DẠY VÀ HỌC. Blog Hiệu Minh vừa có bài viết mới "Nước Lào không còn ...chậm" nói về không gian văn hóa, kinh tế của khu vực Đông Dương đang thay đổi trong xu hướng toàn cầu hóa. Tôi nhớ bài viết "Tháp vàng, hoa trắng nắng Mekong" và sự thấm thía lịch sử "Dân Việt nghìn năm xuôi lấn biển. Tựa lưng vào núi hướng về Nam, thoáng chốc ngàn năm nhìn trở lại. Tháp vàng, hoa trắng, nắng Mekong". Đi xa để lại nghĩ về gần. Sự giao thoa của những nền văn hóa là cuốn sách mở cần tìm tòi và suy ngẫm như sông trăng lồng lộng xuôi về biển rộng lúc hừng đông. Hoàng Kim (Thạp Luổng biểu tượng của nước Lào - ảnh otofun.net)
Nước Lào không còn chậm
Hiệu Minh
Người Lào tưởng là “chầm chậm” và là anh em của Việt Nam thì không có nghĩa ”tình hữu hảo là trên hết” và các bạn kiểu gì cũng đi sau mình. Trong thời đại toàn cầu hóa, lợi nhuận quan trọng hơn tình bạn.
Quan hệ tình thân giữa hai quốc gia đặc biệt này đã thay đổi. Người Mường định triển khai dự án thủy điện Xayaburi bất chấp tác động với các nước ở hạ lưu sông Mekong nhất là Việt Nam và chỉ tạm ngưng khi bị phản đối mạnh mẽ từ phía Việt Nam.
Theo dự kiến, dự án xây dựng thủy điện Xayaburi được Thái Lan đầu tư 3,5 tỉ USD với cam kết Lào bán điện cho nước này 95% sản lượng điện sản xuất ra được. Với công suất thiết kế đạt 1.260 MW/năm, Lào sẽ thu được khoảng gần 1 tỉ USD từ việc xuất khẩu điện.
Với 6,3 triệu dân và tổng thu nhập quốc dân chỉ hơn 6 tỉ USD (năm 2010) thì đó là “cái gì” không thể cưỡng lại vì lợi nhuận quá khủng, khi “bán nước” theo đúng nghĩa đen.
Trong nhiều năm, VN vẫn bán điện giá rẻ cho Lào. Để đổi lại, nếu dự án trên đi vào hoạt động thì VN mua được khoảng 5%, quá ít ỏi so với những gì mà VN đã giúp các bạn Lào từ trước tới nay.
Hơn thế nữa, đập thủy điện Xayaburi làm cho phù sa không về Nam Bộ, hàng triệu hectar trồng lúa bị nhiễm mặn, cá tôm sẽ hết mà không cần đến một biến đổi khí hậu nào. Biến đổi sắc thái của tình bạn không kém nguy cơ biến đổi khí hậu. Liệu VN còn đứng mãi trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới?
Nhớ lần đi qua Vientiane, thấy người Trung Quốc xây dựng sân vận động Sea Games 25 triệu đô la, rồi ngoại thành có những làng toàn người Hoa mới nhập cư.
Câu chuyện không đơn giản là tiền 1 tỷ đô la hàng năm lợi nhuận khi ngăn sông làm thủy điện. Mà đó là cách làm bạn của các bạn cũng khác xưa.
Trong lần công tác mấy năm trước, tôi ở trong khách sạn Lao Plaza tại thủ đô Vientiane. Mỗi sáng trong thang máy được thay một chiếc thảm đề “thứ” trong tuần. Thứ Hai là thảm Monday, thảm Chủ Nhật có tên Sunday. Ước muốn thay đổi của người Lào đã len lỏi đến cả những tấm thảm.
Mong chúng ta đừng ngủ quên trong tình yêu. Một lúc nào đó người yêu đi với đại gia, ta nhận ra thì đã quá muộn. Tình thường đi với tiền.
Nước Lào không còn chậm. Mà người chậm lại là chúng ta. Nhớ bài viết Chầm chậm tới Lào, các bạn đọc lại và suy ngẫm.
Tháp vàng, hoa trắng, nắng Mekong
Hoàng Kim
"That Luang", "Champa", "golden light in Mekong River" là những ấn tượng khó quên về đất nước Lào. That Luang (tháp vàng) là biểu tượng quốc gia. Cham pa (hoa trắng) là sắc hoa sứ thanh khiết mà người Lào rất mến chuộng. Nắng vàng rực rỡ trên sông Mekong tạo nên vẻ đẹp kỳ ảo của Viên Chăn. Uống bia Lào, ăn mực và nhâm nhi cà phê Việt, ngắm nắng chiều dát vàng trên sông xanh mà bờ sông bên kia là Thái Lan, để lắng nghe nhịp sống chậm rãi và yên bình.
Tôi vui được tham dự Hội nghị Nghiên cứu Sắn Quốc tế lần thứ Tám (8th Asian Cassava Research Workshop) tổ chức tại Viên Chăn, ngày 20 - 24 / 10/ 2008 nên đã cảm khái viết bài thơ này; Đồng thời, lưu lại một số hình ảnh về đất nước Lào và hội nghị tại đây http://cassavaviet.blogspot.com/2008/10/glimpse-of-lao-cassava-workshop.html
THÁP VÀNG, HOA TRẮNG, NẮNG MEKONG
Tháp vàng, hoa trắng, nắng Mekong Ấn tượng Viên Chăn thật lạ lùng
Nơi đâu hối hả, đây trầm lắng
Một vùng đất Phật ở ven sông .
Nhớ thuở Nguyễn công gây nghiệp lớn
Ai Lao thường mở lối đi về
Trung Hưng thành tựu nhờ chung sức
Núi thẳm, lòng dân đã chở che
Dân Việt nghìn năm xuôi lấn biển
Tựa lưng vào núi hướng về nam
Thoáng chốc ngàn năm nhìn trở lại
Tháp vàng, hoa trắng, nắng Mekong
Nguyên Ngọc: Đi xa để lại nghĩ về gần
Sáng sớm ở Luang Prabang của nước Lào, khoảng từ 5h, không gì hay bằng ra đường và ngắm các nhà sư đi khất thực. Tôi cũng đã được thấy các sư đi khất thực ở Sài Gòn. Rất khác, và cũng có thể ở đấy lại có cái hay khác: những người tu hành đi xin ăn giữa chợ đời chen chúc, xô bồ, cũng là tu nhưng là "tu giữa chợ". Là một thứ triết lý tu hành thâm thuý riêng chăng?...
Ở Lào khác hẳn. Từ mờ sáng, người ta ra ngồi ven đường, mỗi người một vuông đệm nhỏ hay một chiếc ghế mây thấp, đàn bà thì quỳ, đàn ông xếp bằng, giỏ xôi đặt trước mặt. Rất sớm và rất trang trọng. Người ta bảo mình phải chờ sư, không được để sư chờ mình.
Trước khi các sư đến, người ta nâng giỏ xôi lên ngang trán, lầm rầm khấn vái. Không phải bố thí mà là dâng hiến. Các sư đi thành đoàn dài, người hai bên đường cung kính dâng thức ăn. Khi các sư đã đi qua rồi, người ta vẫn ngồi yên hồi lâu, chắp tay và nhắm mắt, một khoảnh khắc vọng về cõi vô thường, mỗi sáng lại được chạm nhẹ vào đấy trước khi dấn vào cuộc lầm bụi hằng ngày. Cũng có khi nhận thức ăn xong, các sư dừng lại, hát một bài kinh ngân nga, cảm ơn và chúc phúc...
Lạ thay là một dân tộc, là những con người, suốt đời, suốt ngày nào cũng vậy, mỗi buổi sáng lại dậy thật sớm, dọn mình thật thanh khiết rồi ra ngồi lặng lẽ và cung kính bên đường để chờ làm công việc hẳn là tự nguyện nhất trong những công việc ở đời.
Mở đầu một ngày sống như vậy thì thật khó làm điều ác trong ngày. Và một chút nhận xét nữa: ở đây người ta sống chậm. Không quan tâm, không ham hố tốc độ. Hình như giữa sự thâm trầm của tu, chùa, sư và sự thanh thản của cuộc sống hằng ngày chẳng có mấy khoảng cách.
Một chị bạn cùng đi chiêm ngưỡng cảnh khất thực buổi sáng còn chỉ cho tôi một chi tiết: một bà cụ, sau khi dâng thức ăn cho sư, dành lại một ít xôi trong giỏ, bà trở về nhà, chậm rãi đi đến từng cây trong vườn, kính cẩn gắn những vón xôi nhỏ lên các chạc cây: bà "cho cây ăn". Dâng xôi cho sư và lại dâng xôi cho cây...
Ở Luang Prabang tôi được biết một điều: cả thành phố không nhà nào cao quá hai tầng, cố đô nép mình khiêm nhường bên bờ sông Mekong đoạn này rất êm ả, và bất cứ ai muốn chặt một cây nhỏ, ngay trong vườn riêng của mình, đều phải xin phép, rất khó khăn.
Một chị bạn cùng đi chiêm ngưỡng cảnh khất thực buổi sáng còn chỉ cho tôi một chi tiết: một bà cụ, sau khi dâng thức ăn cho sư, dành lại một ít xôi trong giỏ, bà trở về nhà, chậm rãi đi đến từng cây trong vườn, kính cẩn gắn những vón xôi nhỏ lên các chạc cây: bà "cho cây ăn". Dâng xôi cho sư và lại dâng xôi cho cây...
Ở Luang Prabang tôi được biết một điều: cả thành phố không nhà nào cao quá hai tầng, cố đô nép mình khiêm nhường bên bờ sông Mekong đoạn này rất êm ả, và bất cứ ai muốn chặt một cây nhỏ, ngay trong vườn riêng của mình, đều phải xin phép, rất khó khăn.
Tôi bỗng nhớ đến Tây Nguyên, ngày trước trên ấy khi phải chặt một cây trong rừng, người ta cẩn trọng làm lễ xin phép rừng và tạ lỗi với cây. Có gì đó gần nhau quá giữa bà cụ Luang Prabang dâng xôi cho sư rồi lại dâng xôi cho cây, đều kính cẩn như nhau, và người Tây Nguyên của tôi thấy mình có lỗi với rừng, với cây mỗi khi buộc phải làm đau cây, đau rừng.
Giống quá, tự trong một chiều sâu rất sâu nào đó mà Luang Prabang vẫn giữ được, còn Tây Nguyên của tôi đang mất. Đến Luang Prabang, tôi đi xa để lại nghĩ về gần...
Sau mấy ngày ở phố Luang Prabang, tôi ra vùng ngoại ô, dừng lại ở bản Xiêng Đa của người Lào Lum. Vừa qua ở Xiêng Đa đã tổ chức lễ Buot Ton May, phong sư cho các cây trong rừng. Làng kéo nhau vào rừng, mỗi người mang theo một tấm vải dài màu vàng, cắt thành những rẻo mỏng, đem buộc vào từng cây.
Sau mấy ngày ở phố Luang Prabang, tôi ra vùng ngoại ô, dừng lại ở bản Xiêng Đa của người Lào Lum. Vừa qua ở Xiêng Đa đã tổ chức lễ Buot Ton May, phong sư cho các cây trong rừng. Làng kéo nhau vào rừng, mỗi người mang theo một tấm vải dài màu vàng, cắt thành những rẻo mỏng, đem buộc vào từng cây.
Cây được buộc vải vàng cũng như người được khoác áo cà sa, được đánh thức tính Phật, được phong sư. Và khi con người đánh thức tính Phật ở cây thì cũng tự đánh thức tính Phật ở mình. Cây được phong sư là vì trong cây vốn đã có chất sư. Ở Lào tất cả thanh niên lớn lên đều phải qua mấy năm ở chùa, cũng là để đánh thức tính Phật vốn sẵn trong mỗi con người.
Buot Ton May cũng lại gợi suy ngẫm đến cách nghĩ về tự nhiên và con người ở bên này. Ở đây, giữa tự nhiên, cây cỏ, với con người có gì khác nhau?
Buot Ton May cũng lại gợi suy ngẫm đến cách nghĩ về tự nhiên và con người ở bên này. Ở đây, giữa tự nhiên, cây cỏ, với con người có gì khác nhau?
Trong tác phẩm Nhiệt đới buồn nổi tiếng, Claude Lévi-Strauss kể rằng người Bororo Nam Mỹ vẽ lên mặt những hình khác nhau để tự phân biệt, tự tách mình ra khỏi tự nhiên, chưa vẽ mặt thì con người còn hoang dã như tự nhiên, có hình vẽ trên khuôn mặt rồi con người mới trở thành văn hoá, thành xã hội, cao lên, cao hơn tự nhiên. Và xã hội thì có đẳng cấp. Mỗi đẳng cấp khác nhau vẽ mặt theo những huy hiệu đẳng cấp vậy.
Hoá ra người Lào Lum ở Xiêng Đa không cảm thấy có nhu cầu đó, họ không cảm thấy có nhu cầu đó để được cao lên cho bằng tự nhiên, thậm chí họ cố đánh thức dậy ở mình một cái chất nào đó để được cao lên cho bằng tự nhiên.
Hoặc cũng có thể hiểu cách khác: để không từ "tự nhiên" mà tụt xuống thành "văn hoá", tức thấp hơn. Cũng chính
Claude Lévi-Strauss, ở một chỗ khác, trong tác phẩm Tư duy man dã, lại viết rằng "tư duy man dã đã không phải là tư duy của người man dã, mà là một thuộc tính phổ quát của tinh thần con người, biểu hiện chẳng hạn trong thơ và nghệ thuật".
Hình như người Xiêng Đa có biết - rất có thể tự trong bản năng thuần khiết, chứ không phải bằng ý thức - những tìm tòi và trăn trở kiểu Strauss ấy và có câu trả lời riêng của họ. Họ không sợ sự man dã.
Nói như Strauss, họ là những nhà thơ và đầy chất nghệ thuật. Họ không có nhu cầu tách mình ra khỏi tự nhiên, không sợ còn là tự nhiên thì không có, chưa có văn hoá. Bởi họ tin rằng trong tự nhiên có văn hoá. Con người đi tìm văn hoá trong hoà nhập với tự nhiên.
Người Xiêng Đa đánh thức dậy trong mình chất cây, chất rừng, chất tự nhiên mà họ coi là cao quý nhất - cái mà chúng ta coi là man dại và đã đánh mất, vứt bỏ, giày xéo trong cuộc đua chen để trở thành hiện đại.
Người Xiêng Đa, tôi được biết, cũng không đứng ngoài cuộc đua chen hiện đại, và trong cuộc đua ấy họ đã thắng theo lối của họ. Vừa qua, nhiều thế lực bên ngoài, kiêu căng hùng hổ có, dụ dỗ ranh ma có, đổ vào mua rừng Xiêng Đa, thậm chí mua đất rồi đưa người đến theo một tính toán đồng hoá lâu dài. Người Xiêng Đa trả lời giản dị, nhẹ nhàng: họ không bán Phật.
Đến nay rừng Xiêng Đa vẫn xanh ngút đại ngàn.
Đến Xiêng Đa bây giờ có thể mua được những tấm thổ cẩm thật đẹp do các cô gái Xiêng Đa thong thả dệt trên các khung cửi của từng nhà. Các cô không dùng màu hoá học để nhuộm chỉ, thổ cẩm Xiêng Đa toàn màu tự nhiên của cây, của lá, của rừng. Mộc, bền, tinh khiết, đậm đà.
Người Xiêng Đa, tôi được biết, cũng không đứng ngoài cuộc đua chen hiện đại, và trong cuộc đua ấy họ đã thắng theo lối của họ. Vừa qua, nhiều thế lực bên ngoài, kiêu căng hùng hổ có, dụ dỗ ranh ma có, đổ vào mua rừng Xiêng Đa, thậm chí mua đất rồi đưa người đến theo một tính toán đồng hoá lâu dài. Người Xiêng Đa trả lời giản dị, nhẹ nhàng: họ không bán Phật.
Đến nay rừng Xiêng Đa vẫn xanh ngút đại ngàn.
Đến Xiêng Đa bây giờ có thể mua được những tấm thổ cẩm thật đẹp do các cô gái Xiêng Đa thong thả dệt trên các khung cửi của từng nhà. Các cô không dùng màu hoá học để nhuộm chỉ, thổ cẩm Xiêng Đa toàn màu tự nhiên của cây, của lá, của rừng. Mộc, bền, tinh khiết, đậm đà.
Mà, như ta đã biết, rừng, cây ở đây cũng là Phật, trong thổ cẩm dưới tay các cô gái Xiêng Đa có chất Phật... thâm thuý thay, một đất nước có tục khất thực đẹp quá buổi sáng, lại biết rằng có Phật trong cả những vật dụng hằng ngày.
Các cô gái Xiêng Đa dệt thổ cẩm có thu nhập khoảng 1 triệu kíp, tức là 2 triệu đồng VN một tháng. Vừa rồi có 20 hộ người Khơ Mú xin chuyển đến sống cũng bà con Xiêng Đa, được người Xiêng Đa nhận.
Các cô gái Xiêng Đa dệt thổ cẩm có thu nhập khoảng 1 triệu kíp, tức là 2 triệu đồng VN một tháng. Vừa rồi có 20 hộ người Khơ Mú xin chuyển đến sống cũng bà con Xiêng Đa, được người Xiêng Đa nhận.
Chị Xy, chị Văn người Lào Lum Xiêng Đa dạy cho các chị người Khơ Mú nghề thổ cẩm, không chỉ dệt mà cả nhuộm bằng cây, lá rừng, tạo nên màu tự nhiên đẹp và quý. Người Khơ Mú không theo đạo Phật.
Cũng không sao, người Xiêng Đa bảo nói cho đúng Phật không phải là một tôn giáo, mà là một cách hiểu về cuộc đời, một cách sống, Phật có trong bất cứ ai...
Vậy đó, kết quả của một tư duy.
Tôi mới chỉ đến Xiêng Đa một thoáng. Đang rủ một số bạn mùa xuân này trở lại Luang Prabang, trở lại Xiêng Đa. Mùa xuân, đến, nhìn, gặp rừng và người, để nghĩ thêm về một cách tồn tại trên đời, cũng là hay, đúng không?
Tôi mới chỉ đến Xiêng Đa một thoáng. Đang rủ một số bạn mùa xuân này trở lại Luang Prabang, trở lại Xiêng Đa. Mùa xuân, đến, nhìn, gặp rừng và người, để nghĩ thêm về một cách tồn tại trên đời, cũng là hay, đúng không?
Nguyên Ngọc
(Theo Tuổi Trẻ Tết 2010)
Nhớ Sóc Trăng
Hoàng Kim
DAYVAHOC. Hoàng Kim. Đi miền Tây, tôi mang theo cuốn “Bằng đôi chân trần” của nhà văn Nguyên Ngọc để đọc. Những trang văn của ông về “Du lịch bền vững”“Đến miền Tây với một tấm lòng”,“Bằng đôi chân trần”,“Không gian của Nguyễn Ngọc Tư” đã ám ảnh và gợi cho tôi nhiều điều. Hành trình xuôi phương Nam, qua Cần Thơ, chúng tôi đến Sóc Trăng, một tỉnh của vùng Tây Nam Bộ. Đây là nơi giao thoa của những cộng đồng văn hóa Khơ me, Việt, Hoa. Một nhà dân tộc học có nói: "Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc là những điểm nhấn văn hóa khi nghiên cứu người Việt, đất Việt và văn hóa Việt". Thật may mắn cho tôi là đã có gần trọn tuần ở cái nôi văn hóa ấy để khi về luôn ... nhớ Sóc Trăng (ảnh chùa Dơi Sóc Trăng, hình internet).
VÀI NÉT VỀ ĐẤT ĐAI, SÔNG NƯỚC VÀ CON NGƯỜI SÓC TRĂNG
Tỉnh Sóc Trăng, theo trang thông tin điện tử của Ủy ban Nhân dân Tỉnh , là vùng tiềm năng kinh tế xuất khẩu gạo, hàng thủy sản và nông sản thực phẩm chế biến của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Diện tích đất tự nhiên của tỉnh có 3.310,03 km2 gồm 8 huyện và 1 thành phố với 105 xã, phường, thị trấn với thành phố Sóc Trăng là trung tâm hành chính cách thành phố Cần Thơ 62 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 231 km.
Đất đai Sóc Trăng chủ yếu là đất phù sa bồi có độ màu mỡ cao được hình thành qua nhiều năm lấn biển, thích hợp cho việc phát triển cây lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, đậu nành, bắp, các loại rau màu như hành, tỏi và các loại cây ăn trái như bưởi, xoài, sầu riêng. Hiện đất sử dụng cho nông nghiệp chiếm 84,03%, đất lâm nghiệp 4,40%, đất chuyên dùng và các loại đất khác 11,57%. Trong tổng số 278.154 ha đất nông nghiệp có 160.910 ha sử dụng cho canh tác lúa, 18.319 ha dùng trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày, 40.911 ha dùng trồng cây lâu năm và cây ăn trái.
Địa hình phần lớn là đất bằng, xen kẽ những vùng trũng với các giồng cát với cao trình phổ biến ở mức 0,5-1,0 m so với mặt biển, nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Những giồng cát hình cánh cung đồng phương với bờ biển từ Sóc Trăng đến Vĩnh Châu. Vùng trũng phía nam tỉnh với độ cao 0-0,5 m, thường bị ngập úng dài ngày trong mùa lũ. Sử dụng đất ở Sóc Trăng khá đa dạng trong phát triển nông, ngư nghiệp và hiện tại đã hình thành nhiều khu du lịch sinh thái phong phú.
Khí hậu tỉnh Sóc Trăng được chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 27oC, độ ẩm trung bình là 83%.
Tài nguyên sông biển của Sóc Trăng có 72 km bờ biển với ba cửa sông lớn Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh hình thành lưu vực rộng lớn thuận lợi cho giao thông, nuôi trồng thủy hải sản, làm muối. Hệ thống kinh rạch của tỉnh chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều ngày lên xuống 2 lần, mực triều dao động trung bình từ 0,4 m đến 1 m. Thủy triều vùng biển không những gắn liền với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cư dân địa phương, mà còn mang lại nhiều điều kỳ thú cho du khách khi đến tham quan, du lịch và tìm hiểu hệ sinh thái rừng tự nhiên.
(Tôm là nguồn lợi thủy sản của vùng Tây Nam Bộ- ảnh internet)
Tài nguyên rừng có diện tích 12.172 ha với các loại cây tràm, bần, giá, vẹt, dừa nước phân bố chủ yếu ở 2 huyện Vĩnh Châu và Long Phú. Rừng Sóc Trăng thuộc hệ rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ở khu vực đất nhiễm phèn. Sóc Trăng còn có dải cù lao thuộc huyện Kế Sách và Long Phú chạy dài ra tận cửa biển với nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành như cồn Mỹ Phước, cù lao Dung.
Dân số toàn tỉnh, theo thống kê năm 2007, có 1.302.562 người, trong đó thành thị chiếm 18,44%, nông thôn 81,56%.. Ở Sóc Trăng, ngoài người Kinh chiếm tỷ lệ khoảng 65,2% dân số còn có nhiều dân tộc khác cùng chung sống, trong đó người Khmer chiếm 28,9%, người Hoa chiếm 5,9%. Thêm vào đó còn có người Nùng, Thái, Chăm... nên đời sống và sinh hoạt văn hóa của người dân Sóc Trăng rất đa dạng và phong phú. Mật độ dân số trung bình hiện nay của tỉnh là 394 người/ km2, thấp hơn mức trung bình ở Đồng bằng sông Cửu Long (434 người/ km2). Dân số phân bổ không đều, tập trung đông ở vùng ven sông Hậu và các giồng đất cao.
Con người Sóc Trăng nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung là “một trong những xứ đất và người kỳ thú nhất ở nước ta” theo cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc: “Tôi yêu và mê miền Tây như vậy, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ và viết về miền đất và người ở đấy, trừ đôi bút ký nhỏ và rụt rè, bởi tôi biết tôi sẽ không bao giờ có thể nắm bắt được cho thật đúng cái hơi thở nồng đậm có một không hai, không bao giờ nói được cho thấu về đất đai, sông nước và con người ở đây, từ hình dáng tâm tình, suy nghĩ, tính cách ... cho đến ngôn ngữ giàu có đến kỳ lạ của họ”
Đến Sóc Trăng là đến với vùng đất đa văn hóa, sông trăng, đạo Phật, đền chùa, thú ẩm thực và những điều sâu sắc cốt lõi văn hóa nằm sâu trong dân gian... Chợt dưng tôi nhớ đến đất nước Lào và bài thơ tôi làm năm ngoái khi tham dự Hội nghị Nghiên cứu Sắn Quốc tế lần thứ Tám tổ chức tại Viên Chăn, ngày 20 - 24 / 10/ 2008
THÁP VÀNG, HOA TRẮNG, NẮNG MEKONG
Tháp vàng, hoa trắng, nắng Mekong
Ấn tượng Viên Chăn thật lạ lùng
Nơi đâu hối hả, đây trầm lắng
Một vùng đất Phật ở ven sông.
Nhớ thuở Nguyễn công gây nghiệp lớn
Ai Lao thường mở lối đi về
Trung Hưng thành tựu nhờ chung sức
Núi thẳm, lòng dân đã chở che
Dân Việt nghìn năm xuôi lấn biển
Tựa lưng vào núi hướng về Nam
Thoáng chốc ngàn năm nhìn trở lại
Tháp vàng, hoa trắng, nắng Mekong
"That Luang", "Champa", "golden light in Mekong River" là những ấn tượng khó quên về đất nước Lào. That Luang (tháp vàng) là biểu tượng quốc gia. Cham pa (hoa trắng) là sắc hoa sứ thanh khiết mà người Lào rất mến chuộng. Nắng vàng rực rỡ trên sông Mekong tạo nên vẻ đẹp kỳ ảo của Viên Chăn. Uống bia Lào, ăn mực và nhâm nhi cà phê Việt, ngắm nắng chiều dát vàng trên sông xanh mà bờ sông bên kia là Thái Lan, để lắng nghe nhịp sống chậm rãi và yên bình.
Đến Sóc Trăng vẻ đẹp kỳ ảo miền Tây thật giống đất nước Lào: Thiên nhiên còn hoang sơ với nhịp sống chậm rãi và yên bình. Sông trăng lộng lộng xuôi về biển lúc bình minh hừng sáng. Nét đẹp dung dị phúc hậu của cô gái miền Tây. Các đặc sản ẩm thực tuyệt diệu vùng sông nước. Những ngôi chùa cổ và nét đẹp văn hóa tinh tế của đất phương Nam. Những vùng đất thuở sơ khai và tên người có công với Nước. Bước chân trần lấn biển. Hành trình mở cõi đất phương Nam. Sự giao thoa của những nền văn hóa là cuốn sách mở cần tìm tòi suy ngẫm như sông trăng lồng lộng xuôi về biển lúc hừng đông.
Những bài viết khác cùng chủ đề
Thăm vùng sắn trên đất nước Angor của Hoàng Kim
Khám phá Angkor của Hoạ sĩ Nhím
Khám phá Angkor 1
Khám phá Angkor 2
Khám phá Angkor 3
Khám phá Angkor 4
Khám phá Angkor 5
Khám phá Angkor 6
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét