Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Đầu năm đọc bài GS Hoàng Tụy


DẠY VÀ HỌC. Đầu xuân giáo sư Hoàng Tụy đã viết bài "Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống" đăng trên viet-studies.info, Giáo sư nhấn mạnh "Tái cơ cấu là để sửa các lỗi hệ thống, cho nên trước hết phải nhận định đúng các lỗi hệ thống, mới biết nên tái cơ cấu như thế nào và sau đó phải có đủ quyết tâm mới thực hiện được đến nơi đến chốn. Toàn bộ công việc đụng chạm đến các nhóm lợi ích mà một số nhóm này gắn chặt với các lỗi hệ thống, cho nên sẽ rất gay go, gian khổ. Từ hai mươi năm nay đây là thử thách lớn nhất, cầu mong hồn thiêng sông núi giúp đất nước vượt qua được thử thách này."

TÁI CẤU TRÚC VÀ SỬA LỖI HỆ THỐNG

Hoàng Tụy

Mấy năm nay trong xã hôi ta thường nghe nói đến các lỗi hệ thống. Và trong năm 2011 cụm từ tái cấu trúc được nhắc đi nhắc lại với tần số kỷ lục trong các giải pháp vượt qua khó khăn kinh tế gay gắt hiện nay. Không hẹn mà gặp, các từ này đã trở thành những từ khoá trong phần lớn các nghiên cứu về quản lý kinh tế xã hội trong cả năm 2011. Cho nên có lẽ cũng là tự nhiên nếu câu chuyện đầu năm xoay quanh tái cấu trúc và lỗi hệ thống.

Một hệ thống phức tạp được đặc trưng bởi mục tiêu, thành phần, cơ chế hoạt động và cấu trúc các mối quan hệ giữa các thành phần của nó với nhau và với môi trường bên ngoài.

Trong quá trình hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu của nó, một hê thống phức tạp, dù là một doanh nghiệp, một ngành kinh tế, văn hoá, xã hội hay những hệ thống lớn hơn, đều không tránh khỏi lúc này lúc khác có trục trặc. Nếu chỉ là trục trặc trong vận hành bình thường thì có thể dựa theo cơ chế phản hồi để phát hiện và điều chỉnh. Nhưng nếu trục trặc lớn, kéo dài thời gian lâu, thì thường có thể do mục tiêu sai, hoặc cấu trúc của hệ thống có vấn đề, có khuyết tật cơ bản, hoặc cả mục tiêu lẫn cấu trúc đều có chuyện. Khi đó, nếu chỉ xử lý cục bộ, chắp vá, vụn vặt, theo phương thức sai đâu sửa đó, thì không những không giảm bớt được truc trặc, mà có khi còn làm phát sinh thêm những rối ren, phức tạp mới, làm bất ổn gia tăng, đến mức có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Giải pháp đúng đắn trong tình huống đó chỉ có thể là dựa trên phân tích hệ thống, xét lại toàn bộ tổ chức, từ mục tiêu đến cơ chế hoạt động và các mối quan hệ trong nội bộ hệ thống với nhau và với môi trường, để thấy rõ và tìm cách sửa chữa những khuyết tật cơ bản của hệ thống, tức là các lỗi hệ thống, theo cách nói quen thuộc gần đây.

Đó là ý nghĩa các phạm trù “lỗi hệ thống” và “tái cấu trúc” mà gần đây đã được sử dụng khá phổ biến trong các câu chuyện chính trị và kinh tế, xã hội.

Thực tế xây dựng đất nước hơn ba mươi năm qua đã dạy chúng ta một bài học đắt giá: chỉ trong vòng mười năm sau ngày thống nhất Tổ quốc, đất nước đã đứng trên bờ vực sụp đổ, buộc chúng ta phải tỉnh giấc, nhìn thẳng vào những thất bại gây nên do những lỗi lầm hệ thống tich luỹ trong quản lý kinh tế xã hội, từ đó mới có công cuộc đổi mới mà nhờ đó đất nước đã vượt qua khủng hoảng để hồi sinh kỳ diệu trong thập kỷ 90.

Ngày nay, éo le lịch sử lại đặt thế hệ chúng ta đứng trước tình huống tương tự như 25 năm trước. Bên cạnh những thành tựu bắt nguồn từ đổi mới, trong thời gian 5-7 năm gần đây đã xuất hiện nhiều sai lầm, thất bại đưa đất nước đến những khó khăn hết sức nghiêm trọng. Những gì tich cực mà đổi mới có thể đem lại đều đã đạt tới giới hạn. Nhiều lỗi hệ thống ở tầng sâu trước đây còn khuất nay bắt đầu lộ diện, khiến chúng ta đứng trước sự lựa chọn mới: hoặc tiếp tục làm ngơ với các lỗi hệ thống đó, chấp nhận đối mặt với nguy cơ trì trệ, thậm chí lụn bại và chuốc lấy nguyền rủa của đời sau, hoặc chịu đau giải phẫu và cắt bỏ những mầm bệnh mà thật ra đã ủ sẵn trong cơ thể từ nhiều thế hệ trước, và dũng cảm thay đổi tư duy một lần nữa, mở ra một thời kỳ khai sáng mới, xứng đáng với truyền thống cách mạng của các thế hệ tiền bối và không thẹn với những hy sinh mất mác to lớn của cả dân tộc qua mấy chục năm chiến tranh tàn khốc.

Trước hết, về đời sống chính trị. Có thể nói hầu hết những gì khó khăn, bê bối, trì trệ, suy thoái, hư hỏng, kéo dài trong mấy chục năm qua, suy cho cùng, có nguồn gốc liên quan tới những khuyết tật hệ thống của thể chế chính trị, cho nên sẽ khó có hy vọng khắc phục triệt để nếu không loại bỏ những lỗi hệ thống đó.

Điều nguy hiểm đáng lo, như Tổng Bí Thư đã nhận định trong Hội nghị TƯ vừa qua, là suy thoái biến chất đã diễn ra ở một bộ phận không nhỏ đảng viên giữ vị trí cao trong bộ máy quyền lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của dân. Nói như dân gian: nhà dột từ nóc. Sở dĩ như vậy là do quyền lực tập trung quá đáng mà không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, tiếng là thể chế dân chủ nhưng nặng về dân chủ hình thức, luật pháp không nghiêm minh, khiến tham nhũng, tội phạm có điều kiện hoành hành cả ở những nơi lẽ ra phải gương mẫu và trong sạch nhất. Bộ máy hành chính qua nhiều lần “cải cách” ngày càng đồ sộ mà vẫn quan liêu, xa dân, hành dân là chính. Nhiều quan lớn trong bộ máy không ngớt rao giảng đạo đức mà thật ra lối sống đồi truỵ, chỉ chăm chăm lợi dụng chức quyền mưu lợi vinh thân phì gia. Với một nền quốc trị như thế, trách sao văn hoá, đạo đức xã hội không ngày một suy đồi, các bản tin hàng ngày dày đặc những vụ lừa đảo, trộm cắp, chém giết nhau mất hết tính người.

Thật đau xót khi nghĩ tới một xã hội cách đây chưa lâu từng được ca ngợi nghèo nhưng vẫn giữ được phẩm cách, nay đầy rẫy những cảnh xa xỉ lố lăng, gian dối, xảo trá, không chút tự trọng. Cho nên sửa đổi hiến pháp đi đôi với chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn bộ máy chính quyền, tái cấu trúc ở tầng sâu chính trị nhằm sửa sai hệ thống là yêu cầu khẩn thiết hiện nay cần thực hiện bằng được mới mong có thể lấy lại niềm tin đang mất dần của dân.

Thứ hai, về đời sống kinh tế. Trong mấy thập kỷ mải mê phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao đông giá rẻ, lấy doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo, xây dựng các tập đoàn chủ chốt dựa trên độc quyền và sự ưu ái của Nhà nước chứ không dựa trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, trong khi đó lơ là văn hoá, giáo dục, khoa học khiến các lĩnh vực này sa sút nghiêm trọng – nay đã rõ mô hình đó không thể tiếp tục. Tai hại là đường lối phát triển kinh tế thiển cận đó được thực thi trên nền một thể chế lỏng lẻo bị thao túng bởi các nhóm lợi ích, khiến tham nhũng, lộng quyền, thiếu dân chủ đã trở thành những căn bệnh đặc trưng của xã hội Viêt Nam hiện nay. Nếu không đủ quyết tâm trừ diệt tận gốc mà cứ để những căn bệnh này ăn sâu vào xương tuỷ xã hội thì không mong gì những kế hoạch tái cấu trúc kinh tế có thể thực hiện có hiệu quả.

Sau cùng, nhưng xét về lâu dài lại là căn bản nhất, là đời sống văn hoá, giáo dục, xã hội. Không phải không có cơ sở mà ngay trong chế độ thực dân hà khắc, Phan Châu Trinh đã khởi xướng cứu nước bằng đường lối “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Sự xuống cấp ở đây thấm thía từng ngày, chưa bao giờ người dân bình thường cảm thấy cuộc sống bất an như lúc này. Đường sá, phương tiện giao thông thiếu an toàn (gần đây càng trầm trọng do các vụ cháy xe liên tiếp vì xăng kém phẩm chất), bệnh viện quá tải thê thảm, thực phẩm độc hại tràn lan, trường học cũng không yên tĩnh, đành rằng tất cả đều có phần hệ quả trực tiếp của những sai lầm hệ thống nói trên về chính trị, kinh tế. Tuy nhiên, ở đây cũng cần nhận rõ những sai lầm hệ thống ngay trong văn hoá, khoa học, giáo dục, y tế, xã hội nữa.

Về giáo dục, những yếu kém, bất cập, hư hỏng lưu niên đến nay chưa dứt chứng tỏ đường lối đổi mới cục bộ, chắp vá, vụn vặt, lăng nhăng, từng thực thi qua ba đời bộ trưởng đã hoàn toàn phá sản. Từ lâu, cải cách giáo dục toàn diện, triêt để, đã được cuộc sống cảm nhận bức thiết và TƯ Đảng, Chính Phủ cũng đã có những nghị quyết trịnh trọng khởi xướng từ 6-7 năm nay. Sai lầm hệ thống lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục là đã đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới, kìm hãm thế hệ trẻ trong nền cử nghiệp hư học mà ngay từ thời phong kiến, vua Minh Mạng triều Nguyễn đã từng nghiêm khắc lên án nó là nguyên nhân khiến “nhân tài trong nước ngày một kém đi” (“Viêt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, trang 463). Trong đó cái chính sách lương không ra lương, ban đầu còn có lý do bào chữa là do khó khăn kinh tế, kỳ thật là một chính sách thiển cận tai hại, đương nhiên chủ yếu do chịu vòng cương toả của chính sách chung về lương công chức của Nhà nước, nhưng trong đó cũng có một phần không nhỏ là trách nhiệm của bản thân ngành giáo dục. Vì cái chính sách lương kỳ quặc này, không giống bất cứ ai trên thế giới, nên mới có tình trạng cũng không giống ai trên thế giới là thầy giáo không tập trung vào công việc mình được trả lương mà phải đầu tắt mặt tối kiếm thêm thu nhập từ những công việc khác. Nghịch lý lạ lùng là không đâu người thầy bị rẻ rúng, coi thường như ở xứ này, nơi mà từ xa xưa đã có truyền thống tôn kính thầy và nay vẫn luôn nhắc tới bốn chữ tôn sư trọng đạo. Vì vậy, tuy lúc này mới bắt tay cải cách giáo dục cũng đã quá muộn, nhưng lại có thể có thuận lợi cơ bản nếu được làm đồng bộ với cải cách chính trị và cải cách kinh tế như trên đã bàn.

Còn nhớ khi mới bắt đầu đổi mới, vào cuối thập kỷ 80, đã có lúc, do nghe theo đề xuất của một số cán bộ nghiên cứu thiếu hiểu biết, khái niệm hộp đen trong khoa học hệ thống đã được vận dụng khá bừa bãi trong quản lý kinh tế. Kỳ quặc đến nỗi danh từ hộp đen dùng để chỉ các xí nghiệp đã trở thành thời thượng trong các phát biểu của lãnh đạo, trên các báo lớn nhất ở trung ương, và cả một thời gian dài cái áo khoa học sang trọng khoác lên danh từ đó từng là yếu tố kích thích, tạo hứng cho hoạt động của các câu lạc bộ giám đốc xí nghiệp. Thậm chí nhiều người, cả ở cấp lãnh đạo cao, cũng tin tưởng ngây thơ chỉ việc “quay” các hộp đen cho giỏi thì sản xuất sẽ phát triển. Còn “quay” như thế nào thì tuỳ nghi, ai muốn hiểu cách nào cũng được, tha hồ cho trí tưởng tượng mặc sức vẽ vời. Đó là thời kỳ ấu trĩ, tuy cũng là một cách giải toả bớt tâm lý bế tắc chung vào lúc nhìn đâu cũng thấy khó khăn, nhưng cái hại lớn là tạo ra thói quen say sưa bàn thảo những chuyện vu vơ, chẳng ăn nhập gì với cuộc sống đang nước sôi lửa bỏng hàng ngày. Mong rằng lần này chúng ta không lặp lại sai lầm đó, dù ở trình độ cao hơn.

Tái cơ cấu là để sửa các lỗi hệ thống, cho nên trước hết phải nhận định đúng các lỗi hệ thống, mới biết nên tái cơ cấu như thế nào và sau đó phải có đủ quyết tâm mới thực hiện được đến nơi đến chốn. Toàn bộ công việc đụng chạm đến các nhóm lợi ích mà một số nhóm này gắn chặt với các lỗi hệ thống, cho nên sẽ rất gay go, gian khổ. Từ hai mươi năm nay đây là thử thách lớn nhất, cầu mong hồn thiêng sông núi giúp đất nước vượt qua được thử thách này.

Hoàng Tụy

Nguồn: viet-studies

Trở về trang chính

CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM,
DẠY VÀ HỌC

Không có nhận xét nào: