Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Xây dựng nông thôn mới

GSTS. Nguyễn Văn Luật
DẠY VÀ HỌC. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở kinh nghiệm xây dựng mô hình nông thôn mới (MH-NTM) là cách làm hợp lý nhằm thực hiện Nghị quyết VII của Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân có hiệu quả thiết thực hơn. Chính phủ cùng địa phương đã chọn 11 xã điểm thực hiện MH- NTM với 19 tiêu chí . Ngay sau khi có QĐ số 491/2009/QĐ TTg về xây dựng NTM, nhiều nơi nằm ngoài phạm vi 11 xã được CP chọn đã tự chọn xã điểm cho địa phương mình để xây dựng MH- NTM với tiêu chí và bước đi thích hợp.

Kết quả của việc xây dựng MH- NTM toàn diện chỉ có thể từ những kết quả tổng hợp của nhiều ngành nhiều cấp, có sự đầu tư thỏa đáng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phong trào xây dựng MH- NTM đang nhen lên lần này là có ưu thế tuyệt đối so với nhiều loại mô hình khác ở nông thôn, kể cả những mô hình NTM từ trước đến nay, như mô hình xã Định Công tỉnh Thanh Hóa ở thập kỷ 60 thế kỷ trước.

Tôi có dịp được đi tham quan học tập về NTM ở một số nước và trong nước. Tôi cũng có cơ hội tham gia, hoặc trực tiếp chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất ở nông thôn, tất nhiên chỉ về khoa học và công nghệ, như mô hình sản xuất vụ lúa xuân đầu tiên vào năm 1966 trên diện tích cả hợp tác xã Tân Hưng Hòa, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Và, mấy thập kỷ gần đây là mô hình sản xuất bằng các loại giống mới ở ĐBSCL, nhất là những giống dưới 90 ngày có tên chung là OMCS. So với MH- NTM đang được xây dựng, những mô hình chúng tôi làm được, kể cả mô hình về kinh tế xã hội mà các viện bạn làm được, chỉ là những viên gạch, và cũng mong trở thành một trong những viên gạch xây dựng MH- NTM. Là vì, cách đặt vấn đề cũng như cách tiếp cận vấn đề xây dựng MH- NTM hiện nay là rộng lớn và sâu sắc hơn nhiều, có cơ sở là NQ VII. Xin được chứng minh bằng tóm lược ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước:

Bối cảnh chung hiện nay như TS Rudengre (CTA- MSCP- TA) khảng định, Việt Nam đang đạt được sự phát triển chưa từng có trong lịch sử với bước phát triển nhanh và mạnh, tỷ lệ nghèo đói ở một mức độ nào đó giảm mạnh, nhất là trong khu vực hơn 73% dân số sống ở nông thôn..

Mặt khác, cũng theo tác giả này và nhiều nhà khoa học, và tổ chức QT như Nhóm hỗ trợ QT (ISG- Internertional Support Group); Diễn đàn các nhà tài trợ cho phát triển kinh tế nông thôn.., thì song song với bước phát triển ấn tượng trên đang nẩy sinh nhiều bất cập mới ngày một phức tạp, như tốc độ CNH nhanh nẩy sinh sự bất bình đẳng đặc biệt giữa khu vực nông thôn và thành thị về thu nhập cũng như về hạ tầng cơ sở như giao thông, điện, nước, và các dịch vụ như y tế, giáo dục, những công trình phúc lợi khác... Những khó khăn vĩ mô đang cản trở phát triển khu vực nông thôn.

Các giải pháp về chính sách, thể chế, theo như b/c phát triển nông nghiệp thế giới năm 2008 của WB, và một số b/c khác về chính sách phát triển nông nghiệp châu Á; cách tiếp cận vào các khu vực phát triển nông nghiệp..,có thể được tóm lược vào những điểm chính như sau:

1./ Phương pháp tiếp cận về chính sách và thể chế, trước hết cần nhận thức về TN trên cơ sở NQ VII về TN của Đảng, trong đó người nông dân là trọng tâm, là chủ thể của phát triển nông thôn và nông nghiệp. Vấn đề này không chỉ liên quan đến hàng chục triệu nông dân, mà còn liên quan đến các khu vực phi nông nghiệp, đến toàn thể xã hội.

Nếu coi người nông dân là trọng tâm của phát triển nông thôn và nông nghiệp (thực sự đã và luôn luôn sẽ là chủ thể), mà không tập trung cải thiện đời sông cho nông dân trong phạm vi rộng thì việc xây dựng nông thôn mới không còn ý nghĩa nữa. Có một thời vào khoảng thập kỷ 90 của thế kỷ trước, việc cải thiện hệ thống xuất khẩu gạo như thế nào để mang lợi ích nhiều hơn cho người sản xuất còn rất coi nhẹ. Tổ chức quốc tế Unctad hợp tác với Escap, đều thuộc LHQ, đã tổ chức Hội nghị ở Bangkok từ 3 – 5/ tháng 4 năm 2001, với nội dung xuất khẩu nông sản hướng tới lợi ích của người nghèo, trong đó đại đa số là nông dân. Cách tổ chức của hội thảo này, có lẽ đúng nghĩa với hội thảo, mỗi đề tài được báo cáo và trao đổi thảo luận ở hội trường khoảng 1 giờ rưỡi, thời gian b/c khoảng hơn 1/3, còn lại dành cho thảo luận, chứ không như chỉ làm sao có nhiều báo cáo mà không có thảo luận. Tôi cũng được mời báo cáo về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo ở Việt Nam hướng tới tăng thu nhập cho nông dân. Thời gian báo cáo và thảo luận vượt quá mức quy định, chủ tịch đoàn khuyến khích, vì thảo luận khá sôi nổi, trao đổi kinh nghiệm khá phong phú.

2./ Vấn đề lớn nhất của toàn cầu là: (i) an ninh lương thực trong tình hình nhu cầu ngày càng tăng mà đất ruộng lại ngày một thu hẹp do phát triển đô thị, khu công nghiệp và sân golt; (ii) biến đổi khí hậu toàn cầu, ngày càng diễn biến phức tạp vừa làm giảm diện tích sx lúa, vừa tạo ra điều kiện ngày một khó khăn cho sx lúa; và (iii) cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vừa qua. Tất cả đều không phải nông dân gây ra, nhưng người nông dân phải hứng chịu hậu quả sớm nhất, nhiều nhất, và nặng nề nhất.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho rằng an ninh lương thực nói riêng và nông nghiệp nói chung ở Việt Nam ta đã làm giảm tối thiểu tác hại đến Việt Nam từ khủng hoảng kinh tế TG từ phố Wall bên Mỹ. Các nhà khoa học và giới quan chức cùng có nhận thức đúng đắn như trên, đã thể hiện bằng những bài phát biểu và bài viết với nội dung là người nông dân đều phải hứng chịu sớm nhất và nhiều nhất những hậu quả do các nước phát triển, do tầng lớp những người có thu nhập cao ngất gây ra. Thế nhưng, quá trình khắc phục những hậu quả trên lại do những người nông dân đứng hàng đầu.

3./ Mặc dầu đã có NQ VII của Đảng ta rõ ràng và công bằng đối với nông dân, nhưng vẫn còn có những nhận thức và việc làm không theo tình thần NQ VII. Sau khi NQ VII trên ban hành, một số ký giả và chuyên gia kinh tế cho rằng cần gì phải bắt nông dân VN oằn mình làm để tăng sản lượng lúa cho xuất khẩu đến 6 triệu tấn gạo, mình đâu có chức năng lo an ninh lương thực cho toàn thế giới! Sao không đầu tư phát triển các ngành khác thu lời nhiều mà đầu vào ít, như du lịch, sản xuất phần mềm máy tính... TS Trần Văn Đạt chuyên gia của FAO ở Italia, nay hưu ở Mỹ, sau khi tìm hiểu tình hình ở quê nội ở Tiền Giang và quê ngoại ở Vĩnh Long thuộc ĐBSCL cũng nhận thấy ở nhiều nơi hiện ta chưa chưa có hoạt động kinh tế nào hơn tăng năng suất và tăng vụ lúa gạo, giảm sx lúa gạo ở ĐBSCL là giảm thu nhập của nông dân vốn đã rất nghèo khó, vì làm mầu thì vừa khó bán, vừa khó bảo quản.

4./ Vai trò của “4 nhà –Nhà nước, nhà khoa học, Doanh nghiệp và Nhà nông là trung tâm” có lẽ cũng là cách làm tốt nhất. Được biết, tỉnh Kiên Giang và Hậu giang được chọn xã điểm ở vùng sâu vùng xa, vùng có nhiều người dân tộc, vùng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống. Trung ương cho vốn khoảng 30 tỷ/ xã, tỉnh đóng góp thêm gấp khoảng 4 lần. Trao đổi với một số cán bộ thực hiện ở địa phương, thì việc tranh thủ được số vốn lớn cho MH- NTM đã rất khó, sử dụng vốn đó cho có hiệu quả càng khó hơn nhiều, ngay cả trong việc chọn bước đi thích hợp với tính khả thi cao nhằm đạt hiệu quả cao, nếu không lại rơi vào tình trạng duy lý trí và hình thức.

Tại xã điểm ở Gò Quao, Kiên Giang, Viện Lúa ĐBSCL tham gia một khâu sản xuất lúa, tuy chưa thu hoạch vụ đầu, nhưng có tác dụng, vì là bước đi và người thực hiện thích hợp.

19/07/2010
(Bài do tác giải gửi)

1 nhận xét:

foodcrops nói...

“Không bán đất tôi đố làm được nông thôn mới”
Vũ Minh Việt (28/07/2010 14:30)
Lãnh đạo các xã của Hà Nội đã thách đố như vậy. Thậm chí họ còn nói, ngay cả huyện không bán đất thì cũng chả lấy đâu ra tiền xây dựng NTM.

"Huyện cũng phải bán đất thôi"!
Theo quyết định của UBND TP, ngân sách xã Song Phượng, huyện Đan Phượng sẽ phải bỏ ra 61,3 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với ngân sách TP bỏ ra 20,6 tỉ đồng và cao hơn 11 tỉ đồng so với ngân sách huyện bỏ ra trong tổng số gần 300 tỉ đồng để xây dựng xã NTM Song Phượng. Xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn cũng phải bỏ ra trên 40 tỉ đồng trong tổng số 253 tỉ đồng xây dựng xã NTM Mai Đình. Xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, theo dự tính của lãnh đạo xã này cũng phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để xây dựng xã NTM Nhị Khê.

Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã Nhị Khê Phạm Đức Sinh bảo: “1 năm chi thường xuyên xã tôi gói gọn trong khảng 2 tỉ đồng. Ngân sách xã chỉ thu được 300 triệu đồng từ tiền cho đấu thầu đầm, ao, còn lại nhà nước vẫn phải cấp khoảng 1,7 tỉ đồng. Nguồn thu có thế, mà bây giờ xây dựng NTM theo kế hoạch giao trong 2 năm thì bói đâu ra số tiền vài chục tỉ đồng? Không bán đất thì chịu. Huyện cũng phải bán đất thôi, không lấy đâu ra tiền?”.

Ông Sinh cũng cho rằng, không chỉ đấu giá đất lo số tiền xã phải bỏ ra mà xã còn phải “kiếm” thêm tiền giúp dân phần nào. Theo ông Sinh thì việc huy động dân đóng góp vài chục tỉ đồng là không tưởng, dân nghèo thế đào đâu ra. “Dân bảo, đường thôn, xóm thì em làm xong rồi, khi làm nhà em cũng đã đóng góp rồi. Đường xã, các bác làm thì em đi. Nước sạch các bác kéo về thì em dùng. Việc thu đóng góp của dân là không khả thi. Trước đây chúng tôi đã dính rồi. Và phải đấu giá đất thì mới có tiền góp với huyện, tỉnh để làm trụ sở, trường học, trạm xá. Chỉ có bán đất thôi, ngoài ra chả có cách nào khác”. Ông Sinh đổ hết gánh nặng vào quỹ đất.

Không hiểu sao, trao đổi với chúng tôi, từ những xã được thí điểm xây dựng NTM đến những xã đang làm đề án lãnh đạo từ thôn đến xã đều cho rằng, xây dựng NTM mà không bán đất thì không thể làm được. “Một sự thật đã chứng minh từ nhiều năm nay là cơ sở hạ tầng của thôn xóm được xây dựng lên không phải chỉ có tiền nhà nước, tiền dân đóng góp mà có tiền bán đất nữa chứ. Chỉ có điều, trước đây chúng ta bán đất ít một, khó bán do chưa có cơ chế rõ ràng. Vì thế bán được tí nào thì xây tí ấy. Nay xây dựng xã NTM, thời gian gấp gáp, không bán ngay diện tích đất lớn thì tiền đâu ra mà làm?”- một cán bộ xã nói toạc ra.

Chủ tịch UBND xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn Lê Đăng Minh tuyên bố thẳng: “Ngay cả huyện Sóc Sơn này, nguồn thu chả đáng mấy, lấy đâu ra nhiều tiền cho mấy chục xã xây dựng NTM. Ngay cả huyện cũng phải bán đất thôi. Còn bảo nhân dân đóng góp, nông dân bây giờ thu nhập có gì đâu, đủ ăn, lo cho con cái học hành ốm đau là vất lắm rồi. Còn nếu bảo họ góp công, họ có thể góp. Nhưng việc gì sử dụng sức lao động thì đội quân đấu thầu bao hết sạch. Xã có được chọn người để thi công đâu. Nên hi vọng dân đóng góp được khoảng 20 tỉ/trên 40 tỉ là tốt lắm rồi. Còn lại phải bán đất mà đập vào thôi”.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
http://www.nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/56925/Default.aspx