Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2009

Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ



Mô hình liên tiếp liên thông từ đào tạo công nhân lên trung cấp và sinh viên cao đẳng

GSTS. Nguyễn Văn Luật


DẠY VÀ HỌC. Trong quá trình phát triển 10 năm vừa qua, kinh nghiệm quan trọng nhất mà Trường rút ra được là khâu đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo nâng cao trình độ cho các thày các cô giáo ngang tầm và đón đầu những nhiệm vụ mới. Khi mới thành lập Trường Dạy nghề Nông nghiệp và PTNT Nam Bộ, Trường chì có 5-7 kỹ sư, còn lại là trung cấp và công nhân có kinh nghiệm làm công tác giảng dạy và hướng dẫn thực tập. Đến nay, tổng số cán bộ đại học và trên đại học là trên 90 người trong tổng số 130 CBCNV, chủ yếu là đào tạo người tại chỗ, tỷ lệ trên cử về hay tuyển dụng rất thấp.

Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ (Trường CĐCĐNB) vừa được thành lập có nhiều tổ chức tiền thân. Khởi đầu là Trường Công nhân Cơ khí TƯ 2 (1977), một đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp; rồi chuyển lên thành lập Trường Dạy nghề Nông nghiêp và PTNT Nam bộ (1997); tiếp tục chuyển lên thành lập Trường Trung học Cơ điện và KTNN Nam bộ. Giai đoạn 1997 – 2008 Trường nhập vào Viện Lúa ĐBSCL. Hiện nay Trường CĐCĐNB trở lại trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo số 7592 ngày 12 /tháng 11 năm 2008.

Như vậy, để có Trường CĐCĐNB như hiện nay, Nhà trường đã trải qua 4 lần thành lập. Cả 4 lần thành lập đều chủ yếu do tự thân cán bộ viên chức của Trường nỗ lực quyết liệt, không có sự tách nhập, vẫn chủ yếu là những con người và cơ sở ban đầu mà phát triển lên. Trong quá trình nâng cao năng lực đào tạo của Trường, bên cạnh việc phát huy nội lực, Trường đặc biệt quan tâm tranh thủ sự lãnh đạo và đầu tư của Bộ, của Viện Lúa ĐBSCL nhằm nỗ lực xây dựng Trường có hiệu quả cao nhất. Do có nhận thức đúng đắn như trên, nên mỗi lần chuyển lên trường mới, không những không giảm nhiệm vụ trước, mà còn tạo ra điều kiện thực hiện tốt hơn, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ mới có kết quả ngày càng tốt đẹp. Ban đầu mục tiêu đào tạo công nhân lái và sửa chữa máy kéo. Lần thành lập sau có nhiệm vụ sâu rộng hơn trên cơ sở phát triển nhiệm vụ trước: dạy nhiều ngành nghề nông nghiệp, rồi đào tạo tới trình độ trung cấp, rồi cao đẳng.

Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, có một giai đoạn khoảng 1 thập kỷ nhập vào Viện Lúa ĐBSCL như kể trên, sau khi trải qua 2 thập kỷ là trường chủ yếu đào tạo công nhân lái và sửa chữa máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa. Chính trong giai đọan 10 năm này mà có những chuyển biến nhanh về cả chất lẫn lượng để đạt đủ tiêu chí về năng lực của thầy, về trang thiết bị và cơ sở hạ tầng của trường đào tạo tay nghề và kiến thức ở một trình độ ngày một cao.

Mô hình trong Viện nghiên cứu có Trường chuyên nghiệp thích hợp đã được các đồng chí lãnh đạo Bộ đánh giá cao, như Bộ trưởng Lê Huy Ngọ lúc đó cho là một sáng tạo do phát huy được năng lực của cả viện lẫn Trường. Cho đến khi có “đủ lông đủ cánh” như hiện nay, việc tách ra trở lại trực thuộc Bộ cũng được cho là thích hợp, khác với việc tách tách nhập nhập ở một số cơ quan Nhà nước và địa phương. Quan hệ với Viện Lúa ĐBSCL từ nay chỉ còn là mối quan hệ hợp tác bình đẳng, hai bên cùng cần và cùng có lợi. Như Tiến sỹ Hoàng Bắc Quốc vừa là trưởng bộ môn của Viện, vừa là Trưởng khoa Cơ khí Chế tạo máy của Trường. Như nữ Tiến sỹ di truyền tạo giống cây trồng Kiều Thị Ngọc chuyển hẳn từ Viện sang Trường làm Trưởng Khoa Nông nghiệp.

Việc tuyển sinh và sỹ số của Trường đã là một trong những minh chứng rõ ràng cho những thành tựu của Trường trong quá trình phát triển khá ấn tượng. Khi là trường đào tạo công nhân cơ khí, việc tuyển sinh cho đủ sỹ số là khó khăn, mặc dầu chỉ với số lượng hàng trăm. Khi chuyển lên thành lập các trường sau có yêu cầu chuyên môn và tri thức đa dạng và cao hơn, việc tuyển sinh lại khá dễ dàng, số học viên đã lên đến hàng ngàn. Tuyển sinh đã được thực hiện cho học viên học tập tại trường cũng như hợp tác với các địa phương học tập tại địa phương, chỉ chuyển về Trường học tập những môn có yêu cầu trang thiết bị máy móc tối tân mà địa phương chưa có, như máy phay CNC, máy tiện CNC vận hành bằng công nghệ thông tin, máy chuẩn đoán ô tô... Hiện nay, quy mô đào tạo của Trường là 3.000 – 4.000 học sinh sinh viên, trong đó quy mô tại cơ sở của trường trên 2.000, hợp tác với một số địa phương 1.500 đến 2.000 học sinh. Số học viên được đào tạo 14 ngành nghề cơ điện chiếm trên 60%, còn lại được đào tạo ngành nghề nông nghiệp bao gồm các nghề về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, và chế biến nông sản.

Trong quá trình phát triển 10 năm vừa qua, kinh nghiệm quan trọng nhất mà Trường rút ra được là khâu đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo nâng cao trình độ cho các thày các cô giáo ngang tầm và đón đầu những nhiệm vụ mới. Khi mới thành lập Trường Dạy nghề Nông nghiệp và PTNT Nam Bộ, Trường chì có 5-7 kỹ sư, còn lại là trung cấp và công nhân có kinh nghiệm làm công tác giảng dạy và hướng dẫn thực tập. Đến nay, tổng số cán bộ đại học và trên đại học là trên 90 người trong tổng số 130 CBCNV, chủ yếu là đào tạo người tại chỗ, tỷ lệ trên cử về hay tuyển dụng rất thấp. Trong số trên có 4 tiến sỹ do Viện Lúa ĐBSCL điều về lúc đầu, nay chỉ còn 2. TS. Lê Văn Bảnh được bổ nhiệm lên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, không còn kiêm nhiệm Hiệu trưởng. Có 12 Thạc sỹ, đào tạo tại chỗ 9. Thạc sỹ Lê Thái Dương cũng được đào tạo tại chỗ, hiện là Hiệu trưởng năng động, đang phấn đấu đạt học vị, rồi học hàm để góp phần tiếp tục thành lập một trường mới vào thập kỷ tới: trường Đại học Cơ điện và Nông nghiệp, hay Đại học Công nghệ cao. Phần lớn cán bộ của Trường đều trẻ, sung sức, nói chung họ đều có chí hướng phấn đấu nâng cao trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

Đội ngũ nhân lực trình độ cao là điều kiện tiên quyết để phát triển toàn diện, đã và sẽ dễ dàng hơn trong việc tranh thủ những dự án đào tạo, dự án trang thiết bị, xây dựng cơ bản, và các loại dự án R & D và P trong và ngoài nước. Tất cả thành sức hút người đến học, đã thành hiện thực như kể trên, và quy tụ các nhà giáo dục và khoa học đến hợp tác, tuy còn khiêm tốn.

Kinh nghiệm 30 năm đào tạo, xây dựng đội ngũ của Viện Lúa ĐBSCL đã được Trường vận dụng sáng tạo, như hợp đồng với các trường đại học đào tạo cán bộ tại chỗ, đã thực hiện với nhiều lớp theo nhu cầu của Trường. Ban đầu Viện Lúa ĐBSCL cũng chỉ có dưới 10 kỹ sư và 1 tiến sỹ do Bộ điều động về, phần lớn trẻ tuổi. Đến nay, trong số trên 300 người, trong đó có trên một nửa là cán bộ đại học và trên đại học, có tới 45 tiến sỹ được đào tạo từ Viện với 2 giáo sư, 3 Phó giáo sư, khoảng ½ số đó đã được Bộ điều đi tăng cường cho cơ sở khác của Bộ.

Trường CĐCĐNB đang có thời cơ lớn để phát triển không ngừng bền vững phục vụ sự nghiệp chung là công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nhất là Nghị quyết VII về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của TƯ Đảng vừa họp trong tháng 7 năm 2008 vừa qua. Một lợi thế lớn của Trường là đào tạo đa ngành đa nghề với nhiều trình độ, rất thích hợp cho nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn toàn diện, đồng thời góp phần nâng cao dân trí cho người nông dân.

Để phát triển nhanh mạnh hơn, Trường phải nỗ lực hơn nữa để có sản phẩm là công nhân tốt nghiệp vừa có tay nghề cao, vừa có trình độ lý luận cần thiết; cán bộ trung cấp ra trường vừa phải đạt tiêu chuẩn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa đạt tiêu chuẩn trung cấp nghề. Cũng như vậy đối với sinh viên cao đẳng ra trường. Trường có lợi thế lớn trong việc đào tạo liên tiếp liên thông, góp phần giảm sức ép trong việc tuyển sinh đại học, đồng thời góp phần thay đổi quan niệm chỉ bằng con đường vào đại học mới có cơ hội phát triển. Trường cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để phát huy lợi thế trên nhằm đào tạo ra những con người “miệng nói, tay làm”, không cần hoặc giảm thiểu thời gian bỡ ngỡ sau khi ra trường, hoặc phải qua những lớp đào tạo thêm mới làm việc được.

Sau khi thành lập Trường Dạy nghề và PTNT thuộc Viện Lúa ĐBSCL, sau khi nghe tôi báo cáo về Trường, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó rất hoan nghênh hướng dự kiến phát triển, và có nói vui là nếu có thời gian tôi cũng xin vào học trường này.

Cuối năm qua (2008), tôi và Phó Viện trưởng Nguyễn Xuân Lai được vinh dự đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã tỏ lòng biết ơn Đại tướng quyết định thành lập Viện Lúa ĐBSCL mà không nhập vào một đơn vị khác. Sau khi báo cáo thành tựu của Viện đã đạt, trong đó có Trường Trung học Cơ Điện và KTNN Nam bộ, Đại tướng và Phu nhân tỏ ý hài lòng. Văn phòng Đại tướng hướng dẫn chúng tôi khi gặp Đại tướng cách xưng hô là anh chị Văn. Cảm động trước “sự kiện “này, tôi có viết 1 bài thơ:




BÊN ANH VĂN

Ngồi đó, kính qúy anh chi Văn
Thanh thản dưới bầu trời ÁI QUỐC,
Từ địa linh non sông đất nước
Rất cao xa, mà rất thân gần.

Nhân dịp Nhà Trường tổ chức lễ ra mắt trường CĐCĐNB vào tháng 3 năm 2009 này, xin chúc mừng và tin rằng Nhà Trường sẽ có nhiều thành tựu vượt bậc.

GsTs Nguyễn Văn Luật, Anh hùng lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh
Nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL
03 tháng 02 năm 2009

Không có nhận xét nào: