Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

Nông dân ĐBSCL đang cần gì?



GS.TS. Mai Văn Quyền

DAYVAHOC. Khi bàn về chủ đề Tam nông: “ Nông nghiệp- nông dân- nông thôn”, trên Báo Nông nghiệp Việt Nam có nhiều tác giả đã viết và đề cập đến nội dung “ Nông dân đang cần gì”được đăng tải thành ba chủ đề chính: i/ Những vấn đề đất đai; ii/ Vấn đề đào tạo nghề: no nghề- đói việc, và iii/ nông dân đang khát vốn. Số bài chính thức được đăng tải trong 21 kỳ kể từ tháng 7 năm 2008 cho đến 1/4/2009. Những nội dung các bài báo trong ba chủ đề nói trên đã được nhiều từng lớp cán bộ và nông dân trong đó có tác giả bài này hưởng ứng và thảo luận rất sôi nổi. Điều đó chứng tỏ rằng các tác giả đã “ gãi đúng chổ ngứa” của người nông dân hiện nay. Những nội dung này đã trở thành hết sức bức xúc đối với nông dân. Bởi lẽ nếu không có biện pháp đúng đắn và thích hợp để đẩy nhanh các chủ đề này trở thành hiện thực thì mục tiêu cơ bản về công nghiệp hóa (CNH) và hiện đại hóa (HĐH) lấy cột mốc từ năm 2020 trở đi sẽ chỉ là điều mong ước mà thôi.

Hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã có được bước tiến khá nhanh về mọi mặt. Đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội đã được đổi thay từng ngày. Nông thôn cũng từng ngày được đổi mới. Bên cạnh đó thì sự phân hóa giàu- nghèo cũng ngày càng thay đổi nhanh chóng,làm cho chiều hướng khoảng cách giữa hai cực này ngày một xa ra. Muốn cho xã hội ở nông thôn phát triển hài hòa và bền vững thì nhà nước phải có biện pháp thích hợp để rút ngắn khoảng cách này lại, theo hướng nâng cuộc sống của người nghèo tiến lên. Muốn vậy, nhà nước cần có một hệ thống chính sách đủ cơ sở khoa học, kịp thời và thích hợp cho từng nhóm hộ, ở từng vùng. Như vậy, ngoài các chủ đề đã nêu ở trên, thì có thể nói một cách tổng quát rằng nông dân đang cần đủ thứ. Nhũng chủ đề đã nêu là cốt lõi. Vì sao? Vì nông dân Việt nam quá nghèo và đã quen sống trong cảnh nghèo từ nhiều thế hệ cho đến nay, nên còn thiếu thốn mọi thứ. Nhưng để giúp nông dân vượt qua mọi thiếu thốn thì không thể dùng phương pháp “ trợ cấp cho không” được mà phải dùng biện pháp “trao cho họ cần câu” và “dạy cho họ cách bắt cá” để người nông dân tự vượt lên khỏi vòng nghèo khó.

Suy cho cùng thì đó là chính sách và phương pháp đào tạo nghề. Chính sách này đúng cho cả khi muốn tích tụ ruộng đất và cả khi quyết định cho nông dân vay vốn. Khi tích tụ ruộng đất tức là người có vốn và có kiến thức thì sẽ quản lý số lượng ruộng đất nhiều. Còn nhóm người ít vốn và thiếu kỹ năng sẽ không còn ruộng đất trong tay họ. Trước khi quyết định trao ruộng đất cho người khác thì bản thân họ phải được khẳng định sẽ sinh sống bằng nghề gì, đời sống sẽ ra sao thì họ mới yên tâm trao ruộng đất sang tay người khác quản lý. Người quản lý ruộng đất cũng cần được đào tạo bằng những kỹ năng phù hợp đối với hoàncảnh của họ. Khi được vay vốn cũng vậy, người vay vốn phải biết sử dụng đồng vốn vào loại công việc gì sẽ có lợi và gặp rủi ro tối thiểu thì đồng vốn được vay sẽ có hiệu quả. Đó chính là kỹ năng của tay nghề. Như vậy giữa đào tạo và kế hoạch sử dụng phải đồng bộ, kế hoạch sản xuất phải đi trước, theo sau là đào tạo đúng ngành để phục vụ cho kế sinh nhai của người được đào tạo. Làm được như vậy thì sẽ không có hiện tượng “ no nghề- đói việc” như các bài báo đã đề cập.Muốn vậy, nhà nước cần phải có qui hoạch xây dựng các dự án lâu dài , trên cơ sở nội dung của từng dự án ta sẽ mở lớp đào tạo mới đúng ngành nghề và khi đào tạo ra học viên sẽ có việc làm phù hợp.

Trong hoàn cảnh Nhà nước còn nghèo vốn mà người nghèo lại quá đông thì việc phân loại nhóm “ giàu, nghèo” để có chính sách phù hợp đối với từng nhóm sẽ cần được áp dụng. Theo thực trạng của nông dân Việt Nam, hiện nay ta có thể chia thành bốn nhóm chính: i/ Nhóm người nghèo (bao gồm người ốm đau bệnh tật, neo đơn, mất sức lao động, thiếu vốn, thiếu ruộng đất); ii/ nhóm cận nghèo; iii/ nhóm trung bình, khá giả và iv/ nhóm nông dân giàu có .Trong bốn nhóm này thì nhóm 1 & 2 rất dễ chuyển hóa cho nhau. Lý do là tiêu chí phân hộ nghèo của nước ta quá thấp, theo tiêu chí cũ, thu nhập bình quân 200.000 đ/ người/ tháng trở xuống thì thuộc diện nghèo. Nếu vậy thì người thu nhập trên 200.000 đ/ người/ tháng sẽ thoát nghèo - thuộc nhóm cận nghèo. Không biết người làm phân loại dựa vào nguồn thu nhập nào để tính? Nếu vậy thì trong nhóm 1 này còn phải phân ra nhóm thường xuyên bị đói kém và nhóm thiếu ăn một số tháng mới phải. Với tình hình thiên tai xảy ra triền miên như ở nước ta thì nhóm cận nghèo (nhóm 2) sẽ rất dễ dàng chuyển sang nhóm nghèo. Trong thực tế nhóm nghèo ở nông thôn Việt nam không thể 12% như tài liệu đã công bố, mà còn cao hơn thế. Ngược lại, có vùng, có tỉnh, một số gia đình thân thuộc của lãnh đạo cấp địa phương thuộc loại cận nghèo hay trung bình nhưng khi có chế độ cấp phát nào đó thì được chuyễn sang nhóm hộ nghèo (trường hợp nhà nước hổ trợ tiền cho người nghèo ăn tết Kỷ Sửu 2009 chẳng hạn) để được hưởng các trợ cấp của nhà nước. Như vậy thì một số người nghèo nghiểm nhiên được “xóa nghèo” để không được hưởng phần trợ cấp đáng có. Thật là bất công!

Tạm thời cứ cho là các nhóm “ giàu- nghèo” được phân cấp như vậy là hợp lý, thì chính sách kèm theo cũng phải được áp dụng phù hợp theo từng nhóm, hợp lý cả việc đóng góp nghĩa vụ với xã hội, chính sách đào tạo, dạy nghề, số lượng tiền và thủ tục vay vốn. Nếu xếp loại các nhân tố tác động đến sự phát triển kinh tế, khoa học, văn hóa xã hội thì chính sách được coi là đòn bẩy có thể thúc đẩy hay kìm hảm sự phát triển và tồn tại của các lĩnh vực khác. Có thể lấy ví dụ khi có NQ 10 của BCT tháng 4/1988 và NQ Đại hội 6 /1986 là sẽ rõ. Khi xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, khi công nhận hộ là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được phép buôn bán sản phẩm của mình trên thị trường tự do thì kinh tế nông nghiệp đã phát triển nhanh chóng như vũ bão. Từ đó nước ta từ chổ thiếu ăn triền miên, chỉ sau vài năm cởi trói và mở cửa đã có thừa gạo xuất khẩu đứng thứ ba rồi thứ nhì trên thế giơi.

Vai trò chính sách quan trọng như vậy, nhưng nhiều chính sách đều đi sau thực tiễn khá xa và có lúc trở thành bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người lao động.Ví dụ , riêng ở ĐBSCL hàng năm có sản lượng lúa của ba vụ trung bình 19 triệu tấn, năm mất mùa cũng được 18,5 triệu tấn thóc. Nếu trừ thóc làm giống bình quân 200 kg/ha (kể cả phần dự phòng thì cao lắm cũng chỉ đến 250kg /ha để dùng cho 3,8 triệu ha gieo trồng lúa) sẽ cần 950.000 tấn/năm; thóc dự trử chỉ cần 500.000 tấn, cao lắm lá 1 triệu tấn; thóc chăn nuôi khoảng 1 triệu tấn; thóc dùng để ăn cho 18 triệu dân khoảng 2,8 triệu tấn. Tổng cộng các khoản chỉ tốn khoảng 4,5-5 triệu tấn thóc, còn thừa đến 14 triệu tấn thóc. Nếu để xuất cho các vùng khoảng 2 triệu tấn thì vẫn còn khoảng 12 triệu tấn thóc dùng để xuất khẩu. Trong số 12 triệu tấn thóc này nếu chỉ lấy gạo nguyên cũng đã có 6 triệu tấn gạo, nếu lấy gạo 15% tấm thì còn cao hơn nhiều. Vậy chỉ cần xuất số gạo này cho nước ngoài không cần số gạo của các vùng khác thì cũng đã thừa tiêu chuẩn gạo xuất khẩu do nhà nước qui định. Thế mà từ năm 2008 rồi năm nay, 2009, khi giá gạo thế giới đang ngon trớn thì có lệnh ngưng xuất khẩu, đến khi gạo thế giới hạ nhiệt thì tìm cách thu mua lúa cho dân, để dân phải chịu thiệt .Thật không thể hiểu được, chả lẽ ban điều hành ngành xuất khẩu gạo không hiểu được thực trạng lúa gạo ở ĐBSCL như vậy hay có ý muốn độc quyền ngành xuất khẩu gạo?

Phải nói rằng chưa nơi nào có ưu thế về sản xuất lúa gạo như ở ĐBSCL, lúc nào trên đồng cũng có lúa để thu hoạch. Do đó việc dự trữ lúa chủ yếu là để cho vùng khác. Hơn nữa hàng năm ta có thuận lợi buôn bán lúa gạo với nước bạn Campuchia khoảng 0,5 triệu tấn thóc, việc buôn bán này giống như luân chuyển lúa gạo ở nội hạt nên không sợ thiếu gạo.

Vậy câu hỏi nông dân nói chung hay nông dân vùng ĐBSCL đang cần gì thì câu trả lời là nông dân tất nhiên phải cần đất, cần chính sách hợp lý để tích tụ ruộng đất đủ lớn phù hợp sản xuất lớn để sử dụng công cụ cơ giới hóa mới có cơ hội thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa. Nông dân còn cần có kiến thức, có trình độ, có tay nghề phù hợp cho các nhóm hộ để làm kế sinh nhai. Khi có nghề thì một bộ phận nông dân sẽ sẵn sàng nhượng đất cho người khác mà vẫn có thể sống đầy đủ. Nông dân cần vốn để phát triển sản xuất. Và trước hết là cần một hệ thống chính sách phù hợp cho từng nhóm hộ, chính sách phải kịp thời , luôn luôn tổng kết đúc rút kinh nghiệm để kịp thời chỉnh sửa những phần chưa hợp lý, làm cho chính sách thực sự sống động , là chổ dựa của mọi người để phát triển sản xuất. Muốn làm giàu cần có chính sách tác động vào nhóm giàu và muốn xóa đói giảm nghèo cần có chính sách vào nhóm hộ nghèo và cận nghèo. Làm thế nào để người nghèo vẫn có chổ đứng ở vùng nông thôn một cách vững chắc để có thể “ ly nông nhưng bất ly hương”

Mai Văn Quyền
(Bài viết do tác giả gừi)

Không có nhận xét nào: