Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

Hoàng Ngọc Hiến như tôi đã biết…


DẠY VÀ HỌC. Phan Hồng Giang đăng trên Viet-Studies bài "Hoàng Ngọc Hiến như tôi đã biết". Ông viết "Thi sĩ Nga S. Êxênhin từng viết: "Điều trọng đại phải nhìn xa mới thấy". Với Hoàng Ngọc Hiến, tôi nghĩ có lẽ không cần phải lùi xa mới thấy tầm vóc sự nghiệp của anh. Dù yêu hay không ưa anh, chúng ta không thể không thừa nhận dấu ấn khó lẫn của anh trong đời sống văn hóa, văn học Việt Nam mấy thập niên qua.Có thể nhận thấy ở anh một Phan Khôi, một Đào Duy Anh, hay một Nguyên Ngọc? Và rồi có cần phải so sánh anh với một ai khác không? Có lẽ là không cần. Bởi đơn giản - trước hết và sau hết - anh là Hoàng Ngọc Hiến, đã là và chỉ là Hoàng Ngọc Hiến (GS. Hoàng Ngọc Hiến, ảnh tanvien,net).



HOÀNG NGỌC HIẾN NHƯ TÔI ĐÃ BIẾT ...

Phan Hồng Giang


Đời người trôi qua thật nhanh. Mới ngày nào chiều chiều còn mải mê chạy theo trái bóng cùng bạn bè và anh Hiến trên bãi cỏ đồi Lênin bên dòng sông Maxcơva đến nay đã gần nửa thế kỷ. Lúc ấy cả cuộc đời gần như còn mở ra phía trước chúng tôi và bây giờ là… sắp khép lại! Dạo đó chúng tôi ở lứa tuổi 20, còn anh Hiến ngoài 30. Và hôm nay - mừng anh thượng thọ 80! Thật là khó tin bởi cảm xúc và suy nghĩ của anh còn sôi nổi, tươi mới lắm…

*
Nếu đường đời mỗi người phần nào giống sự hỗn độn bất định trong chuyển động Brown thì cái phần định hướng tất yếu của nó ít ra là phụ thuộc vào 2 yếu tố: 1/ tính cách cùng sự hiểu biết của người đó và 2/ tác động của ngoại cảnh, của những con người cụ thể mà anh ta đã gặp - tình cờ hoặc không tình cờ. Ngẫm lại đời mình, tôi vui mừng nhận thấy anh Hiến - người thầy, người bạn vong niên, đã có mặt bên tôi ở các khúc rẽ của cuộc đời.
*
Tháng 8 - 1960, chuyến tàu liên vận đặc biệt từ Hà Nội qua Bắc Kinh sau 12 ngày rong ruổi đã đưa mấy trăm lưu học sinh chúng tôi đến Thủ đô Maxcơva, thời đó là miền đất hứa đối với mỗi người Việt Nam.

Chúng tôi - những người may mắn nhất trong số những người may mắn - được vào học Trường danh tiếng nhất của Liên Xô - Trường Đại học Tổng hợp quốc gia mang tên Lômônôxốp.

Là sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn, chúng tôi ở ký túc xá thuộc vùng Xôcônnhiki phía Bắc thành phố, ngày ngày vào trung tâm, quảng trường Manhej, để học ở tòa nhà cổ thuở Trường mới thành lập. Ít lâu sau chúng tôi tới ký túc xá ở cực Nam thành phố trên đồi Lênin để dự buổi gặp mặt với các lưu học sinh Việt Nam đã theo học khoa Ngữ văn từ trước. Và đó là lần đầu tiên chúng tôi được biết các anh chị lớn tuổi hơn - các anh Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Hạnh, Tôn Gia Ngân, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Hàm Dương…, những người sau này đã là những nhà khoa học nổi trội trong chuyên ngành của mình. Khác biệt về tuổi tác, trình độ, khiến chúng tôi chỉ dám ngước nhìn các anh như nhìn… núi Thái, không dám mon men đến gần…

Sang học kỳ 2 năm thứ nhất, trong cuộc đời sinh viên tưởng chừng xuôi chèo mát mái của tôi bỗng xảy ra sự cố. Bên cạnh khoảng 10 sinh viên vốn là học sinh phổ thông, có một anh lớn tuổi là cán bộ đã qua trường Bổ túc công nông. Anh là đảng viên duy nhất trong số các sinh viên, là chi ủy viên chi bộ Khoa Ngữ văn. Anh hay tự hào mình là "thành phần cơ bản", là xuất thân vô sản. Anh có ác cảm với tôi và anh bạn đồng khoa với tôi là Phạm Vĩnh Cư, (sau này là Phó Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, nhà Nga học hàng đầu ở nước ta). Hồi đó, thật lạ lùng, chúng tôi là hai lưu học sinh duy nhất không phải đoàn viên (!) và mặc nhiên được xếp vào hàng "cá biệt", "chậm tiến"! Chúng tôi không lọt "vào mắt xanh" của Đoàn có lẽ do nhược điểm cố hữu có từ hồi học phổ thông là "thiếu tinh thần tập thể", không "hòa mình với quần chúng" (!), chỉ lo học, lo "chuyên" mà coi nhẹ "hồng"… Trước vẻ tự đắc luôn khoe mình là vô sản của vị chi ủy viên nọ, chúng tôi đã trót dại đốp chát lại: "Vô sản gì anh, là vô sản lưu manh - lumpel-proletariat thì có!". Anh ta giận tím mặt và rắp tâm lập kế trả đũa chúng tôi như những "kẻ thù giai cấp" (!). Mãi sau này anh họ tôi là Nguyễn Đức Nam mới kể cho tôi nghe sự tình diễn ra thế nào.

Trong một phiên họp chi bộ, với tư cách là chi ủy viên phụ trách sinh viên, anh ta báo cáo về tình trạng "vô tổ chức (?) của Phạm Vĩnh Cư và tôi, đồng thời đề xuất hình thức kỷ luật đuổi hai chúng tôi về nước! Vốn là các tri thức nhạy cảm, các anh Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Hạnh…, tuy không gần gũi quen biết chúng tôi, nhưng linh cảm có điều gì thiếu minh bạch trong báo cáo của vị đảng viên - vô sản nọ. Anh Hiến hỏi vị chi ủy viên kia: "Kết quả học tập của hai cậu ấy thế nào?". Vị ấy đành phải nói thật: "Chúng nó thi học kỳ đạt điểm 5 (điểm xuất sắc) cả!". Anh Hiến cùng các anh khác liền bày tỏ phản ứng gay gắt: "Sao lại nhè những đứa học giỏi nhất mà đuổi! Chúng nó còn trẻ người non dạ, có gì không hay, không phải thì nhắc nhở, bảo ban nó, sao lại hành xử thế!". Ý định kỷ luật chúng tôi của anh đảng viên - vô sản nọ thế là bị đổ bể. Nếu không có sự phản đối kịp thời mạnh mẽ của anh Hiến và các anh khác thì cuộc đời tôi (và Phạm Vĩnh Cư) có thể đã rẽ sang một lối khác. Với vết nhơ lý lịch "bị đuổi từ Liên Xô về" chắc chúng tôi khó ngóc đầu lên được và chắc đã trở thành - trong trường hợp may mắn (!) - chuyên gia "làm bánh quy xốp" hay "lộn cổ áo sơ mi" - những nghề khá phát đạt thời bao cấp nghèo khó…

(Đoạn "vĩ thanh" của câu chuyện vừa rồi kể cũng khá tẻ nhạt và không quá bất ngờ: Hơn 20 năm sau, vị đảng viên - vô sản nọ đã leo lên tới chức Vụ trưởng ở một Bộ quan trọng rồi bị bãi chức, bị khai trừ lưu Đảng vì một khuyết điểm chẳng hề liên quan đến ý thức hệ giai cấp (!) là đã trót nổi lòng tham chiếm đoạt nhiều bàn là, nồi áp suất (!) của bạn gửi nhờ vào thùng hàng biển của anh ta!).
*
Đến cuối năm thứ hai (1961) thì đám sinh viên chúng tôi được ưu ái vào ở mỗi người một phòng 8m2 trong ký túc xá trên đồi Lênin - tòa nhà chọc trời quen thuộc với ngôi sao hồng ngọc trên đỉnh tháp. Từ thời gian ấy tôi có dịp được gần gũi hơn với anh Hiến, anh Hạnh, anh Nam…

Anh Hiến dạo ấy đang làm luận án phó tiến sĩ về đề tài "Những tìm tòi về thể loại trong một số trường ca của V. Maiacốpxki". Anh sống giản dị, tiết kiệm như hầu hết các lưu học sinh Việt Nam. Anh ham mê thể thao, chiều chiều vẫn thường đá bóng cùng các sinh viên chúng tôi - Hồ Anh Dũng (sau này là Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam), Nguyễn Trí Quang (sau này là Vụ trưởng Vụ Tây Á - Phi Châu), Hồ Hải Học (sau này là Giám đốc Sở Văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng)…

Làm nghiên cứu sinh, anh Hiến không quên theo dõi sát sao đời sống văn học xô viết đương đại. Anh đọc tập thơ "Trái lê hình tam giác" (1963) của nhà thơ trẻ, một kiến trúc sư ở thành phố nhỏ Vladimir tên là A. Vôznhexenxki. Hào hứng với ý tưởng khác lạ, những tìm tòi phá cách của A.Vôznhexenxki, anh Hiến đã viết thư cho tác giả với những lời lẽ khen ngợi hết lòng. Và thật bất ngờ, không lâu sau, anh nhận được tập thơ "Trái lê…" của tác giả với mấy hàng chữ phóng khoáng mà gần nửa thế kỷ sau tôi còn thấy như hiển hiện: "Thân tặng Hoàng Ngọc Hiến, từ Vôznhexenxki. Trái đất, Thế kỷ XX".

Xin lưu ý: Thay vì ghi rõ địa danh và ngày tháng cụ thể của việc đề tặng, nhà thơ đã tự coi việc mình làm là thuộc về cả hành tinh và thế kỷ 20! Đùa giỡn chăng, cao ngạo quá chăng hay chỉ là sự tự tin đáng ngạc nhiên về thiên chức của mình trong làng thơ? Xem ra ở một số vĩ nhân cũng ít khi có sự "khiêm tốn giả vờ". Tài năng và đóng góp thực sự của họ trong nhiều trường hợp có thể biện minh cho tính cao ngạo ấy.

A.Vôznhexenxki đã không tự đánh giá nhầm mình. Ông vừa qua đời tháng trước ở tuổi 77. Cả nước Nga đã thương tiếc một nhà thơ, nhà tư tưởng lớn, một ngọn cờ trên thi đàn Nga nửa thế kỷ qua. Ở Việt Nam, ông được biết với tư cách là tác giả lời thơ của bài hát nổi tiếng "Triệu bông hồng", về câu chuyện tình bi thương của một chàng họa sĩ…

Vôznhexenxki còn nổi tiếng với khí phách trung thực, ngang tàng của mình. Trong một lần gặp gỡ các văn nghệ sĩ Xô viết, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nhikita Khơrutsốp, bực bội với những bài thơ lộ rõ tính phê phán hiện thực xã hội Liên Xô thời ấy, đã nói với nhà thơ: "Này, ông Vôznhexenxki , ông có thể cầm hộ chiếu mà cuốn xéo khỏi đất nước này rồi đó!". Trước đông đảo văn võ bá quan, nhà thơ trẻ mới nổi điềm tĩnh đáp: "Thưa ngài Bí thư, tôi và người thầy tinh thần của tôi là Maiacôpxki đều là người ngoài Đảng và đều khát khao chia sẻ tâm tư của mình với nhân dân!". Và nhà thơ vẫn ở lại đất nước Liên Xô, để làm trọn sứ mệnh cao cả của mình, bất chấp sự kỳ thị của các nhà cầm quyền (cho đến khi họ không thể cầm quyền được nữa trước xu thế tất yếu của lịch sử!).

Tôi thấy ở đây, trong câu chuyện thoáng qua về Vôznhexenxki, có sự giao thoa nào đó giữa nhà thơ và Hoàng Ngọc Hiến. Không phải ngẫu nhiên mà anh Hiến ca ngợi Vôznhexenxki. Phải chăng sự nhạy cảm, năng lực thiên phú phát hiện cái mới, cái độc đáo "phá rào", cái vượt ra ngoài mọi phép tắc giáo điều xơ cứng thường trực trong con người Hoàng Ngọc Hiến khiến anh ngay từ đầu đã tìm được sự đồng điệu với Vôznhexenxki, một nhà thơ "phá cách" cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật biểu hiện?

Dõi theo bước đường đi sau này của Hoàng Ngọc Hiến, tôi không hề thấy bất ngờ chút nào khi biết chính anh là một trong số những người đầu tiên phát hiện và hết mực đề cao tài năng của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh…
*
Từ năm 1963, giữa bộ máy tuyên truyền khổng lồ của hai Đảng Cộng sản lớn nhất, đứng đầu hai Nhà nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh Liên Xô - Trung Quốc bắt đầu diễn ra màn đấu khẩu công khai về đường lối cách mạng. Liên Xô công kích Trung Quốc là "tả huynh", là coi rẻ sự tồn vong của cả nhân loại, sẵn sàng chấp nhận thảm họa hạt nhân để tiến tới xác lập chủ nghĩa xã hội trên… tro tàn trái đất… Trung Quốc mạt sát Liên Xô là "hữu khuynh" xét lại, sẵn sàng quỳ gối hòa hoãn trước "con hổ giấy" đế quốc Mỹ, dội nước lạnh vào nhiệt tình cách mạng đang dâng trào của giai cấp vô sản thế giới…

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh vũ trang của đồng bào miền Nam ngày càng mở rộng, trước nguy cơ nhỡn tiền của một cuộc đối đầu trực diện với Mỹ ở cả hai miền đất nước, không khó hiểu khi những luận điểm của phía Trung Quốc dễ lọt tai người Việt Nam hơn. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khuynh hướng coi Liên Xô là xét lại, hữu khuynh thắng thế, dẫn đến quyết định cân nhắc việc có nên để các lưu học sinh Việt Nam tiếp tục theo học các ngành khoa học xã hội ở Liên Xô nữa không.

Mùa hè 1964, hàng trăm lưu học sinh Việt Nam ở Liên Xô được triệu hồi về nước để tham dự khóa chỉnh huấn tập trung 1 tháng tại Trường Đại học kinh tế Quốc dân ở Ngã tư Vọng - Đại La. Chúng tôi được sắp xếp học cùng lớp chính trị với anh Hiến.

Cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa quên những "lời có cánh" từ miệng các vị giảng viên cao cấp: "với ông anh cả Liên Xô, ta vẫn có thể ôm hôn, nhưng tuyệt đối không được hít (!?); "ta cương quyết đánh Mỹ, đồng nghĩa ta là trung tâm cách mạng, ta là người nắm chân lý, thiên hạ có cắp sách đến ta mà học thì đến, chứ việc gì ta phải đi học đâu! Cần có bằng tiến sĩ à? Thì ta cứ ngồi mà phong cho nhau cũng được, có sao đâu!"… (Kết quả của những lời này là hầu hết các học viên khóa chỉnh huấn nọ đều ở lại Việt Nam, mặc dù đồ đạc tư trang của họ vẫn để ở Liên Xô.).

Chính trong lớp chỉnh huấn này, tôi có dịp được cảm nhận tính cách ngang tàng, trung thực đến dại dột (?) của anh Hiến. Có người đã hăng hái chỉ trích anh Hiến bị ảnh hưởng tai hại của chủ nghĩa xét lại Khơrútsốp. Đáp lại lời phê phán "chết người" này, anh Hiến thật thà nói: "Anh nói như vậy là hoàn toàn sai. Tôi không hề chịu ảnh hưởng của Khơrútsốp, bởi tôi đã tự mình nghĩ ra trước những điều mà sau này mới nghe thấy Khơrútsốp nói!". Thật là thành thực hết biết! Như vậy thì chỉ còn có thể kết luận rằng cái anh Hoàng Ngọc Hiến này là một kẻ "xét lại" thâm căn cố đế, "xét lại" từ trong máu và tội của anh tăng nặng gấp đôi!

Lệnh cấm trở lại học tập Liên Xô không ảnh hưởng gì đến anh Hiến; đơn giản vì tới lúc đó, anh đã bảo vệ thành công luận án về Maiakốpxki. Trước khi đi học Liên Xô, anh vốn là cán bộ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi thành đạt trở về, với cái án bị ảnh hưởng xét lại nặng nề, anh bị (hay được?) chuyển vào Đại học Sư phạm Vinh, ngôi trường sẽ còn gắn bó với anh nhiều năm sau…
*
Kết thúc đợt chỉnh huấn, trước khi đi Vinh nhận công tác, anh Hiến có những ngày vui vẻ ở Hà Nội. Cùng với Nguyễn Văn Niêm, anh bạn học ngôn ngữ ở Rôxtốp - na - Đônu, anh mua tour đi nghỉ mát ngắn ngày ở Tam Đảo (xin nhớ lúc này Mỹ đã ném bom miền Bắc từ 5 - 8 - 1964 sau cái gọi là "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" mà phía Mỹ tạo dựng lên - chiến hạm Maddox bị tấn công…). Khách đi nghỉ lên tàu hỏa tới ga Phú Thọ rồi được Công ty du lịch đón tại ga đưa lên Tam Đảo bằng xe commăngca "đít vuông" với hai băng ghế dọc xe chở được 12 người.
Vốn không phải là người lạnh nhạt với vẻ đẹp khác giới, anh Hiến để ý thấy trên xe có một thiếu nữ trạc ngoài 20 với gương mặt xinh xắn, thanh tú. Điều làm anh ngạc nhiên nhất là cô gái đó đi nghỉ mát một mình, trái với lệ thường, không bạn bè, không người thân cùng đi. Anh đánh giá cao tính cách tân kỳ, hiện đại - modern như anh nói - của cô gái. Anh biết chị đang làm việc ở Nhà máy dệt Kim Đông Xuân và anh đã làm quen, đã trò chuyện, dạo chơi cùng suốt mấy ngày ngắn ngủi trên Tam Đảo.
Về Hà Nội, anh lại hẹn hò đi chơi cùng cô gái ở Công viên Thống nhất. Dạo ấy nhà tôi ở phố Nguyễn Thượng Hiền, cách Công viên không xa. Một buổi tối, trời nổi cơn mưa như trút nước, kéo dài cả tiếng đồng hồ. Khi cơn mưa vừa ngớt, bất ngờ tôi nghe thấy tiếng gõ cửa. Ngoài hành lang, anh Hiến đứng bên cô gái, cả hai đều ướt sũng nước mưa. Mẹ tôi mời hai người vào nhà và lấy quần áo của mình cho cô gái mặc. Khi chia tay anh chị ở dưới sân, anh Hiến ghé tai tôi nói nhanh: "Mình mới tìm được người yêu đấy!". Đó chính là cô gái cùng đi Tam Đảo ít ngày trước. Tình yêu đến khá nhanh, có thể nói là "chớp nhoáng" theo đúng tính cách của anh.
Theo cảm nhận của tôi, hình như anh Hiến không phải - hay chủ yếu không phải - là người "duy cảm". Anh là người thiên về lý trí, tôn thờ vẻ đẹp hài hòa, hợp lý của trí tuệ và chắc là ít khi bị làm con tin của tình cảm. Trong tình yêu chắc anh không bao giờ rơi vào cảnh ngộ chàng Werther của đại thi hào J.W.Goethe hay Romeo, Juliet của W.Shakespeare…

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến một giai thoại (chắc nhiều phần là có thật) về một "chuyện tình" của anh thời kỳ ở trên đồi Lênin đầu những năm 1960. Dạo đó ở Khoa Ngữ văn có một trang tài sắc vẹn toàn là cô sinh viên L.H từng khiến bao chàng tơ tưởng. Anh Hiến không là ngoại lệ. Một hôm, anh đến phòng L.H và tỏ tình cảm với cô gái mà không cần rào đón. Cô gái ngỡ ngàng xuýt bật cười với màn tỏ tình lạ lẫm bất ngờ. Cô gái ngạc nhiên hơn nữa khi thấy anh hẹn giờ cụ thể chờ nghe câu trả lời của cô. Đương nhiên là không có câu trả lời nào ngoài sự từ chối trong im lặng. Anh Hiến chắc cũng không quá buồn trước kết cục được báo trước này. Chắc anh sẽ quên đi rất nhanh chuyện đó để rồi tiếp tục làm những việc khác mà anh đã "lên kế hoạch"… Giai thoại này khiến tôi nhớ đến chuyện tỏ tình khác người của một số nhà bác học như Edison, P.Curie…
Vài tháng sau cái buổi tối đi chơi gặp mưa ấy, anh Hiến gửi cho tôi giấy mời dự đám cưới của anh với cô gái Tam Đảo ngày nào tổ chức tại Nhà ăn tập thể Nguyễn Công Trứ…

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Làm vợ một người viết văn chẳng dễ dàng, làm vợ một học giả, một trí thức lớn dường như lúc nào cũng theo đuổi những ý tưởng trên gió trên mây, chẳng mấy khi chạm chân xuống mảnh đất đời thường - càng chẳng dễ dàng. Ấy vậy mà chị Tố Nga - tên người con gái modern năm xưa, đã cùng anh gánh trọn những "năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương" (chữ của Ma Văn Kháng), giúp anh làm nên một sự nghiệp đáng nể phục trong đời…

*
Rời Hà Nội, để lại người vợ trẻ mới cưới, Hoàng Ngọc Hiến vào Vinh nhận công việc mới. Hàng năm những lúc không phải đứng lớp, anh vẫn mang xe đạp lên tàu ra Hà Nội đọc sách, nghiên cứu, thăm gia đình. Thời kỳ này, tôi phải đi sơ tán ở Hiệp Hòa, Hà Bắc nên cũng không được gặp anh Hiến nhiều.

Vài lần gặp anh, nhớ câu chuyện anh kể, thật đúng chất Hoàng Ngọc Hiến. Năm 1968, sau mấy năm tạm đình chỉ nâng bậc lương, Nhà nước lại cho phép tăng lương cho 10% cán bộ. Trong một cuộc họp của Trường, anh Hiến đứng dậy phát biểu: "Tôi thấy ở Trường ta có ít nhất 2 người xứng đáng được tăng lương đợt này - đó là anh Nguyễn Đăng Mạnh và tôi!". Mọi người ngỡ ngàng trước đề xuất không khách sáo, không úp mở của anh. Nhưng rồi lãnh đạo Trường cũng chấp nhận "lời đề nghị khiếm nhã" của anh Hiến. Vì đằng thẳng mà nói thì về mặt chuyên môn, trong Trường khó có ai vượt được hai anh - cặp bài trùng mà trong nhiều năm sau còn nổi đình đám hơn nữa trong đời sống văn học nước nhà… Một lần nữa ta lại gặp ở đây, nơi Hoàng Ngọc Hiến nét tính cách "không khiêm tốn giả vờ" như của nhà thơ Nga A.Vôznhexenxki đã nhắc ở phần trên…
Anh cũng tâm sự với tôi về nguy cơ bị cùn mòn, mai một vì một thứ "chủ nghĩa tỉnh lẻ" vô hình. Anh nói về thầy giáo L.H.N. khả kính vốn là một sinh viên xuất sắc, một nhà nghiên cứu đầy triển vọng, khi được tín nhiệm điều về quản lý Trường ĐHSP Vinh, rời xa không khí học thuật của Thủ đô, bị cuốn vào vô số sự vụ không tên, đã dần dần mất hào hứng khoa học, biến thành "vĩ nhân tỉnh lẻ" lúc nào không hay… Anh sợ mình một ngày nào cũng có thể biến thành như thế, bị "chủ nghĩa tỉnh lẻ" gậm nhấm. Và anh ấp ủ một dự định tìm đường "Bắc tiến", trở lại Hà Thành thân thuộc, gần gũi với anh…
*
Năm 1974, lại thêm một khóa bồi dưỡng người viết văn trẻ ở Trường Quảng Bá, khóa 7, kết thúc. Đây được coi là khóa cuối cùng bởi từ đây, cấp trên nhận thấy việc bồi dưỡng, đào tạo người viết văn trẻ dường như là quá sức đối với một đoàn thể quần chúng là Hội Nhà văn và quyết định giao việc này cho Bộ Văn hóa, một cơ quan quản lý Nhà nước bề thế hơn nhiều. Người lãnh đạo trực tiếp cao nhất lĩnh vực văn hóa - văn nghệ thời đó là đồng chí Hà Huy Giáp: ông vừa là Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hóa vừa kiêm nhiệm Bí thư Đảng đoàn Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ở Bộ Văn hóa ông còn trực tiếp làm Hiệu trưởng Trường Lý luận nghiệp vụ. Ý định tất yếu tiếp theo là chuyển nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng người viết văn trẻ về Trường Lý luận nghiệp vụ, thành lập tại trường này một khoa hoàn toàn mới - đó là Khoa Viết văn. Và người đầu tiên ông Hà Huy Giáp nghĩ tới để gửi gắm trọng trách là anh Hoàng Ngọc Hiến, người đồng hương Hà Tĩnh quê ông.

Và thế là anh Hiến nhanh chóng được chuyển về Hà Nội, trở thành người thừa hành sáng lập Khoa Viết văn, sau này sẽ là Trường Viết văn Nguyễn Du nổi tiếng một thời…

*
Năm 1974 là một năm khó quên trong đời sống văn học miền Bắc nước nhà. Không biết từ đâu, người ta báo động (thật hay giả?) về cái gọi là tình trạng tư tưởng lộn xộn đang lan truyền trong giới cầm bút. Các vị "lính gác" mẫn cán trên địa hạt phê bình đua nhau phát hiện các vấn đề tư tưởng trong kịch "Hoa và Ngần" của Nguyễn Đình Thi, trong hồi ký "Nhớ gì ghi nấy" của Nguyễn Công Hoan, trong bài viết về anh cá nhân chủ nghĩa của Nguyễn Khải, về sự nguy hại của độc quyền của nhà nghiên cứu Phật học Minh Chi, về chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học Việt Nam của Lê Đình Kỵ, về các tác phẩm của Ngô Tất Tố của Nguyễn Đức Đàn, bài thơ "Vòng trắng, vòng đen" của Phạm Tiến Duật, bài thơ "Sẹo đất" của Ngô Văn Phú… và thậm chí cả các bài giới thiệu tiểu thuyết "Con đường đau khổ" của A.Tônxtôi và "Xi măng" của F.Glátcốp do tôi viết cũng bị đưa vào tầm ngắm. Thời gian này, cuốn "Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam" (vốn là Báo cáo của đồng chí Trường Chinh tại Đại hội Văn hóa toàn quốc năm 1948) được tái bản. Nhiều nhà phê bình danh tiếng trên các diễn đàn có uy tín đã nhân việc giới thiệu cuốn sách của đồng chí Trường Chinh mà tiện thể phê bình cảnh báo, răn đe giới nhà văn trước các biểu hiện "tư tưởng lệch lạc nghiêm trọng" của họ.

Trong không khí căng thẳng đó, tạp chí Tác phẩm mới, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam thấy cần phải lên tiếng, ít ra là để tự bào chữa. Thời gian này, người phụ trách trực tiếp tạp chí là nhà thơ Chế Lan Viên và nhà thơ Hoàng Trung Thông. Thời kỳ đó tôi đang là biên tập viên phần lý luận, phê bình của tạp chí. Với tâm thế của một kẻ "điếc không sợ súng", tôi đã hăng hái nhận viết bài về cuốn sách của đồng chí Trường Chinh. Sau khi đọc xong bài viết của tôi, nhà thơ Hoàng Trung Thông cẩn thận chuyển lên đồng chí Trường Chinh xin ý kiến. Đồng chí Trường Chinh đã đọc rất kỹ, tự tay sửa từng câu, từng chữ, từng dấu phẩy, dấu nối trong bài viết dài hơn 20 trang đánh máy của tôi, cho gọi tôi đến trụ sở Quốc hội 35, Ngô Quyền làm việc hơn 2 tiếng đồng hồ và cuối cùng đồng ý cho đăng trên tạp chí Tác phẩm mới số 3 + 4 năm 1974.

Sau này nhà thơ Chế Lan Viên kể lại cho tôi nghe về cuộc họp Đảng đoàn Văn nghệ mà ông là một ủy viên. Trước chủ tọa là đồng chí Hà Huy Giáp, nhà thơ Chế Lan Viên, với giọng bộc trực thường có, nói đến cái gọi là "công trạng" của tạp chí Tác phẩm mới mà ông phụ trách: "Trong khi các báo mượn việc giới thiệu cuốn sách của đồng chí Trường Chinh để "đánh" các nhà văn thì Tác phẩm mới làm ngược lại: Tạp chí đăng bài của Phan Hồng Giang được đích thân đồng chí Trường Chinh thông qua để "bênh vực" các nhà văn. Đó là bài viết chừng mực, nghiêm túc nhất trong các bài đã đăng về cuốn sách của đồng chí Trường Chinh…".

Thời gian qua đi, làn sóng phê phán các nhà văn tắt dần, "mọi sinh hoạt trở lại bình thường". Có lẽ tên tôi đã lọt vào "bộ nhớ" của ông Hà Huy Giáp nên ít lâu sau, ông cho gọi tôi tới nhà để trao nhiệm vụ chấp bút cho ông bài viết về vấn đề đào tạo cán bộ văn hóa nghệ thuật. Ông nêu ra các ý chính và tôi viết lại thành bài. Tôi đã hoàn thành tốt việc này và "lấy điểm" trong mắt ông.

Kể lể dài dòng những chuyện trên là cốt để nói tới việc gặp nhau trong ý tưởng bổ sung nhân sự của Khoa Viết văn giữa chủ nhiệm khoa Hoàng Ngọc Hiến và vị Hiệu trưởng Hà Huy Giáp. Cả hai đều nhất trí sẽ đưa tôi về Khoa Viết văn từ Hội Nhà văn Việt Nam.

Phần tôi, sau 6 năm làm việc ở Hội, tôi đã muốn "xê dịch". Tôi đã nghiệm ra rằng với các nhà văn lớn có lẽ chỉ nên làm quen trên tác phẩm, chớ nên tiếp xúc quá gần gũi trong đời thường mà dễ dẫn đến thất vọng; ánh hào quang bao quanh họ trước đó dễ bị phai mờ… Tôi vui vẻ nhận lời về làm việc cùng anh Hiến. Với sự "bật đèn xanh" từ cấp lãnh đạo cao nhất cả của Bộ và của Hội, các thủ tục chuyển cơ quan vốn thường rất rắc rối, đã diễn ra chóng vánh. Tôi trở thành "cư dân" của vùng ô chợ Dừa, Đê La Thành, là "đệ tử" trực tiếp của anh Hiến từ đó…

*
Đến năm 1974, lệnh miệng đình chỉ việc cử lưu học sinh đi học các ngành khoa học xã hội ở Liên Xô - Đông Âu cũng tự nhiên hết hiệu lực. Các nhà phê bình văn học Từ Sơn, Huỳnh Khái Vinh là những người đầu tiên được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Đức. Cửa đã mở lại. Bộ Đại học bắt đầu tổ chức thi tuyển nghiên cứu sinh. Một lần nữa anh Hiến lại trở thành ân nhân của tôi: Anh đã thành công trong việc đề cử tôi với Trường, với Bộ để tôi được trở lại Liên Xô làm nghiên cứu sinh.

Năm 1977, cùng với mười mấy anh chị em khác, tôi dự kỳ thi tuyển. Ngoài môn Triết học, Lý luận văn học, các thí sinh được tự chọn môn chuyên ngành. Tôi chọn chuyên ngành "Văn học xô viết". Anh Hiến trở thành người thầy trực tiếp kiểm tra kiến thức của tôi. Một lần nữa anh Hiến đã ưu ái dành cho tôi điểm khá cao và nhờ đó tôi lọt vào số 2 người trúng tuyển để rồi năm 1978, sau 1 năm học thêm chuyên tu tiếng Anh, tôi đã được về lại Khoa Ngữ văn, Trường Tổng hợp Lômônôxốp.

Từ Maxcơva, tôi vẫn thường xuyên theo dõi việc anh Hiến làm với Khoa Viết văn. Báo chí trong nước vẫn sang Liên Xô đều đặn. Giữa năm 1979 tôi được đọc bài của anh "Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua", trong đó anh chỉ ra sự bất cập của cái anh gọi là "chủ nghĩa hiện thực phải đạo". Tôi thích thú với cách anh khái quát vấn đề, cách dùng từ găm vào trí nhớ, "bắt mạch kê đơn" cho nền văn học mấy chục năm qua - một nền văn học theo anh chủ yếu hướng về mô tả cái hiện thực phải - là - cái cao cả - chứ không mấy quan tâm tới hiện thực đang - là… (Gần đây, tôi tìm thấy trong cuốn Văn chương và hành động xuất bản năm 1936 của Hoài Thanh có những dòng viết tương đồng. Phàn nàn về khiếm khuyết bao trùm của nền văn chương Việt Nam đương thời, Hoài Thanh đi đến kết luận: "Nhà văn chỉ lo viết thế nào cho đúng với lẽ phải của xã hội mà không cần đúng với sự thật tự nhiên. Văn chương thành ra một cách dễ dối mình và dối người".).

Bài báo của anh Hiến liền sau đó đã bị phê phán gay gắt. Anh viết thư cho tôi bình thản thông báo: "Những ngày qua tôi bị phê bình dữ lắm. Nhiều người đến gặp an ủi tôi, sợ tôi buồn. Họ không biết rằng tôi không hề buồn, ngược lại còn cảm thấy thích thú là đằng khác: Bài báo của tôi đã bửa đôi dư luận, nửa khen - khen rất mực, nửa chê - chê hết mức". Xem ra anh Hiến vẫn là anh với niềm tin khó lay chuyển vào sự lý giải của mình. Hơn 8 năm sau, khi đất nước đã bước vào đổi mới, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có 2 ngày gặp gỡ cởi mở với các văn nghệ sĩ (tháng 10/1987), thẳng thắn thừa nhận "lãnh đạo văn nghệ còn thiếu dân chủ, trói buộc văn nghệ, nhiều khi độc đoán, sát phạt" (Báo Văn nghệ, ngày17/10/1987). Hai tháng sau sự kiện đáng nhớ đó, Nguyễn Minh Châu rành rẽ đọc "lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa". Đến lúc ấy thì những ý kiến có "hạt nhân hợp lý" và giá trị khai phá của anh Hiến dần được tiếp nhận một cách từ tốn hơn.

Cùng năm 1979 đáng nhớ ấy, mong ước về Trường Viết văn của anh Hiến đã trở thành sự thật. Khóa I được khai giảng với những học viên đầy tài năng ít năm sau đã thành lực lượng chủ chốt của Hội Nhà văn Việt Nam.

Vì nhiều lý do, sau khi đi học trở về, tôi tiếc rằng mình không được cùng làm việc với anh. Từ những cơ quan khác, tôi vẫn dõi theo những việc anh làm, những bài anh viết về văn học "dương tính" và "âm tính", về văn học "bước qua lời nguyền"… với sự nể phục và trân trọng. Những năm gần đây, anh bỏ công dịch những cuốn sách uyên thâm, làm công việc của một người khai sáng. Anh để tâm sức tìm hiểu minh triết Việt và có nhiều kiến giải thú vị, độc đáo… Dường như sức làm việc, sức nghĩ của anh chưa bao giờ vơi cạn…

*
Cách đây vài năm, tôi ngồi gần anh trong một bữa liên hoan vui vẻ. Câu chuyện tầm phào bất ngờ rẽ sang chủ đề người cao tuổi. Có vị khách cao giọng ngợi ca người già, nào là kho kiến thức uyên thâm, nào là kinh nghiệm sống ê hề, "thầy già, con hát trẻ"… Anh Hiến ngừng đũa, ngẩng lên, thủng thẳng nói: "Theo tôi, nên định nghĩa già là thế này: Già là một sự đốn mạt toàn diện - đốn mạt về thể lực, về tâm lực và trí lực!". Các vị thực khách, phần lớn đều già, mới đầu hơi chưng hửng vì sự thật đắng chát được ném ra, rồi liền đó đành cười xòa chấp nhận…

Còn tôi, tôi ngầm thán phục anh Hiến… Phải là người trên thực tế đứng cao hơn, cao hơn rất nhiều cái già mà anh thản nhiên tự diễu là "đốn mạt" ấy, để thấy rằng trong tâm hồn và trí lực anh còn bao sự tươi trẻ và thâm thúy!

Mừng anh thượng thọ 80, tôi tin chắc rằng sự nghiệp của anh về lâu dài sẽ còn mời gọi các học giả tìm tòi, mổ xẻ. Thi sĩ Nga S. Êxênhin từng viết: "Điều trọng đại phải nhìn xa mới thấy". Với Hoàng Ngọc Hiến, tôi nghĩ có lẽ không cần phải lùi xa mới thấy tầm vóc sự nghiệp của anh. Dù yêu hay không ưa anh, chúng ta không thể không thừa nhận dấu ấn khó lẫn của anh trong đời sống văn hóa, văn học Việt Nam mấy thập niên qua.

Có thể nhận thấy ở anh một Phan Khôi, một Đào Duy Anh, hay một Nguyên Ngọc?

Và rồi có cần phải so sánh anh với một ai khác không? Có lẽ là không cần. Bởi đơn giản - trước hết và sau hết - anh là Hoàng Ngọc Hiến, đã là và chỉ là Hoàng Ngọc Hiến./.

P.H.G
Hà Nội, 15/7/2010.
Bản của tác giả gửi cho viet-studies ngày 16.7.2010

Không có nhận xét nào: