Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Day dứt chuyện Nông trường Sông Hậu



DAYVAHOC. "Bà Ba Sương cùng với cha mình đã cống hiến cho đất nước cả một điển hình bằng xương, bằng thịt trong thực tế về xây dựng nông thôn mới. Bằng những thành công của mình, Nông Trường Sông Hậu đã trở thành một điển hình mới, một cơ chế mới, một mô hình mới, một thương hiệu mới của nông thôn Nam Bộ. Điều xót xa, cay đắng nhất là người nữ giám đốc anh hùng ấy đã gục ngã không phải vì đã có các quyết sách không đúng trong sản xuất kinh doanh hay vì sự sa ngã bản thân, mà lại bị bắt lỗi, kết tội vì lập "quỹ trái phép" với vai trò chủ mưu. Vậy thì, một câu hỏi lại được đặt ra là: Ai quyết định lập quỹ? Vì sao phải lập quỹ và quỹ chi vào việc gì? Bà Ba Sương rất ngạc nhiên khi bị kết tội chủ mưu lập quỹ trái phép, trong khi chẳng hề có một văn bản, cuộc họp hay quyết định nào về việc lập quỹ do bà ký. Bởi vì quỹ là do cha bà lập ra từ năm 1994, tới năm 2000 ông qua đời, bà lên làm giám đốc thay cha và quỹ đó vẫn tiếp tục do công đoàn quản lý. Bắt tội lập "quỹ trái phép" thì nếu cha bà còn sống có kết tội cả ông hay không?" Bài viết của Trần Nhật Thi trên Báo Lao Động số 266 Ngày 23/11/2009. Ảnh trên: Bà Trần Ngọc Sương tại phiên sơ thẩm của toà án huyện Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ).

(LĐ) - Chiều 19.11, trong lúc bà Trần Ngọc Sương phải nhập viện cấp cứu thì Hội đồng phúc thẩm TAND Cần Thơ tuyên y án sơ thẩm 8 năm tù giam đối với bà. Bỏ tù người nữ giám đốc, một trong những phụ nữ hiếm hoi của ngành nông nghiệp được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao Động thời kỳ đổi mới", ta được gì? Mặc dù bản án có hiệu lực ngay, nhưng dư luận chưa thể yên lòng.

Công lao của hai cha con

Có lẽ, ít có đơn vị kinh tế nào có thể chiếm được tình cảm nhiều đến thế của báo giới cả nước. Cũng có lẽ, ít có đơn vị kinh tế nào trong suốt gần ba thập kỷ luôn được đánh giá cao và dành được tình cảm tốt đẹp cùng sự hiện diện tại đơn vị mình nhiều đến thế của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Những ngày này, khi người nữ giám đốc Nông trường Sông Hậu (NTSH) bị khởi tố, truy tố, xét xử thì dư luận lại càng không thể yên lòng. Báo chí vẫn tiếp tục lên tiếng khẳng định mô hình NTSH, khẳng định những đóng góp to lớn của người đứng đầu nông trường.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có ý kiến; Thường trực Uỷ ban Trung ương MMTTQVN cử luật sư và ra văn bản "Kiến nghị xem xét lại bản án". Gần 500 hộ nông trường viên của NTSH ký vào đơn bày tỏ sự không đồng tình với phán xử của các cơ quan pháp luật, trong đó hơn 100 người dân ở NTSH tình nguyện "ở tù" thay cho giám đốc nông trường. Chỉ riêng điều đó thôi cũng chứng tỏ sự việc không chỉ còn là của riêng người nữ giám đốc.

Từ vai trò và số phận của những người cán bộ quản lý kinh tế dám dấn thân khai phá trên con đường đổi mới chưa từng có tiền lệ của đất nước, xin mạnh dạn nêu một vài suy nghĩ với mong muốn vào một kết cục có hậu của NTSH - một đơn vị anh hùng, một điển hình của nông thôn mới và số phận người nữ giám đốc anh hùng đã cống hiến trọn đời cho mô hình đó...

Bị can ngồi kia, ngay trên vỉa hè, đang lùa vội bát bún thay bữa cơm chiều khi bóng đêm nhấp nhoá đã về. Bị can ngồi kia, trong căn buồng tá túc tuyềnh toàng ở TPHCM, tóc ngả bạc, mắt cần phải mổ, nhưng chưa đủ tiền đang cắm cúi lục tìm đống chứng từ, tài liệu để minh chứng cho sự vô tội của mình.

Bị can nằm kia, đang cấp cứu giữa trắng toát giường bệnh trong suy kiệt vì bệnh tiểu đường, huyết áp và tim mạch. Bị can đứng kia, đang chắp tay thành kính trước bàn thờ cha mình (ông Trần Ngọc Hoằng). Ông là người anh hùng lao động chân đất nổi tiếng, không chỉ Đồng bằng Nam Bộ, mà cả nước này biết đến.

Người con gái hiếu thảo tài giỏi kế tục sự nghiệp của ông, cũng được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao Động thời kỳ đổi mới" như ông. Người con gái anh hùng của ông, "người phụ nữ tài năng toàn quốc năm 2007", "người phụ nữ ấn tượng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2002" - con ông - giờ đã là bị cáo. Cái ranh giới giữa anh hùng và tội phạm sao mong manh đến thế?

Ngay cả lúc này, khi bản án phúc thẩm đã tuyên, sự thể đã thế rồi thì ngay một người khe khắt và định kiến nhất cũng không thể không thừa nhận công trạng của cha con người anh hùng.

Bằng chứng ư? Hiển nhiên ngay trước mắt chúng ta đó, một nông trường trù phú mênh mông, bát ngát với sức sống mới đang lên. Những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay trĩu hạt khi mùa về. Hơn vạn con người gắn bó, quần tụ với nông trường trong đời sống dẫu còn khiêm tốn, nhưng ấm no, hạnh phúc đã về.

Nó không tự hiện lên như trong chuyện cổ tích giữa đời thường, mà nó khởi nguồn từ hơn 30 năm trước (tháng 4.1979), khi 16 chàng trai, cô gái theo Giám đốc Trần Ngọc Hoằng chèo xuồng vào vùng đất hoang hoá sình lầy này để cắm mốc khai phá cho cuộc sống ấm no của 16.000 người dân hôm nay.

Chỉ 2 năm sau đó (1981), bà Trần Ngọc Sương tốt nghiệp Đại học Cần Thơ khoá đầu cũng theo bước cha mình là Giám đốc Trần Ngọc Hoằng, ký thác cuộc đời vào sự tồn vong của nông trường.

Đó là những năm đất nước bên bờ vực khó khăn. Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất tan rã từng mảng, nông dân cơ cực, đói ăn ngay trên đồng ruộng của mình. Cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp chồng chéo, thắt bó, tình trạng ngăn sông cấm chợ và tư duy cũ làm nên bao nỗi thống khổ trong đời sống của đất nước.

Theo lời Đảng gọi, cha con bà Sương và bao chàng trai, cô gái đã đổ không biết bao nhiêu tâm sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa xuống vùng đất sình lầy này.

Năm 1985, Nhà nước đã lần đầu phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao Động" cho Nông trường Sông Hậu để ghi nhận công lao của Giám đốc Trần Ngọc Hoằng và bà con nông dân nơi đây đã biến một vùng đất hoang hoá, sình lầy thành một làng quê trù phú.

Năm 1999, Nhà nước lần thứ hai tặng danh hiệu "Anh hùng Lao Động" cho NTSH để ghi nhận công lao của một tập thể những người lao động không chỉ làm giàu cho nông trường, đưa năng suất lúa của nông trường lên hàng cao nhất nước, mà còn đưa nông trường hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Ông Trần Ngọc Hoằng được tặng danh hiệu "Anh hùng Lao Động", nhưng ông vẫn đi chân đất, kể cả khi đón tiếp Tổng Bí thư Đỗ Mười khi đó về thăm nông trường. Vậy nên, bà con Nam Bộ mới yêu mến gọi ông là "anh hùng chân đất".

Rồi năm 2000, ông Năm Hoằng qua đời. Bà Ba Sương tiếp nối xứng đáng sự nghiệp của cha và cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao Động thời kỳ đổi mới", được bầu là Đại biểu Quốc hội. Năm 2002, bà được vinh danh" Người phụ nữ ấn tượng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương".

Năm 2007, NTSH là một trong số những doanh nghiệp tiêu biểu cả nước được trao "Giải thương hiệu mạnh Việt Nam", còn bà Ba Sương được tặng danh hiệu "Người phụ nữ tài năng toàn quốc".

Như vậy là, bà Ba Sương cùng với cha mình đã đóng góp rất lớn vào việc biến vùng hoang hoá sình lầy thành miền quê trù phú, giúp bao cảnh đời nghèo khó vươn lên có cuộc sống sung túc như ngày nay. Ông Năm Hoàng qua đời, bà con nông trường dựng tượng ông để thể hiện sự kính trọng, biết ơn của mình.



Anh hùng Trần Ngọc Hoằng (chân đất) và con gái Trần Ngọc Sương (áo dài) trong lần đón Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm (ảnh tư liệu của đồng nghiệp).

Không chỉ làm giàu một vùng quê, cha con ông Năm Hoàng còn cống hiến cho đất nước một mô hình về con đường đi lên ấm no và hội nhập của nông thôn mới trong chặng đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Mô hình đó không chỉ được xác nhận và đánh giá trong chuyến thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác; không chỉ được đề cao trong các bài báo, phim ảnh, mà còn trong cả các cuộc hội thảo, các công trình nghiên cứu khoa học.

Năm 2002, tại Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore, GĐ Trần Ngọc Sương được tặng danh hiệu "Người phụ nữ ấn tượng Châu Á - Thái Bình Dương" về kinh doanh, vì đã giải quyết được 4 vấn đề lớn của nông dân, không chỉ ở Việt Nam mà là ở cả ASEAN hiện nay: 1/Giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. 2/Đưa khoa học-kỹ thuật vào đồng ruộng. 3/Tạo thương hiệu cho nông dân để vào các thị trường phát triển. 4/Thu hút được tuổi trẻ ở lại với nghề nông.

Bà Ba Sương đã có mặt ở gần 40 quốc gia trên thế giới để tìm hiểu thị trường, quảng bá sản phẩm, khai thác cơ hội kinh doanh. NTSH đã trở thành đơn vị tiên phong trong 4 lĩnh vực của mặt trận nông nghiệp Việt Nam:

1/NTSH là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên ở nước ta tiên phong đăng ký nhãn hiệu độc quyền ở trong và ngoài nước. 2/NTSH là doanh nghiệp nông nghiệp có sản phẩm xuất khẩu đa dạng bậc nhất. 3/NTSH là doanh nghiệp nông nghiệp có nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu bậc nhất. 4/NTSH là doanh nghiệp nông nghiệp có nhiều sản phẩm quen thuộc với thị trường thế giới bậc nhất.

Người ta nhiều khi không cần làm, chỉ cần bán ý tưởng thôi đã có thể thành tỉ phú. Ở đây không chỉ đơn thuần là ý tưởng, mà bà Ba Sương cùng với cha mình đã cống hiến cho đất nước cả một điển hình bằng xương, bằng thịt trong thực tế về xây dựng nông thôn mới.

Bằng những thành công của mình, NTSH đã trở thành một điển hình mới, một cơ chế mới, một mô hình mới, một thương hiệu mới của nông thôn Nam Bộ.

Điều xót xa, cay đắng nhất là người nữ giám đốc anh hùng ấy đã gục ngã không phải vì đã có các quyết sách không đúng trong sản xuất kinh doanh hay vì sự sa ngã bản thân, mà lại bị bắt lỗi, kết tội vì lập "quỹ trái phép" với vai trò chủ mưu.

Vậy thì, một câu hỏi lại được đặt ra là: Ai quyết định lập quỹ? Vì sao phải lập quỹ và quỹ chi vào việc gì? Bà Ba Sương rất ngạc nhiên khi bị kết tội chủ mưu lập quỹ trái phép, trong khi chẳng hề có một văn bản, cuộc họp hay quyết định nào về việc lập quỹ do bà ký. Bởi vì quỹ là do cha bà lập ra từ năm 1994, tới năm 2000 ông qua đời, bà lên làm giám đốc thay cha và quỹ đó vẫn tiếp tục do công đoàn quản lý. Bắt tội lập "quỹ trái phép" thì nếu cha bà còn sống có kết tội cả ông hay không?

Những năm đầu đổi mới, nền kinh tế nước ta vật vã vận hành trong cơ chế và quy phạm cũ nặng nề, thắt bó, cơ chế và quy phạm mới chưa thật sự định hình để đủ sức thắng hẳn cái cũ. Có hàng trăm thứ không hề có trong quy định vẫn phải chi. Một là bó tay, hai là tìm cách tháo gỡ.

Quỹ công đoàn do Giám đốc Trần Ngọc Hoằng lập ra để thu hút các thầy - cô giáo yên tâm về nông trường dạy học, trợ giúp các gia đình khó khăn, chi cho cán bộ nhân viên bị đau ốm, chi cho việc xây dựng nhà tình thương, ăn trưa, tang ma, cưới hỏi, chi cho các hội đoàn, các cơ quan hành chính từ xã, huyện đến tỉnh khi có lời đề nghị trợ giúp.

Đấy là chưa kể không biết cơ man nào là các đoàn tham quan, nghiên cứu từ tỉnh đến trung ương viếng thăm nông trường. Những khoản chi đó không thể xuất tiền của nông trường vì đó là tiền Nhà nước, tài chính không cho phép. Phải chi từ quỹ công đoàn, vì đó là những khoản tiền làm ngoài kế hoạch của nông trường, ở đây chủ yếu là tiền thu được do sáng kiến trồng bạch đàn dọc các kênh mương.

Rõ ràng Nhà nước không mất gì ở đây. Đó là tiền làm ngoài kế hoạch của bà con nông trường. Nay kiểm tra, thanh tra, nếu thật sự có thất thoát, tư lợi, chi sai mục đích thì xử lý, thì thu hồi.

Nhưng nếu giả dụ NTSH là doanh nghiệp tư nhân thì sao? Nhà nước sẽ làm gì với khoản tự làm ra và tự chi đó? Có những doanh nghiệp nước ngoài được Nhà nước cấp đất tới 50 năm, họ tự tung tự tác làm ăn, đánh đập sa thải công nhân, xả chất thải huỷ hoại môi trường (như Vedan), Nhà nước không thu được gì, mà lại phải đứng ra giải quyết.

Còn ở đây, đất đai của NTSH vẫn trong tay Nhà nước. Nông trường lại làm nên bức tranh tươi sáng cho cả một vùng quê, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn con người, gánh trách nhiệm thay chức năng của một xã từ xây dựng hạ tầng cơ sở đến lo an sinh cho người dân mà không được Nhà nước cấp ngân sách.

Có những năm, NTSH xuất khẩu tới 300.000 tấn gạo, hàng trăm ngàn tấn phân bón, rồi những chuyến bay tới gần 40 quốc gia trên thế giới để quảng bá sản phẩm, mở mang cơ hội kinh doanh thì nếu cứ dựa vào các quy định tài chính thắt bóp thì chỉ có nước bó tay chịu chết.Trong lúc các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn làm ăn thua lỗ, thất thoát lớn tiền của, tài sản của Nhà nước, làm nóng cả diễn đàn Quốc hội thì xử lý ra sao?

Còn với NTSH thì sao?

Là lá cờ đầu trên mặt trận nông nghiệp và nông thôn, là "Anh hùng Lao Động trong thời kỳ đổi mới", được lãnh đạo kỳ vọng nhiều điều, NTSH đã phải oằn mình vì gánh nặng cơ chế và gánh nặng mô hình để đi lên. Kỳ lạ và đáng khâm phục làm sao, trải bao sóng gió, NTSH vẫn sống, vẫn đầy tiềm năng phát triển. Điều đó quý giá biết bao khi trong thực tế có những điển hình đầu năm đón nhận danh hiệu anh hùng, cuối năm tuyên bố phá sản (Dệt Long An).

Lại có điển hình từng được coi là hình ảnh của CNXH ở nông thôn, nay đang rơi vào cảnh nghèo đói nhất tỉnh (Định Công - Thanh Hoá ). Vì lẽ đó, nhìn nhận, xử lý và cư xử ra sao với NTSH và với người nữ giám đốc anh hùng đứng đầu nông trường lâm vòng lao lý đang là mối bận tâm của xã hội.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và môi trường kinh doanh quá nhiều khó khăn về cơ chế và không ít biến động, rủi ro, không ai nói là người nữ giám đốc ấy không có sai phạm, thậm chí sai phạm không nhỏ. Nhưng đó có phải là con người tư lợi, chỉ lo thu vén cho cá nhân mình hay không? Rõ ràng là không phải.

Người nữ giám đốc ấy nay đã ngoài 60 tuổi, già yếu, bệnh tật, không chồng, không con, không nhà cửa, không một tài sản giá trị nào, đang sống bằng đồng lương hưu ít ỏi và phải tá túc nhà bà con mỗi chỗ ít hôm trên con đường đấu tranh giành lại danh dự cho mình. Bà có một lời tâm sự và một lời nhắn gửi buốt lòng, xin được nhắc lại và xin được gửi tới bạn đọc bài báo này:

- "Tôi định tự sát lâu rồi, nhưng nhiều đồng chí lão thành khuyên tôi phải sống để tìm ra sự thật. Bây giờ còn sống ngày nào, tôi còn đấu tranh để làm rõ ra chân lý".

Bỏ tù người nữ giám đốc, một trong những phụ nữ hiếm hoi của ngành nông nghiệp được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao Động thời kỳ đổi mới", ta được gì?

Ghi chép của Trần Nhật Thi

MỘT SỐ Ý KIẾN

Tôi rất đồng tình với bài viết này và mong hội đồng xét xử TAND Cần Thơ xem xét tới công lao vô cùng to lớn của bà giám đốc Ba Sương để mong trả lại sự tự do công bằng cho những người có công như bà Sương.

vu hong yen

Ta được gì ư? Được cái vô cảm, nhẫn tâm, cái mất niềm tin vào con người trong xã hội! Hãy đưa những người đem danh hiệu Anh hùng Lao động đến cho NTSH và cá nhân cha con bà Sương ra xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vì làm bừa làm ẩu, khen thưởng danh hiệu cao quý như thế cho một người, không, hai cha con và hàng vạn người ở đây đã làm sai pháp luật mấy chục năm như thế!

thu

Đọc bài báo trên tôi thật sự cảm thấy xúc động và đau lòng trước hoàn cảnh của người nữ giám đốc đã giành cả cuộc đời cho bà con nông dân. Mong rằng các cơ quan pháp luật cân nhắc giữa lý và tình, phán quyết hợp lòng người.

hông lê

Đặc Xá Bà Ba Sương
Blog Ô Sin, 21.11. 2009

Nếu như các vị thẩm phán của Tòa phúc thẩm Thành phố Cần Thơ thực sự tin rằng, “Nông trường Sông Hậu cho đến nay vẫn là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, việc lập quỹ để ngoài sổ sách trái quy định là vi phạm pháp luật”, thì chúng ta nên tôn trọng quyết định của các cơ quan tố tụng. Nhưng, nếu như bản án 8 năm tù có thể động được lòng trắc ẩn của các nông trường viên đến mức có tới 110 người ký đơn xin ở tù thay cho bà Ba Trần Ngọc Sương thì các nhà lãnh đạo đã gắn “anh hùng” cho bà Ba Sương, đã cổ vũ, tung hô mô hình của bà có thể cũng đang trăn trở. Nông trường Sông Hậu, nơi có thể coi là một trong những “thành trì cuối cùng của chủ nghĩa xã hội” trong nông nghiệp, sẽ tiếp tục “định hướng” đi đâu nếu bắt tướng giữ thành!

Ba mươi năm trước, khi cuộc chiến tranh Tây Nam kéo các đơn vị quân đội trở lại chiến trường, nông trường Quyết Thắng thuộc Tỉnh đội Hậu Giang gần như bị bỏ hóa. Ông Trần Ngọc Hoằng, nguyên là một thiếu tá, lúc bấy giờ là Phó Ty Nông Nghiệp Hậu Giang đã xung phong về đây. Ông Năm Hoằng mang theo 16 người, gồm nam nữ đoàn viên thanh niên, bộ đội xuất ngũ, học sinh trung cấp vừa ra trường. Tài sản ban đầu: 3.450 ha đất loại IV; 10 chiếc máy kéo mua chịu; 50 ngàn đồng để mua sắm nồi chảo, gạo mắm… Là mô hình tiêu biểu của chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn ấy, nhưng ông Năm Hoằng và sau này, con gái ông là bà Ba Sương, đã không nằm chờ bao cấp. Họ tự vay vốn ngân hàng tự tích lũy làm ăn và tự đầu tư mạng lưới y tế, giáo dục, đường sá… trong khi họ có thể khai là “vùng sâu, vùng xa” để nhận tiền từ ngân sách.

Sở dĩ, hàng vạn tập đoàn, hợp tác xã, nông trường… được hình thành theo phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa đã tan tác hoặc chỉ còn tồn tại như những thây ma từ cuối thập niên 80, trong khi nông trường Sông Hậu vẫn tồn tại cho đến ngày nay là bởi có những con người thực lòng trung thành như cha con bà Ba Sương và có những nhà lãnh đạo muốn họ tiếp tục giữ mô hình ấy như một minh chứng: chủ nghĩa xã hội cũng có thể trở thành hiện thực. Nguồn quỹ mà Tòa coi là trái phép và buộc bà Ba Sương phải bồi thường hơn 4 tỷ 3, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng phân tích chỉ là “các khoản tiền thu từ tận dụng đất đai… để trợ cấp ốm đau, thai sản, ma chay và hỗ trợ cất nhà ở cho nông trường viên…”, thực ra, chẳng đáng bao nhiêu so với khoản kinh phí mà cha con bà Ba Sương đã phải bỏ ra để tiếp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương đến tham quan “mô hình” trong suốt hơn 30 năm tồn tại.

Với tài năng của cha con bà Ba Sương, nếu không dồn sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, hoàn toàn có thể xây dựng một tương lai giàu có cho cá nhân. Cha con bà đã tâm huyết và cũng đã được biết như là những tấm gương; đã được phủ nhiều hào quang và đã được vinh danh. Tuy nhiên, giống như “tập thể hóa” đã tan rã từ lâu, việc bà tiếp tục nhân danh chủ nghĩa xã hội để làm ăn trong thời buổi ngày nay xem ra không còn thức thời cho lắm. Nhất là khi mà mọi giao dịch đều phải có phong bì và gặp lãnh đạo địa phương, dù cho mình là ai, thì cũng cần thưa gửi. Nhưng có lẽ số phận của bà Ba Sương cũng không đến nỗi nếu hàng ngàn hecta đất của Sông Hậu không bị các nhà kinh doanh dự án tính toán “quy hoạch, phân lô”. Chưa kể, trong thẳm sâu, các nông trường viên cũng muốn có mảnh ruộng riêng thay vì làm công ăn đong tiếp tục.

“Nếu so sánh với một số vụ án tham nhũng đã được xét xử gần đây thì bản án này quả là quá bất công”, nói như Cựu Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình người đã từng đến nông trường Sông Hậu và gặp bà Ba Sương. Nếu như các cơ quan tố tụng đã điều tra, truy tố và xét xử bà Ba Sương như từng thực hiện lâu nay, nghĩa là có lãnh đạo, có chủ trương, thì vụ án có thể là một tín hiệu cho thấy những mô hình như bà Ba Sương không còn cần nữa. Nếu như, “nền tư pháp Cần Thơ” đã tiến bộ tới mức có thể độc lập với cấp ủy khi đưa ra phán quyết nói trên thì việc bỏ tù một phụ nữ phụng sự hết lòng như bà Ba Sương cũng thật vô cùng bất nhẫn. Nhưng, nếu như, trong số những người đương chức có ai còn nhớ tới bà Ba Sương thì cũng không nên can thiệp để thay đổi bản án mà Tòa Cần Thơ mới tuyên. Xét “nhân thân” của bà Ba Sương, Chủ tịch Nước nên ký ngay lệnh đặc xá xóa tội cho bà Trần Ngọc Sương hoặc miễn cho bà việc chấp hành hình phạt.

Huy Đức


THÔNG TIN LIÊN QUAN:
>> Vụ "lập quỹ trái phép" tại Nông trường Sông Hậu: Hai bị cáo được giảm án
>> Tiếp tục hoãn phiên toà phúc thẩm
>> Bị cáo Trần Ngọc Sương tiếp tục xin hoãn phiên tòa
>> Bị cáo Trần Ngọc Sương kháng cáo
>> Vụ án "Lập quỹ trái phép" tại Nông trường Sông Hậu: 5 bị cáo lãnh 22 năm, 6 tháng tù
>> Nhiều vấn đề quan trọng được làm rõ

Theo dòng sự kiện
http://www.laodong.com.vn/EventList.aspx?EventID=393
Thủ tướng: "Tôi có quan tâm đến vụ án Trần Ngọc Sương"
Nguyên Giám đốc Trần Ngọc Sương gửi đơn kêu cứu
Mong cô Ba tai qua nạn khỏi về lại với nông trường
Vô tâm và nhẫn tâm!
Sự trong sáng của một Anh hùng

Không có nhận xét nào: