Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2008

Suy nghĩ và ước mong của một người đọc


DẠY VÀ HỌC. Trong môi trường giáo dục đại học, sản phẩm đào tạo sau cùng của một ngành học phải là những con người, lớp người rất cụ thể. Đó là những con người có nhân cách, có bản lĩnh và kỹ năng thực hành chuyên nghiệp để giải quyết những nhu cầu thực tiễn cụ thể, cần thiết, cấp bách ở chính nơi và thời họ sống. Dạy học, viết sách không chỉ là nghề mà còn có một ý nghĩa cao quý, sâu xa và hết sức nhân bản. Thấm thía được điều này thì mới có thể có được những công trình khoa học và tác phẩm văn chương đích thực. Cảm nhận sau khi đọc bài viết của Hoàng Minh

SUY NGHĨ VÀ ƯỚC MONG CỦA MỘT NGƯỜI ĐỌC

Hoàng Minh

Tôi thiết tha hy vọng các nhà văn và nhà nghiên cứu, phê bình đọc mấy dòng này sẽ tin rằng đây là những ý nghĩ chân thành của một trong những độc giả trung thành nhất của họ. Có thể tôi không phải là một độc giả tiêu biểu cho lắm: tôi đọc tác phẩm của nhà văn Việt Nam hiện đại nhiều hơn đọc các bản dịch tác phẩm nước ngoài, trong khi tất cả các bản thống kê của các thư viện đều cho thấy rằng độc giả ta đọc sách dịch nhiều hơn đọc nguyên tác Việt Nam hàng chục lần. Điều này cũng không có gì khó hiểu: dù đã bị méo mó đi nhiều qua cách hiểu ngoại ngữ lõm bõm của người dịch và qua thứ văn Việt ngọng nghịu của họ, các tác phẩm hay của nước ngoài nói chung vẫn còn hay hơn các tác phẩm hiện đại của ta. Tôi chỉ khác các bạn đồng nghiệp của tôi (trong "nghề" đọc sách) ở chỗ tôi đi tìm sách mới của nhà văn Việt Nam, hồi hộp mong rằng lần này mình sẽ gặp được một tác phẩm thật hay, còn họ thì hầu như đã mất niềm hy vọng đó.

Tự cổ chí kim, người đọc văn học bao giờ cũng chỉ mong đọc tác phẩm hay, không ai đi tìm đọc những tác phẩm văn chương "đúng". Yêu cầu thẩm mỹ đối với tác phẩm văn học là tất nhiên và chính đáng.

Thế nhưng cái "hay" (cái giá trị nghệ thuật có sức mạnh làm rung chuyển những đường tơ thẩm mỹ trong tâm hồn) hình như chiếm một vị trí quá nhỏ nhoi trong những mối quan tâm của người làm văn học. Các nhà phê bình nghiên cứu văn học để hầu hết tâm lực vào việc đánh giá tác phẩm như một sự kiện xã hội chính trị. Tác phẩm được coi như một thứ tuyên ngôn gián tiếp nói lên quan điểm chính trị của tác giả đối với những hiện tượng xã hội được mô tả. Rồi sau đó, may lắm người ta cũng chỉ dành mấy dòng nói chung chung, không có luận chứng, về giá trị nghệ thuật.

Thật ra tình hình cũng khó lòng khác đi được, vì ở ta không ai dạy và không ai được học nghề viết văn cho hay. Ở nhà trường, ngay như tiếng Việt cũng không được dạy như một ngôn ngữ, tức một "công cụ diễn đạt ý nghĩ và tình cảm" của mình, mà được dạy như một tập hợp những mẫu mực đã được dùng để truyền đạt những ý của người khác, cần phải nhớ và nhắc lại cho đúng. Của đáng tội, chưa bao giờ có một chủ trương công khai như thế. Nhưng cách dạy tiếng, cách đánh giá bài vở của học sinh, cách chọn các bài văn đem giảng, đều đưa đến kết quả như vậy. Những bài văn, bài thơ dở mà học sinh phải học như những mẫu mực dần dần làm hỏng khiếu thẩm mỹ của họ và khi họ trở thành nhà văn, nhà thơ, khó lòng có thể đòi hỏi họ viết hay.

Tình hình ở đại học cũng không khả quan hơn. Một giáo sư trước kia dạy văn học ở trường Đại học Sư phạm, nói với tôi: "Trước khi vào trường, họ còn biết rung đùi khoái chí khi ngâm Kiều, nhưng sau bốn năm học văn học, họ mất hẳn khả năng đó. Bây giờ họ chỉ còn là những cán bộ tổ chức ngồi xét lý lịch và hành vi của tác giả và của các nhân vật trong truyện".

Nói tóm lại, các thế hệ bắt đầu đi học từ 1945 đến nay (tức ngày nay có tuổi 50 trở xuống) không hề được học để có thể viết hay. Trong khi đó, độc giả lại chỉ mong có những tác phẩm thật hay.

Đến đây, chắc chắn nhà lý luận văn học (vốn uyên thâm về chính trị nhưng lại rất cách vời với những hoài bão của độc giả) phải kêu lên: "Thế còn phẩm chất chính trị của tác phẩm thì sao?".

Xin nhà lý luận văn học chớ quá lo. Sau gần nửa thế kỷ đọc tác phẩm văn học, tôi chưa từng gặp một tác phẩm nào thực sự hay mà lại có nội dung chính trị phản động và tôi dám thách nhà lý luận chỉ ra một dẫn chứng bác lại ý tôi: giá trị mỹ học vốn đối kháng mãnh liệt với tính phản động, phản nhân đạo.

Vả chăng, cũng nên nghĩ lại một chút xem "chính trị" là gì? Trong trí óc của không ít người, "chính trị" được hình dung như một thực thể tự tại, độc lập đối với các mặt khác của cuộc sống, mang tính chất cứu cánh (mục đích tự thân), trong khi chính trị (đường lối, chính sách) thật ra chỉ là phương tiện: trong một chế độ xã hội tiến bộ, nó là phương tiện để thực hiện lẽ công bằng, đời sống no đủ của mọi người, đưa đến sự phát triển phồn vinh của nền văn hóa, trong dó có cả văn học.

Tuy nhiên, con người đôi khi nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích, quên mất mục đích của mình, lấy phương tiện làm mục đích, chăm chăm thực hiện cho thật đúng cái phương tiện đã chọn, mặc dầu cái phương tiện ấy đưa đến một kết quả hoàn toàn trái ngược với mục đích đã nhằm. Thói "hà tiện" (hay "biển lận") là một trường hợp điển hình. Tôi đã từng nghe một cán bộ cấp tỉnh có tư tưởng chống đối chính sách khoán sản phẩm kêu lên trong cơn say sưa hùng biện: "50 triệu nhân dân ta thà chết đói chứ quyết không từ bỏ đường lối đúng đắn của Đảng!" (ý nói đường lối hợp tác hóa). Ô hay! Chẳng lẽ một đường lối đưa đến một nạn đói cỡ ấy lại là một đường lối "đúng đắn"?

Giá trị của "chính trị" được kiểm nghiệm trong những kết quả không mang tính chính trị trực tiếp, chứ không phải ngược lại. Thế mà đã có biết bao nhiêu lần những cán bộ, công nhân có thành tích lao động lớn, có công phát minh ra những chân lý khoa học quan trọng, sáng chế ra những thiết bị kỹ thuật làm lợi cho nhà nước hàng triệu đồng, được coi là "kém về phẩm chất chính trị" (vì có tác phong "chuyên môn thuần túy", vì có những phát ngôn không vừa ý thủ trưởng) trong khi những kẻ lười biếng, bất tài, làm ẩu, được dung thứ hay thậm chí được khen ngợi là "có phẩm chất chính trị cao" (vì bao giờ cũng hăm hở tán thưởng những chủ trương đúng và sai của cấp trên).

Có nhiều người nói là Đặng Thái Sơn chỉ được mặt tài năng, chứ mặt chính trị thì còn yếu (vì nghệ sĩ này không nói giọng chính trị khuôn sáo như họ muốn và không chơi các bài nhạc cách mạng Việt Nam). Riêng tôi, bao giờ tôi cũng nghĩ về Sơn như về một ân nhân: anh đã chứng minh cho thế giới biết rằng người Việt ra nước ngoài không chỉ biết bán dầu cù là và mua nồi áp suất, và bất cứ người ngoại quốc nào nghe tiếng đàn của anh cũng phải khâm phục sâu xa cái chế độ ưu việt đã đào tạo ra một nhân tài như vậy giữa cảnh bom đạn của những năm chiến tranh phá hoại. Tác dụng ấy của tiếng đàn "phi chính trị" của Sơn theo tôi, là một tác dụng chính trị lớn lao.

Phải, chính trị phục vụ cho các ngành nghề phát triển, nhưng ngược lại, các ngành nghề đều phục vụ trở lại cho chính trị. Nhưng các ngành nghề phục vụ chính trị không phải bằng cách nói chính trị, mà bằng kết quả riêng của mình. Nông nghiệp phục vụ chính trị bằng những vụ mùa bội thu. Ngành xây dựng phục vụ chính trị bằng số lượng, phẩm chất và vẻ đẹp của những tòa nhà. Ngành văn học phục vụ chính trị bằng những tác phẩm hay mà nó cho ra đời. Nếu trong những năm tới các nhà văn của ta cho xuất bản những tác phẩm hay như Kiều hay Chinh phụ ngâm, được toàn dân đọc say sưa đến gần thuộc lòng, được dịch ra vài chục thứ tiếng, được giải thưởng quốc tế, thì điều đó chẳng phải là một sự kiện chính trị lớn hay sao?

Một tác phẩm văn học không hay không thể có tác dụng chính trị tốt. Một tác phẩm văn học dở chỉ có thể có tác dụng chính trị xấu. Điều đó, mọi người hình như nhất trí thừa nhận. Thế nhưng trong quan niệm của một số nhà lãnh đạo, nhà phê bình văn học, nhiều tác phẩm dở vẫn được coi là "tốt" về phương diện "nội dung chính trị", và điều đó được coi là đủ để cho ấn hành các tác phẩm này, và tác giả của nó vẫn có chỗ đứng đàng hoàng trên văn đàn, trong khi đó chỉ cần có một ý, một đoạn, một câu sai chính sách (hay sai phương pháp "hiện thực xã hội chủ nghĩa") trong một tác phẩm, dù là tác phẩm hay, cũng đủ cho tác giả điêu đứng suốt đời. Và, lạ thay, đến khi cái chính sách kia đã tỏ ra sai lầm và bị mọi người lên án đúng như tác giả đã từng lên án trước kia, thì cũng không phải vì thế mà cuộc đời của tác giả đỡ long đong.

Viết đến đây, tôi không thể không nhớ đến hiện tượng Bút Tre. Thơ Bút Tre đã bị đình chỉ phát hành từ lâu. Nhưng nó lại được nhiều người thuộc hơn bất cứ thứ thơ nào khác. Thậm chí người ta còn sáng tác thêm những câu thơ "Bút Tre dởm" rất khó phân biệt với thơ Bút Tre "thứ thiệt", và cũng được nhiều người thuộc không kém. Thành thử thứ thơ này đâm ra có ít nhiều tính cách dân gian. Có người cho rằng sở dĩ được như thế là vì thơ Bút Tre "quá dở". Không, không phải thứ thơ nào "quá dở" cũng được người ta thuộc lòng. Giá không sợ làm phiền lòng các tác giả, tôi có thể dẫn ra đây nhiều câu thơ còn dở hơn, nhảm nhí hơn, chướng tai hơn thơ Bút Tre, mà chẳng có ai thuộc cả. Theo tôi, sở dĩ thơ Bút Tre "thành công" như vậy vì nó là một biếm họa sắc sảo nhại lại một loạt tác phẩm viết theo một khuynh hướng mà không hiểu vì sao người ta lại gọi là "hiện thực xã hội chủ nghĩa". Ở ta, có quá nhiều người quan niệm cái phương pháp sáng tác này một cách thô kệch, và cách quan niệm của họ đã thống trị trong một thời gian khá dài.

Cái mà số người ấy gọi là "hiện thực xã hội chủ nghĩa", thật ra chẳng có liên quan gì đến chủ nghĩa hiện thực cả. Đúng hơn, đó là một sự dối trá, tuy là một sự dối trá hiếu thảo (pieux mensonge). Một người con phải nói dối với cha mẹ già rằng lâu nay mình vẫn no đủ, để cho cha mẹ vui lòng nhận sự phụng dưỡng của mình; một người dân nói với nhà báo ngoại quốc rằng mình muốn ở đâu thì ở, đi nước nào thì đi, để cho hắn khỏi nghĩ xấu về nhà nước của mình, một cầu thủ giơ tay ra hiệu với trọng tài rằng mình có quyền ném biên mặc dầu biết mười mươi là chính mình đá bóng ra ngoài. Đó đều là những sự dối trá hiếu thảo, vì tình thương, vì lòng yêu nước, vì tinh thần ê-kip. Nó có cái đẹp riêng, nó khá cảm động, nhưng nó vẫn không phải là hiện thực chủ nghĩa. Trong văn học, nó không thể có sức mạnh thuyết phục và lay chuyển của sự thật được sống thật.

Dĩ nhiên, hiện thực của văn học không đồng nhất với tính có thật. Có nhiều chuyện có thật không thể đưa vào văn học, hoặc ít ra cũng không thể làm đề tài cho văn học, và một trong các lý do là nó vượt quá sức chịu đựng của một người đọc đang cần tin vào những điều được in trên trang sách để có thể cảm được cái đẹp chứa trong tác phẩm. Ở đời có những sự thật không thể tin được. Chỉ riêng trong lĩnh vực văn chương, và chỉ kể những chuyện được nhiều người biết rõ thôi, cũng đã có thể lập được một danh sách khá dài.

Một giáo sư lấy sách giáo khoa trung học của nước ngoài dịch ra tiếng Việt rồi cho xuất bản dưới tên mình thành một "công trình nghiên cứu" nhiều tập (trong bộ sách này có rất nhiều chỗ khác xa nguyên bản, nhưng những chỗ khác nhau đó đều do dịch sai mà ra).

Một học giả viết một cuốn sách phê phán tơi bời các trào lưu văn học phương Tây mà chưa từng đọc lấy một tác phẩm nào thuộc các trào lưu đó, đến nỗi lẫn lộn cốt truyện này với cốt truyện khác, tên nhân vật này với tên nhân vật khác, hoặc với tên tác giả, tên địa phương với tên nhân vật v.v...

Một nhà lý luận có cương vị lãnh đạo hết đợt này đến đợt khác lần lượt đưa ra những học thuyết động trời như "âm nhạc không phản ánh hiện thực", "trong xã hội xã hội chủ nghĩa không thể có bi kịch", "văn học dân gian ngày nay là văn học của địch", "các tác phẩm của Aitmatov mang tính hiện thực triệt để vì nó phản ánh trung thành quá trình tái lập chủ nghĩa tư bản ở Liên Xô" v.v...

Một giảng viên đại học dạy văn học nước ngoài mà không hề biết lấy một ngoại ngữ, và sau hơn 20 năm giảng dạy vẫn chưa thèm biết một ngoại ngữ nào cho ra hồn v.v...

Cái khó tin nhất ở đây là các bậc học giả hữu quan, sau khi thực hiện những thành tích khó tin ấy, vẫn nghiễm nhiên giữ cương vị cao trong giới học thuật. Giá ở một thế giới phù hợp hơn với sức tưởng tượng của người bình thường, thì chỉ một phần mười những chuyện họ làm thôi cũng đủ chấm dứt vĩnh viễn một sự nghiệp văn chương.

Những chuyện như trên, rõ ràng là thuộc lĩnh vực hình sự, lĩnh vực y học, hay lĩnh vực "chuyện lạ đó đây" ngang hàng với những dị dạng như người hai đầu, đàn bà có râu xồm, anh em Xiêm La v.v... xưa kia hay được trưng bày trong các hội chợ hay các rạp xiếc; nhưng ngày nay, với sự tiến bộ của văn minh và liêm sỉ, cũng không thấy đâu đưa ra trưng bày nữa. Những hiện tượng như vậy quyết không phải là đối tượng khai thác của một nền văn học biết tự trọng.

Trên đời còn có những chuyện tuy không đến nỗi khó tin như vậy, nhưng nếu được phản ánh y nguyên trên sách báo văn học thì một người đọc như tôi cũng khó lòng có cảm xúc thẩm mỹ được, dù là cảm xúc phủ định, nhất là khi nó được đưa lên trang giấy với một tần số quá cao. Tôi xin tác giả lượng thứ cho khi tôi thú thật rằng mình không khỏi có một cảm giác ghê ghê khi đọc một vài truyện của Nguyễn Huy Thiệp mặc dầu truyện ngắn của anh được nhiều người ưa thích. Tôi không có đủ lý luận để nhận định cho rõ ràng về giá trị của những hình tượng đã gây nên cái cảm giác ấy, nhưng tôi vẫn sợ gặp quá nhiều những hình tượng như thế.

Tôi tin rằng phần đông độc giả, cũng như tôi, đều ước ao tìm thấy trong văn học những hình ảnh thức tỉnh trong lòng mình những cảm xúc cao đẹp hơn những hình ảnh trong cuộc sống lầm than hàng ngày. Và tôi nghĩ rằng trong xã hội ta ngày nay những hình ảnh như vậy không thiếu, nhất là khi nhà văn nhìn thấy nó trong những con người lao động hèn mọn không hề được xã hội coi là anh hùng hay là người tốt, thậm chí còn bị xã hội khinh rẻ, hắt hủi. Trong một hoàn cảnh mà chỉ có ý muốn sống cho trung thực, lương thiện thôi, cũng đã phải trả giá bằng bấy nhiêu cơ cực, bấy nhiêu nhục nhằn, thì hình ảnh của những con người anh hùng vô danh ấy càng đẹp đẽ lớn lao, đôi khi chẳng kém gì những anh hùng được công nhận và đề cao, nhất là khi nó lóe lên giữa bóng tối của sự vô danh và chưa hề bị những ngôn từ tuyên truyền rẻ tiền dung tục hóa đi.

Những hình ảnh tiêu cực ở tần số quá cao sẽ làm cùn mòn những cảm xúc phẫn nộ chống lại nó, nhất là vào lúc này, khi chúng ta đang dần dần đi đến chỗ coi những hiện tượng khốn nạn nhất là bình thường, và coi những hành động vô tư, vị tha cao quý là gàn dở, hay thậm chí là ngu xuẩn.

Nói như vậy, tôi không hề có ý chê trách các báo chí gần đây đã đăng nhiều tác phẩm có tính phê phán. Ít nhất là trong giai đoạn này, thiên hướng phê phán là tự nhiên và cần thiết, và việc những tác phẩm như thế được in ra là rất đáng mừng, rất đáng tự hào cho nền dân chủ của ta, cho xã hội của ta nói chung và cho giới "chính trị" nói riêng. Nói như E. Evtusenco, ta rất cần những tác phẩm như thế để "phục hồi và phát triển một tình cảm rất người mà ta đã đánh mất từ lâu: sự hổ thẹn".

Thành tựu mà các tác giả và các báo chí ấy đã đạt được chính là thành tựu của thằng bé con trong truyện cổ tích của Anderxen khi nó đứng trong đám đông mà reo lên: "Ông vua cởi truồng kìa!". Sau tiếng reo ấy, không còn ai có thể thuyết phục cho đám đông nhìn thấy lại bộ áo quần tuyệt mỹ của nhà vua kia nữa.

Nhưng tôi và những người đọc như tôi vẫn khát khao mong chờ được rung cảm với những hình ảnh cao đẹp hơn. Tôi tin rằng tất cả những ai còn tin tưởng ở tương lai đều có niềm khao khát ấy.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 20 (14-5-1988)

Không có nhận xét nào: