Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Lời thương


DẠY VÀ HỌC. Bẵng một thời gian chưa đến thăm anh (Bulukhin- Nguyễn Quốc Toàn) Hôm nay tôi ghé lại,và chợt lặng người trước bài “Lời thề cỏ may” anh giới thiệu bài viết của cậu con Nguyễn Quốc Tuấn. Mục cảm nhận có bản nhạc “Anh còn nợ em” thấm đẫm tính nhân văn của nhạc sĩ Anh Bằng qua lời ca ngọt ngào Thiên Kim (+Tăng Thanh Hà) do bạn anh post tặng. Anh đã cố tình dùng lại tiêu đề “Lời thề cỏ may” của Trần Đăng Khoa trích trong tuyệt phẩm “Ngày Tết đọc 5 bài thơ lục bát” bình bài thơ cùng tựa đề này của Phạm Công Trứ. Ba góc nhìn đều có những sâu lắng riêng. Xin được chép chung những bài này vào “kho báu” để mọi người cùng đọc.

LỜi THỀ CỎ MAY


Nguyễn Quốc Tuấn

Cậu con trai Bu đang hành nghề kiến trúc và viết báo vặt ở Sài Gòn, cu cậu chỉ có thủy chung với Facebook. Nó thường “vẽ” chân dung bạn bè theo bút pháp cường điệu và lộng ngôn, đọc là cười lăn. Ấy thế mà những thằng bạn được nó “vẽ” lên không tự ái, lại khoái chí nữa. LỜI THỀ CỎ MAY là nó tự vẽ mình cũng một bút pháp trên…Và các cô gái mới lớn ơi, hãy cảnh giác bọn con trai nhé, nhớ đấy.

Thời sinh viên, dù đói khổ mốc cả mỏ, nhưng cái khoản yêu đương thì mình thuộc dạng no đủ, dăm bữa nửa tháng là đau đáu em A, vài tuần lại sang em B, em nào mình cũng nói yêu đương một cách chân thành và đầy trách nhiệm. Cứ như thế, mấy năm đại học, trái tim không biết mệt mỏi. Yêu và yêu thôi, hehe…

Ở ngoài Hà Nội, chỉ nói ” Anh yêu em” là đủ ý, thông tin được gửi đi một cách perfect. Nhưng Sài Gòn…

Vào sài gòn, quen cô gái đầu tiên có tên là Th, một bận, cô ấy hỏi, “Anh thương em không” Mới nghe, thấy lạ tai, cái từ “thương” sao mà sến rện, cải lương. Mình trả lời ngay, anh yêu em chứ thương thì nhằm nhò gì.

Người Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung không dùng mỹ từ “yêu” như các nơi khác. “Ủa, mày thương con nhỏ đó hả?” Ê, thằng đó thương mày thiệt đó nghen”

Phải đến cả năm sau, mình mới “ngộ” ra từ thương của người miền Nam. Thứ nhất, người Nam không màu mè, ái ngữ của họ mộc mạc như suy nghĩ vậy. Từ “yêu” trong đầu người Nam chỉ có ở tiểu thuyết, hoặc trên phim ảnh mà thôi. Nam nữ “thương” nhau, chứ họ không cần yêu, “có lẽ phụ nữ Nam Bộ không biết “yêu” là gì???”

Đúng vậy, Vợ chồng, bồ bịch, có khi chẳng nhất thiết phải yêu nhau say đắm. Chẳng cần phải mượn cái phạm trù bao la rộng lớn như thế để chứng mình tình cảm với nhau, Vợ chồng thương nhau, nam nữ thương nhau, người với người thương nhau là đủ rồi.

Riêng mình, khi cuốn lịch cuộc đời mỏng dần theo năm tháng, thì khái niệm “yêu” trở nên mong manh, và dễ vỡ. Khái niệm đó ngày càng rời xa tâm thức, nó không thuộc vùng cảm xúc trong trái tim mình. Vì yêu là là ràng buộc nhiều thứ, vì điều này vì điều kia, thậm chí là vì…thương nữa, hihihi

Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá…Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối….Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn….là những câu hát đã nhạt phai rất nhiều trong mình, dù trước đây là vũ khí đắc lực. Hễ đưa em nào đến quán ca fe có thêm cây đàn ghita nữa là em ngã đạn, phải dựng em lên nói một câu cho đủ bộ là “Anh yêu em”… Cách đây vài năm, tình cờ gặp lại Th trong quán cafe, Th giờ đã 2 con mà nhan sắc vẫn đang làm mòn con mắt lắm.

Ủa, phải Tuấn hông?

Ừ, Th hả, lâu ngày quá.

…….

Hồi trước Tuấn đâu có thương Th ?

Có chứ. Yêu chết bỏ mà!

Chỉ Yêu thôi đúng hông?

Nhắc lại chuyện này làm gf?

nhắc lại để Tuấn thấy đang nợ Th nhiều lắm

Ví dụ?

“Công viên, ghế đá…nắng chiếu qua tim và cuộc tình đã lỡ”

Ơ, ơ … đó là ông nhạc sĩ Anh Bằng nợ chứ

(Cười)

Giá như hồi đó mình đừng yêu ai cả, mà thương thật nhiều, rồi giá như hồi đó mình trả lời “ừ thương” trong câu chuyện với Th một cách tự nhiên, không thấy sến rện, không thấy cải lương thì bây giờ sao nhỉ? Chắc là không “nợ nần” chi ai cả. Thiết nghĩ, trải nghiệm cuộc sống giống như đi qua những cánh đồng cỏ may, đôi khi phải dừng bước để gỡ những lời thề, văn chương gọi là “lời thề cỏ may” hị hị hị!

LỜI THỀ CỎ MAY

Trần Đăng Khoa

Giữa lúc người ta xuôi về thành phố , thì Phạm Công Trứ lại ngược ra ngoại ô, trở về làng quê, và rồi anh cứ đi mãi , đi hút mãi về xứ dân gian. Ở đó anh gặp Nguyễn Bính, và ngay lập tức anh đã bị ông thi sĩ đồng hương này bắt mất hồn ! Bởi vậy, có một nhà thơ ở bậc đàn anh, đọc xong Trứ bảo: “Đời đã có một Nguyễn Bính rồi. Có nên cần thêm một Nguyễn Bính hạng hai, hạng ba nữa không ?

Nói thế thì oan cho Trứ quá . Anh đâu phải Nguyễn Bính. Dú có khoác tấm áo the, có đội cái khăn xếp xưa của Nguyễn Bính cũng đâu đã phải là Nguyễn Bính. Hãy xem cô gái nhà quê ra tỉnh này về thì rõ. Cái áo chẽn, cái quần bò đã khác xa cái áo the quần lĩnh cổ cài khuy bấm ngày xưa, chí ít cũng là sự khác biệt về một trang phục của thiếu nữ ở hai thời.

Dẫu khác thế, người đọc Phạm Công Trứ vẫn cứ nhớ đến Nguyễn Bính. Giá không có Nguyễn Bính, có lẽ Phạm Công Trứ đã có một cái chiếu giữa làng văn. Nhưng cái chiếu Trứ đang ngồi vào hiện nay, Nguyễn Bính đã ngã bóng mình xuống đó cách đây nữa thế kỷ. Bởi thế, thơ Trứ có chỗ quả cũng cớm nắng, xanh xao. Thiết tưởng, Trứ cũng có thể bắt chước người xưa , ngữa mặt lên trời mà than rằng: Trời đã sinh ra Trứ sao trước đó còn sinh ra Bính?

LỜI THỀ CỎ MAY

Phạm Công Trứ

Làm sao quên được tuổi thơ
Tuổi vàng tuổi ngọc tôi ngờ lời ai
Thủa ấy tôi mới lên mười
Còn em lên bảy theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín bông may
Aó tôi cúc đứt mực rây tím bầm
Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Bây giờ xinh đẹp là em
Em ra thành phố dần quên một thời
Về quê ăn tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi em hỏi hững hờ
Anh chưa lấy vợ còn chờ đợi ai?
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê
Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may.

THUNG DUNG, DẠY VÀ HỌC

Không có nhận xét nào: