Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Sự thật lịch sử chỉ có một

Nhị Hà

DAYVAHOC. Trên trang Website Sông Cửu Long, nhà văn Hoàng Lại Giang có bài viết: "Về cụ Phan Thanh Gian: Trao đổi với đồng nghiệp" ủng hộ quan điểm dựng tượng đài và tôn vinh nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản. Bài viết của Nhị Hà (TP. Hồ Chí Minh) "Sự thật lịch sử chỉ có một" đã phản bác lại quan điểm trên. Trang tư liệu DAYVAHOC lưu giữ những thông tin phản biện trái chiều này nhằm tìm hiểu sâu hơn về vấn đề đã nêu.

Vừa qua, trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và trên Website Đồng Bằng Sông Cửu Long, ông Hoàng Lại Giang có bài viết “Trao đổi với đồng nghiệp” xoay quanh nhân vật Phan Thanh Giản. Bài viết này đã đưa ra nhiều vấn đề nhằm phản bác lại quan điểm của một số bài trên các báo trước đó để bênh vực Phan Thanh Giản và ủng hộ việc tỉnh Bến Tre cho dựng tượng đài Phan Thanh Giản. Đọc bài “Trao đổi với đồng nghiệp”, tôi không đồng tình với nhiều vấn đề mà ông Hoàng Lại Giang đề cập như cách cảm nhận thơ văn cụ Đồ Chiểu viết về Phan Thanh Giản, việc Phan Thanh Giản “đòi lại được” tỉnh Vĩnh Long từ tay Pháp, vấn đề “tin ai” – tin Trần Huy Liệu hay tin cụ Đồ Chiểu, vấn đề đổi mới lịch sử, việc dựng tượng… mà tôi cho rằng những cách biện giải của ông Hoàng Lại Giang vừa chủ quan, thiếu thực tế vừa thiếu khoa học và xây dựng. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ giới hạn phân tích ba vấn đề trong số đó nhằm để rộng đường dư luận.

Thứ nhất: Chúng ta sẽ không trung thực với lịch sử nếu đổ trách nhiệm để mất Nam Kỳ vào tay Pháp cho Nguyễn Tri Phương, vị tướng anh hùng đã “vị quốc vong thân” và là chủ soái của phe “chủ chiến” trong triều đình Tự Đức bấy giờ.

Ông Hoàng Lại Giang dẫn dắt người đọc từ việc Nguyễn Tri Phương đánh thua Pháp trong trận Kỳ Hòa, rồi “đánh đâu thua đó, thua cho đến khi hy sinh”, “Nguyễn Tri Phương vẫn luôn chủ chiến, nhưng chiến như thế nào thì trước sau vẫn theo cách … đại bại” đến việc so sánh sứ mệnh đàm phán của Phan Thanh Giản với Pháp ngày đó và việc đàm phán của thủ tướng Phạm Văn Đồng với Pháp khi ký Hiệp định Genève. Ông viết:

“Kinh nghiệm của những cuộc đàm phán với kẻ thù xâm lược phải nói đến thế và lực của hai bên. Hiệp định Genève là một minh chứng rõ ràng nhất. Nếu không có chiến thắng vang dội ở Điện Biên Phủ thì liệu nhà ngoại giao Phạm Văn Đồng có ký được Hiệp định Genève không? Trong mọi cuộc đàm phán, quân sự bao giờ cũng đi trước một bước, đúng hơn là phải áp đảo kẻ thù thì mới hy vọng trên bàn ngoại giao ta mới có được thế chủ động và có lợi”.

Điều này không sai, nhưng ông Hoàng Lại Giang lại chỉ ra cho người đọc thấy rằng do Nguyễn Tri Phương đánh đâu thua đó “Một vị tướng tài của triều đình nhà Nguyễn mà như thế thì làm sao có một nhà ngoại giao tài để có thể dùng ba tấc lưỡi buộc kẻ xâm lăng trả lại những đất đai chúng đã chiếm” làm cho Phan Thanh Giản mới không có thế và lực để bước vào đàm phán nên ta mới … mất nước.

Ông Hoàng Lại Giang quên mất một điều cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi và dấu son Hiệp định Genève có được là do có Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ lãnh đạo, là sự thống nhất ý chí cao độ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đó còn là kết quả của cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài 9 năm mà những năm đầu thế và lực của ta so với Pháp như Bác Hồ từng nói “Nay tuy châu chấu đá voi. Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”. Còn nước Việt Nam đứng trước sự tồn vong 150 năm trước, lãnh đạo cao nhất của quốc gia là Tự Đức thì “sáng đòi đánh, tối đòi đánh, đánh miết thì mệ con ta ở mô?”. Chỉ riêng một câu đó thôi của người nguyên thủ quốc gia dội xuống đầu phe chủ chiến thì thử hỏi quân sĩ nào còn đủ ý chí chiến đấu! Đó là chưa kể một loạt những mưu sĩ “chủ hòa” và cả tướng “chủ bại” bao quanh nhà vua như Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp, Nguyễn Bá Nghi, Trương Quốc Dụng, Trần Văn Trung …

Xin trích một đoạn trong sách “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” của tác giả Nhật Yoshiharu Tsuboi (Sách in từ tài liệu luận án tiến sĩ của Yoshiharu Tsuboi) để bạn đọc thấy rõ hơn về sự “lãnh đạo” của Tự Đức đối với đạo binh của Nguyễn Tri Phương:

“Năm 1872, để giải quyết “vấn đề Dupuis”, Phương được cử ra Bắc Kỳ với tư cách phái viên cao cấp của nhà vua, Khâm mạng tuyên sát đổng sức đại thần, có toàn quyền thương thuyết với Pháp/ Thái độ của ông đối với Pháp vẫn luôn luôn không khoan nhượng và Jean Dupuis kể lại một vài kiểu nói của ông:/ “Nguyên soái nói nguyên văn: “Ta sẽ tiêu diệt gia đình chúng nó tận gốc”. Ông cũng nói là ông sẽ ngăn cản thuyền của tôi ngược lên Vân Nam, và nếu chúng tôi không ra đi ngay lập tức, ông sẽ cho băm vằm chúng tôi ra từng mảnh nhỏ”/ Cuộc đụng độ giữa Nguyễn Tri Phương và Jean Dupuis kéo dài dù có sự dàn xếp của giám mục Puginer. Lúc bấy giờ Tự Đức làm một việc vụng về nghiêm trọng là yêu cầu Thống đốc Nam Kỳ thuộc Pháp giúp đỡ và Thống đốc đã cử Francis Garnier ra Bắc Kỳ, với nhiệm vụ “san bằng” vụ Dupuis/ Cũng vấp phải sự không khoan nhượng của Nguyễn Tri Phương, Garnier quyết định chiếm thành Hà Nội. Ngày 20-11-1873, vào bảy giờ sáng, thành bị chiếm. Phương bị thương nặng vì trúng mảnh đạn trái phá và con trai ông là Nguyễn Lâm bị giết. Một tháng sau, Phương từ trần/… Cái chết của Phương cũng là một biểu tượng, bởi vì nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết ấy, một mặt là sự không nhất quán trong chính sách ngoại giao của Tự Đức - khi cầu viện Thống đốc Nam Kỳ thuộc Pháp, triều đình đã đưa nước Pháp đến chỗ can thiệp ở Bắc Kỳ - mặt khác là sự yếu kém trong công cuộc phòng thủ của phía Việt Nam”.

Yoshiharu Tsuboi là người Nhật, hẳn ông ta không bênh ai khi làm luận án tiến sĩ của mình. Cái kiểu “điều binh” đâm sau lưng chiến sĩ của Tự Đức như vậy mà Nguyễn Tri Phương không thua mới là lạ.

Khi quy tội “Nếu trung thực với lịch sử thì phải nói rằng người đã để mất thành Kỳ Hòa và sau đó là 3 tỉnh miền Đông và một tỉnh miền Tây – Vĩnh Long là Nguyễn Tri Phương”, ông Hoàng Lại Giang cũng quên mất là sau khi Đại đồn Kỳ Hòa thất thủ tháng 2-1861, Nguyễn Tri Phương bị điều ngược ra Huế, mặt trận Nam Kỳ được Tự Đức giao lại cho Nguyễn Bá Nghi. Nguyễn Bá Nghi tuy là tướng đánh trận nhưng vừa vào đến chiến trường, chưa đánh đã vội tâu về triều: “Trừ một chước hòa, tôi chỉ còn biết chịu tội”. Sau đó khi nghe tin Pháp sắp đánh Biên Hòa, Tự Đức lại sai Nguyễn Tri Phương đem quân xuống phía Nam cứu viện. Binh tướng Nguyễn Tri Phương chưa vào đến Bình Thuận thì Pháp đã chiếm được Biên Hòa ngày 14-12-1861. Kế tiếp, quân cứu viện chưa vào được Nam Kỳ thì Pháp đã công phá thành Vĩnh Long ngày 20-2-1862. Trong khi đó, Khâm sai Nguyễn Bá Nghi bỏ ngỏ thành Biên Hòa, đem đại quân rút chạy ngược ra Bình Thuận.

Trong hơn mười năm đau thương của đất nước, Nguyễn Tri Phương đã hai lần hành quân ra cứu nguy Hà Nội, hai lần điều binh vào Nam Kỳ đánh nhau với Pháp, hai lần bị Tự Đức rút khẩn cấp về dẹp loạn ở Huế và gần một năm trời tổ chức tử thủ ở mặt trận Đà Nẵng khiến Pháp sa lầy phải lui binh. Một vị tướng cầm quân vào Nam ra Bắc không biết mệt mỏi rồi hy sinh anh dũng vì sự tồn vong của dân tộc lại bị ông Hoàng Lại Giang quy cho cái tội làm mất một phần đất nước! Một vị tướng mà ngay cả kẻ thù của ông lúc bấy giờ cũng phải ca ngợi là: “Một con người xuất sắc về nhiều mặt, là người yêu nước nồng nàn, là chiến sĩ dũng cảm” (Lời Étienne Louvet). Còn qua ngòi bút của Hoàng Lại Giang, tôi có cảm tưởng vị tướng không đội trời chung với quân cướp nước chỉ biết hùng hục đánh, đánh kiểu nào cũng đại bại không khác gì hữu dõng vô mưu. Sao mà tội nghiệp cho Nguyễn Tri Phương quá. Nhằm để “nâng” Phan Thanh Giản mà lại đi “hạ” Nguyễn Tri Phương, quả là rất không nên.

Thứ hai: Phải chăng ông Hoàng Lại Giang muốn bạn đọc hiểu là chính những người cách mạng đã sáng tác ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” để cho quần chúng căm ghét triều đình nhà Nguyễn? (Thực chất là “mại quốc” chứ không phải “mãi quốc” như ông Hoàng Lại Giang ngộ nhận).

Ông Hoàng Lại Giang viết: “Trong cuộc tọa đàm về Phan Thanh Giản năm 1996 ở 43 Nguyễn Thông, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có nói hai câu này xuất phát từ quê ông ở Hà Tĩnh do Trần Tấn và Đặng Như Mai tung lên để kéo quân vào kinh thành lật đổ triều đình nhà Nguyễn”. Nếu tách riêng đoạn văn này ra khỏi bài viết ta có thể hiểu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là do Trần Tấn và Đặng Như Mai ở Hà Tĩnh “tung lên” trong Cách mạng Tháng Tám và lần đầu tiên ông Nguyễn Đình Tư nghe được là từ hai người này. Người “tung lên” không nhất thiết là người sáng tác ra. Nhưng khi ông viết tiếp: “Còn dân Nam Kỳ vẫn tôn trọng triều đình. Với lại khẩu khí này không phải là khẩu khí của dân Nam Kỳ. Tôi thấy nhiều người nghiêng về ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư” và đặt cả đoạn văn trong mạch bài viết thì người đọc không thể hiểu khác là ý ông Hoàng Lại Giang muốn cho thấy chính những người cách mạng sau này đã đặt điều với lịch sử.

Trước hết, dựa vào đâu mà ông Hoàng Lại Giang (hoặc ông Nguyễn Đình Tư) cho rằng “dân Nam Kỳ vẫn tôn trọng triều đình. Với lại khẩu khí này không phải là khẩu khí của dân Nam Kỳ”?. Hay các ông là người Nam Kỳ chăng? Trong “Tuyên ngôn Quản Định” (Tạp chí Sử Địa – trang 44) khẩu khí của dân Nam Kỳ, của Trương Công Định là như thế này đây: “Chúng tôi sẽ chống lệnh triều đình” nếu vẫn “duy trì sự đã rồi bằng cách nhường một phần đất nước và giúp đỡ quân giặc”, “nhân dân ba tỉnh tha thiết muốn khôi phục địa vị cũ bèn tôn chúng tôi lên làm lãnh tụ. Vậy nên chúng tôi sẵn sàng chiến đấu và ở miền Đông cũng như miền Tây, chúng tôi sẽ đề kháng, chúng tôi sẽ xông pha”, vì “dân chúng đã nói “Chúng ta thà chết chứ không làm tôi tớ cho giặc””. Khẩu khí của dân Nam Kỳ trả lời triều đình là hàng chục ngàn nấm mồ nghĩa binh đã đi theo Quản Định, Thiên Hộ Dương, Thủ khoa Huân, Đốc binh Kiều, Nguyễn Trung Trực, Quản cơ Thành. Lớp trước ngã xuống lớp sau lại nón chóp tầm vông xông lên. Họ đâu có nghe theo triều đình khi được Phan Thanh Giản kêu gọi “hãy bẻ gãy giáo và gươm giao thành trì khỏi chống lại”. Khẩu khí ấy còn là “Thà cho trước mắt mù mù/ Chẳng thà nhìn thấy kẻ thù quân thân”, “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ” (Đồ Chiểu).

Trở lại với câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, xin cứ hỏi bất kỳ một vị học giả cao niên nào chánh gốc Nam Kỳ cũng sẽ nhận được câu trả lời là họ nghe được từ thời nào. Giáo sư Trần Văn Giàu, cụ Ca Văn Thỉnh, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Oanh – Tác giả cuốn "Chân dung Phan Thanh Giản" xuất bản năm 1974 tại Sài Gòn và rất nhiều vị đã qua tuổi hoa niên thời tiền cách mạng không lẽ họ đã nhầm lẫn khi viết sách. Cứ cái kiểu “nói vống không sợ đánh thuế” thì rồi sẽ có người khác bảo những câu như “Bệ hạ muốn hàng thì trước hết hãy chém đầu thần đi đã”, hoặc “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” cũng là do sau này người ta đặt ra để làm tăng sĩ khí và lòng tự tôn dân tộc nhằm chiến thắng quân xâm lược! Chính nhà vua Tự Đức đã xác nhận dư luận của quần chúng nhân dân Nam Kỳ lúc bấy giờ trong một bài thơ của mình “Khí dân triều trữ cửu. Mại quốc thế gian bình”. Giấy trắng mực đen còn đó.

Thứ ba: Ông Hoàng Lại Giang cho rằng Phan Thanh Giản yêu nước. Mở đầu đoạn văn này, ông Hoàng Lại Giang dựa vào uy tín của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “Một lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với tôi rằng…” (Xin lưu ý cụm từ “nói với tôi” chứ không phải được trích dẫn từ một bài phát biểu nào của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) để khẳng định là “Phan Thanh Giản yêu nước theo cách của Phan Thanh Giản”. Lập luận này tôi rất không đồng tình.

Là mưu sĩ, nhà ngoại giao số một của triều đình đồng thời cũng là chủ soái của phe “chủ hòa”, chân dung Phan Thanh Giản đã được chính Tự Đức hai lần vẽ nên. Lần thứ nhất khi Phan Thanh Giản thay mặt nhà vua đi thương lượng với giặc nhưng lại tự ý cắt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp bằng hòa ước Nhâm Tuất 1862, Tự Đức trách phạt: “Hai ngươi (chỉ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp) không những chỉ là tội nhân của triều đình mà còn là tội nhân muôn đời của hậu thế”. Lần thứ hai Tự Đức kỳ vọng giao trách nhiệm vào trấn giữ 3 tỉnh miền Tây nhưng Phan Thanh Giản lại sốt sắng dâng nộp nốt 3 tỉnh này cho Pháp khiến Tự Đức nổi giận xuống chỉ: “Đến như Phan Thanh Giản thì thủy chung đều quanh quất, lời nói không theo được việc làm, đem học vấn danh vọng một đời trút sạch ra bể Đông, thực là táng tận lương tâm, quá đỗi phụ ơn. Mặc dù lấy cái chết để tự phạt nhưng cũng chưa đủ đền bù cho trách nhiệm”. Chân dung Phan Thanh Giản tưởng không gì rõ hơn thế.

Trong bức “Công thơ” của Phan Thanh Giản gởi Tổng đốc An Giang và Hà Tiên ngày 20-6-1867 sau khi mở ngỏ cửa thành Vĩnh Long rước Pháp vào, ta sẽ thấy “cách yêu nước” của Phan Thanh Giản: “Người Phú – lang – sa có chiến thuyền to, chở đầy quân và đại bác. Không người nào có thể chống lại. Người Phú – lang – sa muốn đến đâu cũng đặng, những đồn lũy chắc chắn cũng phải bể…. Vậy bản chức viết công thơ cho các quan văn cũng như cho các tướng võ hãy bẻ gãy giáo và gươm giao thành trì khỏi chống lại…. Hỡi các quan và lê dân, các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú – lang – sa, những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi”. Người Việt Nam vốn có truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, vậy những lời lẽ trên của Phan Thanh Giản thì phải giải thích làm sao? Có phải vì quá khiếp sợ mà đầu hàng giặc hay là chỉ vì thương và tránh cho “con dân” khỏi nạn binh đao? Cứ cho là Phan Thanh Giản thương dân nên đầu hàng, giao đất giao thành cho giặc nhưng nếu tiền nhân nước Việt ai cũng thương dân kiểu đó thì liệu còn nước Nam này cho dân ta không? Còn nước để mà yêu không? Việc Phan Thanh Giản gởi mật thư cho Bonard, cho Tự Đức đề nghị tiêu diệt Trương Định, Võ Duy Dương, bắt giữ người liên lạc của Trương Định rồi gởi thư thông báo cho Pháp là yêu nước sao?

Khi Quản cơ Thành, tức Trịnh Quang Nghị bắt giết những người theo Pháp (sau này Quản cơ Thành cũng rời bỏ triều đình, mộ quân khởi binh chống Pháp ở An Giang), Phan Thanh Giản dâng sớ về triều đề nghị xử tội. Tự Đức không những tha cho Trịnh Quang Nghị mà còn phán: “Nghị chỉ vì yêu nước mà hoạt động. Giết Nghị tức là tự mình ly gián với nhân dân”. Một ông vua ươn hèn, khiếp nhược như Tự Đức còn có lúc biết thế nào là yêu nước, thế nào là lòng dân. Còn Phan Thanh Giản thì lại sốt sắng, quyết liệt bảo vệ quyền lợi xâm lược của Pháp một cách triệt để, coi những nghĩa sĩ chống Pháp như kẻ thù của mình. Đây là một đoạn trong thư Phan Thanh Giản gởi Lagrandière để chia buồn về cái chết của Trung tướng Hải quân Bonard – là người đã cùng ký Hiệp ước Nhâm Tuất với Phan Thanh Giản: “Hồi ấy, Đại Phú – lang – sa đã lưỡng lự về vấn đề lấy xứ Nam Kỳ làm thực dân địa. Khi một lần đối thoại giữa ông ấy và tôi để định ngày cho cuộc thương nghị và vấn đề một khi đã giải quyết xong, những tư tưởng và nguyện vọng của chúng tôi hóa thành một”. Còn gì để nói nữa khi chính Phan Thanh Giản là người chủ động thúc dục Bonard chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa trong khi viên tướng này còn lưỡng lự chưa quyết. Và như vậy, nói Phan Thanh Giản yêu nước … Pháp theo cách của Phan Thanh Giản có lẽ thuyết phục hơn.

Những hoài nghi, những đoan quyết về một Phan Thanh Giản yêu nước thực ra đều khởi nguyên từ một chén thuốc độc mà ông đã tự xử. Vị tiến sĩ văn tài như thế, thanh liêm như thế, cúc cung tận tụy 3 triều vua mà cuối cùng phải dành cho mình chén thuốc độc. Nhiều người xót xa thương cảm. Tôi cũng xót xa thương cảm. Nhưng cái chết của Phan Thanh Giản là tử tiết thì tuyệt đối không phải. Tôi đã có bài viết phân tích về cái chết của Phan Thanh Giản nhưng nhân việc ông Hoàng Lại Giang cho rằng Phan Thanh Giản yêu nước, thiết nghĩ cũng cần đề cập lại.

Ngày 20-6-1867, Phan Thanh Giản giao thành Vĩnh Long cho Pháp, sau đó gởi báo cáo kèm triều phục và ấn triện theo tàu Mẫn Thỏa hỏa tốc về Huế để nhận phạt. Đến ngày 19-7-1867, tức là gần trọn một tháng không thấy Tự Đức trả lời, Phan Thanh Giản mới bắt đầu tuyệt thực. 15 ngày sau nữa tin nhạn vẫn bặt tăm, Phan Thanh Giản quyết định uống thuốc độc tự vận. Ông vật vã gần ba ngày mới tắt thở. Đó là ngày 4-8-1867.

Đã có quá nhiều bút mực lý giải cái chết của Phan Thanh Giản nhưng Phan Thanh Giản chờ Tự Đức trả lời trong một tháng rưỡi mới tự tử là có thật. Nếu tử tiết sao ông không tự sát ngay như Tổng đốc Hoàng Diệu, như Tổng trấn Võ Duy Ninh? Tại sao phải chờ đợi? Chúng ta lại nhớ, lần tự ý nhượng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, Tự Đức tuy phán Phan Thanh Giản là tội đồ, mà tội ấy phải xử trảm, nhưng chỉ xử Phan Thanh Giản tội cách lưu. Tất nhiên là vì Tự Đức vẫn rất cần Phan Thanh Giản trong mối quan hệ với Pháp. Mặt khác, bội ước với Pháp sẽ lãnh hậu quả đáng sợ hơn. Sự chờ đợi trong lần nhận tội thứ hai này, không gì khác hơn là Phan Thanh Giản vẫn kỳ vọng vào ân sủng của thánh chúa. Nhưng lần này Phan Thanh Giản đã đi quá xa, Tự Đức không những không cứu được Phan Thanh Giản mà còn phải xử ông tội trảm hậu. Phan Thanh Giản đã chọn chén thuốc độc để chết trước!

Có một chi tiết khá lạ lùng được ghi trong thư của Thiếu tá Ansart gởi Thiếu tá Tổng tham mưu trưởng Reboul về những giây phút hấp hối của Phan Thanh Giản. Thiếu tá Ansart, linh mục Marc và y sĩ Coniat là 3 người Pháp có mặt thường trực lúc Phan Thanh Giản lâm chung. Ansart viết: “Chúng tôi đã phải gần như ép buộc ông và lợi dụng một trong những lúc ông ngất đi mới khiến ông nuốt được một chút giải độc. Nhưng, ngay khi ông được biết là các quan đã bỏ đi, và chỉ còn có mình ông với chúng tôi, thì ông đã thuận mọi điều. Than ôi, khi đó đã quá muộn! Và điều cho thấy rõ tư tưởng của ông đã theo một chiều tốt đẹp hơn, là hai lần ông hỏi cha Marc: “Tôi sẽ thoát được chăng?” Rủi ro thay, Thiếu tá biết chung cục như thế nào”. Xin được dành sự luận giải đoạn thư trên cho người đọc.

Việc triều đình Tự Đức yếu hèn để mất nước nhanh chóng và việc Phan Thanh Giản chủ động dâng Nam Kỳ cho Pháp làm thuộc địa là những sự thật lịch sử không thể chối cãi. Nguyên nhân và tác nhân có thể có rất nhiều, nguyên nhân khách quan và chủ quan, tác nhân trực tiếp và gián tiếp… Chúng ta đều thuộc lớp hậu thế, việc nghiên cứu phẩm bình công tội của người đi trước phải hết sức cẩn trọng, không thể chủ quan áp đặt. Lịch sử là khoa học. Khoa học không phải là bất biến nhưng cũng không hề bay bổng như văn chương. Sự thật lịch sử chỉ có một. Điều khác biệt là người ta giải mã sự thật lịch sử ấy bằng tâm ý nào.

TP.HCM, Tháng 3 năm 2008

Trong bài viết “Trao đổi với đồng nghiệp” của ông Hoàng Lại Giang về cụ Phan Thanh Giản đăng trên báo Văn Nghệ Hội Nhà văn và trên Website Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù ông viết rằng ông chỉ muốn trao đổi với các ông Lê Văn Duy, Vũ Hạnh, Trần Thanh Đạm – là những người ông đã biết tên tuổi họ. Còn một số người khác, ông bảo “những người này tôi không quan tâm” vì “tôi chưa được biết tên tuổi và một công trình hay tác phẩm nào của họ” nhưng liền sau đó ông Hoàng Lại Giang đã thẳng thừng công kích bài viết của những người mà ông không quan tâm ấy với giọng cay cú: “bài viết của họ với giọng văn hằn học, kết cấu lỏng lẻo, tư liệu méo mó, cách quy chụp thiếu khoa học và xây dựng đã gây phản cảm”. Là một trong số những người có bài viết không đáng để ông Hoàng Lại Giang quan tâm trao đổi nhưng lại hân hạnh được ông chỉ trích, tôi chỉ muốn đề cập đến một số điểm trong bài viết mà tôi cho rằng chính ông đã biện giải một cách méo mó, thiếu khoa học và xây dựng để rộng đường dư luận.

Không có nhận xét nào: