Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Lạ và quen



DẠY VÀ HỌC. Tôi chép tặng bạn hai bài Lạ mà Quen: Trần thế Truyện kể có nhiều thành ngữ tục ngữ nhất. Lạ vì thời buổi này có người đã cai Tivi và nay thì cai luôn đọc báo. Lạ vì bài văn vui vui đầy ắp thành ngữ, tục ngữ. Quen vì ý nghĩ "Vất bỏ ngoài tai mọi chuyện đời/ Lòng không vướng bận dạ an thôi".

TRẦN THẾ

Nguyễn Ngọc Tư

Ba tháng, cũng có thể lâu hơn, mình không đọc báo. Mình coi như đó là cuộc…cách mạng, như bốn năm trước mình cai… ti vi. Nghĩ là mình cũng qua được thôi, dù trước đó buổi sáng chưa cầm tờ báo như thể ngày vẫn chưa mở, như báo là một thứ không khí để thở. Và buổi sáng hôm đó, khi ghé qua quán cà phê mà bọn mình hay ngồi, cậu nhóc bán báo quen chưng hửng mếu máo than mất mối rồi khi thấy mình khỏa tay, lắc đầu từ chối.

Chỉ là một từ bỏ nhỏ, tưởng không can hệ gì mà cuộc sống mình bỗng khác. Mình cảm giác đi bên rìa đời, bên bờ khác, an nhiên bước chậm trong khi thế giới vẫn giẫm đạp chen nhau bươn tới… Thấy rơi trong bầu không khí nhẹ nhõm, êm đềm. Những sáng ngồi quán vị cà phê không còn đắng ngắt, đắng đến nghẹn đi vì những trang báo ngày chưa ráo mực lấy từ giỏ xe thằng nhỏ bán dạo. Không còn xiên thấu lòng mình hình ảnh một bàn tay thò ra khỏi mái ngói kêu cứu giữa dòng nước lũ, không va đập đau điếng vào mình cái cảnh trẻ nhỏ bị bọn chăn dắt lột trần truồng nằm dưới mưa. Không lửa hắt làm máu mình sôi lên khi đọc thấy tin tức một cánh rừng bị bức tử, những con voi bị bắn chết…

Không gì cả. Những tin tức xa xôi đâu đó dưới trời này đã bị chặn, thì vài sự kiện lao xao của cái thành phố nhỏ nơi mình sống chỉ có thể làm mình xao động một chút, rồi thôi. Giờ thực sự mình với mình, với sách, với trẻ con. Vài ông bạn từng thuyết phục mình bỏ đọc báo, nhắn đi nhắn lại rằng đừng tưởng đấy là kiến thức, đừng tưởng biết hết thật ra chẳng biết gì, rằng đó là bề nổi của cuộc sống, đừng nên nhìn đời theo cách ấy… có vẻ đắc chí, thế chứ, đã bảo rồi mà.

Mình bắt đầu đi dụ dỗ bạn bè, ca tụng việc không đọc báo như đã tu nửa cuộc, như sống thần tiên trên núi, mọi thứ chung quanh tươi tắn và thanh sạch. Bạn rên lên kêu khó. Buổi sáng mà không cầm tờ báo trên tay thấy như đói, dù lắm khi báo cũng không có gì để đọc, dù thông tin bạn tìm được trong lúc lội mạng xã hội vẫn hay ho sinh động hơn nhiều. Biết là mất thời gian nhưng nhiệt độ cuộc sống hiện lên trên ấy, bạn phân trần, không đu theo thấy như bị bỏ rơi. Mình cười thôi bạn cứ ở lại chơi, mình lên núi đây. Rồi thì ai quan, ai sắm du thuyền triệu đô, đất nước nào vừa chính biến, dòng sông nào vừa giãy chết… không còn nhồi máu tim mình nữa.

Dường như đó là cuộc chạy trốn, đôi lần mình nghĩ vậy, khi nhìn quanh bỗng vắng. Nhận ra chẳng phải người đời cứ không đọc báo mà thành tiên. Nông dân bận bịu ngó trời ngay ngáy lo mùa thất bát, buôn gánh bán bưng cùng với đánh giày bạc mặt mòn chân cho cuộc mưu sinh, sư bận kệ kinh, mấy chị nội trợ quẩn quanh với cá lên giá chồng nhậu khuya. Mình có chút bơ vơ.

Và một bữa mình ngoắc thằng nhỏ bán báo lại, như cú tiếp đất sau bao ngày lơ lửng. Trải tờ báo trước mặt, lướt qua từng trang một, mình bỗng nhận ra chưa từng bị đứt đoạn dù đã đi vắng cũng lâu rồi. Thế giới vẫn đầy nước mắt và hỗn loạn y hệt hôm mình rời khỏi. Một chiếc tàu du lịch chìm mang đi nhiều trẻ con, một xóm “nhà không nóc” cũng nheo nhóc con nít mồ côi cha, một ông già bị chính máu thịt ruột ràng đuổi ra đường sống đời bờ bụi, những ngư dân bị hiếp đáp bỏ mạng ngoài khơi… Lại là cảm giác bị trăm con sóng nhồi, bị que xiên qua thịt da, bị xóc dằm, thấy chính mình bị giẫm đạp, phẩn uất dồn lên nghẹn cổ. Rời rã. Mệt nhừ.

Lần đầu tiên mình nhận ra - sau chuyến phủi bụi trần thế thõng tay đi chơi núi - những cảm xúc ngột ngạt bị đẩy đến tận cùng, đến ngộp thở đó có khi cũng cần thiết cho mình, một người viết. Chữ bật ra từ những nỗi đau, biết đâu…

Nguồn: Viet-studies, trang Nguyễn Ngọc Tư



TRUYỆN KỂ CÓ NHIỀU THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ NHẤT

THỪA MỘT CON THÌ CÓ!

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, đứng núi này trông núi nọ, già kén kẹn hom, ghét của nào trời trao của ấy. Chị nọ phận hẩm duyên ôi, kết tóc xe tơ với một anh chàng mặt nạc đóm dày, xấu ma chê quỷ hờn lại đần độn, ngốc nghếch, vô tâm vô tính, ruột để ngoài da, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, mười tám cũng ừ mười tư cũng gật, học chẳng hay, cày chẳng biết, lúng túng như thợ vụng mất kim, chỉ được cái sáng tai họ điếc tai cày là giỏi!

Trăm dâu đổ đầu tằm, giỗ tết cúng bái trong nhà, công to việc lớn ngoài xóm, hai sương một nắng, tất bật quanh năm, một tay chị lo toan định liệu. Anh chồng thì như gà què ăn quẩn cối xay, lừ đừ như ông từ vào đền, như cỗ máy không giật không động. Giàu vì bạn, sang vì vợ, hang xóm láng giềng kháo nhau:”chàng ngốc thật tốt số, mả táng hàm rồng, như mèo mù vớ được cá rán”.

Chị vợ mỏng mày hay hạt, tháo vát đảm đang, hay lam hay làm, vớ phải chàng ngốc đành nước mắt ngắn nước mắt dài, đèo sầu nuốt tủi, ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua ngày đoạn tháng. Nhiều lúc tức bầm gan tím ruột, cực chẳng đã, chị định một liều ba bảy cũng liều, lành làm gáo vỡ làm muôi, rồi anh đi đường anh, tôi đi đường tôi cho thoát nợ. Nhưng gái có chồng như gong đeo cổ, chim vào lồng biết thuở nào ra, nên đành ngậm đắng nuốt cay, một điều nhịn chín điều lành, tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại, vợ chồng đóng cửa bảo nhau cho êm cửa êm nhà, sao nỡ vạch áo cho người xem lưng, xấu chàng hổ ai?

Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Biết chồng tại gia không trot, liền trổ tài điều binh khiển tướng dạy chồng một phen, những mong mở mày mở mặt với bàn dân thiên hạ, không thua anh kém chị trong họ ngoài làng.
Một hôm ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, giữa thanh thiên bạch nhật, chị vợ dỗ ngon dỗ ngọt bảo chồng đi chợ mua bò, không quên dặn đi dặn lại: đến chợ phải tuỳ cơ ứng biến, xem mặt đặt tên, liệu cơm gắp mắm, tiền trao cháo múc, đồng tiền phải liền khúc ruột kẻo lại mất cả chì lẫn chài.

Được lời như cởi tấm long, ngốc ta mở cờ trong bụng, gật đầu như búa máy, vội khăn gói quả mướp lên đường quyết phen này lập công chuộc tội. Bụng bảo dạ, phải đi đến nơi về đến chốn, một sự bất tín vạn sự bất tin, ngốc quàng chân lên cổ đi như chạy đến chợ. Chợ giữa phiên, người đông như kiến, áo quần như nêm, biết bao của ngon vật lạ, thèm rỏ dãi mà đành nhắm mắt bước qua. Hai tay giữ bọc tiền khư khư như từ giữ oản, ngốc nuốt nước bọt bước đến bãi bán bò.

Sau một hồi bới lông tìm vết, cò kè bớt một thêm hai, nài lên ép xuống, cuối cùng ngốc cũng mua được 6 con bò. Thấy mình cũng được việc, không đến nỗi ăn không ngồi rồi báo vợ hại con, ngốc mừng như được của. Hai năm rõ mười, ai dám bảo anh ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Nghĩ vậy, ngốc ung dung leo lên lưng con bò đi đầu, mồm hô miệng hét diễu võ dương oai, lùa đàn bò ra về mà lòng vui như hội.

Giữa đường sực nhớ lời vợ dặn, suy đi tính lại, cẩn tắc vô áy náy, ngốc quyết định đếm lại đàn bò cho chắc ăn. Ngoảnh trước ngó sau, đếm đi đếm lại, đếm tái đếm hồi chỉ thấy có 5 con, còn một con không cánh mà bay đi mất. Toát mồ hôi, dựng tóc gáy, mặt cắt không còn giọt máu, ngốc vò đầu gãi tai, sợ về nhà vợ mắng cho mất mặn mất nhạt rồi lại bù lu bù loa kêu làng kêu nước mà than than trách phận, ngốc về nhà với bộ mặt buồn thiu như đưa đám.
Thấy chồng về, chị vợ tươi như hoa ra đón, nhưng ngốc vẫn ngồi như bụt mọc trên lưng con bò đi đầu, chắp tay lạy vợ như tế sao:

- Mình ơi, tôi đánh mất bò, xin mình tha tội cho tôi…

Nhìn chồng mặt như chàm đổ mình dường giẽ run, chị vợ không khỏi lo vốn liếng đi đời nhà ma, liền rít lên như xé lụa:

- Đồ ăn hại. Đàn ông con trai mà trói gà không chặt. Làm sao lại để bò sổng?

Sợ thót tim vãi đái, nhưng ngốc vẫn lấy hết sức bình tĩnh để phân trần:

- Tôi mua tất cả 6 con, họ giao đủ 6, bây giờ đếm mãi vẫn chỉ 5 con.

Nhìn ngốc ta vẫn ngồi như đóng đinh trên lưng bò, chị vợ hiểu rõ đầu đuôi cơ sự, dở khóc dở cười bảo chồng:

- Thôi xuống đi! Thiếu đâu mà thiếu, có mà thừa một con thì có!!!

Nguồn: http://dichthuatvietnam.info/showthread.php?t=91

Không có nhận xét nào: