Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Phạm Viết Đào kể về Đại hội nhà văn Việt Nam lần 8

Y NHƯ MỘT “XỚI VẬT” LÀNG ?!

Blog  Phạm Viết Đào.ngày 7. 8.2010


DẠY VÀ HỌC. "8-900 hội viên ai người lớn ? /6-7 chục tuổi đầu vẫn trẻ con !" nhà văn Phạm Viết Đào đã mở đầu như vậy khi kể về Đại hội nhà văn Việt Nam lần 8. Cuối bài ông cảm khái: "Người đời vẫn kỳ vọng nhà văn phải trải đời, lõi đời lắm nên mới chứng kiên, lọc đưa lên trang giấy được. Nơi mà nhà văn bộc lộ mình đó là trang giẩy chứ không phải là ở các bục bệ của các diễn đàn" "Vai trò quan trọng của văn học trong sự nghiệp bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn và khí phách của nhân dân".."trách nhiệm và sứ mệnh hướng về một mẫu số chung: xây dựng và bồi dưỡng Chủ nghĩa yêu nước; Tinh thần dân chủ; Trách nhiệm đối với nhân dân và đất nước…Vấn đề còn lại đó là làm sao nhận thức nghiêm túc và nhanh chóng thể chế nó để tạo điều kiện giúp các nhà văn phát tiết ra được những gì tinh hoa nhất của cá nhân mình, góp vào đại nghĩa, đại nghiệp chung của cả dân tộc"


Đại hội Hội Nhà văn VN lần thứ tám nếu tính từ chiều ngày 4 với cuộc họp đảng viên và bế mạc vào chiều ngày 6/8/2010, Đại hội diễn ra trong vòng 2 ngày rưỡi; Tham dự đại hội ó 736 trên tổng số 923 đại biểu; trong đó có 623 đại biểu là đảng viên…Đại biểu dưới 40 tuổi trên dưới một chục người còn phần đông từ 50 tới 70 tuổi…

Theo dõi không khí đại hội và những chuyện xảy ra tại không gian đại hội thấy Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra gần giống như một “xới vật” làng; một cái làng có nhiều đám trẻ choai choai, ít công ăn việc làm, cứ đụng đến chuyện gì, trái ý nhau một tí, chưa hiểu nhau, thế là chẳng ai chịu ai, chẳng ai nhường nhịn ai lao vào vào vật nhau…

Tại Đại hội nhà văn lần thứ VIII đã xảy ra mấy kiểu, dạng vật nhau rất khôi hài và mất nhiều thời gian của đại hội, có người bảo là căng thẳng, nhưng có người lại khoái cho đó là vui, mới là đại hội văn:

1. Vật nhau giữa Đoàn chủ tịch với các Hội viên về việc bầu Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội:

Khi bàn đến các thể thức bầu chủ tịch Đoàn, bầu Đoàn thư ký, một thủ tục hành chính buộc phải có thế mà đã xảy ra chuyện đôi co giữa nhà thơ Bùi Minh Quốc với Chủ tịch Đoàn; Cả hội trường vỗ tay tán thành phương thức và cơ chế bầu ra cái đám ngồi chịu trận trên Chủ tịch Đoàn do Ban chấp hành đề xuất. Đa số các nhà văn đều nghĩ: ai ngồi lên chủ tịch đoàn cũng được, khổ chứ báu gì, vênh vang gì, thế nhưng nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng lại có ý kiến, đề nghị thay đổi, để những ý kiến mà Ban chấp hành đề xuất là không dân chủ. Thế là lại phải sử dụng đến giơ tay biểu quyết, đến sức mạnh của số đông, tức là kéo cả làng ra để giải quyết một việc nhỏ.

2. Vật nhau huỳnh huỵch, tứ tung khi bàn thủ tục, thể thức tổ chức bầu cử Ban chấp hành tại đại hội:


Nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt Đoàn chủ tịch lưu ý các nhà văn tập trung chú ý nghe ông giải thích kẻo hiểu sai thế thức bầu cử mới; với thể thức bầu cử này, y như bầu cử tổng thống ở một số nước, chia làm 2 vòng. Với thể thức mới hy vọng bầu đủ 15 ủy viên. Mặc dù đã giải thích cặn kẽ nhưng rồi cũng phải mất gần tiếng đồng hồ cho việc trao đi đổi lại thể thức mới này để đi đến đại hội sẽ đưa vào danh sách 30 ứng cử viên để chọn lấy 15, tức 2 chọn 1…

Người này cướp micro của người kia, người kia mắng người nọ sao lại dám tranh phát biểu trước mình; có đại biểu phát biểu giống như sắp lăn ra chực vạ: Tôi là phụ nữ, tôi là nhà văn thuộc hội trẻ, tại sao các anh là nhà văn cậy thế đàn ông, ăn hiếp tôi không cho tôi nói. Có ông trên tầng hai xin phát biểu, chủ tịch đoàn ngồi xa không nhìn thấy không đưa micro cho ông thế là ông dậm chân, to tiếng với chủ tịch Đoàn là phân biệt đối xử. Mới có vài thủ tục bước đầu mà hội trường đã rạo rực hẳn lên. Không trách cố nhà văn Nguyễn Đình Thi đã từng phát biểu trong một lần đại hội: Liên hiệp quốc có gần 200 quốc gia còn Hội Nhà văn Việt Nam có tới hơn 400 hội viên, mỗi hội viên là một công quốc ( thời Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký mới chỉ có ngần ấy); còn hiện nay Hội nhà văn VN có trên 900…

3. Vật nhau giữa các “ông trẻ” Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo với Hữu Ứơc và Chủ tịch Đoàn…

Trong khi cả hội trường đang nhao nhao xin tham gia ý kiến về thể thức bầu cử, “ông trẻ “ Trần Mạnh Hảo giành được micro không cần Chủ tịch Đoàn cho phép, cứ thế oang oang. Ông phát biểu đại ý ông đã đi nhầm chỗ, ông đi họp là để bàn chuyện văn chương nhưng lại sa vào chuyện bầu bán ỏm tỏi. Lập tức micro của Trần Mạnh hảo mất tiếng; Trần Mạnh Hảo hầm hầm xông lên bục, ở đây micro mất điện nốt, Trần Mạnh Hảo cáu sườn quay sang quát: Hữu Ước là thằng trẻ con?

Thực ra Trần Mạnh Hảo trong chuyện này ứng xử sai, đã là đại hội thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải bầu cho được ban lãnh đạo mới; bảo người ta dẹp bầu cử khác gì phá ngang. Còn cái chuyện nhùng nhằng là do lỗi các hội viên: chín người mười ý. Chắc vì nghĩ Hảo là kẻ phá ngang nên ai đó giật giây để cúp điện không cho Hảo nói. Việc Hảo hùng hổ xông lên diễn đàn mắng Hữu Ước là đồ trẻ con cũng là một kiểu ứng xử theo cách của đám chọi con ở làng…Còn cúp micro không cho Hảo phát biểu cùng là kiểu ứng xử, dùng quyền lực theo kiểu trẻ ranh.

Ngay trong chuyện đề cử người vào Ban chấp hành, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết đã được 3 người dúi vào tay một danh sách tên các nhà văn được đánh máy sẵn để Thọ bỏ cho. Có một số người còn ráo riết vận động tìm giải pháp lật đổ nhà thơ Hữu Thỉnh bằng cách: vận động mọi người bầu, dựng " con bài " Nguyễn Khoa Điềm lên, đưa vào danh sách bầu cử, đưa ông này để làm đối trọng với Hữu Thỉnh thì chắc lật được thế cờ. Nghe thấy vậy, Nguyễn Khoa Điềm lập tức cáo ốm, nằm nhà, gửi giấy cho Ngô Minh xin rút vì sợ phải làm đối trọng với Hữu Thỉnh. Một kiểu vận động lật đổ theo cách trẻ con…

Còn nhà thơ Bùi Minh Quốc lên tận Chủ tịch Đoàn đề nghị cho phép được phát biểu ý kiến về một số cá nhân trong danh sách được đề cử nhưng Chủ tịch Đoàn đã không đồng ý, lại một cú vật nhau.Bùi Minh Quốc là người ham hố gây những dấu ấn chính trị nhưng lại không biết cách, nếu không muốn nói là ngây ngô...

Xong phần bầu ra danh sách người đề cử được 30 người, 12 người xin rút, danh sách còn lại 18 ứng cử viên; lập tức nhà thơ Lê Kim đề nghị Ban bầu cứ chốt danh sách 18, không bổ sung thêm. Ý kiến này đã được một số người nhao nhao vỗ tay. Ý kiến “đổi mới” quyết nghị vừa thông qua mấy tiếng đồng hồ này đã bị phái “ phàm là “ do nhà văn Hữu Ước cầm đầu bác bỏ.

Nhà văn Hữu Ước ngồi trên Chủ tịch đoàn lớn tiếng chê trách nhà thơ Lê Kim đã đeo lon Đại tá mà không hiểu luật. Sáng, Đại hội đã biểu quyết danh sách đề cử 30 người, 12 người rút thì cứ phải bổ sung thêm 12 cho đủ 2 chọi một. Thế là hội trường lại nhao lên xông vào vật nhau giữ hai luồng ý kiến. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhanh chân, nhanh ý lên bục để nắm lấy ngọn cờ đổi mới, bằng cách đề nghị đại hội biểu quyết: Ai ủng hộ xóa đi cái quyết nghị của Đại hội vừa mới thông qua cách đó nửa ngày bằng cách giơ tay? Cả hội trường số đông lại giơ tay đồng ý phủ quyết cái quyết nghị phải đòi đưa cho bằng được 30 người vào danh sách bầu cử để chọn cho dân chủ. Kết quả là số người được đưa vào danh sách được đa số đồng ý giơ tay bầu chỉ có 18 người. Thế là phái “đổi mới” do nhà thơ Hữu Thỉnh cầm chịch đã cho đo ván phái “phàm là” do nhà văn-Trung tướng Hữu Ước phất cờ ?!

Tóm lại buổi sáng hăng lên thì các hội viên đòi “dân chủ” cho rộng,cho nhiều, buổi chiều vật nhau nhiều mệt nên lại chấp thuận “tập trung” cho nó nhanh, khỏe.Nghĩa là cái gọi là tinh thần yêu dân chủ của đám đông này cũng lại rất chi là “ trẻ người non dạ “…

Vào giờ ăn trưa, dư luận bàn ra tán nhiều về chuyện micro của Hảo. Ăn trưa xong tôi gặp Trần Mạnh Hảo khuyên: Ông trẻ con, nói phát cái gì đáng nói, đáng phản đối hãy nói cho nó ra tấm ra miếng. Hảo đắc ý nói: Tớ đã tạo được scandal, cả thế giới biết, thế là đạt yêu cầu. Đúng là phá bĩnh theo kiểu trẻ con? Có ý kiến nói chuyện gây gổ của Hảo đã đến tai một số hãng thông tấn quốc tế, đến tai nghị sĩ Mỹ; nếu thế tức là Hảo đã trẻ hóa được các nghị sĩ Mỹ và các phóng viên quốc tế…

Còn nhà thơ Bùi Minh Quốc thì lên chủ tịch đoàn quyết liệt đề nghị cho phát biểu, cuối cùng thì Chủ tịch Đoàn cũng bố trí cho nhà thơ Bùi Minh Quốc lên bục với điều kiện chỉ trình bày trong 10 phút như các đại biểu khác. Phần đầu nhiều đại biểu cho là Bùi Minh Quốc còn tỉnh táo, nói còn lọt tai được số đông cử tọa. Thế nhưng càng về sau nhà thơ này cũng lại nói năng linh tinh, nhảm, bước qua thời gian vượt quá 20 phút, cử tọa vỗ tay ầm ầm, đập bàn đập ghế, chủ tịch đoàn nhiều người rời chỗ, rồi 2 nhà văn lên dỗ dành Bùi Minh Quốc thôi không phát biểu những ông chịu rời bục. Đến đây thì người nghe thấy ông chày cối theo kiểu trẻ con. Cuối cùng chủ tịch Đoàn và nhà thơ Bùi Minh Quốc và Chủ tịch Đoàn cũng đạt được thỏa hiệp: Để ông nói thêm mấy câu rồi tuyên bố giải tán, cuộc vật nhau bất phân thắng bại.

Buổi chiều 6/8/2010 sau khi chuyện bầu bán đã gần xong, “ ông trẻ “ Hữu Ước mặt mũi có vẻ xúc động, đau khổ lên bục, ông lên để vật nhau với Chủ tịch Đoàn với, ông Bùi Minh Quốc, với ông Trần Mạnh Hảo; ông đề nghị nên tổ chức đại hội nghiêm túc hơn. Ông nói hàm ý “ông Đảng” không bao giờ sợ các “ông trẻ “ dân chủ cả, nhắc các ông này đừng có mà quá trớn.

Ông thanh minh giải độc cái dư luận cho rằng: trong cái đám ngồi ở chủ tịch Đoàn ấy, nghi ông là kẻ đầu têu đã dùng nghiệp vụ an ninh để cắt micro không cho Trần Mạnh Hảo nói. Ông thanh minh ông với Hảo từng là bạn chiến đấu cả trong đời lẫn trong văn đàn. Nắm trong tay 4 tờ báo lớn nhưng chưa viết một chữ nào đánh Hảo. Những gì Hảo viết ra, xuất bản ông đều đọc hết, không sót chữ nào; thế nhưng Hảo lại không chịu đọc ông, sách của ông viết ra dày hàng thước…”Ông trẻ “ Hữu Ước có vẻ uất trước việc Trần Mạnh Hảo dám mắng ông, trước ba quân đường đường là một danh tài, một anh hùng thời đổi mới là đồ trẻ con, không viết viết văn, nó như thế là xúc phạm ghê gớm, ông không chịu nổi…

Tóm lại sự đôi co, vật nhau giữa 2 ông trẻ này có mỗi vậy, mỗi ông trẻ con mỗi kiểu. Khi nghe ông Hữu Ược khoe sách văn, kịch của ông dày hàng thước nhiều người phì cười: uy tín của nhà văn đối với bạn đọc đâu có đo bằng độ dày của số sách in. Có khi chỉ cần vài câu thơ mà người đời người ta vẫn nhắc từ đời này qua đời khác…

Cũng may đây là đại hội bàn những chuyện chung chung, báo cáo những chuyện chung chunng, từ báo cáo đến tham luận chỉ nêu những chuyện rông dài chứ nếu đây là một cuộc đại hội trong đó có thủ tục ví như phê và tự phê nhau trong sáng tác chẳng hạn. Nếu đại hội họp có nội dung đó thì đánh nhau to, không khéo tan cả hội trường ? Bởi những ông trẻ có cái mạnh của sự nhố, cái ông già thì có cái già rơ của ẩm ương, gàn dở của kiểu già…

4. Chương trình tham luận đại hội: những cuộc vật nhau chí tửNghe nhiều ông nhà văn lên bục phát biểu cử tọa có cảm giác những ông này do cao tuổi, quanh năm ở nhà bị vợ quản thúc, không cho ra khỏi nhà, lại không cho nói nên được dịp ra trước đám đông thì như hổ sổ chuồng.

Người lên đọc cứ cố đọc, nói lấy điều mình muốn nói, kệ người nghe có muốn nghe, có chịu mình nghe không. Cái hệ thống âm thanh của hội trường quá tốt, quá chuẩn thành ra sự hung hãn trong khẩu khí của các văn nhân nghe như búa, vồ bổ vào tai.

Một số nhà văn hoặc tìm cách bỏ ra ngoài hoặc không tiện ra ngoài thì thỉnh thoảng lại hè nhau vỗ tay một cử chỉ thể hiện muốn diễn gia ngừng diễn văn, có người bị vồ tay đến 3, 4 lần mà vẫn không chịu ngừng, tiếp tục “ đè sấp “ cử tọa bắt phải nghe; có ngường tra tấn nhã nhặn hơn, bị vỗ tay mấy lần vẫn nài nỉ, ép người ta nghe mình nói cho bằng được: xin nghe tôi thêm vài phút. Có vị lại còn rất ngộ, nghe tiếng vỗ tay còn cất tiếng hỏi: các bạn hoan nghênh hay muốn tôi chấm dứt đây…Lại vỗ tay, lại cứ đọc, càng vỗ tay càng đọc tợn…Có người mước lên bục rồi thì quay lại búa luôn: Nếu các vị vỗ tay tôi xuống ngay; ông thách chúng tôi à, thế là vỗ tay ào ào. Ông đủng đỉnh quay xuống, Chủ tịch đoàn ái ngại lại dỗ dành ông phát biểu. Không biết cứ bắt người ta nghe điều mình nói để được cái gì không biết ?

Hội thảo diễn ra trong cái khung cảnh: Người lên diễn đàn cậy cái thế trên bục, thế đang sở hữu một công cụ âm thanh có khả năng át giọng mọi người; người nghe cậy cái thế số đông; cả hai đều có thế mạnh thế là vật nhau nhừ tử…

Điều này thì không đỗ lỗi cho Ban chấp hành và Chủ tịch đoàn vị chủ tịch Đoàn bị rơi vào các tình thế: Ngôi chịu trận dước dàn đèn cao áp từ trên cao chĩa xói thẳng vào óc mà không dám ngọ nguậy. Ngồi im như thóc chứng kiến cảnh vật nhau giữa các đại biểu ham nói và các cử tọa không còn muốn nghe, song vẫn bị dàn âm thanh tra tấn nhừ tử, bằng những tham luận tràng giang đại hải chẳng đâu vào đâu…

Nghe khẩu khí của một số nhà văn trên diễn đàn rất nhiều nhà văn thở dài: văn nhân nước mình sao mạ tụt hậu với thời thế, ngây ngô trước thời cuộc như vậy thì viết văn làm sao hay được.Người đời vẫn kỳ vọng nhà văn phải trải đời, lõi đời lắm nên mới chứng kiên, lọc đưa lên trang giấy được. Nơi mà nhà văn bộc lộ mình đó là trang giẩy chứ không phải là ở các bục bệ của các diễn đàn…Đúng là: Hội 8-900 hội viên ai người lớn; 6-7 chục tuổi đầu rồi mà vẫn cứ trẻ con…

                                                                                *

Tại Đại hội này cũng có những nội dung nghiêm túc, những ý kiến đáng để các nhà văn suy ngẫm. Đó là sự có mặt và ý kiến phát biểu của ông Trương Tấn Sang, Thường trực Bộ Chính trị đã phát biểu với Đại hội một số ý kiến. Các nhà văn chăm chú theo dõi những ý kiến phát biểu thận trọng, những lời lẽ đúng mực trong việc bày tỏ tình cảm, trách nhiệm cũng như sự đánh giá ghi nhận của các cơ quan chức năng quản lý đối với vai trò của văn học, tới sự nghiệp phát triển văn học nói chung và đối với giới nhà văn nói riêng.

Ông Trương Tấn Sang đã lưu ý đến vai trò quan trọng của văn học trong sự nghiệp bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn và khí phách của nhân dân. Qua ý kiến phát biểu của ông Trương Tấn Sang cho thấy: Cơ quan cao nhất của Đảng và Nhà nước đã nâng tầm của văn học, nhà văn bình đẳng và dân chủ với các lực lượng chính trị khác trước trách nhiệm và sứ mệnh hướng về một mẫu số chung: xây dựng và bồi dưỡng Chủ nghĩa yêu nước; Tinh thần dân chủ; Trách nhiệm đối với nhân dân và đất nước…

Trong chừng mực nào đó, giới văn học được coi là đội quân xung kích và có nhiều thế mạnh trong đại nghiệp này, đại nghiệp xây dựng, bồi đắp sức mạnh tinh thần cho nhân dân. Những ý kiến nêu trên của ông Trương Tấn Sang là những ý kiến chí nghĩa, chí tình; vấn đề còn lại đó là làm sao nhận thức nghiêm túc và nhanh chóng thể chế nó để tạo điều kiện giúp các nhà văn phát tiết ra được những gì tinh hoa nhất của cá nhân mình, góp vào đại nghĩa, đại nghiệp chung của cả dân tộc đang ở vài giai đoạn có những bước phát triển về kinh tế, nhưng lại gieo neo về các giá trị tinh thần.

Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của tổ chức Hội Nhà văn, của từng nhà văn phải tìm cách nhanh chóng vượt được lên chính mình, nhanh chóng thoát ra khỏi sự khủng hoảng, bế tắc do sự tụt hậu toàn diện và về mọi mặt của giới văn học so với các tầng lớp khác trong xã hội. Đó thật sự là một thực tế đau lòng và đáng hổ thẹn. Điều này đã bộc lộ ít nhiều trong Đại hội VIII vừa qua, trong cuộc hội thảo mới tổ chức có nửa ngày mà đã xuất hiện không ít nhừng ý kiến nhảm,nếu không muốn nói là giống như ngủ mê giữa ban ngày…

Nếu từng mỗi nhà văn không nhận thức ra được những biến đổi như vũ bão của thời đại, các quan hệ xã hội xung quanh mình, xung quanh đất nước mình; vẫn cứ bình thản “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” thì đồng hành làm sao được cùng dân tộc. Không những tự đẩy mình ra ở vị trí chầu rìa: tức nhà văn đã tự đánh mất mình mà thủ tiêu cái nghề của mình, một cái nghề cao quý cổ xưa như trái đất…
P.V.Đ

Cảm nhận:
Đọc bài của  bác Đào tự dưng tôi nhớ đến bài thơ "Hát vu vơ" của Lâm Cúc:

HÁT VU VƠ

Nguyễn Lâm Cúc

Trần gian một chuyến rong chơi
Thấy trăng giữa chợ, đông người vỗ tay
Mua vui một cuộc rõ hài
Gọi trăng, trăng khẽ chau mày rồi thôi...

Gõ sênh, vỗ phách, tôi cười
Nghêu ngao cất giọng hát lời bốn phương
Đó đường, đây đường, kia đường
Mà sao phải cứ đoạn trường bước đi
Buốt làm sao câu trở về
Có bằng ngồi tạm vĩa hè...mà chơi

Tình ơi! Nghĩa ơi! Thương ơi!
Bao lần ngoảnh lại gọi người khản khô
Tưởng sông rồi lại tưởng đò
Những lất phất ấy...chỉ bờ lau thưa

Chiến tranh thì "võ đấu", hòa bình thì "văn đấu". Bậc nhân kiệt thời chiến thì dùng võ, thời bình thì dùng văn để trị loạn, đó cũng là lẽ thường. Bác và Lâm Cúc và cả ... Trần Đăng Khoa đều chọn Góc trời văn chương  ra "ngồi tạm vĩa hè...mà chơi". Chúc mừng bác và xin chép lại bài này để thỉnh thoảng đọc lại.

1 nhận xét:

Hoahuyen nói...

Đọc tường thuật Đại Hội Hội NVVN của Nhà văn Phạm Viết Đào Hoahuyen không thể nhịn được cười anh Hoàng Kim à Sao lại có lắm chuyện khôi hài đến thế ở các bậc văn nhân ???!!!