DAYVAHOC. Dạ Ngân. Ai rồi cũng sẽ có lúc rủi ro hay lóng ngóng như vậy. Bỗng nghe thấy một mùi thơm sát bên và một giọng nói trai trẻ vô cùng lễ phép: “Để cháu dựng xe giúp còn cô lượm kỹ các thứ cho vô giỏ đi. Không sao đâu, ổn rồi, đi tiếp đi cô!” Nhận lại chiếc xe đã được nổ máy giúp, thế là lập cập qua đường, không kịp nhìn lấy lần nào người ơn ấy. Vậy mà nhớ, nhớ mãi mùi thơm và giọng nói, tất cả là một mùi thơm của lòng tốt, của văn minh, của hiếm.
Đường phố mỗi ngày một náo loạn mà thời gian thì không làm cho mình trẻ ra và nhanh nhẹn hơn được. Mỗi khi ra đường đều mang theo tâm trạng đề phòng đến mức lẩn thẩn: rủi mình tụt huyết áp dọc đường thì sao; rủi mưa ngập bánh xe không lui không tiến được thì sao; rủi mũ bảo hiểm tưởng xịn mà vẫn là hàng dỏm thì sao. Vân vân và vân vân. Bạn bè rủ rê, nhận lời xong liền thấy ngại đường xá nên hay tìm cách khất lại; có việc phải đi hai người thì cứ muốn kéo chồng nhảy xe buýt cho an toàn. Hình như chỉ có nước mình và một vài nước nữa mới cả quyết rằng xe máy là cứu cánh của nền kinh tế. Sao người Tàu họ không cần xe máy mà kinh tế họ vẫn cất cánh được, hay là họ giàu lên một phần nhờ sản xuất nhiều loại xe kém cỏi để bán cho dân Việt vốn xem xe máy là tài sản, là đẳng cấp?
Đang chuẩn bị rẽ sang con đường ở tay trái nhưng hớt hãi thế nào, chiếc xe năm mươi phân khối bỗng ngã ngang một cách thảm hại. Giữa đường, ngay trên vạch vôi phân cách. Mất tập trung một tí là nếm mùi ngay. Người người phóng ào qua như dòng nước lũ hung tợn. Những cái nhìn ác ý, những câu đay nghiến hả hê và những tiếng kèn chói tai như quát. Túi xách máng trên ghi đông văng ra, túi áo mưa trên giỏ xe văng ra, yên xe bật lên tung toé chiếc giẻ lau dành cho những khi mưa gió. Xấu hổ, lọng cọng, run rẩy và cả căm giận sự vô cảm của người đi đường. Ai rồi cũng sẽ có lúc rủi ro hay lóng ngóng như vậy. Bỗng nghe thấy một mùi thơm sát bên và một giọng nói trai trẻ vô cùng lễ phép: “Để cháu dựng xe giúp còn cô lượm kỹ các thứ cho vô giỏ đi. Không sao đâu, ổn rồi, đi tiếp đi cô!” Nhận lại chiếc xe đã được nổ máy giúp, thế là lập cập qua đường, không kịp nhìn lấy lần nào người ơn ấy. Vậy mà nhớ, nhớ mãi mùi thơm và giọng nói, tất cả là một mùi thơm của lòng tốt, của văn minh, của hiếm.
Lại nhớ một trận mưa đá vào ngày 20 tháng 11 năm đó ở Hà Nội. Mưa đổ xuống rầm rập trong lúc còn đang chọn một bó hoa thật ưng ý cho thầy Phạm Vĩnh Cư, vị thầy nổi tiếng cầu toàn thẩm mỹ. Mấy cô hàng hoa kéo khách vào sát phía trong, ai cũng tuyệt vọng vì trận mưa quỷ quái đã tàn phá không khí Ngày nhà giáo của thu đô. Quả nhiên, có bảo bọc cách nào thì hoa vẫn dập, người vẫn ướt và nước đã chiếm lĩnh hết đường xá, không hy vọng gì cục cựa bằng xe máy được nữa. Đành dắt xe đi để các cô hàng hoa còn than khóc cho vốn liếng của họ nhưng đi đâu bây giờ? Ô tô nằm xếp hàng la liệt trên đường Láng, vỉa hè dậy tiếng xe máy rống như thể lũ heo bị chọc tiết. Cuối cùng chiếc xe năm mươi phân khối nghèo khó cũng phải nằm đường ở một nơi không có ai thân thích để gửi tạm cả. Đang dở mếu dở cười thì một trong ba chú thanh niên đang ngồi xổm trong một căn phố trống nói vói ra: “Cô ơi, chiếc Chaly cúc cu này bất mãn rồi, để bọn cháu trông giúp qua đêm cho, mai cô ra lấy?” Được lời như cởi tấm lòng, còn được ba chú nhỏ kéo xe lên thềm nhà giúp nữa. Chiếc xe bèo không là đằng cấp như những chiếc tay ga thì cũng là tài sản và phương tiện chứ. Hình như đọc được vẻ phân vân của mình, một cậu có tuổi nhất bảo: “Cô đưa giấy viết ra cháu sẽ viết một tờ cam đoan là có giữ hộ cô chiếc xe máy mang biển số này này, được chưa?” Quá được chứ còn gì nữa. Người ơn lấy chứng minh thư ra trao để làm tin nhưng chữ viết trên tờ biên nhận cho thấy trình độ học vấn chắc cỡ lớp 2 mà thôi. Lòng băn khoăn mãi, không có cách nào để tin tưởng những người này một cách tự nhiên, đơn giản hơn sao? Đi bộ trong nước ngập về đến nhà đã khó, chăn êm nệm ấm mà giấc ngủ còn khó hơn. Nhớ mãi những chú em nông dân thợ sơn ưa ngồi xổm ấy, họ có tên trong chứng minh thư đây nhưng chắc gì mình sẽ nhớ được và sẽ có ngày gặp lại? Nhưng mà nhớ, nhớ mãi hương vị của một buổi tối tơi bời và nhớ mãi sự vô tư của những người xa lạ vào lúc con người hoang mang, ít kỳ vọng nhất.
Lại nhớ một người không kịp biết tên đã bế mình chạy đi tìm bệnh viện khi bỗng dưng căn bệnh tụt huyết áp giở chứng khiến phải té xỉu ở một thị trấn xa xôi. Nhớ một bữa ăn sông nước trên một chiếc ghe chở mía đi nhờ trong những ngày hăm hở rông dài để được trải nghiệm. Và mới năm ngoái đây thôi, ở sân bay của thành phố San Francisco, một viên cảnh sát Mỹ đã cầm lên từ hành lý mình mấy tuýp kem mỹ phẩm rồi hỏi hỏi lớn: “Xin lỗi, ở đây có ai biết tiếng Việt không?”. Trong lúc mình tuyệt vọng giữa không khí kiểm soát an ninh căng thẳng, giữa một biển người xa lạ như mình đang bơi giữa đại dương thì một cô gái nhỏ nhắn như một nàng tiên xuất hiện. Cô chạy tới hổn hển: “Cô ơi, sếp đây giải thích là dù hàng còn tem siêu thị nhưng nó sẽ bị tịch thu vì nó quá to so với trọng lượng qui định. Họ cẩn thận với hoá chất khủng bố ấy mà”. Lần này thì đã có thời gian để ngắm một cô gái đang phải tha hương kiếm sống ở sân bay xứ người. Nhớ, nghĩ bụng là sẽ nhớ mãi giây phút này, nhớ sự lịch thiệp của viên cảnh sát tận tuỵ chuyên nghiệp, và dĩ nhiên, là nhớ một cô gái bé nhỏ ân cần không lợi lộc gì trong việc giúp đỡ này cả.
Ai cũng còn le lói một chút lòng tốt trong người nhưng không phải lúc nào nó cũng được thêm dầu để sáng lên. Và dù không phải lúc nào ta cũng được nhìn thấy ngọn lửa ấy khi hoạn nạn, nhưng nếu ta bình tâm tin thì sớm muộn gì cũng có một bàn tay ở đâu đó chìa ra đúng vào lúc ta cam go nhất, chắc chắn là như vậy.
Dạ Ngân
(Phụ Nữ TPHCM 1/11/09)
Nguồn http://sites.google.com/site/vanhocfamily/dhuong-doi-tap-nap
- Hoàng Kim
- Nhà sách HOÀNG GIA
- Ngọc phương Nam
- Chào ngày mới
- Thung dung
- Dạy và học
- Dạy và học BLTV
- Dạy và học ĐHNL
- Cây Lương thực
- Food Crops News
- Food Crops.vn
- Food Crops
- Green Super Rice
- Cassava Viet
- Cassava News
- Gardening Tips
- Học mỗi ngày
- Danh nhân Việt
- Tin Nông nghiệp Việt Nam
- Tình yêu cuộc sống
- Kim on Twitter
- KFB
Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét