Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Bùi Văn Bồng: Gửi gió trời Nam

DẠY VÀ HỌC. Tôi quý mến và cảm thơ Bùi Văn Bồng khi đọc "Khóc bên mộ cha" anh viết thật xúc động: Cha đi chưa buổi chiều tà Hưởng dương một kiếp mưa sa nửa đời Đàn con bảy đứa đơn côi Khóc cha chưa biết bậm môi nén lòng Một mình đội rá ăn đong Mẹ dốc hết lòng nuôi bảy con thơ Chị tôi chớm nụ mộng mơ Đàn em còn tuổi ngây thơ đầu đời Thương cha chỉ biết kêu trời Trời thu xanh thẳm nắng vơi cuối đồng Cảnh đời xa xót long đong Lạnh buồn chăn chiếu như không nóc nhà Mẹ tôi tần tảo bôn ba Nuôi con rau muống, lu cà, vại tương Cấy cày từ lúc mờ sương Tảo tần khuya khoắt lên giường chưa yên Nhiều khi mong gặp phép tiên Cho tôi thấy nụ cười hiền của cha Bướm vàng vừa đậu cành hoa Linh thiêng hãy hóa thành cha năm nào Hương trầm ướp gió đồi cao Xin làn hương nhẹ bay vào mộ cha Muối tiêu tóc gió chiều tà Rưng rưng đứng trước mộ cha khóc thầm. Gần đây, anh chọn 63 bài in thành tập với tựa đề "Gửi gió trời Nam". Lê Xuân nhận xét: "Thơ Bùi Văn Bồng có nỗi đau nhân tình thế thái, có buồn vui cùng muôn kiếp nhân gian, có hoài bão, khát khao về một tình yêu lớn, có suy tư, trăn trở trước nghịch cảnh cuộc đời. Anh đến với thơ như một sự tình cờ, không chủ định nhưng khá thành công. Đúng như nhà văn Nam Cao đã nói: “Hãy sống đã rồi hãy viết”. Anh đã sống rất nhiệt huyết và chân tình, gắn bó với đất và người miền Cửu Long Giang, đi nhiều, cảm nhiều, có vốn sống thực tế phong phú, nhưng trên hết anh có một tấm lòng rộng mở đón gió bốn phương, luôn nhìn, ngắm, nghĩ suy, xúc cảm chân tình để bật lên những điệu tâm hồn cộng hưởng, thăng hoa cùng con người và cuộc sống. Bạn đọc tin rằng đường thơ của anh còn rộng mở và bước xa hơn nữa. Ngôn ngữ thơ anh được chọn lọc khá kỹ, vừa giàu hình ảnh, gợi liên tưởng sâu xa cho người đọc, lại có nét độc đáo của Nam bộ mến thương. Hy vọng tập thơ “Gửi gió trời Nam” sẽ đem đến cho bạn đọc sự lắng đọng sâu sắc, những cảm xúc, những ghi nhận mới mẻ, trẻ trung và khó quên. Phải ghi nhận rằng, từ trước đến nay hầu như ít tác giả cho ra mắt bạn đọc được một tập thơ trữ tình khá dày, chuyên đề về vùng đát phương Nam như tập “Gửi gió trời Nam” của Bùi Văn Bồng. Đây cũng là tiêng nói tri âm mà tác giả đã cảm nhận, nhớ ghi, gửi gắm đến con người “hào phóng dễ tin yêu” và thiên nhiên thơ mộng trên đất “Chín Rồng”. Tôi tâm đắc với cảm nhận của Lê Xuân. Gửi gió trời Nam của Bùi Văn Bồng là thơ hướng tâm linh con người vươn tới Chân Thiện Mỹ (HK)

BÙI VĂN BỒNG MỘT HỒN THƠ LỘNG GIÓ PHƯƠNG NAM

Lê Xuân
Đọc tập thơ “Gửi gió trời Nam” của Bùi Văn Bồng - NXB Hội Nhà văn



Phương Nam kênh rạch trôi bình lặng
Con người hào phóng dễ tin yêu…


Hiện thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ của vùng đất phương Nam đã thôi thúc nhà thơ, nhà báo - đại tá Bùi Văn Bồng cho ra mắt bạn đọc những bài thơ đầy rung cảm với thi pháp mang nét riêng khá độc đáo. Tất cả đều nhằm phản ánh cuộc sống sinh động, phong phú qua sự cảm nhận, liên tưởng, suy tư, là tiếng lòng tha thiết với tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống và quê hương đất nước. Anh làm thơ là để giãi bày tâm sự. Sau 4 tập truyên và thơ in riêng và hàng chục tác phẩm in chung trong các Tuyển tập thơ như: Thơ Việt Nam thế kỷ 20; Duyên thơ; Thơ tình Đà Lạt; Chúng tôi đánh giặc và làm thơ; Hợp tuyển thơ về Hồ Chí Minh; Nước non một dải; Tuyển tập thơ về Nguyễn Trãi, Nghìn năm thương nhớ…; lần này, anh cho ra mắt tập thơ “Gửi gió trời Nam” khá dày với 63 bài, một tập thơ chuyên đề viết về miền đất Cửu Long Giang hữu tình. Anh là người của xứ Bắc, nhưng đã cho ra đời tập thơ khá dày và chon lọc chuyên đề về vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đề tài, chủ đề của thơ Bùi Văn Bồng khá đa dạng và được thể hiện qua phong cách nghệ thuật trữ tình-lãng mạn kết hợp hài hoà với nội tâm sâu lắng, liên tưởng trong không gian ba chiều và có chất triết luận. Anh là lớp nhà thơ sáng tác từ cuối thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trưởng thành sau năm 1975. Vì thế, thơ anh luôn hướng tới những vấn đề lớn của cộng đồng và thời đại, dòng thơ nặng tình quê hương đất nước trong thời bình. Bởi thế, anh luôn luôn tâm niệm thơ là tiếng nói của tâm hồn, là điệu tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu (Tố Hữu). Và từ cái điệu tâm hồn hòa đồng ấy, thơ Bùi Văn Bồng khắc họa sâu đậm những cảm nhận giàu chất liệu hiện thực cuộc sống của một vùng mênh mang sông nước Cửu Long, đúng như tên gọi của tập thơ: Gửi gió trời Nam.

Với “Gửi gió trời Nam” tác giả đứng ở nhiều góc độ để quan sát, nhìn nhận, cảm xúc về con người và cuộc sống. Từ đó tình cảm thăng hoa bật lên những vần thơ khi trầm ngâm sâu lắng, khi reo vui rộn rã. Anh là người đã gắn bó với vùng đât phương Nam đã hơn 30 năm, đi đến nhiều xóm ấp nơi miền quê thanh bình, nơi biên giới Tây Nam hùng vĩ, chiêm nghiệm nhiều, nên chỉ với 63 bài thơ mà hàm chứa biết bao cảnh làng quê, sông nước xứ miệt vườn, những tên đất, tên làng, tên sông, tên núi ở miền đồng bằng châu thổ Tây Nam của Tổ quốc, nơi được coi như quê hương thứ hai của anh. Những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp được anh ghi lại như một ký hoạ bằng thơ đầy sắc màu của sự sống.

Đây là cảnh sắc vùng biên cương Bảy Núi, biển Ba Động nên thơ, kia là rừng tràm Trà Sư hoang dã, núi Cấm trầm mặc, Thạch Động uy nghiêm, mũi Cà Mau sóng vỗ, bưng biền Đồng Tháp mênh mang… Những rung động khẽ khàng trong cõi lòng sâu thẳm bỗng bật thành thơ. Dòng sông Hậu hiền hòa in hình cô gái Nam Bộ chèo xuồng ba lá, áo bà ba bay trước gió làm thổn thức hồn thơ của anh:

Dòng sông thì rộng mênh mông
Áo em lại thắt eo hông làm gì
Khen ai khéo chiết đường ly
Để cho tà áo thầm thì lời quê.
(Áo bà ba)


Đã có không ít tứ thơ, bài hát ngợi ca nét đẹp duyên dáng và độc đáo của chiếc áo bà ba Nam bộ, nhưng bài thơ này của Bùi Văn Bồng đã để lại ấn tượng lắng sâu trong lòng người đọc. Bài thơ lục bát, một thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam với chất dân ca đâm đà, tình tứ, chỉ với 20 câu thơ đã toát lên vẻ đẹp bình dị nét quê lề đất của miền Tây Nam bộ. Đặc biệt, câu lục bát: Dòng sông thì rộng mênh mông / Áo em lại thắt eo hông làm gì - được trang web lụcbat.com chọn lọc vào tập thơ “Nghìn câu lục bát để đời” của 1.000 tác giả, viết bằng thư pháp, món quà tinh thần dâng Lễ kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long –Hà Nội. Câu thơ trên cũng là một trong 100 câu lục bát được chọn để tung lên trời trong đêm Nguyên tiêu tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám nhân Ngày thơ Việt Nam.

Một chút “Hương cau” của làng quê phả vào “Tiếng đờn đêm trăng” làm lung linh một “Huyền diệu trăng”. Có lúc anh “Lặng thầm” trước “tóc vờn bay trong gió” của cô gái xứ dừa Bến Tre:

Hồn anh chỉ còn em và sông nước
Với dừa xanh – những chiếc lược cài mây
Em đừng nói về con sóng ngược
Để hương dừa thơm mãi trong tay.
(Mái tóc hương dừa).

Viết về quê hương, anh không bị sa đà vào những hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã khá quen thuộc. Anh có cách cảm nhận về nét riêng thuần khiết mà thơ mộng của miền Tây Nam bộ như:“Đêm vùng lũ”, “Cánh đồng mùa lũ”, “Mùa bông điên điển”, “Khói đốt đồng”, “Bông súng”, “Những dấu chân xanh”, “Tây Đô xanh” hay những mùa nước nổi

Cuối mùa trào dâng nước lũ
Tha La, Trà Sư trắng xóa đập tràn
Mưa trắng đất, trắng trời vần vũ
Hòn Đất, Kiên Lương ngập chứa chan.
(Tứ giác trắng)


Tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu thiên nhiên, tình bè bạn trong thơ anh luôn đằm sâu. Dấu chân anh đã đi khắp đồng bằng châu thổ, được thưởng thức nhiều món ẩm thực đồng quê mới lạ ở xứ “vườn sinh kinh ngập” này, lòng anh càng nhớ về quê nội xứ Thanh, một nỗi “nhớ Bắc”, nhớ mẹ cha, chú bác da diết khi Tết đến xuân về: Bánh chưng xanh, bánh xu xê / Lá dong gói bánh thơm về cõi xa / Nén nhang thắp viếng ông bà / Lời quê đậm mãi chén trà đón xuân… Nhiều khi anh trở về với những kỷ niệm quê nhà một thời trai trẻ, nhớ đến những kỷ niệm của một thuở mới yêu:

Vườn nhà còn ngát hương cau
Giờ em đang ở nơi đâu cuối trời?
Mảnh mai chiếc lá vàng rơi
Cánh chim lạc gió về nơi mưa nhiều
(Hương cau)
Vượt sóng ra đảo xa Phú Quốc, anh ghi nhận được những nét đẹp của người lính biên phòng nơi hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc:

Những người lính biên phòng Phú Quốc
Trăm quê riêng về đảo nhỏ tiền tiêu
Thư ngược sóng tới phương trời thương nhớ
Hồng lên hương nắng ấm trong chiều.
(Biên phòng Phú Quốc)

Là người đã gắn bó gần 40 năm trong quân ngũ, hình ảnh người lính trong thơ anh thật đẹp, gần gũi và thân thương:

Người lính đồng bằng lên biên giới
Quân phục nhuộm xanh một khoảng trời
Thẳm sâu đáy mắt người trông đợi
Gặp gió bưng biền m
ằn mặn môi.
(Gửi gió trời Nam)

Cái tình của anh gửi tới bạn bè ở mọi miền đất nước, đặc biệt là đối với miệt vườn vùng đất Chín Rồng sâu nặng qua loạt bài: Chuyện tình Hai Lúa, Du lịch Phù Sa, Mùa cá dứa Cà Mau, Mùa hoa điên điển, Nhà Bác ở Cà Mau, Người Cà Mau đi dự lễ Đền Hùng, Núi Cấm, Qua phà sông Hậu, Quýt hồng Lai Vung, Sỏi trên Hòn Đất, U Minh rạng sáng, Trên thềm cổ Óc Eo, Xanh mát Ba Tri, Xuân miệt vườn, Xuồng ba lá… Phần lớn số bài của tập thơ anh dành nghĩa tình cho đất và người vùng miệt vườn sông nước Cửu Long - vùng đất gian lao mà anh dũng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Anh có những dòng thơ chân tình nhất, chia sẻ nỗi đau với những người nghèo khổ như: Người nông dân trong ngày lũ, người tàn tật, bất hạnh và những ngang trái của cuộc đời. Anh nghẹn ngào, thương tâm đến thắt lòng trước cảnh cực khổ của những người nông dân sống chung với lũ:

Mỗi năm một mùa nước nổi
Chạy lũ như dân du thuyền
Lênh đênh dẫu biết nguồn cội
Lũ dâng ngập nửa mái hiên…
(Làng mới vượt lũ).



Song, trước những cảnh tượng ấy, ta không hề thấy trong thơ anh có tiếng kêu não nuột, bi lụy, tuyệt vọng nào trước gian khó cuộc đời. Anh hướng nhân vật trữ tình tới muôn sự lạc quan:
Ngựa ô xưa khớp kiệu vàng
Anh rong xe máy về làng đón em
Tơ vàng ươm nắng ngõ quen
Phù sa sau lũ rực lên ánh vàng.
(Vàng trên đất lũ)


Con người Nam bộ vốn chân tình, bộc trực mà hào phóng, trọng nghĩa khinh tài, tự tin, yêu đời từ ngày đi mở cõi. Với mùa lũ, mùa nước nổi họ vẫn coi như một quy luật, một lẽ đương nhiên của trời đất, như chuyện thường ngày, và luôn luôn chủ động “sống chung với lũ”. Đó là cái chất hiếm, đáng quý mà không phải cư dân vùng nào cũng có được.

Một đề tài anh rất tâm đắc là tình yêu- đề tài vĩnh hằng, biết bao nhà thơ trên thế giới này đã viết. Thơ tình Bùi Văn Bồng thể hiện tình yêu thật trẻ trung, say đắm và hết sức hồn nhiên, vô tư. Nhìn cô gái Nam Bộ mặc áo bà ba, chèo xuồng ba lá trên dòng Hậu Giang, anh như bị hút hồn:

Chẳng ai chuốc rượu đưa men
Mà sao ra bến lại quên lối về.


Đôi khi anh cũng như bao người đang yêu khác không lý giải được tình yêu, và cứ tự vấn:

Tình yêu là gì nhỉ
Bắt em chơi trốn tìm
Hạnh phúc nào bình dị
Mà rung hoài con tim?
(Lặng thầm).

Anh say đắm trước vẻ đẹp thiên nhiên và tình yêu đôi lứa gắn với tình quê đằm thắm lắng sâu. Đúng là anh đã có nhiều thành công với những bài thơ mang đậm tình quê, những bài thơ bày tỏ tấc lòng trước nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh. Nó có chiều sâu trí tuệ và giàu tính nhân văn. Ngôn từ và hình ảnh như chảy ra từ gan ruột, từ nội tâm sâu sắc để bật thành thơ:

Em đi buổi ấy chiều im gió
Lặng phắc cây vườn lặng bến sông
Anh chạnh lòng trước dáng hình thon nhỏ
Mà đường xa biết mấy nẻo gập ghềnh?
(Chiều lặng gió)


Thơ Bùi Văn Bồng có nỗi đau nhân tình thế thái, có buồn vui cùng muôn kiếp nhân gian, có hoài bão, khát khao về một tình yêu lớn, có suy tư, trăn trở trước nghịch cảnh cuộc đời. Anh đến với thơ như một sự tình cờ, không chủ định nhưng khá thành công. Đúng như nhà văn Nam Cao đã nói: “Hãy sống đã rồi hãy viết”. Anh đã sống rất nhiệt huyết và chân tình, gắn bó với đất và người miền Cửu Long Giang, đi nhiều, cảm nhiều, có vốn sống thực tế phong phú, nhưng trên hết anh có một tấm lòng rộng mở đón gió bốn phương, luôn nhìn, ngắm, nghĩ suy, xúc cảm chân tình để bật lên những điệu tâm hồn cộng hưởng, thăng hoa cùng con người và cuộc sống. Bạn đọc tin rằng đường thơ của anh còn rộng mở và bước xa hơn nữa. Ngôn ngữ thơ anh được chọn lọc khá kỹ, vừa giàu hình ảnh, gợi liên tưởng sâu xa cho người đọc, lại có nét độc đáo của Nam bộ mến thương. Hy vọng tập thơ “Gửi gió trời Nam” sẽ đem đến cho bạn đọc sự lắng đọng sâu sắc, những cảm xúc, những ghi nhận mới mẻ, trẻ trung và khó quên. Phải ghi nhận rằng, từ trước đến nay hầu như ít tác giả cho ra mắt bạn đọc được một tập thơ trữ tình khá dày, chuyên đề về vùng đát phương Nam như tập “Gửi gió trời Nam” của Bùi Văn Bồng. Đây cũng là tiêng nói tri âm mà tác giả đã cảm nhận, nhớ ghi, gửi gắm đến con người “hào phóng dễ tin yêu” và thiên nhiên thơ mộng trên đất “Chín Rồng”.

Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC

Không có nhận xét nào: