Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Bão số 9 và những bài học



DAYVAHOC. GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân. Những thiệt hại mà đồng bào các tỉnh miền Trung phải gánh chịu trong cơn bão số 9 Ketsana vừa qua thật quá lớn về tài sản và nhất là về sinh mạng. Tình cảnh thương xót này buộc chúng ta phải rút ra những bài học cần thiết để lần sau, vâng, rất tiếc vì sẽ còn có những lần sau, mất mát và thương đau sẽ giảm đi. Bão cường độ mạnh hay yếu, đi theo hướng nào và đổ bộ vào đâu, cho tới nay không tùy thuộc vào chúng ta. Nhưng, thiệt hại mà chúng gây nên nhiều hay ít lại có phần do chính chúng ta.

Những bài học từ hiện tại …

Ai cũng biết nạn phá rừng đang là một tai họa đối với đất nước. Nhưng phải nhìn thấy những bãi gỗ trôi theo lũ về chân cầu Quảng Huế, huyện Đại Lộc (Quảng Nam); phải nhìn thấy cảnh một làng bị cát vùi lấp tất cả những gì còn sót lại trên mặt đất sau khi đã bị nước cuốn trôi, thì mới thấy cụ thể thêm quy mô của tai họa này, mới nhận ra hậu quả khủng khiếp của lòng tham đầy tội lỗi của lâm tặc, và sự bất lực của một bộ phận trong bộ máy quản lý nhà nước đã không giải quyết được tận gốc hiểm họa dai dẳng này.

Chính phủ có cả một chương trình trọng điểm quốc gia “Trồng mới năm triệu ha rừng”, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, từ thập niên cuối của thế kỷ trước liên tục cho đến cuối thập niên đầu của thế kỷ này, và có lẽ sẽ còn được kéo dài thêm một thời gian nữa. Cho tới cuối Khóa XI, QH vẫn chưa có được bảng kết toán đáng tin cậy giữa diện tích trồng mới và diện tích rừng bị đốn chặt, bị cháy, trong khi hàng năm ngân sách nhà nước phải chi cho chương trình trọng điểm này không ít hơn năm bảy trăm tỷ đồng.

Tuy vậy, chắc chắn một điều bảng kết toán về sinh khối và về độ che phủ của rừng là âm, âm rất nhiều. Chính vì vậy đất mới bị xói mòn nhanh, nước mưa rơi xuống là chảy tức thì theo triền, kéo theo đất cát, và cả những cây gỗ to đã bị lâm tặc đốn và cưa sẵn theo kích thước, với những tai họa mà chúng ta đã thấy.

Những bài học cần rút ra cùng với địa chỉ là quá rõ để không cần phải nói gì thêm. Có chăng đó chính là sự thờ ơ, hầu như cam chịu, có nơi có cả sự đồng lõa của một số người, của xã hội, của chính chúng ta trước những hành động phá rừng tội lỗi đó. “Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Liệu dân ta có chấp nhận tai ương này lâu hơn nữa không?

Ai cũng biết các tỉnh duyên hải miền Trung nằm trên một dãy đất hẹp, độ cao chênh lệch cả ngàn mét từ núi tới biển, giảm rất nhanh chỉ trong khoảng cách vài chục cây số theo đường chim bay. Ở dãy đất này, những hậu quả của mất rừng (xói mòn, rửa trôi, sạt lởã đồi dốc,…) khốc liệt hơn ở bất cứ địa bàn nào khác. Một báo cáo khoa học đã đánh động về tình trạng lòng các hồ đập bị lấp dần(1), làm giảm nhanh chóng công suất và hiệu quả hoạt động so với thiết kế ban đầu, thậm chí làm hỏng hóc các tổ máy phát thủy điện trên địa bàn(2).

Làm hồ để trữ nước trong mùa mưa để dành cho mùa kiệt, xây dựng nhà máy thủy điện khai thác thế năng của lượng nước trữ là những ý tưởng đúng và phổ biến. Nhưng ở những lưu vực triền dốc cao, nếu công tác quy hoạch thủy lợi, thủy điện không được tính toán thật kỹ về địa chất, thủy văn, thủy lực, với tần suất đảm bảo an toàn cao; nếu quy trình tích nước và điều tiết nước chỉ vì lợi nhuận kinh tế(3), thì cộng với nạn phá rừng tiếp tục diễn ra, các hồ trữ nước và đập thủy điện sẽ là những lưỡi kiếm treo lơ lững trên đầu nhân dân các tỉnh miền duyên hải miền Trung!

Khi người dân đã than trách “Trước đây, bà con tui đã quen sống chung với bão lũ. Lệ thường bão qua ít ngày, gây mưa vùng thượng nguồn rồi lũ mới lên. Nên bà con tui còn có thời gian để mà lo đối phó. Còn bây chừ bão trên đầu gầm rít, nước lũ dưới chân dâng lên tích tắc, làm răng mà chịu cho thấu”(4), thì phải tìm ra nguyên nhân, đặc biệt những khâu nói trên đây cần được rà soát một cách nghiêm túc. Sống không an cư thì làm sao mà thoát được nghèo, nói gì đến phát triển bền vững. Bài học rút ra và địa chỉ, theo tôi, cũng khá rõ.

và từ thách thức chớm nở: biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng

Như đã thấy trên đây, do rừng đầu nguồn trên dãy Trường Sơn bị tàn phá nhiều, địa mạo vùng duyên hải Trung Bộ trở nên ngày càng không ổn định. Sau mỗi mùa lũ, thậm chí hiện nay sau mỗi cơn bão lớn, lòng sông, địa mạo các cửa sông thay đổi nhiều.

Với biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng, sự không ổn định của địa mạo còn sẽ đến từ phía Biển Đông, ép từ hai phía lên dãy đất hẹp miền Trung. Tình hình bờ biển bị xâm thực, sự đe dọa của biển dâng lên hạ tầng cơ sở, lên đời sống người dân dọc bờ biển, ngoài thời gian mùa bão lũ, còn diễn ra thường xuyên hơn theo các kỳ triều cường và gió chướng.

Thế nhưng, dọc ven biển rừng dương phòng hộ bị tàn phá khá nhiều.

Ở các xã ven biển Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Bình Hải, huyện Thăng Bình, Quảng Nam từ nhiều năm nay, rừng dương bị chặt phá để làm vuông nuôi tôm trên cát. “Cái lời trước mắt”, cụ thể, thấy được ngay, đã lấn át “cái lợi lâu dài”, khó thấy hơn cho dù lâu bền hơn, mà người ta chỉ ngậm ngùi tiếc nuối một khi đã đánh mất. Phải chăng đây cũng là một bài học cần rút ra, nhất là khi bờ biển liên tục bị xâm thực.

Theo tin từ các báo, tại các xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, xã Đức Lợi, Mộ Đức, Quảng Ngãi, triều cường đang xâm thực dần vào quỹ đất của các xã, chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, sóng biển đã cướp đi hơn 70 ha đất và rừng dương ven biển của xã. “Nếu rừng dương phòng hộ ven biển không còn, thiên tai diễn biến phức tạp như thế này, xã chúng tôi có nguy cơ bị xóa sổ bởi triều cường và gió bão” ông chủ tịch xã Đức Lợi nói.

Tại xã Thạch Bằng (Hà Tĩnh), trước đây bãi biển nằm cách nơi người dân ở 400-500m, nay chỉ còn cách chừng 200m. Năm nào người dân cũng di dời nhà cửa, hàng quán vào sâu, nhưng cứ di dời bao nhiêu thì biển xâm lấn bấy nhiêu, năm có bão thì biển xâm thực 40-50m, năm không có bão thì sóng to gió lớn, nước biển cũng ăn sâu trên 10m. Theo ông chủ tịch xã Thạch Bằng, tình trạng này đã kéo dài hơn chục năm nay rồi và nếu tình cảnh cứ tiếp diễn, một xóm của xã Thạch Bằng có nguy cơ biến mất.

Những thông tin sống từ địa bàn trên đây, cộng với những tư liệu khoa học của IPCC năm 2001 cho thấy ít nhất từ 10 năm nay, tình trạng xâm thực bờ biển đã xảy ra, và trong thời gian này đã có dồn dập ba cơn bão lớn, Chanchu năm 2006, Xangsane năm 2007, và Ketsana 2009 ập vào các tỉnh miền Trung với những tổn thất ngày càng tăng.

Một câu hỏi đặt ra: việc hoạch định địa bàn để tái định cư dân trong các tình huống mực nước biển dâng khác nhau, đã được các bộ ngành có liên quan và các cấp chính quyền các tỉnh đã xúc tiến ra sao rồi? Hy vọng rằng nếu chưa thì sau cơn bão số 9, công việc này sẽ được xúc tiến tích cực hơn và được hoạch định một cách chu đáo. Bởi lẽ nếu chờ đến khi “nước tới chân”, e rằng khi đó tự phát hoặc theo cảm tính cùng kéo nhau đi phát hoang, san lấp mặt bằng mới để ở và sản xuất, thì có thể chính sự thiếu chuẩn bị làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn định địa mạo bằng việc tạo thêm những bất ổn định địa mạo mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu có hai nhiệm vụ chủ yếu rất rõ: tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT- XH, phát triển ngành và địa phương; xây dựng các kế hoạch hành động của các Bộ, ngành và địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những mất mát quá lớn lao mà các cơn bão liên tiếp năm 2006, năm 2007 và năm 2009 là những tiếng chuông khẩn thiết đối với cả hệ thống chính trị nước ta hãy rút ra cho mình những bài học cần thiết và sớm cụ thể hóa hai nhiệm vụ trên đây thành kế hoạch hành động thiết thực và có hiệu quả.

________________

1. Theo một báo cáo khoa học của Khoa Địa lý, Đại học Quy Nhơn, ở tỉnh Bình Định, việc bồi lắng các hồ chứa, làm giảm tuổi thọ của các hồ từ 40 - 60% so với mức thiết kế ban đầu tại các hồ Hòn Gà, hồì Thủ Thiện (Tây Sơn), hồ Núi Giằng (Phù Mỹ), hồ Thạch Khê (Hoài ân). Các hồ Vĩnh Sơn, Hội Sơn, Vạn Phú, Núi Một, Phú Ninh, Đồng Tre … cũng đang diễn ra quá trình bồi lắng lòng hồ với các mức độ khác nhau. Theo tôi, tình hình này chắc chắn không chỉ xảy ra tại tỉnh Bình Định.

2. Theo trang web của Công ty cổ phần Thủy điện A Vương, sáng ngày 29.9.2009, Nhà máy thủy điện đã ngừng phát điện do bùn cát, gỗ củi rác đổ về khiến hai tổ máy không hoạt động được vì sự cố. Thông tin còn cho biết “Các cây gỗ gãy đổ và vật trôi nổi đã làm méo lan can hạ lưu nhà máy ở cao trình 74. (…) Dòng thủy lực khu nhà máy ở mực nước cao độ 74 đã tạo thành những dòng xoáy xả trực tiếp từ thượng lưu về kênh xả nhà máy, đây là hiện tượng thủy lực cần phải được xem xét trong quá trình vận hành nhà máy lâu dài”.

3. Khi báo cáo về tổng lượng nước đã xả ngày 29.9.2009 là 149,3 triệu m3, Chủ tịch HĐQT của CTCP Thủy điện A Vương tính rất chi tiết: lượng nước xả đó “tương đương với lượng điện năng có thể phát ra được là 110 triệu kwh”! Không biết có một ý nghĩ nào, dù nhỏ, về hậu quả của việc xã lũ đó đối với đồng bào của mình ở hạ lưu nhà máy hay không?

4. Trích http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/200910/Thuy-dien-A-Vuong-xa-lu-gay-ngap-vung-ha-luu-871894/

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân
Nguồn: Người đại biểu nhân dân. 12/10/2009

Không có nhận xét nào: