Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

Về cụ Phan Thanh Giản: "Trao đổi với đồng nghiệp"


Hoàng Lại Giang

DAYVAHOC.Trang web SÔNG CỬU LONG vừa đăng bài viết: Về cụ Phan Thanh Giản:“Trao đổi với đồng nghiệp” của nhà văn Hoàng Lại Giang, tác giả của truyện danh nhân “Phan Thanh Giản - nỗi đau trăm năm" (NXB Văn học- 1996). Đây là tư liệu quý cho những ai quan tâm đến lịch sử, văn hóa dân tộc và vùng đất phương Nam yêu quý của Tổ quốc.

BTGTWBT: Sau loạt bài viết có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cụ Phan Thanh Giản, đồng thời phê phán Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre về việc khôi phục lại tượng cụ ở Bến Tre đăng trên một vài báo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre có nhận được bài viết “Trao đổi với đồng nghiệp” của nhà văn Hoàng Lại Giang, tác giả của truyện danh nhân được nhiều bạn đọc biết đến “Phan Thanh Giản - nỗi đau trăm năm" (NXB Văn học - 1996). Được sự đồng ý của nhà văn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre xin chuyển bài viết này đến WSCL đăng tải để bạn đọc tham khảo. (Tượng đồng cụ Phan Thanh Giản an vị tại Văn Xương Các tỉnh Vĩnh Long 5.8.2008. Ảnh của Tuổi Trẻ Online)

TRAO ĐỔI VỚI ĐỒNG NGHIỆP

Sau cuộc hội thảo "Chúa Nguyễn và triều Nguyễn ở Thanh Hóa", cuối năm 2008, tôi có được đọc hầu hết những bài tham luận và một số bài đăng trên các báo Trung ương và địa phương - trong đó có những bài đồng tình và phản ứng bản đề dẫn của GS Phan Huy Lê.

Ở góc độ nhà văn, tôi luôn nghĩ với lịch sử, mình là người "ngoại đạo".Với suy nghĩ này tôi muốn trao đổi với một vài nhà văn đã, đang tham gia vào cuộc tranh luận này như anh Lê Văn Duy, Vũ Hạnh, Trần Thanh Đạm. Còn một số người khác tôi chưa được biết tên tuổi và một công trình hay tác phẩm nào của họ, những người này tôi không quan tâm. Phần khác bài viết của họ với giọng văn hằn học, kết cấu lỏng lẻo, tư liệu méo mó, cách qui chụp thiếu khoa học và xây dựng đã gây phản cảm trong tôi.

Chuyên sâu về lịch sử hiện nay tôi nghĩ không ai hơn GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn, PGS Nguyễn Văn Nhật, GS Chương Thâu, GS Văn Tạo, nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc, PGS Đỗ Quang Hưng.

Với chuyên môn sâu và rộng, lập trường vững vàng, học vấn uyên thâm, hầu hết các anh đều được Đảng tín nhiệm giao những chức vụ quan trọng trong ngành sử học nước nhà.

Tôi được biết GS Phan Huy Lê là người rất cẩn thận, GS đã cùng với đồng nghiệp ở Hội Khoa học Lịch sử và Viện sử học chuẩn bị cho cuộc hội thảo cấp quốc gia này gần 3 năm, trong đó có việc chuẩn bị nội dung, xin chỉ thị của Ban Tư tưởng, Ban bí thư… và được Tỉnh ủy Thanh Hóa xin đăng cai tổ chức. (1)

Một cuộc hội thảo qui mô và dễ động vào những vấn đề nhạy cảm của xã hội như vấn đề Chúa Nguyễn và triều Nguyễn tôi nghĩ không phải là một dạ hội mà dễ tùy tiện và phá cách. Chắc chắn các anh phải cân nhắc từng câu, từng chữ. Bởi vậy, với tư cách một nhà văn đã từng viết về Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Trương Vĩnh Ký, Hàm Nghi… tôi đã tìm đọc khá kỹ về lịch sử thời cận đại. Và vì vậy tôi hoàn toàn đồng tình với bản đề dẫn của GS Phan Huy Lê.

Và vì vậy khi đọc bài viết các anh trên "Hồn Việt", "Báo CATPHCM", trên "Văn Nghệ TPHCM", tôi ngỡ ngàng, trước tiên là những tư liệu mà các anh tưởng chỉ các anh mới có, đặc biệt là những sự việc mà các anh đưa ra không đúng với sự thật lịch sử.

Ví dụ trong bài "Quê hương Đồng Khởi dựng tượng Phan Thanh Giản" của anh Lê Văn Duy in ở Văn Nghệ TPHCM.

Theo anh Duy, mộ của Phan Thanh Giản do chính quyền Sài Gòn xây bằng đá xanh. Tôi thưa rằng mộ Phan Thanh Giản do dân xây đó. Lúc đầu xây bằng ô dước, sau xây bằng cát và xi măng. Sau giải phóng một thời gian - về thăm đền thờ Nguyễn Đình Chiểu và đền thờ Phan Thanh Giản, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy một cảnh tương phản, một bên nguy nga, tráng lệ - đúng là hoành tráng - một bên nhỏ nhoi, rệu rã, hư hỏng, dột nát!!! Và trong cơn xúc động ấy ông, vâng chính ông đã đề nghị Bến Tre thiết kế giúp khu nhà thờ Phan Thanh Giản và xin bỏ ra trên 300 triệu để xây lại như hiện hữu. Trong thâm tâm Võ Văn Kiệt còn muốn biến nơi đây thành khu du lịch Nhớ Nguồn bởi gần khu mộ Phan Thanh Giản là khu mộ cụ Võ Trường Toản.(2)

Tôi nghĩ khi Phan Thanh Giản được Nhà nước ta qua Viện sử học và Cục di sản thuộc Bộ Văn hóa công nhận là danh nhân thì Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre quyết định sẽ cùng nhân dân xây dựng lại nhà thờ và khu mộ danh nhân Phan Thanh Giản chắc là có ý đồ sâu xa theo tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước đó.

Anh Duy cũng thắc mắc sao Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre không hỏi ý kiến GS Trần Văn Giàu, GS Trần Thanh Đạm… Tôi chưa bao giờ nghĩ anh Đạm là nhà sử học, và anh càng không phải là nhà một nhà văn hóa có tầm ảnh hưởng rộng. Anh chỉ là một nhà giáo và nhà phê bình văn học trong chừng mực nào đó.

Với GS Trần Văn Giàu, ít nhất 2 lần tôi nghe GS nói về Phan Thanh Giản. Lần thứ nhất trong cuộc toạ đàm về cuốn "Phan Thanh Giản - Nỗi đau trăm năm" của tôi năm 1996 ở 43 - Nguyễn Thông. Lần ấy GS phát biểu rằng: "… Tội để mất nước là tội của triều đình Tự Đức… Phan Thanh Giản là một đại thần, tất nhiên Phan Thanh Giản cũng có phần trách nhiệm". Tôi nghĩ đây là một đánh giá đúng mực, khách quan. Bởi triều đình gồm nhiều đại thần như Nguyễn Tri Phương, Trương Đăng Quế, Hoàng Diệu… và tất nhiên có cả Phan Thanh Giản.

Nếu trung thực với lịch sử thì phải nói rằng người đã để mất thành Kỳ Hòa và sau đó là 3 tỉnh miền Đông và một tỉnh miền Tây - Vĩnh Long là Nguyễn Tri Phương một vị tướng tài của triều đình. Nguyễn Tri Phương đã chịu tội trảm hậu… Và từ trận Kỳ Hòa này, Nguyễn Tri Phương chưa một lần cầm cự được với quân Pháp chứ chưa nói thắng, cho đến khi ông bị bắt và hy sinh. Nhưng trong mắt nhân dân, trước sau Nguyễn Tri Phương vẫn là vị anh hùng dân tộc vì chưa bao giờ trong ý thức ông có chữ Hòa. Trong ý thức ông chỉ một lòng đánh Tây, đánh Tây đến cùng. Ý thức ấy tức là truyền thống chống xâm lăng của dân tộc ta.

Nhưng triều đình nhà Nguyễn đã bắt Phan Thanh Giản làm một việc mà không ai thời bấy giờ có thể làm được là dùng ba tấc lưỡi đòi chuộc lại 4 tỉnh bị mất! Nhưng trước lệnh nhà vua, Phan Thanh Giản không những không được về hưu mà còn buộc phải dẫn đầu phái đoàn đi đàm phán.

Trước tiên, Phan Thanh Giản đã vào và đòi lại được tỉnh Vĩnh Long với một số điều kiện trong đó có điều kiện triều đình không được để "quân phiến loạn" quậy phá, ý Pháp muốn chỉ nghĩa quân ta. (...) Nghĩa là trong khi đang đàm phán hai bên cần phải giữ thái độ ôn hòa, tôn trọng và không được để những cực đoan dẫu biết cực đoan đó là tinh thần yêu nước truyền thống. Và nếu hiểu được như vậy thì chúng ta dễ thể tất cho những việc làm trong quá khứ của Phan Thanh Giản.

Một lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với tôi rằng, nếu tôi là Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương… thì tôi cũng làm như mấy ổng, đánh Tây tới cùng. Nhưng nếu tôi là Phan Thanh Giản, với tư cách một quan văn, một nhà ngoại giao, một đại thần đã từng chứng kiến cuộc chiến bại ở thành thôi… Mỗi người yêu nước một cách khác nhau, Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương… yêu nước theo cách của mấy ông. Cụ Đồ Chiểu yêu nước theo cách cụ Đồ Chiểu và Phan Thanh Giản yêu nước theo cách của Phan Thanh Giản.

Điều này đã được khẳng định trong cuộc tọa đàm năm 2002 trong đó có sự tham dự của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, GS Trần Văn Giàu, GS Đinh Xuân Lâm, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, GS Văn Tạo, PGS Trần Đức Cường (Viện trưởng Viện sử học), PGS Đỗ Quang Hưng (Viện trưởng Viện Tôn giáo), GS Chương Thâu, GS Vũ Ngọc Khánh, PGS Võ Xuân Đàn, GS Hoàng Như Mai, Nhà nghiên cứu Trương Bá Cần, Nhà nghiên cứu Minh Chi, Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường, GS Huỳnh Lứa (Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử TP), Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long… Đây là một tọa đàm có sự nhất trí cao về tinh thần thương dân, yêu nước của Phan Thanh Giản.

Còn việc Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre ra nghị quyết khôi phục tượng Phan Thanh Giản, theo tôi các anh đã làm đúng nguyên tắc, rất bài bản. Việc đầu tiên các anh cho rà soát lại các văn bản và đã không tìm thấy một văn bản nào của Đảng và Nhà nước ra lệnh đập phá tượng Phan Thanh Giản cũng như đã từng kéo tượng Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang, hạ tượng Nguyễn Thái Học và xoá tên đường Nguyễn An Ninh ở Cần Thơ… Đấy là một thời ấu trĩ ban đầu của một số người trong đoàn quân Cách mạng, dẫu mang tính manh động cũng thể tất được. Bước thứ hai, các anh căn cứ theo văn bản của Viện Sử học và Cục di sản thuộc Bộ Văn hóa… Bước thứ ba là họp Hội đồng nhân dân tỉnh để bàn thảo. Và Hội đồng nhân dân tỉnh đã nhất trí thông qua việc khôi phục tượng cụ Phan. Hội đồng nhân dân tỉnh là đại diện của nhân dân trong tỉnh, sao ta lại có quyền đòi hỏi nhưng điều ngoài trách nhiệm của họ được!

Trên báo CATPHCM, anh Vũ Hạnh viết bài lên án cuộc Hội thảo, chủ yếu là lên án bản đề dẫn của GS Phan Huy Lê với tựa đề mang tính qui chụp "Đột phát hay chạy tội".

Tôi nghĩ anh Vũ Hạnh ở miền Nam, nên không có điều kiện theo dõi một thời ở miền Bắc sau năm 1954. Về văn học người ta lên án Tự Lực Văn Đoàn, tác phẩm và tác giả của nhóm này. Người ta lên án Thơ mới, lên án Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan. Người ta lên án "Đôi mắt người Sơn Tây", "Tây Tiến" của Quang Dũng, người ta lên án cả "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan… Đó là gì nếu không phải một thời chúng ta vận dụng chủ nghĩa Marx (...) một cách duy ý chí, tả khuynh…

Văn học như thế còn về sử học, chắc chắn không dẫn ai vượt qua nổi cái dòng định mệnh chính thống trên.

Nếu nhìn lại toàn bộ bức tranh xã hội miền Bắc có một thời từ kinh tế, văn hóa đến giáo dục, văn nghệ, lịch sử, triết học… chúng ta thấy văn học là lĩnh vực đi tiên phong trong đổi mới còn lịch sử thì dẫm chân rất bền chặt trên cái nền (...) tả khuynh, duy ý chí một thời!

Tôi hiểu GS Phan Huy Lê là người rất thận trọng. Sau cuộc Hội thảo về Phan Thanh Giản ở Vĩnh Long năm 1994, anh được phân công viết bài tổng kết hội thảo. Ngay năm 1994, anh gởi bài để anh Hữu Thọ (Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương) duyệt. Hơn hai năm sau, anh Hữu Thọ gởi lại bài cho anh Phan Huy Lê và nói: "Anh viết chặt chẽ thế này tôi còn chữa vào đâu được nữa". Và bài tổng kết, đánh giá về Phan Thanh Giản được đăng trên tạp chí "Xưa & Nay" năm 1996. Con người thận trọng ấy mãi đến cuối năm 2008 mới dám làm một cuộc Hội thảo về chúa Nguyễn và triều Nguyễn mang phong cách mới, tư duy mới. Với một vị GS nổi tiếng thận trọng như GS Phan Huy Lê thì bản đề dẫn là dấu nhấn quan trọng trong tư duy mới của một nhà khoa học. Lịch sử không phải là một ngành khoa học bất biến. Đúng là lịch sử chỉ xảy ra có một lần, nhưng tìm cho ra sự thật của lịch sử ấy thì không hề đơn giản. Nó đòi hỏi sự lao động, sự tích lũy và một tư duy biện chứng. Trên tinh thần ấy tôi rất mừng về sự chuyển biến trong tư duy của các nhà sử học từ Viện trưởng Viện Sử học Nguyễn Văn Nhật, đến Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam Phan Huy Lê và Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc... Dẫu sao thì sự chuyển biến về tư duy của các anh vẫn là quá chậm, nhưng tôi nghĩ chậm mà chịu thay đổi cũng là một cuộc cách mạng còn hơn là "bổn cũ soạn lại". Vừa qua nhân kỷ niệm 50 năm lực lượng Bảo vệ an ninh nội bộ và Văn hoá tư tưởng đã xuất bản sách "Việt Nam các nhân vật lịch sử văn hoá" (GS Đinh Xuân Lâm - GS Trương Hữu Quýnh chủ biên) đã đánh giá nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản khá cô đọng và đầy đủ.(3)

Về ý kiến của anh Trần Thanh Đạm trong "Kỷ niệm một lần về thăm quê Phan Thanh Giản" trên "Hồn Việt". Tôi đồng ý với anh Đạm là trước sau trong tư tưởng Phan Thanh Giản chỉ có một chữ Hoà. Nhưng chữ Hoà trong tư tưởng Phan Thanh Giản tôi nghĩ được xuất phát từ cuộc đại bại của đại quan triều đình ở thành Kỳ Hoà dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương. Dẫu sao tư tưởng chủ hoà của Phan Thanh Giản còn thuyết phục được hoàng đế Pháp chấp nhận trả lại đất đai đã chiếm cho Việt Nam. Nhưng hoà ước này không thành công không phải vì Phan Thanh Giản không hết lòng, không khéo ăn khéo nói mà vì tương quan giữa hai phái chủ hoà và chủ chiến ở Pháp mâu thuẫn gay gắt. Cuối cùng phái chủ chiến đã thắng và thuyết phục hoàng đế Pháp phải xé hoà ước đã ký với phái bộ Việt Nam.

Kinh nghiệm những cuộc đàm phán với kẻ thù xâm lược phải nói đến thế và lực của hai bên. Hiệp định Genève là một minh chứng rõ ràng nhất. Nếu không có chiến thắng vang dội ở Điện Biên Phủ thì liệu nhà ngoại giao Phạm Văn Đồng có ký được Hiệp định Genève không? Trong mọi cuộc đàm phán, quân sự bao giờ cũng đi trước một bước, đúng hơn là phải áp đảo kẻ thù thì mới hy vọng trên bàn ngoại giao ta mới có được thế chủ động và có lợi. Ở thành Kỳ Hoà ta đã đại bại. Và từ đấy Nguyễn Tri Phương vẫn luôn chủ chiến, nhưng chiến như thế nào thì trước sau vẫn theo cách... đã từng đại bại. Tóm lại, vị tướng tài số một của triều Nguyễn này không có một kế sách nào khả dĩ ngăn nổi bước chân xâm lược của quân Pháp, chứ chưa nói là lấy lại được những vùng đất đã mất. Đánh đâu thua đó, thua cho đến khi hy sinh. Một vị tướng tài của triều đình nhà Nguyễn mà như thế thì làm sao có một nhà ngoại giao tài để có thể dùng ba tấc lưỡi buộc kẻ xâm lăng trả lại những đất đai chúng đã chiếm! Sự thiếu thực tế, thiếu khách quan đã đẩy một số người đi vào cực đoan chủ nghĩa!

Điều kiện cần và đủ cho một cuộc chiến tranh với phương Tây lúc bấy giờ, triều đình nhà Nguyễn chưa có. Cha ông chúng ta thời cận đại thiếu một Minh Trị Thiên Hoàng. Cha ông chúng ta thời cận đại thiếu một triều đình bản lĩnh và tài năng xuất chúng như Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Trần Thủ Độ... Đời Trần và ở đời Lê là một cặp anh tài Lê Lợi và Nguyễn Trãi.

Tôi biết đòi hỏi trên của tôi chỉ là mơ ước. Và khi đọc GS Cao Xuân Huy trong "Tư tưởng phương Đông" thì tôi sáng ra: "...Khi xét đến trách nhiệm của chế độ phong kiến tập quyền, cũng phải xét nó trong tình hình chung của các nước phương Đông mà Việt Nam chỉ là một sản phẩm có tính chất bộ phận. Là một tiến trình lịch sử kéo dài chậm chạp, kéo dài với hình thái kinh tế xã hội đặc thù mà Karl Marx đã gọi là phương thức sản xuất Á tế Á...

Vì vậy, sẽ là rất ảo tưởng khi chúng ta đưa ra những giả định có tính chất phi lịch sử, chẳng hạn nước Việt Nam có thể chống lại chủ nghĩa tư bản phương Tây nếu có một xã hội đáp ứng đòi hỏi cách tân, nhạy bén hơn... " (Tư tưởng phương Đông, trang 196 - 197).

Anh Vũ Hạnh có dẫn câu "Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân" để lên án Phan Thanh Giản. Trong cuộc tọa đàm "Thế kỷ XXI nhìn về Phan Thanh Giản" tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, GS Trần Văn Giàu đã dành hơn 15 phút để giải thích câu này, Theo GS "mãi" ở đây không phải là bán, mà là trao đổi... Trong cuộc toạ đàm về Phan Thanh Giản năm 1996 ở 43 - Nguyễn Thông, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có nói hai câu này xuất phát từ quê ông ở Hà Tĩnh do Trần Tấn và Đặng Như Mai tung lên để kéo quân vào kinh thành lật đổ triều đình nhà Nguyễn, còn dân Nam Kỳ vẫn tôn trọng triều đình. Với lại khẩu khí này không phải là khẩu khí của dân Nam Kỳ. Tôi thấy nhiều người nghiêng về ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Trên tạp chí "Hồn Việt", tôi được đọc lại bài viết của cố GS Trần Huy Liệu. Cùng lúc tôi tìm đọc lại bài "Điếu Phan Công" của Nguyễn Đình Chiểu. Bài thơ mang một nỗi ngậm ngùi, thương tiếc, cảm thông... đến câu cuối thì ta như nghe tiếng nấc của nhà thơ cùng thời :

"Trời đất từ đây bặc (mặc) gió thu "

Gió thu theo tôi chắc không phải là gió Tây như anh Đạm nghĩ - Gió thu ở đây là ngọn gió mát lành, ngọn gió mà dân mong đợi, hy vọng sớm chiều đã tắt. Khác với gió Tây, gió lạnh từ phương Tây thổi tới - chỉ thế giặc Tây :

"Ngày nào trời đất an ngôi cũ,
Mừng thấy non sông lặng gió Tây" (4)

Và khi đọc hết bài "Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh" của nhà thơ yêu nước cùng thời này thì tôi hiểu không ai hiểu, cảm thông và quý trọng Phan Thanh Giản bằng ông:

"Phải trời cho cán huyền phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh. Ít người đặng xem tấm bảng phong thần, Phan học sĩ hết lòng mưu quốc". (5)

Đánh giá về Phan Thanh Giản với Nguyễn Đình Chiểu là nhất quán. Và ở đây ta thấy nhà thơ không hề đối lập Trương Định với Phan Thanh Giản. Nói như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Mỗi người yêu nước theo cách của mình. Đừng bắt Phan Thanh Giản yêu nước theo cách của Trương Định và ngược lại cũng đừng bắt Trương Định yêu nước theo cách của Phan Thanh Giản".

Tôi có làm một cuộc thăm dò trong 15 người, gồm GS, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy… về câu hỏi: "Đánh giá về Phan Thanh Giản, người đương thời có cụ Nguyễn Đình Chiểu, thời hiện đại có GS Viện trưởng Trần Huy Liệu, ông tin ai"? Cả 15 người đều trả lời: "Tôi tin cụ Nguyễn Đình Chiểu".

Với tôi, đây là câu trả lời rõ ràng nhất.


TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 2 năm 2009

Chú thích:
(1) Xin đăng cai Hội thảo còn có Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế.
(2) Khi thấy mộ cụ Võ Trường Toản nằm ở Sài Gòn - Gia Định thuộc Tây, Phan Thanh Giản đã bàn với Nguyễn Thông đưa mộ cụ về quê ông ở Vĩnh Long đất thuộc triều đình.
(3) Phan Thanh Giản (1796 - 1867).
Quê ở làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).
Ông đỗ tiến sĩ đầu tiên ở miền Nam (1826), làm quan qua ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, giữ nhiều chức vụ quan trọng về nội trị và ngoại giao, nổi tiếng thanh liêm, đạo đức.
Thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, ông cùng Lâm Duy Hiệp thay mặt triều đình Huế điều đình với Pháp, rồi ký Hiệp ước 5-6-1862, giao 3 tỉnh Đông Nam kỳ cho Pháp; sau đó lại được giao cầm đầu phái đoàn sang Pháp điều đình chuộc lại ba tỉnh đó, nhưng không có kết quả. Về nước, ông là Kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây. Khi Pháp đưa quân tới uy hiếp, ông lượng sức không chống lại nổi, đã giao thành Vĩnh Long, rồi viết thư cho các quan ở An Giang và Hà Tiên cũng nộp thành cho Pháp (1867). Ngay sau đó, nhận thức được trách nhiệm to lớn của mình, ông đã nhịn ăn, dặn các con không được cộng tác với Pháp, rồi uống thuốc độc tự tử. Vua Tự Đức để trốn tránh trách nhiệm đã ra lệnh đục tên ông trong bia Tiến sĩ. Nhưng dư luận nhân dân cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của ông, vẫn đánh giá ông là một người yêu nước, có tư tưởng bất hợp pháp với Pháp, vì thế giặc quá mạnh, muốn tránh nhiều tổn thất nặng nề về người và của dân đành phải nhượng bộ. Khi Phan Thanh Giản tử tiết, thư văn truy niệm rất nhiều, đặc biệt là bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu xúc động lòng người.
"Minh tinh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ nay mặc gió thu!"
Phan Thanh Giản còn là một nhà văn lớn, có nhiều tác phẩm thơ, văn lịch sử giá trị: "Lương Khê thi thảo", "Lương Khê văn khảo", "Tây phù nhật kí"… Ông cũng chủ trì việc biên tập một số công trình lớn: "Việt sử thông giám cương mục", "Minh Mạng chính yếu".
(4) Từ ngữ - Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu - Nxb TPHCM
(5) Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1858 - 1920 Nxb Văn học tr. 99

Hoàng Lại Giang

Không có nhận xét nào: