Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

Khủng hoảng tài chính toàn cầu và nền kinh tế nước ta


Vũ Khoan

Nhan Dan Online 1.11.2008 - Ngày nay ở khắp nơi, người ta đều bàn luận và hơn thế nữa đều phải áp dụng những biện pháp khẩn cấp ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng "hàng thế kỷ mới có một lần" (hình minh họa: Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời kênh truyền hình CNN lúc 6g35 ngày 20/6/2005, ba năm trước đây về quan hệ thương mại Việt Mỹ. http://www.nhacdinh.com/GL/Kinh-doanh/2005/06/3B9DF5A8/).


Trước hết, là về những nguyên nhân đưa đến tình trạng này và những hệ lụy của nó. Mọi người đều biết nguyên nhân trực tiếp là những sai lầm của hệ thống ngân hàng Mỹ đã cho vay quá dễ dãi, nhất là trong việc cấp tín dụng cho kinh doanh bất động sản. Và trong thời đại toàn cầu hóa, khi các ngân hàng toàn cầu có mối quan hệ tín dụng đan xen nhau nhằng nhịt, cuộc khủng hoảng tài chính của nền kinh tế lớn nhất là Mỹ đã nhanh chóng lây lan sang các nước khác như hiệu ứng đô-mi-nô. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay ẩn chứa nhiều nguyên nhân sâu xa và sẽ gây ra nhiều tác động rộng lớn hơn nhiều.

Ðó là hậu quả của xu hướng phát triển quá nhanh của hệ thống tài chính - tiền tệ, trong đó tiền tách khỏi hàng, tiền đẻ ra tiền với giá trị lớn hơn giá trị hàng hóa hàng trăm lần; lượng tiền khổng lồ đó lại được chuyển dịch nhanh chóng, chằng chịt tới mức không ai kiểm soát nổi. Có thể nói đó là một nền "kinh tế ảo", "tiền tệ ảo" chưa có tiền lệ.

Thuyết kinh tế thị trường tự do, tôn sùng quá mức tác dụng của thị trường theo hướng "thị trường quyết định tất cả", Nhà nước buông lỏng giám sát, quản lý và không tác động kịp thời, đúng mức, đúng cách đã bộc lộ "gót chân a-sin" của nó. Ngay Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di cũng phải thốt lên rằng, coi "thị trường luôn luôn đúng là một ý tưởng điên rồ" và Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ phải thừa nhận rằng "Cuộc khủng hoảng hiện thời sẽ thúc đẩy chúng ta xây dựng lại nền tảng của chủ nghĩa tư bản. Chúng ta cần tìm ra thế cân bằng giữa Nhà nước và thị trường". Có một hiện tượng lý thú là trong những ngày này, ở Tây Âu người ta tìm đến cuốn "Tư bản luận" của Các Mác từ hơn một trăm năm trước - cuốn sách đã chỉ ra căn bệnh này, thậm chí cả cách chữa trị nó!

Cuộc khủng hoảng lần này còn dóng lên hồi chuông cảnh báo về vị trí lãnh đạo đã bị lung lay của nền tài chính Mỹ trong nền tài chính toàn cầu. Ðồng thời, báo hiệu về một hiện tượng mới: đó là vị trí của các nền kinh tế mới nổi. Bên cạnh đó, vai trò của các thể chế tài chính - tiền tệ toàn cầu như WB, IMF, WTO được sinh ra từ hệ thống Britton Wood tỏ ra khá mờ nhạt.

Với những tác động sâu xa ấy, cuộc khủng hoảng hiện nay đang đặt ra nhu cầu bức bách phải cơ cấu lại nền tài chính - kinh tế thế giới về nhiều mặt, từ lý thuyết đến hệ thống quản lý kinh tế - tài chính ở từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu cũng như vị trí của các nền kinh tế trong thế giới ngày nay. Quá trình cơ cấu lại ấy sẽ diễn biến ra sao và theo hướng nào sẽ không đơn giản và cần có thời gian theo dõi.

Trước mắt, người ta đang buộc phải tung ra mấy nghìn tỷ USD từ dự trữ hoặc từ ngân sách để cứu vãn tình hình, chủ yếu theo 5 hướng: bơm tiền cho các ngân hàng cạn vốn; mua lại các khoản nợ xấu hoặc các giấy tờ có giá trị của ngân hàng; Nhà nước mua cổ phần hay quốc hữu hóa các ngân hàng gặp nạn; nâng mức bảo hiểm tiền gửi và, IMF phải cấp tín dụng cho một số nước không có khả năng cứu vãn các ngân hàng đang có nguy cơ sụp đổ. Những biện pháp trên được tiến hành đi đôi với quyết định hạ lãi suất cơ bản liên tục để kích thích nền kinh tế.

Nhiều người cho rằng, hiện nay thế giới mới phải đối mặt với khủng hoảng tài chính - tiền tệ chứ chưa phải là khủng hoảng kinh tế vì tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay vẫn ở mức "dương" (ngày 8-10, IMF dự báo sẽ tăng khoảng 3,39%). Nhưng rõ ràng, sự tăng trưởng ấy đang chậm lại, kinh tế một số nước đã rơi vào suy thoái và nguy cơ suy thoái toàn cầu là hiện thực. Ðiều đó thể hiện ở chỗ, các chỉ số trên thị trường chứng khoán nhiều nước dao động dữ dội, có lúc thuyên giảm hàng chục phần trăm, tiêu dùng thu hẹp đáng kể, giá cả nhiều mặt hàng giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt...

Hiện nay chưa thể dự báo thật chuẩn xác kinh tế thế giới có rơi vào khủng hoảng trầm trọng hay không, nông sâu và dài ngắn ra sao. Nhưng ngay bây giờ, đã có thể khẳng định rằng, không thể chờ đợi một sự phục hồi nhanh chóng, mạnh mẽ được và chắc chắn hệ lụy của nó sẽ lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 1997.

Cuộc khủng hoảng lần này không tha bất cứ ai; mọi nền kinh tế ít nhiều sẽ chịu tác động của nó vì các nền kinh tế đã ngồi chung trên một con thuyền, khi sóng to gió lớn thì không ai có thể tránh được nôn nao. Nền kinh tế nước ta cũng không phải là ngoại lệ. Có ý kiến cho rằng, do chưa hội nhập sâu, ít quan hệ làm ăn với các ngân hàng bị khủng hoảng hoặc phá sản, cho nên kinh tế nước ta chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp và không lớn. Có lẽ những đánh giá như vậy cần được cân nhắc kỹ vì kinh tế nước ta tùy thuộc lớn vào nền kinh tế thế giới: kim ngạch xuất - nhập khẩu ngang với 170-180% giá trị GDP, vốn nước ngoài chiếm tới hơn 30% tổng số vốn của xã hội. Vấn đề là, tác động ấy có độ trễ nhất định và trong hoàn cảnh hiện nay khó tách biệt: thế nào là tác động gián tiếp, thế nào là trực tiếp, một tác động "nhỏ" đối với nước khác có thể sẽ là "lớn" đối với nước ta, nhất là trong lúc chúng ta đang kỳ vọng sớm ra khỏi tình trạng nước kém phát triển và đẩy mạnh CNH, HÐH.

Kinh tế nước ta chịu tác động nhiều hay ít sẽ còn tùy thuộc vào độ sâu và độ dài của cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, trước mắt có thể hình dung một số tác động sau:

Xuất khẩu sẽ chịu tác động kép trên cả ba phương diện: đơn đặt hàng sẽ ít đi do bạn hàng giảm nhập khẩu vì những khó khăn về tài chính - kinh tế ở nước họ, nhu cầu của người tiêu dùng giảm; giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như dầu thô, lúa gạo, cao-su, cà-phê, thủy sản... đều giảm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ co lại do gặp khó khăn về vốn và đầu ra.

Về nhập khẩu, một mặt có khả năng giảm bớt nhập siêu do giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu giảm, nhu cầu trong nước cũng ít đi, từ đó lạm phát sẽ dịu bớt. Nhưng mặt khác, lại nảy sinh khả năng nhập khẩu sẽ gia tăng do giá cả trên thị trường thế giới thuyên giảm, thuế suất hạ thấp theo các cam kết quốc tế và điều này sẽ gây sức ép mạnh lên sản xuất trong nước.

Nguồn vốn có nhân tố nước ngoài cũng có khả năng giảm. Tuy cam kết về FDI cao, nhưng mức độ giải ngân sẽ có vấn đề do các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong huy động vốn và tiêu thụ sản phẩm; cũng vì lý do đó, có thể đầu tư trực tiếp (FII) sẽ giảm, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán nước ta. Nguồn kiều hối từ cả phía cộng đồng người Việt ở nước ngoài lẫn lao động xuất khẩu có thể sẽ không dồi dào. Thu nhập từ dịch vụ, kể cả du lịch, kinh doanh tài chính - tiền tệ, vận tải đều có thể giảm.

Về tài chính tiền tệ, sự giao dịch, vay mượn sẽ không dễ dàng, và ẩn chứa nhiều rủi ro hơn; tỷ giá các đồng tiền, giá vàng sẽ dao động mạnh, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Dưới tác động của những nhân tố trên, mức độ đầu tư, huy động vào ngân sách, tiêu dùng trong nước, cán cân thanh toán, công ăn việc làm... đều có thể bị ảnh hưởng, từ đó tốc độ tăng trưởng cũng sẽ chịu tác động và có thể nảy sinh những vấn đề xã hội mới. Cuộc khủng hoảng giữa những năm 90 thế kỷ trước nổ ra tại các nền kinh tế không lớn, tác động không nhiều như lần này nhưng cũng đã làm cho kinh tế nước ta gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP từ 8,2% năm 1997 xuống còn 5,8% năm 1998 rồi 4,8% năm 1999, chỉ từ năm 2000 mới phục hồi dần, mãi tới năm 2005 mới lấy lại được tốc độ 8,4%.

Trên đây mới phác ra đôi nét về những tác động có thể có, chắc rằng các ngành hữu quan và các doanh nghiệp sẽ đi sâu dự liệu đầy đủ hơn để sớm có biện pháp ứng phó thích hợp.

Nhìn ở tầm vĩ mô, việc hạn chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng lần này có phần khó hơn vì chúng ta phải xử lý tác động kép: vừa phải che chắn những tác động tiêu cực của khủng hoảng về tài chính - tiền tệ và có thể cả về kinh tế toàn cầu, vừa phải tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát trong nước. Khác với những năm 90 của thế kỷ trước, chỉ số tăng giá ở nước ta tương đối thấp, thậm chí có năm như năm 2000 còn âm, ngày nay chúng ta đang phải đối phó với lạm phát hơn 20%. Vì vậy, việc kích cầu trong nước để đỡ cho tác động từ bên ngoài sẽ khó hơn.

Tình hình trên gợi ý một số cách tiếp cận nên được tính đến.

Một là, trong điều kiện kinh tế thị trường, lại hội nhập sâu với kinh tế thế giới, mà ở đó, ổn định chỉ là trạng thái tương đối, xáo động, bất trắc là thường xuyên, việc nêu ra những chỉ tiêu kế hoạch không nên cột chặt mà chỉ nên coi là định hướng với nhiều phương án khác nhau, được điều chỉnh cơ động, linh hoạt tùy theo diễn biến của tình hình trong nước và trên thế giới.

Hai là, trong khi tìm kiếm thị trường mới ở ngoài nước không đơn giản vì tất cả các nước, dù ít dù nhiều, đều chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, kích cầu trong nước vẫn là một hướng nên được tính đến cho dù nay có khó khăn do lạm phát còn ở mức cao. Theo đó, có lẽ nên sử dụng nguồn vốn còn lại sau khi đã bị cắt giảm để chống lạm phát theo ba hướng: thật tập trung, thật hiệu quả, vừa đáp ứng nhu cầu ngắn hạn là kích cầu trong nước, vừa góp phần giải quyết những vấn đề trung và dài hạn. Lĩnh vực có thể tính đến là hỗ trợ nông nghiệp - nơi tập trung tới hơn 70% dân số; xây dựng và hoàn thiện những công trình hạ tầng ở những nơi ách tắc giao thông để vừa kích cầu về vật liệu xây dựng, duy trì công ăn việc làm, vừa tháo gỡ khó khăn trước mắt và lâu dài đối với các ngành sản xuất - lưu thông.

Ba là, hơn lúc nào hết, tình hình đòi hỏi tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, điều hành linh hoạt chính sách thuế, lãi suất, tỷ giá để kích thích sản xuất và tiêu dùng trong nước và duy trì sự tăng trưởng về xuất khẩu. Một lĩnh vực cần có sự tháo gỡ khó khăn, kích cầu trong nước là kinh doanh bất động sản đang bị đóng băng. Nhìn ra bên ngoài, ta thấy, Trung Quốc cũng đang làm việc này.

Bốn là, biến thách thức thành cơ hội không chỉ là ý tưởng viển vông mà đã được thể hiện khi nước ta chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực cuối thế kỷ trước. Vấn đề là tìm ra và khôn khéo tận dụng những cơ hội ấy. Ðó phải chăng là việc rút ra những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để củng cố hệ thống tài chính - tiền tệ của nước ta? Ðó phải chăng là việc chuyển mạnh từ xu hướng phát triển về số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, từ tốc độ sang sự bền vững? Ðó phải chăng là những nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế bảo đảm khả năng có thể đứng vững trên đôi chân của mình? Ðó phải chăng là việc đẩy mạnh quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính để vừa thúc đẩy sản xuất trong lúc khó khăn, vừa chuẩn bị điều kiện đón đầu những cơ hội mới khi kinh tế hồi phục? Ðó phải chăng là việc tận dụng lợi thế của nước ta về ổn định chính trị và tốc độ tăng trưởng không đến nỗi nào để giữ chân và thu hút nguồn lực từ bên ngoài? Ðó phải chăng là việc tận dụng giá máy móc, thiết bị trên thị trường thế giới sẽ thuyên giảm để đổi mới công nghệ nước ta?...

Tình hình thật không đơn giản, không thể xem thường, song cũng không nên hoang mang. Vấn đề là, nếu tỉnh táo theo dõi, chủ động phòng ngừa thì chắc rằng nền kinh tế nước ta, một lần nữa, sẽ qua được sóng gió.

Không có nhận xét nào: