Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Phan Thanh Giản một tấm lòng yêu nước

Việt Chung

DAYVAHOC. Trang Web Đồng bằng Sông Cửu Long đã đăng bài "Phan Thanh Giản một tấm lòng yêu nước" của Việt Chung (Vĩnh Long). Bài này đã in ở báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh số 583, ngày 28.4.1989

Về mặt văn học, Phan Thanh Giản là người có công lớn đối với đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long - WSCL) nói riêng. Điều thực tế đó không ai chối cãi được.

Phan Thanh Giản sinh năm 1796 tự là Tĩnh Bá và Đạm Như, hiệu Lương Khê và Ước Phu, biệt hiệu là Mai Xuyên, người làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Thuở nhỏ nhà nghèo mồ côi mẹ sớm, nhưng rất chăm học. Năm 1825 đậu cử nhân, năm sau đậu tiến sĩ, là người giành học vị tiến sĩ đầu tiên ở Nam Kỳ. Tính tình cương trực và thanh liêm, làm quan nhà Nguyễn trải qua ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, "từng bị thăng giáng nhiều phen, gần như cuộc đời của Nguyễn Công Trứ" (1).

Năm 1828 vâng lệnh vua đi làm quan xa, ông phải nhờ vợ ở lại thay ông phụng dưỡng cha già. Khi đi, ông làm bài thơ “Từ giã vợ nhà đi làm quan”. Bài này nổi tiếng trong giới văn học lúc bấy giờ, nội dung diễn tả một cảm xúc mạnh mẽ, chân thực trong tình cảm vợ chồng:

"Từ thưở duyên se mối chỉ hồng
Lòng này ghi tạc có non sông
Đàng mây cười tớ ham giong ruổi
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng
Ơn nước nợ trai đành nỗi bận
Cha già nhà khó cậy nhau cùng
Mấy lời dặn bảo cơn lâm biệt
Rằng nhớ, rằng quên lòng hỡi lòng?" (2)

Trên đường ra kinh nhậm chức – từ đất Vĩnh Long ra đến Huế - trải bao nhiêu sông suối, núi rừng, qua bao nhiêu trạm, đường xa xôi hiểm trở. Trên đường đi, ông đã tức cảnh làm bài thơ “Trên đường ra kinh”. Qua bài này chúng ta cũng thấy được tâm trạng của ông sớm ý thức sâu sắc triết lý cuộc đời:

"Trải bảy mươi hai trạm đến kinh
Bao nhiêu non nước bấy nhiêu tình
Hồn quê muôn dặm mây lòn núi
Đất khách năm canh sóng vỗ ghềnh
Gió bụi, đất đà quen với mặt
Ruột gan, trời có biết cho mình
Lá lay về bởi nơi con tạo
Lận đận cũng vì một chữ danh" (3)

Trong những ngày làm quan ở Quảng Nam (1836) tỉnh này bị hạn luôn, nhân dân rất đói khổ, thông cảm vời nỗi khó khăn cơ cực của nhân dân, ông làm bài thơ “Mong mưa”. Một sự quan tâm gần gũi, chia sẻ vời người dân, ít được thấy ở các ông quan khác:

"Mấy tháng trời không mưa
Chiều tối chỉ hơi mát
Làn mây muốn hợp lại
Gió đông thổi tan đi
Khắp trời đều oi bức
Vừa sáng trời sương bay
Trông ra ruộng cao thấp
Một nửa mạ úa vàng
Vụ chiêm dù có được
Sang thu giá gạo cao
Huống chi bị hạn hán
Nông dân thật đáng thương
Mong sao mưa đến sớm
Kịp thời cứu nhân dân

(Việt Chung dịch)

Ông cũng có cơ hội tiếp xúc với ngư dân để tìm hiểu đời sống và phong cách làm ăn của họ. Nhân dịp đi sứ Trung Quốc, ông làm bài thơ “Vịnh đùa người thả chim cộc” (4) vừa tả cách làm ăn của ngư dân Trung Quốc, vừa ngụ ý nhắc khéo thái độ của một nước lớn đối với nước nhỏ:

"Nhà chài có một chiếc thuyền
Nhà bảy tám miệng sống trên mặt hồ
Chẳng đan lưới, chẳng đặt lờ
Đánh cá, đơm cá, chẳng lo phải làm
Chuyên nghề nuôi cộc quanh năm
Kết bè đóng tại một dằm nước xuôi
Đàn cộc tấp nập đùa chơi
Con lớn con nhỏ tới lui từng bầy
Nhà chài thả cộc suốt ngày
Cộc lội xuống nước, cá thời chạy ngay
Cộc với cá tuy khác loài
Nhưng cộc biết cá ở nơi chốn nào
Cá lớn cá bé chia nhau
Cộc đều bắt cá nuốt vào túi bên
Lớn hay bé đều mang lên
Lớn thì bỏ giỏ, nhỏ liền bỏ nong
Cộc không riêng muốn no lòng
Chủ không riêng hưởng để hòng hưởng lâu
Cá lớn chủ được chọn đầu
Cá bé cho cộc chia nhau ăn dần (5)

(Lê Thước dịch)

Năm 1863, ông được đề cử cầm đầu sứ bộ sang Pháp thương thuyết chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, nhưng không có kết quả. Ở Pháp về, ông có báo lại những điều tai nghe mắt thấy về sự tiền bộ văn minh khoa học kỹ thuật của Âu châu để triều đình kịp thời cải cách tổ chức lại guồng máy nhưng không được ai nghe. Ông ghi lại nỗi lòng trăn trở ấy trong mấy câu thơ:

"Từ ngày đi sứ đến Tây Kinh
Thấy việc châu Âu luống giật mình
Nhắn nhủ đồng bang mau tỉnh dậy
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin" (6)

Thái độ bảo thủ của triều đình nhà Nguyễn đã đưa đến việc tiếp tục mất thêm ba tỉnh miền Tây và dần dần mất cả nước. Với tư cách là một vị đại thần có trách nhiệm đến sự mất còn của sáu tỉnh Nam kỳ, ông phải tự sát bằng cách tuyệt thực 17 ngày và sau uống thuốc độc (1867). Bài thơ “Tuyệt cốc” là sáng tác cuối cùng của ông, chấm dứt cuộc đời của một vị quan trung thành với chế độ nhà Nguyễn và một người trí thức tận tụy với nhân dân:

"Trời thời, đất lợi, lại người hòa
Há dễ ngồi coi phải nói ra
Lăm trả ơn vua, đền nợ nước
Đành cam gánh nặng ruổi đường xa
Lên ghềnh, xuống thác, thương con trẻ
Vượt biển, trèo non, cám phận già
Cũng tưởng một lời an bốn cõi
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba!" (7)

Trong cuộc đời ông chịu lắm gian truân, đã nhiều lần bị quở trách, giáng chức vì dám thẳng thắn khuyên can vua, bảo vệ lẽ phải. Vì điều kiện khách quan của lịch sử, ông đã thất bại trong cuộc thương thuyết và trong việc bảo vệ ba tỉnh miền Tây.

Cụ thể, năm 1851, mấy tỉnh miền Nam không được yên, nhà vua sai Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản vào trấn đất Nam kỳ. Năm sau, căn cứ vào tình hình thực tế trong nước, khi ông dâng sớ về triều gồm tám điều đề nghị sửa đổi, đại ý:

" - Xin chẳng nên gần gũi kẻ nịnh, thấp hèn, lanh lợi như chín đứa chầu chực hát xướng mà vua đang yêu vì.

- Xin đừng cho tìm mua châu ngọc quý báu, trong cơn đói lạnh không làm được áo cơm, trong cơn tranh chiến không làm được gươm giáo, đã tốn lại gây cho đình thần cái tính dâng lạ, nạp báu để cầu thân.
- Xin bớt cho binh lính rảnh rang tập võ, kẻo khi có giặc thì quân không tinh, chỉ làm bia đỡ đạn" (8)

Nhưng việc đâu vẫn hoàn đấy, trong triều vẫn không có sự sửa đổi gì cho nước mạnh dân giàu.

Khi ba tỉnh miền Tây thất thủ (1867), triều đình đổ lỗi cho ông và nhà vua bắt tội ông, cho đục tên ông ở bia tiến sĩ. Hồi ấy dư luận cũng lên án ông gay gắt. Nhưng sau triều đình nhà Nguyễn xét lại cho ông phục hồi.

Thực tế, việc mất thành Vĩnh Long sử chép như sau:

“Trung tuần tháng 6, quân đội Pháp đã chuẩn bị sẵn sàng. Ngày 18.6, người ta đã triệu tập 1.000 lính săn đá và 400 lính tập tại Mỹ Tho. Ngày 19, Đơ-la-gơ-ran-de ngồi tàu Ôn-din-nơ đến Định Tường để kiểm duyệt, rồi hồi nửa đêm tàu từ Định Tường nhổ neo, và sáng hôm sau dân sư Vĩnh Long lo lắng nhìn thấy quân đội Pháp đến Vĩnh Long.

Thiếu tướng Đơ-la-gơ-răn-de sai người đưa tối hậu thư cho Phan Thanh Giản. Phan than dài với các quan:

- Đem sức đọ nhau, mình kém người xa lắm. Tôi nay đã 71 tuổi rồi, nếu đem thân ra chốn chiến trường cầu lấy cái chết rạng danh thì có gì hay bằng. Song các quan thử nghĩ: Tôi có cái nghĩa vụ giữ đất chăn dân, nay trên đối với vua không đành giữ được thì chết là đáng phận, dưới đối với dân còn nỡ nào bắt chúng chịu lầm than để nhẹ tội mình.

Đề cao lòng trách nhiệm, Phan lại đứng ra xin cho điều đình. Đờ-la-gơ-răn-de bằng lòng, mời xuống tàu, Phan cùng với Án sát Vĩnh Long là Võ Doãn Thanh xuống tàu hội đàm.

Đờ-la-gơ-răn-de đưa điều kiện buộc nhường luôn ba tỉnh miền Tây, Phan tê tái gớm ghê cho lòng người, thốt lời đau đớn:

- "Tôi có quyền giữ đất chứ không có quyền giao đất. Xin cho tôi hỏi lại ý kiến triều đình".

Và đây sự đã xảy ra, chép theo lời khai của lãnh đốc Trương Văn Uyển. Vĩnh Long Án sát Võ Doãn Thanh và lãnh binh Huỳnh Chiêu (người đứng trên vọng lâu Vĩnh Long mục kích cuộc nhập thành của quân đội Pháp) khai với triều đình sau khi đã để Vĩnh Long thất thủ:

"…Vào lúc tảo thìn, tàu chiến Pháp đã đậu dài trước thành. Một viên quan ba và cố đạo quen gọi là cụ Trường (Lơ-gơ-răn-đờ-la-li-rây) vào thành trao tối hậu thư. Sau khi bàn bạc, Phan Thanh Giản và Võ Doãn Thanh xuống tàu hội đàm. Đờ-la-gơ-răn-de bằng lòng chờ cho Phan Thanh Giản hỏi lại ý kiến triều đình. Nhưng lúc Phan Thanh Giản vừa lên bờ, trước sau có binh sĩ Pháp kềm giữ, thì…cũng là lúc quân đội Pháp bốn mặt ào vào thành…”

Vĩnh Long thất thủ trong một buổi sáng ngày 20.6.1867”

Như vậy rõ ràng là quân Pháp "bức chiếm tỉnh Vĩnh Long" (11). Phan Thanh Giản chỉ là nạn nhân của ý đồ bất chánh (thủ đoạn gian trá) của giặc Pháp và cũng là nạn nhân đáng thương của chế độ phong kiến nhà Nguyễn suy tàn. Đồng thời chúng ta thấy tâm trạng cân nhắc, lựa chọn của ông trước cái chết – cái chết khi đối mặt với quân thù bằng một nhát gươm, một mũi đạn nhanh như chớp mắt so với cái chết dần mòn kéo dài sự hành hạ đau đớn từ thể xác đến tinh thần, thì cái chết nào đòi hỏi nhiều nghị lực hơn? Ông đã dũng cảm chọn cái chết sau. Tuy nhiên, ông phạm một sai lầm là không có cái dũng cảm thoát ra khỏi khuôn khổ “trung quân ái quốc” theo kiểu phong kiến. Có lẽ đó là điều hạn chế của bản thân ông, vì ông là người xuất thân từ trong nền đạo lý của chế độ phong kiến. Cho nên chúng ta không nên quá chủ quan lấy quan niệm, tư tưởng của người nay mà phê phán hành động của người xưa. Vì mỗi con người, mỗi hoàn cảnh, mỗi giai đoạn lịch sử, chế độ khác nhau, thì không thể bắt buộc phải xử lý giống y hệt nhau được.

Cảm thương cho ông trước khi chết, đã thận trọng dặn dò con cháu của mình không được cộng tác với người Pháp và bảo con cháu đề trên tấm minh sinh và mộ phần của mình mấy chữ:

“Quan tài (mộ) người học trò già họ Phan”.

Tới giờ phút cuối cùng, ông trút bỏ tất cả hư danh, cân đai áo mão, để trở về với bản chất trung thực của mình là người học trò suốt đời còn học nữa, học mãi – học ở người và học ở đời. Ối thật giản dị và khiêm tốn!

Nối tiếp truyền thống bất khuất và theo lời dặn của ông, hai người con ông là Phan Tôn, Phan Liêm và cháu ông là Phan Lữ, sau này phất cờ khởi nghĩa ở Bến Tre, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất.

Sau khi ông mất, những người bạn sống đương thời với ông đã thương trọng và làm thơ, văn điếu để viếng ông:

"Minh sinh chín chữ lòng son tạc
Trời đất từ đây bặt gió thu".

(Tú tài Nguyễn Đình Chiểu khóc Phan Thanh Giản)

Và:

"Đôi hàng biểu để lòa trời đất
Một tấm lòng son tạc sử sanh"

(Án sát tỉnh An Giang Phạm Viết Chánh điếu Phan Thanh Giản)

Phan Thanh Giản còn để lại hai tập “Lương khê thi thảo” và “Lương khê văn tập” gồm tất cả 474 bài thơ và 103 bài văn.

Qua thơ văn, chúng ta thấy ông là con người giàu tình cảm. Đó là lòng thương nhớ gia đình, làng xóm, quê hương. Một nhà Nho trong sạch, thương dân và chết vì việc nước (12). Riêng đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Cửu Long ông là người có công gieo hạt giống văn học, đã cùng với Nguyễn Thông thành lập Văn Thánh miếu và Văn Xương Các.

Chú thích:

(1,6) Tự điển Văn học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội – Hà Nội, 1984.
(4) Cồng cộc, loại chim lông màu đen, thường lặn bắt cá giỏi.
(2,3,4,7) Hợp tuyển Thơ văn Việt Nam (tập 4) – Nhà xuất bản Văn Học – Hà Nội , 1984
(8) Phan Thanh Giản của Nam Xuân Thọ, Nhà xuất bản Tân Việt – Sài Gòn, 1957
(9) Viên chỉ huy cao cấp gồm coi ba tỉnh.
(10) Phan Thanh Giản của Nam Xuân Thọ, Nhà xuất bản Tân Việt – Sài Gòn , 1957
(11,12) Chữ của Nguyễn Thông dùng khi nói về Phan Thanh Giản – Theo Nguyễn Thông con người và tác phẩm của Ca Văn Thỉnh và Bảo Định Giang, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1984.

Không có nhận xét nào: