khoa học chưa được đồng thuận trong giới nghiên cứu. Mỗi người hiểu nghiên cứu khoa học theo một cách khác nhau, một phách khác nhau. Đáng lẽ ra công tác nghiên cứu được tổ chức ở những nơi có thầy giáo hướng dẫn, dù em sinh viên có giỏi đến mấy đi nữa mà chưa qua bậc đại học, chưa bao giờ làm công tác nghiên cứu thực sự, thì vẫn cần có sự hướng dẫn để đi cho đúng hướng. Và người hướng dẫn phải là những người làm nghiên cứu thực sự. Thế mà bây giờ thầy không làm nghiên cứu thì làm sao hướng dẫn được trò làm nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh. Có thể có những vấn đề mà thầy giáo không nghiên cứu, nhưng sinh viên vẫn có thể tự mày mò, vì ở một chừng mực nào đó sinh viên có thể tìm các dữ liệu trên mạng Internet để làm. Nhưng đi vào nghiên cứu một cách thực thụ, nếu không có thầy hướng dẫn nghiên cứu nghiêm chỉnh thì e là sinh viên khó lòng tiến xa."
"QUỸ PHÁT TRIỂN KHCN KHÁC QUỸ… XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO"
Thưa GS, theo ông, ngân sách dành cho KHCN đang được sử dụng như thế nào?
Tôi theo dõi nhiều năm thì thấy rằng việc sử dụng nguồn kinh phí dành cho các hoạt động khoa học - công nghệ mấy chục năm nay có nhiều điều chưa hợp lý, nếu không muốn nói là chưa có hiệu quả.
Theo tôi được biết, từ năm 2000, mỗi năm Nhà nước đầu tư khoảng 2% chi ngân sách (hiện nay là khoảng 8.000 tỷ đồng) cho KHCN.
Nhưng số tiền thực sự dành cho các nghiên cứu KHCN có vẻ như không được nhiều lắm. 8000 tỷ đồng (khoảng 400 triệu USD) được phân bổ đại loại như sau:
Khoảng 43% là đầu tư phát triển và xây dựng cơ bản do Bộ KHĐT trực tiếp quản lý; gần 20% đưa về các Bộ, ngành; gần 20% đưa về các địa phương; gần 20% còn lại do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý, trong đó khoảng 17% dành cho các chương trình, dự án, đề tài cấp Nhà nước.
Các chương trình, đề tài cấp Nhà nước chưa được tổ chức và quản lý một cách có hiệu quả; các chương trình, đề tài cấp Bộ, ngành và địa phương quản lý còn kém hiệu quả hơn nhiều!
Ấy vậy còn có khi… tiêu không kịp, cuối năm phải trả lại Bộ Tài chính.
Tiêu không kịp cũng một phần bởi hệ thống công bố, tuyển chọn, đấu thầu các đề tài đó vẫn còn cồng kềnh, nặng nề, và lại theo năm kế hoạch.
Nếu là kế hoạch 5 năm, thì đã mất gần 1 năm đầu và gần 1 năm cuối cho việc xây dựng kế hoạch và tổng kết kế hoạch. Như vậy thời gian thực sự cho nghiên cứu khoa học còn không được là bao.
Cách tổ chức chương trình, đề tài, cách lựa chọn đơn vị thực hiện... cho đến nay tuy đã cải tiến, nhưng vẫn chưa có được sự thay đổi thực chất. Nếu cứ tiếp tục làm như hiện nay, thì chắc là KHCN của VN vẫn chưa thể có sức bật.
Hiện nay đã có một bước tiến khá tốt cho nghiên cứu cơ bản thông qua Quỹ Phát triển KHCN. Thế nhưng ngoài đề tài về nghiên cứu cơ bản, thì còn có những đề tài khác mang tính chất ứng dụng, dự án.v.v... vẫn tổ chức theo chương trình, đề tài như ngày xưa.
Quan điểm của ông trong vấn đề này là như thế nào?
Theo tôi nghĩ, đáng lẽ ra chúng ta cần bỏ cách nghiên cứu theo chương trình, đề tài như hiện nay. Mà tập trung vào một quỹ có tên là Phát triển khoa học, và tập trung vào Trung ương, theo mô hình Quỹ Nghiên cứu khoa học của Mỹ.
Và quỹ này có hội đồng khoa học "chất lượng cao" để lựa chọn những đơn xin tài trợ nghiên cứu một cách liên tục, thường xuyên, không theo kiểu năm kế hoạch.
Cấp trực tiếp cho đơn vị làm nghiên cứu, không qua bất cứ một cơ quan quản lý trung gian nào cả.
Đương nhiên là khi cấp, thì cơ quan quản lý đơn vị nghiên cứu khoa học đó có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng để cùng theo dõi.
Theo tôi, không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản như hiện nay, mà cả các lĩnh vực nghiên cứu khác, nếu được tổ chức theo mô hình trên thì sẽ hiệu quả hơn nhiều….
Theo GS, đâu là sự lãng phí trong nghiên cứu khoa học hiện nay?
Tôi cho rằng sự lãng phí ở chỗ những kết quả nghiên cứu chưa được đăng thành các bài báo nghiêm chỉnh, và chưa được ứng dụng nhiều.
Theo dõi nhiều thì thấy rằng, một số công trình khoa học đã cho kết quả, nhưng nhiều công trình chẳng "kết trái, ra hoa" mà chỉ là những tập tài liệu báo cáo nghiệm thu mà thôi.
Không ít công trình chỉ làm cho có, nhiều đề tài làm theo kiểu "trời ơi đất hỡi", nghe tên đã thấy là không ổn.
Tôi thấy một thực tế: có nhiều vấn đề là nhiệm vụ chuyên môn đương nhiên của các cơ quan chuyên ngành lại được "vẽ ra" thành đề tài nghiên cứu khoa học.
Nhiều quan chức và cán bộ lãnh đạo làm chủ nhiệm các chương trình, đề tài nghiên cứu ở cấp địa phương cũng như ở Trung ương. Có lẽ đấy là những biểu hiện bất thường. Nhưng tiếc thay lại ngày càng phát triển.
Có ý kiến cho rằng, có nhiều người có chức danh và học vị xem ngân sách dành cho KHCN là một bầu sữa, hoặc là quỹ... xóa đói giảm nghèo. Nên không ít người cũng cố gắng "thâm canh, tăng vụ"...?!
(Cười) Đó là một thực tế lâu nay. Nhiều người không hiểu biết chuyên môn vẫn đứng tên chủ nhiệm đề tài.
Với chuẩn mực khoa học không nghiêm túc, nhiều người ngộ nhận ngân quỹ dành cho KH&CN là công cụ để… "xóa đói giảm nghèo", bù cho lương.
Bên cạnh đó, trong khoa học, ít nhiều đang còn tình trạng học phiệt. Có những người làm khoa học theo kiểu "sống lâu lên lão làng".
Có người có bằng cấp rồi, nhưng 20 năm nay không nghiên cứu gì cả, không có một công trình nghiên cứu nào cả , vậy mà vẫn được coi là "nhà khoa học đầu đàn", vẫn tham gia các Hội đồng Khoa học để xét duyệt và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu…
Phải phân biệt được rằng, việc quan chức làm khoa học có thể có 3 trường hợp xảy ra:
Một là, các anh em trẻ làm khoa học không có mối quan hệ để xin được đề tài, nên phải dựng một vị quan chức lên đứng tên cho dễ xin, và càng dễ xin hơn khi vị này đã có học vị nào đó. Đây là tình trạng khá phổ biến.
Thứ hai, chính bản thân các quan chức không nghiêm túc, tự muốn làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu để tư lợi cho mình. Đây là một kiểu tham nhũng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, là có những vị quan chức muốn làm khoa học thực sự nghiêm chỉnh, cần được khuyến khích, nhưng phải có cơ chế hợp lý.
THẦY KHÔNG NGHIÊM TÚC, THÌ KHÓ ĐÒI HỎI Ở TRÒ
GS đánh giá thế nào về tình hình nghiên cứu khoa học của sinh viên hiện nay?
Theo tôi, việc tổ chức nghiên cứu khoa học cho sinh viên ở các trường đại học đang có nhiều bất cập. Bất cập thứ nhất là thầy giáo không đủ thì giờ, và nguy hại hơn nữa là không có nhu cầu nhiều lắm cho việc nghiên cứu khoa học.
Chuẩn mực nghiên cứu khoa học chưa được đồng thuận trong giới nghiên cứu. Mỗi người hiểu nghiên cứu khoa học theo một cách khác nhau, một phách khác nhau.
Đáng lẽ ra công tác nghiên cứu được tổ chức ở những nơi có thầy giáo hướng dẫn, dù em sinh viên có giỏi đến mấy đi nữa mà chưa qua bậc đại học, chưa bao giờ làm công tác nghiên cứu thực sự, thì vẫn cần có sự hướng dẫn để đi cho đúng hướng.
Và người hướng dẫn phải là những người làm nghiên cứu thực sự. Thế mà bây giờ thầy không làm nghiên cứu thì làm sao hướng dẫn được trò làm nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh.
Có thể có những vấn đề mà thầy giáo không nghiên cứu, nhưng sinh viên vẫn có thể tự mày mò, vì ở một chừng mực nào đó sinh viên có thể tìm các dữ liệu trên mạng Internet để làm.
Nhưng đi vào nghiên cứu một cách thực thụ, nếu không có thầy hướng dẫn nghiên cứu nghiêm chỉnh thì e là sinh viên khó lòng tiến xa.
Tôi không phủ nhận rằng có nhiều sinh viên rất thông minh, có thiên hướng và điều kiện để làm nghiên cứu. Nhưng xin nhắc lại, vấn đề quan trọng là sinh viên cần được tổ chức và hướng dẫn của thầy giáo và của nhà trường.
Tình trạng nghiên cứu khoa học èo uột như ông phân tích ở trên, vậy GS giải thích thế nào khi vẫn có nhiều tiến sĩ trong nước được "ra lò" ào ạt?
Bạn thử đi tìm mấy cuốn luận án tiến sĩ, rồi đối sánh chúng với nhau, sẽ thấy không ít chuyện cười ra nước mắt. Nhiều công trình giống nhau giống như cừu Doly được nhân bản, hoặc nhiều công trình chất lượng kém đến mức không thể chấp nhận được.
Nhìn vào đó thì mới biết thực trạng chất lượng của các công trình nghiên cứu của ta hiện nay ra sao. Nghĩ đến chuyện phải có 2 vạn tiến sĩ trong 10 năm nữa thì quả là vấn đề nan giải.
Xin cảm ơn GS!
BÀI: Lê Ngọc Sơn
Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2009
Trường tôi và lòng thương yêu gửi lại của thầy Lưu Trọng Hiếu
DAYVAHOC. Báo Người Lao Động đưa tin: "Nhân giỗ đầu cố PGS-TS Lưu Trọng Hiếu, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM gia đình đã trao tặng 145 triệu đồng cho sinh viên nghèo hiếu học của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Lúc sinh thời, PGS-TS Lưu Trọng Hiếu đã mong muốn thành lập quỹ học bổng để hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí phấn đấu học giỏi. Thể theo di nguyện, gia đình đã dành toàn bộ số tiền phúng điếu để đưa vào quỹ học bổng “Đồng hành cùng ĐH Nông Lâm TPHCM”. Cố PGS-TS Lưu Trọng Hiếu đã từng được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Nông nghiệp Bội tinh". Thầy Hiếu mất ngày 15.5 2008 dương lịch. Thầy lưu dấu những ký ức "Trường tôi" trong bài viết thương yêu gửi lại.
TRƯỜNG TÔI
Năm mươi năm thành lập Trường Đại Học Nông Lâm Thành Phố Hồ Chí Minh,
Một trăm năm thành lập ngành đào tạo Thú Y tại Việt Nam
PGS.TS. Lưu Trọng Hiếu
Bài viết nhân kỷ niệm 50 thành lập Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh
Thường thì khi cưới nhau được hai mươi lăm năm người ta tổ chức đám cưới bạc và cưới nhau được năm mươi năm người ta tổ chức đám cưới vàng. Năm nay, trường chúng ta tổ chức lễ Kim Khánh để mừng Trường vừa tròn năm mươi tuổi và cũng là dịp để chúng ta ôn lại một trăm năm thành lập ngành đào tạo thú y Việt Nam.
Năm 1974 để chuẩn bị phúc trình tốt nghiệp kỹ sư, anh Nguyễn Văn Kiểm có đề nghị tôi hướng dẫn anh tìm hiểu về việc đào tạo chuyên viên cao cấp ngành Thú Y và Chăn Nuôi tại Việt Nam. Tôi nhận lời vì biết anh rất gắn bó với ngành giáo dục nông nghiệp từ khi anh đến trường vào những năm đầu tiên khi trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao vừa được thành lập tại tỉnh Đồng Nai Thượng. Anh đã dành nhiều thời gian và công sức đến thư viện Quốc gia và thư viện Bộ Canh Nông tham khảo tài liệu, xin ý kiến của nhiều vị giáo sư, nhiều vị lão thành trong ngành nông nghiệp. Anh đã sưu tập, sao chép lại toàn bộ các nghị định, các sắc lệnh thành lập trường, thành lập ngành giáo dục Thú Y qua các thời kỳ Toàn quyền Beau, Toàn quyền Sarraut, Toàn quyền Merlin, Toàn quyền Decoux và sau năm 1954 anh đã sưu tập lại toàn bộ các nghị định, các sắc lệnh có liên quan đến việc thành lập Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao, quy chế tuyển sinh, chương trình đào tạo, quy chế giáo sư cho đến năm 1974 là năm anh viết bảng phúc trình tốt nghiệp. Bảng phúc trình này hiện đang được lưu trữ và có thể tham khảo tại thư viện Đại Học Nông Lâm Thủ Đức Thành Phố Hồ Chí Minh.
(PGS.TS Lưu Trọng Hiếu, người thứ hai bên phải, cùng nguyên Hiệu trưởng Bùi Cách Tuyến trong chuyến công tác ở Hà Nội)
Hơn ba mươi năm qua từ đó cho đến nay một hệ thống giáo dục nông nghiệp được thành lập từ Bắc chí Nam, nhiều trường đại học, trung học nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi đã ra đời. Tôi thiết nghĩ nên có những công trình nghiên cứu, sưu tập lại các văn bản, các nghị định thành lập các trường, các văn bản hướng dẫn tuyển sinh, các chương trình đào tạo, nghiên cứu trong hệ thống giáo dục nông nghiệp như công trình của kỹ sư Nguyễn Văn Kiểm đã thực hiện trước đây.
Theo báo cáo và các tài liệu mà anh Nguyễn Văn Kiểm sưu tập được thì từ những thập niên cuối của thế kỷ XIX người Pháp đã thiết lập một hệ thống bảo vệ gia súc tại Việt Nam theo bộ luật ngày 22 tháng 7 năm 1881, đặc biệt là các điều 38 và 39 trong bộ luật này có liên quan đến chức năng của Sở Thú Y.
Vào năm 1904, người Pháp đã bắt đầu mở ngành đào tạo thú y sĩ tại Việt Nam để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, thanh tra thú sản. Nhiệm vụ đào tạo bác sĩ thú y sĩ lúc đầu được giao cho Trường Y Khoa Hà Nội theo nghị định ngày 25 tháng 10 năm 1904 của Toàn quyền Beau về việc tổ chức lại trường này. Đến năm 1910 Ban Thú Y của Trường Y khoa và bệnh xá thú y được cải biến thành Trường Thú Y Bắc Kỳ tách ra khỏi Trường Y Khoa và được đặt dưới sự chỉ đạo của Thống sứ Bắc Kỳ theo nghị định ngày 11 tháng 8 năm 1910 của Toàn quyền Klobukowshi.
Đến năm 1917 Trường Thú Y Bắc Kỳ được cải biến thành Trường Thú Y Đông Dương theo nghị định ngày 15 tháng 9 năm 1917 của Toàn quyền Sarraut.
Đến năm 1922 ngoài bệnh xá thú y, Trường Thú Y còn có Phòng thí nghiệm nghiên cứu thú y theo như nghị định ngày 18 tháng 11 năm 1922.
Nghị định ngày 24 tháng 3 năm 1925 của Toàn quyền Merlin ấn định quy chế hoạt động và học tập của sinh viên Trường Thú Y Đông Dương. Chương trình học tập của sinh viên là 4 năm sau khi tốt nghiệp Tú Tài và sinh viên phải trải qua một kỳ thực tập tại Viện Pasteur Nha Trang trong 3 tháng. Nghị định này cũng nói rõ hoạt động của Phòng thí nghiệm Vi sinh bao gồm cả Vi sinh, ký sinh, khám tử, bệnh xá thú y và dược phòng thú y của Trường.
Tháng 10 năm 1935 Trường Thú Y Đông Dương đóng cửa do khủng hoảng kinh tế và bệnh xá thú y của trường vẫn duy trì hoạt động.
Đến năm 1941 Trường Thú Y hoạt động trở lại theo nghị định ngày 28 tháng 4 năm 1941 của Toàn quyền Decoux.
Ngày 17 tháng 10 năm 1941 bệnh xá thú y Hà Nội lại được sát nhập vào Trường Thú Y Đông Dương. Chương trình học được rút ngắn xuống còn 3 năm rưỡi trong đó năm đầu sinh viên học tại Viện Đại Học Hà Nội cùng với sinh viên Trường Đại học Nông Lâm, ba học kỳ kế tiếp học tại Trường Thú Y và năm cuối cùng học tại Viện Pasteur Nha Trang.
Sang năm 1942 Trường lại cải tổ theo nghị định ngày 3 tháng 8 năm 1942 của Toàn quyền Decoux và chương trình vẫn giữ nguyên là 3 năm rưỡi được phân bố như sau: Năm đầu học tại Viện Đại học Hà Nội cùng với sinh viên Nông Lâm. Năm thứ hai và năm thứ ba học tại Trường Thú Y và học kỳ cuối học tại Viện Pasteur Nha Trang.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945 Trường lại đóng cửa do Nhật đảo chính.
Vào tháng 6 năm 1945 Trường mở cửa trở lại và có tuyển thêm khoá mới, nhưng khoá này chỉ học một năm rồi giải tán.
Đến cách mạng mùa thu, ngày 19 tháng 8 năm 1945 trường lại đóng cửa.
Vào khoảng tháng 2 năm 1946 trường mở cửa trở lại.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946 trường lại đóng cửa và sau đó trường được di chuyển vào Thanh Hoá để hoàn tất đào tạo khoá 1944 và sinh viên tốt nghiệp vào năm 1948.
Trường Thú Y Hà Nội, sau này là Trường Thú Y Đông Dương đã tồn tại trong tiền bán thế kỷ XX và những thú y sĩ do trường đào tạo đã phát huy tác dụng bảo vệ đàn gia súc, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trong suốt thế kỷ qua. Những người con ưu tú của trường như bác sĩ Phạm Văn Huyến, nhạc phụ của hai giáo sư Trịnh Văn Thịnh và giáo sư Ngô Bá Thành, phó giáo sư Điền Văn Hưng, phó giáo sư Trần Nhơn, phó giáo sư Nguyễn Vĩnh Phước, bác sĩ Vũ Thiện Thái, bác sĩ Nguyễn Lương, bác sĩ Nguyễn Bá Lương, bác sĩ Nguyễn Hữu Nghiệp, bác sĩ Lê Thước, bác sĩ Nguyễn Trọng Trử, bác sĩ Vũ Đình Chính, bác sĩ Tôn Thất Ngữ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, bác sĩ Lê Văn Tứ,, bác sĩ Nguyễn Văn Tư, bác sĩ Lê Hội Phú đã để dấu ấn của mình trong suốt 50 năm qua, đã từng là những nhà giáo ưu tú, là những con chim đầu đàn trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, những nhà vi trùng học, nhà bệnh lý học gia súc, nhà ký sinh trùng học, nhà di truyền học, nhà dinh dưỡng học, nhà quản lý chăn nuôi lỗi lạc trong cả nước, là thầy của nhiều người thầy, đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu chăn nuôi thú y có giá trị phục vụ cho sản xuất và bảo vệ gia súc.
Sau hiệp định Genève năm 1954 Học viện Nông Lâm được thành lập tại miền Bắc và Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao, tiền thân của Đại học Nông Lâm được thành lập tại miền Nam.
Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao được thành lập theo nghị định 112 BCN/NĐ ngày 19 tháng 11 năm 1955. Trường đào tạo ba ngành Nông Lâm Súc. Trường gồm một cấp Cao đẳng đào tạo các kỹ sư dành cho các sinh viên đã học hết chương trình trung học thời gian học lúc đầu là 3 năm, sau này là 4 năm và cấp Trung đẳng đào tạo các kiểm sự dành cho các học sinh đã đậu bằng Trung học đệ nhất cấp, Trung học phổ thông hoặc học lực tương đương. Thời gian học là 3 năm. Ngoài ra còn có những khoá học theo mùa, theo các chuyên đề tuỳ theo nhu cầu( đào tạo các kỹ thuật viên cải cách điền địa, hợp tác xã, trồng hoa, chăn nuôi…).
Giáo sư đoàn của trường được tuyển lựa từ các chuyên viên cao cấp canh nông, thuỷ lâm, mục súc, được hưởng những quyền lợi cùng các khoản cung cấp cho các giáo sư đại học.
Trường trực thuộc Nha Học vụ Kỹ thuật và Thực hành Canh nông, Bộ Canh Nông. Khóa đầu tiên cấp Trung đẳng được khai giảng vào ngày 12 tháng 12 năm 1955 và khoá đầu tiên cấp Cao đẳng được khai giảng vào ngày thứ hai tuần lễ đầu tiên tháng 11 năm 1959 và đã bế giảng vào ngày thứ bảy tuần lễ đầu tiên tháng 11 năm 1962.
Nghị định 1361/BCTNT/NĐ/HC-2 ngày 26-3-1962 của Bộ Cải Tiến Nông Thôn đã chuyển giao nhiệm vụ và cơ sở Học vụ Kỹ thuật Canh nông và các trường trực thuộc về Bộ Quốc Gia Giáo Dục
Theo nghị định 1184/GD/TC ngày 24-8-1963 cấp Cao đẳng Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục tại Sài Gòn được cải biến thành Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn và do một giám đốc điều khiển, trực thuộc Nha Học vụ Nông Lâm Súc. Cũng theo nghị định này, kể từ niên học 1963-1964 thời hạn học tại Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc được ấn định là 4 năm.
Cấp Trung đẳng Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Bảo Lộc được cải biến thành Trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
Theo nghị định 483/GD ngày 23-3-1967 Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc trực thuộc Bộ Giáo Dục. Theo sắc lệnh 158/SL/VHGD/TN ngày 9-11-1968 Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn được cải biến thành Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp trực thuộc Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên.
Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp do một giám đốc điều khiển, có một phó giám đốc phụ tá. Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp gồm có ba trường: Cao đẳng Nông Nghiệp, Cao đẳng Thú Y và Chăn Nuôi, và Cao đẳng Thuỷ Lâm. Mỗi trường do một giám đốc điều khiển.
Theo sắc lệnh 174/SL/GD ngày 29-11-1972 Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp được cải biến thành Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp. Học viện có nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo và tu nghiệp cho các chuyên viên và cán bộ nông nghiệp cấp kỷ sư và các cấp cao hơn, sưu tầm, nghiên cứu, phát minh, phổ biến các kiến thức, kỹ thuật sản xuất và góp phần thiết lập các dự án nhằm phát triển các lãnh vực nông nghiệp.
Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp gồm các trường Cao đẳng Nông nghiệp, Thuỷ Lâm, Thú y và Chăn nuôi, các phòng thí nghiệm và cơ sở khảo cứu cần thiết để học viện có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp đặt dưới quyền đều khiển của một viện trưởng, có một phó viện trưởng và một tổng thư ký phụ giúp về học vụ và quản trị. Bên cạnh viện trưởng có hội đồng tư vấn và hội đồng viện.
Theo sắc lệnh 010-SL-VH-GDTN ngày 11-1- 1975 Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp, Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật và Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật được sát nhập vào Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức.
Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp được biến cải thành trường Đại học Nông Nghiệp gồm 5 ngành: Nông khoa, Lâm khoa, Súc khoa, Ngư nghiệp và Kỹ thuật nông nghiệp.
Ban Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật trực thuộc Trường Đại học Giáo Dục.
Sau ngày đất nước thống nhất, Tổng Cục Nông Nghiệp đã chỉ thị tổ chức lại Trường Đại học Nông Nghiệp-Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức. Ngày 8-12-1976, Bộ Nông Nghiệp đã ra quyết định đặt tên trường là Đại Học Nông Nghiệp IV với 4 nhiệm vụ:
• Đào tạo kỹ sư nông nghiệp về Trồng trọt, Chăn nuôi Thú y, Thuỷ sản, Cơ khí nông nghiệp nhằm phục vụ cho phát triển nông nghiệp.
• Đào tạo kỹ sư lâm nghiệp cho đến khi Bộ Lâm Nghiệp chưa mở Trường Lâm Nghiệp riêng cho các tỉnh phía Nam.
• Bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, về quản lý kinh tế cho các cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế cho các cấp và cơ sở.
• Thành nghiên cứu khoa học, vừa phục vụ cho nâng cao chất lượng đào tạo, vừa góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh phía Nam đặt ra, làm tròn nhiệm vụ trung tâm văn hoá, khoa học, kỹ thuật của nhà trường xã hội chủ nghĩa.
Thời gian đào tạo mỗi khoá là 4 năm và thời gian bồi dưỡng mỗi khoá là từ 3 đến 9 tháng.
Năm 1985 Trường Cao Đẳng Lâm Nghiệp Trảng Bom được sát nhập vào Trường Đại học Nông Nghiệp IV và trường được cải biến thành Trường Đại học Nông Lâm Thành Phố Hồ Chí Minh.
Năm 1995 Trường Đại học Nông Lâm Thành Phố Hồ Chí Minh được sáp nhập vào Đại học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 2000 cho đến nay, Trường Đại học Nông Lâm được tách khỏi Đại học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh và trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngay từ khi mới thành lập trường đã được giao nhiệm vụ :
• Giáo dục và đào tạo chuyên viên cao cấp nông nghiệp để cung ứng nguồn nhân lực chuyên môn cho hai lĩnh vực công và tư.
• Khảo cứu cơ bản và ứng dụng, cập nhật hoá và canh tân kỹ thuật nông nghiệp.
• Phổ biến các kiến thức mới và kỹ thuật tiên tiến về nông nghiệp để giúp nông dân tăng gia sản xuất.
• Ngoài việc huấn luyện về kỹ thuật sinh viên còn được trau dồi phương pháp lãnh đạo, quản trị xí nghiệp, tìm hiểu tâm lý người nông dân, giao tế với quần chúng trong công tác khuyến nông, phổ biến kỹ thuật nông nghiệp.
Trong các khoá đầu từ năm 1959 (khoá I) đến năm 1963 (khoá IV) mỗi năm trường tuyển 60 sinh viên gồm 25 sinh viên ngành Nông khoa, 15 sinh viên ngành Lâm khoa, và 20 sinh viên ngành Súc khoa.
Từ năm 1964 (khoá V) mỗi năm trường tuyển 100 sinh viên và bắt đầu từ năm 1970 (khoá XI) mỗi năm trường tuyển 200 sinh viên gồm 110 sinh viên ngành Nông Khoa, 40 sinh viên ngành Lâm khoa, 50 ngành Súc Khoa. Trong số 200 sinh viên được tuyển, trường tuyển chọn riêng 20 sinh viên có bằng Tú Tài Nông Lâm Súc, xét tuyển miễn thi 5 kiểm sự Nông chính, Thuỷ lâm, Thú Y và 20 sinh viên dân tộc ít người đỗ Tú Tài từ hạng Bình thứ trở lên. Số 155 sinh viên còn lại sẽ được tuyển trong tổng số hơn 3600 ứng viên dự thi, bình quân tỉ lệ tuyển chọn 1/12.
Muốn vào trường, sinh viên phải trên 18 tuổi và dưới 30 tuổi tính đến năm tuyển sinh. Hạng tuổi có thể gia tăng thêm tối đa là 5 đối với các công nhân viên hoặc quân nhân. Có văn bằng Tú Tài toàn phần Toán học hoặc Khoa học thực nghiệm, hoặc tốt nghiệp cấp Trung đẳng Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao hay những cấp bằng tương đương phổ thông hay Nông Lâm Muc ngoại quốc. Trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh. Đối với công nhân viên chức và quân nhân có đủ điều kiện nói trên phải được phép của cơ quan quản lý mới được dự thi.
Trong những khoá đầu kỳ thi tuyển bao gồm 6 bài thi viết:
• Luận Việt Văn thi trong 2 giờ, hệ số 2.
• Toán thi trong 2 giờ , hệ số 3.
• Lý Hoá thi trong 2 giờ hệ số 3.
• Vạn vật (địa chất, thực vật, động vật) thi trong 2 giờ hệ số 3.
• Pháp văn (một bài luận ) thi trong 2 giờ, hệ số 2
• Anh văn (một bài dịch) thi trong 1 giờ
Những bài thi Toán, Lý, Hoá, Vạn Vật, và dịch Anh văn có thể đáp bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp nhưng phải dùng một sinh ngữ cho tất cả 4 bài thi này.
Các bài thi được cho điểm từ 0 đến 20. Thí sinh nào có điểm 0 về các môn thi hay điểm dưới 4/20 về bài thi Pháp văn hay 2 điểm bằng hay dưới 4/20 về ba môn Toán, Lý Hoá , Vạn Vật sẽ đương nhiên bị loại.
Từ năm 1965 các môn thi tuyển sinh còn lại 5 môn: Toán, Lý Hoá, Vạn Vật, Pháp ngữ và Anh ngữ.
Từ năm 1968 trường xét cho nhập miễn thi vào năm thứ nhất tối đa là năm kiểm sự Nông chính, Thuỷ lâm và Thú Y có điểm trung bình từ hạng Bình thứ trở lên ( 12/20) và đã làm việc ít nhất năm năm trong phạm vi chuyên môn và được hội đồng giáo sư trường đề nghị. Cũng từ năm 1968 các môn thi tuyển còn lại 3 môn:
• Toán thi trong 45 phút
• Lý Hoá thi trong 45 phút
• Vạn vật thi trong 45 phút.
Cả 3 môn thi được tổ chức thi trong 1 buổi chiều. Bài thi được chấm điểm trên 100. Các thí sinh có điểm thi 0 sẽ đương nhiên bị loại. Các môn Toán, Lý Hoá thi theo chương trình lớp 12, ban B (ban Toán). Vạn vật thi theo chương trình lớp 11 và 12 ban A (Khoa học thực nghiệm).
Chương trình học bốn khoá đầu là 3 năm, từ khoá năm chương trình học là bốn năm, bình quân sinh viên học từ 2000 đến 2300 giờ lý thuyết và 1800 giờ thực hành. Chuyển ngữ được sử dụng là tiếng Pháp cho bốn khoá đầu, và từ khoá V tiếng Việt được sử dụng để giảng dạy. Năm học được chia làm 2 học kỳ, mỗi học kỳ kéo dài 16 tuần.
Vào cuối mỗi năm học, năm thứ nhất và năm thứ hai sinh viên phải trải qua một kỳ tập sự tổng quát nhằm giúp sinh viên hiểu được thực tế sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp. Cuối năm thứ ba và năm thứ tư sinh viên phải trải qua một kỳ tập sự chuyên môn, tiến hành nghiên cứu một đề tài tốt nghiệp được một giáo sư hay một chuyên viên của Viện khảo cứu hoặc của Bộ Nông nghiệp hướng dẫn.
Đề tài thực tập tốt nghiệp phải là một vấn đề khoa học, kỹ thuật hay kinh tế. Bảng phúc trình trước đây gọi là luận trình được bảo vệ trước một hội đồng giám khảo gồm các giáo sư, giảng sư của trường hoặc chuyên viên của Bộ Canh Nông chuyên sâu về chuyên ngành mà sinh viên báo cáo.
Kể từ năm 1965, sinh viên ngành Nông khoa sau khi học 2 năm đầu có thể chọn các chuyên khoa: Nông học, Kinh tế nông nghiệp, Công thôn, Chế biến nông sản, Ngư nghiệp, còn sinh viên ngành Súc khoa có thể chọn chuyên khoa Chăn nuôi Thú y, Kinh tế nông nghiệp, Chế biến thực phẩm, Ngư nghiệp. Sinh viên Lâm khoa chỉ có thể chọn một chuyên khoa là Lâm nghiệp.
Kể từ năm 1971 Trường mở thêm chuyên ngành Giáo dục nông nghiệp.
Đến năm 1974 khi trường được sát nhập vào Viện đại học Bách khoa Thủ Đức, sinh viên lúc thi vào trường phải chọn một trong 5 chuyên ngành: Nông khoa, Lâm khoa, Súc khoa, Ngư nghiệp, Kỹ thuật nông nghiệp ngay từ đầu.
Khi mới thành lập trường chỉ mở ba ngành đào tạo: Nông khoa, Lâm khoa, Súc khoa. Đến năm 1974 trường có thêm hai ngành đào tạo là Ngư nghiệp và Kỹ thuật nông nghiệp. Hàng năm quy mô tuyển sinh là 200 sinh viên.
Đến nay (năm 2005) trường đã phát triển thành một Đại học đa ngành đào tạo 36 chuyên ngành, với quy mô tuyển sinh 2700 sinh viên đại học mỗi năm. Đại học Nông Lâm hiện có 12 Khoa: Nông học, Chăn nuôi Thú y, Lâm nghiệp, Kinh tế, Cơ khí Công nghệ, Thuỷ sản, Công nghệ thực phẩm, Khoa học, Quản lý đất đai và bất động sản, Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin và bốn bộ môn trực thuộc trường: Mác Lênin, Công nghệ sinh học, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên. Ngoài các Khoa, Trường còn có các Trung Tâm: Nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Phân tích thí nghiệm, Đào tạo nghiên cứu tư vấn kinh tế xã hội, Công nghệ và thiết bị nhiệt lạnh, Năng lượng và máy nông nghiệp, Công nghệ quản lý môi trường và tài nguyên, Công nghệ sinh học, Nghiên cứu bảo quản và chế biến rau quả, Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật địa chính, Nghiên cứu công nghệ chế biến gỗ, giấy và bột giấy, Nghiên cứu cây công nghiệp nhiệt đới xuất khẩu, Bồi dưỡng văn hoá và luyện thi đại học.
Từ năm 1985 ngoài chương trình đào tạo đại học Trường được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học.
Từ khi mới thành lập, trường đã mở rộng hợp tác với nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế. Thông qua chương trình hợp tác với Đại học Nông nghiệp Thuỵ Điển, Trường mở nhiều khoá đào tạo Thạc Sĩ về nông nghiệp bền vững dựa trên chăn nuôi cho sinh viên các nước Đông Nam Á (Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam) Mỹ Châu La tinh (Colombia, Nicaragoa) và Châu Phi (Ethiopia, Tanzania, Zambia, Zimbabwe). Được Bộ Nông Nghiệp và Bộ Ngoại giao Pháp tài trợ, bốn trường Đại học Thú Y kết nghĩa: Alfort, Lyon,Toulouse, Nantes đã giúp Đại học Nông Lâm mở một khóa đào tạo Thạc sĩ Thú Y thoả mãn đầy đủ các quy định của Bộ Giáo Dục và Đào tạo và đạt tiêu chuẩn quốc tế với một học trình 4 năm, trong đó có một năm học tiếng Pháp. Hàng năm Chính phủ Pháp đã cử 10 giáo sư đầu đàn, danh tiếng của bốn Trường Thú Y kể trên sang giảng dạy tại Đại học Nông Lâm, mỗi chuyến công tác kéo dài 3 tuần đến 1 tháng. Học viên là các cán bộ giảng dạy của các Khoa Chăn nuôi Thú y của các Trường Đại học Nông nghiệp, các Viện nghiên cứu và Trung Tâm Thú Y của cả nước. Thông qua chương trình hợp tác với Viện Quốc Gia Nông học Paris Grignon, Đại học Dijon , Đại học Thú Y Toulouse, Đại học Thú Y Nantes, Ðại học Montpellier, Đại học Nông nghiệp Thuỵ Điển, Đại học Auburn, Đại học Florida, Đại học New South Wales, Viện Công nghệ Á châu Trường đã tiến hành những chương trình đào tạo nghiên cứu sinh theo dạng sandwich, một phần thời gian nghiên cứu sinh học lý thuyết, thực hành, tham khảo tài liệu và làm việc ở các phòng thí nghiệm ở nước ngoài, một phần thời gian tiến hành nghiên cứu trong nước. Kết quả của các chương trình đào tạo này nhiều nghiên cứu sinh đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ với lời khen của Hội đồng chấm luận án.
Nhiều nghiên cứu sinh Canada, Pháp đã đến trường triển khai các công trình nghiên cứu, hoàn thành nhiều luận án có giá trị được xuất bản thành sách như luận án của tiến sĩ Steve Déry của Đại học Laval hoặc các kết quả nghiên cứu đã đóng góp lớn trong phát triển nông nghiệp, được áp dụng rộng rãi trong sản xuất như công trình nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá Ba sa của tiến sĩ Philippe Cacot của Viện Quốc gia Nông học Paris Grignon và tổ chức CiRAD Pháp.
Trường Đại học Nông Lâm hiện nay đang hợp tác với 54 Đại học danh tiếng trên thế giới: ĐH Melbourne, ĐH New England, ĐH New South Wales, ĐH James Cook, ĐH Catholic Louvain la Neuve, ĐH Guelph, ĐH Laval, ĐH Sherbroke, ĐH Aarhus, Institut National Agronomique Paris Grignon, ĐH Thú y Alfort, ĐH Thú y Lyon, ĐH Thú y Toulouse, ĐH Thú y Nantes, ĐH Ensia Siarc Montpellier, ĐH Bordeaux 1, ĐH Tours, ĐH Nông nghiệp Purpan, Viện nghiên cứu Lâm nghiệp Rheinland Pfalz, ĐH Meiji, ĐH Kobe, ĐH Osaka, ĐH Ehime, ĐH Kyushu, ĐH Pertanian Malaysia, ĐH Nông nghiệp Wageningen, Trường Quốc tế Nông nghiệp Larenstein, ĐH Central Luzon State, ĐH Silliman, ĐH Philippines tại Los Banos, ĐH Philippines tại Diliman, ĐH Nông nghiệp Thuỵ Điển, ĐH Quốc gia Chung Hsing, ĐH Ling Tung, ĐH Chiang Mai, ĐH Kasetsart, ĐH Khon Kean, ĐH Maejo, Viện Công nghệ Hoàng gia Mongkut Thonburi, ĐH Aberystwyth (Wales), ĐH Reading, ĐH Nottingham, ĐH Auburn, Trung Tâm Đông Tây Hawaii, ĐH Louisiana State, ĐH Hawaii, ĐH Texas Tech, ĐH Texas A & M, ĐH Florida, ĐH Iowa, ĐH Kỹ thuật California, ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Sungkyunkwan, ĐH Nông nghiệp Hoàng gia Campuchia, Viện nghiên cứu Thuỷ sản Szarvas....thuộc các nước Anh, Bỉ, Campuchia, Canada, Đài Loan, Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Hungary, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan, Thuỵ Điển.
(PGS.TS. Lưu Trọng Hiếu người thứ 2 bên phải tại hội thảo sắn Quốc tế ở Hà Nội)
Trường cũng hợp tác với 30 tổ chức quốc tế: AAACU, AIT, AUF, CIAT,CIRAD, FFTC, IDRC, IPGRI, SECID, ESCAP- CGPRT, ACIAR, CSIRO, GTZ, HELVETAS, ICLARM, ADVRC, FAO, CIP, SEARCA, BIOTROP, SAREC, SIDA, IFS, Bread for the World, Ford Foundation, Trelink, CSI, KWT, MCC, SDC, IRRI, CIMMYT,WB, ADB.
(PGS.TS Lưu Trọng Hiếu người thứ 2 bên phải, trong Ban Tổ chức Hội thảo Sắn Quốc tế lần thứ 6 tại TP. Hồ Chí Minh năm 2000)
Trong suốt năm mươi năm từ ngày thành lập đến nay Trường trải qua ba lần dời địa điểm: Đầu tiên Trường có trụ sở tại Bảo Lộc. Do chiến tranh Trường phải di chuyển về Sài Gòn vào cuối năm 1961. Trong lúc chờ đợi có trụ sở chính thức tại Sài Gòn, Trường phải mượn các giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm của Đại học Dược Khoa, Đại học Khoa học, Nha Khảo cứu Nông Nghiệp, Nha học vụ Nông Lâm Súc, Viện Quốc gia Vi trùng và Bệnh lý gia súc, Viện Pasteur Sài Gòn và Thảo Cầm Viên. Đến năm 1964 Trường có trụ sở tại số 14 và 45 Đại lộ Cường Để Quận Nhất Sài Gòn nay là đường Đinh Tiên Hoàng. Ngay từ khi dời về Sài Gòn, giáo sư Đặng Quan Điện đã nhanh chóng tìm địa điểm xây dựng Trường tại Thủ Đức cạnh Trường Đại Học Khoa học và Đại học Sư Phạm tại Thủ Đức với diện tích 118 ha toạ lạc tại hai xã Tăng Nhơn Phú, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định và xã Đông Hoà - quận Dĩ An tỉnh Biên Hoà.
Cơ sở Đại học Nông Lâm ngày nay tại Thủ Đức được thiết kế bởi kiến trúc sư tài hoa Ngô Viết Thụ, Khôi Nguyên La Mã, người đã thiết kế Dinh Thống Nhất và nhiều công trình kiến trúc tráng lệ tại Việt Nam. Tôi có cái may được làm việc với anh Ngô Viết Thụ từ khi anh phác thảo bản thiết kế tổng thể khuôn viên của trường tại Thủ Đức.
Anh và tôi thường đi Thủ Đức thăm công trường xây dựng trường để kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện cho đến ngày toà nhà Phượng Vỹ Đại Sảnh – Flamboyant Hall, các khu cư xá sinh viên và câu lạc bộ sinh viên hoàn thành (31.12.1973). Anh đã thiết kế mặt tiền của tòa nhà Phượng Vỹ theo những đường nét của chữ Nông theo Hán tự với mỹ ý luôn nhắc nhở chúng ta Vụ Nông Vi Bản lấy nông nghiệp làm gốc theo như diễn giải của anh với anh Nguyễn Thành Hải, anh Nguyễn Đăng Long, anh Châu Văn Khê và tôi về ý nghĩa của cách kiến trúc tòa nhà.
Phượng Vỹ Đại Sảnh được bắt đầu khởi công xây dựng tại Thủ Đức vào ngày 20 tháng 2 năm 1972 do hãng thầu kiến trúc Phúc Hòa thực hiện dưới nhiệm kỳ của bác sĩ Nguyễn Thành Hải. Lễ khởi công xây dựng Trường có đông đủ ngoại giao đoàn tham dự. Sau này nhiều công trình kiến trúc, nhiều đại sảnh, nhiều cao ốc, được tiếp tục xây dựng dưới nhiệm kỳ của phó giáo sư tiến sĩ Đoàn Văn Điện và phó giáo sư tiến sĩ Bùi Cách Tuyến.
Ngày nay, ngoài cơ sở chính tại Thủ Đức, Trường còn các cơ sở phụ 213 hecta tại Bình Phước, 20 hecta tại Đồng Nai, 15 hecta tại Long An, 2 hecta tại Mũi Né Bình Thuận.
Khi bắt đầu được thành lập Trường có bốn thành viên sáng lập đóng góp nhiều công sức để Trường càng ngày thêm phát triển. Tứ trụ của Trường là bác sĩ Vũ Ngọc Tân, giáo sư Lê Văn Ký, giáo sư Đặng Quan Điện, và giáo sư Bùi Huy Thục. Bác sĩ Vũ Ngọc Tân và giáo sư Bùi Huy Thục nay đã khuất bóng. Giáo sư Lê Văn Ký và giáo sư Đặng Quan Điện mặc dầu tuổi đã cao, đã hoặc ngoài tám mươi nhưng vẫn còn tiếp tục hoạt động trong công tác khoa học kỹ thuật, vẫn thường xuyên viếng thăm các trại chăn nuôi khuyến cáo công tác quản lý con giống, quản lý nông trại hoặc góp ý với chuyên viên công viên cây xanh làm đẹp các đô thị.
Bác sĩ Vũ Ngọc Tân là vị giám đốc đầu tiên của Trường, là người đến nhận nhiệm sở sớm nhất khi Trường mới có quyết định thành lập. Cùng với sinh viên các khoá đầu, thầy đã dành nhiều công sức, đổ nhiều mồ hôi nước mắt để khai sơn phá thạch, xây dựng giữa chốn rừng núi thanh tĩnh một ngôi trường khang trang, đẹp đẽ có tầm cỡ so với các trường đại học trong vùng thời bấy giờ, biến nơi này thành một thị xã phồn vinh trù phú, một thời đã từng là tỉnh lỵ tỉnh Lâm Đồng, và nay là thủ phủ dâu tằm tơ của cả nước. Từ ngày đảm trách nhiệm vụ lãnh đạo trường từ năm 1955 cho đến lúc mất vào tháng 5 năm 1981 trong suốt hơn một phần tư thế kỷ thầy luôn luôn gắn bó với trường luôn dành thì giờ cho sinh viên thân yêu của mình mặc dù có những thời kỳ thầy đảm nhận nhiều trọng trách ở Bộ Canh Nông nhưng không bao giờ thầy từ bỏ giảng dạy. Sau ngày đất nước thống nhất, thầy có đủ điều kiện để xuất ngoại đoàn tụ với gia đình vì cô là người Pháp và các con của thầy sinh sống tại Pháp nhưng thầy đã quyết định ở lại quê hương với các sinh viên thân yêu của thầy như cha xứ không rời bỏ giáo xứ ở lại để dìu dắc các con chiên. Thầy tiếp tục công tác giảng dạy ở trường dù sức khỏe thầy suy giảm nhiều do bệnh tim và thầy đã mất trong ngôi nhà mà thầy đã mua sau năm 1975 gần ngã tư Hàng Xanh.. Thầy đã ra đi trong vòng tay của những người thân trong gia đình, và tang lễ được cử hành trang nghiêm tại Thánh đường Mông Triệu. Đông đủ gia quyến, bạn bè thân hữu và sinh viên đã tiễn đưa thầy với muôn vàn thương tiếc, kính yêu. Thầy đã cống hiến cả cuộc đời cho trường, cho sinh viên, đã xây dựng khuôn viên trường tại Bảo Lộc thành một ngôi trường khang trang, xinh đẹp. Ngày nay nếu có còn phong thần theo như truyền thống lâu đời của dân tộc ta đối với những người có công sáng lập, khai phá thì thầy rất xứng đáng được vinh danh làm thần Thành Hoàng của trường tại Bảo Lộc như có lần anh Nguyễn Hiền Lương đã tôn vinh thầy như thế.
Tiếp nối nhiệm kỳ giám đốc của Bác sĩ Vũ ngọc Tân, trường lần lượt được sự lãnh đạo của giáo sư Đặng Quan Điện, giáo sư Tôn Thất Trình, bác sĩ Vũ Ngọc Tân lại một lần nữa đảm nhận chức vụ giám đốc trường, kế tiếp là giáo sư Bùi Huy Thục, giáo sư Phùng Trung Ngân, giảng sư Nguyễn Thành Hải. giáo sư Lê Văn Ký đảm nhiệm chức vụ Khoa trưởng Đại học Nông nghiệp từ đầu năm học 1974 - 1975 cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Sau thời kỳ quân quản, Trường được sự lãnh đạo của kỹ sư Trần Hữu Khối, kỹ sư Nguyễn Phan. Vào thập niên 80 thế kỷ trước, trường được sự lãnh đạo của phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Hanh. phó giáo sư tiến sĩ Đoàn Văn Điện và phó giáo sư tiến sĩ Dương Thanh Liêm tiếp tục lãnh đạo trường trong thập niên 90. Đương kim hiệu trưởng trường hiện nay là phó giáo sư tiến sĩ Bùi Cách Tuyến, người con ưu tú đã trưởng thành từ trường.
Ngay từ ngày mới thành lập, ngoài các chuyên gia hàng đầu của Bộ Canh Nông và các giáo sư của Đại học Khoa học, Đại học Luật Khoa Sài Gòn, Đại học Kỹ thuật Phú Thọ được mời tham gia giảng dạy, trường còn nhận được sự giúp đỡ vô cùng quý báu của nhiều trường Đại học trên thế giới. Trường đã tiếp đón nhiều giáo sư thường trú đến từ Pháp, Đức, Mỹ, Bỉ. Các giáo sư Maurice Schmidt, giáo sư Tixier, giáo sư Pecrot, giáo sư Stevens, giáo sư Hoenninger đã thường trú tại Bảo Lộc và Sài Gòn trong suốt bốn khoá đầu. Các đại học kết nghĩa Georgia, Florida đã cử nhiều giáo sư và chuyên gia thường trú đến làm việc với trường cho đến tháng 3 năm 1975. Phái đoàn viện trợ kỹ thuật Pháp với nhiều chuyên gia của ORSTOM và các Viện nghiên cứu Pháp đã ở lại trường đến tháng 8 năm 1975.
Sau này được tổ chức SIDA – SAREC tài trợ, Đại học Nông nghiệp Thụy Điển thường xuyên cử tiến sĩ Brian Ogle, tiến sĩ Inger Ledin và nhiều Giáo sư đầu đàn của Thụy Điển sang nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Nông Lâm từ khi bắt đầu dự án Hệ thống canh tác/Chăn nuôi gia súc gia cầm tại Việt Nam. Tiến sĩ Thomas Reg Preston, chuyên gia tư vấn của dự án đã đến sống và làm việc tại Thủ Đức.
Từ năm 1993 đến 1997, Tổ chức Lương Nông đã cử tiến sĩ Kenji Sato đến mở văn phòng điều phối dự án sử dụng tốt hơn nguồn thức ăn sẳn có tại địa phương trong hệ thống nông nghiệp bền vững vùng Đông Nam Á cho năm nước Campuchia, Lào, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Đại học Nông Lâm được FAO chọn làm Trung tâm điều phối vùng cho dự án.
Từ năm 2001 cho đến nay, Trường được bốn nước trong khu vực hạ lưu sông Mekong Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cử làm Trung tâm điều phối vùng cho Chương trình hợp tác nghiên cứu nông nghiệp bền vững dựa trên chăn nuôi do Tổ chức SIDA Thụy Điển tài trợ và Văn phòng điều phối được đặt tại Đại học Nông Lâm. Tổ chức HELVETAS - Thụy Sỉ cũng đã cử chuyên gia Rudy sang điều phối dự án Lâm nghiệp xã hội do tổ chức SDC Thụy sỉ tài trợ và Văn phòng của dự án được đặt tại Khoa Lâm nghiệp.
Chương trình viện trợ của Đức cũng cử chuyên gia trường trú sang làm việc với Khoa Bảo quản chế biến Nông sản Thực phẩm. Các Trường Thú Y Quốc gia Lyon, Alfort, Toulouse của Pháp đã cử nhiều giáo sư danh tiếng của trường sang giảng dạy tại Đại học Nông Lâm. giáo sư Barone, giáo sư Bost, giáo sư Euzeby, giáo sư Joubert, giáo sư Drieux, giáo sư Lamy, giáo sư Perpezat là những thú y chi bảo của nước Pháp và của thế giới. Ngành Nông khoa và Lâm Khoa cũng tiếp nhận nhiều giáo sư danh tiếng của Pháp như giáo sư Gaury, giáo sư Commun, giáo sư Roth, giáo sư Macari, Poliniere, Banchi, Chardin, Guichon, Rollet, Maurand, Rocher, Jolly.
Trong suốt năm mươi năm tồn tại, Đại học Nông Lâm đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên ưu tú. Nhiều cựu sinh viên của trường hiện đang đảm nhận nhiều trọng trách như lãnh đạo Bộ, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các trường đại học, lãnh đạo các viện, các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, lãnh đạo nhiều sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo nhiều công ty quốc doanh cũng như công ty tư nhân do chính mình đứng ra thành lập, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
Đó là những hạt giống mà trường chúng ta đã gieo, đã ươm trồng trong hai thập niên đầu của trường. Lúc đó trường chúng ta đã thực hiện một nền giáo dục đại học ưu tú, đào tạo nhiều nhân tài, nhiều kỹ sư có năng lực góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp trong các thập kỷ vừa qua. Trong thời kỳ đầu trường chúng ta đã đào tạo những tinh hoa, số lượng tuy ít nhưng phẩm chất cao.
Trường chúng ta không ngừng vươn lên, đào tạo những chuyên viên có năng lực để đáp ứng các yêu cầu mới mà nông nghiệp của thế kỷ XXI đặt ra: Hiệu quả và chất lượng.
Vào buổi bình minh của thế kỷ XXI nông nghiệp không những giải quyết an toàn lương thực thực thực phẩm, gia tăng sản lượng, tạo công ăn việc làm ở nông thôn, đẩy lùi nghèo khó , mà còn phải kết hợp hài hoà giữa phát triển, mở rộng diện tích canh tác với việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ sinh thái, giữ gìn cái đẹp tự nhiên mà Tạo hoá đã ban cho chúng ta.
Đó là một vận hội mới mà trường chúng ta sẽ nhập cuộc. Tôi tin rằng với tinh thần đoàn kết nhất trí trong lãnh đạo nhà trường cũng như toàn thể giảng viên, cán bộ công nhân viên, sinh viên đồng tâm, hiệp lực cùng nhau chung sức, chung lòng. Đại học Nông Lâm sẽ hoàn thành sứ mạng đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, mở rộng hợp tác quốc tế mà đất nước đang mong đợi.
Tồn tại trong suốt nửa thế kỷ qua, những người con đầu tiên đến với trường nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, có người còn, có người đã ra đi vĩnh viễn, nhưng bà mẹ Nông Lâm thì vẫn còn đó.
Những người con thân yêu của mẹ sẽ gìn giữ, bảo tồn Trường như đại văn hào Victor Hugo đã bảo tồn nhà thờ Notre Dame de Paris khi viết truyện Thằng gù nhà thờ Đức Bà để Vương cung Thánh đường này tồn tại mãi mãi đến ngày hôm nay.
Đại học Nông Lâm sống mãi trong tâm tư, trong tình cảm nhiều người. Tên gọi Đại học Nông Lâm khắc sâu trong tâm trí, trong ký ức của nhiều người.
Hôm qua, hôm nay và trong mai sau Đại học Nông Lâm đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại trong tâm thức của nhiều thế hệ sinh viên và trong bạn bè năm châu bốn bể.
Ban giảng huấn và sự phát triển nguồn nhân lực
Đại Học Nông Lâm trong hai mươi năm đầu của trường
Đại học Nông Lâm xuất thân từ Trường Quốc gia Nông Lâm Mục Blao được thành lập do nghị định 112-BCN/NĐ ngày 19 tháng 11 năm 1955.
Từ ngày thành lập cho đến nay trường đã trải qua nhiều lần thay đổi danh xưng: Trường Quốc gia Nông Lâm Mục Blao, Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài gòn, Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp, Học viện Quốc gia Nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp thành viên Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức, Đại học Nông nghiệp IV, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ chí Minh.
Trong suốt nửa thế kỷ, bảy lần thay tên, nhưng tên trường vẫn luôn giữ cái cội nguồn lúc mới thành lập, đó là cái gốc nông nghiệp trong danh xưng. Mặc dù nghị định thành lập trường được ban hành từ năm 1955 nhưng phải đợi bốn năm sau, năm 1959 khi các giảng đường, phòng thí nghiệm, nông trại, cư xá sinh viên được xây dựng khang trang và quan trọng hơn hết là đội ngủ giảng viên được tăng cường đầy đủ, trường mới chiêu sinh khóa đào tạo Kỹ sư nông nghiệp đầu tiên. Trong bốn năm đó trường đã đào tạo được hai khóa kiểm sự, khóa thứ ba đang đi thực tập tốt nghiệp, khóa thứ tư đang theo học năm thứ hai tại trường, khóa thứ năm vừa mới tuyển và bắt đầu nhập học năm thứ nhất tại trường.
Để chuẩn bị cho chương trình đào tạo Kỹ sư nông nghiệp Ban Giám Đốc trường đã có những bước đi rất thận trọng : xây dựng trường sở khang trang, đội ngủ giáo viên hùng hậu, tài giỏi, trình độ quốc tế, có uy tín trong giới đại học quốc tế. Một năm trước ngày khai giảng khóa đào tạo kỹ sư đầu tiên, Gáo sư Bác sĩ Đặng Quan Điện đã sang Pháp, viếng thăm các trường Đại học Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thú Y Pháp, được các trường và Chính phủ Pháp đồng ý viện trợ, cam kết sẽ cử các giáo sư có uy tín sang giảng tại Bảo Lộc, Ban Giám Đốc trường lúc đó mới có quyết định chiêu sinh.
Được trúng tuyển vào trường thời bấy giờ là những sinh viên ưu tú, trải qua một kỳ thi tuyển cam go sau khi tốt nghiệp Tú Tài toàn phần. Hai mươi lăm sinh viên giỏi nhất ngành Nông khoa, mười lăm sinh viên giỏi nhất ngành Lâm khoa và hai mươi sinh viên giỏi nhất ngành Súc khoa được tuyển chọn vào trường.
Tiếng Pháp là chuyển ngữ được sử dụng để giảng dạy trong bốn khóa đào tạo kỹ sư đầu tiên. Chương trình đào tạo kỹ sư của trường thời bấy giờ là chương trình đào tạo tinh hoa: Đội ngủ giáo sư giỏi, trình độ quốc tế, sinh viên ưu tú, hiếu học, trường sở, phòng thí nghiệm, nông trại, thư viện được trang bị đầy đủ, môi trường học tập tốt.
Lúc khởi đầu ngoài bốn chuyên gia đầu đàn gắn bó với trường: Bác sĩ Vũ Ngọc Tân, Giáo sư Bác sĩ Đặng Quan Điện, Giáo sư Lê Văn Ký, Giáo sư Bùi Huy Thục trường còn có một đội ngũ giáo sư quốc tế hùng hậu thường trú tại Bảo Lộc gồm Tiến sĩ Maurice Schmidt (Pháp), Giáo sư Tixier (Pháp), Tiến sĩ Stevens (Mỹ), Giáo sư Hoenninger (Đức), Tiến sĩ Pecrot (Bỉ).
Để giải quyết việc giảng dạy các môn khoa học cơ bản, cơ sở ngoài bốn giáo sư Việt Nam và quốc tế thường trú tại trường: Bác sĩ Vũ NgọcTân phụ trách môn Động vật học, Giáo sư Tixier phục trách môn Thực vật học, Tiến sĩ Stevens phụ trách môn Kinh tế đại cương và xã hội học, Tiến sĩ Maurice Schmidt phụ trách các môn Địa chất – Thổ nhưỡng, Khí hậu học, Giáo sư Bùi Huy Thục và Maurice Schmidt môn Nông học đại cương, Giáo sư Lê Văn Ký và Giáo sư Rocher phụ trách môn Lâm học đại cương, Giáo sư Đặng Quan Điện phụ trách môn Súc học đại cương, Kỹ sư Lê Minh Tâm phụ trách môn Hóa phân tích, trường còn mời thỉnh giảng Giáo sư Tiến sĩ Lâm Chánh Bình, Đại học Khoa học Sài gòn phụ trách môn Hóa học đại cương, Hóa Hữu cơ, Kỹ sư Trần Văn Bạch phụ trách các môn Toán, Lý. Trường cử anh Lê Ngọc Điệp trợ lý cho Giáo sư Tixier, anh Huỳnh Quang Hải trợ lý cho Bác sĩ Vũ Ngọc Tân, Kỹ sư Phan Như Hy và anh Trần Trung Ngôn trợ lý cho Tiến sĩ Stevens, anh Nguyễn Hoài Đỉnh trợ lý cho Giáo sư Maurice Schmidt, anh Lê Thiệp trợ lý cho Tiến sĩ Hoenninger.
Lên đến năm thứ hai và năm thứ ba ngoài các chuyên gia đầu đàn của Việt Nam Bác sĩ Vũ Ngọc Tân, Giáo sư Bác sĩ Đặng Quan Điện, Giáo sư Tôn Thất Trình, Bác sĩ Tôn Thất Ngữ, Bác sĩ Lê Thước, Bác sĩ Nguyển Văn Trình, Bác sĩ Nguyễn Văn Tư, Giáo sư Lê Văn Ký, Giáo sư Lê Văn Mười, Kỹ sư Nguyễn Văn Đức, Kỹ sư Trương Văn Hiếu, Giáo sư Bùi Huy Thục, Kỹ sư Đoàn Minh Quan, Kỹ sư Nguyễn Văn Oánh, Kỹ sư Nguyễn Văn Hiệp, Kỹ sư Lương Sĩ Chương, một số các môn học được các giáo sư Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ, thường trú tại trường đảm trách. Đó là các Giáo sư Maurice Schmidt, Giáo sư Tixier, Tiến sĩ Stevens, Tiến sĩ Hoenninger, Tiến sĩ Pecrot.
Chính phủ Pháp đã cử Giáo sư R.Barone, Giáo sư Jack Bost, Giáo sư Jacques Euzéby, Giáo sư Joubert, Giáo sư Henri Drieux, Giáo sư Gaury, Giáo sư Macari, Giáo sư Commun, Giáo sư Jolly, Giáo sư Guichon, Giáo sư Rollet, Giáo sư Maurand, Giáo sư Chardin, sang giảng dạy tại trường.
Các giáo sư được cử sang Việt Nam giảng dạy là các giáo sư danh tiếng không những được kính trọng tại Pháp mà còn rất nổi tiếng trong các đại học quốc tế, đã từng có nhiều kinh nghiệm tại các nước nhiệt đới. Nhiều vị đã từng thực hiện nhiều công trình nghiên cứu tại Việt Nam. Các trường đại học Pháp đã cử nhiều giáo sư sang giảng dạy tại trường trong bốn khóa đầu.
Bắt đầu từ khóa năm, năm 1963 tiếng Việt được sử dụng làm chuyển ngữ chính ở đại học. Tuy nhiên đối với các giáo sư ngoại quốc, tiếng Pháp vẫn được sử dụng để giảng dạy.
Đội ngũ cán bộ giảng dảy tại trường dần dần lớn mạnh với nhiều chuyên viên danh tiếng của Bộ Canh Nông chuyển về trường trong đó có Giáo sư Tôn Thất Trình, Giáo sư Ngô Bá Thành, Bác sĩ Tôn Thất Ngữ, Kỹ sư Nguyễn Phố Lu, Kỹ sư Nguyễn Hữu Mưu và nhất là sự trở về của nhiều nhà khoa học trẻ tốt nghiệp từ Pháp từ Mỹ tham gia công tác giảng dạy thường trực tại trường.
Các phái đoàn Pháp được cử sang giảng dạy tại trường thưa dần. Chính phủ Pháp đã cử các chuyên gia : Kỹ sư Yves Banchi, Giáo sư Tiến sĩ Denis Nguyễn Phước Du, Tiến sĩ Trần Văn Nhiều, Giáo sư Lamy, Giáo sư Perpezat, Giáo sư Roth, Kỹ sư Durand, Kỹ sư Didier sang làm việc thường trú tại trường.
Từ năm 1964 nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ, Kỹ sư đã hoàn thành chương trình đào tạo tại Pháp, tại Mỹ trở về tăng cường cho ban giảng huấn của trường. Từ Pháp về có có Tiến sĩ Kỹ sư Nguyễn Võ Mỹ, Kỹ sư Lucien Trọng. Từ Mỹ trở về có Bác sĩ Trần Quang Minh, Bác sĩ Nguyễn Thành Hải, Thạc sĩ Châu Văn Khê, Thạc sĩ Nguyễn Văn Tân, Tiến sĩ Châu Tâm Luân, Tiến sĩ Bùi Văn Trợ, Thạc sĩ Trần Trọng Toàn.
Bắt đầu từ năm 1970 nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ Kỹ sư tốt nghiệp ở Đức, Nhật, Úc, Tân Tây Lan, Canada, đã về nước tăng cường cho đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường. Trong số các chuyên viên này có Thạc sĩ Lê Văn Phong, Thạc sĩ Dương Đình Học (K.6), Thạc sĩ Lương Tấn Tước, Thạc sĩ Lê Ngọc Chí Minh (K.7), Tiến sĩ Tô Phúc Tường, Tiến sĩ Phan Hoàng Đồng, Tiến sĩ Trương Hoàng Lâm, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, KS Đặng Ngọc Sơn, Thạc sĩ Lê Dũng Dân, KS Trần Văn Duơng. KS Huỳnh Văn Quang cũng tham gia ban giảng huấn của trường phụ trách phòng thí nghiệm Hóa đất đai. Nhưng nguồn nhân lực đông nhất là các tân kĩ sư của trường. Các thủ khoa các á khoa các khoá khi vừa mới tốt nghiệp đều được trường giữ lại để làm cán bộ giảng dảy hoặc nghiên cứu,
Từ khóa đầu tiên cho đến khóa 12 tốt nghiệp vào năm 1974 đã có hơn bảy mươi Kỹ sư Nông khoa, Lâm khoa, Súc khoa, được tuyển dụng vào ban giảng huấn của trường.
Đối với ngành Nông khoa chúng ta thấy có các Kỹ sư Nguyễn Lương Y (K.1), Nguyễn Đăng Long (K.1), Nguyễn Bích Liễu (K.2), Lâm Văn Thương (K.2), Dương Văn Đức (K.3), Trần Như Long (K.3) Lê Nguyên Khôi (K.3) Văn Khắc Thái (K.3), Nguyễn Ru (K.4), Võ Hữu Để (K.5), Nguyễn Bá Khương (K.5), Hồ Văn Lâm (K.5), Hàng Ngọc Ẩn (K.6), Võ Thị Hải (K.6), Nguyễn Thị Phụng (K.6), Nguyễn Ngọc Sâm (K.6), Thế Thị Hợi (K.7), Võ Thị Phương Lan (K.7) Lưu Trường Kiện (K.7), Trần Minh Tiên (K.8), Đổ Cao Thiện (K.8), Hồ Thại (K.8), Nguyễn Hoàng Hoanh (K.9),Trần Kiều Nga (K.10), Nguyễn Văn Tài (K.10), Dương Đình Hội (K.10), Lý Trung Di (K.11), Lý Hồng Sơn (K.11), Phan Gia Tân (K.11), Tạ Trung Chánh (K.12), Huỳnh Thành Nghiệp (K.12), Huỳnh Lệ Nguyên (K.12), Nguyễn Văn Thiện (K.8), Nguyễn Vác (K.11), Trần Ngọc Lâm (K.12), Lê Ấn (Dược sĩ).
Đối với ngành Lâm khoa chúng ta thấy có các Kỹ sư Đổ Cao Thọ (K.1), Đào Văn Tự (K.1), Vũ Văn Cử (K.4), Lâm Bình Lợi (K.4), Trần Hữu Trác (K.4), Hồng Văn Huỳnh (K.5), Nguyễn Tấn Văng (K.6), Võ Văn Thoan (K.8), Nguyễn Văn Thừa (K.8), Nguyễn Đức Bình (K.10), Nguyễn Văn Sở (K.10), Hoàng Hữu Cải (K.11), Châu quang Hiền (K.12), Lê Văn Mính (K.12), Lê Hữu Đức (K.12), Phạm bá Thành (K.11).
Đối với ngành Súc khoa chúng ta thấy có các Kỹ sư Lưu Trọng Hiếu (K.1), Nguyễn Đình Nghiêm (K.1), Ngô Thị Ngọc Diêu (K.3), Đặng Đắc Thiệu (K.3), Nguyễn Thúy Minh (K.6), Nguyễn Thị Nữ (K.6), Đặng Thị Sở (K.6), Trần Quốc Thăng (K.7), Trần Ngọc Đẳnh (K.8), Võ Văn Kiều (K.8), Phan Ngọc Sang (K.8), Huỳnh Văn Xương (K.8), Nguyễn Văn Tú (K.9), Lê Đăng Đảnh (K.10), Bùi Huy Như Phúc (K.10), Trịnh Công Thành (K.10), Nguyễn Văn Công (K.11), Phan Đức Duy (K.11), Lương Hà (K.11), Ngô Văn Mận (CT.K.2), Phạm Ngọc Thơ (K.11), Nguyễn Văn Gắc (K.12), Phan Thanh Hồng (K.12), Nguyễn Văn Khanh (K.12), Nguyễn Trọng Khôi (Dược sĩ), Trần Văn Phát (K.12), Trần Trọng Chơn (K.12), Phạm Chí Thành (K.11), Đổ Đình Hòa (K.11), Nguyễn Bích Nga (K.11).
Trong những năm 70 của thế kỹ trước Kỹ sư Bùi Như Hùng từ Viện Khảo cứu Nông nghiệp, Thạc sĩ Lê Da Tốn từ Bộ Canh Nông, Bác sĩ Phạm Hùng, Bác sĩ Vương Quang Phước từ Nha Học Vụ Nông Lâm Súc và Kỹ sư Phạm Minh Xuân (K.12), cũng vể tham gia ban giảng huấn của trường.
Đồng thời với việc giữ lại các kỹ sư trẻ mới tốt nghiệp, trường cũng rất quan tâm đến việc xây dựng ngành Khoa học cơ bản. Cùng với việc tuyển dụng sáu tân khoa khóa 1, Cử nhân Pham Thị Ngọc Chinh tốt nghiệp Đại học Khoa học Sài gòn cũng được tuyển dụng vào trường phụ trách ngành Khoa học cơ bản. Lần lượt từ năm 1965 đến 1970 tám cử nhân trẻ Toán, Lý, Hóa, Vạn vật được tuyển dụng. Tám cử nhân trẻ này gồm có Cử nhân Ngô huy Cần, Thạc sĩ Hà Dương Cự, Cử nhânTrần Tấn Đức, Cử nhân Phạm Thị Lộc, Cử nhân Trần Lê Nhân, Cử nhân Trần Hữu Tiếng, Cử nhân Nguyễn Hoài Chung và Cử nhân Nguyễn Tần. Đại học Khoa học Sài gòn không những là trường cung cấp cho trường chúng ta một đội ngũ cử nhân trẻ, tài năng, mà còn cử nhiều giáo sư đầu đàn của trường sang giảng dạy các môn khoa học cơ bản, cơ sở tại trường chúng ta. Trong các giáo sư, các Tiến sĩ, các Thạc sĩ nầy chúng ta thấy có Giáo sư Tiến sĩ Phùng trung Ngân, Giáo sư Tiến sĩ Chu Phạm ngọc Sơn, Giáo sư Tiến sĩ Mai Trần ngọc Tiếng, Tiến sĩ Lê Công Kiệt, Tiến sĩ Đồng Sĩ Khiêm, Tiến sĩ Phó Đức Minh, Thạc sĩ Hoàng Mạnh Để, Thạc sĩ Bùi Thúc Thủy, Thạc sĩ Lê khắc Tích, Thạc sĩ Trần Thị Vinh, Cử nhân Đặng vĩnh Thanh.
Giáo sư Tiến sĩ Phùng Trung Ngân không những là giáo sư thỉnh giảng của trường trong nhiều năm mà còn tham gia lãnh đạo trường, giáo sư đã từng là Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp từ tháng 2 đến tháng 5 năm 1970.
Đại học Kỹ thuật Phú Thọ cũng là trường cung cấp cho trường một lực lượng giảng viên hùng mạnh.
Các Kỹ sư Đồng Công Quan, Kỹ sư Đoàn Thành Trung tốt nghiệp kỹ sư công nghệ đã được tuyển dụng vào giảng dạy tại ngành Công thôn. Trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ cũng đã cử gần mười giảng viên thỉnh giảng sang dạy tại trường chúng ta trong đó có các Kỹ sư Nguyễn Hữu Bình, Võ Ngọc Can, Nguyễn Thị Hiệp, Nguyễn Duy Thu Lương, Nguyễn Như Mộng, Phùng Lương Ngọc, Nguyễn Thành Ngưu, Phạm Hữu Tạt, Tôn Thất Thiều, Vĩnh Tiến, Phạm Văn Sanh.
Đại học Luật khoa cũng yểm trợ trường chúng ta đã cử Tiến sĩ Châu Tiến Khương, Tiến sĩ Nguyễn Trường sang giảng dạy các môn kinh tế tại trường chúng ta.
Cũng ngay sau năm năm đầu sau khi khai giảng khóa đào tạo kỹ sư đầu tiên trường đã nhanh chóng cử các giảng viên sang Mỹ, Pháp, Nhật, Úc, Philipines, Thái lan để đào tạo. Trong năm 1963 Kỹ sư Lê Văn Ký đã được cử đi đào tạo sau đại học tại Đại học Wisconsin Mỹ. Năm sau đó 1965, Kỹ sư Lưu Trọng Hiếu và Kỹ sư Nguyễn Đăng Long tiếp tục lên đường sang Mỹ để theo học các chương trình đào tạo MSc và PhD. Lần lượt các Kỹ sư Nguyễn Bích Liễu, Ngô Thị Ngọc Diêu, Kỹ sư Nguyễn Đình Nghiêm, Kỹ sư Nguyễn Phố Lu, Kỹ sư Lâm Văn Thương, Thạc sĩ Châu Văn Khê, Thạc sĩ Nguyễn Văn Tân, tiếp tục lên đường sang Mỹ theo học các chương trình đào tạo MSc và PhD. trong hai năm sau đó 1966,1967.
Giáo sư Lê Văn Ký hoàn thành chương trình thạc sĩ trong 14 tháng, trở về Việt Nam năm 1964, Thạc sĩ Nguyễn Phố Lu trở về trường năm 1969, Tiến sĩ Lưu Trọng Hiếu trở về trường năm 1969, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Long trở về trường năm 1970, Tiến sĩ Nguyễn Bích Liễu năm 1971, Tiến sĩ Châu Văn Khê năm 1971, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân năm 1973, Tiến sĩ Lâm Văn Thương năm 1974.
Đồng thời từ năm 1969 đến 1975, trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học Florida với trường chúng ta, lần lượt nhiều Giáo sư trẻ đã lên đường sang Florida để theo học các chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ. Trong các giảng viên trẻ nầy chúng ta thấy có các Kỹ sư Lê Nguyên Khôi, Văn Khắc Thái, Trần Như Long, Dương Văn Đức, Nguyễn Ru, Hồ Văn Lâm, Võ Hữu Để, Nguyễn Bá Khương, Hàng Ngọc Ẩn, Lưu Trường Kiện, Đặng Đắc Thiệu, Trần Quốc Thăng, Đặng Thị Sở, Võ Văn Kiều, Trần trọng Toàn, Lê Da Tốn, Trần Hữu Trác, Hồng Văn Huỳnh, Trần Lê Nhân, Ngô Huy Cần, Hà Dương Cự.
Tiến sĩ Trần Trọng Toàn và Tiến sĩ Đặng Đắc Thiệu hoàn tất chương trình PhD nhanh nhất trở về nước năm 1974.
Trường còn tranh thủ nguồn học bổng của Chính phủ Pháp đã cử Kỹ sư Võ Thị Hải và Kỹ sư Đổ Cao Thiện, sang Pháp theo học chương trình đào tạo Tiến sĩ.
Trường cũng cử Kỹ sư Thế Thị Hợi sang Nhật học Kinh tế Nông nghiệp. Các Kỹ sư Võ Thị Phương Lan và Kỹ sư Võ Văn Thừa được cử sang Úc học về Côn trùng học và Lâm nghiệp.
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Hoanh được cử sang Đại học Philipines tại Los Banos để đào tạo MSc và PhD trong khuôn khổ của chương trình SEARCA.
Các Kỹ sư Nguyễn Thúy Minh, Phan ngọc Sang, Huỳnh Văn Xương, được cử sang Đại học Chulalongkorn để đào tạo bác sĩ thú y, DVM.
Năm 1959 đồng thời với việc tuyển sinh vào khóa 1 chương trình đào tạo Kỹ sư Nông Lâm Súc trường cũng tuyển chọn các ứng viên đi du học tại Mỹ. Sau khi trúng tuyển một số ứng viên đã lên trường theo học năm thứ nhất tại Bảo Lộc để chờ ngày lên đường sang du học tại Mỹ. Trong số các ứng viên nầy có các anh Dương Trung Hưng, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Tiên, Trần Trọng Toàn.
Một số ứng viên khác ở lại Sài Gòn để học Anh Văn trong khi chờ ngày lên đường sang Mỹ du học . Các anh Vương Quang Hải, Châu Văn Khê, Châu Tâm Luân, Nguyễn Văn Tài, Tạ Cự Hải đã lên đường sang Mỹ vào năm 1959. Các anh Nguyễn Thành Hải, Trần Quang Minh, Ngô Đình Ngoan, Nguyễn Văn Hỷ, Phạm Phi Hoành, lên đường sang Mỹ sớm hơn.
Năm 1959 anh Nguyễn Viết Trương bạn đồng song của tôi ở Trung học Petrus Ký được học bổng của Chính phủ Úc lên đường sang Úc học tại Đại học Queensland, tốt nghiệp PhD vào năm 1968, trở về nước xây dựng Khoa Nông nghiệp Viện Đại học Cần Thơ.
Các sinh viên trung đẳng khóa 1, khóa 2, khóa 3, sau khi tốt nghiệp kiểm sự cũng được gửi sang Mỹ du học tiếp chương trình đào tạo BSc và một số đạt thành tích xuất sắc trong học tập được tiếp tục học lên MSc. Trong số các ứng viên nầy có các anh chị Phan Ngọc Châu, Nguyễn Quý Định, Lê Viết Dự, Lê Vinh Qui, Nguyễn Đình Mô, Nguyễn Văn Tràng, Phí Minh Tâm, Hoàng Vũ, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Nghệ, Châu Văn Hạnh, Nguyễn Văn Hành, Nguyễn Thanh Tân, Vũ Quốc Dũng, Tống Ngọc Tiên, Lê Ngọc Diệp, Nguyễn Hoài Đỉnh, Nghiêm Xuân Thịnh, Nguyễn Thị Kỉnh, Hà Thị Liễu.
Đầu thập niên 50 các thầy Nguyễn Văn Mừng, Trương Đình Phú, cô Nguyễn Thị Quýt cũng đã lên đường sang Mỹ du học.
Không những gửi giáo viên sang Mỹ, Pháp, Nhật, Úc, Philippines, Thái Lan trường còn tranh thủ chương trình học bổng SEARCA của tổ chức Hội đồng các Bộ Trưởng Giáo dục Đông Nam Á SEAMEO gửi các sinh viên sang Đại học Philippines tại Los Ba nos để đào tạo MSc và PhD .
Các sinh viên được hưởng học bổng này gồm các anh các chị Phạm Ngọc Hiệp, Nguyễn Tri Khiêm, Cao Minh Thư, Lý Tửng, Phan Hiếu Hiền, Nguyễn Văn Ngưu, Bùi Xuân, Nguyễn Tịnh, Nguyễn Thị Hoàn, Nguyễn Thị Sâm, Nguyễn Đức Cao, Trần Văn Trung, Lê Trọng Trung, Nguyễn Thái Vân, Phan Quang Vinh, Trương Văn Đến, Nguyễn Thị Tuyền, Lâm Hổ, Phạm Thọ Hiếu, Cao Văn Quảng, Hoàng Chí Cường, Lê Ngọc Sên, Phạm Bình Chạy…….
Ngay từ đầu mới thành lập trường rất quan tâm đến việc đào tạo các Kỹ sư Nông nghiệp có trình độ có năng lực góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp khi hòa bình trở lại trên quê hương.
Trường luôn luôn tranh thủ mọi nguồn tài trợ để đào tạo nhân tài cho đất nước và chất lượng đội ngủ cán bộ giảng dạy được trường quan tâm hàng đầu.
Qua bảng danh sách các cán bộ của trường trong năm học 1971-1972 mà tôi có được chúng ta thấy được thực lực của ban giảng huấn của trường thời đó và chúng ta đã thấy được mối quan tâm của trường trong việc xây dựng một đội ngủ cán bộ giảng dạy có trình độ cao.
Khi viết bài này tôi cố gắng tìm lại trong ký ức hình ảnh của từng giảng viên đã từng giảng dạy ở trường. Tôi cố nhớ từng chi tiết sự việc, nhưng chuyện của bốn mươi năm, năm mươi năm về trước khó có thể nhớ cho hết, mà có nhớ chắc không sau tránh khỏi sơ xuất, sai sót, nhầm lẫn tôi mong được các bạn thông cảm và bỏ qua cho nếu có gì sai sót nhầm lẫn.
Viết về giai đoạn hai mươi năm lúc mới thành lập trường có lẽ hiện nay còn rất ít chứng nhân còn nhiều ký ức về giai đoạn nầy.
Đối với giai đoạn của trường từ thập niên 70 của thế kỷ trước cho đến ngày hôm nay thì hiện nay ở trường có rất nhiều thầy cô đương nhiệm, có nhiều tài liệu để viết nên tôi mong rằng bài nầy sẽ là tiền đề để cho những bài nữa viết về giai đoạn ba mươi năm trở lại đây của trường. Nếu viết một bài bao quát đề cập đến gần hơn năm sáu trăm cán bộ giảng dạy khó quá thì từng khoa từng Bộ môn trực thuộc trường có thể viết về khoa của mình hoặc về bộ môn của mình.
Năm 1975 sau khi chiến tranh chấm dứt, hòa bình trở lại trên quê hương, Đại học Nông nghiệp Thủ Đức đứng trước tình trạng băng não, chảy máu chất xám trầm trọng. Nhiều cán bộ giảng dạy nhất là các con chim đầu đàn đã từ giả trường rời xa quê hương sống tha phương nước ngoài.Nguồi nhân lực mà trường đã dày công xây dựng phát triển trong suốt hai mươi năm từ ngày thành lập gần như mất trắng, trường lại quay về khởi điểm, khởi sự trở lại từ đầu.
Nhiều giảng viên đã được điều động từ các trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Hà Bắc, Bắc Thái vào Nam tăng cường ban giảng huấn Nhiều tân Kỹ sư tốt nghiệp các khóa 13,14,15,16 và nhiều khóa sau nầy được tuyển dụng với số lượng lớn. Hàng năm từ 10 đến 20 cán bộ trẻ được giữ lại trường để giảng dạy hoặc nghiên cứu.
Trường không những giữ lại các sinh viên ưu tú của trường mà trường còn tuyển dụng sinh viên của Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Đại học Dược khoa về tăng cường ban giảng huấn. Số giảng viên cơ hữu của trường càng ngày càng gia tăng hiện nay lên đến 574 giảng viên gồm 16 Phó Giáo sư, 76 Tiến sĩ, 202 Thạc sĩ, 226 Kỹ sư hoặc Cử nhân.Thông qua con đường hợp tác quốc tế và thông qua quỹ đào tạo nước ngoài bằng kinh phí nhà nước trường tiếp tục phát triển nguồn nhân lực của trường như đã được đề cập trong phần hợp tác quốc tế của trường .
Nói về giảng viên trẻ của thập niên sáu mươi thế kỷ trước chúng ta không thể nào quên các anh Nguyễn Lương Y và anh Nguyễn Võ Mỹ bạn tôi, những người đã nêu tấm gương luôn phấn đấu vươn lên và tấm lòng vị tha luôn nghỉ đến người khác và nay hai anh đã đi xa khi tuổi vừa ngoài ba mươi. Anh Nguyễn Lương Y đổ vào trường khoá 3 Trung đẳng năm 1957. Trong quá trình học tập ở trường anh nhờ các thầy chỉ giáo tự ôn tập và thi đổ Tú tài Toàn phần và đăng ký dự thi vào cấp Cao đẳng. Với học lực của anh có thể sau khi tốt nghiệp Trung đẳng anh sẽ được Trường đề cử sang Mỹ học, nhưng anh đã chọn theo học Kỹ sư trong nước. Và anh đã đổ vào khoá 1 Cao đẳng. Cũng như các sinh viên tốt nghiệp từ các trường Trung học đào tạo theo chương trình Việt, tiếng Pháp của anh không giỏi như các anh chị học các trường Jean Jacques Rousseau, MarieCurie, Tabert, Couvent des Oiseaux, Yersin và trong thời gian học cấp trung học cơ sở anh lại học ở nông thôn các tỉnh miền duyên hải, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nam Ngãi Bình Phú chịu nhiều thiệt thòi hơn học sinh các trường ở các đô thị lớn ở miền Nam, nhưng anh đã có nhiều cố gắng, tự lực vươn lên phi thường để rồi khi tốt nghiệp ra trường anh đã thủ khoa ngành Nông khoa, viết một luận trình về Cao su do Kỹ sư Poliniere ở Viện Cao su Lai Khê hướng dẫn. Anh đã bảo vệ luận trình xuất sắc, được Trường giữ lại làm giảng nghiêm viên tức trợ lý giảng dạy. Do tình trạng tổng động viên anh phải nhập ngũ và được huấn luyện tại trường Bộ binh Thủ Đức. Không ai ngờ rằng anh đã văn hay mà võ cũng giỏi. Anh đã đổ thủ khoa khoá 16 trường Bộ Binh Thủ Đức. Anh tham gia cách mạng và tổ công tác của anh bại lộ, Anh bị bắt, trên đường đưa anh từ Quảng Nam (quê anh) ra Đà Nẵng xe chở anh trúng mìn và anh đã hy sinh. Tôi không bao giờ quên người bạn dễ thương dễ mến luôn luôn giúp đỡ mọi người, một con người của hòa giải ngoài tính hiếu học và ý chí luôn luôn vươn lên của anh.
Người bạn thứ hai mà tôi không bao giờ quên , anh Tiến sĩ Kỹ sư Nguyễn Võ Mỹ. Anh đã đi du học ở Pháp, tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ sư Học Viện Quốc Gia Nông học Paris Grignon trở về nước lúc tuổi vào khoảng ba mươi. Anh là một Tiến sĩ Nông học trẻ có trình độ, học thức cao, người nho nhã, lịch sự, dễ thương, đối xử với anh em trẻ với tất cả tất lòng của một người anh. Anh ăn nói thật nhỏ nhẹ và rất thương sinh viên. Cũng như anh Nguyễn Lương Y do tình trạng tổng động viên anh phải nhập ngũ. Năm Tết Mậu Thân anh trực ở một đồn ở gần trường đua Phú Thọ quận 11. Thật ra hôm mồng một tết không phải ngày trực của anh nhưng vì có người bạn trẻ cũng thuộc gia đình nông nghiệp vừa mới lập gia đình nên anh bảo anh bạn để anh gát thay cho. Trong đợt tổng tấn công xuân Mậu Thân đồn của anh bị pháo kích dữ dội. Anh đã bị trúng thương và được đưa vào bênh viện giải phẩu. Tưởng rằng thoát khỏi cơn hiểm nguy anh sẽ bình phục nào ngờ anh mất vì nhiễm trùng sài uốn ván do hậu phẩu không được quan tâm kỷ lưỡng. Vì lòng vị tha thương người, luôn nghỉ đến người khác anh đã hy sinh
Lúc đó tôi đang học bên Mỹ. Được tin hai người bạn thân gục ngã tôi cầu mong sao đất nước được sớm thanh bình. Và hòa bình đã đến, đến mười năm sau đó.
Anh Nguyễn Lương Y, anh Nguyễn Võ Mỹ những người con ưu tú của trường đã nêu những tấm gương luôn phấn đấu không ngừng vươn lên, có con tim nhân hậu, tấm lòng vị tha bác ái mà chúng ta cần học tập và trường chúng ta không bao giờ quên hai anh.
Tôi đến với trường từ thuở trường mới thành lập nên tôi được biết nhiều về trường, tôi hay viết về chuyện thuở xưa, chuyện ngày xửa, ngày xưa. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy ngàn năm nào dễ mấy ai quên nên tôi mãi đi tìm, tìm về quá khứ, tìm về giữa giấc mơ xưa, tìm về một thời vang bóng.
Nhiều bạn trẻ khuyên tôi đừng níu kéo thời gian, quá khứ đã qua rồi hãy để nó chìm trong quên lãng, nhớ thương cũng hoài công thôi, hãy hướng về tương lai.
Tương lai nhiều hứa hẹn hơn, tương lai đầy sáng lạng hơn, tương lai rực rỡ hơn, tương lai huy hoàng hơn.
Anh em trẻ là người quyết định tương lai, nên theo lời khuyên của anh em trẻ mà tìm đường về tương lai.
Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009
Triết học và lịch sử (Hồ Ngọc Đại)
DẠY VÀ HỌC. GS. Hồ Ngọc Đại giảng tại trường viết văn Nguyễn Du. Bài đăng trên Blog Phạm Xuân Nguyên. "Triết học và lịch sử có sự chuyển hóa lẫn nhau. Ngày xưa vợ chồng gọi nhau là "mình" là triết học nhất. Mình mà lại không phải là mình. Bây giờ không còn gọi nhau như thế là bởi nhiều mình quá. Và phải hiểu rằng khi gọi "thằng chồng" là đã ám chỉ có "con vợ" ở trong rồi.Tư duy quá rạch ròi tạo ra trình độ thấp. Cái nhìn thấy chứa cái không nhìn thấy.(Giáo sư giơ cánh tay lên) Tôi đố các anh các chị đây là cái gì? (Hội trường: cánh tay). Cánh tay à? À, tôi nghe thấy có chị nào bên dưới bảo đây là cái gối. Đúng đấy, với riêng chị có thể đây là cái gối. Với người khác có thể là gọng kìm, là quả đấm. Hiểu rõ hai vấn đề, nhìn thấy hai mặt của một sự việc, các anh chị sẽ viết văn thoải mái hơn. Trên đời không có cái gì tồn tại đơn độc hết. Trong đời, cư xử cũng chính là một dạng triết học.
(Bài giảng của giáo sư Hồ Ngọc Đại tại trường viết văn Nguyễn Du. Giáo sư đầu bạc trắng, áo trắng, quần trắng, giọng nói sang sảng, giọng điệu hài hước và thẳng thừng).
5 điều cơ bản của buổi học:
1. Sự tương quan giữa triết học và lịch sử.
2. Sự tồi tệ của nghị quyết và chính sách.
3. Sự cần thiết của mở rộng/ phá bỏ tư duy cũ.
4. Phát hiện lớn nhất của con người là Công Nghệ Sinh Đẻ.
5. Ta tạo ra chính mình.
Tôi xin nói ngay là, tôi nói điều tôi nói, còn tiếp nhận hay không là việc của các anh các chị. Thơ dù đề là "Vô đề/ Không đề" thì vẫn cứ là có đề. Vậy hôm nay bài giảng của tôi có đầu đề là "Triết học và lịch sử".
Có hai vấn đề tôi cho là cơ bản nhất trong các vấn đề cơ bản: triết học và lịch sử. Xin nhớ cho rằng, chúng ta không mày mò điều mà nhân loại đã đi qua. Ta sinh ra thế giới đã có sẵn, anh buộc phải chấp nhận những điều có sẵn đó. Và ta phải chịu quá nhiều sức ép. Dưới những sức ép không gì cưỡng lại đó, ta cứ ngỡ là mình được tự do.
Anh ngồi yên ở đây, anh phải chịu sức ép của không khí, phải chịu lực hút của Trái Đất. Ta thấy điều đó là tự nhiên, ai cũng phải chịu những sức ép ấy, vậy là chẳng ai phải chịu sức ép cả.
Quay lại với triết học và lịch sử. Tính triết học được hiểu là cái lý cuối cùng của cuộc đời (không thấy được bằng mắt); còn lịch sử được hiểu là cái có thật, cái đã/đang/sẽ có thật, hoàn toàn trần trụi.
Mấy ngàn năm nay, nhân loại bao giờ cũng đứng trước hai vấn đề: triết học (tinh thần) và lịch sử (vật chất). Nhà văn như các bạn là phải hiểu vật chất một cách rất tinh thần.
Tôi chẳng hiểu tại sao lại có thứ câu hỏi ngu xuẩn đến thế, không hiểu sao có loại nhà trường ngu như thế! Đấy là cứ đặt ra hai câu hỏi cho học sinh: vật chất có trước hay tinh thần có trước? Cái nào quyết định cái nào? Điên à! Như mấy anh nào cứ hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước ấy, hỏi để làm gì?
Lịch sử và triết học tương đương nhau. Hegel nói: "Lịch sử và triết học là hai hình thái tương đương nhau". Anh chị chú ý chữ "hình thái", hay là "hình thức" ở đây. Hôm nay tôi mặc áo màu trắng, ngày mai tôi mặc áo đỏ, hoặc có lúc nào có chị gặp tôi không mặc áo gì cả, vẫn nhận ra tôi. Bởi đó chỉ là hình thức thôi.
Triết học và lịch sử có sự chuyển hóa lẫn nhau. Ngày xưa vợ chồng gọi nhau là "mình" là triết học nhất. Mình mà lại không phải là mình. Bây giờ không còn gọi nhau như thế là bởi nhiều mình quá. Và phải hiểu rằng khi gọi "thằng chồng" là đã ám chỉ có "con vợ" ở trong rồi.
Tư duy quá rạch ròi tạo ra trình độ thấp. Cái nhìn thấy chứa cái không nhìn thấy.
(Giáo sư giơ cánh tay lên) Tôi đố các anh các chị đây là cái gì? (Hội trường: cánh tay). Cánh tay à? À, tôi nghe thấy có chị nào bên dưới bảo đây là cái gối. Đúng đấy, với riêng chị có thể đây là cái gối. Với người khác có thể là gọng kìm, là quả đấm.
Hiểu rõ hai vấn đề, nhìn thấy hai mặt của một sự việc, các anh chị sẽ viết văn thoải mái hơn. Trên đời không có cái gì tồn tại đơn độc hết. Trong đời, cư xử cũng chính là một dạng triết học. Như tôi, giảng bài cho các anh các chị thì là Giáo sư, nói những gì, quay ngang quay dọc ra sao, nhìn ngó thế nào. Tôi về nhà, vợ gọi: "Đại đâu?" là phải "Dạ!" ngay (GS khoanh tay cúi đầu), không thì chết với nó.
Tiếp theo, tôi xin nói về "Siêu hình, biện chứng". Hegel nói, "Toàn bộ triết học thâu tóm vào phương pháp". Có hai phương pháp cơ bản: siêu hình và biện chứng.
•Siêu hình.
Hegel được coi như "ông trùm của duy tâm". Ông nói: "Các nhà triết học phê bình tôi, họ tưởng tôi cũng ngu như bọn duy vật".
VD: các cô trong đây giữ cho mình một cái ảnh trẻ nhất, đẹp nhất, mỗi khi ai hỏi thì đem ra khoe, hoặc yêu mến ai đem ra tặng. Các cô ngày thường có thể đanh đá, chua ngoa cau có, nhưng bức ảnh chụp lại một tích tắc đẹp và chặn đứng sự vận động của nó (siêu hình). Cái ảnh đó là sự thật, không hề bịa, nhưng lại sai (ngày thường con bé đành hanh, sao trong ảnh lại hiền dịu thế).
•Biện chứng.
Tức là để sự vật vận động và nghiên cứu nó trong lịch sử. Như thế thật mà không thật. Xem phim là một điển hình về biện chứng giả (thực chất là những siêu hình kế tiếp).
Mấy nghị quyết của Nhà nước giả là vì thế: cuộc sống vận động, nhưng nghị quyết thì đứng. Ngu thế chứ! Điển hình của sự sống là luôn luôn vận động. Hãy xem những nghị quyết như những cuốn tiểu thuyết. Hai đứa đấy lúc đầu gặp nhau thì chúng nó vui, chắc gì cả đời còn lại chúng nó vui?
Mà tư duy kiểu Việt Nam: không sai là đúng, không đúng là sai, có chết không.
Trong văn chương, anh không bao giờ là anh thì anh mới là anh. Anh luôn luôn là anh thì anh chết. Sự ổn định chỉ là ước lệ.
Như vậy, hãy tin vào Triết học, nhưng cũng không nên tin vào Triết học.
Không phải đi đâu xa, cuộc sống chính là lịch sử. Ta sinh ra từ đó và ta sống chết với nó. Cho nên các bà già nông thôn triết học lắm.
Triết học cao thì nhìn cuộc sống rõ. Cuộc sống đích thực thì triết học mới cao được.
Ở thế hệ của chúng ta, cuộc sống vận động rất nhanh. Mác nói: "Rồi có lúc một ngày bằng 20 năm", chính là lúc này đây.
Mác nói: "Lịch sử là tự nhiên". Khái niệm "lịch sử" ở đây chính là cuộc sống thực, là thực tiễn, là hiện thực, là hiện thực khách quan, như các anh chị thường dùng. Hồi đó Mác tí tuổi đầu, chưa tới 30, mà một ông GS 70 tuổi vẫn phải trích dẫn (ý GS tự nói mình) thì các anh chị biết là Mác giỏi thế nào.
Triết lý cuộc sống hết sức đơn giản: muốn gì thì gì, cứ phải sống đã. Ăngghen nói: "Sống là sự trao đổi chất". "Trao đổi" tức là phải có hai bên, có chất trao đổi, có sự vận động về thời gian và không gian.
"Lịch sử là tự nhiên". Thế tức là cái gì tự nhiên nhất thì vĩ đại nhất.
Cứ nống lên là vĩ đại à? Việt Nam buồn cười. Thi đua khác nào kiễng chân lên, có tăng được chiều cao đâu. Nước ta thế, khẩu hiệu càng nhiều, đất nước càng khốn nạn.
Năm 69,70 gì đó, tôi sang Liên Xô học. Những người bạn Liên Xô nói với nhau: "Các bạn ơi, chúng ta nên thương anh Đại. Cái mà chúng ta sắp đổ rồi thì anh Đại sang học".
Họ khuyên tôi nên đọc Platon, Kant, Hegel, Marx- chỉ cần đọc 4 ông ấy thôi, và chú thích cách đọc: thứ nhất, lúc nào chán không còn việc gì làm nữa thì hẵng đọc; thứ hai, đừng đọc theo hệ thống, hãy đọc lung tung bạ đâu đọc đấy.
Tôi không hiểu nổi những lời khuyên của họ. Nhưng chính cách đọc ấy làm tôi mở rộng tư duy, không theo khuôn thước nữa.
Các giáo trình triết học bây giờ buồn cười, bảo sai thì không sai, nhưng mà học chẳng để làm gì.
Có mấy người mời tôi đến dạy, sợ không đủ thù lao. Trời ơi, sinh viên là thù lao lớn nhất đối với tôi. Mà chính ra họ sợ tôi đến làm loạn sinh viên. Sinh viên là bọn dễ nổi loạn nhất.
Trong trường học, các anh chị toàn dạy Dao, Kéo cả, chẳng thấy Mác đâu hết.
Mác nói: từ trước đến giờ, các cuộc cách mạng đều là của số ít, không thấy cuộc cách mạng nào là của số đông. Ông hi vọng ở cuộc cách mạng tư sản Pháp, nhưng về sau ông thất vọng.
Các anh chị xem này, lúc đầu có hai loại người là "chủ nô và nô lệ". Hai loại này bị thay thế bởi "địa chủ và nông dân". Hai loại này lại bị thay thế bởi "tư sản và vô sản". Thế bây giờ muốn tư sản chết mà mỗi vô sản sống thôi à? Vô lý! Thằng đấy chết phải có thằng khác thay vào, hoặc là phải có hai thằng mới.
Có phải về mặt triết học, "nông dân" là phản động, bởi họ đại diện cho phương thức sản xuất cũ nên phải hủy bỏ không?
Ông.... hỏi tôi có gì trách Đảng không. Tôi bảo, tôi giận chứ tôi không trách, mà tôi quý tôi mới giận. Thứ nhất, ngàn đời nay Việt Nam toàn nông dân, nhưng chính sách với nông dân tệ quá. Các vị cũng từ nông dân mà ra chứ đâu. Thứ hai là chính sách với trí thức. Bọn này cực kỳ yêu nước, chỉ phải tội chúng nó hay chửi lung tung, thì Đảng hay cà khịa với chúng nó.
Lúc đầu trên đời không có gì hết, chỉ là một thế giới vô cơ. Sau đó xuất hiện sự sống hữu cơ, rồi có thực vật và động vật. Lịch sử luôn sáng tạo ra cái mới. Đến khi con người ra đời thì toàn bộ cơ sở tự nhiên đã có rồi.
Về mặt lịch sử, ta có cơ thể người. Về mặt triết học, ta có "phạm trù người".
Người là sản phẩm sau cùng của lịch sử tự nhiên. Việc mà toàn bộ lịch sử tự nhiên làm suốt tỉ tỉ năm qua thâu tóm vào trong CÔNG NGHỆ SINH ĐẺ. Đó là tinh túy của lịch sử.
Ta biết rằng ông Trời làm khoán, rất chắc chắn, an toàn tuyệt đối: con bò sẽ đẻ ra con bò, con vịt lại đẻ ra con vịt,... Và muôn loài cho gì hưởng nấy.
Riêng con người tự sinh ra mình, qua lao động. Loài người là loài ương bướng.
Con khỉ đầu tiên đi bằng hai chân, thể nào cũng bị đồng loại phê bình, họp kiểm điểm mạnh lắm. Cũng như cái anh đầu tiên nghĩ tới việc đi xe đạp, khác hẳn việc cưỡi ngựa hoặc đi xe ngựa (vẫn là dùng sức bộ), chắc chắn sẽ bị hàng xóm cười: "Thể nào nó chẳng ngã?".
Nhưng có xe đạp, loài người mới được giải phóng tư duy, rồi mới có ô tô, máy bay, đỡ sức.
Nói về chữ "RA SỨC". "Ra sức" để làm gì, ngu muội! Tôi đi ô tô, tôi nhẹ nhàng khởi động xe, không việc gì phải dùng sức hết. Thế lẽ ra phải đề cao mấy thằng "không ra sức", đằng này lúc nào cũng hô hào "ra sức", có điên không.
Con người ta vĩ đại là ở tinh thần, không ở thể xác. Ông Mác cao có 153cm, nếu đi thi hoa hậu thì ông cao vừa đến eo, mà với mãi hai tay lên chưa chắc đã với được đến chỗ cần với. Nhưng ông vẫn vĩ đại. Như vậy là tinh thần quan trọng hơn cơ thể.
Tôi nói câu này: "Con người là một thực thể tinh thần"- cái này nhiều ông sợ không dám nói. Con người là một thực thể tinh thần, do đó loài người tự sinh ra mình, bất chấp Kinh Thánh.
Ta quen "Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày,..." Tư duy hèn hạ. Lại còn "Nước, phân, cần, giống", nghe thì rất vĩ đại khi khái quát nó lên, nhưng đồng thời cũng rất chung chung. Bao nhiêu "nước"? "Phân" lúc nào?
(Quay lại công nghệ sinh đẻ) Cuối thế kỷ XIX, người ta phát hiện ra cơ chế thụ thai. Trước đó thì có con là việc trời cho. Bây giờ muốn lúc nào có lúc đấy, có hay không đều được. Bây giờ "coi trời bằng vung", dám làm rồi.
Và có công nghệ sản xuất vật chất thì ắt phải có công nghệ sản xuất tinh thần.
Người ta hỏi tôi: 30, 40 năm qua, anh làm được gì? Tôi đáp, ngần ấy năm tôi chỉ làm được có ba chữ thôi.
(Ba chữ gì?)
Có ba chữ thôi.
(Nhưng là ba chữ gì?)
HỒ NGỌC ĐẠI!
(cả hội trường ồ lên vỗ tay).
Tôi xin kết thúc bài giảng ở đây.
(tôi cũng xin kết thúc bài ghi ở đây).
Văn bản do nhà văn Châu Diên cung cấp
Trackback URL: http://www.vnweblogs.com/trackback.php?id=153914
Thứ Năm, 7 tháng 5, 2009
Quy mô thị trường internet Việt Nam
DAYVAHOC. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến trên cơ sở khai thác, ứng dụng mạnh mẽ ngân hàng kiến thức chuyên ngành và liên ngành để nâng cao chất lượng đào tạo. MICROTRAVEL.VN đã tổng hợp thông tin về quy mô thị trường internet Việt Nam
Internet xuất hiện ở Việt Nam chưa tới 10 năm, nhưng tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng đã gia tăng rất nhanh với tốc độ tăng trưởng được đánh giá là không kém, nếu không nói có phần hơn so với một số quốc gia phát triển. Theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến tháng 5/2007, số người sử dụng Internet là 16.176.973 người, chiếm tỷ lệ 19,46% trên tổng dân số Việt Nam, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2006. Tổng số tên miền .vn tính hết tháng 5/2007 đạt con số 42.470, tăng 1.476 tên miền chỉ trong vòng một tháng, tăng gần 16 lần so với tháng 5/2003 (2.746 tên miền) - thời điểm Việt Nam triển khai dịch vụ Internet băng thông rộng ADSL và Internet không dây - và tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2006.
Với tốc độ phát triển của Internet như hiện nay, Quảng cáo trực tuyến, loại hình quảng cáo từng được giới chuyên gia toàn cầu đánh giá là đầy tiềm năng, đang bứt phá mạnh mẽ. Những vụ “shopping” liên tiếp của các đại gia công nghệ trong thời gian gần đây như Google mua DoubleClick giá 3,1 tỷ USD, hay Microsoft thâu tóm aQuantive với mức giá kỷ lục 6 tỷ USD, đã báo hiệu một năm sôi động cho thị trường quảng cáo trực tuyến thế giới.Còn ở Việt Nam, theo một số đánh giá không chính thức, thì doanh thu của thị trường này trong năm 2006 là 64 tỷ VNĐ và trong những năm tới sẽ tăng trưởng 100% để đạt tới con số 500 tỷ VNĐ vào năm 2010. Tại một thị trường mới mẻ và phát triển nhanh như Việt Nam, các nhà chuyên gia đều khẳng định rằng quảng cáo trực tuyến sẽ làm nên một cuộc “cách mạng mới” từ năm 2007.
Nguồn: Internet
Tags: internet vietnam, learning to doing, dayvahoc
Internet xuất hiện ở Việt Nam chưa tới 10 năm, nhưng tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng đã gia tăng rất nhanh với tốc độ tăng trưởng được đánh giá là không kém, nếu không nói có phần hơn so với một số quốc gia phát triển. Theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến tháng 5/2007, số người sử dụng Internet là 16.176.973 người, chiếm tỷ lệ 19,46% trên tổng dân số Việt Nam, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2006. Tổng số tên miền .vn tính hết tháng 5/2007 đạt con số 42.470, tăng 1.476 tên miền chỉ trong vòng một tháng, tăng gần 16 lần so với tháng 5/2003 (2.746 tên miền) - thời điểm Việt Nam triển khai dịch vụ Internet băng thông rộng ADSL và Internet không dây - và tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2006.
Với tốc độ phát triển của Internet như hiện nay, Quảng cáo trực tuyến, loại hình quảng cáo từng được giới chuyên gia toàn cầu đánh giá là đầy tiềm năng, đang bứt phá mạnh mẽ. Những vụ “shopping” liên tiếp của các đại gia công nghệ trong thời gian gần đây như Google mua DoubleClick giá 3,1 tỷ USD, hay Microsoft thâu tóm aQuantive với mức giá kỷ lục 6 tỷ USD, đã báo hiệu một năm sôi động cho thị trường quảng cáo trực tuyến thế giới.Còn ở Việt Nam, theo một số đánh giá không chính thức, thì doanh thu của thị trường này trong năm 2006 là 64 tỷ VNĐ và trong những năm tới sẽ tăng trưởng 100% để đạt tới con số 500 tỷ VNĐ vào năm 2010. Tại một thị trường mới mẻ và phát triển nhanh như Việt Nam, các nhà chuyên gia đều khẳng định rằng quảng cáo trực tuyến sẽ làm nên một cuộc “cách mạng mới” từ năm 2007.
Nguồn: Internet
Tags: internet vietnam, learning to doing, dayvahoc
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)