Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Bàn chuyện dài hơi về sản xuất giống



DẠY VÀ HỌC. Báo Thanh tra điện tử đăng bài viết của Nam San "Bàn chuyện dài hơi về sản xuất giống" - Nguyên nhân sản xuất giống cây trồng còn nhiều yếu kém nằm ở chỗ, chưa xây dựng được chiến lược dài hơi và đầu tư thích đáng cho công tác này. Mười năm nay chúng ta vẫn nghiêng về nghiên cứu mà xem nhẹ việc nhân giống, đưa vào sản xuất đại trà. Nhà nước cần xây dựng chiến lược tổng thể và đồng bộ phát triển giống cây trồng, lựa chọn một số giống cây chủ lực để phát triển thương hiệu, xây dựng quy trình canh tác và phát triển kinh tế ngành hàng. Trong chiến lược phát triển hạt giống, các vấn đề xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chọn tạo giống mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng; hoàn thiện hệ thống kiểm tra, giám sát, quản lý giống cây trồng… cần được quan tâm đúng mức.

Hiệu quả đầu tư thấp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã phê duyệt 19 dự án (D.A) sản xuất giống cây trồng và giao cho Cục Trồng trọt làm chủ đầu tư từ năm 2006 - 2010. Đến nay, đã có 16 D.A hoàn thành nghiệm thu, xây dựng và hoàn thiện được 120 quy trình công nghệ nhân giống lúa, ngô, chè, rau, cây ăn quả…

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục Trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), công nghệ sản xuất giống vẫn hạn chế, chất lượng của một số lô chưa phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Một vấn đề đáng lo ngại là, hiệu quả thu về từ các D.A sản xuất giống còn thấp. Đơn cử: D.A phát triển giống lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng có tổng mức đầu tư hơn 28 tỷ đồng, nhưng số lượng giống bán ra thu hồi sản phẩm chỉ đạt hơn 1,2 tỷ đồng; D.A giống rau đầu tư 13,8 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi trên 475 triệu đồng; D.A giống mía đầu tư 18 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được 626 triệu đồng; D.A giống hoa đầu tư hơn 22 tỷ đồng thu hồi được xấp xỉ 3 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, tổng số vốn đầu tư cho các D.A trong 5 năm qua đạt 268 tỷ đồng, nhưng số tiền bán giống thu về mới đạt 16 tỷ đồng. Như vậy, tính ra giá thành giống của Việt Nam quá đắt. Tuy nhiên, 10 năm nay chúng ta vẫn chỉ nghiêng về nghiên cứu, hơn nữa các đơn vị thực hiện D.A sử dụng quá nhiều đồng vốn vào xây dựng cơ bản, mô hình trình diễn… mà xem nhẹ việc nhân giống, đưa vào sản xuất đại trà. Do đó, sản lượng giống sản xuất ra trong nước còn quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cần quan tâm đến giống chủ lực


Theo GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, nước ta vẫn chưa xây dựng được một chiến lược dài hơi cho phát triển giống cây trồng. Do đó, Nhà nước cần xây dựng chiến lược tổng thể và đồng bộ phát triển giống cây trồng, trong đó nên lựa chọn một số giống cây chủ lực để phát triển thương hiệu. Cùng với đó là xây dựng quy trình canh tác và phát triển kinh tế ngành hàng. “Chúng ta cần có chương trình sản phẩm nông nghiệp quốc gia, nhất là các sản phẩm chủ lực để xuất khẩu. Như tại đồng bằng sông Cửu Long, chỉ nên lựa chọn phát triển 1 - 3 giống lúa có chất lượng cao để đầu tư nghiên cứu. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng sản phẩm”, ông Long nói.

Ngoài ra, trong chiến lược phát triển hạt giống, các vấn đề xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chọn tạo giống mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng; hoàn thiện hệ thống kiểm tra, giám sát, quản lý giống cây trồng… cũng phải được quan tâm đúng mức.

Theo PGS.TS Trần Thị Trâm (Đại học Nông nghiệp I), Nhà nước cần thay đổi phương thức quản lý nghiên cứu khoa học của các bộ một cách toàn diện, triệt để, khuyến khích các giống mới (gồm cả giòng bố mẹ và giống lai) được nghiên cứu chọn tạo trong nước có giá trị phục vụ sản xuất. Việc cấp kinh phí nên làm theo kiểu khoán gọn một lượng nhất định cho mỗi giống mới thay cho việc cấp đề tài theo thời gian để nhà chọn giống chủ động trong chi tiêu trong cả quá trình gây tạo vật liệu đến chọn giống.

PGS.TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia trong chính sách phát triển sản xuất giống. Chẳng hạn, Indonesia quy định các nhà nhập khẩu buộc phải sản xuất hạt giống trong nước sau hai năm khi bắt đầu nhập khẩu. Do đó, lượng lúa giống có chứng nhận của nước này đã đạt được 50% nhu cầu trong nước (khoảng 150.000 tấn). Lượng hạt giống lúa lai của nước này cũng tăng 21% trong vòng 2 năm qua.

Kết nối với doanh nghiệp


Để nâng cao năng lực sản xuất giống cây trồng, theo nhiều chuyên gia, việc gắn kết với doanh nghiệp (DN) có vai trò rất quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho biết, sản xuất giống muốn thành công phải gắn với DN chứ bản thân các viện nghiên cứu không thể tự làm công tác nhân giống được. Hiện nay, chúng ta chưa thiết lập được hệ thống phân phối giống trong khi phải cạnh tranh khốc liệt với DN nước ngoài. Do đó, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho một số DN lớn làm công tác nhân giống.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay chúng ta đã làm được công tác nghiên cứu chọn tạo giống, nhưng việc nhân giống để phục vụ sản xuất còn hạn chế. Công việc này nhất định phải có vai trò của DN. Vì vậy, trong Quyết định 2194 của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất giống giai đoạn 3 (2011 - 2015) có chủ trương hỗ trợ các DN để nhân nhanh và mở rộng giống cho sản xuất đại trà như về vay vốn tín dụng, chính sách đất đai…

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trong những năm tới, nâng cao giá trị cho hàng nông sản Việt, ngành Nông nghiệp cần sớm tháo gỡ khó khăn và có biện pháp hoàn thiện công tác sản xuất giống cây trồng.
Nam San

3 nhận xét:

Trung Tiến nói...

Thầy ơi, vấn đề về giống hiện nay được nông dân rất quan tâm. Nhưng nhà khoa học phải có chiến lượt để người dân tin và tiếp cận được với nguồn giống với tri thức mới là chìa khóa hiện nay.

Trung Tiến nói...

Tạo lòng tin với nông dân là yếu tố quan trọng đối với ngành sản xuất giống của chúng ta hiện nay.

Trung Tiến nói...

Tạo lòng tin với nông dân là yếu tố quan trọng đối với ngành sản xuất giống của chúng ta hiện nay.