Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Lê Đạt, Người Hiền

Nguyên Ngọc, Tia Sáng 16/4/2009

Lê Đạt là người có ý thức sâu sắc, rõ rệt hơn cả về con đường đi của mình, cũng là con đường đi của người trí thức, người nghệ sĩ chân chính trong những điều kiện khắc nghiệt của chuyển động lịch sử và xã hội đầy éo le của đất nước thời anh sống. Và anh hiểu điều đó vừa bằng một tâm hồn và một tài năng nghệ sĩ không hề nhỏ, vừa bằng một tri thức khổng lồ về văn hóa văn minh dân tộc và nhân loại mà anh kiên trì chiếm lĩnh suốt đời.

Trong tiến trình văn hóa và tư tưởng của chúng ta từ khoảng năm bảy chục năm nay có một hiện tượng rất đáng chú ý, chừng nào đó thậm chí có tính quy luật. Đó là hiện tượng về vai trò, vị trí và hành xử của người trí thức trong xã hội. Trí thức Việt Nam tuy nhỏ, có thể không bằng được ở một số quốc gia lớn và độc lập lâu đời, nhưng có đặc điểm nổi bật là hết sức yêu nước. Cũng dễ hiểu thôi, họ là trí thức của một dân tộc bị mất nước hàng thế kỷ, chính vì là trí thức nên trong họ nỗi đau và nỗi nhục mất nước nên càng sâu đậm, thống thiết. Mà cách mạng của ta, rồi tiếp liền sau đó là kháng chiến, trước hết và chủ yếu là cách mạng và chiến tranh giải phóng dân tộc. Cho nên tuyệt đại đa số trí thức Việt Nam, những người ưu tú nhất trong số họ, đều đi với cách mạng và kháng chiến, số người vì lý do này khác không cùng đi hoặc không đi được đến cùng rất ít.

Lê Đạt như chúng ta biết, rất ít nói và rất khiêm nhường, rất súc tích cả trong lối sống lẫn trong phát ngôn bởi rất từng trải, chỉ những người thật từng trải qua trầm luân đắng cay lắm mới có được, thâm trầm và nhân hậu trong cuộc sống, sâu sắc và uyên thâm trong tri thức, chín chắn mà mới mẻ, luôn mới mẻ và dồi dào đến lạ trong sáng tạo. Như một Người Hiền.

Nhưng trí thức thì bao giờ cũng vậy, ở đâu cũng vậy, đối với họ khát vọng sâu xa nhất, lâu dài nhất, sống còn nhất là tự do. Độc lập và tự do không phải bao giờ cũng hoàn toàn là một, nhất là khi cuộc chiến đấu vì độc lập ở trong điều kiện khó khăn, khốc liệt như chúng ta đã phải đối mặt lâu dài vừa qua, và tự do là tự do cho đến tận từng con người, từng cá nhân. Trong điều kiện đó, khối tuyệt đa số trí thức của chúng ta đi với cách mạng và kháng chiến đã có một hành xử tuyệt đẹp: họ tự nguyện tạm dẹp lại những yêu cầu về tự do vốn là lẽ sống của họ, vì đòi hỏi cấp thiết hơn của cách mạng và chiến tranh giải phóng dân tộc. Trong lực lượng chung đó nổi bật vai trò của trí thức văn nghệ sĩ, không phải vì họ “giỏi” hơn, sâu sắc hơn, nhưng vậy đó, cuộc sống đã giao cho họ chức năng đặc biệt là suy nghĩ và phát ngôn của xã hội. Cho nên cũng chính trong trí thức văn nghệ sĩ, chịu khó quan sát kỹ và tinh ý đôi chút, sẽ không khó nhận thấy thỉnh thoảng ít nhiều biểu hiện của mâu thuẫn tiềm ẩn được tạm dẹp lại vừa nói trên. Cuộc tranh luận về cái gọi là “nghệ thuật và tuyên truyền” ngay giữa thời kháng chiến chống Pháp, trong đó Tô Ngọc Vân - họa sĩ tài năng nhất và cũng tâm huyết nhất, người đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ - phải chịu nhận phần thua, là một trong những bằng chứng… Nghĩa là “tạm dẹp lại” vì nghĩa lớn của đại cuộc, nhưng về cơ bản không mất đi, không yên, không thể yên. Nó tất sẽ bùng dậy mỗi khi yêu cầu độc lập dân tộc bớt căng ... Tôi nghĩ cần hiểu cái gọi vụ Nhân văn Giai phẩm, và anh Lê Đạt, một trong những nhân vật trung tâm của sự kiện đó, trong bối cảnh lịch sử và xã hội ấy. Nó diễn ra sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, tức là khi vấn đề dân tộc đã được giải quyết một bước lớn - và sau năm 1975 khi vấn đề độc lập dân tộc đã được giải quyết về cơ bản thì lại có hiện tượng tương tự, lần này rộng lớn, sâu và dai dẳng hơn. Nghĩa là quả có một quy luật thật. Hoặc nói rõ hơn, trong người trí thức Việt Nam đi với cách mạng và kháng chiến ít nhiều đều có một “giằng xé” bên trong, mà họ phải vượt qua, và mỗi người đã vượt qua một cách khác nhau. Anh Lê Đạt đã vượt qua theo cách của anh, riêng anh, để trở nên một Lê Đạt như chúng ta biết, rất ít nói và rất khiêm nhường, rất súc tích cả trong lối sống lẫn trong phát ngôn bởi rất từng trải, chỉ những người thật từng trải qua trầm luân đắng cay lắm mới có được, thâm trầm và nhân hậu trong cuộc sống, sâu sắc và uyên thâm trong tri thức, chín chắn mà mới mẻ, luôn mới mẻ và dồi dào đến lạ trong sáng tạo. Như một Người Hiền.

Trong một bài viết gần đây trên Tạp chí Tia Sáng, anh Cao Huy Thuần có nói rất hay về hai kiểu ứng xử khác nhau của người trí thức trước những tình thế phức tạp và tế nhị của thế cuộc: kiểu André Malraux và kiểu Albert Camus1. Tôi nhớ chỉ vài tuần trước khi anh Lê Đạt mất, cũng chính ở Tòa soạn Tia Sáng, chúng tôi có trao đổi với nhau về hai cách hành xử của hai nhà trí thức lớn đó. Hôm ấy anh Lê Đạt bảo Camus triệt để hơn, anh trọng Camus hơn, về tư tưởng, cả về nhân cách lẫn tài năng mà anh cho là đều lớn hơn. Thậm chí, vốn rất cẩn trọng, vậy mà anh không ngại tỏ ý chê Malraux… Song, lạ vậy, trong cuộc đời thật của mình, đối mặt với những chọn lựa lớn mấy mươi năm dài, theo tôi anh Lê Đạt đã hành xử theo cách Malraux chứ không phải theo cách Camus. Hoặc đúng hơn, anh đã bị giằng xé trong chọn lựa giữa kiểu Malraux và kiểu Camus, và đã đi từ Malraux đến Camus. Rất có thể đây là một trường hợp khá điển hình về người trí thức Việt Nam trong cách mạng, điển hình không phải vì nó phổ biến, mà vì nó là biểu hiện tập trung tấn kịch căng thẳng đến sâu thẳm của người trí thức.

Hồi làm việc ở Hội Nhà Văn, tôi biết Hội sở hữu một thư viện không lớn lắm nhưng có một số sách hết sức quý do Sứ quán Pháp ở Hà Nội tặng. Tôi thường mò xuống đấy, có khi lang thang suốt ngày giữa cái kho báu tuyệt vời ấy. Buồn thay, kho sách vô giá lại thường vắng tanh. Hôm nào tôi cũng chỉ gặp ở đấy duy nhất có một người cùng lang thang: anh Lê Đạt. Tôi biết anh đã lâu nhưng thân anh chính là từ dạo ấy. Bạn sách. Anh ấy là một con mọt sách, suốt đời. Anh sống đầm mình suốt đời trong trí tuệ lớn của toàn nhân loại. Từ đó tìm lấy chọn lựa sống và viết cho mình trên đời này. Những anh em thường tụ hội nhau ở Tạp chí Tia Sáng đều biết rõ con người rất thường lẫn khuất và hết sức giản dị ấy lại là một cuốn tự điển sống hầu như bất tận. Cả về tri thức đông tây kim cổ, lẫn trải nghiệm muôn mặt cuộc đời.

Có lẽ rồi chúng ta sẽ dần dần nhận ra khoảng trống anh vừa để lại cho chúng ta hôm nay là một khoảng trống chẳng biết bao giờ mới lấp được của một nhà hiền triết, người đã gian nan mà nhẹ nhàng đi qua những tình thế chẳng hề đơn giản và dễ dàng của đất nước gần ngót một thế kỷ qua.
—-
1 Xem bài “Giữa đất và trời” của Cao Huy Thuần – Tia Sáng số 8 – 20-4-2008

Không có nhận xét nào: