Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Kỳ tích từ cây lúa, củ khoai ở Hòn Ðất




DẠY VÀ HỌC. Báo Nhân Dân Online ngày 7.7.2011 đăng bài của Việt Tiến Kỳ tích từ cây lúa, củ khoai ở Hòn Ðất giới thiệu về những điển hình sản xuất lúa khoai giỏi tại huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang. Đây là vùng đất nghèo, nhiễm phén mặn trong rốn lũ của vùng tứ giác Long Xuyên, nơi xứ Hòn với tác phẩm văn học Hòn Đất của Anh Đức nổi tiếng. Nhờ hệ thống kênh ông Kiệt thời nay nối với kênh Vĩnh Tế của thời trước đã quy tụ dân nghèo về cùng chung sức, chung lòng né lũ, thau chua,rữa phèn, khai hoang, lấn biển. (Kênh xáng là nguồn nước tưới cho những cánh đồng ở Hòn Ðất , Ảnh Việt Tiến). Tại đây những nông dân ưu tú như anh Đỗ Quý Hạo tại ấp Hiệp Lợi,xã Mỹ Hiệp Sơn đã trồng khoai lang đạt năng suất và lợi nhuận cao, cung cấp cho thị trường hàng năm hơn 2.500 tấn khoai lang các loại (ảnh trên); anh Nguyễn Văn Tính ở ấp Tân Hưng xã Mỹ Lâm đã lai tạo thành công những giống lúa HĐ1, HĐ6, HĐ8, HĐ9 ... cung cấp cho thị trường hàng năm gần một nghìn tấn lúa giống. Và những người khác nữa... Huyền thoại về những con người cần cù, cặm cụi trên đồng ruộng để làm đất sinh sôi, nâng cao đời sống người dân đang làm nên kỳ tích. Ngày 12.7 tới sẽ có diễn đàn cây lúa tại An Giang, tôi náo nức ước mong được về dạy và học cùng với họ(HK)

KÝ TÍCH TỪ CÂY LÚA, CỦ KHOAI Ở HÒN ĐẤT



(Kênh xáng là nguồn nước tưới cho những cánh đồng ở Hòn Ðất , Ảnh Việt Tiến)

Xứ Hòn là tên gọi khác của huyện Hòn Ðất (Kiên Giang), một huyện nằm trọn trong vùng ngập lũ Tứ giác Long Xuyên. Ở đây có ba hòn núi nổi lên giữa đồng bằng là Hòn Ðất, Hòn Sóc và Hòn Me. Ðất nghèo giờ đã làm nên những kỳ tích chính từ hạt lúa, củ khoai, góp phần làm vang danh xứ sở.

Ðất nghèo làm nên kỳ tích


Hòn Ðất là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Kiên Giang, gồm 14 xã, hai thị trấn. Ðịa hình có đồi núi, biển, đồng bằng. Ðây là vùng ngập lũ của Tứ giác Long Xuyên, nên đất đai chỉ mới được thuần hóa thời gian gần đây. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòn Ðất Phan Văn Tám cho biết: Do đất nhiễm phèn, mặn rất nặng, cho nên mãi đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Hòn Ðất mới đưa vào trồng lúa được một phần nhỏ diện tích, nhưng cũng chỉ canh tác được một vụ. Một diện tích đất rộng lớn trồng cây tràm, đào... hoặc bỏ hoang. Ðến khi có chủ trương khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên, Hòn Ðất lại là huyện nghèo của tỉnh, khi những hộ nghèo từ khắp các nơi tập trung về nhận đất khai hoang, phục hóa. 'Người đến nhận đất rất đông, nhưng sau đó thưa thớt dần. Làm ăn thất bát, nhiều hộ 'bỏ của chạy lấy người', tìm nơi khác lập nghiệp, đồng đất lại hoang vắng' - đồng chí Phan Văn Tám nhớ lại.

Trên những con lộ nhựa, tôi vào sâu bên trong các xã phía bắc lộ, giáp với tỉnh An Giang (phía nam lộ giáp Biển Tây), một bên là kênh xáng, bên là nhà dân. Sau nhà là cánh đồng mênh mông, lúa hè thu đang thì con gái. Con lộ còn là con đê, vừa giao thông vừa ngăn dòng nước lũ từ kênh xáng không tràn lên cánh đồng. Khoảng một km, có một cái cống hoặc cầu. Hằng năm, vào mùa lũ nước từ thượng nguồn đổ về. Trước kia gây ngập lụt, nhưng nay nước mang phù sa về bồi đắp cho cánh đồng và mang tôm cá cho người dân. Ðồng chí Phan Văn Tám khẳng định: Nông nghiệp Hòn Ðất nói riêng và vùng Tứ giác Long Xuyên nói chung có được thành quả hôm nay là nhờ chủ trương 'sống chung với lũ' của Ðảng và Nhà nước. Sau khi các công trình thoát lũ ra Biển Tây gấp rút được hoàn thành, nhất là những công trình thủy lợi sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Những con kênh dọc, ngang tháo chua, rửa phèn, đưa phù sa về với đất. Những con đập, cái cống ngăn nước mặn xâm nhập, giữ nước ngọt tưới tiêu cho đồng ruộng. Những con đê đắp cao hơn đỉnh lũ cao nhất, bảo đảm hầu hết diện tích đất sản xuất được hai vụ lúa ăn chắc. Diện tích đất trồng lúa hai vụ tăng hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn ha mỗi năm. Những khu rừng sản xuất kém hiệu quả kinh tế được chuyển sang trồng lúa. Một diện tích lớn đất các doanh nghiệp được giao khoán không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích được thu hồi giao cấp lại cho dân nghèo. Hòn Ðất hiện đã có gần 73 nghìn ha đất trồng lúa. Nếu tính chung đất nông nghiệp, Hòn Ðất có hơn 98 nghìn ha.

Ông Nguyễn Văn Huề ở xã Nam Thái Sơn đang sở hữu gần một nghìn công ruộng cho rằng, nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên cất cánh còn nhờ việc Nhà nước đẩy mạnh giao khoán ruộng, cấp quyền sử dụng đất cho dân. Thế chấp vay tiền ngân hàng và từ các chính sách hỗ trợ, nông dân đầu tư mạnh mua cơ giới, áp dụng giống mới, cho nên năng suất, chất lượng lúa không ngừng tăng lên. Vụ đông xuân năng suất bình quân đã hơn 7,2 tấn, vụ hè thu cũng gần 5 tấn/ha. Nhiều hộ nông dân ở Hòn Ðất có thu nhập vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Từ một huyện thiếu lương thực, Hòn Ðất đã vươn lên trở thành một huyện sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, với diện tích, sản lượng đứng đầu. Trong đó, sản lượng gần chạm mốc 900 nghìn tấn/năm, chiếm một phần tư sản lượng lúa toàn tỉnh.

Ðưa cây lúa, củ khoai vươn xa

Ðể vùng Tứ giác Long Xuyên có thành quả lớn trong nông nghiệp, đóng góp không nhỏ thuộc về những người nông dân không chịu đầu hàng hoàn cảnh, cải tạo đồng đất khó, cống hiến những thành quả lao động của mình để tạo nên những kỳ tích. Vượt qua chín cầu cống, tôi mới đến được trang trại khoai lang Ba Hạo, giữa một cánh đồng xanh mênh mông thuộc ấp Hiệp Lợi, xã Mỹ Hiệp Sơn. Chủ trang trại là ông Ðỗ Quý Hạo (Ba Hạo) quê ở Thái Bình, vào Kiên Giang lập nghiệp từ năm 1980. Với bản lĩnh của một người lính, tính cần cù chịu khó của một nông dân, ông đã tạo dựng một cơ ngơi đồ sộ từ hai bàn tay trắng. Ông Ba Hạo cho biết: Trang trại khoai lang của ông có quy mô hơn 50 ha, được đắp đê bao khép kín, bảo đảm an toàn sản xuất suốt cả năm. Hầu hết các công đoạn đánh luống, bỏ phân, chăm sóc, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch... đều bằng máy móc do chính ông cải tiến làm ra. Hiện sản xuất khoai lang ở đây đang từng bước thực hiện lộ trình Global GAP. Mỗi năm trang trại cung cấp cho thị trường trong nước và nhiều nước trên thế giới hơn 2.500 tấn khoai lang các loại. Giữa vùng đất phèn, ngập lũ của Tứ giác Long Xuyên, ông Ba Hạo lập một thư viện với hàng nghìn sách nông nghiệp, phòng thí nghiệm mi-ni, phòng in-tơ-nét miễn phí, quản lý quy trình sản xuất bằng máy vi tính, lập trang tin điện tử quảng bá sản phẩm làm ra... Những sáng kiến của ông đã được nông dân trong vùng áp dụng ngay trên đồng ruộng, được các nhà khoa học đánh giá cao. Năm rồi, nông dân Ðỗ Quý Hạo vinh dự được tham dự Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII và được bầu vào Ðoàn Chủ tịch của Ðại hội, được giao lưu với các nhà khoa học danh tiếng.

Ở ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm có nông dân Nguyễn Văn Tính được nhiều người đặt cho biệt danh 'kỹ sư nông dân' vì đã lai tạo thành công nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của nông dân. Ông Tính bộc bạch: 'Trước đây, tôi trồng lúa bằng các loại giống như: 98, 99, 1960, AS996... năng suất ổn định nhưng nhiều nhược điểm. Vì vậy, tôi quyết chí tìm tòi để lai tạo giống lúa mới'. Sau thời gian nghiên cứu, ông Tính đã cho ra đời giống lúa mới HÐ1 (Hòn Ðất 1). Sau khi trồng thử nghiệm, giống HÐ1 được đánh giá có nhiều đặc tính ưu việt được nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đưa vào sản xuất trên diện tích lớn. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ưa chuộng, thu mua và xuất sang nhiều nước trên thế giới. Ngoài HÐ1, ông Tính còn lai tạo thành công một số giống lúa mới như HÐ6, HÐ8, HÐ9. Nông dân Nguyễn Văn Tính được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận Ðiển hình sáng tạo Việt Nam về công trình lai tạo giống. Mỗi năm, trại lúa giống của ông Tính cung cấp ra thị trường gần một nghìn tấn giống.

Phát triển nông nghiệp toàn diện


Tuy có bước phát triển vượt bậc, nhưng nông nghiệp của Hòn Ðất chưa phát triển đồng bộ giữa các vùng. Một diện tích đất không nhỏ ở phía nam lộ bị mặn xâm nhập, cây trồng bị thiệt hại. Nguyên nhân do nhiều đoạn rừng phòng hộ bị vỡ, một vài cống đập vận hành chưa linh hoạt, cho nên xảy ra mâu thuẫn giữa người trồng lúa và người nuôi thủy sản. Trong khi đó, việc rà soát của chính quyền và các cơ quan chuyên môn chậm nên việc điều chỉnh quy hoạch không kịp thời. Việc liên kết trong sản xuất cũng chậm triển khai nên người dân gặp khó khăn về vốn ở đầu vụ và đầu ra cho sản phẩm vào cuối vụ.

Theo đồng chí Phan Văn Tám, thời gian tới Hòn Ðất vẫn ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp, nhưng sẽ theo hướng toàn diện. Ðối với cây lúa, phấn đấu tăng trên cả ba mặt: diện tích, năng suất và chất lượng. Ðể diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt hơn 147 nghìn ha, trong đó vụ hè thu đạt hơn 72,5 nghìn ha, tổng sản lượng lương thực cả năm đạt hơn 900 nghìn tấn, Hòn Ðất sẽ triển khai nhanh công tác điều chỉnh quy hoạch, căn cứ vào đó để chuyển đổi sản xuất. Nhân rộng một số mô hình sản xuất có hiệu quả; chuyển đổi thêm 3,5 nghìn ha đất rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng http://www.blogger.com/img/blank.giflúhttp://www.blogger.com/img/blank.gifa. Ngoài ra, Hòn Ðất đang liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao với diện tích 20 nghìn ha để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Sau hơn 25 năm đổi mới, giờ nhắc đến xứ Hòn người ta không chỉ nhớ đến tấm gương anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của chị Sứ, nhân vật chính trong tác phẩm Hòn Ðất mà nhà văn Anh Ðức lấy nguyên mẫu từ nữ anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng để xây dựng, mà còn nhớ đến một vùng nông thôn mới tươi đẹp, đất đai trù phú nằm bên bờ Biển Tây. Ở đó có những 'kỹ sư nông dân' đã đưa hạt lúa, củ khoai quê hương tìm được thế đứng cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả những thị trường lớn trên thế giới.


Bài và ảnh: VIỆT TIẾN


NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC

Không có nhận xét nào: