Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

Nỗi niềm Biển Đông


Nguyên Ngọc

DAYVAHOC. Mở đầu cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, cụ Đào Duy Anh viết: “Khắp một vùng trung châu Bắc Việt, không mẩu đất nào là không có dấu vết thảm đảm kinh dinh của tổ tiên ta để giành quyền sống với vạn vật; suốt một dải Trung Việt vào đến trung châu Nam Việt, không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên ta để mở rộng hy vọng cho tương lai.” Thật ngắn gọn, thật súc tich, vị học giả cao kiến đã đúc kết chặt chẽ và cực kỳ chính xác hai chặng đường lớn mấy thiên niên kỷ của dân tộc; và chỉ bằng mấy chữ cô đọng, chỉ ra không thể rõ hơn nữa đặc điểm cơ bản của mỗi chặng, có ý nghĩa không chỉ để nhìn nhận quá khứ, mà còn để suy nghĩ về hôm nay và ngày mai – những suy nghĩ, lạ thay, dường như đang càng ngày càng trở nên nóng bỏng, cấp thiết hơn.

Chặng thứ nhất, tổ tiên ta, từ những rừng núi chật hẹp phía bắc và tây bắc, quyết chí lao xuống chiếm lĩnh hai vùng châu thổ lớn sông Hồng và sông Mã, mênh mông và vô cùng hoang vu, toàn bùn lầy chưa kịp sánh đặc, "thảm đảm kinh dinh để giành quyền sống với vạn vật" – mấy chữ mới thống thiết làm sao – hơn một nghìn năm vật lộn dai dẳng giành giật với sóng nước, với bùn lầy, với bão tố, với thuồng luồng, cá sấu … để từng ngày, từng đêm, từng giờ, vắt khô từng tấc đất, cắm xuống đấy một cây vẹt, một cây mắm, rồi một cây đước, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, trăm năm này qua trăm năm khác, khi đất đã được vắt khô, được rửa mặn và ứng đặc, cắm xuống đấy một cây tạo bóng mát, rồi một cây ăn quả, một cây lúa, một mảnh lúa, rồi một đồng lúa …, tạo nên chỗ đứng chân cho từng con người, từng đôi lứa, từng gia đình, rồi từng cộng đồng, từng xóm mạc, từng làng, từng tổng, từng huyện, …cho đến toàn dân tộc, toàn xã hội, lập nên nửa phần là gốc cội của giang sơn ta ngày nay. Và hẳn còn phải nói thêm điều này nữa, cuộc thảm đạm kinh dinh vật lộn với thiên nhiên ấy lại còn phải cọng thêm cuộc vật lộn cũng dai dẳng, quyết liệt, không hề kém can trường và thông minh, để sáng tạo, định hình và gìn giữ một bản sắc Việt riêng giữa trăm Việt, là một Việt độc đáo và đặc sắc, không bị hòa tan bởi một thế lực hung hản, khổng lồ, luôn muốn xóa bỏ và hòa tan tất cả …

Hơn một thiên niên kỷ thiết lập và trụ vững, tạo nên nền tảng vững bền, để bước sang chặng thứ hai.

Chặng thứ hai, như cụ Đào Duy Anh đã đúc kết cũng thật ngắn gọn và chính các, "gian nan tiến thủ để mở rộng hy vọng cho tương lai".

Trên gốc cội ấy rồi, đi về đâu? Chỉ còn một con đường duy nhất: Về Nam.

Có lẽ cũng phải nói rõ điều này: trước hết, khi đã đứng chân được trên châu thổ sông Hồng sông Mã rồi, kháng cự vô cùng dũng cảm và thông minh suốt một nghìn năm để vẫn là một Việt đặc sắc không gì đồng hóa được rồi, thì mối uy hiếp bị thôn tính đến từ phương bắc vẫn thường xuyên và mãi mãi thường trực. Không nối dài được giang sơn cho đến tận Cà Mau và Hà Tiên thì không thể nào bắc cự. Ở bước đường chiến lược này của dân tộc có cả hai khía cạnh đều hết sức trọng yếu. Khía cạnh thứ nhất: phải tạo được một hậu phương thật sâu thì mới đủ sức và đủ thế linh hoạt để kháng cự với mưu đồ thôn tính thường trực kia. Lịch sử suốt từ Đinh Lê Lý Trần Lê, và cả cuộc chiến tuyệt vời của Nguyễn Huệ đã chứng minh càng về sau càng rõ điều đó. Chỉ xin nhắc lại một sự kiện nghe có thể lạ: chỉ vừa chấm dứt được 1000 năm bắc thuộc bằng trận đại thắng của Ngô Quyền, thì Lê Hoàn đã có trận đánh sâu về phương nam đến tận Indrapura tức Đồng Dương, nam sông Thu Bồn của Quảng Nam. Đủ biết cha ông ta đã tính toán sớm và sâu về vai trò của phương Nam trong thế trận tất yếu phải đứng vững lâu dài của dân tộc trước phương bắc như thế nào.

Khía cạnh thứ hai, vừa gắn chặt với khía cạnh thứ nhất, vừa là một "bước tiến thủ" mới "mở rộng hy vọng cho tương lai", như cách nói sâu sắc của cụ Đào Duy Anh. Bởi có một triết lý thấu suốt: chỉ có thể giữ bằng cách mở, giữ để mà mở, mở để mà giữ. Phải mở rộng hy vọng cho tương lai thì mới có thể tồn tại. Tồn tại bao giờ cũng có nghĩa là phát triển. Đi về Nam là phát triển. Là mở.

Không chỉ mở đất đai. Càng quan trọng hơn nhiều là mở tầm nhìn. Có thể nói, suốt một thiên niên kỷ trước, do cuộc thảm đảm kinh dinh để giành dật sự sống với vạn vật còn quá vật vã gian nan, mà người Việt chủ yếu mới cắm cúi nhìn xuống đất, giành thêm được một mẩu đất là thêm được một mẩu sống còn. Bây giờ đã khác. Đã có 1000 năm lịch sử để chuẩn bị, đã có thời gian và vô số thử thách để tạo được một bản lĩnh, đã có trước mặt một không gian thoáng đảng để không chỉ nhìn xa mãi về nam, mà là nhìn ra bốn hướng. Nhìn ra biển. Phát hiện ra biển, biển một bên và ta một bên, mà lâu nay ta chưa có thể toàn tâm chú ý đến. Hay thay và cũng tuyệt thay, đi về Nam, người Việt lại cũng đồng thời nhìn ra biển, nhận ra biển, nhận ra không gian sống mới, không gian sinh tồn và phát triển mới mệnh mông của mình.

Hôm nay tôi được ban tổ chức tọa đàm giao cho đề tài có tên là "nổi niềm Biển Đông". Tôi xin nói rằng chính bằng việc đi về nam, trên con đường đi ngày càng xa về nam mà trong tâm tình Việt đã có được nổi niềm biển, nổi niềm Biển Đông. Cũng không phải ngẫu nhiên mà từ đó, nghĩa là từ đầu thiên niên kỷ thứ hai, với nổi niềm biển ngày càng thấm sâu trong máu Việt, cha ông ta, người dân Việt, và các Nhà nước Việt liên tục, đã rất sớm khẳng định chủ quyền Việt Nam trên các hải đảo và thểm lục địa.

Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/BienDong_NguyenNgoc.htm

TỪ TRƯỜNG SƠN ĐÔNG TỚI SONG TỬ TÂY

LM Thiện Cầm

Tôi mới chỉ đi được mấy Km trên đường Hồ Chí Minh, khi từ Đà Nẵng về Kon Tum, thậm chí cũng không biết nơi đó thuộc Trường Sơn Đông hay Trường Sơn Tây,- mà chỉ nghĩ đó là Trường Sơn Đông, vì năm bên phía Tây của dãy Trương Sơn. Tuy nhiên điều đó không quan trọng, vì dù sao tôi cũng đã từng đặt chân ở Trường Sơn Tây, cho nên khi đi từ cảng Cát Lái ra quần đảo Trường Sa, đặc biết là lúc đặt chân lên đảo Song Tử Tây, tôi mới ý thức được rằng mình thật hãnh diện vì đã cảm nghiệm được một cách sống động hiện hữu của đất trời và biển cả Việt Nam : thật bao la xinh đẹp và đáng yêu!

Thật vậy, từ trước tới nay, tôi đã co dịp đặt chân lên nhiều bở biển Việt Nam, từ Hạ Long qua Thuận An, Đà Nẵng, Quy Nhơn, tới Đại Lãnh, Nha Trang, Khánh Hoà, rồi Phan Rang, Mũi Né, Vũng Tầu vv. , cho tới tận Mũi Cà Mau, nhưng từ những bờ biển đó, tôi vẫn chưa có được một cái nhìn về chiều rộng mênh mông, bát ngát của biển trời Việt Nam. Phải đi ba ngày hai đêm, qua vùng biển,- đôi khi không thấy một bóng chim bay hay cá lượn, hoặc một con tầu nào ở đàng xa, mà chỉ có mặt biển mênh mông bát ngát hầu như vô tận,- ta mới có cảm tưởng rằng tổ quốc ta không chỉ là sông núi, mà còn là biển cả vô biên. Và khi đặt chân lên hòn đảo nhỏ bé xanh tươi có tên gọi là Song Tử Tây, ta mới ý thức được rằng: Trường Sơn Đông và Song Tử Tây của quần đảo Trường Sa này, cũng chỉ là một giang sơn, một tổ quốc Việt Nam .

Như tôi đã viết trong bài “Trường Sa trong trái tim ta”, đăng trên Tuần báo CG&DT : “Nhận thức đầu tiên của tôi từ lúc bước chân lên tàu HQ 957, rời bến cảng Cát Lái lúc 8 giớ ngày 8-4-2009, chạy theo hướng Vũng Tàu, và tiến thẳng ra biển khới, đó là: bầu trời và biển khơi mênh mông hấu như vô tận, mà từ trước tới nay tôi vẫn nghĩ là của chung thiên hạ,- nhất là xưa kia, người ta vẫn gọi là Mer de Chine: Biển Trung Quốc! [1] chứ không phải là Biển Việt Nam, hay ít ra là Biển Đông hay Thái Bình Dương!- Nhưng bây giờ thì đã rõ, đây là Trời Việt Nam, đây là Biển Việt Nam, bởi vì vùng biển trời mênh mông này sẽ nối dài tới tận Trường Sa, quần đảo mà chúng tôi đang đi tới. “

Tôi đã kể lại chi tiết cuộc viếng thăm Trường Sa, trong bài báo nói trên, ở đây chỉ xin ghi lại những cảm tưởng vẫn còn lắng sâu trong tâm trí.

Trước hết, nên nhớ rằng huyện đảo Trướng Sa là một quần đảo gồm nhiều đảo lớn nhỏ, mà hiện nay phần lớn năm dưới quyền kiểm soát của Việt Nam, còn nhựng đảo khác do Phi-lưật-tân, Đài Loan, Trung Quốc vv. kiểm soát. Gọi là đảo, nhưng phần lớn chỉ là những bãi đá ngầm. Trong số những đảo có đất, chúng ta làm chủ được Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, và Trường Sa lớn, nơi đặt trụ sở của huyện đảo. Trên những đảo lớn như Song Tử Tây, Sơn Ca và Trường Sa lớn, nhà cửa được xây kiên cố, khang trang, toàn đảo được che phủ bởi những hàng cây xanh tươi, đặc biệt là những cây Phong Ba, chịu được khô cằn và sóng gió, ngoài ra còn có những cây bàng với những tán lá dầy và rộng, chỉ cần ba cây là có thể tạo ra được một không gian bóng màt rộng rãi. Đặc biệt là ở Sinh Tồn Đông, có loại bàng trái cây vuông, trông lạ mắt. Ông Chủ tịch UBND Thành phố đã lấy một cây về để trồng ở khu tưởng niệm các Vua Hùng tại Thảnh phố.

Những đảo nhỏ chỉ là những bãi đá ngầm, nổi lên khi thủy triều xuống, chìm xuống khi thủy triều lên. Bộ đội Hải quân ta xây những lô cốt kiên cố làm nơi đóng quân. Trước kia chỉ là những cái chòi được dựng lên, bây giờ là những “nhà lô cốt” vững chắc, đẹp đẽ. Điều thú vị nhầt là đâu đâu cũng có những “vườn” rau, giàn bí, hay giàn mướp, tuy nhỏ những vẫn có trái. Tại những đảo có đất, thì anh em bộ đội dựng những rào chắn bằng vật liệu như lá dừa, để chắn sóng biển, bảo vệ cho rau. Còn ở những nhà lô cốt thì “vườn” rau chỉ là những khay gỗ được đặt ở những vị trí đặc biệt tránh bão gió. Nhưng tôi tự hỏi, ở những “nhà lô cốt” này, mỗi khi hái rau, thì anh em chiến sĩ mỗi người chia nhau được mấy cọng rau muống?

Tôi cũng nghe mấy em bé, con cái những gia đình định cư trên đảo Song Tử Tây và Trường Sa lớn, phàn nàn về chuyện quanh năm suốt tháng chỉ được ăn đồ hộp.

Chính vì thế, trong chuyến đi này, chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo đã ra chỉ thị phải tăng cường những loại thực phẩm như trứng và sữa cho trẻ con.

Nhưng vấn đề thức ăn vật chất không quan trọng bằng thức ăn tinh thần. Các chiến sĩ và bà con ở đảo thiếu những phương tiện giải trí, thiếu cả một khung cảnh sống bình thường trên đất liền! Không một bóng xe đạp, nói gì đến ô tô hay Honda, cũng không chợ búa, và ở đây người ta không biết cả đến đồng tiền! Không bóng người người cảnh sát, cũng chằng có người bán hàng rong, hay em bé đánh giầy… Đêm ngày yên tĩnh, không tiếng còi ô tô xe máy. Nhiều nơi không có lấy một con chim sẻ đậu dưới mái hiên hay, nhặt nhạnh trước sân nhà…

Tại những “nhà lô cốt” không gian thật eo hẹp. Các chiến sĩ của ta chỉ có mấy mét vuông để ở, ngoài ra có thể leo lên những tầng trên, chạy xuống những tấng dưới, hay xuống tận những mô đá trên mặt nước biển. Không một bãi cát, hay bóng cây. Ở đây không nghe thấy tiếng cười hay tiếng khóc của trẻ thơ, cũng chẳng thấy bóng dáng một người phụ nữ! Thảo nào các chiến sĩ trẻ hải quân ở đây chỉ dần được nghe tiếng phụ nữ là đã đủ vui sướng rồi. Có những em bộ đội tuổi mới chỉ mười tám đôi mươi, tuy xa nhà chưa bao lâu, mới tám tháng, một năm hơn kém, chưa thể nào quên được hình dáng của mẹ, của chị, của em gái, chứ chưa nói tới bạn gái hay người yêu.

Thế giới ở đây có lẽ thích hợp cho các thầy ẩn tu hơn là cho thanh niên, cho dù là bộ đội.

Cô đơn, buồn tẻ, nhưng người chiến sĩ hải quân ở đây không phải là những thanh niên yếu đuối mơ mộng. Họ vẫn là những chiến sĩ, ngày ngày, có thể nói là từng giờ từng phút, luôn luôn phải cảnh giác trước đầu sóng ngọn gió, không chỉ theo nghĩa đen, nghĩa là gió trời và sóng biển, mà là những đe doạ có thật, từ những con tầu, những máy bay lạ có thể xâm phạm bầu trời và lãnh hải Việt Nam. Họ phải đếm từng chiếc máy bay xuầt hiện, những con tầu đi qua, cố gắng đọc những ký hiệu để biết nó thuộc quốc gia nào. Đã không thiếu những lần tầu lạ, hay có khi là tầu của một nước “đồng chí nhưng không phải đồng minh”, tìm cách đi vào hải phận của đảo ta, cùng với những tầu đánh cá cùng quốc tịch, khiến chiến sĩ và ngư dân của ta phải tiến ra ngăn cản. Có những chiến sĩ kể lại rằng anh đã phải nghiến răng kìm hãm mình để không bòp cò súng! Lại có cả những người mò tới những mỏm đá dưới chân “nhà lô cốt” để goị là bắt ốc, nhưng đuổi không đi, mà phải dọa bằng vũ lực…

Đất nước ta đã được hoà bình, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ những biên giới phía Bắc cho tới mũi Cà Mau, được yên ổn làm ăn sinh sống. Nhưng ờ ngoài khơi xa xôi này, miền cực Đông của Tổ quốc, nơi mà mặt trời từ dưới biển mọc lên soi sáng cho bầu trời Việt Nam, lúc nào cũng có những chiến sĩ canh thức để canh giữ vùng biển trời của đất nước ta. Các chiến sĩ ấy vẫn không ngừng ngày đêm phải sẵn sàng chiến đấu, rất xa đất liền, xa đồng bào, không có hậu phương gần để tiếp cứu, hỗ trợ!

Chúng ta có thể không biết, hay đã quên đi trận chiến đẫm máu xảy ra ngày 4 tháng 3 năm 1988, khi hải quân Trung Quốc đã tấn công đảo Gạc Ma của ta, đánh chìm tàu HQ 604 của ta, khiến 64 chiến sĩ hải quân ta phải hy sinh, và mãi tới năm nay, sau 21 năm trời, nhờ sự cộng tác của các ngư dân, Hải quân ta mới trục vớt được con tàu xấu số và một số hài cốt của các anh hùng nằm sâu dưới đáy biển, nhưng mới chỉ nhận dạng được một số chiến sĩ mà thôi, nhờ kỹ thuật AND.

Kể từ ngày 14 tháng 3 năm 1988 ấy, ngày nay, mỗi khi có phái đoàn đi thăm Trường Sa, thường cò tổ chức một lể truy điệu ngoài khơi đảo Pôlin, để tưởng niệm 64 chiến sĩ trận vong. Phái đoàn của Thành phố Hồ Chí Minh ra thăm đảo lần này cũng đã tổ chức long trọng buổi lễ cầu siêu như vậy. Và tôi được vinh dự cùng với các vị lãnh đạo phái đoàn, thả vòng hoa đầu tiên xuống biển để tưởng nhớ các liệt sĩ.

Trong buổi lễ truy điệu rất trang nghiêm cảm động, chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo, Phó`Tư lênh Quân chủng Hải Quân, đã đọc một bài diễn văn thật hùng hồn cảm xúc, khiến nhiều người không cầm được mắt. Cả đời tôi, đây là lần đầu tiên được dự một lễ truy điệu như thế này, mà lại là một lễ được cử hành giữa biển khơi mênh mông dưới bầu trời vô biên của Việt Nam. Thật là một kỷ niệm tuyệt vời, khó quên!

Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là đảo Trường Sa lớn, thủ phủ của quần đảo Trường sa, có diện tích lớn nhất, và cũng là nơi duy nhất có bến cảng và một đường bay nhỏ. Đây cũng là đảo đầu tiên được thắp sáng bằng điện năng lượng mặt trời và sức gió, do trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh chế tạo và lắp đặt, tặng cho các chiến sĩ và đồng bào trên đảo. Các đảo khác cũng sẽ lần lần được lắp đặt hệ thống chiếu sáng như vậy.

Trong cuộc hành trình thăm quần đảo Trường Sa, mỗi lẫn tới đảo nào, chúng cũng cố gắng llên bờ thăm các chiến sĩ, nếu không phải tất cả đoàn, thi ít ra là đoàn văn công. Chúng tôi lên để gặp gỡ, tặng quà, giao lưu văn nghệ, thăm nơi an chốn ở, nghe báo cáo về sinh hoạt hàng ngày của các chiến sĩ. Riêng tại đảo Song Tử Tây, đảo đầu tiên mà chúng tôi đặt chân lên bờ, chúng tôi đã ở lại một đêm và một ngày, tiếp xúc với bộ đội và đồng bào. Còn ở đảo Trường Sa lớn, chúng tôi chỉ ở đến 21 giớ đếm thì về tầu, lý do là vì ở đây có bến tầu, không cần đến ca nô làm phương tiện trung chuyển vào bờ như ở những đảo khác.


Trên đây là một vài kỷ niệm và suy tư về cuộc hành trình, mà tôi được may mắn tham dự cùng với phái đoàn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đi thăm và kiểm tra quần đảo Trường Sa, từ ngày 4 đến 15 thàng 4 năm 2009..

Đây là một chuyến đi lịch sử đối với phần đông chúng tôi, một chuyến đi mà như nhiều người đã nói : dù có tiền cũng không dễ đàng thực hiện được, nhất là đối với cá nhân tôi, một linh mục già 76 tuổi.

Chuyến đi này đã đã mở rộng tầm mắt và cả trái tim tôi, khiến tôi cảm nhận được mạnh mẽ và cụ thể vùng trời biển bao la hùng vĩ của đất nước. Không hiểu tại sao, tôi tự nhiên liên tưởng tới Trường Sơn, và nghĩ rằng : đất nước ta trải rộng từ Trường Sơn Đông tới Song Tử Tây, tứ Trường Sơn Tây tới Sinh Tồn Đông,- nói tóm lại, đất nườc ta không chỉ dừng lại ở bở biển Thái bình dương, tại những bờ biển đẹp như Nha Trang, Cam Ranh hay Vũng Tàu vv., mà còn trải rộng ra xa tới Trường Sa, tới điểm xa nhất cách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 500 hải lý, đó là Song Tử Tây. Ở tận địa điểm xa xôi này, ngày đêm vẫn có những người Việt Nam làm ăn sinh sống và canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mình. Ở đây không chỉ có những người lính can trường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, mà còn có những gia đình thường dân tới đây lập nghiệp. Chúng tôi đã gặp gỡ nhừng cặp vợ chồng trẻ với những đứa con thơ của họ. Và như đã nói nơi đây sắp có hai em bé sắp sửa cháo đời, để trờ thành những công dân Việt Nam sinh ra trên đảo, Còn những em lớn thì đã biết ngày ngày cắp sách đến trường, nơi chỉ có một cô giáo dạy tất cả mọi môn. Nhưng sau này, các em sẽ được đưa vào đất liền để tiếp tực học lên những lớp cao hơn.

Ở đây, dân và quân đang biến những vùng đất khô cằn sỏi đá này thành những rừng cây xanh tươi, với những luống rau và đàn gà đàn vịt chạy tung tăng, và cả những con heo ủn ỉn đòi ăn trong chuồng. Nếu không nhìn nhìn thấy dòng nước xanh bao bọc chung quanh, người lữ hành vượt biển có cảm tưởng như mình vẫn ở đâu đây trên đất liền.

Tôi lên tàu chỉ với con tim nhỏ bé của mình, chẳng có gì tặng cho các chiến sĩ Truờng Sa, ngoài những món quà mà Đoàn công tác mang tới. Nhưng khi ra về, tôi cảm thấy trái tim mình lớn lên và nặng trĩu tình cảm thân thương, tình cảm của những người lính đảo, của người dân, và nhất là của những em bé thơ ngây. Tình cảm ấy cho dù không lớn lao và mênh mông như trời biển, nhưng vẫn đủ để tạo ra một nhịp cầu liên kết Trường Sa với đất liền.

Trường Sa là những hòn đảo nhỏ bé, không thể có những địa danh như Chi Lăng, Bạch Đằng, Điện Biên, Khe Sanh, hay Ngã Ba Đồng Lộc vv., nhưng nơi đây xương các chiến sĩ đã kết lại với san hô và đá chìm, làm thành nền tảng cho những cột mốc, đánh dấu chủ quyền của Việt Nam dưới bầu trời và vùng biển này của Biển Đông. Vá máu của các chiến sĩ đã hoà vào nước biển để ướp cho tình quân dân được mặn mà thắm thiết, và vững bền mãi mãi.

Những địa danh lịch sử thì đã mãi mãi được ghi tên trong sách vở của cả thế giới. Tất cả đã trở thành quá khứ. Nhưng Trường Sa vẫn ngày ngày phải đối diện với đầu sóng ngọn gió, không chỉ theo nghĩa của những hiện tượng thiên nhiên, mà còn theo nghĩa là những đe doạ luôn luôn có thật, đến từ những lực lượng thù nghịch.

Con tàu HQ 957 đưa chúng tôi trở về Thành Phố, trên mặt nước trong xanh phẳng lặng, Những con cá heo lại xuất hiện bên hông tàu, nhảy múa tiễn biệt chúng tôi. Và thật tuyệt với khi chúng tôi đi tới vùng mỏ Rạng Đông, nơi cò những giàn khoan sáng rực như một thành phố trên biển, hiện ra trước mắt chúng tôi, với cả hàng mấy chục thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam vây quanh chúng tôi.

Tổ quốc chúng ta là đây, là trời này, đất này, là những giếng dầu, tàu đánh cá, và những hải đảo như Côn Đảo, Phú Quốc, Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Tuần Châu, Phú Qúy, vv. và nhất là Trường Sa vẫn ngày đêm phải thức trắng trong những đêm dài cô quạnh, để canh giữ vùng biển và bầu trời của Việt Nam.

Trong tâm trí của tôi từ nay hình ảnh Trường Sa, và Hoàng Sa nữa, tuy tôi chưa được nhìn thấy, thật là những mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc. Hoàng Sa và Trường Sa là nơi mọc trời mọc, Hoàng Liên Sơn hay Trường Sơn là nơi mặt trời lặn. Hoàng Liên Sơn hay Trường Sơn là nơi tổ tiên ta đi săn bắn, hái trái cây rừng và nhặt củi để về thổi nấu, Hoàng Sa và Trường Sa là nơi cha ông ta từ bao đời chèo thuyền ra bắt cá. Quê hương ta không chỉ là sông núi, mà còn là biển cả nữa.

19-07-2009

Linh mục Thiện Cầm OP


GIỚI THIỆU MỘT SỐ BẢN ĐỒ CỔ THỀM LỤC ĐỊA VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM

Nguyễn Đình Đầu

Để tìm hiểu địa lý tự nhiên thềm lục địa (vịnh Bắc Bộ, Biển Đông, vịnh Thái Lan) và hải đảo Việt Nam, chúng tôi đã thu thập được một số bản đồ và tư liệu văn bản sau đây (tất nhiên chưa thật đầy đủ).

I. THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN (1600 - 1777).

Trong sách Hồng Đức bản đồ có ba bản đồ có liên quan đến thềm lục địa và hải đảo:

1. An Nam quốc có ba bản đồ vẽ toàn thể lãnh thổ Đại Việt và cuối thời Hồng Đức, 13 bản đồ của 13 Thừa Tuyên và 1 bản đồ Trung Đô.

2. Thiên Nam Tứ Chí Lô Đồ Thư gồm nhiều bản đồ, trong đó có những bản đồ vẽ đường lối đi từ Thăng Long đến nước Chiêm Thành.

3. Bình Nam Đồ do Đoan quận công Bùi Thế Đạt (không phải Nguyễn Hoàng) vẽ đường lối đi từ Chiêm Thành đến biên giới Cao Miên (1).

Những bản đồ nêu trên chưa mô tả đầy đủ thềm lục địa và các cửa bể toàn quốc vì đây là những bản đồ thực hiện trong giai đoạn lãnh thổ nước ta đang thời kỳ Nam tiến. Tuy nhiên, đã có những chi tiết của bản đồ xác định chính quyền và nhân dân ta đã khai thác và làm chủ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những văn kiện có tính pháp lý của Lê Quý Đôn (1726-1784), Phan Huy Chú (1782-1840),vv…cũng xác quyết như thế.

Trong sách Phủ biên tạp lục (1777), Lê Quý Đôn viết: “Xã An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ở gần bãi biển. Về hướng Đông Bắc ngoài biển có nhiều đảo và nhiều núi linh tinh hơn 130 đỉnh… ở trong các hòn đảo có bến Cát Vàng, chiều dài ước chừng hơn 30 dặm…những thuyền lớn đi biển thường khi gặp gió bão đều đến nương đậu ở đảo này. Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung…họ Nguyễn còn thiết lập thêm 1 đội Bắc Hải…quan trên khiến những người trong đội chèo thuyền…ra cù lao Côn Lôn ở giữa Bắc Hải, hoặc đi đến các xứ Cồn Tự vùng Hà Tiên để tìm kiếm, lượm nhặt những hạng đồi mồi…Cai đội Hoàng Sa kiêm lãnh quản đốc đội Bắc Hải…”(2).

II. DƯỚI TRIỀU NGUYỄN THỐNG NHẤT SƠN HÀ (1802-1862)

Đầu năm 1815, sử Thực Lục ghi: Gia Long “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển” (3).

Đầu tháng 6 năm Đinh Sửu (1817), sử Thực Lục ghi: “thuyền Ma Cao đến đậu ở cửa Đà Nẵng, đem địa đồ Hoàng Sa dâng lên. (Gia Long) thưởng cho 20 lạng bạc” (4).

Cuối tháng 6 năm Đinh Sửu (1817), Gia Long “sai bọn Hữu tham chi bộ Công Nguyễn Đức Huyên và Tả tham chi Đoàn Viết Nguyên làm sách Duyên Hải Lục, phía Nam đến Hà Tiên phía Bắc đến Yên Quảng. Phàm các cửa biển, mực nước khi triều lên triều xuống sâu nông thế nào, dặm đường xa gần bao nhiêu, đều phải chép cả. (Bộ sách ấy gồm 2 quyển, chép cả thảy 4 dinh, 15 trấn, 143 cửa biển, dài 5902 dặm, mỗi dặm là 540 trượng)” (5).

Chúng tôi đi tìm sách Duyên Hải Lục, không thấy. Nhưng lại thấy sách Thông Quốc Duyên Cách Hải Chử có nội dung y như sách Duyên Hải Lục, kèm theo các bản đồ duyên hải từ Thừa Thiên đến Hà Tiên. Có lẽ đây là tư liệu đầy đủ nhất mô tả thềm lục địa của ta xưa từ Yên Quảng cực bắc đến Hà Tiên cực nam. Sách Thông Quốc Duyên Cách Hải Chử được thư viện Viện Khảo Cổ Sài Gòn cũ nay là thư viện Khoa học Xã hội (Lý Tự Trọng, Quận 1, TP. HCM) bảo quản dưới mã số HVN 190.

Tháng 8 năm Quý Tỵ (1833) sử Thực Lục ghi: Vua Minh Mạng “bảo bộ Công rằng: trong hải phận Quảng Ngãi, có 1 dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường (mắc cạn) bị hại! Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là 1 việc lợi muôn đời” (6).

Tháng 3 năm Giáp Ngọ (1834), sử Thực Lục ghi: Minh Mạng “sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thuỷ quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ. Khi trở về, vua hỏi về những thứ sản vật ở đấy, Sĩ tâu: nơi này là bãi cát giữa bể man mác không bờ, chỉ có người nhà Thanh đi lại đánh cá bắt chim mà thôi…nhân đem dâng vua những thứ chim, cá, ba ba, ốc, sò, ngao, đã bắt được ở nơi đó đều là những vật lạ ít thấy. Vua vời thị thần đến xem và thưởng những người đi về tiền bạc có khác nhau” (7).

Tháng 6 năm Ất Mùi (1835), sử Thực Lục ghi “dựng đền ở đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4 chữ Vạn Lý Ba Bình (muôn dặm sóng êm). Cồn Bạch Sa (cát trắng) chu vi 1070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ Đông Tây Nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía Bắc giáp với cồn toàn đá san hô sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát gọi là Bàn Than Thạch. Năm ngoái, vua (Minh Mạng) toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây, mới sai cai đội thuỷ quan là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyển chở vật liệu đến dựng miếu (cách toà miều cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong, 10 ngày làm xong rồi về” (8).

Hai bản đồ An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ (Taberd 1838) và Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (1840) thể hiện khá đầy đủ tình hình thềm lục địa – Biển Đông – hải đảo Việt Nam đương thời.

III. DƯỚI THỜI PHÁP THỐNG TRỊ (1862-1945).

Năm 1859, Pháp xâm chiếm Sài Gòn. Năm 1862, Pháp lấy miền đông Nam Kỳ làm thuộc địa. Năm 1867, Pháp cưỡng chiếm miên tây Nam Kỳ. Nam Kỳ trở thành thuộc địa Pháp. Năm 1884, Pháp cưỡng ép phần còn lại (sau là Trung Kỳ và Bắc Kỳ) làm xứ bảo hộ của Pháp. Pháp bắt đầu vẽ bản đồ Việt Nam theo kỹ thuật khoa học hơn cho đúng kinh tuyến và vĩ tuyến.

Về phần bờ biển – thềm lục địa – Biển Đông – vịnh Bắc Kỳ - vịnh Xiêm La (Thái Lan) – hải đảo hầu như Pháp trao nhiệm vụ cho hải quân Pháp đo đạc và thực hiện các đồ bản. Chúng tôi sưu tầm được một số bản đồ xin tạm chia thành 3 khu vực: 1) Hoàng Sa, Trường Sa, 2) Một số hải đảo, 3) Bờ biển và thềm lục địa.

1. Hoàng Sa Trường Sa

a. Quần đảo Hoàng Sa (52 x 66cm). Archipel des Paracels d’après les levés allemands (1881-1883) et les travaux anglais et francais les plus récents. – Service hydrographique de la Marine. Paris 1885. – Mars 1940. Edition No.3.

b. Một phần quần đảo Trường Sa (42-45 cm). Iles et récifs à l’est de la Cochinchine. Paris 1938. – Iles et récifs Thitu, Loai ta et Subi d’après un levé anglais de 1867-1868.

c. Chi tiết hai đảo Pattle (Hoàng Sa) và Boisée (Phú Lâm) thuộc quần đảo Hoàng Sa (30 x 42cm).

d. Trong quần đảo Hoàng Sa: đảo Pattle (Hoàng Sa), đảo Robert (Hữu Nhật), đảo Boisée (Phú Lâm).

đ. Trong quần đảo Trường Sa I: Đảo Caye du S.W. (Song Tử Tây) đảo Caye de l’Alerte (Song Tử Đông), đảo Thi Tu (Thị Tứ), đảo Loai Ta (Loại Ta).

e. Trong quần đảo Trường Sa II: đảo Tempête ( ), đảo Itu Aba (Ba Bình), đảo Petley, đảo Namvit (Nam Yết), đảo Cay d’Amboine, đảo Eldad.

2. Bản đồ cỡ 54 x 75 cm bờ biển và hải đảo.

a. 2311. Golfe de Siam. Dépôt des cartes et plans de la Marine. Paris 1866. – Baie et rivière de Chantaboun. – Poulo Way ou Co Kwang Noi. – Poulo Panjang. – Poulo Obi. – Edition d’Octobre 1922.

b. 5653. Baie et bassin intérieur de Hatien. Carte levée en Mars 1924. Service hydrographique de la Marine. Paris – 1926. Remplacement Juillet 1956.

c. 3686. Plan des Iles Pirates. Levé en 1877. Dépôt des cartes et plans de la Marine. Paris – 1879. – Hòn Kiến Vàng. – Hòn Kéo Ngựa. – Hòn Túc Lớn. – Hòn Tre Vinh.- Hòn Gùi. – Hòn Bánh Ít. – Hòn Chơ Rơ. – Hòn Đước. – Hòn Giong. – Hòn Ụ.

d. 5327. Côte du sud de Phú Quốc. Iles d’An Thới. Plan levé en 1903. – Service hydrographique de le Marine – 1906. – Juillet 1958. Edition No.2. – Hòn Dám Trong. – Hòn Dám Ngoài. – Hòn Dưa. – Hòn Giói. – Hòn Thơm. – Hòn Vang. – Hòn Xương. – Hòn Mong Thay. – Hòn Gam Ghi. – Hòn Vong. – Hòn Kim Qui. – Hòn May Rút. – Hòn Trang.

đ. 5509. Du cap Padaran à la baie de Cam Ranh. Carte levée de 1907 à 1930…Service hydrographique de la Marine. Paris – 1915. – Mars 1933. Edition No.2.

e. 5563 Baie de Nha Trang d’après le levé exécuté en 1931… Service hydrographique de la Marine… Paris.1920. Remplacement Janvier 1936.

g. 5447. Port de Tourane. Plan levé en 1908. Service hydrographique de la Marine. Paris – 1912. Juin 1956. Edition No.6.

h. 5778. Du Lach Truong au Cua Ba Lat d’après les levés exécutés en 1929 et 1930. Service hydrographique de la Marine. Paris – 1934.

i. 3752. Sông Cầu et du Thuong Giang. Levé en Avril 1877 et Octobre 1878. Dépôt des cartes et plans de la Marine – 1880. Remplacement Février 1935.

3. Bản đồ cỡ 74x104cm. Thềm lục địa và Biển Đông.

a. 5599 – Golfe du Tonkin et détroit d’Hainan (vịnh Bắc Kỳ và eo biển Hải Nam) d’après les documents francais et anglais les plus récents. Service hydrographique de la Marine. Paris – 1926. Juin 1947. Edition No.3. Bản đồ này vẽ thềm lục địa Bắc Kỳ và phần Bắc Biển Đông ra ngoài khơi tới đảo Triton thuộc quần đảo Hoàng Sa.

b. 5691- Annam et Cochinchine (Trung Kỳ và Nam Kỳ) d’après les documents francais et anglais les plus récents – Service hydrographique de la Marine. Paris – 1932. Novembre 1945. Edition No.3. Bản đồ này vẽ bờ biển thềm lục địa Trung Kỳ - Nam Kỳ và phần Nam Biển Đông ra ngoài khơi tới quần đảo Trường Sa.

Hai bản đồ trên đây vẽ tổng quát Biển Đông và hải đảo Việt Nam, những bản đồ sau này vẽ chi tiết từng phần.

c. 3533 - Carte du delta du Tonkin – Cours du Song Ca (Bản đồ đồng bằng Bắc Kỳ - Đường sông Hồng Hà) levée en 1873-74-75. Dépôt des cartes et plans de la Marine.1877. Corrections essentielles en Sept. 1879.

d. 3925 - Entrée de la rivière de Long Muon. Plan levé en 1880. Dépôt des cartes et plans de la Marine. 1882 – Les fonds paraissent avoir considérablement changés. – Decidé 1913.

đ. 3553 - Des rivières et canaux compris entre le Cua Nam Trieu et le Thai Binh (Những sông rạch ở giữa cửa Nam Triệu và sông Thái Bình). Levée en 1873-74-75 – Dépôt des cartes et plans de la Marine – Paris – 1877. – Edition de Juillet 1526. (có bản đồ TP. Hải Phòng).

e. 5562 - De Pak Ha Mun aux iles de Lo Chuc San d’après les levés exécutés de 1912 à 1937. – Service hydrographique de la Marine. Paris – 1921. – Juillet 1939. Edition No.3. (đảo Kế Bào, đảo Cái Bàn).

g. 5856 - De l’ile de la Cat Ba à Pak Hoi d’après les levés exécutés en 1880 et de 1912 à 1939. Service hydrographique de la Marine. Paris – 1949. Edition No.2 – Juin 1949 – (Vịnh Hạ Long).

h. 5549 - De la baie d’Halong à Pak Ha Mun d’après les levés exécutés de 1905 à 1938 – Service hydrographique de la Marine. Paris – 1920. – Mai 1944. Edition No 4.

i. 5826 - De l’ile de Lo Chuc San au cap Pak Luong. Carte levée de 1912 à 1934. – Service hydrographique de la Marine. Paris – 1937.

k. 3519 - Delta du Tonkin (Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình) d’après les travaux des missions hydrographiques de 1873 à 1930. Dépôt des cartes et plans de la Marine. – Paris. 1877. Octobre 1932. Edition No.4. Remplacement Juin 1956.

l. 5539 - De Haiphong à la baie d’Halong d’après les levés de 1905 à 1934. Service hydrographique de la Marine – Paris. 1920 Février 1946. Edition No.6. Remplacement Février 1956.

m. 5659 - Du cap Batangan au cap Tourane. Carte levée en 1922 et 1925. Service hydrographique de la Marine. – Paris – 1929. – Remplacement Avril 1945.

n. 5661 - Cu lao Cham et entrée de la rivière de Fai Fo. Levé en 1922.

o. 5660 - De Cu Lao Cham à Huế. Carte levée en 1908 – 1914 – 1922 – 1938. Service hydrographique de la Marine. – Paris – 1928. – Février 1942. Edition No.2.

p. 5898 - De Hon Matt à Hon Né (Phủ Diễn Châu – Thanh Hoá). Carte levée de 1924 à 1939. Service hydrographique de la Marine. Paris – 1946. Novembre 1947. Edition No.2.

q. 5899 - De Hon Tseu à Hon Matt (Nghệ An). Carte levée en 1924 et de 1937 à 1939. Service hydrographique de la Marine. Paris – 1946. Septembre – 1946. Edition No.2.

r. 658 - De Nui Ong à la baie du Brandon (TP. Vinh). Carte levée en 1924 – 1927 – 1937. Service hydrographique de la Marine. Paris – 1928. – Février 1943. Edition No.3.

s. 5850 - De l’ile du Tigre au cap Chon May Environ de Huế. Carte levée en Mai 1878. Service hydrographique de la Marine. – Paris 1881. – Juillet 1943. Edition No.4.

t. 5684 - Du cap Batangan à la pointe Happoix (Cù lao Ré) d’après le levé exécuté en 1925. Service hydrographique de la Marine. – Paris. 1928. – Remplacement Mars 1945.

u. 3865 - De l’ile Hon Tseu au cap Lay (Đồng Hới). Carte levée en Mai 1878. Service hydrographique de la Marine. – Paris. 1881. – Janvier 1946. Edition No.3. Remplacement Mai 1956.

v. 5463 - Baie de Tourane (Vịnh Đà Nẵng). Plan levé en 1908. Service hydrographique de la Marine. – Paris – 1913. – Avril 1956. Edition No.4.

x. 5427 - Baie de Cam Ranh. Plan levé en 1907 et 1909. Service hydrographique de la Marine. – Paris 1913. – Mai 1935. Edition No.2. Remplacement Novembre 1960.

y. 5889 - De l’ile Buffle au cap Batangan (Bồng Sơn – Cù lao Ré). Carte levée de 1925 à 1937. Service hydrographique de la Marine. – Paris – 1939.

z1. 5857 - De la baie de Cam Ranh au cap Varella. Carte levée de 1907 à 1913 et de 1923 à 1933. Service hydrographique de la Marine. – Paris – 1943.

z2. 5655 - De Mui Ban Than (Cap Vert) à Mui Nay (Cap Varella). Carte levée en 1923. Service hydrographique de la Marine. Paris.1928. Remplacement de Juin 1945.

z3. 5564 - De la pointe Hon Nai à Mui Ban Than (Cap Vert). Cette carte levée de 1910 à 1913. - Service hydrographique de la Marine. – Paris –1922. – Edition de 1927. Remplacement de Mai 1945. (Nha Trang).

z4. 5695 - De la pointe Ké Ga au cap Padaran. Carte levée de 1911 à 1929. - Service hydrographique de la Marine. – Paris –1930. – Octobre 1932. Edition No.2.

z5. 5892 - De la pointe Samit à Tian Moi (Ile à l’eau). Carte levée de 1906 à 1907 et de 1936 à 1939. Service hydrographique de la Marine. – Paris –1943. – Remplacement Janvier 1956.

IV. – NHỮNG BẢN ĐỒ TRÍCH SÁCH ĐỊA LÝ QUỐC TẾ CÓ VẼ VIỆT NAM VỚI HOÀNG SA – TRƯỜNG SA VÀ GHI BỜ BIỂN LÀ Ở VIỆT NAM.

1. 1525 – 1527 – 1529 - Diogo Ribeiro - Bờ biển Việt Nam và Biển Đông.

2. 1527 - Diogo Ribeiro.

3. 1529 - Diogo Ribeiro.

4. 1529 - Vô danh.

5. 1560 - Bartholomeu Velho.

6. 1560 - Trích Livro da marinharia.

7. 1563 - Lazaro Luis.

8. 1563 - G.B Ramusio.

9. 1587 - Vô danh.

10. 1590 - Tác giả Bồ Đào Nha.

11. 1590 - Bartolomeu Lasso.

12. 1590 - Fernão Vaz Dourado.

13. 1592 - 94 - Bartolomeu Lasso.

14. 1595 - Anh em Van Langren.

15. 1604 - Josua Van Den Ende.

16. 1613 - Mercator.

17. 1617 - Vô danh.

18. 1620 - Kaerius Calavit (?).

19. 1630 - Juão Teixeira.

20. 1639 - Juão Teixeira.

21. 1640 - Juão Teixeira – Albermaz.

22. 1641 - Antonio Sanches.

23. 1646 - Vô danh.

24. 1650 - Alexandre de Rhodes.

25. 1659 - 1659 - Công ty Thương mại Viễn đông (La Hage).

26. 1649 - 1664 - Juão Teixeira.

27. 1665 - Richard B.Arkwan.

28. 1686 - Père Duval.

29. 1714 - P. Placide.

30. 1716 - Herman Moll.

31. 1719 - Henri Chaatelin.

32. 1755 - Danville.

33. 1789 - André Coué.

34. 1793 - Staunton.

35. 1840 - Annales de la Propagation de la Foi.

36. 1886 - Atlas des Missions.

V. NHỮNG BẢN ĐỒ CỔ THẾ GIỚI ĐÃ VẼ ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM VỚI BIỂN ĐÔNG VÀ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA – TRƯỜNG SA.

Ba mươi bản đồ thế giới cổ của Tây phương (1489 – 1697) mà chúng tôi sưu tầm được, thì từ tấm bản đồ thứ 4 từ năm 1507 đều có ghi vẽ đất nước ta với Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Tuỳ theo cách phát âm của mỗi tác giả vẽ bản đồ mà ghi tên nước ta. Có bản đồ ghi Cauchi tức Giao Chỉ, hoặc các dạng tự khác như Cochi, Cachi, Cachu, Cochin đều biểu hiện nguyên âm Giao Chỉ. Sau thấy bên Ấn Độ có thành phố tên là Cochin, nên người ta gọi nước ta là Giao Chỉ gần Chi Na và ghi thành Cauchichina, Cauchinchina, Cachuchina, Conchinchina, Cochinchina, Cochinchine, vv…

Tất cả các bản đồ cổ Tây phương vẽ đã khá chính xác theo kinh tuyến và vĩ tuyến. Phía Đông nước ta là Thái Bình Dương. Ngoài khơi họ luôn ghi nhận quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa với địa danh Pracel hay Parasel hoặc tương tự và trên bờ biển Quảng Nam – Quảng Ngãi luôn được ghi nhận là Costa da Paracel (bờ biển Hoàng Sa). Đó là cách mạc nhiên thế giới nhận Hoàng Sa – Trường Sa đích thực thuộc chủ quyền Đại Việt ít nhất từ 5 thế kỷ nay.

Lần đầu tiên trên bản đồ Frères Van Langren 1595, chúng ta thấy Đại Việt chia ra 2 miền: Đàng Ngoài được Tây phương ghi là Tungkin (Đông Kinh, tên thành Thăng Long từ 1430) và Đàng Trong được ghi là Cochinchina (Giao Chỉ gần Chi Na, 1 địa danh cũ chỉ toàn quốc Đại Việt).

Sau đây là 30 bản đồ thế giới cổ đáng ghi nhận:

1. 1489 - Henricus Matellus Germanus

2. 1500 - Juan de la Cosa

3. 1504 - Nicolo Caveri

4. 1507 - Johannes Ruysch Cauchia Ciamba Candur

5. 1519 - Lopo Homem – Pedro Reinel

6. 1524 - Juan Vespucci Catigara

7. 1526 - Catigara

8. 1529 - Gerolamo de Verrazzano

9. 1534 - Diego Ribeiro

10. 1544 - Sesbastien Cabot Cinpàgu Cauchichina Caudur

11. 1548 - Giacomo Gastaldi India Tercera Nova Tabula Comchechina

12. 1550 - Pierre Desceliers

13. 1551 - Andreas Homen Pracel

14. 1554 - G.B.Ramusio Cochinchina

15. 1564 - Abraham Ortelius Cauchinchina

16. 1569 - Geradus Mercator Cachuchina

17. 1587 - Vô danh Nova Tottus Orbis Terrarum Descriptio

18. 1589 - Jodocus Hondius Cachuchina

19. 1590 - Vô danh Planisphère Portugais Pracel

20. 1606 - Jodocus Hondius Cochinchina Pracel

21. 1634 - Jean Guirard

22. 1634 - Jean Guérard Pracel

23. 1635 - Paulus Swaen Pracel

24. 1641 - Antonio Sanches Cauchinchia Pracel

25. 1664 - Hendrik Doneker India Orientalis Cachuchina Pracel

26. 1664 - Melchisédech Thévenot Pracel

27. 1675 - John Seller Pracel

28. 1680 - Abraham Goos Pracel

29. 1685 - Alexis Jaillot Cauchinchina Pracel

30. 1697 - Jean Blacu Conchinchina Tonquin Pracel

VI. HAI MƯƠI BẢY TỈNH VÀ THÀNH PHỐ HIỆN NAY CÓ THỀM LỤC ĐỊA GIÁP BIỂN ĐÔNG.

Để so sánh với các bản đồ cổ thực hiện trên một trăm năm nay, chúng ta có 2 tỉnh có thềm lục địa giáp với Biển Đông như sau:

Quảng Ninh TP. Hải Phòng Nam Định Thái Bình

Ninh Bình Thanh Hoá Nghệ An Hà Tĩnh

Quảng Bình Quảng Trị Thừa Thiên – Huế TP. Đà Nẵng

Quảng Nam Quảng Ngãi (huyện đảo Trường Sa) Bình Định Phú Yên

Khánh Hoà (huyện đảo Trường Sa) Ninh Thuận Bình Thuận TP. HCM

Bà Rịa-Vũng Tàu Bến Tre Trà Vinh Sóc Trăng

Bạc Liêu Cà Mau Kiên Giang (9).

*

* *

Với những tư liệu trên – tuy chưa được hoàn toàn đầy đủ - hy vọng chúng ta sẽ có được khái niệm đầy đủ về thềm lục địa, hải đảo và Biển Đông của Việt Nam. Chúng ta sẽ nắm bắt được lịch sử biến chuyển về địa lý tự nhiên và địa lý hành chính của phần biển khơi – rộng 1 triệu km2 – gấp 3 lần đất liền của Tổ quốc. Có lẽ những tư liệu nêu trên cũng góp phần nghiên cứu cụ thể và sâu sắc phần biển và đảo vĩ đại và thân yêu của dân tộc Việt Nam.


_____________________________________

(1) Bửu Cầm, Đỗ Văn Anh, Phạm Huy Thuý, Tạ Quang Phát, Trương Bửu Lâm, Hồng Đức bản đồ. Tủ sách Viện Khảo cổ. BQGGD. Sài Gòn, 1962. Trang IX.\

(2) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục. Tập 1. Lê Xuân Giáo dịch. NXB PQVK-VH. Sài Gòn, 1972. Trang 210 – 212.

(3) Quốc sử quán, Đại Nam thực lục. NXB Sử Học. Hà Nội, 1963. Trang 245.

(4) Như trên, trang 323.

(5) Như trên, trang 324.

(6) Như trên, tập XIII, trang 52 – 53.

(7) Như trên, Tập XIV, trang 180 – 181

(8) Như trên, Tập XVI, trang 309.

(9) Tập bản đồ hành chính Việt Nam. NXB Bản Đồ.

[1] Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, thì cả người Trung Quốc xưa kia cũng gọi vùng biển này là “Biên Giao Chỉ”, còn người Pháp goị là “Đông Dương”, nghĩa là Biển Đông.

NHỮNG BÀI CẦN ĐỌC :
[1] nt
[2] nt
[3] Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên vùng Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa -- Bài Đinh Kim Phúc
[4] Biển, đảo Việt Nam và quy chế pháp lý của nó -- Bài của LS. TS. Phan Đăng Thanh [5] Thủy quân nhà Nguyễn bắt đầu năm 1816 đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa theo phương cách Phương Tây -- Bài của TS Nguyễn Nhã
[6] Vai trò của Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn đồi với Hoàng Sa và Trường Sa -- Bài Nguyễn Q. Thắng
[7} nt

Không có nhận xét nào: